BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC
LÒ KHAI NU
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ LỄ TANG TRUYỀN
THỐNG CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ
Ở HUYỆN MƯỜNG NHÉ – TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
SƠN LA, NĂM 2013
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC
LÒ KHAI NU
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ LỄ TANG TRUYỀN
THỐNG CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ
Ở HUYỆN MƯỜNG NHÉ – TỈNH ĐIỆN BIÊN
CHUYÊN NGÀNH: LỊCH SỬ VIỆT NAM
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Người hướng dẫn: Ths. Hoàng Xuân Thành
SƠN LA, NĂM 2013
LỜI CẢM ƠN
Em xin chân thành cảm ơn thầy giáo - Thạc sĩ Hoàng Xuân Thành – giảng
viên bộ môn lịch sử Việt Nam, các thầy, cô giáo trong khoa Sử - Địa đã tận tình
hướng dẫn, giúp đỡ em trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành đề tài.
Xin chân thành cảm ơn các bà, các bác, cô, chú ở huyện Mường Nhé – tỉnh
Điện Biên, phòng văn hóa huyện Mường Nhé, thư viện trường Đại học Tây Bắc,
thư viện tỉnh Điện Biên cùng toàn thể bạn bè đã giúp đỡ, đóng góp ý kiến và
cung cấp nhiều thông tin quan trọng.
Đề tài không thể tránh khỏi những thiếu sót, em rất mong nhận được sự
đóng góp ý kiến của các thầy, cô giáo và bạn bè để đề tài được hoàn chỉnh.
Xin chân thành cảm ơn!
Sơn La, tháng 5 năm 2013
Người thực hiện
Lò Khai Nu
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3. Đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, cơ
sở dữ liệu của đề tài 4
3.1. Đối tượng nghiên cứu 4
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu 4
3.3. Phạm vi nghiên cứu 4
3.4. Phương pháp nghiên cứu 5
3.5. Cơ sở dữ liệu 5
4. Mục đích nghiên cứu, ý nghĩa và đóng góp của đề tài 5
4.1. Mục đích nghiên cứu 5
4.2. Ý nghĩa của đề tài 5
4.3. Đóng góp của đề tài 5
5. Cấu trúc của đề tài 6
CHƯƠNG 1. ĐÔI NÉT KHÁI QUÁT VỀ DÂN TỘC HÀ NHÌ Ở HUYỆN
MƯỜNG NHÉ – TỈNH ĐIỆN BIÊN 7
1.1. Khái quát về nguồn gốc lịch sử 7
1.2. Những đặc trưng văn hóa truyền thống của người Hà Nhì ở huyện
Mường Nhé - Điện Biên 8
CHƯƠNG 2. LỄ TANG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ Ở
HUYỆN MƯỜNG NHÉ – TỈNH ĐIỆN BIÊN 16
2.1. Quan niệm về cái chết của người Hà Nhì 16
2.2. Tang phục và các điều kiêng kị của gia đình chịu tang 16
2.3. Các thủ tục của đám tang 17
CHƯƠNG 3. MỘT SỐ NÉT CẢI BIẾN, HẠN CHẾ VÀ MỘT SỐ BÀI
CÚNG TRONG LỄ TANG HIỆN NAY CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ Ở HUYỆN
MƯỜNG NHÉ - TỈNH ĐIỆN BIÊN 32
3.1. Một số chuyển biến trong lễ tang hiện nay của người Hà Nhì ở Mường
Nhé – Tỉnh Điện Biên 32
3.2. Một số hạn chế trong lễ tang hiện nay của người Hà Nhì ở huyện
Mường Nhé – tỉnh Điên Biên 33
3.3. Một số bài ca sử dụng trong tang lễ hiện nay 35
KẾT LUẬN 41
TÀI LIỆU THAM KHẢO 43
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng chung
sống. Các dân tộc luôn đoàn kết, gắn bó với nhau và có những đóng góp to lớn
vào công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Mỗi dân tộc lại có nguồn gốc
lịch sử, ngôn ngữ, hoạt động kinh tế, các phong tục tập quán riêng. Điều đó đã
tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống mang sắc thái đặc trưng của dân tộc
Việt Nam.
Vùng Tây Bắc là nơi cư trú của đông đảo các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là
các dân tộc thiểu số như: Thái, Mường, H’mông, Hà Nhì, Dao, Tày,… Mỗi dân tộc
với bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình đã góp phần tạo nên nét độc đáo của
văn hóa miền Tây Bắc và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa các dân tộc Việt
Nam.
Trong số các dân tộc ở vùng Tây Bắc có dân tộc Hà Nhì - một dân tộc thiểu số
có số dân đáng kể trong số các dân tộc thiểu số của nước ta. Địa bàn cư trú chủ yếu
của dân tộc Hà Nhì ở các tỉnh: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Mặc dù là một dân
tộc thiểu số và có nhiều hạn chế nhất định trong sự phát triển kinh tế, văn hóa
nhưng người Hà Nhì đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
cũng như làm phong phú thêm bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Người Hà Nhì sống ở mỗi tỉnh lại có những phong tục, tập quán mang nét
đặc trưng riêng. Do vậy, việc tìm hiểu về đời sống văn hóa của người Hà Nhì là
vấn đề cần được quan tâm, nhất là những giá trị văn hóa truyền thống về mặt
tinh thần như: Lễ tết, ma chay, cưới xin,… Hiện nay, những hiểu biết về các
phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số nói chung và của người Hà Nhì nói
riêng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề tang ma. Vì thế, để khắc phục hạn
chế này chúng ta cần phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu. Bởi nó không chỉ giúp
chúng ta có thêm kiến thức để hiểu rõ hơn về dân tộc này mà còn góp phần nâng
cao hiểu biết một cách toàn diện, sâu sắc hơn về dân tộc Hà Nhì nói chung và
Hà Nhì ở huyện Mường Nhé nói riêng.
2
Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân tộc Hà Nhì.
Nhưng do nhiều lí do khác nhau mà tục tang ma truyền thống của người Hà Nhì ở
huyện Mường Nhé - Điện Biên nói riêng và ở các tỉnh khác nói chung vẫn chưa có
công trình nghiên cứu nào đề cập tới một cách thực sự đầy đủ và sâu sắc.
Trong công cuộc đổi mới ngày nay, nền kinh tế nước ta ngày một phát triển
hơn. Sự phát triển đó đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội,
nhất là về văn hóa. Sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các quốc gia cũng
ngày càng được mở rộng hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để các dân tộc tiếp thu
những nét văn hóa mới, tiến bộ của nhân loại.
Song, cũng chính sự giao lưu văn hóa đó đã làm cho những nét văn hóa
truyền thống của mỗi dân tộc có nhiều thay đổi và dần dần bị mai một đi. Vì
vậy, vấn đề cần quan tâm hiện nay là bên cạnh việc tiếp thu những nét văn hóa
mới, tiến bộ của nhân loại, mỗi dân tộc cần phải giữ gìn và phát huy những nét
văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình.
