LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên
cứu độc lập của riêng tôi. Các số liệu, kết quả
nêu trong Luận án là trung thực, có nguồn
gốc rõ ràng.
Tác giả Luận án
Nguyễn Trường Giang
i
MỤC LỤC
TRANG PHỤ BÌA
LỜI CAM ĐOAN i
MỤC LỤC ii
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT iv
DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ, HÌNH vi
MỞ ĐẦU 1
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG
MẠI CỦA MỘT TỈNH BIÊN GIỚI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP
KINH TẾ QUỐC TẾ 10
1.1. Khái niệm và vai trò của phát triển thương mại đối với một tỉnh biên
giới trong bối cảnh hội nhập KTQT 10
1.1.1. Một số khái niệm có liên quan đến phát triển thương mại của một tỉnh biên
giới 10
1.1.2. Một số cơ sở lý thuyết của phát triển thương mại và sự vận dụng vào phát
triển thương mại của một tỉnh biên giới 17
1.1.3. Vai trò của phát triển thương mại của một tỉnh biên giới trong bối cảnh
hội nhập kinh tế quốc tế 23
1.2. Nội dung và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại của
một tỉnh biên giới 26
1.2.1. Nội dung chủ yếu của phát triển thương mại ở một tỉnh biên giới 26
1.2.2. Đặc thù và sự khác biệt giữa phát triển thương mại ở một tỉnh biên giới và
một tỉnh không có biên giới 33
1.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển thương mại của một tỉnh biên giới.35
1.2.4. Các tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá sự phát triển thương mại của một tỉnh biên
giới 41
1.3. Kinh nghiệm phát triển thương mại của một số tỉnh biên giới trong,
ngoài nước và bài học rút ra đối với phát triển thương mại tỉnh Lào
Cai 48
1.3.1. Kinh nghiệm phát triển thương mại của một số tỉnh biên giới trong và
ngoài nước 48
1.3.2. Bài học rút ra cho Lào Cai từ kinh nghiệm phát triển thương mại của một
số tỉnh biên giới trong và ngoài nước 52
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI CỦA TỈNH
LÀO CAI TỪ NĂM 2001 ĐẾN NAY 54
ii
2.1. Khái quát tiềm năng, lợi thế và hạn chế trong phát triển thương mại
của tỉnh Lào Cai 54
2.2. Phân tích thực trạng phát triển thương mại của tỉnh Lào Cai từ năm
2001 đến nay 63
2.2.1. Quy mô và tốc độ tăng trưởng thương mại tỉnh Lào Cai 63
2.2.2. Chất lượng tăng trưởng và trình độ phát triển thương mại của tỉnh Lào
Cai 71
2.2.3. Các điều kiện đảm bảo cho thương mại tỉnh Lào Cai phát triển bền vững
78
2.3. Đánh giá chung về thực trạng phát triển thương mại tỉnh Lào Cai. .98
2.3.1. Những thành tựu chủ yếu và nguyên nhân 98
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân 101
CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT TRIỂN
THƯƠNG MẠI CỦA TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020 107
3.1. Bối cảnh và những cơ hội, thách thức đối với phát triển thương mại
tỉnh Lào Cai thời kỳ đến năm 2020 107
3.1.1. Bối cảnh và triển vọng 107
3.1.2. Những thuận lợi, khó khăn và các cơ hội, thách thức đối với phát triển
thương mại tỉnh Lào Cai thời kỳ tới 112
3.2. Quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển thương mại tỉnh Lào
Cai thời kỳ tới năm 2020 116
3.2.1. Quan điểm phát triển thương mại tỉnh Lào Cai 116
3.2.2. Mục tiêu phát triển thương mại tỉnh Lào Cai 117
3.2.3. Định hướng phát triển thương mại tỉnh Lào Cai thời kỳ tới năm 2020, tầm
nhìn 2030 118
3.3. Các giải pháp phát triển thương mại tỉnh Lào Cai 119
3.3.1. Nhóm giải pháp về xây dựng và hoàn thiện thể chế môi trường kinh doanh119
3.3.2. Nhóm giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng thương mại 129
3.3.3. Nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực ngành thương mại của Tỉnh
135
3.3.4. Nhóm giải pháp khác 137
3.4. Một số kiến nghị 144
KẾT LUẬN 147
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 152
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 153
iii
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT
ACFTA ASEAN - China Free Trade
Area
Khu vực Thương mại tự do ASEAN
- Trung Quốc
ASEAN The Association of South
East Asian Nations
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
BLHH Bán lẻ hàng hóa
CK Cửa khẩu
CNH, HĐH Công nghiệp hóa, hiện đại hóa
C/O Certificate of Original Giấy chứng nhận xuất xứ
DN Doanh nghiệp
DNTM Doanh nghiệp thương mại
ĐVT Đơn vị tính
EHP Early Havest Program Chương trình thu hoạch sớm
FDI Foreign direct investment Đầu tư trực tiếp nước ngoài
GATT General Agreement on
Tariffs and Trade
Hiệp định chung về thuế quan và
thương mại
GDP Gross Domestic Product Tổng sản phẩm quốc nội
GMS Greater Mekong Subregion Tiểu vùng Mê Kông mở rộng
GTTT Giá trị tăng thêm
HLKT Hành lang kinh tế
HS Harmonized System Hệ thống hài hòa
KCHTTM Kết cấu hạ tầng thương mại
KCN Khu công nghiệp
KDTM Kinh doanh thương mại
KTCK Kinh tế cửa khẩu
KTQT Kinh tế quốc tế
NDT Nhân dân tệ
NK Nhập khẩu
NSLĐ Năng suất lao động
NTM Nông thôn mới
NXB Nhà xuất bản
PCI Provincial Competitiveness
Index
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
QLTT Quản lý thị trường
QLNN Quản lý Nhà nước
TBT Technical Barriers to Trade Hàng rào kỹ thuật trong thương mại
TDMNBB Trung du miền núi Bắc bộ
TM-CN Thương mại - Công nghiệp
TMBG Thương mại biên giới
TMĐT Thương mại điện tử
iv
TMQT Thương mại quốc tế
TNHH Trách nhiệm hữu hạn
TQ Trung Quốc
TT Thứ tự
TTHQĐT Thủ tục hải quan điện tử
TTTM Trung tâm thương mại
UBND Ủy ban nhân dân
USD United States Dollar Đô la Mỹ
WTO World Trade Organization Tổ chức Thương mại thế giới
XK Xuất khẩu
XNK Xuất, nhập khẩu
XTTM Xúc tiến thương mại
v
DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU ĐỒ, HÌNH
BẢNG
Bảng 1.1: Một số chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Vân Nam, TQ 48
Bảng 2.1: GDP và cơ cấu kinh tế của tỉnh Lào Cai 56
Bảng 2.2: Một số sản phẩm hàng hóa chủ yếu của tỉnh Lào Cai 58
Bảng 2.3: Cơ cấu kinh tế tỉnh Lào Cai phân theo thành phần kinh tế 59
Bảng 2.4: Năng suất lao động tỉnh Lào Cai theo giá so sánh 1994 59
Bảng 2.5: Nguồn vốn đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai phân theo khu vực kinh tế
60
Bảng 2.6: Lao động tỉnh Lào Cai phân theo ngành kinh tế 61
Bảng 2.7: Tổng mức BLHH của tỉnh Lào Cai theo giá thực tế 64
Bảng 2.8: GTTT ngành thương mại tỉnh Lào Cai theo giá so sánh 65
Bảng 2.9: Số lượng lao động của ngành thương mại tỉnh Lào Cai 66
Bảng 2.10: Số lượng doanh nghiệp thương mại và quy mô vốn trung
