Cách “ăn điểm" bài văn nghị luận
Bài văn nghị luận chiếm số điểm khá cao trong bài thi môn văn. Vậy làm thế
nào để làm tốt loại bài này? Mách nước sau giúp bạn điều đó.
Căn cứ vào đề tài, đối tượng nghị luận mà có hai kiểu bài chủ yếu: nghị luận xã
hội và nghị luận văn học. Nếu như đề tài, đối tượng của bài văn nghị luận xã hội là
một vấn đề chính trị, tư tưởng, đạo lí, một hiện tượng xã hội thì đối với bài văn
nghị luận văn học lại là tác phẩm, hiện tượng văn học hay những ý kiến, nhận định
về văn học. Đây là kiểu bài văn phổ biến, quen thuộc nhất đối với học sinh các cấp
nhà trường hiện nay.
Người viết tiểu luận văn học, người học sinh khi làm bài cần hiểu đúng thế nào là
bài nghị luận văn học.
Trong chương trình Tập làm văn mới hiện hành, không còn sự phân chia các kiểu
bài nghị luận văn học như trước đây nữa (giải thích, chứng minh, phân tích, bình
luận, bình giảng). Sự thay đổi này nhằm phản ánh đúng hơn bản chất của một bài
văn, qui trình làm một bài văn nghị luận văn học.
Thực tế, hiếm có bài văn nào từ đầu đến cuối chỉ hoàn toàn tuân theo một yêu cầu,
chỉ vận dụng một thao tác ấy. Đó là các phép lập luận, các thao tác, phương pháp
thường được kết hợp vận dụng khi giải quyết một vấn đề nghị luận. Thật ra, trong
một bài nghị luận văn học, người viết thường sử dụng nhiều thao tác, kĩ năng và
nhiều khi khó tách bạch một cách rạch ròi giải thích, chứng minh, phân tích, bình
giảng, bình luận. Nói vậy cũng có nghĩa nghị luận văn học là kiểu bài đòi hỏi tính
tổng hợp của tri thức, của kĩ năng. Muốn làm được một bài nghị luận văn học hay,
cùng với kiến thức, năng lực cảm thụ, người viết cần có kĩ năng kết hợp đồng thời,
linh hoạt nhiều phép lập luận để làm sáng tỏ vấn đề, để trình bày một cách thuyết
phục, hấp dẫn ý kiến, nhận định của mình.
Cách hiểu kiểu bài nghị luận văn học như thế đã bao hàm đòi hỏi tính tích cực,
năng lực, bản sắc cá nhân của người làm bài. Một tư tưởng lớn, một phương châm
quan trọng trong dạy – học hiện nay mà hầu như ai cũng biết là phát huy tính chủ
động, tích cực của học sinh. Cần chống lối học vẹt, nói theo từ cách nghĩ đến cách
học, cách làm bài. Phân môn làm văn đặc biệt cần góp phần tích cực vào việc thực
hiện tư tưởng, phương châm ấy từ cách ra đề đến cách đánh giá. Nghị luận về một
vấn đề, phương diện nào đó của tác phẩm truyện, nghị luận về một đoạn thơ, bài
thơ cần xác định một lập trường, từ một góc độ nào đó để phân tích, lí giải, đánh
giá, để bộc lộ chủ kiến của mình.
Ngay chữ “phân tích” trong yêu cầu của một đề văn nghị luận cũng cần hiểu cho
đúng, cho toàn diện. Nó không chỉ là một thao tác, một phép lập luận. Nó không
chỉ phân chia vấn đề, đối tượng ra từng bộ phận, từng khía cạnh để miêu tả, tìm
hiểu đặc điểm. “Phân tích” ở đây bao hàm cả sự nhận xét, đánh giá, lí giải… về
vấn đề, đối tượng ấy bằng tư tưởng, tình cảm của mình. Chẳng hạn trước đề văn
nghị luận “Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của
Nguyễn Thành Long”. Một bài làm văn tốt sẽ không chỉ nêu rồi chứng minh từng
vẻ đẹp, phẩm chất của nhân vật anh thanh niên (như lòng yêu nghề, lặng lẽ cống
hiến, như lòng hiếu khách đến nồng nhiệt rồi đức tính khiêm tốn…).