Xuất phát từ những lý do trên, cùng với sự ham hiểu biết, tìm hiểu, nghiên
cứu của bản thân đã thôi thúc tôi nghiên cứu, tìm hiểu về “lễ tang truyền thống
của người Hà Nhì ở huyện Mường Nhé – tỉnh Điện Biên.” Với hi vọng góp phần
nhỏ bé vào việc bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán truyền thống của
dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Nhé - Điện Biên nói riêng và của các dân tộc
Việt Nam nói chung.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Trong những năm qua, bên cạnh việc coi trọng sự phát triển kinh tế, Đảng
và Nhà nước ta cũng rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa. Nhất là việc bảo
tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Vì vậy, vấn
đề nghiên cứu về các phong tục, tập quán của các tộc người Việt Nam, đặc biệt là
các dân tộc thiểu số được đẩy mạnh và thu được những thành tựu đáng kể. Điều
này đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc. Cũng vì lẽ
đó, việc nghiên cứu về các phong tục, tập quán của dân tộc Hà Nhì - một dân tộc
thiểu số, đã thu hút được sự quan tâm, hứng thú của nhiều tác giả, nhiều nhà
nghiên cứu. Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu về dân tộc Hà Nhì sau:
3
- Nguyễn Văn Huy, Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, NXB Giáo
Dục (2003). Trong tác phẩm, tác giả có đề cập một cách khái quát về 54 dân tộc
Việt Nam. Ở phần viết về người Hà Nhì, tác giả đã giới thiệu đôi nét về nguồn
gốc lịch sử, ngôn ngữ, hoạt động kinh tế, các phong tục tập quán của họ. Tuy
nhiên, chỉ nêu ra ở khía cạnh rất sơ lược, khái quát.
- Lê Sĩ Giáo (chủ biên), Hoàng Lương, Lâm Bá Nam, Lê Ngọc Thắng, Dân
tộc học đại cương, NXB Giáo Dục (2008). Trong tác phẩm này, các tác giả
chỉ đề cập một cách sơ lược về thành phần và sự phân bố các dân tộc trên
lãnh thổ Việt Nam.
- Vũ Ngọc Khánh, Truyền thống văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam,
NXB Thanh Niên (2004). Tác giả đã đề cập đến truyền thống văn hóa của các
dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó có dân tộc Hà Nhì. Tuy nhiên, tác giả chỉ đề
cập đến lịch sử cuộc đấu tranh bảo vệ làng bản của họ… những nghiên cứu đó
còn rất khái quát.
- Chu Thùy Liên, Văn hóa dân gian dân tộc Hà Nhì, NXB Văn hóa Dân tộc
(2008). Tác giả đã viết về nguồn gốc, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần, tổ
chức xã hội của dân tộc Hà Nhì. Song đó là những phong tục, tập quán,… của
người Hà Nhì nói chung.
- Bùi Văn Tịnh, Cẩm Trọng, Nguyễn Hữu Ung, Các tộc người ở Tây Bắc
Việt Nam, NXB Văn hóa Dân tộc (1975). Tác phẩm ngoài việc nói về các tộc
người ở Tây Bắc còn đề cập tới một số nét cơ bản về hình thái kinh tế, văn
hóa, xã hội cũ ở Tây Bắc nói chung và của người Hà Nhì nói riêng. Tuy nhiên
còn rất sơ lược.
- Nguyễn Đình Khoa, Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam, NXB Khoa học
xã hội (1976). Tác giả đã nghiên cứu khá tỉ mỉ về đặc điểm nhân chủng của các
dân tộc Việt Nam, trong đó có người Hà Nhì. Nhưng tác phẩm chỉ dừng lại ở đó
mà chưa đề cập tới văn hóa của người Hà Nhì.
- Trần Mạnh Thường, Almanac kiến thức văn hóa - giáo dục, NXB Văn
hóa - Thông tin (2005). Trong phần viết về văn hóa, tác giả đã nói tới nguồn gốc
lịch sử, ngôn ngữ, hoạt động kinh tế sản xuất, văn hóa ẩm thực của các dân tộc
4
Việt Nam trong đó có dân tộc Hà Nhì. Tuy nhiên, tác giả chỉ đề cập tới một cách
khái quát, chung chung.
Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu của các tác giả, các nhà báo, các cán
bộ, ban ngành như: Ban tuyên giáo của huyện, phòng văn hóa huyện, đài truyền
thanh truyền hình Mường Nhé, sở văn hóa thông tin tỉnh Điện Biên, Bộ văn hóa…
cũng đề cập phần nào đến văn hóa của dân tộc Hà Nhì, tuy nhiên chỉ dừng lại ở
mức độ khái quát, sơ lược và tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như: Lễ hội,
cưới xin hoặc hoạt động sản xuất, chưa tập trung vào vấn đề tang ma.
Cho đến nay, chưa có công trình nào đề cập một cách hoàn chỉnh, cụ thể,
chi tiết về tục tang ma của người Hà Nhì. Do đó, đây là vấn đề cần được quan
tâm, tìm hiểu và nghiên cứu.
Chính vì vậy, đề tài “Bước đầu tìm hiểu về lễ tang truyền thống của người
Hà Nhì ở huyện Mường Nhé – tỉnh Điện Biên” sẽ góp phần tiếp tục làm rõ vấn
đề mà chúng ta đang quan tâm.
3. Đối tượng, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, cơ
sở dữ liệu của đề tài
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Lễ tang truyền thống của người Hà Nhì ở huyện Mường Nhé - Điện Biên.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể về lễ tang truyền thống của người Hà Nhì ở
huyện Mường Nhé – tỉnh Điện Biên, bao gồm các nghi lễ, thủ tục trong đám
tang và ý nghĩa của chúng.
- Đánh giá, nhận xét về hiện trạng lễ tang truyền thống của người Hà Nhì ở
huyện Mường Nhé – tỉnh Điện Biên.
- Đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp nhằm giữ gìn và phát
huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đó, đồng thời bỏ đi những thủ tục
lạc hậu, lỗi thời.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
- Nghiên cứu về lễ tang truyền thống của người Hà Nhì ở huyện Mường
Nhé – tỉnh Điện Biên.
5
3.4. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu đề tài có sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
3.4.1. Phương pháp lịch sử
3.4.2. Phương pháp thu thập thông tin
3.4.3. Phương pháp lôgic kết hợp phân tích, tổng hợp
3.4.4. Phương pháp điền dã
3.5. Cơ sở dữ liệu
- Các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ban hành về văn hóa.
- Các chuyên khảo, các bài viết có liên quan đến đề tài nghiên cứu.
- Các tài liệu nghiên cứu điền dã của tôi trong quá trình nghiên cứu đề tài.
