PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, yếu tố con người luôn chiếm vị trí hàng
đầu, bởi vì chỉ có con người lao động năng động và sáng tạo, mới có thể thực hiện
được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp
thu sáng tạo lý luận và thực tiễn về giáo dục con người mới. Người tuyên bố huỷ
bỏ nền giáo dục nô lệ, xây dựng nền giáo dục mới, phát triển con người toàn diện
để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành
công, nền giáo dục Việt Nam đã vận dụng những nguyên lý về giáo dục con người
mới, con người phát triển toàn diện của học thuyết Mác - Lênin trong đó có mặt
quan trọng là giáo dục thể chất được đưa vào quá trình đào tạo.
Giáo dục thể chất là một bộ phận cơ bản trong hệ thống giáo dục thể chất
nhân dân, trong đó các bài tập thể dục thể thao là một biện pháp quan trọng nhằm
đem lại sức khoẻ và nâng cao tố chất thể lực cho mọi người dân. Trong dự thảo
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII có đoạn viết “Phát triển mạnh mẽ
phong trào TDTT quần chúng cả bề rộng lẫn chiều sâu, làm cho TDTT thực sự trở
thành một phương tiện đại chúng, góp phần bảo vệ và tăng cường sức khoẻ cho
nhân dân, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước”. [10] Muốn
phát triển phong trào TDTT, thì không thể thiếu được vai trò của giáo dục thể chất
trong nhà trường, từ bậc mẫu giáo, học sinh phổ thông, đến Đại học, Cao đẳng và
Trung học chuyên nghiệp.
Những năm cuối của thế kỷ XX, cách mạng khoa học và công nghệ đạt đến
đỉnh cao của sự phát triển, đòi hỏi con người phải có trí tuệ cao. Trí tuệ phát triển
càng cao, thì càng đòi hỏi thể chất, nền tảng của trí tuệ, cũng được phát triển một
cách tương xứng. Việc nâng cao sức khoẻ con người, là vấn đề trọng tâm, cốt lõi
của mọi mô hình phát triển của các quốc gia, các chế độ chính trị xã hội. Vì vậy,
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn chú trọng đến việc phát triển thế hệ trẻ theo hướng
“Cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo
đức”. [5]
Đây là quan điểm phát triển con người toàn diện trong giai đoạn cách mạng
hiện nay. Những năm qua ở nước ta công tác giáo dục thể chất trong các nhà
trường đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Ở tất cả các cấp học, một chương trình giáo
dục thể dục đã được biên soạn thống nhất, với nhiều nội dung cơ bản, đã được đưa
vào giảng dạy. Đội ngũ giáo viên giảng dạy thể dục đông về số lượng, chất lượng
cũng dần được nâng cao. Cả nước ta có 3 trường Đại học TDTT, 2 trường Đại học
sư phạm TDTT và hàng chục Khoa Giáo dục thể chất của các trường đại học và
cao đẳng sư phạm làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên thể dục có trình độ trung học
đến đại học. Cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện cũng dần được nâng cấp và đổi
mới, bao gồm sân bãi tập, nhà tập và dụng cụ tập luyện. Nhận thức về công tác
giáo GDTC cho học sinh ngay càng đúng đắn hơn, từ người tập đến giáo viên các
cấp lãnh đạo và các bậc phụ huynh. Hàng năm, có hàng trăm giải thi đấu các môn
thể thao được tổ chức, từ bậc phổ thông đến đại học, từ phạm vi trường, khu vực,
đến toàn quốc, điển hình là các Hội khoẻ Phù Đổng lôi cuốn được hàng trăm ngàn
học sinh tham gia tập luyện và thi đấu.
Trong các nhà trường từ bậc mẫu giáo đến đại học chuyên nghiệp đã hình
thành một hệ thống giáo dục thể chất bắt buộc. Những năm qua chương trình giáo
dục thể chất đã đào tạo cho đất nước hàng triệu thanh niên có đủ sức khoẻ để học
tập, lao động sản xuất và chiến đấu. Nhiều thế hệ trẻ học sinh, sinh viên đã góp sức
mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên
phạm vi cả nước với hiệu quả cao.
