LUẬN VĂN:
Văn hoá doanh nghiệp và vai trò
Công đoàn trong việc xây dựng Văn
hoá doanh nghiệp
Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước mà đại hội IX của Đảng cộng sản
Việt Nam đã đề ra là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, vì
mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đưa nước ta
thành một nước văn minh hiện đại.
Để đạt được mục tiêu đó Đảng đã đề ra nhiều nghị quyết nhằm phát huy nhiều
nguồn lực để tăng trưởng kinh tế. Trong đó có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ
Ba, về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả Doanh nghiệp Nhà nước. Nghị
quyết khẳng định: “Doanh nghiệp nhà nước đã chi phối được các nghành, lĩnh vực then
chốt và sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế; góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực
hiện được vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, tăng thế và lực của đất
nước…Doanh nghiệp Nhà nước ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường; năng lực
sản xuất tiếp tục tăng; cơ cấu ngày càng hợp lý hơn; trình độ công nghệ và quản lý có
nhiều tiến bộ; hiệu quả và sức cạnh tranh từng bước được nâng lên; đời sống của người
lao động được cải thiện.” Tuy nhiên Nghị quyết cũng chỉ ra những mặt yếu kém của
doanh nghiệp nhà nước, đó là:” Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, còn
nhiều điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa, chưa tạo được động lực
mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ và người lao động trong doanh nghiệp nâng cao năng suất lao
động và hiệu quả kinh doanh”.
Như vậy, làm sao để tạo được động lực mạnh mẽ, thúc đẩy cán bộ và người lao
động trong doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh? Làm sao
để mọi người trong doanh nghiệp liên kết với nhau, hướng đến một mục tiêu duy nhất là
luôn làm cho doanh nghiệp của mình ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển
kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của chính mình. Thực hiện mục tiêu đó, tất
yếu phải tiến hành xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong các doanh nghiệp nhà nước.
Nghị quyết Trung ương Năm khoá VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng
định: “ Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc
đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.”Chúng ta phải làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh
vực của đời sống. Vì vậy văn hoá doanh nghiệp được coi là nguồn lực nội sinh, trực tiếp
thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, góp phần vào thành công của sự
nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước Kinh tế của
thủ đô Hà Nội đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của đất nước, những
năm qua Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển kinh tế - xã hội
của Hà Nội.
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã đề ra những nhiệm vụ chiến lược đối với Hà Nội:
“Trong 10 năm tới, đảm bảo xây dựng về cơ bản nền tảng vật chất kỹ thuật và xã hội
của Thủ đô xã hội chủ nghĩa” và quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá Thủ đô”. Thực hiện Nghị quyết trên một số doanh nghiệp nhà nước ở
Hà Nội đã làm ăn có lãi, đứng vững trong cơ chế thị trường, đã tạo cho mình một diện
mạo mới, cung cách làm ăn mới. ở những doanh nghiệp đó tổ chức Công đoàn phát huy
được tinh thần sáng tạo và đóng góp của mọi thành viên trong doanh nghiệp, khẳng định
vai trò của mình trong việc xây dựng Văn hoá doanh nghiêp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi nhuận, coi lợi
nhuận như là một “tiêu chuẩn duy nhất” để tồn tại doanh nghiệp, không quan tâm đến
việc xây dựng “Văn hoá doanh nghiêp”. Từ đó dẫn đến lương tâm, phẩm giá của người
lao động bị giảm sút, nạn ô nhiễm môi trường, các tệ nạn xã hội, các bệnh hiểm nghèo
cũng phát triển theo. Một số doanh nghiệp khác cũng không quan tâm xây dựng VHDN
nên làm ăn kém hiệu quả, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, trình độ quản lý, kinh
doanh kém, cạnh tranh không lành mạnh, không trả lương, trả thưởng cho người công
nhân đúng thời hạn, không đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, làm cho người lao động
không hứng thú làm việc, không không gắn bó với doanh nghiệp. Tất cả những điều ấy
cho thấy, các doanh nghiệp thiếu hẳn vai trò của văn hoá trong sản xuất kinh doanh.
Hay nói một cách khác là các doanh nghiệp chưa thực sự hình thành cho mình một
VHDN.
Do vậy, vấn đề đặt ra cho Đề tài này là phải khảo sát thực tiễn, rút ra bài học kinh
nghiệm, về xây dựng mô hình VHDN gắn với vai trò của tổ chức Công đoàn trong các
doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội, nhằm phát huy được vai trò của DNNN
trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Về mặt lý luận và thực tiễn việc nghiên cứu VHDN ở nước ta chưa được chú ý.