bình/DNTM 66
Bảng 2.11: Kim ngạch và cơ cấu nhóm hàng XNK của tỉnh Lào Cai 68
Bảng 2.12: Kim ngạch XNK qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai 69
Bảng 2.13: Tỷ lệ GTTT của thương mại nội Tỉnh so với giá trị tổng doanh thu
thương mại bán lẻ của tỉnh Lào Cai trong tương quan với các tỉnh
trong Vùng và cả nước (tính theo giá thực tế) 72
Bảng 2.14: Quy mô vốn và lợi nhuận của DNTM tỉnh Lào Cai 76
Bảng 2.15: Bảng so sánh PCI Lào Cai và các chỉ số thành phần 92
BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 2.1: Tổng mức BLHH tỉnh Lào Cai và so sánh với một số tỉnh khác. .64
Biểu đồ 2.2: Đóng góp của ngành thương mại vào GDP toàn Tỉnh năm 2011. 65
Biểu đồ 2.3: Số lượng DNTM đang hoạt động tính đến 31/12 hàng năm và quy
mô trung bình vốn KDTM/DNTM 67
Biểu đồ 2.4: Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của tỉnh Lào Cai 69
vi
Biểu đồ 2.5: Kim ngạch XNK hàng hóa qua các CK tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn
70
Biểu đồ 2.6: Tỷ trọng tổng kim ngạch XNK phân theo loại hình CK từ năm
2006 đến năm 2011 71
Biểu đồ 2.7: Cơ cấu giá trị bán lẻ hàng hóa phân theo mức độ hiện đại của loại
hình phân phối bán lẻ 73
Biểu đồ 2.8: Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Lào Cai 74
Biểu đồ 2.9: Tình hình hoạt động kinh doanh của DNTM 77
Biểu đồ 2.10: Mức độ đáp ứng của KCHTTM đối với phát triển thương mại 85
Biểu đồ 2.11: Mức độ đáp ứng của đội ngũ cán bộ QLNN về thương mại 97
HÌNH
Hình 1.1: Xác định lợi thế cạnh tranh quốc gia: Mô hình kim cương của
M. Porter 21
vii
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài Luận án
Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc của Việt
Nam, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc (TQ) với gần 200 km đường biên
giới, được xác định là “cầu nối”, trung tâm thương mại (TTTM), có vai trò trung
chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế (HLKT) Côn Minh (TQ) - Lào Cai -
Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Lợi thế về địa - kinh tế đã tạo cho tỉnh Lào Cai
có một vị trí, vai trò rất lớn là “cửa ngõ” đối với vùng Trung du miền núi Bắc bộ
(TDMNBB) và cả nước trong hoạt động giao lưu ngoại thương và phát triển kinh tế
cửa khẩu (KTCK) gắn kết thị trường Việt Nam, các nước ASEAN với thị trường
khu vực Tây Nam rộng lớn của TQ. Lào Cai được các địa phương trong và ngoài
nước biết đến với những tiềm năng, lợi thế mà ít nơi có được, đó là nguồn tài
nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng; nguồn tài nguyên rừng, thủy năng dồi
dào… đang được khai thác phục vụ phát triển ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim,
chế biến nông lâm sản, năng lượng; ngoài ra, Lào Cai còn có Cửa khẩu (CK) quốc
tế Lào Cai là “điểm đầu” của Việt Nam trên tuyến HLKT nói trên, khu du lịch Sa
Pa - một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.
Tại Quyết định số 46/2008/QĐ-TTg ngày 31/3/2008 của Thủ tướng Chính
phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai
đến năm 2020, đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng Lào Cai trở thành
tỉnh phát triển của vùng TDMNBB và là tỉnh khá của cả nước; thành phố Lào Cai
trở thành trung tâm kinh tế lớn, đô thị hiện đại, địa bàn quan trọng về hợp tác quốc
tế, giao lưu kinh tế của Vùng và cả nước với TQ và quốc tế [50].
Trong những năm đổi mới vừa qua, vai trò của thương mại đối với sự phát
triển kinh tế của cả nước và của từng địa phương đã được khẳng định. Trong bối
cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO), tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN - TQ (ACFTA), tham
gia hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS)… thì thương mại tiếp tục phải là
lĩnh vực tiên phong trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT). Nhiệm vụ này
càng trở nên cực kỳ quan trọng đối với các tỉnh miền núi có nền kinh tế còn kém
phát triển như Lào Cai nhưng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thương mại,
đặc biệt là thương mại quốc tế (TMQT).
1
Tỉnh Lào Cai trong những năm gần đây cũng có sự chuyển biến tích cực
trong hoạt động thương mại. Những lợi ích thu được từ thương mại đang ngày càng
có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Hàng năm
giá trị tăng thêm (GTTT) ngành dịch vụ chiếm khoảng 37% GDP của Tỉnh. Năm
2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa (BLHH) đạt trên 5.775 tỷ đồng; giá trị kim ngạch
xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua các CK của Tỉnh đạt trên 1,5 tỷ USD, trong
đó xuất khẩu (XK) đạt trên 820 triệu USD. Tuy nhiên, thương mại tỉnh Lào Cai còn
một số hạn chế như: Quy mô thị trường nội địa nhỏ, thị trường nông thôn bị bỏ ngỏ;
kết cấu hạ tầng thương mại (KCHTTM) còn thiếu và yếu, đầu tư mang tính manh
mún, tự phát; chưa khai thác tốt vị trí, vai trò “cầu nối” của Tỉnh trên tuyến HLKT;
giá trị kim ngạch XNK qua các CK của Tỉnh không ổn định và còn thấp so với tiềm
năng, lợi thế; thị trường XK hẹp, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường TQ; năng lực
cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN), sản phẩm còn hạn chế; nhiều loại hình
thương mại dịch vụ chưa phát triển…
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015 đã
định hướng phát triển thương mại tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tới là: “…Coi phát
triển thương mại - du lịch, dịch vụ là mũi nhọn…. Phát triển thương mại - dịch vụ,
du lịch để khai thác hiệu quả lợi thế. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo
hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ…. Coi trọng phát triển, tăng
trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, sinh thái,
bảo đảm phát triển bền vững…” [2]. Phát triển thương mại Lào Cai có đặc thù khác
so với các tỉnh khác không có biên giới, đó là phát triển hoạt động thương mại biên
giới (TMBG), KTCK, thực hiện vai trò “cầu nối”, “trung chuyển” hàng hóa, dịch
vụ XNK nhằm khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý gần kề thị trường lớn TQ; đồng
thời, ngành thương mại tỉnh Lào Cai cần được tăng cường phát triển, tạo những
điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và du lịch, cung cấp
hàng tiêu dùng, thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu,
vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn.