Để giáo dục con người toàn diện mỗi học sinh sinh viên trước hết phải có
sức khoẻ. Sức khoẻ là cơ sở để tiếp thu khoa học kỹ thuật, sau khi ra trường góp
phần phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, cơ sở của sức khoẻ là việc phát
triển các tố chất thể lực. Nhiệm vụ của giáo dục thể chất trong các nhà trường, một
mặt trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng kỹ xảo vận động, song mặt
quan trọng hơn là phát triển ở họ những tố chất thể lực cần thiết.
Theo quan điểm trước đây giáo dục các tố chất thể lực ở giai đoạn đầu của
các cấp học phổ thông là phát triển các tố chất sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ
dẻo, sự khéo léo. Ở tuổi trưởng thành, vai trò chính mới là phát triển các tố chất
sức mạnh và sức bền.
Học viện Quản lý giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, được thành
lập theo Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 03/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ,
Học viện là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có chức
năng đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục; nghiên cứu và phát triển khoa học
quản lý giáo dục; ứng dụng khoa học quản lý giáo dục, tham mưu và tư vấn cho
các cơ quan quản lý giáo dục nhằm đáp ứng những yêu cầu của chiến lược phát
triển giáo dục và đào tạo của đất nước. Học viện Quản lý giáo dục là cơ sở giáo
dục có uy tín trong nước và khu vực về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học
giáo dục, quản lý giáo dục - nơi cán bộ, giảng viên, sinh viên luôn có khát vọng
học tập, sáng tạo và cống hiến vì một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, nhân văn.
Mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2020, Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học
có uy tín trong nước và khu vực về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, cung cấp dịch
vụ về giáo dục và quản lý giáo dục; đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực, phẩm
chất, đạo đức nghề nghiệp; cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật hiện đại; có quan hệ hợp
tác đào tạo, nghiên cứu khoa học rộng rãi trong và ngoài nước.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, Học viện Quản lý giáo dục đã đề ra 5
giải pháp lớn, trong đó đặc biệt coi trọng giải pháp về đào tạo, giữ vững vị thế
hàng đầu về nghiên cứu giảng dạy ở mọi cấp độ, từng bước phát triển đa ngành
trên nền giáo dục, luôn phấn đấu là cơ sở đào tạo chất lượng cao, tiên phong trong
nghiên cứu và triển khai đổi mới quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của
Ngành Giáo dục - Đào tạo và của đất nước.
Một trong những khâu quan trọng trong quá trình hoàn thiện cả về hình thức
và nội dung trong các cơ quan đào tạo nói chung và các cơ quan đào tạo cán bộ
quản lý giáo dục nói riêng, là việc đổi mới về phương pháp giảng dạy. Đây là một
trong những khâu quan trọng được coi là then chốt. Với mục đích đổi mới và nâng
cao chất lượng giảng dạy và nâng cao hiệu quả của quá trình đào tạo, thì việc đổi
mới theo xu hướng hiện đại hóa nội dung - phương pháp giảng dạy là điều hết sức
cần thiết, công việc này phải được tiến hành một cách thường xuyên và liên tục,
mà cụ thể là ngay ở từng môn học trong nhà trường.