Hiện nay, mới có một số nhà nghiên cứu chỉ đề cập đến VHDN trên bình diện văn hoá
trong kinh doanh, hoặc khai thác một vài khía cạnh của VHDN như: Tinh thần doanh
nghiệp, Đạo đức kinh doanh, Triết lý kinh doanh, chưa có đề tài nào nghiên cứu VHDN
trên bình diện chung. Đặc biệt chưa có đề tài nào nghiên cứu xây dựng VHDN trong các
doanh nghiệp nhà nước gắn với vai trò của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp nhà
nước, ở Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như phạm vi cả nước nói chung. Vì vậy, việc
nghiên cứu đề tài: “ Văn hoá doanh nghiệp và vai trò Công đoàn trong việc xây dựng
Văn hoá doanh nghiệp” trong các doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội là vấn đề rất cần
thiết. Bởi vì, vấn đề liên quan đến định hướng kinh tế - xã hội của đất nước, liên quan
đến vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, chọn đề tài này làm luận văn tốt nghiệp hệ Cao
học chuyên ngành văn hoá học, là vấn đề rất có ý nghĩa cả về phương diện lý luận lẫn
phương diện thực tiễn, trong sự nhiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng
XHCN ở nước ta hiện nay.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Về vấn đề VHDN trên thế giới mới được nghiên cứu trong mấy thập niên gần đây.
Trong cuốn sách “Văn hoá học - những bài giảng của A.A. RADGHIN, nhà xã hội học
người Mỹ, E.N.Schein đưa ra định nghĩa về Văn hoá Doanh nghiệp hay Văn hoá tổ
chức (E. Schein. San- Francínco. 1985).
Trong cuốn “ Dự báo thế kỷ XXI” của các nhà khoa học Trung Quốc, đã đề cập đến
vai trò của doanh nghiệp ở thế kỷ XXI và đưa ra lời khuyến cáo rằng: Nếu không chú ý
đến văn hoá, thì doanh nghiệp không thể phát triển được; Đạo đức, lương tâm nghề
nghiệp còn quan trọng hơn việc phát triển kỹ thuật mũi nhọn và cải cách thể chế của
doanh nghiệp. Nhận thức được những lời khuyến cáo trên ở Nhật Bản, Trung Quốc,
Anh, Pháp, Mỹ, Đức các doanh nghiệp đã chú trọng đến yếu tố văn hoá trong sản xuất,
kinh doanh và đã bắt đầu xây dựng VHDN của mình.
Gần đây trong khoá học chuyên đề: Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp của trung tâm
hợp tác nguồn lực Việt Nam - Nhật Bản tháng 12 năm 2004 ở Hà nội người ta đã đưa ra
một khái niệm về Văn hoá tổ chức.
ở Việt Nam ta, đề cập đến mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế khá muộn. Trước
đây người ta cho rằng, văn hoá và kinh tế là hai lĩnh vực hoàn toàn tách biệt nhau,
không có mối quan hệ hỗ trợ, gắn bó nào. Đấy là một nhận thức sai lầm. Sau Đại hội VI
của Đảng, chúng ta bắt đầu đổi mới về tư duy, nhận thức, trước hết là đổi mới tư duy về
kinh tế. Chúng ta đã nhận thức được tầm quan trọng của văn hoá trong phát triển kinh
tế. Văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát phát triển kinh tế - xã hội. Mãi đến
năm 1995, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học xã hội - Nhân văn Quốc gia cùng với Uỷ
ban Quốc gia Unesco của Việt Nam mới phối hợp tổ chức cuộc Hội thảo "Văn hoá và
kinh doanh”. Trong Hội thảo này các Đại biểu quốc tế và Việt Nam đều nhất trí và
khẳng định rằng, giữa văn hoá và kinh tế có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ với nhau,
đồng thời chỉ ra rằng, trong kinh doanh yếu tố văn hoá đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Đến năm 2001, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương phối hợp với Bộ Văn hoá -
Thông tin và viện Quản trị Doanh nghiệp, xuất bản cuốn sách Văn hoá và kinh doanh.
Trong cuốn sách này các tác giả không đề cập đến “Văn hoá doanh nghiệp” mà chỉ nói
đến văn hoá trong kinh doanh, quan hệ giữa văn hoá với kinh doanh. Đây chỉ là những ý
kiến gợi mở để chúng ta có thể tham khảo, đồng thời bước đầu làm cơ sở cho việc xây
dựng lý luận về hình thành VHDN.
Ngoài ra, còn có một số công trình đã được nghiên cứu về VHDN và được công bố
như: Văn hoá và triết lý kinh doanh của tiến sĩ Đỗ Minh Cương (Xuất bản năm 2000).
