Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

tư tưởng hồ chí minh về kết hợp đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (73.17 KB, 4 trang )

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội
14:31 | 23/08/2007
Suốt 24 năm ở cương vị đứng đầu Nhà nước (1945 - 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một
mẫu mực tuyệt vời của sự kết hợp đạo đức và pháp luật, chú trọng giáo dục đạo đức đi đôi với
không ngừng tăng cường vai trò, sức mạnh của luật pháp. Đây chính là một nét đặc sắc trong tư
tưởng, phong cách Hồ Chí Minh về Nhà nước, pháp luật và về quản lý xã hội.
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao tư cách người cách mạng. Người đã dày công đào luyện đội
ngũ cán bộ vừa biết trọn đời hy sinh cho lý tưởng cao đẹp, vừa biết gắn bó máu thịt với nhân dân và hòa
mình vào cuộc đấu tranh vì nhân loại tiến bộ; đồng thời biết sống một cuộc sống giản dị và trong sạch. Khi
giành được chính quyền về tay nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
nhanh chóng xác lập được địa vị pháp lý hợp hiến của chính quyền dân chủ nhân dân, từng bước xây dựng
một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, và vì dân; đưa những giá trị đạo đức, nhân văn hòa quyện
trong pháp luật Việt Nam, và làm cho nó có hiệu lực trong thực tế.
1 - Tư tưởng và tấm gương mẫu mực về sự kết hợp đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội
Đạo đức và pháp luật đều là hai hình thái ý thức xã hội, thuộc hai lĩnh vực khác nhau. Trong lịch sử trị quốc,
bình thiên hạ; hay hiểu theo cách nói ngày nay là quản lý nhà nước, quản lý xã hội cũng đã có những người,
những trường phái, những chủ thuyết tìm cách tuyệt đối hóa địa vị độc tôn của từng yếu tố riêng lẻ. Chẳng
hạn, thuyết "nhân trị" của Khổng Tử khác với thuyết "pháp trị" của Tuân Tử, Lý Tư, Hàn Phi Tử Nhưng, nói
chung những đấng minh quân được coi là thành công trong sự nghiệp trị nước đều là những người vừa tôn
Nho vừa trọng Pháp, vừa biết kết hợp giáo dục đạo đức với tăng cường pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh là
một người như thế ở tính kế thừa những tinh hoa quản lý đất nước của loài người, và hơn thế ở tính sáng
tạo độc đáo, riêng có của Người. Người là mẫu mực của sự chú trọng giáo dục đạo đức và cũng không
ngừng tăng cường vai trò của pháp luật.
Tinh thần và phương pháp xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý nhà nước,
quản lý xã hội là sự kết hợp hài hòa đạo đức và pháp luật. Giữa đạo đức và pháp luật có mối quan hệ
khăng khít với nhau. Pháp luật bao giờ cũng là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức nào
đó nhằm biến nó thành thói quen, nếp sống. Chuẩn mực càng khó bao nhiêu, càng rộng, thậm chí trừu
tượng, khó định lượng bao nhiêu thì vai trò của pháp luật càng quan trọng bấy nhiêu. Có lẽ, cũng do vậy,
pháp luật được coi là đạo đức tối thiểu, còn đạo đức được coi là pháp luật tối đa. Vì có những vi phạm đạo
đức mà pháp luật không thể xét xử nhưng con người vẫn không thoát khỏi sự trừng phạt của lương tâm, dư
luận.


