Tải bản đầy đủ (.docx) (3 trang)

Thực trạng và một số giải pháp quản lý chất thải của ngành Y tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (52.36 KB, 3 trang )

Thực trạng và một số giải pháp quản lý chất thải của ngành Y tế
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ngày
càng được nâng cao dẫn đến nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân cũng
tăng cao. Do đó, số lượng, quy mô của các cơ sở y tế cũng gia tăng nhanh chóng, đáp úng nhu cầu
khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân. Bên cạnh những mặt tích cực mà các cơ sở
y tế đem lại thì quá trình hoạt động của các cơ sở này cũng xuất hiện những nguy cơ gây ô nhiễm
môi trường từ việc chất thải y tế ngày càng gia tăng. Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn
Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Trần Đắc Phu về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, đôi nét về thực trạng công tác quản lý chất thải tại các cơ sở y tế?
Chất thải y tế nói chung, chất thải y tế nguy hại nói riêng hiện đang trở thành vấn đề môi
trường và xã hội cấp bách ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu thống
kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có 13.511 cơ sở y tế các loại bao gồm: 1.361 cơ sở khám, chữa bệnh
thuộc các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện ngành và bệnh viện tư nhân; 789 cơ sở thuộc
hệ dự phòng tuyến Trung ương, tỉnh và huyện; 77 cơ sở đào tạo y dược tuyến Trung ương, tỉnh;
180 cơ sở sản xuất thuốc và 11.104 trạm y tế xã. Tổng lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh từ các
cơ sở y tế vào khoảng 450 tấn/ngày, trong đó có 47 tấn/ngày là CTR y tế nguy hại phải được xử lý
bằng những biện pháp phù hợp. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh tại các cơ sở khám, chữa bệnh
cần xử lý khoảng 125.000 m3/ngày chưa kể lượng nước thải của các cơ sở y tế thuộc hệ dự phòng,
các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc và cơ sở y tế Bộ, ngành.
Trong thời gian qua, tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tỷ lệ bệnh viện có thực hiện phân loại
CTR y tế là 95,6% và thu gom CTR y tế hàng ngày là 90,9%. Phương tiện thu gom chất thải y tế
như túi, thùng đựng chất thải, xe đẩy rác, nhà chứa rác, còn thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa
đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Quy chế quản lý chất thải y tế. Chỉ có 50% các bệnh viện phân
loại, thu gom CTR y tế đạt yêu cầu theo Quy chế quản lý chất thải y tế.
Tỷ lệ bệnh viện xử lý CTR y tế bằng lò đốt 2 buồng hoặc sử dụng công nghệ vi sóng/nhiệt
ướt khử khuẩn CTR y tế nguy hại là 29,4%, số bệnh viện hợp đồng với công ty môi trường thuê
xử lý là 39,8% và 30,8% bệnh viện xử lý bằng lò đốt 1 buồng, thiêu đốt thủ công hoặc tự chôn lấp
trong khuôn viên của bệnh viện (chủ yếu ở bệnh viện tuyến huyện và một vài bệnh viện chuyên
khoa tại các tỉnh miền núi). Hiện có 369 lò đốt hai buồng, 127 lò đốt một buồng. Trong đó đa số
các lò đốt chưa có hệ thống xử lý khí thải, công suất lò đốt sử dụng chưa hợp lý, gây ô nhiễm môi
trường và hiệu quả sử dụng chưa cao.