Trong tác phẩm này, tiến sĩ Đỗ Minh Cương đã đưa ra định nghĩa về VHDN và cấu trúc
của nó. Nhưng tiến sĩ Đỗ Minh Cương lại không đi sâu hướng nghiên cứu này, mà chỉ
chọn vấn đề triết lý kinh doanh để nghiên cứu.
Năm 2003, tác giả Trần Quốc Dân đã cho ra đời cuốn sách” Tinh thần doanh
nghiệp giá trị định hướng của kinh doanh Việt Nam”.
Tác giả xác định: Tinh thần doanh nghiệp chính là giá trị định hướng của văn hoá
kinh doanh Việt Nam. Như vậy tác giả mới chỉ đi sâu nghiên cứu một yếu tố trong văn
hoá doanh nghiệp đó là “Tinh thần”. Ngoài ra có nhiều bài viết liên quan đến VHDN, được
đăng rãi rác trên các tạp chí khoa học. Nỗi bật hơn cả là bài: Bàn về Văn hoá và Văn hóa
kinh doanh của GS -TS Hoàng Vinh, đăng trong “ Thông tin Văn hoá và phát triển” của
Khoa Văn hoá XHCN, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tháng 8 năm 2004. GS -
TS Hoàng Vinh đã đưa ra một quan niệm, muốn xây dựng thuật ngữ “Văn hoá kinh
doanh”.
Gần đây tại khoa Văn hoá XHCN, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, học
viên Cao học chuyên nghành Văn hoá học, Trần Thị Thuý Vân đã bảo vệ thành công
luận văn “ Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
Luận văn này đã có những đóng góp nhất định về phương diện thực tiễn xây dựng
VHDN nói chung ở một địa phương (Tp Hồ Chí Minh), song chưa chú ý nhiều đến
VHDN của DNNN, đồng thời chưa quan tâm đến vai trò của tổ chức Công đoàn trong
các doanh nghiệp nhà nước với việc xây dựng VHDN.
Tóm lại, tất cả những công trình nghiên cứu, những bài viết đã nêu ở trên, của các
tác giả rất có ý nghĩa cho việc hình thành cơ sở lý luận về VHDN. Nhưng chưa có công
trình nào nghiên cứu chuyên sâu và có hệ thống về VHDN ở Việt Nam nói chung và ở
địa bàn Thủ Đô Hà Nội nói riêng đặc biệt trong DNNN. Vì vậy chúng tôi chọn đề tài
Văn hoá doanh nghiệp và vai trò Công đoàn trong việc xây dựng văn hoá doanh
nghiệp trong doanh nghiệp nhà nước ở Thủ đô Hà Nội để nghiên cứu là nhằm muốn
được góp một phần nho nhỏ vào xây dựng cơ sở lý luận về VHDN đồng thời đưa ra một
số phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng văn hoá doanh nghiệp
trong các DNNN và hoạt động Công đoàn cơ sở nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
một cách bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội.
3. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn
3.1 Mục đích
- Trên cơ sở kế thừa các công trình nghiên cứu, các tài liệu đã có, Luận văn khái
quát, hệ thống vấn đề mang tính lý luận: VHDN, cấu trúc văn hoá hoá doanh nghiệp và
vai trò của văn hoá doanh nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
- Khảo sát, tìm hiểu thực trạng xây dựng văn hoá doanh nghiệp của một số doanh
nghiệp nhà nước và hoạt động Công đoàn trong việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, ở
thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, khẳng định vai trò của công đoàn cơ sở
đối việc xây dựng VHDN trong các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đưa ra một số
phương hướng và giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển
doanh nghiệp, cũng như nâng cao vai trò hoạt động của Công đoàn cơ sở để giúp doanh
nghiệp phát triển một cách toàn diện và bền vững.
3.2. Nhiệm vụ
Để đạt dược mục đích trên, luận văn cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:
- Làm rõ khái niệm VHDN trên cơ sở phân biệt các khái niệm liên quan như Văn
hoá, Văn hoá kinh tế, VHKD. Luận văn sẽ đưa ra một cách chia cấu trúc VHDN hợp lý,
để nắm bắt được thực chất “Văn hoá doanh nghiệp”và mô tả đầy đủ các yếu tố của nó.
Đồng thời chỉ ra vai trò đặc biệt quan trọng của VHDN trong sự phát triển bền vững của
doanh nghiệp.
- Phân tích, đánh giá thực trạng VHDN của một số doanh nghiệp nhà nước ở thủ đô
Hà Nội. Đưa ra một số phương hướng, giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả
VHDN ở Thủ đô Hà Nội gắn với vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở trong doanh
nghiệp
4. Phạm vi nghiên cứu luận văn
Phạm vi nghiên cứu của Luận văn là một số doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trên
địa bàn thủ đô Hà nội, trong đó có cả doanh nghiệp trung ương và doanh nghiệp địa
phương.