Tìm được những điểm tương giao trong mối quan hệ qua lại giữa đạo đức và pháp luật để kết hợp và xử lý
vấn đề; đó cũng là nét rất tinh tế, độc đáo ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ta còn nhớ xung quanh vụ
"xìcăngđan" mang hàng buôn lậu của Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Kinh tế Chính phủ liên hiệp kháng chiến
nhân chuyến đi Phông-ten-nơ-blô (Pháp, năm1946), dư luận xì xào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ thái độ kiên
quyết ngay từ ngày 3-10-1946 trong Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa đầu tiên. Người nói: Chính phủ hiện
thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở
các ủy ban làng đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao, Chính phủ đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương
không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị(1). Người thường căn dặn cán bộ các cấp: "Các cơ quan của Chính
phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ
không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải
hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh."(2). Biết rõ khi có Nhà nước, cần phải đề phòng
những khuyết tật nảy sinh như là một thuộc tính của nó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng sự quan
tâm, giáo dục của Người vào những cán bộ có chức, có quyền mắc những căn bệnh như trái phép, cậy
thế, hủ hóa, chia rẽ, tư túng, tham ô, lãng phí Người đòi hỏi cán bộ phải: cần kiệm liêm chính, chí công vô
tư, và ghi sâu những chữ "công bình, chính trực" vào lòng. Người biểu dương những cán bộ tốt và cũng tỏ
thái độ rất nghiêm khắc với những tệ nạn như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, chia rẽ, tư túng, tham ô, lãng phí.
Người nhấn mạnh: "Ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa
thì Chính phủ sẽ không khoan dung"(3). Và vụ án Trần Dụ Châu là một minh chứng cho điều ấy.
Có thể khẳng định một lần nữa rằng, mặc dù luôn đề cao giáo dục đạo đức nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh
cũng không ngừng tăng cường sức mạnh pháp luật. Theo Người, nếu chỉ đơn thuần giáo dục đạo đức thì
không thể giải quyết được tệ nạn xã hội. Ví như tệ tham nhũng - một căn bệnh vốn xuất hiện từ rất sớm
cùng với sự xuất hiện của Nhà nước và tầng lớp cầm quyền; nếu chỉ đơn thuần kêu gọi đạo đức thì không
thể giải quyết được tệ nạn này. Hồ Chí Minh yêu cầu: Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm,
bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ
tham lam là có tội với nước, với dân; phải nghiêm trị. Người viết nhiều bài trên báo Cứu quốc với bút danh
Chiến Thắng, thường xuyên phê bình, nhắc nhở cán bộ phải nhớ rằng mình là đầy tớ dân chứ không phải
những ông quan cách mạng, phải chống chuyên quyền, độc đoán, dĩ công, dinh tư. Chính Người đã đề ra,
công bố và duy trì lịch tiếp dân. Bản thân Người gương mẫu thực hiện. Người cũng công khai viết bài tự phê
bình vạch rõ những thành công và khuyết điểm của Chính phủ do Người đứng đầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc rằng, trong việc xây dựng Nhà nước kiểu mới, tấm gương đạo đức của

các bậc lãnh đạo, của các nhà cầm quyền có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nhân dân sẽ noi theo gương đó mà
hành động, ứng xử. Vì vậy, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ phải chăm lo giữ gìn đạo đức trong cuộc
sống và công tác. Người thường nói: đời sống của dân ta còn khổ, người cách mạng không thể có cuộc
sống khác. Nhớ ngày ở Bắc Bộ phủ, những người giúp việc dọn mâm cơm để Người ăn riêng, Người không
đồng ý mà yêu cầu được ngồi cùng ăn với anh em bảo vệ, cấp dưỡng, lái xe. Bữa ăn thường đạm bạc, phần
nhiều là rau muống với đậu phụ kho, thỉnh thoảng có ít thịt. Đang ăn, nếu có cán bộ đến báo cáo công việc,
Người kéo vào cùng ăn, vừa ăn vừa tranh thủ nghe báo cáo tình hình. Là một vị lãnh tụ của quần chúng,
Chủ tịch Hồ Chí Minh không bỏ lỡ một dịp nào có thể gặp gỡ được nhân dân, trò truyện với quần chúng để
tìm hiểu, lắng nghe, kiểm chứng hay đưa ra những lời khuyên bảo, góp ý, hoặc nhắc nhở thân tình. Dẫu bận
trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian đi một số địa phương, thăm hỏi mỗi nhà, tặng quà các cụ
già, ân cần trìu mến đàn cháu nhỏ Với những nơi xa, Người thường viết thư để hướng dẫn, động viên, hay
khích lệ mọi người tham gia vào các công việc ích nước, lợi dân.
Nhờ sự tận tình chỉ bảo và tấm gương cao đẹp của của Người, cán bộ, công chức các cấp đã nhanh chóng
khắc phục được những sai sót buổi đầu, trưởng thành dần trong công tác, từng bước góp phần khẳng định
bản chất tốt đẹp của chính quyền; được toàn dân thừa nhận là Nhà nước của dân, tổ chức toàn dân đấu
tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, cơm áo, hạnh phúc của nhân dân, ở
đâu cũng được nhân dân chở che và ủng hộ.
2 - Tăng cường giáo dục đạo đức, nâng cao hiệu lực pháp luật trong quản lý xã hội theo tư tưởng Hồ
Chí Minh
Thời cuộc hiện nay đã có những đổi thay, con thuyền Việt Nam cần ra biển lớn; diện mạo đất nước, xã hội
và con người đang từng ngày đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử,
chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp. Xã hội chúng ta chưa đạt tới một trình độ xã hội công
nghiệp hiện đại. Tâm lý, nếp sống của người sản xuất nhỏ vẫn còn khá phổ biến. Đây đó, dấu ấn phong kiến
vẫn còn" phép vua thua lệ làng", nặng về hình, nhẹ về luật nên ý thức tôn trọng luật và sống theo luật cũng
chưa trở thành thói quen, nền nếp. Vì thế, "nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt" (4).
Đặc biệt, "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn đang diễn ra nghiêm trọng chưa được ngăn
chặn có hiệu quả"(5). Trong khi đó, việc xây dựng và thực hiện pháp luật tuy phần nào đã đáp ứng được nhu
cầu của sự phát triển nhưng cũng có tình hình vừa thừa vừa thiếu. Luật ban hành nhiều nhưng chưa đủ,
thiếu đồng bộ, chưa bao quát được mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung luật pháp còn chồng chéo,

