Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

BÀI THUYẾT MINH về CHÙA THIÊN mụ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (79.18 KB, 12 trang )

BÀI THUYẾT MINH VỀ CHÙA THIÊN MỤ
Kính chào toàn thể Qúy khách (hoặc đoàn thể, công ty tên… ), chào
mừng Qúy khách đã đến với một trong những ngôi chùa cổ nhất, đẹp nhất
xứ Thành Kinh. Xin tự giới thiệu tôi là …… Thuyết minh viên tại
điểm…
Vâng! Nói đến Huế, người ta nghĩ đến ngay Quần thể di tích triều
Nguyễn với những đền đài, thành quách, miếu vũ, lăng tẩm tráng lệ. Và
Huế cũng là vùng đất Thiền kinh với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Ai đến
Huế mà chưa ghé thăm Chùa Thiên Mụ thì xem như chưa hiểu Huế, như
chưa đến Huế. Bởi lẽ đây là ngôi chùa đã có hơn 400 năm tuổi, qua bao
biến động đổi thay theo năm tháng. Chùa Thiên Mụ là một trong những
hình ảnh biểu trưng cho xứ Huế. Và tiếng chuông Thiên Mụ đã đi vào đời
sống văn hóa của người dân xứ Huế từ bao đời nay:
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.”
Thưa quý khách! Nơi chúng ta đang đứng đây chính là Thiên Mụ Tự,
được xây dựng trên đồi Hà Khê, bên tả ngạn sông Hương, cách trung tâm
thành phố Huế chừng 5km về phía Tây. Chúng ta có thể đến thăm Chùa
Thiên Mụ bằng đường bộ hoặc đường thủy, có thể đi bằng thuyền rồng
trên sông Hương.
Đã có nhiều câu chuyện nói về lịch sử của Chùa Thiên Mụ - nơi có sự
tích ra đời gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên
xứ Đàng Trong. Truyền thuyết kể rằng, khi vào Trấn thủ xứ Thuận Hóa,
chúa Nguyễn Hoàng (1558 – 1613) đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây
nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho
dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông
Hương ngược lên phía đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên
bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang
quay đầu nhìn lại. Hỏi ra mới biết, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Người dân địa phương cho biết, nơi đây có một bà lão mặc áo đỏ quần
lục thường xuất hiện trên đồi và nói với mọi người rằng “Rồi đây sẽ có


một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho
nước Nam hùng mạnh”. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ Sơn
(núi Thiên Mụ). Tư tưởng lớn của chúa Nguyễn Hoàng dường như cùng
bắt kịp được với ý nguyện của dân chúng. Ông cho dựng một ngôi chùa
trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là “Thiên Mụ Tự” (chùa
Thiên Mụ) để nhớ tới bà tiên nhà trời trong lời kể của người dân.
Trong thực tế, ở đây đã từng tồn tại một ngôi chùa của người Chăm – di
tích được nhắc đến trong Ô châu cận lục của Dương Văn An vào năm
1553. Nhưng phải đến năm 1601 với quyết định của chúa Nguyễn Hoàng,
chùa Thiên Mụ mới chính thức được xây dựng.
Theo đà phát triển và hưng thịnh của phật giáo xứ Đàng Trong, chùa
được xây dựng lại quy mô hơn dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1619 –
1725). Năm 1710 chúa cho đúc một chiếc chuông lớn có khắc một bài
minh trên đó. Đến năm 1714, Chúa lại cho trùng tu lại ngôi chùa với hàng
chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện
Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền…mà
nhiều công trình trong số đó ngày nay không còn nữa. Đến thời các vua
Nguyễn chùa cũng được trùng tu vào các năm 1815 thời vua Gia Long và
vua Minh Mạng (1831), tiếp đến dưới thời vua Thiệu Trị, vua Thành Thái
và được tu sửa vào năm 1957 (điện Đại Hùng được thay thế bằng bê-tông
giả gỗ). Trong đợt đại trùng tu năm 2005 đến 2008, ngôi điện Đại Hùng
lại được làm lại bằng gỗ như trước.
Vâng, thưa đoàn! Tại sao Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là Linh Mụ (hay bà
mụ linh thiêng).
Chùa được đổi tên là Linh Mụ vào năm 1862 dưới thời vua Tự Đức. Cuộc
đời của vua Tự Đức thường gặp những điều không may mắn. Đất nước bị
quân thù dày xéo, để mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay Pháp, đặc biệt nỗi buồn
lớn nhất của ông là không có con. Cho nên ông sợ chữ “Thiên” là đụng
chạm đến húy Trời bị trời quở phạt. Nhà vua đã cho đổi tên thành chùa
Linh Mụ. Đến năm 1869 thấy cuộc đời của mình cũng không có gì thay