Đồng thời với quá trình phân tích từng vẻ đẹp, trình bày từng luận điểm ấy, người
viết cần thể hiện sự cảm thụ các chi tiết nghệ thuật sinh động trong tác phẩm, thể
hiện thái độ, tình cảm của mình, cần nhận xét, đánh giá về cách miêu tả, xây dựng
nhân vật của nhà văn, cần rút ra, khái quát về ý nghĩa của hình tượng nhân vật…
Nói vậy nghĩa là bài nghị luận văn học đòi hỏi cảm thụ, ấn tượng riêng, đề cao tính
chất cá nhân, cá thể của người viết. Tất nhiên, từ ý thức được về lí thuyết đến thực
hành đúng, thực hiện cho có hiệu quả thật sự không hề đơn giản. Muốn làm được
điều này cả thầy và trò phải phấn đấu dần dần ra khỏi quán tính, từ bỏ thói quen ăn
sâu một thời, còn làm sao vượt khỏi áp chế đè nặng của bao thứ sách tham khảo,
bài mẫu này nọ trên thị trường sách đa tạp hiện nay. Quả thực, với kiểu ra đề văn
hạn hẹp, đơn điệu lâu nay, trước thực tế các tác phẩm, vấn đề đã được cày xới kĩ,
người làm bài không dễ có và xen vào được ý kiến, cảm thụ riêng của mình.
Từ đặc điểm của kiểu bài nghị luận văn học nêu trên, chúng ta xác định cụ thể hơn
những yêu cầu cơ bản mà một bài nghị luận văn học cần đạt tới.
1. Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vào ý đồ sáng tác của nhà văn mà
phân tích, làm sáng tỏ các tầng lớp nội dung, ý nghĩa trong ngôn từ, trong
hình ảnh nơi văn bản
Mọi nhận xét, đánh giá về tác phẩm chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ sự hiểu
đúng, hiểu sâu nó. Bài nghị luận văn học tối kị lối phát biểu ý kiến một cách chung
chung hoặc chỉ “diễn nôm “nội dung. Muốn bình đúng, bình hay trước tiên phải
phân tích đúng, giảng sâu. Giảng có nghĩa là khám phá, giảng giải nội dung, ý
nghĩa của tác phẩm, là giải thích, khẳng định nghĩa lí của văn bản. Nó có nhiệm vụ
chỉ ra các tầng lớp nội dung và chứng minh một cách thuyết phục rằng nội dung ấy
tất phải được thể hiện qua hình thức nghệ thuật ấy, rằng hình thức nghệ thuật ấy
“hợp lẽ thuận tình”, có tính độc đáo hơn cả trong việc thể hiện nội dung.
Trong quá trình phân tích, chứng minh tính độc đáo của sự thống nhất giữa nội
dung và hình thức ở văn bản tác phẩm, người nghị luận cần tìm trúng những chỗ
hay, chỗ lạ của các phương thức, thủ pháp thể hiện và khẳng định được rằng hình
thức nghệ thuật ấy là “phương án tối ưu” để thể hiện sinh động nội dung, rằng bất
kì sự đổi thay nào đó (dù rất nhỏ) cũng có thể phá vỡ nghĩa lí, phá vỡ tính chỉnh
thể của tác phẩm. Chẳng hạn, khi bình giảng khổ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của
Hàn Mặc Tử, ta không thể không chú ý đến chữ mướt trong câu “Vườn ai mướt
quá xanh như ngọc”. Chỉ chữ mướt ấy mới diễn tả đúng và hết sức gợi cảm màu
xanh non, xanh mỡ màng đang lấp lánh phản chiếu ánh nắng ban mai của “vườn
ai” nơi thôn Vĩ. Vào thời điểm sương đêm còn đẫm trên các ngọn cây, lá cây và
ánh mặt trời mới dậy đang chiếu rọi thì mới có mướt. Không thể thay vào đó một
chữ bất kì nào khác để đúng, hay được như thế.