thậm chí mâu thuẫn, chất lượng thấp. Đặc biệt việc tổ chức thực hiện pháp luật kém, thi hành luật không
nghiêm, có nhiều sai phạm cả cố ý và vô ý; hoặc trong một số trường hợp có luật nhưng không được thực
thi (chẳng hạn Luật An toàn giao thông). Pháp luật nước ta chưa làm tròn chức năng răn đe, ngăn ngừa,
"phòng bệnh" mà phần lớn chỉ sử dụng như một công cụ để xử lý vi phạm.
Trong khi nhu cầu về luật và đời sống pháp luật còn nhiều bức xúc; dường như con người ta ai cũng luôn
đòi hỏi có quy định đi sát mình mỗi khi đụng chạm đến vấn đề cần giải quyết. Không chỉ dừng lại ở mặt trận
chống tội phạm và hình phạt, ở các quan hệ lợi ích, tài sản, quốc tịch, bang giao mà luật pháp thời nay đã
vươn rộng ra đến tận cánh đồng với các quy định chặt chẽ về giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, vật
nuôi hoặc xa hơn cùng các ngư dân đánh bắt xa bờ. Và con thuyền Việt Nam ra trùng khơi cũng cần phải có
ra-đa định vị. Trước thực trạng ấy, chúng ta tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh những giá trị hàm chứa ở
tinh thần, phương pháp, nguyên tắc (xây dựng), ở những hạt nhân hợp lý trong rất nhiều nội dung vừa cơ
bản vừa cụ thể và nóng hổi tính thời sự. Phải kế thừa và phát triển sáng tạo những di sản tư tưởng quý giá
đó của Người. Thiết nghĩ, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của đạo đức, pháp luật và sự kết hợp giữa
chúng trong quản lý xã hội
Trước những biến động của xã hội và thị trường, giữ gìn và rộng mở, kế thừa và tiếp biến , thì đạo đức
cũng vận động theo nhiều chiều cạnh: tích cực, tiêu cực hoặc trung dung; đồng thời pháp luật đòi hỏi ngày
càng cao vừa ở tầm phổ quát, ở khung khổ định hướng vừa điều chỉnh những hành động cụ thể của đời
sống con người. Mặc dù không phải lúc nào yếu tố đạo đức của người thực hành pháp luật cũng có thể
nhận biết được, song sự hiện hữu của nó trong từng hành vi, từng quan hệ pháp luật, kể cả trong vùng ý
thức, tư duy, tư tưởng và triết lý luật pháp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị
trường và cạnh tranh gay gắt, nếu chỉ hô hào chung chung về lương tâm, đạo đức mà không gắn với giáo
dục và thực thi pháp luật, hoặc chỉ dùng sức mạnh cưỡng chế lạnh lùng của luật pháp với bản chất đúng
nghĩa của nó là có giới hạn thì sẽ không thể điều chỉnh, kiểm soát được mọi hành vi của con người.
Mong muốn của chúng ta là làm cho cái tốt đẹp đè bẹp cái xấu xa, cái thiện đẩy lùi cái ác, cái chính chiến
thắng cái tà, nghĩa là làm cho các giá trị đạo đức - "cái thực sự người" ngày càng phổ biến. Đây không phải
là câu chuyện ngẫu nhiên, bẩm sinh mà là cả quá trình giáo dưỡng và rèn luyện. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí
Minh từng viết: "Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên"(6). Phát huy vai trò của đạo
đức gắn kết với pháp luật chính là một trong những phương cách tốt nhất để tăng thêm sức mạnh, khắc
phục những điểm yếu, những hạn chế nội tại, nhân thân của đạo đức và pháp luật trong Nhà nước pháp

