Chăm sóc tóc: "Xung đột" giữa lý thuyết
và thực tế
Đã là con gái, ai cũng mong muốn được sở hữu một mái tóc mềm mại và
bóng mượt. Tuy nhiên, trong thực tế, ai cũng ít nhất hơn một lần gặp rắc rối
xung quanh việc làm đẹp tóc. Lúc thì mái tóc gãy rụng, xơ cứng, chẻ ngọn,
rồi xỉn màu có khi lại bóng dầu và xuất hiện nhiều gàu gây cảm giác khó
chịu. v.v
Những khi đó, nhiều kinh nghiệm được "rỉ tai" và cứ thế chị em vô tư đem
mái tóc làm vật thí nghiệm mà không tìm hiểu xem liệu cách làm đó có vô
tình làm xấu thêm tình trạng của tóc. Các chuyên gia làm đẹp sẽ giải mã
những lợi - hại của các "lý thuyết" làm đẹp tóc giúp bạn gái có cái nhìn thực
tế hơn khi "nâng niu một góc con người".
Lý thuyết: Máy sấy là tác nhân trực tiếp làm tóc khô
Thực tế: Điều đó chỉ đúng một phần nhỏ nên đừng vội "tuyệt giao" với công
cụ hiện đại hữu ích này. Có 4 yếu tố cần phải quan tâm khi sử dụng máy sấy,
đó là: nhiệt độ sấy, dùng lược sấy, thời gian sấy và tần suất sấy. Cũng như
rất nhiều thứ khác trong cuộc sống, nguyên tắc ''điều độ" luôn cần được coi
trọng.
Khi tóc ướt, chỉ nên sấy bằng quạt mát, tóc hơi se se tăng nhiệt độ nóng ở
mức vừa phải để không làm hại đến lớp keratin và biểu bì của tóc. Lược gắn
liền với máy sấy tóc rất tiện lợi nhưng cũng đừng quá lạm dụng. Vừa sấy,
vừa dùng lược chải chậm và nhẹ nhàng, không gây cảm giác căng da đầu là
đạt yêu cầu. Dùng lược khi sấy cũng nên hạn chế tối đa, với một số kiểu tóc
cần giữ nếp mà thôi, vì do lược truyền nhiệt, những răng lược sẽ làm khô tóc
rất nhanh và nếu không kịp thời dừng lại tóc sẽ rất dễ bị đứt đoạn.
Về thời gian sấy, không có khung thời gian chuẩn cho việc sấy tóc nhưng có
một nguyên tắc không thể quên là không nên sấy tóc quá khô. Vì thế, khi
nắm tóc thấy mát tay là có thể ngừng sấy. Nhiều người có quan điểm không
nên để vòi sấy quá gần tóc là không có cơ sở. Nếu bạn để quá xa, tóc sẽ bị
rối tung lên, khi đó nếu dùng lược chải sẽ còn tệ hại hơn nhiều, tóc rụng và
gãy do phải gỡ các búi rối.
Lý thuyết: Gội đầu hàng ngày sẽ làm tóc bết hơn và lâu dần tóc sẽ bị
hỏng
Thực tế: Quan niệm này đã được các chuyên gia chứng minh là hoàn toàn vô
lý. Gội đầu nhiều chỉ đơn giản là tốn thời gian và không cần thiết mà thôi
chứ nó không ảnh hưởng nhiều đến tóc. Nói chung chỉ cần gội 2 đến 3 lần
trong 1 tuần là vừa đủ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, cho dù gội
đầu hàng ngày hay vài ba lần trong tuần bạn cũng chỉ nên dùng phần thịt bên
trong của các đầu ngón tay "cọ" da đầu nhẹ nhàng mà thôi. Quan trọng là
làm sạch mọi "ngóc ngách" trên tóc và da đầu chứ không phải cứ cường độ
mạnh là đạt hiệu quả.
Lý thuyết: Ủ tóc hàng tuần sẽ cải thiện hiện tượng tóc khô, xơ
Thực tế: Chỉ đúng một phần vì nhiều khi tác dụng kem ủ tóc cũng không
hơn kem xả thường là mấy. Cả hai chỉ có tác dụng làm cải thiện "phần nhìn"
đối với tóc khô, xơ, không có tác dụng giúp cải thiện tình hình tóc đã bị
hỏng (xỉn màu, đứt gãy, chẻ ngọn ).
