Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

SỰ TÍCH HỢP THỂ LOẠI TRONG TIỂU THUYẾT CHÙM NHO PHẪN NỘ CỦA JOHN STEINBECK - Full 10 điểm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (658.85 KB, 10 trang )

SỰ TÍCH HỢP THỂ LOẠI
TRONG TIỂU THUYẾT CHÙM NHO PHẪN NỘ CỦA JOHN STEINBECK

Nguyễn Thị Thu Hằng
Trường Đại học Sư phạm Huế
0818786746

Tóm tắt: Với Chùm nho phẫn nộ (1939), John Steinbeck dẫn dắt người đọc bước vào địa hạt
năng động, uyển chuyển của thể loại tiểu thuyết. Bằng nhiều cách thức khác nhau, nhà văn đã pha
trộn, đan xen, tích hợp thể loại để chiếm lĩnh đời sống. Việc tích hợp thể loại khơng chỉ nới rộng
quy mơ, chiều kích phản ánh đời sống và tâm hồn con người mà còn thể hiện bản chất vừa cổ xưa
vừa mới mẻ của tiểu thuyết, khả năng “vượt biên” thể loại/loại hình của một thể loại năng động, trẻ
trung, cởi mở. Bài viết này trình bày ba cách thức chủ yếu đã được John Steinbeck sử dụng để tích
hợp thể loại trong tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ. Đó là sự tiếp biến các huyền thoại Kitơ giáo, sự
tích hợp thể loại phi hư cấu và hư cấu, sự xâm nhập của các yếu tố âm nhạc, hội họa vào tiểu
thuyết.

Từ khóa: Tích hợp thể loại, Chùm nho phẫn nộ, John Steinbeck

1. MỞ ĐẦU

Tiểu thuyết là thể loại có cội rễ xa xưa từ văn hóa dân gian, được đặt những
nền móng đầu tiên vào thời Hy Lạp cổ điển, hậu kì trung đại, Phục Hưng và nhanh
chóng trở thành thể loại chủ đạo chiếm lĩnh văn đàn. Như một “thể loại luôn luôn
chuyển biến”, nét đặc thù của tiểu thuyết là “không để cho bất cứ một dạng thức nào
của nó được ổn định” [1, tr.26]. Nó khơng chỉ “tiểu thuyết hóa”, đổi mới các thể
loại khác mà bản thân thể loại tiểu thuyết cũng khơng ngừng tự làm mới bằng cách
tích hợp, pha trộn nhiều yếu tố thể loại khác để trở thành một “thể loại năng sản”.
Không những dung nạp những yếu tố thể loại văn học khác, tiểu thuyết còn cởi mở
với các thể loại phi văn học. Vậy là, tiểu thuyết điềm nhiên “phá rào”, “bước qua
mọi ranh giới đặc trưng của văn học - nghệ thuật” [1, tr.66] trước sự ngỡ ngàng của


các thể loại khác để trở thành thể loại dẫn đầu trong việc chiếm lĩnh đời sống và tâm
hồn con người.

Tuy là nền văn học sinh sau đẻ muộn nhưng văn học Mỹ đã nhanh chóng nhịp
bước cùng những nền văn học lớn như Anh, Pháp, Nga… qua hai thế kỉ văn chương
sôi động (thế kỉ XIX, XX), đặc biệt là thế kỉ XX với tên tuổi của các tiểu thuyết gia
như Ernest Hemingway, William Faulkner, John Steinbeck… Khác với lối viết khơ,
ngắn gọn, ẩn chìm của Ernest Hemingway hay dịng ý thức miên man, khám phá
chiều sâu tâm lí nhân vật của William Faulkner, John Steinbeck đã xác lập một
phong cách tự sự vừa nghiêm túc vừa hài hước, vừa truyền thống vừa hiện đại, mà
Chùm nho phẫn nộ là một tiểu thuyết điển hình. Tác phẩm đã góp phần lớn nâng
cao vị thế của John Steinbeck lên tầm của những nhà văn tiêu biểu làm nên thời đại
tiểu thuyết Mỹ. Không chỉ chứa đựng những giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc,

Chùm nho phẫn nộ còn là một cuộc phiêu lưu lối viết của Steinbeck ở địa hạt năng
động, uyển chuyển của thể loại tiểu thuyết. Trong đó, sự pha trộn, đan xen, tích hợp
thể loại được nhà văn vận dụng tối đa để chiếm lĩnh đời sống một cách hiệu quả.
Bài viết này trình bày ba cách thức chủ yếu đã được John Steinbeck sử dụng để tích
hợp thể loại trong tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ. Đó là sự tiếp biến các huyền thoại
Kitơ giáo, sự tích hợp thể loại phi hư cấu và hư cấu, sự xâm nhập của các yếu tố âm
nhạc, hội họa vào tiểu thuyết.