đổi vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Vì thế trong dân gian
người ta vẫn dùng cả hai tên khi nhắc đến chùa Thiên Mụ. Ngoài ra chữ
“Linh” đồng nghĩa vớ chữ “Thiên”, âm người Huế khi nói “Thiên” nghe
tựa “Thiêng” nên khi người Huế nói “Linh Mụ”, “Thiên Mụ” hay
“Thiêng Mụ” thì người nghe đều hiểu là muốn nhắc đến ngôi chùa này.
Với quy mô được mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, chùa Thiên Mụ đã trở
thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Trải qua bao sóng gió lịch sử,
chùa Thiên Mụ từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn
(khoảng năm 1788), rồi được trùng tu tái thiết nhiều lần dưới triều vua
nhà Nguyễn. Năm 1884, nhân dịp mừng lễ “bát thọ” (mừng sinh nhật thứ
80) của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (vợ vua Gia Long, bà nội của
vua Thiệu Trị), vua Thiệu Trị kiến trúc lại ngôi chùa một cách quy mô
hơn: Xây thêm tháp Từ Nhân (sau đổi là tháp Phước Duyên), đình Hương
Nguyện và dựng hai tấm bia ghi chép thơ văn của nhà vua.
Mặc dù ngôi chùa này được xây dựng ở thế kỷ XVII nhưng tổng thể kiến
trúc của ngôi chùa này lại chủ yếu được hoàn chỉnh dưới 3 đời vua
Nguyễn đó là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Từ trên cao nhìn xuống,
tổng thể kiến trúc của chùa Thiên Mụ giống hình con rùa đang nằm soi
bóng xuống dòng sông Hương. Toàn bộ kiến trúc của chùa nằm trên một
ngọn đồi hình chữ nhật chạy theo hướng Bắc Nam. Chùa Thiên Mụ được
bao quanh bằng tường đá xây hai vòng, bên trong được chia làm hai khu
vực:
Khu vực trước cửa Nghi Môn: Gồm có các công trình kiến trúc: Bến
thuyền đúc bê-tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng Tam quan là bốn
trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng Tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là
đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại là nền đất và bộ móng xây bằng đá
Thanh), sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch,
cao 7 tầng. Hai bên đình Hương Nguyện có hai lầu bia hình tứ giác (dựng
thời Thiệu Trị), lui về phía trong có hai lầu hình lục giác, một lầu để bia
và một lầu để chuông (dựng thời chúa Nguyễn Phúc Chu). Đây là những

công trình có tính chất lưu niệm (bia, tháp).
Khu vực phía trong cửa Nghi Môn: Gồm các điện Đại Hùng, điện Địa
Tạng, điện Quan Âm, nhà Trai, nhà khách, vườn hoa, phía sau là hồ nước
và vườn thông tĩnh mịch.
Nhìn từ dưới lên chúng ta có thể thấy công trình đầu tiên là 4 trụ biểu là
cổng vào chùa.
Chùa Thiên Mụ nhìn từ sông Hương
Phía sau 4 trụ biểu là nền của đình Hương Nguyện. Đình Hương Nguyện
được xây dựng vào năm Giáp Thìn (1844) và Ất Tỵ (1845) trùng với thời
gian xây dựng tháp Phước Duyên dưới thời vua Thiệu Trị. Sở dĩ bây giờ
đình chỉ còn lại phần nền là vì sau trận bão năm Thìn (1904) thổi qua
Kinh Thành Huế đã làm nhà cửa điện đài miếu mạo xung quanh Huế sụp
đổ rất nhiều. Tại chùa Thiên Mụ, điện Di Lặc phía sau và hai dãy điện
Thập Vương ở trước bị sập nát, nên vào năm 1907 khi tái thiết chùa
người ta đã cho dẹp những nhà này luôn. Tượng Di Lặc được di chuyển
ra trước tiền đường, hai chục tượng Thập Điện Minh Vương được chuyển
ra sau điện Quan Âm. Và bộ sườn của đình Hương Nguyện được chuyển
ra làm lại trên nền điện Di Lặc mà bây giờ là điện Địa Tạng. Nền Đình
được ghép bằng một loại đá ở xung quanh đó là đá Thanh, nền được lát
gạch Bát Tràng nhưng về sau đã bị cạy gỡ đem dùng vào nơi khác.
Ở hai bên đình Hương Nguyện là hai bi đình của vua Thiệu Trị. Đó là hai
nhà vuông xây gạch theo lối đúc cuốn dày, bốn mặt đều có khoét cửa tò
vò. Bi đình phía Đông chứa bia nói về việc xây dựng tháp Phước Duyên
nên thường gọi là bia “Ngự chế Thiên Mụ Tự Phước Duyên bảo tháp bi”.
Bi đình phía Tây chứa bia khắc thơ của vua Thiệu Trị vào những lúc
thăm viếng hoặc vịnh cảnh chùa Thiên Mụ mà nhà vua cho là cảnh đẹp
thứ 14 trong 20 thắng cảnh ở chốn Kinh Đô. Trên cả hai bia đều đề
“Thiệu Trị lục niên, tứ nguyệt cát nhật tạo”, nhằm tháng sáu năm Bính
Ngọ (1846). Kiến trúc của hai bi đình này rất giống nhau. Nền bi đình
hình vuông, dưới cùng có một lớp gạch vồ, nền được lát đá thanh. Phần

chính giữa nền ngày xưa lát bằng gạch Bát Tràng. Từ nền lên đến vách
cao hơn 2m. Cửa cuốn tò vò ở 4 mặt đều có chiều rộng giống nhau. Trong
hai bi đình này đều có hai tấm bia làm từ một tấm đá thanh. Đầu bia có
chạm rồng, mây. Bên dưới có một đường chạm hình hoa sen cánh
phượng. Từ đuôi rồng, những cánh hoa sen rẽ ra hai ngã cân đối. Nét chữ
của văn bia chạm lặn theo lối viết chân phương. Phần đầu bia giáp với
thân bia có hai tai ở hai bên. Dưới chân bia cũng có hai bia xòe ra và rộng
bằng tai bia. Kể từ chân lên đến đầu bia cao 1,78m.
Phía sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên, một biểu tượng nổi
tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21m, gồm 7 tầng, mỗi tầng
thờ một tượng Phật. Bảo tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong kiến trúc
và trong lịch sử chùa Thiên Mụ. Tháp được xây thời vua Thiệu Trị, cách
đây gần một thế kỷ rưỡi.
Tháp Phước Duyên
Vua Minh Mạng là người đã nghĩ ra việc xây dựng một ngôi tháp tại chùa
Thiên Mụ để tấn yểm cho Kinh thành song chưa thực hiện được thì nhà
vua đã băng hà, chỉ kịp để lại di ngôn cho người kế vị. Vua Thiệu Trị
(1841 – 1847) lên nối ngôi. Nhà vua đã cho xây ở Thiên Mụ một ngọn
tháp lớn 7 tầng gọi là Từ Nhân tháp, sau đổi lại là Phước Duyên Bửu
Tháp. Theo bia hiện còn ở chùa Thiên Mụ thì chính vua Thiệu Trị là
người đã vẽ nên đồ án kiến trúc tháp. Cứ như hình tháp hiện nay, người ta
thấy người vẽ họa đồ đã là một kiến trúc sư đại tài, vì tính chất cân đối,
kiên cố của ngôi tháp đã tỏ ra có thể chịu đựng bền bỉ với sức phá hoại
của thời gian và khí hậu miền nhiệt đới. Vẻ đẹp của ngôi tháp cũng đã tỏ
ra đây là một công trình kiến trúc mỹ thuật độc đáo. Ngày xưa, để kiến
trúc tháp Phước Duyên chắc chắn phải có một ê-kíp người chung góp ý,
mới có được đồ án như vậy. Bởi vào thời đó ông cha ta làm gì tính được
lượng giác học, trọng lực và trọng lượng khối gạch đá đồ sộ ấy sẽ có một
độ nén, độ lún như thế nào qua thời gian mà các Ngài đã xây dựng được
một ngôi tháp vừa bền chắc vừa đẹp như thế.