4. Mục đích nghiên cứu, ý nghĩa và đóng góp của đề tài
4.1. Mục đích nghiên cứu
- Trên cơ sở những nguồn tài liệu khác nhau, đề tài nhằm đi sâu nghiên cứu
một góc độ cụ thể về văn hóa truyền thống người Hà Nhì: Bước đầu tìm hiểu về
tục tang ma truyền thống, để giới thiệu cho bạn đọc cũng như giúp độc giả hiểu
rõ hơn về phong tục truyền thống của dân tộc Hà Nhì - một dân tộc thiểu số.
- Từ đó đề ra những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để giữ gìn, bảo
tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống đó.
4.2. Ý nghĩa của đề tài
- Giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của của dân tộc
Hà Nhì nói riêng và của các dân tộc Việt Nam nói chung.
4.3. Đóng góp của đề tài
- Đề tài góp phần làm rõ, phong phú thêm sự hiểu biết về một khía cạnh
văn hóa truyền thống của người Hà Nhì cũng như nét đẹp văn hóa của dân tộc.
- Tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Kích thích tình yêu dân tộc và ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
- Từ những kết quả nghiên cứu sẽ cho thấy những nghi lễ mang tính riêng
biệt, độc đáo và đặc sắc trong lễ tang truyền thống của người Hà Nhì ở huyện
Mường Nhé – tỉnh Điện Biên. Qua đó, giúp cơ quan chức năng đưa ra những
vấn đề và biện pháp nhằm giữ gìn, phát huy nét văn hóa truyền thống đó.
6
- Đề tài là nguồn tư liệu quý báu cho các giáo viên trong quá trình giảng
dạy môn lịch sử địa phương tại các Trường trung học phổ thông ở huyện Mường
Nhé – tỉnh Điện Biên và đồng thời đề tài cũng là nguồn tài liệu tham khảo hữu
ích cho những ai quan tâm đến văn hóa của người Hà Nhì. Đặc biệt là người Hà
Nhì ở huyện Mường Nhé – tỉnh Điện Biên.
5. Cấu trúc của đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phần mục lục, đề tài
gồm 3 chương:
Chương 1. Đôi nét khái quát về dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Nhé – tỉnh
Điện Biên
Chương 2. Lễ tang truyền thống của người ở huyện Mường Nhé – tỉnh
Điện Biên
Chương 3. Một số chuyển biến của phong tục tang ma hiện nay của người
Hà Nhì ở huyện Mường Nhé – tỉnh Điện Biên
7
CHƯƠNG 1. ĐÔI NÉT KHÁI QUÁT VỀ DÂN TỘC HÀ NHÌ Ở HUYỆN
MƯỜNG NHÉ – TỈNH ĐIỆN BIÊN
1.1. Khái quát về nguồn gốc lịch sử
Theo tài liệu lịch sử, người Hà Nhì tên tự gọi là Hà Nhì Già, tiếng Hán
(Hãnízú, Cáp Nê tộc) tên gọi khác : U Ní, Xá U Ní, là một trong 54 dân tộc sống
trên đất nước Việt Nam. Người Hà Nhì đã từng sinh sống lâu đời ở Nam Trung
Quốc và Việt Nam. Từ thế kỉ VIII, thư tịch cổ đã viết về sự có mặt của họ ở Tây
Bắc Việt Nam. Theo lời truyền miệng của người Hà Nhì thì họ có nguồn gốc từ
người Di (Yi) tách khỏi nhau thành bộ tộc riêng biệt 50 đời về trước. Theo các
nhà khoa học, tổ tiên của người Hà Nhì là tộc người Khương đã di cư từ cao
nguyên Thanh Tạng xuống phía Nam từ trước thế kỉ III.
Theo số liệu thống kê năm 2004, ở Việt Nam có khoảng 24.718 người Hà
Nhì cư trú chủ yếu ở 3 tỉnh: Lai Châu (16.045 người), Điện Biên (5.255 người),
Lào Cai (3.418 người), giáp với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Lào. Căn
cứ vào trang phục, tập quán, ngôn ngữ và địa bàn sinh sống, người Hà Nhì được
chia làm 3 nhóm: Hà Nhì Cồ Chồ (sinh sống chủ yếu địa bàn tỉnh Lai Châu), Hà
Nhì Lạ Mí (sinh sống chủ yếu ở địa bàn tỉnh Điện Biên) và Hà Nhì Đen (sinh
sống chủ yếu ở địa bàn tỉnh Lào Cai).
Như vậy, đồng bào Hà Nhì đã có mặt trên dải đất Việt cổ từ lâu. Do sự biến
động xã hội mà đồng bào có sự di chuyển qua lại trong khu vực địa lí lịch sử của
mình. Đến những thế kỉ gần đây do không chịu được sự áp bức, bóc lột và
những âm mưu, thủ đoạn của các triều đại phong kiến phương Bắc mà có một bộ
phận người Hà Nhì đã di chuyển xuống phía Nam. Khi biên giới quốc gia hình
thành, họ trở thành một thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Qua
tìm hiểu truyền thuyết và tài liệu dân tộc học ta thấy trong thành phần người Hà
Nhì Việt Nam có lớp người Hà Nhì cư trú lâu đời và có những lớp mới di cư đến
cách đây khoảng vài trăm năm. Người Hà Nhì quần cư chủ yếu ở các huyện: Bát
Xát (Lào Cai), Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên). Hiện nay họ đã
sống định cư, tập trung thành từng bản đông đúc, nhiều bản có tuổi trên một
8
trăm năm, đông tới 50, 60 hộ. Trước đây, khu vực sinh sống của người Hà Nhì
bất khả xâm phạm thì ngày nay trong các bản người Hà Nhì đã có người Thái,
người Kinh, người Dao,… Họ có thể là dâu, rể của người Hà Nhì hay thương
nhân đến trao đổi hàng hóa, cán bộ đến công tác.
Mường Nhé là một huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Điện Biên nằm
trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam với hai nước láng giềng là Trung Quốc và
Lào. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Phía Tây và Tây Nam giáp
Lào. Phía Nam giáp huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Phía Đông và Đông Bắc
giáp tỉnh Lai Châu. Với diện tích tự nhiên là 249950,43 km
2
, có 49835 nhân
khẩu, bao gồm 16 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Chà Cang, Nà Hỳ, Nà
Khoa, Pa Tần, Nà Bủng, Chung Chải, Mường Nhé, Mường Toong, Quảng Lâm,
Nậm Kè, Nậm Vì, Na Cô Sa, Pá Mì, Leng Xu Xìn, Sín Thầu, Sen Thượng
(2009), là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như: Thái, H’Mông, Hà
Nhì, Giáy, Dao,… Trong đó, dân tộc Hà Nhì tập trung ở đây khá đông với số
dân 5.255 người (2004), chủ yếu ở các xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải,
Leng Xu Xìn.