2. NỘI DUNG
2.1 SỰ TIẾP BIẾN CÁC HUYỀN THOẠI KITÔ GIÁO

Là một nhà văn say mê các câu chuyện cổ, John Steinbeck thường sử dụng các
motif, mẫu gốc trong kinh thánh và các chủ đề, huyền thoại cổ xưa. Theo Thomas
Fensch, “Chiếc cốc vàng kể lại huyền thoại tên cướp biển Henry Morgan; Gửi vị
thần chưa biết sử dụng huyền thoại cổ về vị vua đánh cá; Thị trấn Tortilla Flat và
Phố Cannery sử dụng các ngụ ngôn về vua Arthur; Trong trận chiến mơ hồ với tơi,

dường như gợi tới điển tích kinh thánh về việc đánh mất sự ngây thơ và chối từ ân
sủng trong Vườn Địa đàng; Của chuột và người, Phía Đơng vườn Địa đàng rõ ràng
là kể lại chuyện Cain và Abel (tơi có phải là kẻ canh giữ người anh em của mình?”
[7, tr.26-27]. Và Chùm nho phẫn nộ, thiên tiểu thuyết vĩ đại của ông, cũng không
phải là ngoại lệ, khi Steinbeck sử dụng nhiều hình ảnh, motif, nhân vật tham chiếu
đến các huyền thoại Kitơ giáo. Trong đó, hành trình đến miền đất hứa của bộ lạc
người Israel và trận đại hồng thủy là những mẫu gốc tiêu biểu. Tuy nhiên, nhà văn
không sao chép hay mô phỏng huyền thoại Kitô giáo một cách giản đơn mà tiếp
biến nó để tổ chức truyện kể như một ngụ ngơn thời hiện đại. Đây cũng chính là
một trong những đặc điểm quan trọng thể hiện tính chất vừa cổ sơ vừa hiện đại cho
tiểu thuyết John Steinbeck.

Tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ được sáng tác dựa trên bối cảnh lịch sử nước
Mỹ vào cuối những năm 20 đến những năm 30 của thế kỉ XX, cuộc Đại Suy Thối
(The Great Depression). Đó là thời kì nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng
nghiêm trọng, kéo theo đó là nạn thất nghiệp của cơng nhân thành thị. Ở nơng thơn,
thực tế cịn bi đát hơn khi người nông dân mất đi ruộng đất. Thiên tai, mất mùa
khiến họ trở thành con nợ của các chủ đồn điền. Cùng với sự phát triển của máy
móc, sự mở rộng của ngân hàng, các điền chủ cướp hết đất đai, nhà cửa của hàng
triệu nông dân nghèo, biến họ trở thành những kẻ vô gia cư. Số phận trớ trêu ấy đã
đẩy những con người khốn khổ bước vào hành trình đến miền đất hứa California.

Câu chuyện bi thương đó gợi nhắc huyền thoại một bộ lạc người Do Thái và
hành trình từ Ai Cập, chốn ngục tù, băng qua sa mạc để đến vùng đất Canaan (miền
đất hứa). Kinh thánh đã ghi lại sự kiện này như sau: một lần trong khi Moses dẫn
cừu đi sâu vào vùng núi thiêng Sinai, bỗng nhiên Thiên Chúa hiện ra ở giữa một bụi
gai đang bốc cháy. Ngài nói với Moses: “Ta đã thấy nỗi thống khổ của dân ta ở Ai

Cập, nơi họ đang bị đối xử như nô lệ. Ta sẽ giải phóng chúng khỏi đất nước tàn bạo
đó, và ban cho chúng một mảnh đất khác tốt lành, đượm sữa và mật. Vì thế, ngươi,

Moses, phải dẫn dắt dân ta ra khỏi Ai Cập về miền đất hứa” [4, tr.36]. Trải qua bốn
mươi năm ròng rã, Moses đã dẫn đầu đoàn người đặt chân lên miền đất hứa, vùng
đất hứa hẹn nhiều điều tốt lành. Từ đó, huyền thoại Kitô giáo này được xem như là
khát vọng trở về với cội nguồn hoặc thay đổi hiện tại, tìm kiếm miền đất mới.

Giống như những người Israel hành hương đến miền đất hứa, những người
nông dân nghèo trong Chùm nho phẫn nộ cũng phải đi tìm một vùng đất mơ ước,
nơi họ được sống như những CON NGƯỜI. Tiếp nối truyền thống viết về sự di
chuyển trong văn học phương tây, Steinbeck đã khắc họa thành cơng hành trình đến
California của những gia đình nông dân ở Oklahoma. Tuy nhiên, khác với huyền
thoại trong kinh thánh, tác giả khơng chỉ tái hiện hành trình của một đồn người vơ
gia cư, những con người khơng tên, không tuổi, chỉ là những đám đông vô danh mà
cịn tơ đậm hành trình ấy bằng cuộc chuyển di bất đắc dĩ của gia đình Joad. Do đó,
cơng cuộc tìm kiếm cuộc sống mơ ước của những cố nơng được nhà văn tạo dựng
vừa khái quát vừa cụ thể. Điều này đem lại tính chân thực, bao quát cho thể loại tiểu
thuyết trong nỗ lực chiếm lĩnh đời sống.