Từ cách tiếp cận và nhận định trên đây, tác giả lựa chọn đề tài nghiên cứu:
“Giải pháp phát triển Thương mại của tỉnh Lào Cai trong bối cảnh hội nhập kinh
tế quốc tế” cho Luận án tiến sĩ của mình.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài trong và ngoài nước
2
Trong thời gian qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu về quan hệ thương
mại giữa Việt Nam với TQ nói chung cũng như với một số tỉnh biên giới của TQ
giáp với Việt Nam nói riêng, quan hệ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh
tế” Việt Nam - TQ,… nhưng chưa có một công trình khoa học nào đi sâu nghiên
cứu trực diện, có tính hệ thống và toàn diện về phát triển thương mại của tỉnh Lào
Cai trong bối cảnh hội nhập KTQT. Ở một góc độ nhất định, liên quan đến vấn đề
này, có thể kể đến các công trình trong nước có liên quan như sau:
Luận án Phó Tiến sĩ kinh tế “Đổi mới hoạt động thương mại trong sự phát
triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc” của Nguyễn Văn Ý thực hiện tại
Trường Đại học Kinh tế quốc dân năm năm 1995. Trong đó, nghiên cứu đổi mới hoạt
động thương mại trong sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc,
nghiên cứu thương mại trên phương diện là một ngành, đồng thời, bối cảnh nghiên
cứu của Luận án là những năm 1990, trước thời kỳ hội nhập KTQT của Việt Nam.
Dự án “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Lào Cai giai đoạn
2006-2010 và định hướng đến năm 2020” do Sở Công Thương tỉnh Lào Cai chủ trì
thực hiện năm 2008. Trong đó, đã đánh giá hiện trạng phát triển thương mại tỉnh
Lào Cai giai đoạn 2001-2005, quy hoạch phát triển thương mại Lào Cai cho giai
đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; không đánh giá thực trạng phát triển
thương mại của Tỉnh giai đoạn từ năm 2006 đến nay, mới đề xuất được các giải
pháp phát triển thương mại của Tỉnh đến năm 2010.
Dự án “Quy hoạch phát triển KCHTTM tuyến HLKT Lào Cai - Hà Nội - Hải
Phòng - Quảng Ninh giai đoạn 2009-2020, có xét đến năm 2025” do Viện Nghiên
cứu Thương mại chủ trì thực hiện năm 2010, được phê duyệt tại Quyết định số
7052a/QĐ-BCT ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong đó, đi sâu
nghiên cứu phát triển KCHTTM trên tuyến HLKT, chưa đi sâu nghiên cứu phát
triển thương mại hàng hóa trên tuyến hành lang này.
Đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy
mạnh xuất khẩu tiểu ngạch hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc” do Vụ
Thương mại miền núi - Bộ Công Thương chủ trì thực hiện năm 2009. Trong đó, chỉ
tập trung nghiên cứu về hoạt động XK tiểu ngạch hàng hóa của Việt Nam qua biên
giới đất liền sang TQ, chưa đề cập đến hoạt động XNK hàng hóa qua biên giới nói
chung giữa Việt Nam và TQ.
3
Đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp phát triển các dịch vụ hỗ trợ nhằm thuận
lợi hóa thương mại tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc Việt Nam” do Viện Nghiên
cứu Thương mại chủ trì thực hiện năm 2005. Trong đó, nghiên cứu sâu về dịch vụ
hỗ trợ thương mại hàng hóa và dịch vụ ở CK biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và
các tỉnh phía Nam TQ, chưa đề cập đến dịch vụ hỗ trợ thương mại nội địa ở các tỉnh
biên giới phía Bắc.
Đề tài khoa học cấp Bộ “Phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hàng hóa trên
địa bàn miền núi nhất là ở vùng sâu vùng xa nước ta” do Viện Nghiên cứu Thương
mại chủ trì thực hiện năm 2003. Trong đó, đi sâu nghiên cứu về dịch vụ và các
chính sách phát triển dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hàng hóa ở miền núi nước ta, nhưng
chưa đề cập đến dịch vụ hỗ trợ kinh doanh XNK hàng hóa ở khu vực này.
Đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện chính sách thương mại biên giới của
Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Thương mại chủ trì năm 2009. Trong đó, đi sâu
nghiên cứu về chính sách TMBG của Việt Nam, cụ thể là chính sách TMBG của
Việt Nam với TQ, chưa đi sâu nghiên cứu hoạt động TMBG của các tỉnh biên giới.
Luận án Tiến sĩ kinh tế “Đổi mới quản lý Nhà nước về hoạt động xuất nhập
khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc” của Lương Đăng
Ninh thực hiện tại Viện Nghiên cứu Thương mại năm 2002. Trong đó, nghiên cứu
sâu về QLNN đối với hoạt động XNK hàng hóa trên địa bàn các tỉnh biên giới phía
Bắc, chưa đề cập đến QLNN đối với hoạt động thương mại nói chung trên địa bàn
các tỉnh biên giới.
Đề tài khoa học cấp nhà nước “Quan hệ hợp tác kinh tế của Việt Nam với
Trung Quốc” do Viện Nghiên cứu Thương mại chủ trì thực hiện năm 2010.
Đề tài khoa học cấp Bộ “Chiến lược một trục hai cánh trong chính sách
hướng Nam của Trung Quốc, gợi ý một số đối sách với Việt Nam” do Trường Đại
học Ngoại Thương chủ trì thực hiện năm 2009.
Ngoài ra, còn có nhiều đề tài khoa học, cuốn sách, bài viết nghiên cứu đăng
trên các tạp chí, các bài tham luận tại hội thảo trong nước và quốc tế đề cập đến sự
phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, hợp tác “Hai hành lang, một
vành đai kinh tế” Việt Nam - TQ, ACFTA, nghiên cứu mô hình Khu hợp tác kinh tế
biên giới Việt Nam - TQ,… với nhiều nội dung khác nhau.
Ở ngoài nước, trong một số năm gần đây, cũng có một số nhà khoa học,
chuyên gia nước ngoài quan tâm nghiên cứu về hợp tác kinh tế - thương mại Việt
4
Nam - TQ; hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt - Trung; mô
hình khu kinh tế biên giới Việt Nam - TQ nhưng cũng chưa thấy có công trình
nào đi sâu nghiên cứu về phát triển thương mại của tỉnh Lào Cai. Điển hình là
những công trình:
Chu Chấn Minh - Viện nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Khoa học Xã hội
Vân Nam - TQ có công trình nghiên cứu “Đáp ứng tình hình mới cần đẩy nhanh
tiến độ xây dựng dự án “Hai hành lang, một vành đai” (năm 2007).
Đổng Chí Vân - Phó trưởng phòng Phòng Nghiên cứu, Chính phủ nhân dân
tỉnh Vân Nam - TQ có công trình nghiên cứu “Tích cực thúc đẩy xây dựng Hai
hành lang, một vành đai Trung - Việt cùng tạo ưu thế trong hợp tác giữa Vân Nam
và Việt Nam” (năm 2007).