Phương pháp kiến trúc của ngôi tháp thì hiện nay chúng ta khó lòng biết
được. Chỉ biết rằng, trong viễn tưởng tâm linh tín ngưỡng, vua Thiệu Trị
đã ra lệnh thiết trai đàn 3 ngày đêm vào tháng 2 âm lịch năm Tân Sửu
(1841) để tụng kinh cầu nguyện cho việc xây dựng một tòa tháp ở chùa
Thiên Mụ. Công việc được chuẩn bị từ đó cho đến năm Giáp Thìn (1844)
thì tháp được khởi công xây dựng và đến năm sau Ất Tỵ (1845) mới
xong. Lúc đó vua Thiệu Trị mới 34 tuổi.
Lúc đầu tháp được gọi là Từ Nhân, nhưng không hiểu vì lẽ gì, sau khi
làm xong vua Thiệu Trị lại đổi tên thành Phước Duyên Bửu Tháp. Tháp
được xây chính giữa sân, phần ngoài của chùa, một vị trí rất đắc địa. Nếu
tháp được xích ra một chút sẽ soi bóng xuống dòng sông Hương rõ hơn.
Nhưng đối với toàn kiến trúc hình chữ “Nhất” sẽ thiếu cân đối, vì tháp sẽ
đè nặng lên một đầu. Nếu xích vào một chút, phần trống ở bên ngoài quá
nhiều thì tháp lại không soi bóng xuống dòng sông Hương được. Tháp
được xây trên một nền bát giác, mặt tháp nhìn về hướng Nam chếch sang
Đông 15 độ. Tầng dưới lớn, tầng trên nhỏ dần. Cứ một lớp gạch xây lên
lại có sự thu dồn tỷ lệ lại, cho đến tầng cuối cùng. Trên chóp tháp có đặt
một hình cam lộ. Chiều cao toàn thân tháp kể từ mặt sân lên tới đỉnh của
bình cam lộ cao 37 thước, so với cách đo của thời Thiệu Trị là 5 trượng 3
thước 2 tấc, so với cách tính của chúng ta hiện nay thì được khoảng
21m24.
Từ khi xây dựng đến nay tháp đã được trùng tu nhiều lần. Năm Tự Đức
thứ 20 năm Đinh Mão (1867), Bộ Lễ có đến kiểm tra một lần vì tua tràng
phan đứt và mũ đội trên các Tượng phật bị gián nhấm. Qua nhiều đợt
trùng tu tháp vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc cơ bản như bây giờ. Như
chúng ta đã biết thì tháp Phước Duyên có 7 tầng. Nhìn chung tất cả các
tầng tháp đều có kiến trúc rất giống nhau, chỉ khác nhau về màu sắc. Mỗi
tầng tháp đều có hoành phi nằm ngang, hai vế đối xứng thẳng tạo thế
đăng đối nghiêm nghị cho mặt tháp. Sự đăng đối này có ý nghìa điều hòa
tâm tưởng cho con người, vì khi nhìn vào toàn bộ mặt tháp du khách có