quyền xã hội chủ nghĩa. Điều quan trọng và có ích chính là ở chỗ, con người không chỉ nuôi lớn những khát
vọng mà còn cần cảm nhận thực tế và có động lực để thực hành một nền pháp luật trong một Nhà nước
pháp quyền đích thực của dân, do dân và vì dân - nền pháp luật của đạo đức. Nói theo tinh thần của Hồ Chí
Minh: Nhà nước ấy phải làm sao giáo dục cho nhân dân biết sử dụng các quyền của mình, dám nói, dám
làm trong khuôn khổ pháp luật.
Thứ hai, đưa các chuẩn mực đạo đức cơ bản vào nội dung các văn bản pháp luật.
Trong thực tế cuộc sống, nếu ở đâu thiếu luật, hoặc luật không đủ bao quát mọi lĩnh vực của đời sống xã hội
thì ở đó, lấy đạo đức, lấy dư luận xã hội để điều chỉnh. Điều ấy tuy có tác dụng nhất định, nhưng quả thực
thiếu "độ" mạnh, thiếu tính răn đe cần thiết, đặc biệt là đối với những bộ phận tiêu cực trong một cơ chế:
"Tìm lợi nhuận, nhiều hơn tận tâm". Vì vậy, một mặt đề cao đạo đức sẽ góp phần đắc lực hạn chế những
khiếm khuyết của pháp luật; mặt khác, phải đưa những chuẩn mực đạo đức mới vào pháp luật, luật hóa
những chuẩn mực đạo đức đó để pháp luật thực sự là một công cụ hữu hiệu bảo vệ và phát triển đạo đức.
Nói một cách khác, trong sự kết hợp thống nhất biện chứng giữa đạo đức và pháp luật thì đạo đức với sự
giáo dục, thuyết phục sẽ tăng sức lan tỏa lâu bền, pháp luật với sức mạnh cưỡng chế sẽ tạo nên xung lực
mới. Lúc này hơn lúc nào hết là phát huy cao độ những phẩm chất đạo đức mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
nêu bằng việc tập trung luật hóa cho được những phẩm chất cụ thể sau đây:
- Trung với nước, với Đảng, hiếu với dân; hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
- Yêu thương con người, sống có tình nghĩa, có tinh thần quốc tế trong sáng.
- Cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư.
Có thể coi, ba phẩm chất nêu trên cũng là ba chuẩn mực hết sức cơ bản để xây dựng nền đạo đức mới theo
tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều cần thiết và không giản đơn là phải vận dụng nó như thế nào trong thực tế hiện
nay?. Người ta không thể không nghĩ ngay đến vấn đề đối tượng điều chỉnh của cả đạo đức và pháp luật.
Đây chính là điểm chung, điểm "đồng", điểm giao nhau giữa hai lĩnh vực, hai hình thái ý thức (mà ta đề cập).
Ba chuẩn mực đó về cơ bản là tiêu chí đạo đức chung, nền tảng cần được luật hóa rõ hơn nữa trong các
đạo luật cơ bản, trong Hiến pháp: (phần về Nghĩa vụ công dân). Nghĩa vụ đó, trước hết phải nói đến lý
tưởng và đạo đức - (trung với nước, trung với Đảng, với lý tưởng cao đẹp của Đảng), đó là cái gốc của con
người mới, của người công dân mới. Bởi vì nếu thiếu nền tảng đó, con người sẽ không đủ ý chí, nghị lực,
sức mạnh vượt qua những thách thức và biến động khó lường để hoàn thành nhiệm vụ.
Con người mới, người công dân mới phải là con người nhân ái sống có tình, có nghĩa, yêu thương ông bà,
cha mẹ, anh chị em, có tình làng nghĩa xóm. Như Bác Hồ đã khẳng định: "Nhân dân ta từ lâu đã sống với