5.Cơ sở lí luận, phương pháp nghiên cứu luận văn
5.1. Cơ sở lí luận
Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
các văn kiện của Đảng, Nhà nước và tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về doanh
nghiệp và phát triển doanh nghiệp trong tình hình mới.
Ngoài ra Luận văn còn tham khảo một số quan điểm lý luận trong các văn kiện của
Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân thành phố Hà nội, Liên đoàn Lao động Hà
nội về phát triển kinh tế Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Đồng thời luận văn còn kế thừa các công trình nghiên cứu của tập thể và các cá
nhân liên quan đến đề tài.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
- Luận văn sử dụng phương pháp biện chứng của chủ nghĩa duy vật Mác - Lênin về
các mối quan hệ vật chất và ý thức, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, kinh tế và
văn hoá.
- Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu điều tra xã hội học, khảo sát thực tế và
phỏng vấn chuyên gia và các nhà chuyên môn, cùng với phương pháp phân tích và tổng
hợp, so sánh và đối chiếu để nghiên cứu và trình bày các vấn đề của bản Luận văn.
6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn
- Góp phần định hình khái niệm VHDN và cấu trúc của VHDN.
- Góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề xây dựng VHDN trong DNNN và khẳng
định vai trò to lớn của tổ chức Công đoàn trong việc xây dựng VHDN. Qua đó khẳng
định vai trò “chủ đạo” của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện
nay.
- Những kết quả nghiên cứu của đề tài có thể dùng làm tài liệu cho việc nghiên cứu
những vấn đề văn hoá và kinh tế, cho việc giảng dạy lĩnh vực văn hoá ở các trường đại
học, đặc biệt là các trường đào tạo của hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương,
6 tiết.
Chương 1
Mấy vấn đề lý luận về Văn hoá Doanh nghiệp
và vai trò Công đoàn trong việc xây dựng
văn hóa doanh nghiệp
1.1. Tổng quan về văn hóa doanh nghiệp
1.1.1. Khái lược về “văn hoá”
Trong lịch sử phát triển xã hội và sự hoàn thiện nhân cách con người, văn hoá đồng
hành với con người trên tất cả mọi phương diện: hoạt động và sáng tạo. Hoạt động
nhằm bộc lộ sức mạnh bản chất người và hoàn thiện nhân tính. Sáng tạo như một đặc
trưng bản chất của con người, cái thước đo phân biệt tồn tại người với tồn tại vật, giữa ý
thức tự giác của người với bản năng tự phát của động vật, giữa tất yếu và tự do. Nhờ có
sáng tạo mà nhân tính mới được khẳng định và hoàn thiện, con người mới biểu hiện như
một chủ thể hoạt động và sáng tạo giá trị.
Văn hoá thống nhất trong đa dạng, thống nhất bao hàm bởi nhiều sự khác biệt. Nhờ
nó, tự bản chất nó, văn hoá mang thuộc tính một động lưc phát triển và mang ý nghĩa
của sự hoàn hảo, không ngừng vươn tới sự hoàn hảo. Bản chất văn hoá gắn liền với bản
chất con người. Dưới tác động của văn hoá, đặc biệt là văn hoá đạo đức và văn hoá
thẩm mỹ, con người có thể nảy nở khát vọng, nhu cầu trở nên tốt đẹp, cái mà từ lâu,
Mác gọi là sự nãy nở nhân tính, làm cho hoàn cảnh có tính người ngày càng nhiều hơn.
Giữa con người và văn hoá có quan hệ mật thiết với nhau. Khi nói văn hoá hay
nói con người, chỉ là những phạm trù tách ra để nhận thức, chúng là những đối tượng
được khu biệt trong nhận thức. Nhưng trong tính hiện thực bản thể của chúng, văn hoá
và con người luôn gắn liền với nhau, biểu hiện lẫn nhau. Không có con người và hoạt
động người thì không có văn hoá. Bởi không có một giá trị, một sản phẩm văn hoá nào
ra đời nếu không có bàn tay và khối óc của con người tạo nên. Ngược lại không có văn
hoá con người sẽ không thể tồn tại như một sinh thể xã hội.
Trong đời thường, từ văn hoá dùng để đánh giá, chỉ phẩm chất ưu việt của một con
người, một hiện tượng hay một sự vật nào đó. Chẳng hạn khi nói anh ấy cư xử rất văn
hoá (nghĩa là có lễ độ, đúng phép lịch sự) hoặc buổi diễn thuyết hôm nay rất văn hoá
(nghĩa là ý tưởng dồi dào, diễn đạt lưu loát, được đa số tán thưởng).
