Từ cơn bão số 3 (tháng 8/2010) cần hiểu rõ hơn về
bão để phòng chống có hiệu quả
Nghệ Tĩnh nói chung, Nghệ An nói riêng, tính từ cơn bão số 7 (tên quốc tế là
Nency), đổ bộ vào đất liền ngày 18/10/1989 gây ra tổn thất to lớn thì cơn bão số 3
(tên quốc tế là Mindulle) đổ bộ vào ngày 24/8/2010 là cơn bão mạnh nhất, tàn phá
nặng nề nhất, gây hậu quả lâu dài nhất bởi đã có đến 9 người chết, 75 người bị
thương, hàng vạn ngôi nhà bị đổ và tốc mái, gần 10.000 cột điện trung, hạ thế bị
đổ, hàng vạn cây xanh đô thị bị đổ gãy. Đó là chưa kể hàng chục ngàn ha lúa và
hoa màu bị thiệt hại nặng. Tổng số thiệt hại về mặt kinh tế ở cả 3 tỉnh Thanh -
Nghệ - Tĩnh lên đến 1.300 tỷ đồng (riêng Nghệ An là 905 tỷ đồng)(1).
Có thể nói, sau hơn 20 năm “bão ngủ yên”, ký ức về bão của người già đã phôi
pha, người trẻ chưa được chứng kiến, nên sau cơn bão số 3, với những tổn thất to
lớn đó, người dân không khỏi bàng hoàng. Trên các phương tiện thông tin đại chúng
cũng như trong dư luận, người ta bàn tán về cơn bão này khá sôi nổi, trong đó, việc
dự thảo, truyền tin và chỉ huy phòng, chống là những vấn đề được quan tâm hơn cả.
Tất nhiên có những ý kiến đúng, nhưng cũng có ý kiến chưa thật thỏa đáng. Vậy,
đâu là vấn đề cần rút kinh nghiệm cho công tác phòng chống bão năm nay - một
công tác hàng năm vẫn được coi là trung tâm?
1. Trước hết cần hiểu rõ về bão và nội dung bản tin bão
Bão là một cơn gió xoáy khổng lồ có đường kính từ vài ba trăm đến dăm bảy
trăm km (thậm chí đến 800-900km). Bão phát sinh từ ngoài biển rồi vào đất liền
nên một cơn bão từ khi hình thành cho đến khi tan thường kéo dài 3-4 ngày đến 6-
7 ngày, nên nếu chúng ta theo dõi chặt chẽ thì hoàn toàn có đủ thời gian để triển
khai công tác phòng chống có hiệu quả. Bão đổ bộ vào Việt Nam có đến 60%
được hình thành ở Tây Bắc Thái Bình Dương (ổ bão lớn nhất trong 5 ổ bão của thế
giới). Còn 40% hình thành ngay trên biển Đông (khu vực phía Tây quần đảo
Philippin). Bão có đặc điểm là gió thổi xoáy từ ngoài vào trung tâm theo hướng
ngược chiều kim đồng hồ, tốc độ xoáy có thể đến 7-200km/h (cơn bão Katrina đổ
bộ vào Mỹ năm 2005 có sức gió tới 233 km/h). Tuy nhiên, tốc độ di chuyển của
bão chỉ vào khoảng 5-25km/h, thông thường là 10-15km/h. Cũng có trường hợp
bão đứng yên một chỗ cả buổi, sau đó đổi hướng di chuyển. Cần nhắc lại là bão và
áp thấp nhiệt đới đều cùng có nguyên nhân hình thành như nhau, chỉ khác là sức
gió của áp thấp nhiệt đới chỉ từ cấp 7 trở xuống, còn cấp 8 trở lên gọi là bão. Vì
thế, một áp thấp nhiệt đới có thể phát triển lên thành bão. Ngược lại, bão có thể
suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi tan dần.