nhau có tình có nghĩa như thế. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở
thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu, bốn biển một nhà"(7). Tuy nhiên, cũng trong các
tiêu chí ấy, có những nội dung, được điều chỉnh bởi những luật, văn bản luật, pháp lệnh với mỗi đối tượng
cụ thể. Chẳng hạn, "hết lòng hết sức phục vụ nhân dân" trong Luật Công chức, Luật Quốc phòng, Luật Công
an, An ninh nhân dân. "Sống có tình nghĩa" trong Luật Hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, trong đời sống sinh
hoạt thường ngày, từ trước đến nay những giải thích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "cần, kiệm, liêm, chính,
chí công, vô tư" đã là rất rõ ràng và đầy đủ; nhưng cần nhìn nhận và vận dụng bằng tư duy biện chứng phù
hợp với hoàn cảnh hiện nay. Không thể chỉ giơ tay hô hào hay khuyến nghị chung chung, cứng nhắc trước
thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thanh niên và quần chúng xuống cấp về đạo đức,
thiếu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Sự thực là họ đã và đang đi ngược lại với ý nghĩa của các khái
niệm này. Đó chính là họ đã mắc phải các bệnh lười biếng (đối nghịch với cần), xa hoa lãng phí (đối nghịch
với kiệm), quan liêu tham nhũng, cơ hội (mà Hồ Chí Minh gọi là hoạt đầu, hiếu danh, kiêu ngạo, óc lãnh tụ,
cục bộ bè phái, cận thị, hẹp hòi, chia rẽ đoàn kết, khuất tất thiếu minh bạch v.v. và v.v. - đối nghịch với liêm,
chính, chí công, vô tư).
Suy cho cùng, căn nguyên sâu xa của các bệnh này chính là cá nhân chủ nghĩa, làm cái gì cũng chỉ nghĩ
đến mình, ham muốn vật chất và quá nhiều tham vọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, những người
có thói hư tật xấu là do cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra. "Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc,
do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm"(8). Theo Người là phải chống kiên quyết và triệt để, phải tiêu
diệt nó. Cần tăng cường mạnh mẽ và cụ thể hơn trong các Luật Phòng chống Tham nhũng, Luật Thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Hải quan, Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự, Luật Hình sự, các luật và pháp
lệnh liên quan, các quy phạm pháp luật.
Có như vậy, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới thể hiện được tính nhất
quán trong vận dụng và kết hợp các nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng và phong cách Hồ Chí
Minh: xây đi đôi với chống, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Xin
nhấn mạnh thêm rằng, cần vận dụng các nguyên tắc này trong hoạt động làm luật và quan trọng hơn là đưa
pháp luật vào cuộc sống. Cấp thiết là một số vấn đề đang còn nổi cộm hiện nay như chống tham nhũng,
giảm thiểu tai nạn giao thông, cải cách hành chính.
Thứ ba, bắt đầu ngay một lộ trình xây dựng và thực hiện sự kết hợp đạo đức và pháp luật.
Một là, cần chuyên nghiệp hóa hoạt động của cơ quan lập pháp - Quốc hội, để bảo đảm chất lượng của các
văn bản luật được ban hành. Muốn vậy, phải có một tỷ lệ cần và đủ đội ngũ những người làm luật hiểu sâu

và gương mẫu thực hành tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đồng thời tinh thông chuyên môn nghiệp vụ và kỹ
thuật làm luật.
Hai là, các văn bản luật nói chung, trong đó có các văn bản xây dựng theo hướng nêu trên; trước khi đưa
vào cuộc sống cần thông qua một cuộc trưng cầu dân ý để điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết.
Ba là, cần có cơ chế và công nghệ truyền thông, giáo dục pháp luật trong nhân dân để nhân dân hiểu và tự
giác thực hiện. Cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật vừa phổ thông đại chúng, vừa hấp dẫn, lôi
cuốn theo phương châm: ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hành.
Bốn là, cần có cơ chế giám sát, bảo đảm tính nghiêm minh tuyệt đối trong việc chấp hành pháp luật. Mọi
công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Năm là, xây dựng lối sống, lao động, học tập và hành xử theo pháp luật - một nền pháp luật thấm đẫm
những giá trị của đạo đức theo tư tưởng và tấm gương mẫu mực: Hồ Chí Minh.
Theo Hoàng Văn Tuệ, Tạp chí Cộng sản

×