Trong cuộc chuyển di bất đắc dĩ đó, những người nơng dân bị xua đuổi khỏi
mảnh đất gắn liền với quá khứ của họ, tổ tiên của họ, nơi họ đã trải qua “những năm
tháng lụt lội, những năm tháng mưa lũ và những năm tháng khơ hạn”, để tiếp tục
hành trình sống nhọc nhằn với ước mơ có thể sinh tồn ở “miền đất trù phú… tại
California, bốn mùa hoa trái” [5, tr.285]. Cũng trên hành trình đến đất hứa
California, những người di cư “đã trải qua bao nhiêu chuyện lạ lùng, bao nhiêu
chuyện đắng cay khốc liệt với bao nhiêu chuyện cao đẹp đến nỗi niềm tin luôn được
thổi bùng lên, nhen lên mãi mãi” [5, tr.256]. Cùng với hàng loạt gia đình bất hạnh
khác, cả nhà Joad buộc phải rời bỏ mảnh đất cha ơng để lại, tìm kiếm một vùng đất
mới để duy trì sự sống. Chen chúc trên chiếc xe cũ kĩ, chật chội là ba thế hệ: ông bà,
cha mẹ, con cái nhà Joad. Họ lầm lũi ra đi như những kẻ trốn chạy quê nhà. Hành
trang họ mang chỉ có chút ít đồ đạc và niềm tin mãnh liệt về một vùng đất đầy hoa
thơm trái ngọt, về một xứ sở tự do và công bằng cho tất cả mọi người. Niềm tin,

niềm hi vọng đó đã giúp những người dân nghèo trụ vững trên ranh giới giữa sự
sống và cái chết, để tiếp tục hành trình sống. Nhưng cũng chính niềm hi vọng lớn
lao đó đã khiến họ thất vọng, thậm chí có những người rơi vào tuyệt vọng.

Trái ngược với câu chuyện trong kinh thánh, những người nông dân nghèo
trong tác phẩm khơng tìm thấy tự do, hạnh phúc, sung túc ở California, mà chỉ
chuốc thêm khổ đau và thành kiến ở xứ sở của mặt trời và cam. Không giống như
hành trình của người Do Thái, đặt chân đến miền đất hứa là hồn tất hành trình và
đạt được ước nguyện ban đầu, trong Chùm nho phẫn nộ, sau khi đến đất hứa
California, hành trình của gia đình Joad và đám đông di cư vẫn chưa dừng lại, họ

vẫn tiếp tục di chuyển, bôn ba khắp nơi để kiếm cái ăn cái mặc, duy trì sự sống.
Thậm chí đến cuối tác phẩm, cả nhà Joad vẫn tiếp tục di chuyển với hi vọng tìm
được một nơi tốt đẹp hơn. Vậy là, người Do Thái tìm thấy vùng đất đượm sữa và
mật ong, cịn người nơng dân cùng quẫn trong tiểu thuyết của Steinbeck vẫn khơng
thốt khỏi bóng ma của sự đói rách và kì thị.

Huyền thoại về trận đại hồng thủy trong kinh thánh cũng được nhà văn tiếp
biến trong truyện kể. Ở phần cuối truyện, các đám mây kéo tới, một trận gió ác liệt
nổi lên. “Mưa bắt đầu rơi. Thoạt tiên là những cơn mưa nhỏ triền miên, rồi đến
những trận mưa rào xối xả” [6, tr.428]. Trận mưa lớn, kéo dài ròng rã nhiều ngày
khiến đất đai uống nước no nê, hồ ao bùn ngập ngụa, những dòng suối ngập nước,
chảy tràn xuống sông, trút thác lũ xuống thung lũng, những cánh đồng chìm trong
biển nước xám xịt, nước nhấn chìm đường cao tốc. Trận lụt kinh hồng này khơng
chỉ tàn phá thiên nhiên, đất đai, cây cỏ, muông thú mà còn đe dọa đến sinh mạng
của những người di cư. Giờ đây, nỗi kinh hồng đối với họ khơng phải chỉ có nạn
thất nghiệp, cái đói mà cịn là bệnh tật, chết chóc và những định kiến ngày một khắc
sâu trong thâm tâm của những kẻ giàu có, những người bản xứ. Nguy hiểm thay khi
lòng trắc ẩn biến thành cơn giận dữ, rồi thành nỗi lo sợ. Kinh hồng thay khi cái đói
và nỗi sợ đẻ ra sự phẫn nộ. Khơng thể nhìn mưa lũ tàn phá, hủy hoại tất cả, đe dọa

sinh mạng, cả nhà Joad dắt díu nhau đi tìm một nơi cao ráo hơn dưới sự dẫn đầu của
Ma Joad. Cái đói và cái rét chưa thể bị khuất phục ngay lập tức nhưng tình yêu
thương giữa những con người cùng khổ, sự kết đoàn của họ cùng với sự hồi sinh
của đất đai, cây cỏ sau một biến cố kinh hoàng khiến chúng ta vững tin hơn vào con
đường phía trước của những kẻ bị xua đuổi, của những người chẳng cịn gì để mất.

Trận lụt kinh hoàng ở cuối tác phẩm và sự tái sinh dẫu còn yếu ớt của những
người di cư gợi nhắc đến huyền thoại Đại hồng thủy trong kinh thánh. Nếu như ở
trong câu chuyện cổ xưa, loài người bị Thiên Chúa trừng phạt vì sự suy đồi đạo đức
thì ở trong tiểu thuyết John Steinbeck, đó khơng hẳn chỉ là sự phẫn nộ của thần linh
mà hiện hữu hơn là tấn kịch đau đớn của những người nơng dân nghèo do chính
đồng loại của họ gây ra, là nửa kia, là mặt trái của “văn minh”, “hiện đại hóa”. Khác
với huyền thoại xưa, chẳng có thần linh, thiên sứ nào báo trước hiểm họa để cứu vớt
những người di cư mà chỉ có niềm tin, tình u thương, sự kết đồn là sức mạnh
tinh thần giúp họ vượt qua khổ nạn để tiếp tục hành trình sống.