Lưu Kiến Văn, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây – TQ có công trình
nghiên cứu “Nhanh chóng thúc đẩy tiến trình xây dựng Khu hợp tác kinh tế
xuyên quốc gia Trung - Việt” (năm 2007), phân tích ý nghĩa của việc xây dựng
các khu hợp tác kinh tế biên giới Trung - Việt, trường hợp Khu kinh tế biên giới
Đông Hưng - Móng Cái.
Trần Cương, Học viện Hồng Hà - Vân Nam - TQ có công trình nghiên cứu
“Định vị chức năng Khu hợp tác kinh tế Hồng Hà - Lào Cai trong khuôn khổ Hai
hành lang, một vành đai” (năm 2007), bàn về những chức năng đề ra của Khu
hợp tác kinh tế Hồng Hà - Lào Cai trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành
đai”, những kiến nghị về mô hình phát triển và những chính sách có liên quan
tới khu vực này.
Dự án RETA 7356 “Phát triển các Khu Hợp tác kinh tế biên giới giữa Việt
Nam và Trung Quốc” do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) thực hiện năm 2011,
đã nghiên cứu, đánh giá hiện trạng các khu kinh tế biên giới Việt - Trung, trong đó
có Lào Cai - Hà Khẩu (TQ) và đề xuất các định hướng phát triển các khu hợp tác
kinh tế biên giới Việt - Trung trong tương lai.
Vì vậy, vấn đề phát triển thương mại của Lào Cai rất cần được nghiên cứu cả
về lý luận và thực tiễn, để đề ra các giải pháp phát triển đồng bộ trong bối cảnh hội
nhập KTQT.
3. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài Luận án
Luận giải rõ cơ sở lý luận về phát triển thương mại của một tỉnh biên giới
trong bối cảnh hội nhập KTQT, đánh giá đúng thực trạng phát triển thương mại tỉnh
5
Lào Cai từ năm 2001 đến nay và dự báo triển vọng phát triển đến năm 2020; trên cơ
sở đó đề xuất quan điểm, định hướng và các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển
thương mại của Tỉnh thích ứng với bối cảnh hội nhập KTQT thời kỳ tới năm 2020.
4. Đối tượng và giới hạn phạm vi nghiên cứu của Luận án
4.1. Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án: Cơ sở lý luận về phát triển
thương mại hàng hóa của một tỉnh biên giới trong bối cảnh hội nhập KTQT, thực
trạng và giải pháp có tính đồng bộ nhằm phát triển thương mại hàng hóa tỉnh Lào
Cai trong bối cảnh hội nhập KTQT và trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng, liên
quốc gia.
4.2. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Luận án tập trung luận giải cơ sở lý luận phát triển thương
mại hàng hóa của một tỉnh biên giới trong bối cảnh hội nhập KTQT; đánh giá thực
trạng phát triển thương mại hàng hóa của tỉnh Lào Cai từ năm 2001 đến nay và đề
xuất các giải pháp có tính đồng bộ nhằm phát triển thương mại hàng hóa tỉnh Lào
Cai thời kỳ đến năm 2020 trên cơ sở khai thác các lợi thế phát triển thương mại của
tỉnh biên giới và góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của một tỉnh
miền núi biên giới, tập trung nghiên cứu phát triển thương mại ở các khu vực như
CK, lối mở biên giới và khu vực khác còn nhiều khó khăn. Trong đó, nghiên cứu
phát triển thương mại tỉnh Lào Cai được tập trung vào thương mại nội địa, XNK
hàng hóa và một số dịch vụ thương mại có lợi thế của Tỉnh, trọng tâm là TMBG.
Xây dựng các giải pháp phát triển thương mại hàng hóa của tỉnh Lào Cai thời kỳ tới
năm 2020. Luận án không nghiên cứu cơ sở khoa học về phát triển thương mại dịch
vụ của tỉnh Lào Cai mà tập trung nghiên cứu phát triển thương mại hàng hóa của
tỉnh Lào Cai trong mối quan hệ liên ngành (phát triển thương mại hàng hóa trong
mối quan hệ với phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp, thương mại dịch vụ, nhất
là dịch vụ du lịch…), liên vùng, liên quốc gia (với cả nước, với các tỉnh TDMNBB,
với các tỉnh biên giới Việt - Trung, với các nước trong GMS) trong bối cảnh hội
nhập KTQT.
- Về không gian: Nghiên cứu phát triển thương mại tỉnh Lào Cai trong mối
quan hệ về thương mại biên mậu với TQ, với hoạt động thương mại tỉnh Vân Nam -
TQ, với hoạt động thương mại các tỉnh trong vùng TDMNBB và với cả nước, với
khai thác các lợi thế phát triển của HLKT Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải
6
Phòng - Quảng Ninh, với khai thác các tiềm năng phát triển kinh tế - thương mại
của GMS.
- Về thời gian: Đánh giá thực trạng phát triển thương mại tỉnh Lào Cai từ
năm 2001 đến nay và đề xuất các giải pháp phát triển đến năm 2020.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng một số phương pháp chủ yếu sau đây:
- Phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Căn cứ vào đối
tượng nghiên cứu của Luận án thuộc chuyên ngành thương mại, Luận án sử dụng
phương pháp này để làm rõ bản chất của phát triển thương mại hàng hóa của một
tỉnh biên giới trong bối cảnh hội nhập KTQT.
- Phương pháp khảo sát thực tiễn, điều tra điển hình, nghiên cứu tài liệu được
sử dụng để thu thập thông tin về cơ sở lý thuyết, các công trình nghiên cứu trước
đây, chính sách pháp luật của Trung ương và của tỉnh Lào Cai về thương mại, thực
trạng phát triển thương mại của tỉnh Lào Cai, thực trạng phát triển thương mại tại
một số khu vực của Tỉnh (như khu vực CK, lối mở biên giới và các khu vực khác
còn nhiều khó khăn); kinh nghiệm phát triển thương mại của một số tỉnh biên giới
trong và ngoài nước, các số liệu thống kê…. Để phục vụ cho những yêu cầu và
nhiệm vụ của Luận án, bên cạnh việc sử dụng số liệu thống kê, kết quả điều tra của
một số tổ chức, tác giả đã trực tiếp gửi phiếu điều tra, khảo sát ý kiến của các nhà
khoa học, nhà quản lý, các DN, thương nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Phương pháp hệ thống hoá và khái quát hoá, tổng hợp, phân tích, chứng
minh, diễn giải, quy nạp, thống kê, so sánh và dự báo để tiến hành đánh giá thực
trạng phát triển thương mại của tỉnh Lào Cai, so sánh và đối sánh một số chỉ tiêu về
phát triển thương mại của tỉnh Lào Cai với cả nước, với vùng TDMNBB và với một
số tỉnh khác; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển thương mại của tỉnh Lào
Cai, đề xuất các giải pháp phát triển thương mại của Tỉnh thời kỳ đến năm 2020.
- Phương pháp chuyên gia, nghiên cứu tại bàn để đánh giá kết quả nghiên cứu.