Hãy thử hình dung nhé! Mái tóc của chúng ta cũng như lớp vảy cá, khi được
phủ lên một lớp kem làm mềm, mọi sự "mất trật tự" sẽ được xếp vào khuôn
khổ, tóc sẽ bóng hơn, mượt hơn và dễ chải hơn. Như vậy, việc sử dụng dầu
xả hay kem ủ là tuỳ thuộc vào lựa chọn của bạn. Có một vài lưu ý bạn nên
nhớ:
- Lựa chọn thành phần dầu xả, kem ủ thật kỹ lưỡng. Hiện nay có nhiều loại
dầu xả giúp làm tóc dày hơn nhưng trong thành phần có chất silicon, nếu sử
dụng thường xuyên sẽ không tốt cho tóc.
- Thực hiện đúng theo hướng dẫn về thời gian đối với mỗi loại kem ủ hoặc
dầu xả khác nhau. Không phải cứ càng lâu càng tốt.
- Không nên liên tục thay đổi các loại kem vì như thế tóc không "phản ứng"
kịp, dễ bị "sốc" và dẫn đến tác dụng ngược.
- Thỉnh thoảng nên ngưng một thời gian (khoảng 2 tuần) và thay thế bằng
biện pháp hấp dưỡng tóc, giúp cải thiện những hư tổn của mái tóc từ bên
trong.
Lý thuyết: Vitamin có tác dụng cải thiện tình trạng tóc rụng, làm cho
tóc khỏe hơn
Thực tế: Vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh quan điểm này. Những
người phản bác lập luận rằng: Những người thể trạng yếu, suy dinh dưỡng,
sẽ khó có đầy đủ dưỡng chất cho tất cả các bộ phận trên cơ thể, nên việc có
hư tổn ở tóc (tóc rụng, tóc xơ, tóc xỉn màu ) hơn người có cơ thể khỏe
mạnh, việc bù vitamin chỉ là tốn tiền vô ích.
Trong một nghiên cứu khác, một nhóm chuyên gia khi điều trị cho những
người bị gãy móng bằng việc bổ sung chất biotin và vitamin nhóm B đem lại
kết quả khả quan và theo họ nếu tóc rụng nhiều sẽ áp dụng tương tự như
vậy, vì tóc cũng giống như móng tay mà thôi.
Một nghiên cứu nữa lại chứng minh rằng những phụ nữ bị rụng tóc nhiều có
hàm lượng sắt trong cơ thể rất ít. Thời gian mang thai là lúc tóc rụng nhiều
nhất nếu không được bổ sung chất sắt đầy đủ.
Như vậy còn có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quan điểm này. Nếu
bạn thấy cơ thể cần vitamin, hãy hỏi ý kiến bác sĩ và bổ sung những gì mình
thiếu, trước hết là cho sức khoẻ chứ không cho riêng gì mái tóc.
Lý thuyết: Dùng dao cạo sẽ làm tóc tổn thương
Thực tế: 50% ủng hộ - 50% phản đối. Những người ủng hộ cho rằng nếu
dùng dao cạo cắt tỉa, khi lia trên mái tóc, lưỡi dao sẽ lượt nhanh và lấy đi lớp
biểu bì bề ngoài làm tóc trở nên xỉn màu và thô ráp ngọn tóc, nên thay bằng
giải pháp dùng kéo sẽ an toàn hơn.
Số người phản đối thì cho rằng, dao cạo có gây tổn hại cho tóc hay không
còn tùy thuộc trình độ của thợ cắt. Nếu thợ cắt được học bài bản, nắm vững
các kỹ thuật xử lý dụng cụ thì việc cắt tỉa bằng dao cạo, bằng kéo hay kết
hợp cả hai là do họ lựa chọn để đạt được ý muốn của khách hàng. Bên cạnh
đó, việc tóc bị hư tổn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không thể đổ lỗi
cho dao cạo.