thái độ khiêm cung tôn kính.
Mỗi một tầng tháp cách nhau một gờ rất lớn, xây có dạng ngửa lên để đỡ
lấy những vành mái hẹp. Các đường gờ này được tô vôi, có nhiều màu:
Màu vàng, màu đỏ, màu da cam, màu khói, màu sương phủ, màu nước,
màu mây, màu rêu… Đường gờ được tô uốn cong lượn như hình cánh sen
nhìn nghiêng đỡ lấy vành mái hẹp lợp ngói hình ống Thanh lưu ly hoặc
Hoàng lưu ly. Viên ngói được chế tạo như nửa hình ống có hai phần:
Phần tráng men màu và phần không tráng men. Tám mái cửa mở, tầng
tháp đều được lợp với một màu ngói giống nhau. Tầng dưới kết hợp màu
vàng, tầng thứ hai màu lục trông như ngọc, tầng thứ 3 lại màu vàng… cứ
như vậy xen kẽ cho đến mái của tầng cuối cùng lại lợp ngói màu vàng,
màu ngói lúc đầu của tháp. Nhưng trải qua nhiều sự tác động của thời tiết
mưa gió nên màu của ngói không được giống như xưa nữa.
Lòng tháp được kiến trúc theo hình viên trụ. Ở giữa có một viên trụ thẳng
đứng từ dưới nhìn lên tháp. Quanh viên trụ chính này là lối đi lên tháp
bằng nhiều bậc cấp theo đường xoáy ốc. Muốn vào tháp, người ta đi qua
2 cánh cửa bằng đồng mở cánh ra ngoài, lại mở khóa ở cánh cửa gương ở
bên trong có khung gỗ sơn vàng, trang trí bằng nhiều hình chữ nhật,
nhiều ô vuông, đẩy 2 cánh cửa vào trong thì người ta đứng ngay trước
bàn thờ đức “Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Ni Phật”. Bàn thờ
được xây lõm vào viên trụ lòng tháp dưới hình thức một vòi cuốn tò vò.
Qua tay phải để lên 11 tầng cấp đi vòng phía sau sang tay trái, đến trước
tầng thứ 2, ở đây thờ đức “Ca Diếp Phật”. Tiếp tục đi qua tay phải để lên
11 bậc cấp vòng ra sau, lên bên trái là tầng thứ 3. Đến trước bàn thờ “Câu
Ná Xá Mâu Ni Phật”. Lại đi vòng quanh lên 11 tầng cấp thì đến tầng thứ
4. Tầng này thờ “Câu Lưu Tôn Phật”. Lại đi vòng qua tay phải, lên 10
tầng cấp, để từ tay trái đi ra trước bàn thờ “Tì Xá Phù Phật” ở tầng thứ 5.
Đi tiếp vòng quanh để lên 9 bậc cấp, vòng qua phía trái để đến tầng tháp
thứ 6, thờ đức “Thi Khí Phật”. Tất cả các bàn thờ Phật đều được kiến trúc
và chạm hoa văn giống y như của tầng đầu tiên, chỉ có điều càng lên thì

càng hẹp lại mà thôi. Để lên được tầng trên cùng của tháp chúng ta phải
bước qua độ một bước thì thấy trước mắt có một cái thang bằng gỗ lim.
Ngày xưa, thang không phải được kê thường trực ở đó mà chỗ này chỉ
trống không. Nhìn lên, khung vuông ở bên trên lại có tấm cửa bằng đồng
đóng khít lại và có khóa rất chắc chắn. Sở dĩ lại có lối kiến trúc lạ như
vậy là bởi vì ở tầng trên cùng này pho tượng phật được đúc bằng vàng
khối. Ngoài ra còn có bộ chén, bình trà bằng ngọc quý, lư hương, chân
đèn, kể cả lò trầm, đài nước… Tất cả đều được đúc bằng bạc nén. Cầu
thang này ngày xưa do Bộ Công cất giữ. Theo sử sách ghi lại thì kể từ
năm Canh Thìn (1940) đến năm Nhâm Ngọ (1942) tầng trên đã xảy ra vụ
trộm tượng phật bằng vàng ròng.
Do đặc trưng về kiến trúc, về màu sắc, nhất là các màu ngói Thanh lưu ly,
Hoàng lưu ly, độ nung của các loại ngói này, và nét trang trí hoa văn độc
đáo mà tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ được xem là một công trình
văn hóa mang sắc thái mĩ thuật đặc sắc cho nền văn hóa Phú Xuân.
Tháp Phước Duyên có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa vùng Á Đông,
và nhất là trên bán đảo Đông Dương. Đó là văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ
và nhất là văn hóa Đại Việt. Bảo tháp Phước Duyên cũng thể hiện nét đặc
sắc riêng của nền văn hóa Phú Xuân. Tuy nói là có sự giao thoa của
những nền văn hóa cổ song các yếu tố ngoại lai đã bị biến đổi và dung
hòa gần hết. Nói chung, bảo tháp Phước Duyên là một kiến trúc văn hóa
dung hợp được hai nền văn hóa Trung Quốc và Chăm Pa để sáng tạo ra
một nền văn hóa Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 19. Nói một cách khái
quát hơn, bảo tháp Phước Duyên là một thành tựu rực rỡ về tinh thần biết
dung hòa và sáng tạo của Việt Nam.
Thưa Qúy khách . Hai công trình nằm trên trục ngang với tháp Phước
Duyên là hai nhà lục giác ở hai bên.
Được xây dựng sớm hơn hai bi đình tứ giác 31 năm, hai nhà lục giác này
thuộc kiến trúc mỹ thuật thời vua Gia Long, cùng lần với Nghi Môn, lầu
chuông và lầu trống ở phía bên trong. Chúng cũng biểu trưng cho sắc thái