6. Những đóng góp mới về khoa học của Luận án
- Về lý luận:
+ Luận án đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về phát triển thương mại của một
tỉnh biên giới, với nội hàm đầy đủ về quy mô, cơ cấu, trình độ phát triển, chất lượng
tăng trưởng và hiệu quả hoạt động thương mại; với ngoại diên bao gồm cả thương
mại nội địa, XNK chính ngạch và biên mậu, dịch vụ thương mại. Xác định nội dung
7
phát triển thương mại hàng hóa trên địa bàn một tỉnh biên giới trong mối quan hệ
liên ngành (thương mại hàng hoá, công nghiệp, nông lâm thủy sản, du lịch, ), liên
tỉnh (với các tỉnh trong vùng TDMNBB), liên vùng, liên quốc gia (với cả nước, với
tỉnh giáp biên giới của nước bạn, với các tỉnh thuộc HLKT, với các nước trong
GMS), gồm: phát triển thương mại nội địa, phát triển XNK và phát triển các dịch vụ
thương mại. Chỉ ra một số điểm đặc thù và sự khác biệt cơ bản trong phát triển
thương mại của một tỉnh có biên giới với tỉnh không có biên giới: Lợi thế so sánh về
đường biên giới, gần kề thị trường nước ngoài, hàng hóa XNK được giao ngay tại
biên giới, được áp dụng các quy định ngoại lệ của WTO về thương mại qua biên giới.
+ Luận án đã xác định ba tiêu chí để đánh giá sự phát triển thương mại của
một tỉnh biên giới trong bối cảnh hội nhập KTQT, mỗi tiêu chí có các chỉ tiêu đánh
giá định lượng cụ thể, gồm: Nhóm tiêu chí về quy mô và tốc độ tăng trưởng (như
tổng mức BLHH, tổng kim ngạch XNK của tỉnh, ), nhóm tiêu chí về chất lượng
tăng trưởng và trình độ phát triển (như chất lượng tăng trưởng thương mại của tỉnh,
cơ cấu thương mại, năng suất lao động (NSLĐ) thương mại, ) và nhóm tiêu chí về
điều kiện đảm bảo cho thương mại phát triển bền vững (như sự phát triển thị trường
tiêu thụ hàng hóa của tỉnh, sự đồng bộ và hiện đại hóa của hệ thống KCHTTM, số
lượng và cấp độ CK, ).
+ Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thương mại của 2 tỉnh biên giới (Vân
Nam - TQ và Lạng Sơn - Việt Nam), Luận án rút ra năm bài học có thể áp dụng cho
Lào Cai, đó là: Lào Cai cần phải lựa chọn được mô hình phát triển thương mại phù
hợp với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh; kết hợp phát triển thị trường trong nước và thị
trường ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước;
quan tâm đến mối quan hệ giữa phát triển thương mại và du lịch; và tạo ra tính liên
vùng, liên khu vực trong phát triển thương mại.
- Về thực tiễn:
+ Luận án đã đánh giá một cách toàn diện thực trạng phát triển thương mại
hàng hóa của tỉnh Lào Cai từ năm 2001 đến nay theo các tiêu chí và chỉ tiêu đã xây
dựng, có sự so sánh, đối sánh với tỉnh Lạng Sơn (có biên giới) và tỉnh Yên Bái
(không có biên giới). Qua đó, rút ra bốn thành tựu: Quy mô thương mại nội Tỉnh
ngày càng mở rộng, đúng định hướng của Tỉnh; bước đầu xây dựng được một số
KCHTTM có tính hiện đại; ngoại thương phát triển nhanh, trở thành động lực thúc
đẩy các ngành kinh tế của Tỉnh phát triển; môi trường kinh doanh thuận lợi, thông
thoáng. Đồng thời, Luận án đã chỉ rõ năm hạn chế chủ yếu: Quy mô thương mại nội
Tỉnh còn nhỏ, phát triển không đồng đều, hiệu quả chưa cao; hệ thống KCHTTM
8
còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; phát triển XNK qua các CK
chưa ổn định; quy mô XK của Tỉnh còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả
thấp; hoạt động TMBG chưa được kiểm soát chặt chẽ.
+ Luận án đã đề xuất bốn quan điểm, ba định hướng chiến lược và bốn nhóm
giải pháp có tính đồng bộ nhằm phát triển thương mại hàng hóa của tỉnh Lào Cai
thời kỳ đến năm 2020: Nhóm giải pháp về xây dựng và hoàn thiện thể chế môi
trường kinh doanh; nhóm giải pháp về phát triển KCHTTM; nhóm giải pháp về
phát triển nguồn nhân lực ngành thương mại của Tỉnh và nhóm giải pháp khác.
Trong đó, một số giải pháp có tính đột phá là: Xây dựng và nâng cao hiệu lực thực
thi Quy hoạch phát triển thương mại của Tỉnh và nâng cao hiệu lực quản lý nhà
nước (QLNN) về TMBG; đẩy mạnh đầu tư và khai thác hiệu quả Khu KTCK Lào
Cai và Khu Thương mại - Công nghiệp (TM-CN) Kim Thành; thúc đẩy và nâng cao
hiệu quả các liên kết thương mại và thị trường giữa Lào Cai với Vân Nam (TQ) và
các địa phương trong nước để phát huy vai trò ”trung chuyển” của thị trường Lào
Cai và tận dụng các điều kiện thuận lợi của hợp tác kinh tế trên tuyến HLKT Côn
Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
7. Bố cục của Luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình công bố của tác giả,
danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung Luận án được bố cục với kết cấu
03 chương, như sau:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về phát triển thương mại của một tỉnh biên
giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương 2: Thực trạng phát triển thương mại của tỉnh Lào Cai từ năm 2001
đến nay.
Chương 3: Các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển thương mại của tỉnh Lào
Cai đến năm 2020.
9
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI CỦA
MỘT TỈNH BIÊN GIỚI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
1.1. Khái niệm và vai trò của phát triển thương mại đối với một tỉnh biên giới
trong bối cảnh hội nhập KTQT
1.1.1. Một số khái niệm có liên quan đến phát triển thương mại của một tỉnh
biên giới
1.1.1.1. Khái niệm thương mại, hoạt động thương mại, hoạt động thương mại biên giới
a. Khái niệm thương mại
Về mặt học thuật, Thương mại (Tiếng Anh là Trade hoặc Commerce; tiếng
Pháp là Commerce; tiếng La tinh là Commercium) đều được hiểu là mua bán, trao
đổi hàng hóa, hoạt động kinh doanh.
Theo nghĩa hẹp, thương mại là quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị
trường, là lĩnh vực phân phối và lưu thông hàng hóa. Nếu hoạt động trao đổi hàng
hóa vượt ra khỏi biên giới quốc gia thì người ta gọi đó là ngoại thương (kinh doanh
quốc tế).
Trên thực tế, thương mại có thể được phân chia theo nhiều tiêu thức khác
nhau: Theo phạm vi hoạt động, có thương mại nội địa (nội thương), thương mại
quốc tế (ngoại thương), thương mại khu vực, thương mại thành phố, nông thôn,
thương mại nội bộ ngành… Theo đặc điểm và tính chất của sản phẩm trong quá
trình tái sản xuất xã hội, có thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại
tư liệu sản xuất, thương mại hàng tiêu dùng Theo các khâu của quá trình lưu
thông, có thương mại bán buôn, thương mại bán lẻ. Theo mức độ can thiệp của Nhà
nước vào quá trình thương mại, có thương mại tự do (hay mậu dịch tự do) và
thương mại có sự bảo hộ (hay bảo hộ mậu dịch). Theo kỹ thuật giao dịch, có thương
mại truyền thống và thương mại điện tử (TMĐT), hay thương mại có giấy tờ và
thương mại không có giấy tờ.