Người Hà Nhì sinh sống cùng các dân tộc anh em rải rác từ vùng cao đến
vùng thấp, từ biên giới đến nội địa, có vùng các dân tộc anh em sống xen kẽ
nhau. Kho tàng văn hóa nghệ thuật của mỗi dân tộc anh em vô cùng độc đáo,
phong phú và đa dạng đã được gìn giữ từ bao đời nay với đặc trưng là giao thoa,
tiếp nhận, bảo tồn, hội nhập và cùng phát triển đã và đang làm giàu thêm kho
tàng văn hóa nghệ thuật nước nhà.
1.2. Những đặc trưng văn hóa truyền thống của người Hà Nhì ở huyện
Mường Nhé - Điện Biên
1.2.1. Đời sống kinh tế
Hoạt động sản xuất: Dân tộc Hà Nhì nói chung và Hà Nhì ở huyện Mường
Nhé nói riêng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, họ vừa giỏi
chăn nuôi vừa giỏi trồng trọt, cả trồng ngô, trồng lúa lẫn trồng bông, trồng chàm,
cả ở trên nương lẫn ở dưới ruộng, Mỗi nhà có một mảnh vườn cạnh nhà, họ phát
triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo lối chăn thả tự nhiên. Có nhiều gia đình
9
chăn nuôi trâu, bò và số lượng lên đến vài trăm con. Họ biết cách khai khẩn đất
đai, đào mương đắp đập, sử dụng sức kéo của trâu, bò. Chính vì vậy, bên cạnh
làm nương làm rẫy người Hà Nhì còn chú trọng việc phát triển ruộng mà đa
phần là ruộng bậc thang. Nghề trồng bông, dệt vải đảm bảo nhu cầu vải mặc
truyền thống bởi phụ nữ Hà Nhì rất chăm chỉ và giỏi việc canh cửi tằm tơ, họ tự
đảm nhận mọi công đoạn cho đến lúc làm ra tấm vải, tuy nhiên trong những năm
gần đây việc dệt vải không còn phổ biến trong cư dân Hà Nhì, điều này cũng
một phần xuất phát từ sự phát triển của xã hội và đồng thời cũng do cuộc sống
người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, trồng chàm và nhuộm chàm là
một hoạt động rất đặc sắc ở người Hà Nhì.
Phương tiện vận chuyển: Người Hà Nhì phổ biến dùng gùi đeo qua trán,
những chiếc sọt được đan bởi tài năng và sự khéo léo của những “kỹ sư” đan lát
của người dân Hà Nhì và đặc biệt để làm nên những chiếc sọt ấy không thể thiếu
vật liệu vừa dẻo dai lại chắc là cây giang, một số nơi dùng ngựa trong việc đi lại
và chuyên chở. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và mức sống của
người dân ngày càng được cải thiện, bên cạnh những phương tiện truyền thống
đang bị mai một dần là sự xuất hiện những phương tiện hiện đại như là xe máy, ô
tô… để vận chuyển và đi lại. Sự phát triển đó cũng đã làm cho cuộc sống của
người dân nơi đây được cải thiện được phần nào, đặc biệt là góp phần vào sự
nghiệp “xóa đói giảm nghèo” ở miền biên cương nơi đây.
1.2.2. Đời sống văn hóa - tinh thần
Ẩm thực: Đặc trưng kinh tế nổi bật của người dân Hà Nhì là tự cung tự cấp
nên bữa ăn thường ngày của người Hà Nhì khá đơn giản, chỉ có vài món cơm,
canh, rau… Thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ trồng trọt và chăn nuôi. Một
ngày người Hà Nhì ăn ba bữa: Sáng, trưa, tối. Trong đó, bữa sáng được người
Hà Nhì coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, con gái Hà Nhì dậy từ tiếng gà
gáy đầu tiên để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, gia đình người Hà Nhì bắt đầu
ngày làm việc với một bữa ăn sáng đông đủ các thành viên. Trong các bữa ăn
hằng ngày người Hà Nhì quen ăn cả cơm nếp và cơm tẻ. Tuy nhiên, cơm tẻ được
ưa chuộng hơn cả.
10
Vào dịp lễ tết, họ thường làm nhiều loại bánh, nguyên liệu chính là bột gạo
như: Bánh chưng, bánh dầy, bánh trôi,…và các món ăn truyền thống khác như:
Thịt xào, thịt nướng và đặc biệt thích ăn cháo ám nấu với thịt gà và thịt lợn.
Người Hà Nhì lấy một số cây rừng có tác dụng chống đau lưng, đau khớp, bổ
máu,…để đun nước uống hằng ngày như cây chè rừng,… Cũng như các cư dân
nông nghiệp khác, người Hà Nhì nấu rượu để uống vào những ngày lễ tết và có
khách đến. Rượu là vật phẩm quen dùng của người Hà Nhì, mọi người đều thích
uống rượu, uống rượu đã trở thành một nét trong văn hóa ẩm thực Hà Nhì.
Khách đến nhà khi bước qua cửa thế nào chủ nhà cũng mời một chén. Người Hà
Nhì làm hai loại rượu: Rượu cái (chí pà chí pê) và rượu chưng cất (chí pà).
Nhà cửa: Nhà của người Hà Nhì sắp xếp theo hướng lưng tựa vào núi, cửa
quay ra thung lũng, sông suối hoặc một đỉnh núi phía xa. Nhà của người Hà Nhì
có 3 kiểu chính: Nhà trình tường nền đất, nhà vách đất, vách tre. Đa số cư dân ở
nhà đất tường trình chắc chắn dày tới 30 - 40cm, thích hợp với khí hậu lạnh
vùng núi cao. Tùy từng nơi, nhà có hàng hiên phía trước hoặc hàng hiên ở ngay
trong nhà để tránh gió rét, Hà Nhì ở huyện Mường Nhé phổ biến với nhà để mái
hiên phía trước. Song dù là nhà vách đất hay nhà trình tường thì cách bố trí
trong nhà cũng gồm hai nửa (lấy theo trục dọc nhà). Tính từ hai cột cái, người ta
chia đôi nhà thành hai nửa. Nửa ngoài là nơi tiếp khách có một bếp, một giường,
một bàn uống nước. Còn nửa trong gian chính cửa là gian bếp dùng để nấu ăn
cho cả nhà. Bếp nấu cơm cửa người Hà Nhì được làm bằng đất, họ làm bếp cũng
khá kì công và được coi là một việc quan trọng. Khu bếp được người Hà Nhì coi
là nơi thiêng liêng và họ không dẫm đạp chân lên bếp, đặc biệt là không đặt bát
cơm và thức ăn để ăn trên đó bởi họ chỉ làm những việc ấy vào ngày tết hay vào
dịp bếp mới làm xong. Hai bên gian bếp nếu đứng từ ngoài quay mặt vào trong
thì phía tay trái là buồng gia chủ, ở đó cha mẹ sinh hoạt và đặc biệt là bàn thờ tổ
tiên được đặt trong buồng của gia chủ, thờ cúng tổ tiên được diễn ra trong ấy.