Đã có nhiều cách giải thích từ “Văn hoá”. Tuy diễn đạt khác nhau, nhưng có một số
điểm chung mà mọi người đều thừa nhận rằng: “Văn hoá” là phương thức tồn tại đặc
hữu của loài người, khác cơ bản với tổ chức đời sống các quần thể sinh vật trên trái đất.
Nó là cái do con người học được mà có, chứ không phải là cái bẩm sinh do di truyền.
Bàn về văn hoá, Viện sĩ người Pháp Teihard de Chardin có đưa ra một nhận định,
đại ý nói rằng: Trái đất hình thành và phát triển đến một lúc nào đó thì xuất hiện sự
sống, ông gọi đó là sinh quyển (Bisophere). Tiếp đó là sự ra đời của tri quyển
(Noosphere) gắn với sự xuất hiện của người khôn ngoan hiện đại (Hômo - Sapiens). Trí
quyển là quyển về ý thức, về tinh thần do con người tạo ra trong quá trình hoạt động
thực tiễn. Đó chính là văn hoá, biểu hiện như là “ Thế giới nhân tạo” của con người.
Để giải thích từ “Văn hoá”, các nhà văn hoá học phương Tây ngày nay thường chia
ra làm hai trường hợp:
Một là, từ “Văn hoá “ viết hoa, số ít (LaCulture) được chỉ định là một thuộc tính chỉ
có ở loài người. Nó là cái dùng để phân biệt giữa loài người và loài vật. Đó là khả năng
tư duy, học hỏi thích ứng và sáng tạo ra những quan niệm, biểu tượng, giá trị, làm cơ sở
cho hệ thống ứng xử, để loài người có thể tồn tại và phát triển.
Hai là, từ “Văn hoá” không viết hoa, số nhiều (LesCultures) chỉ những nền, “kiểu”
văn hoá khác nhau, tức là lối sống của các thể cộng đồng, biểu hiện trong những quan
niệm về giá trị, trong hệ thống các hành vi ứng xử, mà các cộng đồng người ấy học hỏi
được và sáng tạo ra trong hoạt động sống của họ. Đó còn là những truyền thống của
cộng đồng, hình thành nên trong các điều kiện xã hội - lịch sử nhất định.
Quan niệm về văn hoá trên đây tương đối phù hợp với định nghĩa văn hoá do
nguyên Tổng giám đốc UNESCO Fderico Mayord đưa ra, nhân dịp phát động “ Thập kỷ
thế giới phát triển văn hoá” (1988- 1997). Ông viết “Văn hoá là tổng thể sống động các
họat động sáng tạo(của các cá nhân và cộng đồng) trong quá khứ và trong hiện tại.
Qua các thế kỷ hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các
truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.”
Xuất phát từ quan niệm trên, các nhà xã hội học chia văn hoá thành hai hình thái:
văn hoá cá nhân và văn hoá cộng đồng.
Văn hoá cá nhân là toàn bộ vốn tri thức, kinh nghiệm tích luỹ vào mỗi các nhân,
biểu hiện ở hệ thống quan niệm và hành xử của các nhân ấy trong đời sống thực tiễn.
Văn hoá cộng đồng là văn hoá của một nhóm xã hội, nó không phải là số cộng giản
đơn của những văn hoá cá nhân - thành viên trong cộng đồng cộng lại. Văn hoá cộng
đồng là toàn bộ tri thức, kinh nghiệm, giá trị, phương thức ứng xữ…mà cả cộng động
cùng chia sẽ và chấp nhập, đã trở thành truyền thống của cộng đồng ấy. Định nghĩa văn
hoá của E Mayor vừa nêu trên chính là nói về nội dung và đặc điểm của Văn hoá công
đồng.
ở Việt Nam, việc nghiên cứu văn hoá với tư cách là một khoa học xã hội ra đời rất
muộn. Nhưng những nhận định, quan niệm về văn hoá thì có từ rất sớm, gắn với những
tên tuổi các học giả như Lê Quý Đôn (1773), Phan Kế Bính (1915), Đào Duy Anh
(1938), Nguyễn Văn Huyên (1944)…
Nhìn chung, các công trình của các ông được các nhà văn hoá hiện nay đánh giá là
viết theo hướng lịch sử văn hoá, mang tính chất miêu tả là chủ yếu, nhưng rất công phu
và tỷ mỷ.
Giữa thế kỷ 20 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một quan niệm về văn hoá mà đến
nay người ta cho vẵn còn nguyên giá giá trị: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc
sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật,
khoa học, tôn giáo, văn hoá nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn,
mặc, ở và các phương tiện sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn
hoá.