Như vậy, sự tiếp biến những huyền thoại Kitô giáo đã mang lại hình hài mới
mẻ cho truyện kể của Steinbeck. Đó không phải là một sự vay mượn thuần túy mà
ẩn chứa trong đó cịn là cá tính sáng tạo của nhà văn và nhu cầu đổi mới thể loại
tiểu thuyết. Sự tiếp biến này đạt đến hiệu quả thẩm mĩ cao khi tiểu thuyết Chùm nho
phẫn nộ trở thành một ngụ ngôn hiện đại. Số phận của những người nông dân bị
tước đoạt đất đai, số phận của hàng ngàn gia đình cố nơng như gia đình Joad là một
ẩn dụ lớn lao cho tấn kịch của con người trong thời đại kĩ nghệ, hiện đại hóa. Và cái
giá mà loài người phải trả cho tham vọng chiếm đoạt thiên nhiên, điều khiển mẹ Tự

nhiên quả là rất đắt. Đó là bài học sâu sắc mà người đọc nhận được khi tiếp cận tác
phẩm. Bằng diễn ngôn đa tầng và đặc biệt là sự tiếp biến huyền thoại Kitô giáo một
cách uyển chuyển, John Steinbeck đã thực hiện một cuộc phiêu lưu lối viết đầy kì
thú. Ở đó, “huyền thoại được trộn lẫn với những câu chuyện nhỏ; chúng trở thành
một phần của đời sống thường ngày như phương cách những câu chuyện đời thường

có thể trở thành huyền thoại cùng với thời gian và trong một số tiểu thuyết nhất định” [9].

2.2 SỰ TÍCH HỢP THỂ LOẠI PHI HƯ CẤU VÀ HƯ CẤU

Văn bản nói chung thường được phân chia thành hai loại lớn: hư cấu và phi hư
cấu. Thơ ca, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết… thuộc loại hư cấu. Phi hư cấu bao gồm
nhiều thể loại chẳng hạn như: tiểu sử, hồi kí, báo chí, các văn bản lịch sử, khoa học,
kinh tế… Sự phân biệt giữa hư cấu và phi hư cấu chủ yếu căn cứ vào thế giới được
mô tả trong tác phẩm là thế giới tưởng tượng hay là thế giới thực. Bên cạnh đó, cịn
có các thể loại trung gian như phóng sự, ký sự, nhật ký… Ranh giới của các thể loại
nói trên thường khơng tuyệt đối mà thậm chí cịn chuyển hóa, xâm nhập, đan xen
vào nhau. Ở lĩnh vực của tiểu thuyết, một thể loại hư cấu vô cùng uyển chuyển,
năng động, sự xâm nhập giữa hư cấu và phi hư cấu càng được thể hiện rõ nét hơn,
đặc biệt với những tiểu thuyết gia có bút lực linh loạt, dồi dào.

Là một nhà văn quan tâm đến những vấn đề xã hội, lịch sử, một nhà báo lão
luyện, nắm bắt từng chuyển biến của thời đại, John Steinbeck thường tích hợp yếu
tố phi hư cấu vào trong tiểu thuyết để kiến tạo những tác phẩm vừa chân thực vừa
giàu trí tưởng tượng. Chùm nho phẫn nộ được John Steinbeck thai ghén trong một
thời gian dài. Hơn sáu năm thu thập tư liệu và trải nghiệm, Steinbeck đã nuôi dưỡng
niềm say mê với chủ đề nỗi thống khổ của những nông dân di cư nghèo khó để tạc
hình ý tưởng thành truyện kể vào năm 1939. Người đọc có thể chiết xuất từ tiểu
thuyết rất nhiều yếu tố phi hư cấu, nhiều “mẫu gốc” trong đời thường được nhà văn
cấy vào tác phẩm. Nổi bật nhất là cuộc di cư khổng lồ của những người nông dân bị
phá sản, bị tước mất đất đai do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế những năm
1930 và sự kiện cơn bão đen (Dust Bowl) hay còn gọi là Thập niên ba mươi dơ bẩn
với hiện tượng nhiều cơn bão và lốc cuốn theo nhiều cát bụi hủy hoại các đồng cỏ,
gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp và hệ sinh thái của Bắc Mỹ.
Những sự kiện có thật này đã được Steinbeck miêu tả sinh động trong tiểu thuyết:
“Bụi đường dâng cao, trải rộng, rơi xuống đám cỏ bên bờ và trong các đám ruộng.

