Thành phố hàm lượng cacbon thấp – Xu hướng phát triển bền vững các thành phố Châu Á
Đô thị hóa và biến đổi khí hậu là 2 vấn đề hiện đang được nhân loại trên toàn thế giới hết
sức quan tâm. Đô thị hóa đã đặt ra những thách thức to lớn về năng lượng, giao thông và môi
trường. Các thành phố hiện đang tiêu thụ khoảng 75% nguồn năng lượng của thế giới và phát thải
80% khí nhà kính toàn cầu. Góp phần giải quyết những thách thức đó, Viện Công nghệ châu Á
(AIT) đã phối hợp với Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng Pháp (ADEME) xây dựng
Chương trình "Thành phố hàm lượng cácbon thấp", nhằm hỗ trợ các thành phố của châu Á phát
triển theo hướng có mức phát thải cácbon thấp để đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên và môi
trường bền vững. Chương trình đã khởi xướng cho xu hướng phát triển thành phố có mức phát thải
khí thấp ở châu Á hiện nay.
Những người tham gia trực tiếp và đóng góp cho sự thành công của Chương trình chính là
khối cơ quan, đoàn thể, các hiệp hội, tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư của thành
phố... Thông qua việc tham gia vào Chương trình này, các thành phố có thể lựa chọn cho mình
phương pháp tiếp cận phù hợp, đáp ứng được các tiêu chí của thành phố bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, khu vực châu Á phải đối mặt với những ảnh hưởng của biến đổi
khí hậu ngày càng trầm trọng, trong khi chưa có những giải pháp hợp lý để giảm phát thải cácbon
một cách tổng thể và toàn diện. Tháng 12/1997, Nghị định thư Kyôtô đã được thông qua. Các
nước phát triển cam kết, sẽ cắt giảm 5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2012, trong
số đó có những quốc gia có mức phát thải khí lớn nhất châu Á. Để đạt được mục tiêu đó, việc xây
dựng thành phố hàm lượng cácbon thấp ở các quốc gia châu Á là chất xúc tác để thúc đẩy các hành
động ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ với mỗi quốc gia mà còn trong khu vục.
Thành phố có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, là "cái nôi" văn hóa kinh tế
- xã hội, chính trị, là trung tâm của sự đổi mới và có thể thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng
sạch, giao thông bền vững và quản lý chất thải hiệu quả. Tuy nhiên, thành phố lại là nơi dễ bị tổn
thương trước những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều thành phố châu Á có nguy cơ phải
hứng chịu những trận ngập lụt do nước biển dâng. Vì vậy, thành phố cần hành động để giải quyết
vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách thực hiện nhiều giải pháp, chiến lược, chính sách để giảm phát
thải.
Mô hình thành phố có hàm lượng cácbon thấp là một thành phố văn minh, hiện đại, đảm bảo
các tiêu chí về môi trường, chú trọng phát triển trung tâm du lịch thân thiện với môi trường và áp
dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, giảm thiểu hàm lượng
cácbon thải ra môi trường...
Một trong các quốc gia tại châu Á đi đầu trong việc xây dựng và triển khai Chương trình
"Thành phố hàm lượng cácbon thấp", là Nhật Bản. Trong vài thập kỷ qua, Nhật Bản đã thử nghiệm
đưa vào áp dụng giới hạn phát thải cácbon, tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển đất nước, Nhật
Bản khuyến khích giảm phát thải bằng các biện pháp tự nguyện. Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã
kêu gọi giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2020 thông qua việc đưa ra chính sách thuế
cácbon để quyết tâm giảm phát thải cácbon xuống mức thấp nhất tại các thành phố lớn. Tại Nhật
Bản, thủ đô Tôkyô là thành phố mở đầu cho Chiến lược phát triển thành phố hàm lượng cácbon
thấp. Chính sách của thủ đô Tôkyô là công cụ chính được sử dụng nhằm đạt được mục tiêu giảm
phát thải khí của thành phố, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp và thương mại - là 2
ngành chiếm một nửa tổng lượng phát thải của thành phố.
Trong năm 2007, lượng khí thải CO2 của Tôkyô đạt 56 triệu tấn. Có thể nói, tại Nhật Bản,
Chính quyền thủ đô Tôkyô đã đi trước Chính phủ trong việc thiết lập nhiều chính sách kiểm soát ô
nhiễm, nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Tôkyô đã kêu gọi giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng
nhà kính vào năm 2020 và 80% vào năm 2050, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch
bằng cách thiết lập những khuôn khổ thích hợp cho năng lượng tái sinh, công nghệ bảo tồn năng
lượng và các hệ thống vận chuyển đa hình thái. Các chính sách về môi trường của Tôkyô thể hiện
quyết tâm đem lại một môi trường trong sạch và an toàn cho toàn bộ người dân thành phố; bảo vệ
môi trường phải song hành cùng tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Nhật Bản cũng đề cao vai trò đi
đầu của Chính quyền Tôkyô và mô hình của Tôkyô đã được nhân rộng cho hầu hết các thành phố
của Nhật Bản, thậm chí còn lan sang các nước láng giềng.