Hiện nay, đất nước ta ngày càng đổi mới. Đảng và Nhà nước ta thực sự quan tâm
đến các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu về văn
hoá, giáo dục. Bởi vậy, những công trình nghiên cứu văn hoá ngày càng nhiều và mang
lại hiệu quả thiết thực, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiến đất nước, nâng cao
mức sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Những công trình nghiên cứu về văn hoá
ấy đã giúp cho chúng ta nhận thức một cách đầy đủ hơn về văn hoá, văn minh thế giới
cũng như nhận thức một cách sâu sắc hơn về văn hoá dân tộc Việt Nam. Ví dụ như công
trình nghiên cứu của GS-TS Hoàng Vinh đã tóm lược và giới thiệu 12 nhóm định nghĩa
về văn hoá, từ đó giúp chúng ta nhận biết về các khái niệm văn hoá một cách đầy đủ
hơn sâu sắc hơn và toàn diện hơn.
12 nhóm định nghĩa bao gồm:
(1) Định nghĩa mang tính chất miêu tả, tiêu biểu cho nhóm định nghĩa này là
Edward Burnet Tylor;
(2) Định nghĩa manh tính chất lịch sử, nhấn mạnh vào sự kế thừa di sản xã hội;
(3) Định nghĩa nhấn mạnh vào nếp sống xã hội;
(4) Định nghĩa nhấn mạnh vào sự thích ứng của con người với môi trường tự nhiên;
(5) Định nghĩa nhấn mạnh vào tính chất di truyền xã hội, tức khả năng học tập của
con người;
(6) Định nghĩa nhấn mạnh vào phương thức ứng xữ;
(7) Định nghĩa nhấn mạnh vào khía cạnh tư tưởng của văn hoá;
(8) Định nghĩa nhấn mạnh vào phương diện giá trị của văn hoá;
(9) Định nghĩa nhấn mạnh vào hoạt động sáng tạo trong lịch sử, nhằm hình thành
nên hệ thống giá trị xã hội;
(10) định nghĩa nhấn mạnh vào mô hình các thể chế xã hội;
(11) Định nghĩa nhấn mạnh vào ý nghĩa biểu trưng của văn hoá;
(12) Định nghĩa mang tính chất điều khiển học [52, tr.33 - 37].
Từ sự phân tích ở trên, đã giúp chúng ta có cơ sở khoa học tiếp cận những vấn đề
mới, đó là VHDN, văn hoá kinh doanh, văn hoá kinh tế… tất cả đấy là những dạng,
kiểu của văn hoá, mang đầy đủ trong nó những đặc điểm, đặc trưng, thuộc tính của văn
hoá tổ chức cộng đồng.
1.1.2. Khái niệm “Văn hóa doanh nghiệp”
Khái niệm VHDN được cấu tạo bởi bởi hai khái niệm văn hoá và doanh nghiệp. Để
hiểu rõ nội hàm khái niệm VHDN, trước hết ta cần làm rõ khái niệm doanh nghiệp.
1.1.2.1. Khái niệm về “Doanh nghiệp”
Theo đại Từ điển tiếng Việt, doanh nghiệp là: “tổ chức hoạt động kinh doanh của
những chủ sở hữu có tư cách pháp nhân, nhằm mục đích kiếm lời ở một hoặc nhiều
ngành".
Như vậy, thuật ngữ “ doanh nghiệp” mang hai nghĩa rộng và hẹp.
Theo nghĩa rộng: Doanh nghiệp là đơn vị kinh tế cơ sở, có chức năng sản xuất -
kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, một cách hợp pháp theo nhu cầu của thị trường, nhằm đạt
lợi nhuận hoặc hiệu quả kinh tế tối đa. Nghĩa là, doanh nghiệp bao gồm tất cả các cơ sở
sản xuất - kinh doanh, từ các Tổng Công ty, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia… đến
các hộ gia đình kinh doanh cá thể nhỏ lẻ.
Theo nghĩa hẹp: Doanh nghiệp chỉ bao gồm các cơ sở thuộc khu vực chính thức, có
đăng ký tư cách pháp nhân theo các Luật Doanh nghiệp và kinh doanh hiện hành.
Theo Khoản 1, Điều 3 Luật Doanh nghiệp đã đưa ra khái niệm doanh nghiệp như
sau; “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở, giao dịch ổn
định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực
hiện các hoạt động kinh doanh”.