Bên phải là buồng con cái xếp theo thứ tự từ trưởng xuống thứ, hết buồng anh
em nam là đến buồng chị em nữ.
11
Khi dựng nhà, người Hà Nhì không đục đẽo lắp mộng như người Kinh mà
họ chọn những cột chính là cây có trạc hai sau đó lao xà ngang và buộc bằng lạt
là cây sắn dây rừng, dây mây hay dây được chẻ từ cây giang, đây là những
nguyên liệu phổ biến và dễ kiếm, gần gũi với con người Hà Nhì. Hầu như dui
mè cũng bằng gỗ và đó là những loại gỗ chắc dai, khó mọt. Cùng với kĩ thuật
trình tường thì trình độ đan phên của người Hà Nhì đạt trình độ cao. Người Hà
Nhì đan được nhiều kiểu phen khác nhau nhìn rất đẹp mắt và kín đáo.
Trang phục: Giống như các dân tộc khác, người Hà Nhì cũng có trang phục
truyền thống của dân tộc mình.
Trang phục đàn ông: Áo (á khồ): Áo nam ngày thường là loại áo làm bằng
vải tự dệt, cài cúc giữa hoặc cài cúc lệch, áo dài qua mông chia làm hai loại là áo
dài tay (á khồ lạ pồ mố) và áo không tay (á khồ lạ pồ mà chụ). Quần (h’là trùy):
Là loại cắt kiểu chân què, cạp to dùng để xoắn vắt hai sừng sang hai bên cho vừa
bụng, dưới gấu có viền, quần Hà Nhì cũng có điểm giống với quần ống rộng của
người h’mông. Khăn: Là miếng vải rộng 40cm, dài 2 - 3m, khi đội gấp miếng
vải thành 3 - 4 lượt, khi gần hết giắt múi ra sau gáy.
Trang phục phụ nữ: Với chiếc mũ (ụ khu) - khăn đội đầu được trang trí bởi
nhiều cúc bạc, nhiều hạt cườm, nhiều tua rua bằng các loại chỉ màu sặc sỡ nhìn
rất đẹp mắt. Phụ nữ Hà Nhì mặc áo dài, 5 thân, xẻ từ sườn xuống chân, không
chiết co như áo tân thời của phụ nữ người Kinh, phần tay áo được coi là “linh
hồn” của chiếc áo được trang trí bằng nhiều loại vải màu, sặc sỡ và đẹp mắt .
Người Hà Nhì tự làm váy áo cho mình bằng vải bông nhuộm chàm màu đen,
màu xanh hoặc bằng vải láng. Vào những dịp lễ tết, hội hè, họ mặc thêm áo
ngắn kiểu gilê ở bên ngoài. Áo ngắn của phụ nữ Hà Nhì là sự kết hợp hài hòa
giữa yếu tố kỹ thuật và thẩm mĩ. Trên ngực áo gắn thêm những đồng xu bằng
bạc, cúc bằng nhôm. Nếu sự kết hợp khéo léo về màu sắc của vải tạo nên sự sặc
sỡ thì những chiếc đồng xu, đồng bạc và đặc biệt là những chiếc chuông nhỏ
bằng bạc, nhôm tạo nên những âm thanh du dương, nhẹ nhàng mỗi khi người
mặc áo di chuyển, cũng vì lẽ đó người ta còn gọi con gái Hà Nhì với cái tên gọi
khác là “con gái dương cầm”. Khăn, ngực áo và hai ống tay áo thể hiện kĩ nghệ
12
thêu móc và trình độ thẩm mĩ của chị em phụ nữ thông qua cách bố trí các
khoanh vải có màu sắc tương phản nhau cùng những đường nét hoa văn bổ trợ
cho nhau.
Ngoài quần áo, đồ trang sức, nam nữ người Hà Nhì còn dùng khăn đội đầu,
xà cạp, thắt lưng, giày, dép.
Ngôn ngữ giao tiếp: Người Hà Nhì có tiếng nói riêng, thuộc nhóm ngôn
ngữ Tạng - Miến (ngữ hệ Hán - Tạng). Theo lời truyền miệng thì người Hà Nhì
từng có chữ viết, nhưng đã bị thất lạc khi di cư từ Tứ Xuyên xuống phía Nam.
Ngày nay do quá trình giao lưu văn hóa và chung sống hòa hợp với các dân tộc
khác, người hà Nhì đã sử dụng tiếng Kinh trong giao tiếp. Song tiếng mẹ đẻ vẫn
là ngôn ngữ giao tiếp chính của người Hà Nhì ở huyện Mường Nhé - Điện Biên
nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Tôn giáo - tín ngưỡng: Về tôn giáo, người Hà Nhì không theo tôn giáo nào.
Về tín ngưỡng, người Hà Nhì quan niệm mọi vật đều có linh hồn, tín ngưỡng
của họ là tín ngưỡng đa thần giáo. Tín ngưỡng truyền thống của người Hà Nhì là
thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, họ không có tục cúng chung toàn dòng họ mà chỉ
thờ cúng theo gia đình. Việc thờ cúng do con trai cả, dòng trưởng đảm nhận.
Nếu dòng trưởng không có người thừa kế thì việc thờ cúng chuyển cho con trai
út. Các thành viên trong gia đình, dù đã ra ở riêng, nếu chết phải đưa xác về
trước bàn thờ bố mẹ thì người quá cố mới được thờ chung với tổ tiên. Người Hà
Nhì quan niệm bất cứ sự việc hiện tượng nào cũng có linh hồn và số kiếp, từ
vách đá, dòng sông, cái cây, con suối đến đất,… Các sinh vật chỉ có một hồn,
riêng con người có tới 92 hồn được gọi là “Hi thá”, 92 hồn đều thống nhất và
mạnh như nhau. Hồn chính trú ngụ ở trên đầu, vì vậy người Hà Nhì đội mũ, khăn
để bảo vệ linh hồn. Ngoài ra mắt, mũi, chân, tay đều có linh hồn. Bộ phận nào bị
bệnh thì linh hồn ở bộ phận đó đã ra đi, cần phải tiến hành các nghi lễ cúng.
Người Hà Nhì kiêng xoa đầu, đập tay lên đầu vì sợ hồn chính giật mình bay đi,
sẽ bị lạc, người dễ ốm, ốm quá phải làm lễ cúng.