Theo số liệu thống kê cho thấy, có 773 bệnh viện cần được xây dựng và trang bị mới hoặc
sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, trong đó khoảng gần 563 bệnh viện chưa có hệ thống
xử lý nước thải (chủ yếu là ở tuyến huyện và tỉnh). Hiện có khoảng 54,4% các bệnh viện có hệ
thống xử lý nước thải (73,5% các bệnh viện tuyến Trung ương; 60,3% các bệnh viện tuyến tỉnh và
45,3% các bệnh viện tuyến huyện). Tuy vậy, hệ thống xử lý chất thải ở nhiều bệnh viện đã xuống
cấp, cần được sửa chữa, nâng cấp cho phù hợp với quy mô phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe
cho nhân dân và đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
PV: Được biết, ngành Y tế có 84 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý
triệt để theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xin ông cho biết, Bộ Y tế đã
chỉ đạo, đôn đốc xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các cơ sở y tế
này như thế nào?
Theo danh sách tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003, ngành Y tế có 84 cơ sở
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để bao gồm 6 cơ sở do Bộ Y tế quản lý;
5 cơ sở do Bộ Quốc phòng quản lý; 73 cơ sở do các tỉnh quản lý.
Theo thống kê báo cáo, tính đến hết tháng 6/2012, đã có 45/84 cơ sở (chiếm 53,6%) đã được
Sở TN&MT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm môi
trường triệt để; 27/84 cơ sở (chiếm 32,1%) đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường
triệt để nhưng chưa được Sở TN&MT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chứng nhận hoàn
thành; 12/84 cơ sở còn lại (chiếm 14,3%) đang tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường
triệt để.
Đối với 6 bệnh viện do Bộ Y tế trực tiếp quản lý đã có 5/6 bệnh viện (chiếm 83,3%) được
chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, bao gồm: Bệnh viện Hữu nghị Việt
Đức; Bệnh viện 74 Trung ương; Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K và Bệnh viện C Đà
Nẵng. Riêng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên hiện đang tiến hành các biện pháp xử lý
ô nhiễm môi trường triệt để.
PV: Ngày 15/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y
tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Ngành Y tế đã tổ chức triển khai thực hiện
Đề án như thế nào, thưa ông?
Ngày 15/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế
giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 (tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg). Thực hiện

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai
Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Xây dựng
Hướng dẫn thực hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến
năm 2020 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc
Bộ Y tế và các Bộ, ngành để hướng dẫn thực hiện Đề án; Phối hợp các Bộ ngành và đơn vị liên
quan xây dựng dự án để thực hiện Đề án, cụ thể như Phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Quy
hoạch tổng thể hệ thống xử lý CTR y tế nguy hại đến năm 2025 (đã được phê duyệt tại Quyết định
số 170/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời cũng phối hợp với Bộ
Khoa học và Công nghệ xây dựng Dự án: "Nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường ứng dụng và
chuyển giao công nghệ xử lý chất thải y tế tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều
kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam".
PV: Xin ông cho biết, một số giải pháp quản lý chất thải y tế của ngành Y tế trong thời gian
tới ?
Nghiên cứu rà soát, tiến hành xây dựng mới và sửa đổi bổ sung các văn bản quản lý nhà
nước liên quan đến lĩnh vực BVMT y tế. Bộ Y tế dự kiến sẽ xây dựng và ban hành 15 văn bản
quản lý nhà nước về quản lý môi trường y tế.
Nghiên cứu và ứng dụng các mô hình công nghệ xử lý chất thải y tế hiện đại, thân thiện với
môi trường để xử lý chất thải y tế đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường. Có
kế hoạch khắc phục những tồn tại, nhược điểm của lò đốt nhỏ lẻ đang sử dụng hiện nay.
Kiện toàn hệ thống quản lý chất thải y tế từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường công
tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế về chuyên môn nghiệp vụ
trong công tác quản lý chất thải y tế. Truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp
chính quyền, ban ngành, các cơ sở y tế và người dân trong việc xử lý chất thải y tế.
Đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác quan trắc, đánh giá và phân loại
mức độ ô nhiễm môi trường của các cơ sở y tế; Đầu tư trang thiết bị nâng cao năng lực quan trắc
môi trường cho các viện, các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh.
Đầu tư, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế (xử lý tại chỗ hoặc xử lý tập trung) cho các cơ sở
y tế tuyến Trung ương, tỉnh, huyện. Đặc biệt là Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
uơng phải tổ chức rà soát phân loại các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi
trường nghiêm trọng để ưu tiên đầu tư, xử lý một cách triệt để.

PV: Xin cám ôn ông về cuộc trao đổi này!
NGUYỄN HẰNG (Thực hiện)
TCMT 08/2012

×