kiến trúc thuộc về văn hóa của một triều đại khác với triều đại Thiệu Trị,
hai nhà lục giác này trông rất bề thế, kín đáo và kiên cố hơn hai bi đình tứ
giác kia. Đó chính là đặc trưng của mọi kiến trúc dưới thời vua Gia Long.
Nền xây bằng gạch vồ, lại cũng khác với hai tứ giác ở phía ngoài ở chỗ là
hai nhà lục giác này có xây dựng bậc tam cấp để đi lên. Mặt hai nhà luc
giác đối nhau, tức là đều quay ra tháp. Mặt nền được lát viền một lớp đá
thanh xung quanh, tất cả có khoảng 30 viên đá. Ngày xưa, giữa nền được
lát bằng gạch Bát Tràng, nhưng trong đợt đại trùng tu năm Mậu Tuất
(1958) người ta đã tráng thay bằng xi măng. Trên nền lục giác là ngôi nhà
đúc cuốn bằng gạch và vôi keo hồ.
Nhà lục giác phía Tây là gác treo Đại Hồng Chung của chúa Nguyễn, một
cái chuông lớn. Đại Hồng Chung là một công trình đặc sắc về việc trình
bày nhiều mô típ của nghành điêu khắc, hội họa, ngoài ra lại còn đặc sắc
về kỹ thuật đúc đồng cỡ lớn nữa. So với chuông Gia Long ở trên gác
chuông cao, ta thấy Đại Hồng Chung của chúa Nguyễn đã có kĩ thuật đúc
đồng tốt hơn. Nếu so với Đại Hồng Chung của vua Thiệu Trị đúc vào
năm Bính Ngọ (1846) hiện còn để lại chùa Diệu Đế, người ta lại thấy rõ
kỹ thuật đúc đồng dưới thời minh vương Nguyễn Phúc Chu đã đạt đến
trình độ tinh xảo nổi bật mà các đời sau không sao theo kịp. Chuông cao
2,5m nặng 3.825 cân xưa. Chu vi của chuông rất lớn, chu vi miệng
chuông đo được là 4,36m. Vòng cườm đo được 3,6m. Còn chu vi ở giữa
thân là 3,56m. Đường kính miệng chuông kể từ bên này sang bên kia theo
vòng ngoài đo được là 1,36m. Mặt trên quả chuông có 8 chữ Thọ khắc
theo lối chữ Triện, ở giữa thân chuông chia làm 4 khoảng, khắc bài viết
của chúa Nguyễn Phúc Chu và chạm nổi những hình ảnh long, vân, nhật,
tinh, ở phần dưới khắc hình bát quái và thủy ba. Tương truyền rằng tiếng
chuông Đại Hồng Chung vang xa 12 dặm. Có nghĩa là từ chùa Thiên Mụ
đánh mà ở biển Thuận An vẫn có thể nghe được.
Phía tây - Đại hồng chung
Nhà lục giác phía Đông chứa bia của Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu dựng

trên lưng một con rùa bằng đá cẩm thạch dài 2,2m, rộng 1,6m. Bia nói về
việc xây dựng chùa Thiên Mụ vào năm Giáp Ngọ (1714), cao 2,6m, rộng
1,25m. Đây chính là tấm bia mà Phan Huy Ích đời Tây Sơn đã từng mô tả
trong câu: “Dựng bia đá trắng khắc văn ghi tiệc”. Thực ra chỉ có đầu bia
và con rùa là bằng cẩm thạch trắng, còn thân bia là cẩm thạch màu đen.
Toàn bộ sự trình bày ở bia này là cả một công trình điêu khắc có giá trị
mỹ thuật rất lớn. Bia dựng trên lưng một con rùa, con rùa nằm trên cái bệ,
bệ lại được chạm thành một cái kỷ có bốn chân quỳ và một đường hồi
văn. Theo quan niệm tâm linh của người thời xưa, rùa là một trong tứ linh
“long, lân, quy, phụng”, nó biểu hiện cho sự trường tồn vĩnh cửu.
Nhà bia phía Đông
Phía sau tháp Phước Duyên đây có một tấm bia lộ thiên. Đó là bia của
vua Khải Định, dựng vào ngày 27/11/1919 (năm Khải Định thứ tư, Kỷ
Mùi). Bia có 15 chữ nói về chùa Thiên Mụ. Do thời gian và những tác
động của thời tiết cho nên hiện nay các chữ trên bia đã bị mờ đi nhiều.
Tiếp đến là cổng Tam Quan, Tam là 3, quan nghĩa là cách nhìn nhận.
Tam Quan là 3 cách nhìn nhận Phật Giáo, cửa chính ở giữa gọi là Trung
quan, bên tay phải là Không quan và bên tay trái là Giả quan. Trên biển
có đề 3 chữ Hán “Linh Mụ Tự”. Cửa Tam Quan và hai đoạn thành bên
trên có thể xem như phần kiến trúc mặt trước của chùa. Phía tây có lầu
trống, phía đông có lầu chuông. Tất cả là những kiến trúc có từ thời vua
Gia Long làm lại chùa Thiên Mụ từ năm Ất Hợi (1815).
Xin mời Qúy khách vào cổng Tam Quan.
Cửa Tam Quan
Tam Quan là phần cửa chính đi vào chùa. Nhìn đại thể Nghi Môn có hai
phần rõ ràng, phần dưới gồm có 3 cửa chính. Tất cả đều được xây trên
nền một hình chữ nhật rộng 4,76m và dài 13,6m. Lên 3 bậc Tam cấp thì
đi đến nền Tam Quan. Hai đầu bậc tam cấp đi lên có đắp hình rồng và
kiểu thức hóa. Nền này ngày xưa được lát gạch Bát Tràng, song từ đợt
trùng tu năm Kỷ Hợi (1959) thì người ta tráng xi măng, chỉ ngoài mép có