Rồi gió nổi lên ào ào, dữ dội ác liệt, tấn công lớp vỏ cứng do mưa tạo nên trên cánh
đồng. Dần dà, bầu trời tối sầm lại sau màn bụi hỗn loạn, lướt qua mặt đất, cuốn bụi
tung mịt mù” [5, tr.13]. Chương 1 của tiểu thuyết ngập tràn bụi và cái nóng ăn mịn
da thịt, mở ra một viễn cảnh không mấy tươi sáng cho những người nơng dân và gia
đình của họ. Giữa khung cảnh bị bao trùm bởi bụi bặm và cái nóng, cuộc di cư
khổng lồ của những người nông dân mất đất đai được ẩn ngụ qua biểu tượng hành
trình của chú rùa chậm chạp, ì ạch, nặng nhọc nhưng kiên quyết tiến lên phía trước

trong chương 3. Đến chương 5, người kể mới hé lộ cho chúng ta biết nguyên nhân
dẫn đến cuộc di dân này: chế độ tá điền đã hết thời bởi một chiếc máy cày với một
người có thể thay thế hàng chục người, mùa màng thất bát khiến người nông dân
khơng cịn đủ cái ăn và nạp thuế, nghĩa là họ không thể giữ được đất đai nơi họ “đã
sinh ra ở đây, đã từng liều mạng sống ở đây” và “đang chết ở đây” [5, tr.74]. Rõ
ràng những sự kiện lịch sử xã hội khô khan được thổi vào tiểu thuyết một cách uyển
chuyển, giàu hình ảnh; tính chất phi hư cấu và hư cấu đan cài vào nhau, làm tăng
sức mạnh cho truyện kể. Có thể nói, John Steinbeck là nhà văn đã tái hiện xuất sắc
bộ mặt xấu xa, tàn bạo của nước Mỹ “tự do, bình đẳng, bác ái” những năm 30 của
thế kỉ XX. Vì vậy, Chùm nho phẫn nộ từng bị đốt và bị chỉ trích nặng nề lúc mới
xuất bản. Đấy cũng là số phận chung của những tiểu thuyết thẳng thắn tấn công vào
mặt tối của xã hội.

Ngoài ra, một số nhân vật của Steinbeck được tạc hình từ những ngun mẫu
ngồi đời như Jim Rawley, Jim Casy… Jim Rawley là viên quản trị trại Weetpatch,
người đầu tiên hỏi thăm, động viên gia đình Joad ở Trạm vệ sinh. Jim được xem
như người cha tinh thần của các thành viên trong trại. Nhân vật này mang bóng
dáng của Tom Collins “người quản lí của một trong những cơ quan tái định cư đầu
tiên” [2, tr.16], cũng là người đã ảnh hưởng đến khuynh hướng sáng tác của John
Steinbeck và cung cấp những tư liệu quý giá về các trại định cư cho nhà văn. Vì
vậy, Steinbeck đã dành tặng cuốn tiểu thuyết “cho Tom, người đã sống cùng nó”.
Jim Casy, mục sư đánh mất niềm tin, là một trong những nhân vật có mối liên hệ

mật thiết với gia đình Joad. Hành trình của Jim Casy là hành trình tìm kiếm đức tin.
Dẫu rằng ơng đã tử vì đạo như cách chúa Jesus đã từng chịu đựng, nhưng con
đường của ông sẽ được tiếp nối bởi Tom Joad. Nhân vật này được xây dựng dựa
trên nguyên mẫu của nhà sinh vật học và triết gia người Mỹ, Ed Ricketts, một người
bạn thân của John Steinbeck.

Ở một góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Hoàng Thị Thập cho rằng John
Steinbeck đã kết hợp hai thể loại phóng sự và tiểu thuyết trong Chùm nho phẫn nộ
như một phương cách để đối thoại văn chương, đối thoại với thể loại tiểu thuyết.
Trong 30 chương của tồn tiểu thuyết, có đến 16 chương miêu tả tồn cảnh mang
tính chất phóng sự và 14 chương miêu tả cận cảnh số phận bi đát của gia đình Joad
như một truyện kể độc lập. Các chương mang tính chất phóng sự cung cấp thơng tin
lịch sử xã hội và trình bày bối cảnh chung. “Tuy nhiên, sự kiện của chương phóng
sự khơng phải là sự tiếp tục diễn biến của chương phóng sự mà như là một tình
huống cụ thể của bối cảnh chung được trình bày trước đó. Khơng liên quan trực tiếp
nhưng tất cả các chương phóng sự tồn cảnh khi khép lại đều có vai trị mở ra cho
những hành động trong câu chuyện về gia đình Joad” [8, tr.3]. Nhận định này đã
nêu bật ý nghĩa và mối liên kết giữa các chương mang tính chất phóng sự và các
chương truyện kể. Tuy vậy, nếu nhìn từ thế giới được mơ tả trong hai tuyến truyện,
rõ ràng các chương phóng sự nghiêng về tính chất phi hư cấu nhiều hơn với các sự

kiện, biến cố, khung cảnh gắn liền với lịch sử, xã hội Mỹ. Bởi lẽ, Steinbeck đã dựa
trên một chuỗi bảy bài báo (The Harvest Gypsies) viết về những người lao động
nhập cư trong ngành nông nghiệp California đến từ miền Trung Tây đăng trên tờ
báo San Francisco để sáng tác Chùm nho phẫn nộ. Các chương truyện kể lại đậm
chất hư cấu với những nhân vật, hình ảnh, cốt truyện, chi tiết thuộc về thế giới hư
cấu của Steinbeck. Hai kiểu loại này được bện xoắn vào nhau vừa góp phần thúc
đẩy diễn trình truyện kể vừa bổ sung các yếu tố khơng gian, thời gian, các điểm
nhìn xa - gần, cận cảnh - viễn cảnh. Từ đó, tính đa chiều của tiểu thuyết được nâng
cao, khả năng phản ánh hiện thực của tác phẩm được nhân lên bội phần.