Người Hà Nhì có tục thờ các loại thần ma: Thần ma là tổ tiên trong gia
đình. Cũng giống các dân tộc anh em khác, người Hà Nhì quan niệm rằng người
13
chết sẽ thành ma, quỷ (Nẹ khà). Có 2 loại ma là ma ác và ma thiện. Theo quan
niệm của họ, ma ác thường làm cho người sống ốm đau, mùa màng thất thu, ma
tốt giúp người sống may mắn và làm ăn phát đạt. Ngoài ra, người Hà Nhì còn
thờ thần coi giữ bản mường (có lễ cúng bản) và có các nghi lễ nông nghiệp
khác: Lễ cơm mới, lễ gieo lúa, lễ đi tìm nương,…
Văn học - nghệ thuật dân gian: Dân tộc Hà nhì có một nền văn hóa - văn
nghệ lâu đời, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Bao gồm nhiều loại bài hát
nhiều điệu múa, nhiều kiểu nhạc cụ và rất nhiều tác phẩm văn học dân gian. Về
hát, có hát ru con, hát đối đáp, hát đưa ma, hát mời rượu, hát chào khách, hát
mừng nhà mới và đặc biệt là bài hát dùng trong đám cưới có độ dài hơn 400 câu
của người Hà Nhì ở Mường Nhé – tỉnh Điện Biên. Về múa có các điệu: Múa lên
nương, múa dệt vải, múa xòe, các điệu múa thường được người Hà Nhì múa vào
dịp lễ tết, nhà mới hay cưới hỏi… Về nhạc cụ có: Trống (hừ từ), chiêng (pí li),
thanh la, đàn môi (lạ tỳ), kèn rơm (am bạ), kèn lá (á pạ pô), sáo sậy (mé đu) và
các loại đàn dây, trai gái Hà Nhì đa phần thành thạo các nhạc cụ đặc biệt sáo
được coi là nhạc cụ của cả nam và nữ… Về văn học, người Hà Nhì có rất nhiều
truyện cổ tích, thần thoại, trường ca, dân ca, truyện thơ, truyền thuyết, thành
ngữ, ca dao, tục ngữ,…
Lễ tết: Người Hà Nhì đón Tết năm mới vào đầu tháng 10 âm lịch (đây được
coi là tết nguyên đán của người Hà Nhì), sau khi hoàn thành việc thu hoạch mùa
màng. Trong năm còn có Tết Cơm mới, Tết mùng 5 tháng 5, rằm tháng 7. Trong
đó Tết năm mới là tết lớn nhất và quan trọng nhất. Đây là thời khắc chia tay năm
cũ và đón chào năm mới. Chính vì vậy, đây là tết người Hà Nhì dành nhiều tâm
sức nhất, một trong những chuẩn bị kỳ công để đón tết của họ là nuôi lợn tết, họ
nuôi lợn tết từ đầu năm ngoái và họ cho rằng tết lợn có to, khách có đông thì
năm mới làm được nhiều thóc, tài lộc mới đến nhà. Khách đến nhà phải uống
thật say, ăn thật no mới được ra về, khi ra về khách được chủ nhà tặng bánh dầy,
thịt lợn gọi là phát lộc đầu năm. Ngoài ra, tết “cúng bản” (hay gọi là cấm bản vì
vào ngày này mọi hoạt động sản xuất đều ngừng lại, việc ra vào trong bản chỉ
được vào không được ra) được coi là cái tết thiêng liêng nhất trong năm và là
14
ngày người Hà Nhì dành ra để cúng các thần như thần sông, thần rừng, thần mó
nước… tết này được diễn ra vào tháng 3 dương lịch hàng năm.
Cưới xin: Tùy từng vùng mà phong tục cưới xin của người Hà Nhì có sự
khác nhau, nhưng một điểm chung nhất là các cuộc hôn nhân đều do trai gái tự
tìm hiểu, tự do lựa chọn bạn đời và tự quyết định hôn nhân của mình. Đám cưới
của người Hà Nhì được tổ chức 2 lần. Ngay sau lần cưới thứ nhất, cô dâu được
đổi họ theo bên chồng và về ở nhà chồng luôn, nhưng cũng có nơi con trai lại
phải ở rể nhà vợ. Thời gian ở rể dài hay ngắn tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa
hai họ, trên cơ sở những khó khăn và thuận lợi của nhà gái. Lần cưới thứ hai và
cũng là lần cưới cuối, được tổ chức vào một thời điểm thích hợp nhất, khi điều
kiện kinh tế cho phép, thậm chí sau hàng chục năm chung sống. Lúc ấy dù họ
chưa có con hay đã có con, có ít hay nhiều con, đông cháu đều không ảnh hưởng
gì tới hôn lễ. Vợ chồng người Hà Nhì sống chung thủy, có cùng trách nhiệm
trong công việc phụng dưỡng cha mẹ hai bên, nuôi dạy con cái và chăm lo cuộc
sống gia đình.
Học: Người Hà Nhì chưa có chữ viết riêng, việc giáo dục chủ yếu dựa vào
kinh nghiệm truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác.
Chơi: Trẻ em Hà Nhì thích chơi các trò chơi đòi hỏi lòng dũng cảm, khéo
léo như đấu vật, đuổi bắt, trốn tìm, chơi cù, đu quay. Các trò chơi giải trí đều
mang ý nghĩa lành mạnh, mang tính chất giáo dục cho thế hệ trẻ.
Sinh đẻ: Phụ nữ Hà Nhì đẻ đứng. Để dễ đẻ, họ có tục đập vỡ ống bương
đựng nước cho nước tóe ra hoặc thả ống bương nước trong có cái đục từ trên đỉnh
nóc nhà xuống, đục bắn ra giống như đứa trẻ được đẻ ra. Có nơi sản phụ được
uống nước tro của ruột voi với mong muốn sản phụ có sức mạnh như voi. Nhau
thai được chôn ở ngay sau cửa ra vào hay cột cạnh bếp lò. Nhà có trẻ mới sinh
thường được báo hiệu bằng chiếc nón úp trên cọc ở trước cửa, nếu cọc ở phía bên
phải là con gái, phía bên trái là con trai. Ngày nay, người ta thường treo ngọn cỏ
xanh để báo hiệu nhà có trẻ được sinh ra, khi nhà có trẻ được người nhà không để
khách lạ vào nhà, không để người yếu vía vào nhà vì họ quan niệm khách đến nhà
đầu tiên và đến nhà nhiều nhất sẽ ảnh hưởng nhiều đến tính cách của trẻ.