Trong những năm qua, công tác GDTC của Học viện luôn được quan tâm,
trú trọng và phát triển. Các giờ học GDTC được thực hiện theo chương trình quy
định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bao gồm các giờ học bắt buộc và những
hoạt động TDTT ngoài giờ của sinh viên. Qua đó cho thấy, phong trào rèn luyện
thể chất nói riêng và công tác giáo dục thể chất cho sinh viên nói chung do nhiều
yếu tố khách quan và điều kiện chi phối, đặc biệt là phụ thuộc vào mức độ nhận
thức của cán bộ quản lý các cấp, giáo viên và sinh viên, ngoài ra còn phụ thuộc vào
phương tiện, phương pháp giảng dạy, điều kiện sân bãi dụng cụ và trình độ giáo
viên hướng dẫn, kinh phí phục vụ tập luyện, thi đấu… Các yếu tố trên là động lực
thúc đẩy mạnh phong trào tập luyện thể dục thể thao, góp phần nâng cao chất
lượng công tác giáo dục thể chất trong nhà trường nói chung và tăng cường thể
chất cho sinh viên nói riêng một cách có hiệu quả.
Theo xu hướng chung của Ngành Giáo dục và Đào tạo, trong những năm
qua Học viện đã tiến hành đổi mới hình thức tổ chức, quản lý, phương pháp dạy và
học các môn học nói chung và môn học GDTC nói riêng, qua đó đã đạt được
những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của nhà
trường về yếu tố cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... và một số điều kiện khách quan
khác, hiệu quả của các giờ học chính khoá, ngoại khoá đối với các môn học chuyên
ngành GDTC vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng được việc tiếp thu kỹ thuật cơ
bản, muốn nâng cao được hiệu quả công tác rèn luyện thể chất nói chung và hiệu
quả học tập môn học GDTC nói riêng, đáp ứng mục tiêu đào tạo hiện nay của nhà
trường, đòi hỏi sinh viên phải hiểu biết tương đối toàn diện các môn thể thao.
Muốn giải quyết được vấn đề trên thì vấn đề nâng cao tố chất thể lực cho sinh viên
ngay từ năm học thứ nhất là yếu tố quan trọng và hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, thực trạng thể lực của sinh viên Học viện Quản lý giáo dục còn
nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các sinh viên nữ. Qua quan sát các giờ học chính
khoá các môn học giáo dục thể chất, đồng thời qua kết quả kiểm tra nội dung thể
lực trong các giờ học ngay ở năm thứ nhất cho thấy, hầu hết các sinh viên nữ đều
không đạt được yêu cầu đề ra ở các giáo án giảng dạy cũng như yêu cầu khi kết
thúc các môn học giáo dục thể chất. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất
lượng giáo dục thể chất ở Học viện nói chung và các môn học giáo dục thể chất nói
riêng ở những năm tiếp theo.
Trước thực trạng đó, Bộ môn Giáo dục thể chất đã đề ra một số giải pháp
nhằm khắc phục và nâng cao tố chất thể lực cho sinh viên, trong đó đặc biệt quan
tâm đến biện pháp tổ chức những hình thức tập luyện ngoại khoá TDTT khác nhau,
song hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Vấn đề đặt ra cần phải có
những biện pháp mang tính chuyên môn ngay trong các giờ học chính khoá để
nâng cao tố chất thể lực cho sinh viên, nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa
thực sự được quan tâm một cách triệt để.
Xuất phát từ thực tiễn đó, với mục đích nâng cao tố chất thể lực cho nữ sinh
viên năm thứ nhất, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất tại
Học viện Quản lý giáo dục, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài:
“LỰA CHỌN BIỆN PHÁP CHUYÊN MÔN NHẰM NÂNG CAO THỂ LỰC CHO NỮ SINH
VIÊN NĂM THỨ NHẤT HỌC VIỆN QUẢN LÝ GIÁO DỤC”
2. Mục đích nghiên cứu.
Thông qua việc đánh giá thực trạng công tác giáo dục thể chất, năng lực thể
chất của nữ sinh viên năm thứ nhất, cũng như thực trạng các yếu tố và điều kiện
đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, đề tài tiến hành ứng dụng
một số biện pháp chuyên môn nhằm nâng cao thể lực chung cho nữ sinh viên năm
thứ nhất của Học viện Quản lý giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
thể chất trong Học viện hiện nay.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu.