Như vậy, xuất hiện trong truyện kể của Steinbeck không chỉ là một văn bản
văn chương thuần túy mà còn kết hợp với nhiều kiểu loại văn bản khác nhau như
văn bản lịch sử, văn bản báo chí, văn bản tơn giáo… Điều đó cho thấy sự tích hợp
giữa thể loại phi hư cấu và hư cấu trở thành một trong những đặc điểm quan trọng
góp phần tạo nên diện mạo riêng của tiểu thuyết Steinbeck. Sự cách tân này cũng là
một yêu cầu bức thiết của tiểu thuyết Mỹ thế kỉ XX nói riêng và tiểu thuyết nói chung.

2.3 SỰ XÂM NHẬP CỦA CÁC YẾU TỐ ÂM NHẠC, HỘI HỌA VÀO TIỂU THUYẾT

Văn chương, âm nhạc, điện ảnh, hội họa… là những loại hình nghệ thuật cơ
bản của nhân loại. Ranh giới giữa các loại hình này đã được phân chia rõ ràng. Tuy
nhiên, trong quá trình cùng tồn tại và phát triển, sự xâm nhập, đan xen, xóa nhịa
đường biên loại hình là một quy luật tất yếu. Theo Iu.M. Lotman: “Sự tương tác
giữa những nghệ thuật khác nhau là biểu hiện cao nhất của quy luật chung về sự kết
hợp các nguyên tắc cấu trúc khác nhau trong sáng tạo nghệ thuật” [3, tr.483]. Hơn
nữa, tiểu thuyết – đứa con bất kham của văn chương – với đặc tính mở, động, mới
mẻ, ln ln thâu nạp các loại hình khác vào thế giới nghệ thuật của nó. Ở khía
cạnh này, Chùm nho phẫn nộ của Steinbeck là một bản hợp xướng của nhiều thể
loại. Trong đó, sự xuất hiện của các yếu tố âm nhạc, hội họa là tiêu biểu hơn cả.

Yếu tố âm nhạc được thể hiện trước hết qua nhan đề của tiểu thuyết Chùm nho
phẫn nộ (The Grapes of Wrath). Nhan đề này được lấy từ lời của bài Thánh ca
chiến đấu của nền cộng hòa (The Battle Hymn of the Republic) do Julia Ward
Howe, một phụ nữ, sáng tác: “Mắt tơi đã nhìn thấy vinh quang của Chúa hiện đến/
Người đang giẫm nát vườn nho nơi dự trữ những chùm nho phẫn nộ” (Mine eyes
have seen the glory of the coming of the Lord/ He is trampling out the vintage
where the grapes of wrath are stored). Từ ý nghĩa biểu trưng cho sự phẫn uất, trừng
phạt của Thiên Chúa, nhan đề của tiểu thuyết Steinbeck ngụ ý về sự phẫn nộ như
một quy luật tất yếu, “tức nước vỡ bờ”, của những người nông dân di cư bị đẩy đến

đường cùng, ở ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

Trong tác phẩm, sự xuất hiện của nhân vật Jim Casy cũng gắn liền với chất liệu
âm nhạc. Trên đường trở về quê nhà, sau khi được mãn hạn tù, Tom Joad chợt nghe
một giọng nam cao cất tiếng hát: “Vâng, thưa ông, Người là đấng cứu rỗi của tôi/

Jesus là Đấng Cứu Rỗi/ Jesus giờ đây là Đấng Cứu Rỗi/ Khơng phải là trị đùa/
Khơng phải là quỷ sứ/ Jesus là Đấng Cứu Rỗi của tôi” [5, tr.44]. Con người đang
dùng lời ca để ngợi ca Chúa, ngợi ca đấng toàn năng ấy lại là một mục sư đã đánh
mất thiên hướng, khơng cịn giảng đạo. Bởi lẽ, Jim Casy đau đớn nhận ra “Thiên hạ
khơng cịn mang tinh thần của Chúa trong họ nữa” [5, tr.47]. Trong thời đại “Chúa
đã chết” (theo lời Nietzsche), con người đánh mất niềm tin, hoang mang, bơ vơ, lạc
lõng. Vì vậy, bên cạnh hành trình sống của gia đình Joad, như một sự bổ khuyết
tuyệt vời, hành trình của Jim Casy là hành trình tìm kiếm một đức tin mới trong thời
đại mới. Dù phải đánh đổi bằng sinh mạng của mình nhưng mong ước của Jim Casy
đã được Tom Joad tiếp tục thực hiện, khi anh nhận ra con đường của anh và những
người cùng khổ khơng có con đường nào khác ngoài việc “tất cả cùng đoàn kết lại”
[6, tr.402] để đấu tranh. Đó là sự chuyển biến tất yếu để giành lấy quyền sống của
những con người nghèo khổ, bị xua đuổi, bị đàn áp dã man: từ “Tôi” đến “Chúng ta”.