Một trong những nước đã học theo mô hình của Tôkyô là Trung Quốc. Trung Quốc hiện
cũng đang xem xét việc đánh thuế cácbon trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng mạnh mẽ.
Mục đích của chính sách này là nhằm hạn chế việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống,
thay vào đó là các nguồn năng lượng sạch. Trong Kế hoạch thứ 11 giai đoạn 2006 - 2010, Trung
Quốc kiên quyết đề ra mục tiêu nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm lượng khí CO2. Các vấn đề
liên quan đến lượng CO2 tại Trung Quốc đã được đưa ra nghiên cứu, xem xét một cách cẩn thận
và nghiêm khắc, các báo cáo, dữ liệu phát thải được kiểm chứng. Trung Quốc đã giải quyết những
vấn đề này theo tiêu chí: "đánh thuế cácbon là một trong những công cụ được sử dụng để định
hướng nền kinh tế nhằm duy trì lượng khí thải ở mức thấp". Ngoài ra, Trung Quốc còn xem xét lập
kế hoạch thử nghiệm chương trình buôn bán khí thải. Tuy nhiên, không giống như Nhật Bản, các
thành phố của Trung Quốc dẫn đầu về buôn bán cácbon và giảm khí nhà kính như là một vấn đề có
chủ định. Cụ thể, chính quyền TP. Bắc Kinh đã thông qua Đề án giao dịch cácbon toàn thành phố,
cũng như ủng hộ việc buôn bán khí CO2 trong khu vực châu Á. Chính quyền Trung ương đã lựa
chọn 8 thành phố và 5 tỉnh là những đô thị thực hiện thí điểm xây dựng thành phố hàm lượng
cácbon thấp. Mỗi một thành phố phải chịu trách nhiệm cho việc chọn cách tiếp cận để đáp ứng
được các tiêu chí của thành phố cácbon thấp, nhằm đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2015. Thành
phố thứ 2 của Trung Quốc cũng thành công trong việc thực hiện Chương trình thành phố hàm
lượng cácbon thấp là Thiên Tân, thành phố này đã phát triển thị trường kinh doanh tín chỉ cácbon
trong nước với doanh thu đạt được khá cao trong năm 2010. Hiện nay, thị trường cácbon trong
khuôn khổ Nghị định thư Kyôtô đã được quản lý theo các quy định quốc tế và đang được củng cố,
tăng cường để phù hợp với các quy định trong giai đoạn tới. Trong khi đó, thị trường cácbon ngoài
khuôn khổ Nghị định thư Kyôtô mới được hình thành, còn mang tính chất tự nguyện, chưa có các
cơ chế quản lý thống nhất cấp quốc tế. Vì vậy, phải đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp với bối
cảnh Việt Nam và quy định quốc tế trong thời gian tới.
Hơn nữa, còn một yếu tố góp phần thúc đẩy Chương trình này phát triển, đồng thời tăng
cường vai trò lãnh đạo trong các thành phố châu Á đó là sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Hội
đồng thị trưởng thế giới về biến đổi khí hậu, Hội đồng quốc tế về những sáng kiến môi trường địa
phương (ICLEI)... nhằm xây dựng khuôn khổ cho phát triển các tiêu chuẩn khí thải, xây dựng năng
lực và trao đổi các ý tưởng. Những hợp tác giữa các thành phố có thể đạt được thông qua Liên hợp
quốc. Ví dụ, Hiệp ước Mêxicô City, chữ ký của 138 thị trưởng trong năm 2010, sẽ thiết lập một
cam kết về biến đổi khí hậu toàn cầu để chia sẻ các dữ liệu phát thải và cải thiện tính minh bạch.
Xu hướng các thành phố thực hiện Chương trình thành phố hàm lượng cácbon thấp ở châu Á
ngày càng trở nên phổ biến. Jakarta đã công bố kế hoạch cắt giảm khí thải 30% vào năm 2020. 3
thành phố lớn nhất của Đài Loan cũng thông qua kế hoạch giảm phát thải 60% vào năm 2050. Tại
Ấn Độ, thành phố New Delhi cũng cam kết sẽ cố gắng để trở thành một thành phố không phát thải
khí nhà kính vào năm 2030. Các thành phố châu Á đã thể hiện những nỗ lực và quyết tâm thực
hiện Chương trình thành phố hàm lượng cácbon thấp thông qua việc định hình các mục tiêu, chính
sách biến đổi khí hậu cấp quốc gia. Các thành phố châu Á khi tiến hành Chương trình này đã tạo ra
những hành động chiến lược không chỉ ở cấp quốc gia và khu vực về việc giảm thiểu khí nhà kính
và cuộc chiến với biến đổi khí hậu, sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc xác định sự thành công
của việc giảm phát thải CO2 của châu lục trong thời gian tới.
Giáng Hương
TCMT 05/2012