2. Cùng với việc giảng giải, phân tích, cần đánh giá, bàn luận về những “lời
hay ý đẹp” nơi văn bản, về giá trị của tác phẩm, ý nghĩa của vấn đề
Để khẳng định tính độc đáo, các giá trị của tác phẩm, bài nghị luận phải đào sâu
vào các tầng lớp ý nghĩa, vào sự thống nhất cao giữa nội dung và hình thức, đồng
thời cần liên hệ mở rộng xung quanh chính các vấn đề ấy, cần tổng hợp, nâng cao
bằng năng lực khái quát. Ở đây rất cần thao tác so sánh cũng như khả năng cảm
thụ văn chương tinh tế cùng với vốn tri thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Phân tích
các bài thơ viết về người chiến sĩ Vệ quốc như Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng
chí của Chính Hữu, ta không thể không đặt chúng vào hoàn cảnh đất nước thiếu
thốn, gian khổ ở những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào các
thành công lẫn hạn chế của dòng thơ viết về anh bộ đội lúc bấy giờ.
Mặt khác, ta cũng rất cần sự hiểu biết về đặc điểm phong cách từng nhà thơ, bút
pháp của từng bài thơ để làm sáng tỏ cái hay riêng ở từng tác phẩm. Phân tích
nhân vật Chí Phèo, ta cần nhận xét về tính chất điển hình của hình tượng này, cần
đánh giá về chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc cùng nghệ thuật điển hình hóa sắc sảo của
Nam Cao. Nhìn chung, phần lớn bài văn nghị luận của học sinh hiện nay còn thiên
về miêu tả cụ thể (thậm chí kể lể) mà yếu về năng lực khái quát, cô đúc luận điểm
và đáng giá. Tại sao lại thế? Ý nghĩa của vấn đề ở chỗ nào? Đó là các câu hỏi nên
luôn tự đặt ra khi phân tích cụ thể một vấn đề.
3. Bài văn nghị luận cần có hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc, những luận
cứ đúng đắn, sinh động và lập luận thuyết phục
Tôi thường nói đùa với các em học sinh rằng bài văn nghị luận phải như một nắm
xôi: từng hại dẻo, khô nhưng lại vắt được thành nắm. Nó khác với chảo cơm rang:
từng hạt săn đét, rời rạc. Các ý trong bài văn cần rõ ràng nhưng lại được liên kết
thành một hệ thống.
Một bài văn nghị luận hay thường có hệ thống luận điểm rõ ràng được kết dính
một cách tự nhiên, liền mạch, ý nọ gọi ý kia. Đòi hỏi hệ thống luận điểm mạch lạc,
màu sắc cá nhân của các nhận xét, đánh giá, mặt khác, bài văn nghị luận cũng yêu
cầu tính cụ thể, thuyết phục của những luận cứ. Nếu cứ sa đà vào dẫn chứng, phân
tích cụ thể mà không nâng lên được tầm khái quát, không đúc kết được thành các
nhận định, bài văn sẽ nhạt tính tư tưởng, khó gây ấn tượng. Mặt khác, nếu cứ nêu
nhận định, ca ngợi hay phê phán một cách chung chung mà không qua các căn cứ
cụ thể, dẫn chứng sinh động thì bài văn cũng yếu sức thuyết phục, dễ trở nên sáo
rỗng. Kết hợp linh hoạt, tự nhiên giữa phân tích, chứng minh cụ thể với nhận xét,
đánh giá khái quát vừa là phương pháp tư duy, vừa là kĩ năng làm bài mà người
viết văn nghị luận cần rèn luyện. Chẳng hạn, khi nghị luận về một tác phẩm truyện,
những nhận xét, đánh giá phải xuất phát từ chủ đề, ý nghĩa của cốt truyện, từ tính
cách, số phận của nhân vật, từ đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm. Khi nghị luận về