viền bằng đá Thanh. Từ ngoài nhìn vào, theo chính diện, người ta thấy
Tam quan được chia làm ba gian, cách nhau bằng những bức vách. Trước
mỗi bức vách được kiến trúc thành một trụ vách. Ba gian của Tam quan
có chiều dài khác nhau, gian giữa rộng hơn hai gian cửa hai bên. Mỗi cửa
đi vào có đắp tượng Kim Cang Hộ Pháp rất lớn bằng đất sét trộn trấu và
rơm, bên ngoài sơn phết bằng vôi màu. Ba cửa có tất cả là 6 pho tượng,
các pho tượng này ngày xưa đều đứng trên bệ có lát gạch Bát Tràng, hiện
tại thì có lát xi măng. Mỗi tượng đều có dáng điệu riêng, một vũ khí và
cách cầm vũ khí riêng, nét mặt rất sinh động. Qua những pho tượng này
là đến cửa, cả 3 cửa đều được kiến trúc lối uốn tò vò ở bên trên. Sau các
cung uốn tò vò, mỗi cổng có hai cánh rất lớn đóng bằng gỗ cứng. Hai cửa
hai bên đều có ngói lợp tận nóc, còn cửa giữa lại côi lên phần đầu. Phần
này lại hướng mặt vào chùa và quay lưng ra bên ngoài. Bốn góc đều có
giao cù cách điệu. Hai nóc của tầng dưới thì hai đầu Đông – Tây vẫn có
hình đám mây cách điệu hóa rồng. Hai bên Tam quan có hai dãy thành
cao kéo dài ra tận hai đầu ở hướng Tây và hướng đông. Cuối hai cửa này
là hai cửa vào kiến trúc theo kiểu cổ rất to và trình bày nhiều gạch men có
hoa văn. Nhưng cửa này ngày nay chỉ còn là vết tích.
Phía trên hai đoạn thành là lầu trống và lầu chuông, những kiến trúc đã có
từ thời vua Gia Long làm lại chùa năm Ất Hợi, từ đó đến nay đã qua
nhiều lần sửa chữa, vị trí và các kiến trúc vẫn giữ theo cách cổ truyền
ngày xưa. Lầu chuông được xây trên một cái nền cao hơn la thành, từ nền
dưới lên đên mặt nền trên xem như là một trụ vuông thẳng đứng, bên
trong ruột xây đặc. Chúng ta có thể đi từ mặt đất lên gác chuông bằng
những tầng cấp. Tất cả những đòn tay, rui mè ở phần mái lầu chuông đều
từ xưa truyền lại nên có chỗ đã có dột nát cũ kĩ. Mái và chái lầu chuông
đều được lợp ngói liệt, trên nóc có một đường tàu nóc. Chính giữa có một
búp hoa sen, hai đầu tàu nóc có hoa văn hoa lá uốn cong lên. Bốn mái có
đến 8 giao cù được tạo hình theo thế “mỏ cu”. Xung quanh phần mái lợp
có đóng tua viền vân kiên bằng gỗ chạm.

Trên nền gác giá treo chuông được dựng theo chiều dọc với dãy thành.
Chuông được treo lên giá bằng hai cái đai sắt rất lớn. Chuông này được
đúc dưới thời vua Gia Long. Chuông có âm thanh kỳ diệu thường được
gọi là tiếng chuông Thiên Mụ. Chuông này nhỏ hơn chuông thời chúa
Nguyễn Phúc Chu để ở nhà lục giác bên ngoài Nghi môn. Nhưng hình
thái quả chuông thì tương tự nhau. Chỉ khác là thân chuông thời vua Gia
Long không có khắc chữ nhiều như chuông thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Nhưng lại giống nhau là khung ở bên trên hai chuông đều có 8 chữ “Thọ”
triện. Chuông thời vua Gia Long có nét đặc trưng riêng mà không nơi nào
có và không thời nào có: Đó là âm thanh của quả chuông. Âm thanh này
huyền diệu đến nỗi mấy chữ “Hồi chuông Thiên Mụ” hoặc “Tiếng
chuông Thiên Mụ” đã trở thành một thành ngữ lung linh ảo điệu để đi vào
thơ văn, phim ảnh và âm nhạc. Biết bao bài hát nói về xứ Huế đã dùng
những chữ này để hát lên trong điệu nhạc trầm buồn, gợi nhớ.
Lầu trống
Lầu chuông phía trên.
Lầu trống hay gác trống đối diện với lầu chuông qua Nghi môn. Nhìn
chung kiến trúc của lầu trống cũng giống với gác chuông, chúng đều là
những kiến trúc cổ dưới thời vua Gia Long. Trên nền cao của gác trống
đặt giá trống, giá này được chạm trổ hình rồng, đuôi rồng ở dưới đế, hai
đầu rồng ngẩng cong ra hai bên để đỡ lấy vành tang trống. Trừ hai đầu
rồng, còn tất cả các thanh gỗ đều chạm thành vảy rồng. Điểm đặc biệt là
tang trống rất lớn, bằng gỗ mít đục luôn theo hình thân cây chứ không
gép. Đường kính miệng trống đo được là 1,08m, đường kính giữa bụng
trống là hơn 1,4m. Phía trong cửa Nghi môn là hai dãy nhà đối diện nhau
là dãy Lôi Gia. Mỗi dãy có 3 pho tượng Dược Xoa Đại Tướng rất lớn.
Kính thưa quý khách . (thuyết minh phía bên ngoài điện sau đó mời
khách vào dâng hương lễ phật)
Công trình tiếp theo là điện Đại Hùng ngôi điện có lịch sử lâu dài và quy
mô tráng lệ. Mặc dù đã trải qua nhiều lần sửa chữa điện đã có nhiều thay