ở Việt Nam chúng ta hiện nay, tuỳ theo đặc điểm về hình thức sở hữu, về lĩnh vực
sản xuất, về quy mô tổ chức sản xuất, người ta có thể phân ra các loại hình doanh
nghiệp theo hình thức sở hữu như sau:
Doanh nghiệp nhà nước:
Doanh nghiệp Nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hửu toàn bộ vốn điều lệ
hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức Công ty Nhà nước,
Công ty Cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn.
Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức theo những loại hình sau:
Công ty nhà nước, là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành
lập tổ chức quản lý, đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước.
Công ty nhà nước có hai loại: Công ty Nhà nước độc lập và Tổng Công ty Nhà
nước.
Công ty Cổ phần nhà nước là Công ty Cổ phần, mà toàn bộ cổ đông là các công ty
Nhà nước hoặc tổ chức được Nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động
theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên là Công ty trách nhiệm hữu
hạn do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, được tổ chức quản lý và đăng ký hoạt
động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên là Công ty trách
nhiệm hữu hạn trong đó có tất cả các thành viên đều là Công ty Nhà nước hoặc có thành
viên là Công ty Nhà nước và thành viên khác là tổ chức được Nhà nước uỷ quyền góp
vốn, được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là doanh nghiệp mà cổ
phần hoặc vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ. Nhà nước giữ quyền chi
phối đối với doanh nghiệp đó.
Doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước là doanh nghiệp mà phần vốn góp của
Nhà nước trong vốn điều lệ chiếm từ 50% trở xuống.
Công ty Nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác là Công ty sở hữu toàn bộ
vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp
khác, giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó.
Công ty Nhà nước độc lập là Công ty Nhà nước không thuộc cơ cấu tổ chức của
Tổng công ty Nhà nước. Vốn điều lệ của Công ty Nhà nước là số vốn Nhà nước đầu tư
vào Công ty và ghi tại Điều lệ Công ty.
1.1.2.2. Quy mô và cơ cấu của doanh nghiệp
Trong những năm đổi mới, trong chiến lược phát triển kinh tế của Đảng ta, xây
dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN đã tạo điều kiện cho các
thành phần kinh tế phát huy thế mạnh và khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực của đất
nước. Đặc biệt Nhà nước ban hành các luật về đăng ký kinh doanh như; Luật Doanh
nghiệp Nhà nước, Luật đầu tư nước ngoài, Luật Doanh nghiệp làm hoạt động kinh
doanh của các doanh nghiệp ngày càng trở nên sôi động và có hiệu quả. Số lượng doanh
nghiệp trong các thành phần kinh tế của đất nước ngày càng tăng nhanh.
Nếu tính từ năm 2000 tổng số doanh nghiệp là 42.288 đơn vị thì đến năm 2003 tổng
số doanh nghiệp lên tới 62.908 đơn vị.
- Xét theo quy mô lao động
Qua kết quả điều tra của Tổng cục thông kê, các doanh nghiệp Việt Nam xét theo
quy mô lao động phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại thời điểm năm 2002,
doanh nghiệp có số lao động từ 1000 CNLĐ trở lên chiếm tỷ trọng rất nhỏ (1,08%)
trong tổng số các doanh nghiệp hiện có. Ngược lại, doanh nghiệp có số lao động nhỏ
chiếm tỷ trọng khá lớn cụ thể như sau:
Doanh nghiệp - có từ 5 đến 9 lao động chiếm 28,3% trong tổng số 62.9 doanh
nghiệp
Doanh nghiệp có 10 đến 49 lao động chiếm 32,94%
Doanh nghiệp có 50 đến 199 lao động chiếm 11,99%
Doanh nghiệp có 200 đến 299 lao động chiếm 2,15 %
Như vậy, số doanh nghiệp có quy mô lao động vừa và nhỏ hiện nay ở Việt Nam vẫn
chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp, điều đó phản ánh nguồn vốn, công nghệ,
trình độ quản lý của doanh nghiệp chưa cao. Nhưng với việc phát triển các loại hình
doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giải quyết một phần rất lớn lao động cho xã hội và đóng
góp vào nền kinh tế quốc dân một phần ngân sách không nhỏ.
- Xét theo quy mô vốn
Tại thời điểm 31/12/2002 tổng số vốn doanh nghiệp là 1.441 nghìn tỷ đồng, số vốn
này gấp 7 lần tại thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 1995 và gấp 1,3 lần cùng thời điểm năm
2000.
Từ số liệu trên chúng ta thấy, lượng vốn đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh của
các doanh nghiệp ngày càng tăng lên, góp phần mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi dây
chuyền công nghệ, tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội.