Để đạt mục đích nghiên cứu nêu trên, đề tài xác định giải quyết 3 nhiệm vụ
nghiên cứu sau:
- Nhiệm vụ 1: Xây dựng cơ sở lí luận của việc lựa chọn biện pháp chuyên
môn nhằm nâng cao thể lực cho nữ sinh viên năm thứ nhất Học viện Quản lý giáo
dục.
- Nhiệm vụ 2: Đánh giá thực trạng phát triển thể lực của nữ sinh viên năm
thứ nhất Học viện Quản lý giáo dục theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và
đào tạo
- Nhiệm vụ 3: Lựa chọn biện pháp chuyên môn và thực nghiệm kiểm chứng
hiệu quả ứng dụng nhằm nâng cao thể lực cho nữ sinh viên năm thứ nhất Học viện
Quản lý giáo dục.
4. Đối tượng nghiên cứu.
4.1. Đối tượng nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là một số biện pháp chuyên môn nhằm nâng
cao thể lực chung cho nữ sinh viên năm thứ nhất khóa 4 của Học viện Quản lý giáo
dục.
4.2. Đối tượng khách thể nghiên cứu.
Đối tương khách thể của đề tài là:
- 1480 nữ sinh viên các khoá Đại học 1 (n = 480), khoá 2 (n = 510) và khoá
3 (n = 490) tại Học viện Quản lý giáo dục thuộc các khoa: Quản lý giáo dục, Tâm
lý giáo dục và Công nghệ thông tin. Các đối tượng này sẽ được tiến hành khảo sát
thực trạng tố chất thể lực (thông qua tiêu chuẩn rèn luyện thân thể do Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành năm 2008).
- 2420 sinh viên các khoá (hiện đang học tập) tại Học viện Quản lý giáo dục
thuộc các khoa: Quản lý giáo dục, Tâm lý giáo dục và Công nghệ thông tin. Đây là
đối tượng được đề tài tiến hành khảo sát về nhu cầu, sự ham thích và các hình thức
tập luyện ngoại khoá các môn thể thao thông qua hình thức phỏng vấn bằng phiếu
hỏi…
- 34 chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà sư phạm và các giáo viên đã và
đang làm công tác tổ chức, quản lý, giảng dạy - huấn luyện sinh viên tại các trường
Đại học, Cao đẳng TDTT, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, trường Đại học TDTT
thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học TDTT Đà Nẵng, khoa GDTC trường Đại
học Sư phạm Hà Nội và các trường Đại học có đào tạo sinh viên chuyên ngành
giáo dục thể chất...
- 544 nữ sinh viên khoá 4 (hiện đang học năm thứ nhất) tại Học viện Quản lý
giáo dục thuộc các khoa: Quản lý giáo dục, Tâm lý giáo dục và Công nghệ thông
tin.. Đây là đối tượng thực nghiệm sư phạm nhằm xác định hiệu quả các biện pháp
chuyên môn nâng cao thể lực chung cho đối tượng nghiên cứu mà đề tài đã lựa
chọn.
Số đối tượng này được lựa chọn ngẫu nhiên trong quá trình nghiên cứu. Khi
xác định hiệu quả các biện pháp chuyên môn nâng cao thể lực chung cho đối tượng
nghiên cứu đã lựa chọn, đề tài căn cứ vào kết quả học tập các môn học giáo dục thể
chất và các test đánh giá thể lực chung theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể do giáo
viên Bộ môn Giáo dục thể chất kiểm tra đánh giá.
5. Giả thuyết khoa học của đề tài.
Do công tác giáo dục thể chất, các biện pháp tổ chức giảng dạy, cùng với các
yếu tố và điều kiện đảm bảo của Học viện Quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế, dẫn
đến trình độ thể lực chung của nữ sinh viên năm thứ nhất Học viện Quản lý giáo
dục (theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành) còn
nhiều hạn chế. Chính vì vậy, nếu đề xuất một số biện pháp chuyên môn với cơ sở
khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn có thể áp dụng và cải thiện thể lực chung
cho nữ sinh viên, góp phần hiệu quả công tác giáo dục thể chất tại Học viện Quản
lý giáo dục trong tình hình hiện nay.