Một nhầm lẫn phổ biến gây ra nhiều thất thiệt là trên bản đồ tâm bão chỉ được
biểu thị bằng một dấu chấm (.) và đường đi của bão là một gạch nối giữa tâm bão
dự báo lần trước và tâm bão dự báo cho những giờ sau, nên chúng ta cứ đo khoảng
cách tâm bão đến bờ, rồi căn cứ vào dự báo tốc độ di chuyển của bão để biết khi
nào thì bão đến mà quên mất rằng khi vùng gió xoáy của bão cách tâm bão đến
hàng trăm km đã có thể gây nguy hiểm. Chẳng hạn, một cơn bão có tốc độ gió
xoáy cấp 12 thì vùng bán kính gió bão cấp 10 (là cấp gió đã gây đổ sập nhà cửa,
cây cối) có thể đến hơn 100km, nghĩa là khi tâm bão còn cách địa phương mình
100km và với tốc độ di chuyển 15-20km/h thì phải 5-7 tiếng đồng hồ sau tâm bão
mới tới thì gió cấp 10 đã hoành hành, nhà cửa, cây cối đã bị thiệt hại. Vì không
hiểu rõ vấn đề này nên trong cơn bão số 3 vừa qua, nhiều người đã cho rằng bão
vào sớm hơn dự báo một buổi, nên công tác phòng chống bão không kịp thời. Vậy,
do không hiểu về bão mà bị thiệt hại cả người và của một cách đáng tiếc.
2. Vấn đề dự báo bão
Dự báo bão tức là dự báo cường độ bão ở cấp nào, tốc độ di chuyển của bão là
bao nhiêu? Thời gian bão đổ bộ và vùng mà bão đổ bộ? Và với những cơn bão to
thì còn cần phải dự báo vùng gió bão cấp 10 có bán kính là bao nhiêu kể từ tâm
bão?
Có thể nói, ngày nay với một mạng lưới các trạm khí tượng dày đặc đặt trên đất
liền, trên các hải đảo, các phao cố định và phao trời trên các đại dương, cùng với
máy bay, tàu thủy, vô tuyến, thảm không, rađa thời tiết, tên lửa khí tượng, vệ tinh
khí tượng… liên tục quan trắc hàng ngày, hàng giờ trên khắp hành tinh, khi một
cơn bão hình thành thì tất cả các trung tâm khí tượng quốc gia và khu vực đều phát
hiện được. Song, để dự báo thời tiết nói chung, dự báo bão nói riêng chính xác
100% thì vẫn còn là một vấn đề ở ngoài tầm tay của các nhà khí tượng học thế giới.
Bởi dù khoa học kỹ thuật có tiến bộ bao nhiêu thì cũng không thể nào đi đến tận
cùng của mọi quá trình tự nhiên, nhất là với khí quyển - một môi trường hết sức
sinh động, chỉ một tác động nhỏ cũng có thể gây ra những biến chuyển lớn. Cho
nên, cũng không lấy gì làm lạ là khi bão còn ở cách đất liền hàng ngàn km thì cảnh
báo bão ảnh hưởng đến nước ta có thể gần như chạy hết chiều dài bờ biển của đất
nước và khi bão vào càng gần bờ thì cảnh báo khu vực bão đổ bộ càng thu hẹp
lại. Đường đi của bão tuy phần lớn có dạng parabol, nhưng cũng không ít trường
hợp bão đi vào rồi lại đi ra, đi lên rồi lại đi xuống… Do đó, việc theo dõi bão cần
phải cập nhật thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng,
những lúc có bão thì trên các kênh VTV1, VTV2, VTV3… gần như giờ nào cũng
phát tin bão một cách chi tiết, giúp ta có cơ sở để phòng chống bão một cách chủ
động.
3. Cơn bão số 3 (2010) và vấn đề chỉ đạo phòng chống bão hàng năm
Sáng 21/8/2010, từ một vùng áp thấp trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc
biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới với tốc độ di chuyển khoảng 5-10
km/h theo hướng Tây. Sáng 23/8, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão - cơn bão
số 3 (tên quốc tế là Mindulle). Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc rồi chuyển
hướng sang Tây Bắc với tốc độ di chuyển mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 19h
ngày 23/8, vị trí tâm bão vào khoảng 16,6 vĩ độ Bắc, 109,1 kinh độ Đông, cách bờ
biển Quảng Ngãi - Thừa Thiên Huế khoảng 90km về phía Đông Đông Bắc. Sức
gió ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75-102 km/h), giật cấp 11,
12, 13 (tức là từ 103-149 km/h). Từ đó, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc dọc
ven biển từ Đà Nẵng ra đến Nghệ An. Chiều tối 24/8, bão đổ bộ vào khu vực Nghệ
An - Thanh Hóa. Lúc 22h ngày 24/8, tâm bão ở vào khoảng 19,2 vĩ độ Bắc; 105,1
kinh độ Đông trên đất liền huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Sức gió mạnh nhất ở
vùng gần trung tâm mạnh cấp 8 (tức 62-74 km/h), giật cấp 9, cấp 10 (tức 75-102
km/h). Sau đó, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ
đi được khoảng 15-20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thanh
Hóa - Nghệ An, tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành một vùng áp thấp
và tan trên đất Lào vào 4h sáng ngày 26/8.