15
Với bề dày lịch sử và những bản sắc văn hoá riêng của họ, người Hà Nhì ở
huyện Mường Nhé - tỉnh Điện Biên đã góp phần làm phong phú thêm cho bức
tranh văn hoá chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày nay, cùng với
sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, Nhà nước, những tập quán cổ hủ, lạc hậu dần
được loại bỏ thay vào đó là những nếp sinh hoạt văn hoá lành mạnh, góp phần
xây dựng văn hoá huyện Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung
ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
16
CHƯƠNG 2. LỄ TANG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI HÀ NHÌ Ở
HUYỆN MƯỜNG NHÉ – TỈNH ĐIỆN BIÊN
2.1. Quan niệm về cái chết của người Hà Nhì
Đám tang vừa là tình cảm, trách nhiệm, thể hiện sự tiếc thương vô hạn của
những người còn sống đối với người chết, vừa là những thủ tục tiễn đưa người
chết về với tổ tiên. Vì vậy, khi trong nhà có người chết, người Hà Nhì đều tổ chức
tang lễ với những thủ tục, nghi lễ nhất định, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt
như trẻ sơ sinh, chết ngoài nhà (tai nạn) hoặc những người chết do tự tử
Người Hà Nhì có các quan niệm khác nhau về cái chết dựa vào nguyên
nhân dẫn tới cái chết:
Chết trẻ (yểu): Nếu chết tại nhà (do bệnh, ngã, ), họ coi đó là cái chết bình
thường và tiến hành tổ chức đám tang, còn trường hợp chết ngoài nhà (tai nạn,
chết trong bệnh viện) được coi là những cái chết xấu nhất, xác người chết không
được đem về nhà chôn mà chết ở đâu sẽ chôn tại đó, không có quan tài và không
lập bàn thờ đối với những người này. Tuy nhiên, trong những cái chết ngoài nhà
do tai nạn thì chết đuối được coi là cái chết sạch nhất, vì họ cho rằng nước đã
cuốn trôi toàn bộ những bụi trần.
Chết già: Nếu chết tại nhà do tuổi già sức yếu được coi là cái chết đẹp, đám
tang được tổ chức bình thường. Còn trường hợp chết ngoài nhà (do tai nạn, chết
trong bệnh viện,…) thì cũng không được tổ chức tang lễ.
Thông thường, những cái chết ngoài nhà thì con cháu ít được biết đến (vì
đó là cái chết xấu).
2.2. Tang phục và các điều kiêng kị của gia đình chịu tang
Tang phục: Người chết được mặc quần áo mới do con cái, họ hàng may
cho. Còn những người trong gia đình thì mặc trang phục truyền thống, đeo khăn
tang trên đầu.
Gia đình có người vừa mới chết phải kiêng kị những điều sau: Không được
đi ăn tết ở bản khác, trong tháng đó không được đi ăn uống linh đình cùng người
ngoài (cơ quan tổ chức), trong vòng 3 năm đi gặt lúa phải để lại một ít ở ruộng
17
gọi là phần của người chết, người thờ cúng người chết không được đi dự lễ cưới
hỏi, ăn uống ở nhà khác. Ngoài ra, trong đám tang của người Hà Nhì không
được sử dụng các loại nhạc cụ như: Trống, chiêng, kèn, cờ, lọng…
2.3. Các thủ tục của đám tang
Cuộc đời của con người được tính từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc
trút hơi thở cuối cùng. Lúc ấy linh hồn người chết đã về với tổ tiên. Nhưng với
người sống thì cuộc sống mới của người chết mới bắt đầu. Cái chết của mỗi cá
nhân nhất là những bậc cao niên có nhiều đóng góp cho cộng đồng đều được
mọi người tôn kính, lòng tôn kính đó được thể hiện qua việc thực hiện những
nghi lễ truyền thống trong đám tang. Cũng vì thế mà người Hà Nhì chủ yếu tổ
chức đám tang cho những người già.
2.3.1. Thủ tục tại nhà gia chủ
Báo tin: Khi gia đình có người chết (bố hoặc mẹ), việc đầu tiên là người
trong nhà phải báo tin cho con cái, anh em họ hàng ruột thịt của người chết về
đông đủ. Con cái của người chết bắt buộc phải về đông đủ chỉ trừ trường hợp
con cái ở xa về không kịp. Khi đó, con cả phủ tạm tấm vải lên mặt bố (mẹ) đợi
các em về đủ rồi mới nhập quan. Sau đó, con cái người chết sẽ tìm đến thầy
cúng hoặc những người có kinh nghiệm như trưởng họ, người già trong bản xem
ngày, giờ tốt để chuẩn bị quan tài, nhập quan, chọn đất, đào huyệt, đưa tang và
hạ huyệt. Và khi tiến hành nhập quan xong, một người trong nhà đến báo tin cho
trưởng bản. Trưởng bản bắn 3 phát súng để thông báo cho mọi người biết trong
bản có người chết, để dân làng đến chia buồn và tới giúp gia chủ. Trước đây, khi
chưa có súng thì trưởng bản là người có trách nhiệm thông báo với dân làng về
tin buồn của gia chủ bằng việc là đứng chính giữa của bản để hô to với nội dung
“cả bản hãy nghe thông báo, hôm nay vào hồi (giờ cụ thể), gia đình ông (hoặc
bà) có tin buồn, đề nghị dân bản đến chia buồn và giúp gia chủ tổ chức tang lễ”.
Những nghi lễ trước khi nhập quan: Ngay sau khi bố (mẹ) chết, con cái
trong gia đình phải tiến hành các nghi lễ sau: Chuẩn bị quan tài, tắm rửa, mặc
quần áo mới cho bố(mẹ).
18
Chuẩn bị quan tài: Đối với những người nhiều tuổi, quan tài thường được
chuẩn bị từ trước đó tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Quan tài phải do chính
tay những người con trai, con rể làm. Khi làm xong người ta không đem quan tài
vào đặt trong nhà mà để ở ngoài hiên, khi dùng tới chỉ đem ra đẽo gọt lại. Quan
tài của người Hà Nhì được làm từ một thân cây gỗ đặc và bền, chặt theo chiều
dài (phù hợp với thân người), rồi bào hết lớp vỏ non ở ngoài đi, sau đó xẻ dọc ở
bên ngoài, bên trong được khoét rỗng hình lòng thuyền. Quan tài được chia
thành 2 phần gồm: Phần lòng thuyền để liệm người chết và phần trên làm nắp
đậy đẽo hình sống mũi. Khi làm một chiếc quan tài, người ta phải xem ngày, giờ
tốt. Ngay cả một người nào đó chết trước khi làm xong chiếc quan tài, người ta
cũng không thể tùy tiện về thời điểm hoàn thành. Quan tài chỉ được dùng cho
người lớn tuổi, còn đối với trẻ con nếu chưa đến 10 tuổi thì không sử dụng và
được chôn cất một cách đơn giản cùng với những vật dụng của chúng.
Tắm rửa cho người chết: Trước khi cho vào quan tài, con cái phải tắm rửa
trực tiếp cho bố (mẹ) bởi đây là trách nhiệm của con cái. Mục đích của công
việc này là tẩy hết bụi trần cho người chết để họ bắt đầu cuộc sống mới, đồng
thời đây cũng thể hiện tình cảm và sự hiếu thảo của con cái đối với cha, mẹ hoặc
anh, chị, em. Nước dùng để tắm rửa cho người chết phải là nước ấm hoặc nước
được nấu từ các loại lá thơm, họ kiêng dùng nước lã hoặc các loại nước khác.
Đối với họ, nước lã là loại nước còn bẩn chưa lọc tẩy các vi khuẩn và chỉ có
nước ấm đã qua đun sôi mới thể hiện tình cảm của người sống đối với người đã
chết.