một nhân vật cần phân tích, đánh giá từng phương diện cơ bản của nhân vật được
nhà văn phản ánh gắn liền với những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Chẳng hạn, khi
nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, cần làm sáng tỏ nội dung cảm xúc được thể
hiện qua ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu. Bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy
để có những nhận xét, đánh giá cụ thể, xác đáng. Trước đề bài “Cảm nhận của em
về tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu” không ít học sinh lúng
túng khi xác định yêu cầu và tổ chức bài làm.Tình đồng chí trong bài thơ này được
diễn tả qua các nhân vật nào, ở thời gian, hoàn cảnh nào của lịch sử dân tộc? Đâu
là các chi tiết đặc sắc (ngôn từ, hình ảnh, câu thơ…) chứng tỏ vẻ đẹp đặc biệt của
tình đồng chí ấy? Bản thân mình tâm đắc nhất với chi tiết nào? Giá trị nhận thức, ý
nghĩa tư tưởng của bài thơ Đồng chí là gì? Từ việc trả lời đúng các câu hỏi này, lại
cần xác định rõ trình bày cảm nhận theo yêu cầu của đề văn sẽ bao gồm những gì,
nên kết hợp ra sao các thao tác, các phép lập luận…
Như vậy, một bài văn nghị luận hay vừa đòi hỏi sự thâm nhập, thẩm bình sâu tác
phẩm vừa yêu cầu kĩ năng tổng hợp, khái quát thành nhận định, đánh giá riêng.
4. Lời văn của một bài nghị luận cần chuẩn xác, trong sáng, thể hiện rung
cảm chân thành, tự nhiên của người viết
Khi viết một bài văn, một tiểu luận, hơn nhau không chỉ ở chỗ viết cái gì mà quan
trọng còn là viết như thế nào, bằng thái độ, tình cảm ra sao. Cần cân nhắc từ cách
dùng từ đến cách ngắt câu. Ngôn từ phải làm sao diễn tả sát, trúng bản chất của
đối tượng, điều mình muốn nói. Giọng văn làm sao phải hợp với vấn đề, với nội
dung, nhiều khi như có hình có khối, giàu nhịp điệu. Viết văn cũng như giao tiếp
trong đời sống, không nên hài hước khi cần trữ tình cảm thương và ngược lại.
Giọng điệu lời văn khi phân tích thân phận tủi nhục cùng sức sống tiềm tàng của
nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ) tất nhiên cần khác với khi phân tích Số đỏ chẳng
hạn. Phân tích câu thơ cuối của bài Đây thôn Vĩ Dạ, tôi rất tâm đắc khi viết rằng
đó là một lời hỏi khắc khoải (Ai biết tình ai có đậm đà?). Trong chữ khắc khoải
này có ước mong tha thiết nhưng ngậm ngùi, khẩn thiết mà đau đớn đúng với cảnh
ngộ Hàn Mặc Tử khi ấy. Nhân đây, chúng tôi thấy cần lưu ý các em học sinh một
điều: không nên lầm rung cảm nơi lời văn qua các câu cảm thán, qua những lời
“hô to gọi giật” kiểu “chao ôi…”, “đẹp làm sao…”, “hay biết bao nhiêu…”. Nếu
lạm dụng một cách ngây thơ, nếu “ngụy trang” cho tâm hồn nghèo nàn của mình
theo kiểu ấy, bài văn sẽ trở nên sáo rỗng, lắm lúc buồn cười. Rung cảm phải thật
sự xuất phát tự đáy lòng, từ sự “vỡ lẽ” của chính mình. Khi ấy, nó tự toát lên trong
ý tứ, trong giọng điệu bài văn mà người đọc không khó nhận ra.
Trở lên trên, chúng tôi đã trình bày ngắn gọn các yêu cầu cơ bản của một bài văn
nghị luận văn học. Tùy theo vấn đề, đối tượng nghị luận, đặc biệt thể loại tác phẩm,
mà mỗi dạng bài lại có các yêu cầu, đòi hỏi các phương pháp riêng.