Như vậy, nói bão số 3 xảy ra quá nhanh và bất ngờ so với dự kiến
(2)
là không
đúng. Bởi vì, từ khi bản tin cảnh báo đầu tiên (sáng 20/8) nói rằng một vùng áp thấp
ở phía Đông Philippin di chuyển vào biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp
thấp nhiệt đới, cho đến khi bão tan (sáng 26/8) là 7 ngày. Riêng thời gian áp thấp
nhiệt đới biến thành bão cho đến khi bão đổ bộ vào Nghệ An là 2 ngày (từ sáng 23/8
đến tối 24/8). Trong khoảng thời gian đó, không kể các cuộc họp bàn triển khai
công tác phòng chống bão số 3 của UBND 3 tỉnh trong khu vực và không kể các
bản tin dự báo bão của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, thì
phòng dự báo Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ đã phát đi 36 bản tin về
tình hình diễn biến của cơn bão, dự báo chi tiết về hướng, tốc độ di chuyển, cường
độ, thời gian và khu vực bão đổ bộ cũng như tình hình mưa do bão gây ra để các
tỉnh, các ngành, các cấp có giải pháp ứng phó. Đồng thời, để phục vụ cho công tác
dự báo bão của Trung ương và khu vực cũng như quốc tế, 7 trạm khí tượng ven biển
vùng Bắc Trung Bộ đã phát báo về các trung tâm dự báo 351 bản tin quan trắc khí
tượng ở Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, thành phố Vinh, Hòn Ngư, Quỳnh Lưu, Tĩnh
Gia, thành phố Thanh Hóa (Từ 15h ngày 23/8 đến 19h ngày 24/8). Như vậy, nói:
“Cơn bão số 3 đổ bộ vào Nghệ An, ngoài dự báo rất hú họa của cơ quan khí
tượng… từ Quảng Ngãi ra Thái Bình… Do vậy xét về góc độ chuẩn bị, chúng ta rất
bất ngờ…”
(3)
là một kết luận không đúng sự thật, không khách quan. Có thể người
viết thiếu thông tin chăng?
Thật ra thì việc dự báo về thời gian và khu vực bão số 3 đổ bộ là rất chính xác.
Riêng về cường độ của bão thì theo tôi, gió trên thực tế mạnh hơn nhiều so với dự
báo và gió thực đo ở các trạm (xem bảng).
Bảng tốc độ gió trung bình và tốc độ gió mạnh nhất (gió giật),
trong cơn bão số 3 ngày 24/8/2010 ở Hồ Trạm khí tượng ven biển
Hướng và tốc độ gió trung
bình
Tốc độ gió mạnh nhất (gió
giật)
Yếu tố
Trạm
Hướng gió
Tốc độ
(m/s)
Cấp
gió
Tốc độ
(m/s)
Cấp
gió
Thời điểm
xẩy ra
Kỳ Anh TTB 17 7 23 9 12h
TP Hà Tĩnh TTB 13 6 21 9 16h
TP Vinh NTN 13 6 23 9 17h30’
Hòn Ngư N 28 10 50 15 14h30’
Quỳnh Lưu ĐB 25 10 33 12 17h30’
Tĩnh Gia ĐĐB 13 6 23 9 19h
TP Thanh ĐĐN 12 6 18 8 17h
Hóa
Qua bảng ta thấy, trừ Hòn Ngư và Quỳnh Lưu, tất cả các trạm ven biển Kỳ
Anh đến Thanh Hóa, gió chỉ cấp 6-7, giật cấp 9 - tức là gió trong áp thấp nhiệt
đới chứ không phải gió trong bão. Mà theo Beanford thì gió cấp 6 chỉ mới làm
cành cây lớn rung chuyển, đường dây thép “reo”, khó mở ô, cấp 7 thì cả cây rung
chuyển, khó đi ngược gió. Chỉ khi gió cấp 10 thì cây mới bị bật rễ, nhà cửa hư
hại nặng. Vậy, với hàng vạn ngôi nhà bị sập và tốc mái, gần 10.000 cột điện bê