đổi, song nói chung về đại thể người ta vẫn tôn trọng hình thức cổ truyền.
Cho nên bao giờ điện Đại Hùng cũng vẫn có sắc thái của một kiến trúc
thời xưa. Nhìn trong bối cảnh toàn bộ ngôi chùa, điện Đại Hùng có vẻ
thấp, nhưng không phải tòa nhà thấp mà vì tòa nhà lớn và khá dài. Tuy
nhiên càng tăng thêm vẻ cổ kính, uy nghiêm của ngôi chùa. Điện Đại
Hùng có tượng Phật Di Lặc rất lớn tôn trên bệ cao ở chính giữa. Chính
điện Đại Hùng là một tòa nhà cao lớn, mặc dù chỉ có ba gian hai chái.
Nơi này được bố trí các bàn thờ để thờ các tượng Phật, thờ Kinh Phật.
Điện Đại Hùng
Lối giữa từ Nghi Môn dẫn thẳng vào Bảo điện Đại Hùng (người hùng là
đức Phật, có quyền lực chế ngự mọi quỷ sứ), một tòa nhà lớn gồm có hai
phần : tiền đường năm gian hai chái và chính đường, ba gian hai chái họp
lại thành bốn mái, hai mái chồng nhau, nóc chính điện cao hơn nóc tiền
đường. Trên nóc tiền đường có hai con rồng chầu một Pháp Luân trong
có chữ Phật. Trên nóc chính điện cũng có hai con rồng chầu một mặt trời
giữa bảy ngọn lửa sắp dọn thành búp hoa sen trong có chữ Vạn. Hai đầu
chái chính điện và tiền đường có hình con dơi gắn sành mảnh sứ. Trong
thiền đường trang trí giản dị, có hai vế đối 12 chữ của vua Thiệu Trị và
hai vế đối 21 chữ của triều đình vua Bảo Đại (1913-1997). Ở chính giữa,
một tượng đồng rất lớn đức Phật Di Lặc Maitreya, tai lớn dài, cao 0m80,
đặt trên một bệ lớn bằng gạch cao hơn 1m. Ngài ngồi vui thích, chân mặt
co lên, chân trái xếp bằng, áo trạc ra cho lòi cặp vú và cái bụng phệ,
miệng cười thoải mái. Treo trên pho tượng là bức hoành phi sơn son chữ
lớn Linh Thứu Cao Phong (đỉnh núi nơi đức Phật chuyển pháp lần thứ
hai, giảng bộ Kinh Diệu pháp liên hoa), thủ bút của chính chúa Nguyễn
Phúc Chu, lúc trước treo trong chính điện. Một bảo vật còn xưa hơn trong
tiền đường là cái khánh đồng dài 1m60, rộng 0m55, treo trên một cái giá
gỗ, đúc ở Phường Đúc, trang trí hai mặt : một mặt đề tên Bình Trung
Quán Khánh và niên hiệu Vĩnh Trị nhị niên tuế Đinh Tỵ (tức là 1677)
trọng thu tạo ; mặt kia đề tên người phụng cúng Hội chủ Trần Đình Ân

đạo hiệu Minh Hồng, pháp danh Tịnh Tín, Thập phương công đức và
hình sao Bắc Đẩu nằm giữa nhị thập bát tú, trên một mặt trời với bốn
ngọn lửa. Đông Triều Hầu Trần Đình Ân (1626-1707) là nhạc gia của
Nguyễn Khoa Chiêm, cả hai đều làm quan to trong triệu Minh Vương. Có
thể tin là khánh đã được đúc cho chùa Bình Trung và sau đưa qua chùa
Thiên Mụ.
Chính đường hay thượng điện chiếm toàn chiều dài ba gian của điện, dài
30m, rộng 12m, lúc trước cột, kèo, xuyên, trếnh đều làm bằng gỗ lim, gỗ
sao, nền lát gạch Bát Tràng, từ ngày trùng tu năm 1958, được thay bằng
xi măng cốt sắt. Ở tiền đường khách thấy ngay một bức hoành phi mang
ba chữ Đại Hùng Điện. Trên bàn thờ Phật đặt trong cùng có ba tượng
Tam Thế thể hiện Tam Thân, bằng đồng, giữa là đức Thích Ca Mâu Ni
Sakyamuni, bên trái có đức A Di Đà Amitabha, bên mặt có đức Di Lặc
Maitreya, tất cả đều ngồi thiền trên hộp sơn đỏ, hai chân chéo nhau, mỗi
vị một ấn quyết khác nhau. Cơ thể dỏng cao, dáng đầu thanh trên một cổ
dài, những nếp áo che lấp vai chỉ để lộ những nút giây giữ vạt áo dưới,
nhiều chi tiết kê sắp các tượng nầy trong số hình tượng Phật giáo đẹp
nhất ở Việt Nam. Năm 1999, trước bàn thờ nầy có bảy vị Phật nhỏ cũng
bằng đồng, khó thấy, lúc trước đặt trong tháp Phước Duyên, nay đã được
thỉnh về lại tháp. Trước các vị nầy năm 1999 còn có một tượng đồng Di
Lặc tương đối nhỏ hơn và trong tủ kính tượng đức Thế Tôn Sakyamuni.
Hai bên bàn thờ, hai vị bồ tát nắm hoa sen Phổ Hiền Samantabhadra cỡi
con thanh sư bên mặt, vị Đại Thế Chí Manjushri cỡi con sư tử bên trái,
đều được đặt trong tủ kính. Hậu điện chỉ có một bàn thờ Thạch hòa
thượng. Theo các sách xưa, thượng điện còn chứa nhiều hình tượng khác,
không thuộc về Phật giáo như các thần Nam Tào, Bắc Đẩu đã được loại
ra. Tượng Ngọc Hoàng ở Nghi Môn là một tàn tích còn sót.
Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun
trồng hàng ngày. Ở đó còn có hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt
Nam Đào Tấn.