Theo Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL),
thuật ngữ “Thương mại” được hiểu theo nghĩa rộng để bao quát các vấn đề nảy sinh
ra từ mối quan hệ mang tính chất thương mại, dù có hay không có hợp đồng. Các
mối quan hệ mang tính chất thương mại gồm bất cứ giao dịch thương mại nào về
cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa và dịch vụ; thỏa thuận phân phối; đại diện hoặc đại
lý thương mại; ủy thác hoa hồng; cho thuê dài hạn; xây dựng công trình; tư vấn; kỹ
thuật công trình; đầu tư, cấp vốn; ngân hàng; bảo hiểm; thỏa thuận khai thác tô
10
nhượng; liên doanh và các hình thức khác về hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh;
chuyên chở hàng hóa hay hành khách bằng đường biển, đường sắt hoặc đường bộ.
Hiện nay, Luật Thương mại (năm 2005) của Việt Nam và trong nhiều Hiệp
định thương mại song phương đã được ký kết mà điển hình là Hiệp định Thương
mại Việt Nam - Hoa Kỳ, khái niệm “Thương mại” đều đã được hiểu theo nghĩa
rộng, tức là bao gồm thương mại hàng hóa, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại dịch
vụ, xúc tiến thương mại (XTTM) và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác.
Việc quy định như vậy là phù hợp với Hiệp định thành lập WTO.
Trong suốt quá trình phát triển của nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh sự phát
triển thương mại luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các mục tiêu tăng trưởng và
phát triển của các quốc gia. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, phát
triển thương mại là tất yếu cho quá trình tăng trưởng và hội nhập vào nền kinh tế
thế giới. Trong khuôn khổ của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại
(GATT), tại vòng đàm phán Uruguay diễn ra từ năm 1986 đến năm 1994, các nước
thành viên của GATT đã thông qua Hiệp định chung về thương mại dịch vụ
(GATS). Hiệp định được thiết lập nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của hệ thống
thương mại đa phương sang lĩnh vực dịch vụ chứ không chỉ điều chỉnh một mình
lĩnh vực thương mại hàng hoá như trước đó. Theo phân ngành hiện nay của WTO
thì ngành thương mại là một ngành kinh tế dịch vụ trong cơ cấu ngành kinh tế.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ Luận án, do hạn chế về nguồn tư liệu, tác giả chỉ
tập trung nghiên cứu về thương mại hàng hóa từ góc độ ngành của một tỉnh biên
giới; không nghiên cứu (hoặc chỉ đề cập một cách khái quát) về thương mại dịch vụ,
đầu tư liên quan đến thương mại và quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại
trên địa bàn một tỉnh biên giới. Trong Hệ thống tài khoản quốc gia (System of
National Accounts - SNA), ngành được phân theo hoạt động sản xuất, bao gồm tất
cả các đơn vị cơ sở (establishment) cùng một loại hoạt động sản xuất. Theo Bảng
phân ngành của hoạt động của Liên Hợp Quốc ISIC
3
, thương mại hàng hóa được
gọi là ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ và dịch vụ sửa chữa nhỏ, là một trong 17
ngành cấp I; tương tự như vậy, theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày
23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và
Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam thì
thương mại hàng hóa cũng chính là ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe
máy và xe có động cơ khác, là một trong 21 ngành cấp I.
11
b. Khái niệm hoạt động thương mại
Hoạt động thương mại mang bản chất của hoạt động dịch vụ, diễn ra trên
không gian thị trường cụ thể và thời gian xác định. Xét theo ý nghĩa đó và dựa theo
hệ thống phân loại sản phẩm (Central Products Classification - CPC) của Liên Hợp
Quốc, WTO đã phân định hoạt động thương mại hàng hóa trên thị trường các nước
thành viên là hoạt động dịch vụ phân phối. Theo phân loại các ngành dịch vụ của
WTO, ngành dịch vụ phân phối gồm 4 phân ngành: dịch vụ bán buôn, dịch vụ bán
lẻ, đại lý hoa hồng và nhượng quyền thương mại; trong đó, bán buôn và bán lẻ là
hoạt động dịch vụ chính trong ngành dịch vụ phân phối.
Luật Thương mại (năm 2005) của Việt Nam quan niệm: “Hoạt động thương
mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lời, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng
dịch vụ, đầu tư, XTTM và các hoạt động nhằm mục đích sinh lời khác” [40]. Cụ thể,
hoạt động thương mại gồm các nhóm sau:
1) Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ
giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên
mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và chuyển quyền sở hữu hàng
hóa theo thỏa thuận.
Các hình thức mua bán hàng hóa bao gồm:
- Mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức XK, nhập
khẩu (NK), tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu.
- Mua bán hàng hóa trong nước: Thực hiện thông qua các hợp đồng mua bán
hàng hóa.
- Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa.
2) Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi
là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận
thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán
cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
Có một số hoạt động dịch vụ chủ yếu sau đây:
- Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức
thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu
bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao
bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo
thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
- Dịch vụ quá cảnh hàng hóa
12
- Dịch vụ giám định
- Cho thuê hàng hóa
- Nhượng quyền thương mại
3) XTTM là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung
ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới
thiệu hàng hóa, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.
4) Các hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để
thực hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác
định, bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác
mua bán hàng hoá và đại lý thương mại.
Ngoài ra, còn một số hoạt động thương mại cụ thể khác như: Gia công trong
thương mại; đấu giá hàng hóa; đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, đã thúc đẩy, phát
triển và ứng dụng rộng rãi TMĐT ở nhiều nước. TMĐT đã góp phần thu hẹp
khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa người bán và người mua,
giữa các công ty, các quốc gia trong hoạt động XNK, rút ngắn đáng kể thời gian
giao dịch và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại. Theo WTO: “TMĐT là hoạt
động sản xuất, quảng cáo, tiêu thụ và phân phối sản phẩm thông qua các mạng
viễn thông” [35]. Hoạt động kinh doanh TMĐT chính là việc ứng dụng công nghệ
(chủ yếu là công nghệ thông tin) để tự động hóa các giao dịch kinh doanh và các
kênh thông tin về kinh doanh. Tuy nhiên, cũng như internet, TMĐT cũng có thể bị
mất an toàn và bị tổn thất do bị phá hoại và bị trục trặc kỹ thuật, nên vấn đề an toàn
khi tiến hành TMĐT cần được quan tâm hàng đầu. Trong công cuộc đổi mới hiện
nay, TMĐT sẽ giúp nước ta có thêm khả năng hội nhập và hợp tác KTQT. Hơn nữa,
sự phát triển nhanh công nghệ thông tin và Internet ở nước ta thời gian qua cho
phép chúng ta từng bước phát triển và ứng dụng rộng rãi hình thức kinh doanh
thương mại (KDTM) hiện đại này
c. Khái niệm hoạt động thương mại biên giới
Hoạt động TMBG là sự lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ qua biên giới đất
liền trong phạm vi vùng biên giới hoặc gia tăng giá trị dịch vụ vùng biên giới giữa
các nước láng giềng. Hay hoạt động TMBG có thể được hiểu là các hoạt động buôn
bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở khu vực biên giới giữa các nước láng giềng, là
hình thái mở đầu của hoạt động TMQT, là bộ phận quan trọng trong hoạt động
ngoại thương của mỗi nước.