tông cốt sắt bị đổ, hạng vạn cây xanh đô thị bị dập gãy, đổ nát thì chắc chắn là gió
phải từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên mới đúng. Sau bão, tôi trực tiếp trao đổi với
một số cán bộ của Trạm khí tượng thủy văn thì họ nói rằng máy đo gió này là của
Mỹ sản xuất, nên rất hiện đại, rất chính xác! Ai cũng biết số liệu quan trắc ở các
trạm là “đầu vào” của công tác dự báo nhưng “đầu vào” thấy như vậy thì có dự
báo viên nào dám dự báo lên đến 3-4 cấp gió nữa? Cho nên, cơ quan khí tượng rất
cần thiết phải kiểm định lại loại máy gió này. Nên chăng, cần kết hợp cả hiện đại
với thô sơ, đối chiếu số đo ở máy móc với thực tại xung quanh để có sự điều chỉnh
cho phù hợp?
Về công tác phòng chống bão thì dù dự báo chính xác đến bao nhiêu, nhưng
công tác truyền tin không kịp thời, chỉ đạo không sát đúng và quyết liệt thì kết quả
sẽ rất hạn chế. Cái khó của công tác chỉ đạo phòng chống bão hiện nay là do để
bảo đảm an toàn, nên khi có bão thì hệ thống điện bị ngừng hoạt động. Vì thế, dù
đài truyền hình có phát thì dân cũng không thu được, hệ thống điện thoại di động
có khi cũng ách tắc do cột thu phát bị đổ Do đó, cần có giải pháp cho vấn đề
thông tin trong bão sao cho thông suốt từ tỉnh xuống đến cơ sở. Mấy thập niên gần
đây, không có những cơn bão to xuất hiện, người ta thường nhớ đến những cơn
bão to trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước là vào trung tuần tháng 10 (số 7/1982 và
số 9/1989), nên trong tâm lý người dân cứ nghĩ bão vào Nghệ An phải từ cơn số 7,
số 8 trở đi. Năm 2010, mới cơn bão số 3 vào Nghệ An đã làm nhiều người thấy bất
ngờ là vì vậy. Trên thực tế, theo số liệu khí tượng hơn 100 năm qua ở Nghệ An
(Trạm khí tượng Vinh được thành lập năm 1900 theo Nghị định 145 ngày
5/5/1900 của toàn quyền Đông Dương Paul Dumer) thì mùa bão ở Nghệ An là từ
tháng 6-10, nhưng cao điểm là tháng 8 (18%), tháng 9 (43%) và tháng 10 (20%).
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều quy luật của thời tiết có sự thay đổi,
nên ngay từ giờ chúng ta đã phải chuẩn bị bắt tay vào công tác phòng chống bão.
Cần có kế hoạch cụ thể, thật tỉ mỉ từ chỗ địa điểm và số phương tiện để đưa dân đi
sơ tán, đến lương thực, thực phẩm, thuốc men… là bao nhiêu và đặt ở những vùng
nào. Công tác tu bổ đê điều, khơi thông dòng chảy, chằng chống, di dời nhà cửa,
kho tàng, chặt tỉa cây xanh đô thị trước bão và thu dọn sau bão đều phải có sự
phân công rõ ràng, cụ thể… Chuẩn bị càng chu đáo thì thiệt hại càng giảm thiểu.
Thực tế nhiều nơi đã cho kết quả như vậy./.
Chú thích
(1)
Nguyễn Hữu Chỉnh: Cơn bão số 3 và công tác phục vụ phòng chống bão số
3 ở Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, Tạp chí Khí tượng thủy văn số
tháng 9/2010
(2)
Nguyễn Sơn: Cháy nhà mới ra… trách nhiệm, Báo Nghệ An số 27/8/2010.
(3)
Văn Hiền: Đừng để bất ngờ…, Báo đã dẫn.