Mời Qúy khách di chuyển ra phía sau Điện Đại Hùng.
Phía sau Điện Đại Hùng là nhà tăng, nơi đây chứa chiếc xe của hòa
thượng Thích Quảng Đức (trụ trì chùa Thiên Mụ). Di vật này còn gắn với
một sự kiện lớn đã gây động trong lịch sử. Sáng ngày 11/6/1963 hòa
thượng Thích Quảng Đức (thế danh Lâm Văn Tức) đã lái chiếc xe này
sau đó tự thiêu để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt
Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm. Việc tự thiêu của hòa thượng Thích
Quảng Đức đã làm thổn thức bao trái tim con người, vừa nhỏ lệ về cái
chết cao cả của hòa thượng, vừa khâm phục vì lòng hiếu phật, biết hi sinh
vì phật giáo nước nhà.
Di vật: Chiếc xe mà hòa thượng Thích Quảng Đức đã từng đi
Phía bên phải là điện Địa Tạng. Điện được xây dựng lại từ phần khung
của đình Hương Nguyện. Ngày xưa điện này cũng lớn như điện Đại Hùng
và gọi là điện Di Lặc có đặt tượng Di Lặc. Nay còn thấy dấu tích của nền
điện cũ. Sau trận bão năm Thìn (1904) tượng Di Lặc được chỉnh ra trước
Tiền Đường. Ngôi điện này cũng đã được tu sửa nhiều lần, cho nên việc
thờ tự cũng thay đổi. Trong điện này có pho tượng Địa Tạng cưỡi trên
con Đế Thính được đặt ở chính giữa, hai bên là bàn thờ linh.
Cùng trên một trục với điện Địa Tạng là điện Quan Âm, ở phía sau lưng
điện này. Vị trí điện đã có từ thời vua Gia Long và đến nay vẫn chưa dịch
chuyển. Nhìn chung điện Quan Âm không có gì thu hút, trừ bảng hoành
và các bậc tam cấp ở trước là có vẻ đời xưa nên đượm vẻ cổ kính. Từ nóc
nhà cao một mái lợp bằng ngói liệt chạy từ trên xuống. Hai đầu chái, từ
nóc thẳng xuống cho tới một đoạn vách hình tam giác, rồi từ đường đáy
hình tam giác đó kéo xuống mái chái to rộng. Tất cả đều mang sắc thái
đơn giản.
Cách thờ tự của điện Quan Âm cũng rất giản dị. Chính giữa là pho tượng
“Quan Thế Âm thủ quyền” bằng đồng rất lớn, ngồi trên tòa sen. Tòa sen
này lại được đặt trên một đế gỗ thắt cổ bồng cao chạm trổ đầy hoa văn và
sơn son thếp vàng lộng lẫy. Pho tượng đồng này là một trong những pho

tượng đồng từ xưa còn lại. Tượng hình Quan Thế Âm Bồ Tát, đội mũ có
tượng phật ở trước, nét mặt pho tượng rất hiền dịu, thanh thoát. Nhất là
hai tay, những ngón tay thon nhỏ và dài rất có nghệ thuật tạo hình.
Công trình cuối cùng trong tổng thể chùa Thiên Mụ là mộ tháp của hòa
thượng Thích Đôn Hậu. Hòa thượng có pháp danh là Trừng Nguyện, hiệu
Đôn Hậu, thuộc đời thứ 8 phái Thiền Liễu Quán, thế danh là Diệp Trương
Thuần. Sinh vào ngày 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ (16/2/1905) tại làng
Xuân An, tổng An Đồn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ngài xuất thân
trong một gia đình có truyền thống Nho học, nhưng lại quy ngưỡng Phật
giáo. Theo một số tài liệu thì “Năm 1945, Ngài thay thế bác sĩ Tâm Minh
– Lê Đình Thám giữ chức Chánh Hội trưởng Hội An Nam Phật Học
(Thừa Thiên). Cũng trong năm này, Ngài nhận được chức trụ trì Quốc Tự
Linh Mụ - một di tích lịch sử của cố đô Huế. Sang năm 1946, Ngài làm
Chủ tịch Phật giáo Liên Hiệp Trung Bộ”. Hòa thượng viên tịch vào ngày
23/4/1992 (nhằm ngày 21/3 Nhâm Thân) tại chùa Thiên Mụ, trụ thế 88
năm. Phía sau phần mộ tháp là rừng thông tĩnh mịch.
Mộ của hòa thượng Thích Đôn Hậu
Vâng, thưa quý khách!
Đến đây cũng là điểm cuối cùng của trong quần thể ngôi chùa nổi tiếng
bậc nhất xứ Huế
Bốn trăm năm qua biết bao lần trùng tu xây dựng đã làm nên một ngôi đại
cổ tự của đất Thiền Kinh. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt vời, đã trở
thành một trong những biểu tượng của Huế.
Đúng như nhà thơ Quách Tấn đã viết về chùa Thiên Mụ rằng:
Những người phiền não trường danh lợi
Đến đó thời lòng cũng phải khuây.
Kính mời toàn thể quý khách tự do đi tham quan và vãn cảnh chùa, kính
chúc quý khách thanh tâm an lạc và một chuyến tham quan thú vị tại đất
Thành Kinh, hẹn gặp lại quý khách vào một ngày gần nhất. Trân trọng
cảm ơn Qúy Khách.

Một số lưu ý khi thuyết minh tại đền - chùa:
- Thuyết minh cần phải với âm lượng vừa đủ, sâu sắc, cần có sự am hiểu
về vấn đề mình thuyết minh đặc biệt là tôn trọng lịch sử.
- Thuyết minh theo thứ tự : Tổng quát: Lịch sử - kiến trúc – cảnh quan –
bổ sung những điều mới . Thuyết minh chi tiết từng cảnh quan hoặc công
trình kiến trúc.
- Thường thì khi thuyết minh tại đền - chùa – miếu thì mình sẽ thuyết
minh từ ngoài (từ cổng tam quan – chánh điện) vào trong (nhưng khi vào
chánh điện thì không nên thuyết minh nữa mà phải để sự tôn nghiêm
thanh tịnh và để cho mọi người dâng hương lễ phật và tự tìm hiểu). Một
số trường hợp đặc biệt là thuyết minh từ trong ra ngoài vì cần phải đi theo
các giai đoạn lịch sử (cần có sự cho phép của bộ phận quản lý).
- Khi thuyết minh tại điểm thì có thể dựa vào bài thuyết minh này để nói
nhưng khi thuyết minh tuyến thì phải giới thiệu tổng quát về lịch sử,
nguồn gốc của điểm tham quan từ trên xe để tránh mất thời gian tham
quan tại điểm đó.
- Mỗi hướng dẫn viên đều có những phương pháp khác nhau, tùy thuộc
vào hoàn cảnh và kiến thức để thuyết minh không nên rập theo khuôn có
sẵn - (tính linh động của bài thuyết minh).

×