13
Theo nghĩa rộng, hoạt động TMBG giữa hai nước láng giềng không chỉ đơn
thuần là hoạt động buôn bán tại các CK biên giới mà nó có phạm vi rộng hơn, bao
trùm các hoạt động XNK hàng hóa và dịch vụ được diễn ra trên toàn bộ khu vực
biên giới của hai nước, bao gồm cả thương mại chính ngạch, thương mại tiểu ngạch
và hoạt động mua bán của cư dân hai nước dọc biên giới.
Hoạt động TMBG, trước hết là một hoạt động TMQT, vì vậy, nó mang đầy
đủ các hoạt động chung của hoạt động TMQT. Ngoài ra, hoạt động TMBG còn có
đặc điểm riêng của hoạt động thương mại tại khu vực biên giới.
Theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và
các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài,
Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về
việc quản lý hoạt động TMBG với các nước có chung biên giới và Quyết định số
139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg, thì hoạt động TMBG có phạm vi rất
rộng, bao gồm:
- Hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia
công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài khác theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP.
- Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới;
- Buôn bán tại chợ biên giới, chợ CK, chợ trong khu KTCK;
- Hoạt động XNK hàng hóa qua biên giới theo các phương thức được thỏa
thuận trong Hiệp định Thương mại song phương giữa nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và các nước có chung biên giới.
Hoạt động TMBG là một cơ chế thương mại đặc biệt, đặc thù, một ngoại lệ,
không bị ràng buộc và được quy định rõ ràng trong các điều khoản riêng lẻ của
WTO. Điều XXIV Hiệp định GATT nêu rõ “Các điều khoản của Hiệp định này sẽ
không được diễn giải nhằm ngăn cản các ưu đãi mà một bên ký kết dành cho quốc
gia láng giềng nhằm tạo thuận lợi cho TMBG’’. Trong Quy chế Tối huệ quốc
(MFN), Điều 25 - Điều khoản Tối huệ quốc về ưu đãi nhằm tạo thuận lợi cho
TMBG đã nêu: “Quốc gia được hưởng mà không phải nước láng giềng thì không
được hưởng những ưu đãi thuận lợi mà quốc gia kia dành cho một nước láng giềng
thứ ba để nhằm tạo thuận lợi cho TMBG”. Hoạt động TMBG đa dạng, phong phú
và có tính linh hoạt cao về điều kiện kinh doanh, chủ thể kinh doanh, quy mô, mặt
14
hàng kinh doanh, phương thức kinh doanh, phương thức thanh toán, đặc biệt là
những hình thức dịch vụ, bao gồm:
- Hoạt động lưu chuyển hàng hóa qua biên giới, gồm: 1) Hoạt động XNK
hàng hóa qua các CK, lối mở biên giới đất liền được hưởng những ưu đãi thuận lợi
theo thỏa thuận giữa các nước có chung biên giới hoặc những ưu đãi thuận lợi do
một nước có chung biên giới đơn phương áp dụng; 2) Hoạt động mua, bán, trao đổi
hàng hóa tại chợ biên giới, chợ CK, chợ trong khu KTCK; và 3) Hoạt động mua,
bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
- Hoạt động dịch vụ hỗ trợ tại khu vực biên giới, gồm:
+ Các dịch vụ công: Xuất nhập cảnh người và phương tiện, kê khai hải quan,
kiểm dịch, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) và các chứng nhận tiêu chuẩn XK khác.
+ Các dịch vụ hỗ trợ nâng cao năng lực giao nhận vận chuyển hàng hóa qua
biên giới (logistics): kho vận, kiểm tra, gia công, đóng gói, phân phối…nhằm liên
kết giữa các nhà sản xuất và các nhà XNK.
+ Các dịch vụ hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận và thâm nhập thị trường:
nghiên cứu thị trường, tư vấn, môi giới, đại lý mua bán, ủy thác XNK, chuyển khẩu,
quảng cáo, hội chợ…
+ Các dịch vụ lao động tại khu vực biên giới: phiên dịch, bốc dỡ, vận chuyển
vệ sinh, bảo vệ…
+ Các dịch vụ về tài chính, tiền tệ: đổi tiền, gửi tiền, chuyển khoản, thanh
toán…
+ Các dịch vụ điện, nước, xử lý chất thải và đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi
trường sinh thái khu vực biên giới.
- Hoạt động cung cấp dịch vụ qua biên giới, gồm: Dịch vụ bưu chính viễn
thông, điện thoại, internet…; dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi…; dịch vụ văn hóa, thể
thao, vui chơi, giải trí…; dịch vụ chăm sóc y tế, làm đẹp, cắt tóc, sửa chữa…; và
dịch vụ tổ chức nghi lễ (hiếu, hỉ và các sự kiện liên quan đến gia đình).
1.1.1.2. Khái niệm phát triển thương mại, phát triển thương mại của một tỉnh biên giới
a. Khái niệm phát triển thương mại
Theo quan niệm chung nhất, phát triển là sự tăng thêm về quy mô, gia tăng
tốc độ và nâng cao chất lượng. Phát triển cũng được hiểu theo nội dung và nội hàm
của phát triển bền vững.
Phát triển thương mại là sự không ngừng mở rộng về quy mô, đồng bộ và
hoàn thiện về cơ cấu, gia tăng nhịp độ và chất lượng tăng trưởng thương mại và tạo
15
lập các yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của hoạt động thương mại tác
động thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội và quan niệm khác nhau của mỗi quốc
gia, mỗi địa phương trong từng giai đoạn phát triển cụ thể, người ta có thể lựa chọn
những mô hình phát triển thương mại khác nhau. Mô hình phát triển thương mại
của mỗi quốc gia, địa phương trong mỗi thời kỳ nhất định có thể được hiểu là sự
định dạng phương thức huy động và phân bổ các nguồn lực của quốc gia, địa
phương cho lĩnh vực thương mại. Nhìn một cách khái quát, có thể phân chia thành 3
mô hình như sau:
- Thứ nhất: Phát triển thương mại chủ yếu theo chiều rộng, như: mở rộng
phát triển thương mại hàng hoá sang thương mại dịch vụ; mở rộng quy mô tăng
tổng mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ xã hội, quy mô và tốc độ tăng trưởng kim
ngạch XNK; mở rộng thị trường trong tỉnh và sang các tỉnh khác, trong nước và
quốc tế; gia tăng số lượng và quy mô các DN, các hộ kinh doanh; mở rộng cơ sở hạ
tầng thương mại.
- Thứ hai: Kết hợp giữa phát triển thương mại theo chiều rộng với phát triển
thương mại theo chiều sâu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thương mại từ chủ yếu
phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa
mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững.
- Thứ ba: Tập trung nguồn lực để phát triển thương mại theo chiều sâu là chủ
yếu, đó là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đối với các hoạt động
thương mại; chuyển dịch cơ cấu thương mại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại
hóa (CNH, HĐH), củng cố các yếu tố cho phát triển thương mại bền vững.