Mặc quần áo cho người chết: Sau khi tắm rửa xong con cái sẽ mặc quần áo
mới cho bố (mẹ). Quần áo của người chết phải là mới chưa sử dụng lần nào, vì
theo họ chết nhưng chưa hết, chết ở kiếp này sang thế giới bên kia lại tái sinh và
tiếp tục kiếp sống ở đó, nếu người sống mang trang phục đã sử dụng ở trần gian
sang thì sẽ lưu luyến và không siêu thoát được. Quần áo phải do con cái, họ
hàng ruột thịt may cho và phải mặc số bộ lẻ (1,3,5,7 ) thường là 3 - 5 bộ, chứ
không mặc số bộ chẵn (2,4,6,8 ). Vì họ quan niệm số lẻ là thiếu thốn chưa đầy
đủ, nên sẽ được người chết phù hộ, được người chết cho phúc lộc cho sức khỏe
19
và phú quý sao cho đầy. Còn số chẵn nghĩa là đầy đủ, đủ đôi, đủ cặp thì người
chết sẽ không phù hộ nữa. Do người chết có thể được mặc nhiều bộ quần áo nên
quần áo làm cho người chết thường được may rất rộng. Có những đám tang
đông con cháu thì nhiều bộ quần áo, chính vì vậy con cháu phải lựa chọn ra
quần áo nào chất lượng vải tốt nhất, may đẹp nhất mặc cho người chết.
Nếu là bố, khi tắm rửa xong con cái sẽ mặc quần áo mới theo trình tự từ
chân lên đầu tức là phải đi giày trước rồi mặc quần, rồi mặc áo, đến quấn khăn,
sau đó cho bạc vào một chiếc túi nhỏ và đặt cạnh má phải. Họ quan niệm rằng
con trai chết từ chân lên đầu và trình tự mặc đồ cũng phải theo trình tự người
chết đi. Việc đặt túi bạc bên cạnh mà bên phải thể hiện quan niệm người chết
cũng cần tiền mang theo để làm vốn và với con trai chiều thuận là bên phải nên
thường để mọi thứ ở phía bên phải kể cả việc đặt bát đũa bên cạnh mộ cũng đặt
phía bên phải.
Nếu là mẹ, quy trình tắm rửa và mặc quần áo sẽ ngược lại với của bố. Sau
khi tắm rửa xong con cái sẽ mặc quần áo mới theo trình tự từ đầu xuống chân
nghĩa là phải đội khăn trước, rồi mặc áo, rồi mặc quần, đến đi giày sau đó cũng
cho bạc vào túi và đặt cạnh má trái.
Sau khi mặc quần áo cho bố (mẹ) xong, dỡ ngay liếp buồng ngủ, đưa bố
(mẹ) ra gian ngoài khâm liệm.
Nhập quan: Sau khi đã chọn được giờ tốt, con cái trong gia đình tiến hành
nhập quan. Trước tiên là kiểm tra quan tài, thường người ta làm sẵn áo quan cho
ông, bà, bố hoặc mẹ nhưng áo quan vẫn chưa được bào nhẵn hoặc có bào nhẵn
thì vẫn để lại một vài chỗ chưa hoàn chỉnh để khi dùng đến người ta hoàn chỉnh
nốt, họ cho rằng khi nào dùng đến làm hoàn chỉnh thì người chết dùng mới mãn
nguyện và mới có ý nghĩa thực sự là nhà mới cho người đã chết, sau đó là lót
quan tài. Con cái lấy một nắm cỏ gianh đốt trong lòng quan tài để xua ám khí,
ma quỷ đồng thời cũng làm ấm quan tài. Sau đó rải vải rồi mới đặt người chết
vào trong quan tài. Khi rải vải (dùng vải xô trắng để lót quan tài, không sử dụng
vải nhân tạo có chất nhựa), vải này phải là vải của con ruột (con trai, con gái)
cho người chết với ý nghĩa thể hiện sự tiếc thương vô hạn của người sống đới
20
với người chết và thể hiện sự quan tâm của người sống đới với người chết.
Chiều dài tấm vải của các con không được bằng nhau, mà tính từ con cả xuống
cách nhau một gang tay (nếu gia đình đông con), cách nhau một cánh tay (nêu
gia đình ít con). Vải của con gái được rải ở dưới và trên, còn vải của con trai rải ở
hai bên sườn của người chết. Tiếp đó, người ta đậy nắp quan tài lại. Công việc này
bắt buộc người trong gia đình phải làm, họ không để cho người ngoài dòng họ làm
thậm chí người ngoài dòng họ không được đến gần vì họ sợ người ta sẽ lấy đi phúc
lộc và may mắn của người chết để lại cho người sống và sợ người ta cho thứ gì đó
vào quan tài của người chết ngoài những vật con cháu cho thì người chết khó siêu
thoát. Người Hà Nhì miết sáp ong ở những chỗ giáp ranh mặt ván chứ không dùng
đinh đóng lại, họ không cho bất cứ thứ gì khó phân hủy vào quan tài kể cả vải,
quàn áo đến giày dép phải là những thứ dễ phân hủy và nhiều gia đình tự làm, tự
dệt những đồ ấy. Sau đó, các con gái, con dâu dùng các sợi chỉ màu (chỉ dùng ba
màu là màu vàng, màu đỏ, màu tím) làm thành 3 bông hoa đặt ở đầu, giữa và cuối
quan tài (đặt trên bề mặt quan tài và được gắn cố định bằng xi măng). Rồi đặt
quan tài ở gian giữa nhà.
Những nghi lễ sau khi nhập quan: Sau khi nhập quan, gia đình có người
chết mới báo tin cho trưởng bản. Khi nghe 3 phát súng báo tin của trưởng bản,
mọi người trong bản ngừng lao động, tập trung ở nhà người quá cố để chia buồn
và giúp đỡ gia chủ làm tang lễ. Nếu nhà nghèo, gia đình không làm nổi tang lễ
cho người quá cố theo đúng nghi lễ quy định thì những người láng giềng sẽ góp
gạo, tiền, công sức để làm. Hành động này vừa mang tính giúp đỡ vừa mang tính
vay mượn nhưng không có hợp đồng, giấy nợ. Khi nào nhà ai trong số họ có
việc thì mình lại sang giúp đỡ, giá trị tình cảm tinh thần luôn được coi trọng hơn
giá trị vật chất.
Thăm hỏi, chia buồn và đồ cúng tang: Thông thường hàng xóm láng giềng
khi đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình có người chết thường mang theo quà
viếng và giúp tang chủ tiếp khách. Còn người nhà tang chủ chỉ khóc và trực thi
hài. Quà viếng là tùy tâm, tùy điều kiện của mỗi người và mối quan hệ của họ đối
với người chết và gia đình người chết, gồm: Rượu, gạo, tiền, củi, gà, lợn, vải,