Đối với đám dân di tản, âm nhạc còn là một thú vui giải trí để tạm quên đi
những nỗi nhọc nhằn cơ cực, để nâng cao đời sống của họ. Vì vậy, họ tận dụng tất
cả các dụng cụ có thể tạo ra âm nhạc. Đó là khẩu cầm, một dụng cụ dễ mang theo:
“Với chiếc khẩu cầm người ta có thể chơi bất cứ thứ gì: giọng đơn the thé mảnh
khảnh hoặc hợp âm, hoặc giọng hòa âm nhịp nhàng du dương. Bạn có thể nhào nặn
âm nhạc trong đơi bàn tay khum lại, khiến cho nó rên rỉ hay khóc lóc như một kèn
túi, khiến cho nó trầm và trịn trĩnh như một đại phong cầm, khiến nó lảnh lót và
chua chát như ống sáo của người sơn cước” [6, tr.209]. Đó là đàn ghita, một thứ đàn
quý giá hơn, khó học hơn khiến “ngón tay của bàn tay trái phải thành chai và đầu
ngón tay cái bên phải rắn như sừng, những ngón tay trái xịe ra, xịe ra như chân

nhện để nhấn xuống phím đàn” [6, tr.209]. Đó là vĩ cầm, loại đàn này hiếm và khó
học hơn cả. Vào buổi tối - sau một ngày ròng rã di chuyển, tìm kiếm việc làm - đám
đơng di tản tập hợp lại, cùng khiêu vũ với “cả ba thứ, khẩu cầm, vĩ cầm, ghita cùng
chơi điệu vũ quay, tiếng dây trầm của ghita rung lên như trái tim thổn thức, xen với
tiếng lảnh lói của khẩu cầm và tiếng thánh thót của vĩ cầm” [6, tr.211]. Âm nhạc kết
nối những con người xa lạ, biến những bước chân uể oải trở nên nhanh nhẹn hòa
theo điệu nhạc, biến những gương mặt mệt mỏi hóa vui tươi, rạo rực và gợi nhớ lại
những mối tình thuở vụng dại, ngây ngơ. Sức mạnh của âm nhạc thật diệu kì và kì
diệu hơn là khát vọng sống mãnh liệt của những kẻ bị hắt hủi, bị đẩy vào tình cảnh
tha hương, bị tước đoạt quyền sống.

Bên cạnh việc tích hợp các yếu tố âm nhạc vào tiểu thuyết, truyện kể của
Steinbeck còn chứa đựng những trang viết thấm đượm chất hội họa với đường nét,
màu sắc, hình khối tinh tế khiến những câu văn như những nét bút dậm tô, những
trang văn như những bức tranh vừa thực vừa thơ mộng. Người đọc ấn tượng với bức
tranh ảm đạm, khô khốc của bụi ở phần đầu truyện: “Đêm trở lại, một đêm tối như
mực, vì các ngôi sao không thể chọc thủng lớp bụi để rọi ánh sáng xuống, và ánh
đèn từ cửa sổ hắt ra chỉ soi tỏ các mảnh sân. Bụi hòa trộn đều với khơng khí, tạo nên

một lớp bụi hỗn hợp bụi bặm. Nhà cửa đều đóng kín mít, các giải đệm bít chặt các
khe cửa lớn, cửa sổ, nhưng bụi nhỏ li ti vẫn luồn lẻn vào phía trong nhà, đọng lại
như bụi phấn hoa trên bàn ghế, bát đĩa” [5, tr.14-15]. Sự lặp lại của bụi tựa như sự
trở lại của những chấm vẽ trong một bức tranh mà không gian nhuốm màu u tối tạo
nên hiệu quả thẩm mĩ, gây ấn tượng mạnh cho người đọc về một khung cảnh ngột
ngạt, bụi bặm. Trên nền cảnh đó, số phận bi đát của những người nông dân bị mất
đất đai hiện lên đậm nét hơn.

Ngồi ra, nhà văn cịn áp dụng phép viễn cận trong hội họa để tổ chức truyện
kể. Lối vẽ này xuất hiện vào thế kỉ XV tại vùng đất nghệ thuật Florence của nước
Ý, sau đó, nhanh chóng chi phối nghệ thuật hội họa phương tây đến tận thế kỉ XX.