Sự phân định 3 mô hình trên chỉ mang tính tương đối, thực tiễn lịch sử phát
triển thương mại của các quốc gia, địa phương cho thấy, đó là sự chuyển tiếp của 3
mô hình phát triển thương mại, bắt đầu từ trạng thái phát triển chủ yếu theo chiều
rộng sang trạng thái thứ hai, đó là phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu và
cuối cùng là chuyển sang trạng thái phát triển chủ yếu theo chiều sâu.
b. Khái niệm phát triển thương mại của một tỉnh biên giới
Tỉnh biên giới là một đơn vị hành chính địa phương trực thuộc Trung ương,
gồm thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, huyện; trong địa giới hành chính của tỉnh có
đường biên giới quốc gia với các nước láng giềng.
Phát triển thương mại của một tỉnh biên giới là một khái niệm tập hợp, gồm
nội hàm đầy đủ về phát triển thương mại của một địa phương cấp tỉnh và gồm cả
16
nội hàm của TMBG trên địa bàn tỉnh (hoạt động thương mại qua biên giới). Đó là
quá trình không ngừng mở rộng quy mô, nâng cấp trình độ và chuyển dịch cơ cấu
thương mại của một tỉnh biên giới theo cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất
lượng, hiệu quả các hoạt động trao đổi, mua bán sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn
nội tỉnh, giữa tỉnh biên giới với các địa phương khác trong cả nước và với nước
ngoài; đồng thời gia tăng các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên
giới, hoạt động XNK hàng hóa qua biên giới và hoạt động buôn bán tại chợ biên
giới, chợ CK, chợ trong khu KTCK phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển
kinh tế - xã hội của một tỉnh biên giới trong từng thời kỳ.
1.1.2. Một số cơ sở lý thuyết của phát triển thương mại và sự vận dụng vào phát
triển thương mại của một tỉnh biên giới
1.1.2.1. Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith
Adam Smith (1723-1790) căn cứ vào thực tiễn phát triển KTQT thời kỳ cách
mạng công nghiệp bắt đầu bùng nổ và lan rộng để phê phán lý thuyết trọng thương,
đồng thời ông đưa ra những luận điểm mới của mình nhằm giải thích nguồn gốc,
bản chất và lợi ích của TMQT. Ông cho rằng sự giàu có của một quốc gia không
phải chỉ được đo lường bằng số lượng vàng tích trữ được, mà chủ yếu là do lượng
giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra. Trong tác phẩm “Sự giàu có của các
quốc gia”, xuất bản năm 1776, Adam Smith đưa ra nhận định: “Sự giàu có của mỗi
quốc gia đạt được không phải do những quy định chặt chẽ của chính quyền mang
lại mà là nhờ vào tự do kinh doanh. Một nền thương mại không bị can thiệp sẽ
mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia”.
Khi giải thích hiện tượng TMQT, Adam Smith cho rằng buôn bán ngoại
thương muốn bền vững phải mang tính chất bình đẳng và mang lại lợi ích cho cả hai
bên, nếu trao đổi giữa các nước căn cứ trên chi phí sản xuất của các hàng hóa.
Nội dung và tư tưởng cơ bản của lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith
được diễn giải như sau:
- Lợi thế tuyệt đối được hiểu là sự khác biệt tuyệt đối về NSLĐ (cao hơn)
hay chi phí lao động (thấp hơn) để làm ra cùng loại sản phẩm.
- Mô hình TMQT của một quốc gia là chỉ XK sản phẩm mà mình có lợi thế
tuyệt đối và NK những sản phẩm không có lợi thế tuyệt đối.
- Mở rộng ra, nếu mỗi quốc gia tập trung chuyên môn hóa sản xuất vào loại
sản phẩm mà mình có lợi thế tuyệt đối thì tài nguyên kinh tế của đất nước sẽ được
khai thác có hiệu quả hơn và thông qua trao đổi TMQT, các quốc gia giao thương
17
đều có lợi hơn do tổng lượng các loại sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng cuối
cùng ở mỗi quốc gia tăng nhiều hơn và chi phí rẻ hơn so với trường hợp phải sản
xuất toàn bộ, mỗi nước đều có lợi hơn nhiều so với trường hợp không tiến hành trao
đổi TMQT (tuy sẽ không đều nhau giữa các quốc gia).
Tóm lại, lợi thế tuyệt đối là khái niệm chỉ sự trội hơn về lượng tuyệt đối của
nước này so với nước khác về một loại sản phẩm nào đó dựa trên cơ sở các chỉ số
như giá thành sản xuất thấp hơn, NSLĐ cao hơn hay chất lượng các nhân tố đầu vào
của sản xuất tốt hơn. Chuyên môn hóa sản xuất dựa vào lợi thế tuyệt đối sẽ có lợi
cho các nước.
Vận dụng lý thuyết lợi thế tuyệt đối vào điều kiện phát triển thương mại của
một tỉnh biên giới, có thể rút ra hai vấn đề có tính phương pháp luận sau:
1) Mỗi tỉnh biên giới chỉ nên tập trung chuyên môn hóa vào những ngành,
lĩnh vực, loại hình kinh doanh sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) mà mình có lợi thế
tuyệt đối thì tài nguyên kinh tế của tỉnh sẽ được khai thác có hiệu quả hơn, và thông
qua trao đổi TMBG, tỉnh sẽ có lợi hơn do tổng lượng sản phẩm trao đổi của tỉnh
tăng nhiều hơn và chi phí rẻ hơn so với các tỉnh không có biên giới.
2) Các chính sách của Chính phủ, của tỉnh biên giới trong việc xác định đúng
những ngành, lĩnh vực hoặc những sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) mà tỉnh mình có
lợi thế tuyệt đối để khai thác, XK và phát triển sẽ góp phần quan trọng trong việc
thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
1.1.2.2. Quy luật lợi thế so sánh của David Ricardo
David Ricardo (1772-1823) khi nghiên cứu về TMQT đã nhận thấy những
hạn chế trong lý thuyết của Adam Smith và phát triển lý thuyết lợi thế so sánh
(Comperatitive advantage) hay còn gọi là quy luật lợi thế so sánh.
Quy luật lợi thế so sánh được D. Ricardo trình bày trong tác phẩm “Những
nguyên lý Kinh tế Chính trị và Thuế”, xuất bản năm 1817. Theo đó, trong quan hệ
TMQT không nên đặt ra vấn đề lợi ích của hai bên bằng nhau, hiếm khi xảy ra, mà
căn bản là hai bên cùng có lợi hơn so với trường hợp không có trao đổi TMQT.
Để đơn giản hóa vấn đề và thuận tiện cho việc trình bày quy luật, D. Ricardo
đưa ra một số giả thiết rằng, trong trường hợp: mô hình trao đổi TMQT chỉ có 2
quốc gia và 2 loại sản phẩm; thương mại tự do; thị trường cạnh tranh hoàn hảo; lao
động di chuyển tự do trong một quốc gia, nhưng không di chuyển trên phạm vi quốc
tế; không tính chi phí chuyên chở; kỹ thuật giữa các quốc gia giống nhau; lý thuyết
tính giá trị bằng lao động.
18