6. Phạm vi nghiên cứu.
Đề tài được tiến hành nghiên cứu trên phạm vi nữ sinh viên năm thứ nhất
khóa 4 thuộc Học viện Quản lý giáo dục.
7. Phương pháp nghiên cứu.
Để giải quyết các mục tiêu nêu trên trong quá trình nghiên cứu, đề tài đã sử
dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
7.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu.
Việc sử dụng phương pháp này trong quá trình nghiên cứu là phục vụ chủ
yếu cho việc giải quyết các mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Các tài liệu chuyên
môn có liên quan được lấy từ các nguồn tài liệu khác nhau, với số lượng hơn hẳn,
và khai thác các nguồn tài liệu chưa được tiếp xúc. Đây là sự tiếp nối, bổ sung các
luận cứ khoa học và tìm hiểu một cách triệt để những vấn đề liên quan đến vấn đề
tổ chức, quản lý công tác giáo dục thể chất, cũng như phát triển năng lực thể chất
cho đối tượng nghiên cứu.
Khi sử dụng phương pháp này, qua nghiên cứu tổng hợp các nguồn tư liệu
khác nhau, để tìm ra các luận cứ khoa học phù hợp với thực tiễn của các trường
Đại học, cao đẳng. Ngoài ra cũng thông qua các nguồn tài liệu, đề tài sẽ tiến hành
xác định các biện pháp chuyên môn nhằm nâng cao thể lực chung cho nữ sinh viên
năm thứ nhất tại Học viện Quản lý giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo
dục thể chất trong Học viện hiện nay.
Khi sử dụng phương pháp nghiên cứu này, đề tài đã tham khảo nhiều nguồn
tư liệu khác nhau, chủ yếu là các nguồn tư liệu thuộc thư viện trường Đại học sư
phạm Hà Nội, thư viện Học viện Quản lý giáo dục, tủ sách chuyên môn của Bộ
môn Giáo dục thể chất, và các tư liệu mà cá nhân chúng tôi thu thập được, bao
gồm: 54 tài liệu tham khảo hoặc là công trình nghiên cứu của các tác giả trong
nước, hoặc là công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài đã được dịch sang
tiếng Việt, hoặc là các tạp chí chuyên ngành, các kỷ yếu của các Hội nghị khoa học
TDTT, các văn bản quản lý nhà nước về công tác giáo dục thể chất trong các nhà
trường..., cũng như các tài liệu mang tính lý luận phục vụ mục đích nghiên cứu của
đề tài. Danh mục các tài liệu nêu trên được trình bày trong phần “danh mục tài liệu
tham khảo”.
7.2. Phương pháp phỏng vấn toạ đàm.
Là phương pháp được sử dụng trong quá trình tham khảo ý kiến các chuyên
gia trong và ngoài nước về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài (xác định các biện pháp
chuyên môn nâng cao thể lực cho nữ sinh viên năm thứ nhất tại Học viện Quản lý
giáo dục; các hình thức tập luyện ngoại khoá của học viên hệ đào tạo dài hạn tại
Học viện Quản lý giáo dục góp phần nâng cao hiệu quả công tác GDTC và phát
triển năng lực thể chất cho đối tượng nghiên cứu) thông qua hình thức phỏng vấn
bằng phiếu hỏi cũng như toạ đàm trực tiếp với đối tượng phỏng vấn. Đối tượng
phỏng vấn của đề tài bao gồm:
- 2420 sinh viên các khoá tại Học viện Quản lý giáo dục thuộc các khoa:
Quản lý giáo dục, Tâm lý giáo dục và Công nghệ thông tin. Các đối tượng này sẽ
được tiến hành phỏng vấn về nhu cầu, sự ham thích và các hình thức tập luyện
ngoại khoá các môn thể thao…