Theo đó, các hình khối ở gần sẽ to lớn và nổi trội trong khi các hình khối ở xa sẽ gia
giảm tỉ lệ tùy theo mức độ “tiến sâu vào khơng gian” của nó. Do đó, phép viễn cận
tỏ ra có khả năng kì diệu trong việc tạo độ sâu cho không gian của bức tranh, vừa
nhấn mạnh chi tiết vừa bao quát toàn cảnh. Trong tiểu thuyết Chùm nho phẫn nộ,
John Steinbeck không chỉ miêu tả cụ thể, chi tiết số phận từng cá nhân của gia đình
Joad mà cịn tái hiện một cách khái quát số phận của đoàn người di cư từ bang
Oklahoma đến California. Nếu như ở 14 chương kể về hành trình của nhà Joad nổi
bật các hình tượng điển hình: Tom Joad - người lãnh đạo, người đi tìm lẽ sống trong
thời kì biến động, Ma Joad - bức thành lũy kiên cố của gia đình, người duy trì, bảo
vệ, gìn giữ gia đình khi thời thế thay đổi, Pa Joad - người đàn ông đánh mất vị thế,
uy quyền trong gia đình, mục sư Jim Casy và hành trình tìm kiếm đức tin,
Rosasharn - sự trưởng thành của người phụ nữ trong bối cảnh mới… Đây là những
cá tính sắc nét, là những cá nhân nổi bật trong đoàn người di cư. Thế nhưng, nếu chỉ
dừng lại ở việc mô tả số phận của một số cá nhân, một gia đình và dù cho việc tái
hiện ấy có tinh tế, sắc cạnh đến mấy thì câu chuyện vẫn chưa thể chạm đến những
vấn đề lớn lao, có tính phổ quát. Hơn nữa, tham vọng của Steinbeck khi viết Chùm
nho phẫn nộ là tạo ra một tiểu thuyết mang tính chất sử thi. Vì vậy, hơn một nửa
dung lượng của tác phẩm (16 chương còn lại) được nhà văn dùng để miêu tả một
bức tranh toàn cảnh với không gian rộng lớn, dịch chuyển từ miền đông sang miền
tây và thời gian đằng đẵng, hết ngày lại đêm, xuân hạ thu đông nối tiếp không
ngừng và đặc biệt là gương mặt của những đám đông, không tên không tuổi. Ở đây,
Steinbeck không chú trọng khắc họa tiểu tiết hoặc nếu có kể về một cá nhân thì cá
nhân đó cũng mang gương mặt của đám đơng mà hướng đến độ sâu của không gian,
thời gian để tạo nên một nền cảnh rộng lớn, vĩ mơ. Do đó, ngồi việc phản ánh bi
kịch của những cá nhân, của những gia đình riêng lẻ, tiểu thuyết cịn dựng lại số
phận đau thương của một lớp người trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tác giả
không tách rời mà xen kẽ hai tuyến truyện nhịp nhàng, khéo léo. Cảnh trong chương
viễn cảnh gọi chuyện trong chương cận cảnh. Vì vậy, tiểu thuyết Steinbeck không
rời rạc, chắp ghép mà trở nên gắn kết, linh hoạt. Vậy là, câu chuyện cá nhân được


đan cài trong câu chuyện của cộng đồng nhờ áp dụng phép viễn cận của nghệ thuật
hội họa.

3. KẾT LUẬN

Với Chùm nho phẫn nộ, Steinbeck đã tiếp biến các huyền thoại Kitô giáo để
tạo sinh một ngụ ngơn hiện đại; tích hợp thể loại phi hư cấu và hư cấu để đa bội hóa
khả năng chiếm lĩnh đời sống của tiểu thuyết, tạo dựng một tác phẩm vừa hiện thực
vừa hoang tưởng, vừa cụ thể vừa khái quát; lai ghép các yếu tố âm nhạc, hội họa để
kiến trúc một áng văn chương đa hình, sống động. Sự tích hợp thể loại trong tiểu
thuyết này hoàn toàn thống nhất với chiến lược tự sự của nhà văn, đó là: vừa tố cáo
vừa ngợi ca, vừa căm phẫn vừa xót thương và trên hết là thái độ trân trọng khát
vọng tồn sinh bất diệt của những kẻ bị áp bức, nhũng nhiễu, đứng giữa ranh giới
mong manh của sự sống - cái chết, thiên thần - ác quỷ. Sự lai ghép, đan xen, tích
hợp thể loại trong Chùm nho phẫn nộ biến một tác phẩm có chủ đề “một thời” và
cách kể cổ điển trở nên mới mẻ, lạ lẫm và vượt ra ngoài biên giới của nước Mỹ.
Đây là một trong những đóng góp lớn lao của Steinbeck trên con đường đổi mới
tiểu thuyết hiện đại Mỹ.

Bằng tư duy đối thoại, liên văn bản, John Steinbeck đã thực hiện cuộc đối thoại
với hiện thực đời sống, văn chương nghệ thuật và những giá trị nhân văn mn đời.
Do đó, những vấn đề được nhà văn đặt ra cách đây gần một trăm năm vẫn chưa bao
giờ xưa cũ, mai một. Sự cách tân về mặt thể loại tiểu thuyết của John Steinbeck dẫu
chưa quyết liệt như các tiểu thuyết gia cùng thời và sau này nhưng nó đã cho thấy ý
thức đổi mới như một nhu cầu tất yếu của tiểu thuyết hiện đại và ý thức đa thể loại
như một đặc trưng của văn học Mỹ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bakhtin, M. (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Trường viết văn

Nguyễn Du, Hà Nội.

[2] Bloom, H. (2005), Bloom’s guides: John Steinbeck’s The Grapes of Wrath, New York: Chelsea
House.

[3] Lotman, Iu. M. (2015), Kí hiệu học văn hóa (Lã Ngun, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử dịch),
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

[4] Nhiều tác giả (1995), Kinh Thánh: Cựu Ước và Tân Ước, Nxb Thuận Hóa, TT. Huế.
[5] Steinbeck, John (1997), Chùm nho phẫn nộ (Phạm Thủy Ba dịch), tập 1, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
[6] Steinbeck, John (1997), Chùm nho phẫn nộ (Phạm Thủy Ba dịch), tập 2, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
[7] Steinbeck, John (2014), Thị trấn Tortilla Flat (Lâm Vũ Thao dịch), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
[8] Hoàng Thị Thập (2018), “Chùm nho phẫn nộ của John Steinbeck và những “đối thoại” để ngỏ”,

Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào, số 7, tr. 47-54.
[9] Tóth, Gabriella (2010), “Myths and Contexts in John Steinbeck’s The Grapes of Wrath”,

Americas, Vol 6, No 1, Available: Access:
14th Apirl 2019.


×