Trong tổng số vốn của doanh nghiệp hiện có, doanh nghiệp nhà nước, (DNNN)
chiếm 62,1% tổng số vốn doanh nghiệp (895 nghìn tỷ đồng), doanh nghiệp ngoài quốc
doanh, (DNNQD) chiếm 16,5% (237 nghìn tỷ đồng) và doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài (ĐTNN) chiếm 21,4% (308 nghìn tỷ đồng). Hiện tại và trong thời gian tiếp
theo, vốn của doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn của
doanh nghiệp nói chung. Mặc dù đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu, sắp xếp, tổ chức
lại và đổi mới phương thức quản lý, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh
nghiệp nhà nước mà trọng tâm là thực hiện cổ phần hoá DNNN.
Đến năm 2005 Chính phủ quy định sẽ có 40% số lượng DNNN sẽ được cổ phần
hoá, nhưng vốn của các doanh nghiệp này chỉ chiếm 16% trong tổng nguồn vốn của
DNNN. Vì vậy, doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn
về vốn.
Bảng 1.1: Doanh nghiệp phân theo quy mô vốn
Đơn vị: Doanh nghiệp
Doanh nghiệp 2000 2001 2002
Tổng số doanh nghiệp 42288 51680 62908
Doanh nghiệp có dưới 0,5 tỷ đồng 16267 18326 18591
doanh nghiệp có từ 0,5 đến dưới 1 tỷ đồng 6534 8403 10994
doanh nghiệp có từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng 10759 14556 20141
doanh nghiệp có từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng 2745 3385 4490
doanh nghiệp có từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng 3957 4623 5711
doanh nghiệp có từ 50 đến dưới 200 tỷ đồng 1515 1781 2160
doanh nghiệp có từ 200 đến 500 tỷ đồng 312 383 501
doanh nghiệp có từ 500 tỷ đồng trở lên 199 223 260
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2004). Thực trạng doanh nghiệp qua kết quả điều tra
năm 2001, 2002, 2003 [tr.59].
Từ số liệu trên, có thể nói rằng các loại hình doanh nghiệp có quy mô, vốn, đặc
điểm, cơ chế hoạt động khác nhau.
1.1.2.3. Các quan niệm văn hóa doanh nghiệp
Như chúng ta đã biết, doanh nghiệp tồn tại là để sản xuất của cải vật chất, kinh
doanh và phục vụ nhu cầu của xã hội. Những hoạt động sản xuất này được thể hiện trên
một dây chuyền công nghệ nhất định. Để vận hành tất cả các khâu của dây chuyền này,
trong doanh nghiệp có hệ thống hành chính hoặc hệ thống quản lý mà trong đó mọi
người đều phải thực hiện các chức năng của mình hoặc là lãnh đạo cấp trên hoặc là nhân
viên cấp dưới. Hoạt động của doanh nghiệp chỉ thực hiện được trên cơ sở có kỹ thuật
công nghệ và có kỷ cương gắn với các cấp độ quản lý. Hoạt động trong các doanh
nghiệp, các tổ chức là những con người. Điều này có nghĩa là trong hoạt động của mình,
họ tuân theo những quy định cụ thể nào đó và thực hiện những nghi thức nhất định…
Theo ý nghĩa này, mỗi doanh nghiệp là một cộng đồng xã hội hoặc một không gian văn
hoá cụ thể.
Mỗi doanh nghiệp được thành lập để thực hiện mục đích do nhà kinh doanh đặt ra.
Phương thức thực hiện mục đích kinh doanh trong doanh nghiệp đã tạo cho doanh
nghiệp một sắc thái riêng, một màu sắc riêng, một vị thế riêng. Xét từ góc độ ấy, chúng
ta có thể xác định VHDN như một hệ thống đặc thù, đặc trưng cho tổ chức đó, một hệ
thống các mối liên hệ, các hành động, các tác động qua lại và các mối quan hệ được
thực hiện trong khuôn khổ một hoạt động kinh doanh cụ thể.
Nhà xã hội học người Mỹ E.N.Schein cho rằng:
Văn hóa doanh nghiệp hoặc Văn hoá tổ chức là tổng thể những thủ pháp
và quy tắc giải quyết vấn đề thích ứng bên ngoài và thích ứng bên trong các
nhân viên, những quy tắc đã tỏ ra hữu hiệu trong quá khứ và vẫn cấp thiết trong
hiện tại. Những quy tắc và những thủ pháp này là yếu tố khởi nguồn trong việc
các nhân viên lựa chọn phương thức hành động, phân tích và ra quyết định thích
hợp. Các thành viên của tổ chức không đắn đo suy nghĩ về ý nghĩa của những
quy tắc và thủ pháp ấy, mà coi chúng là đúng đắn ngay từ đầu [1, tr.150].
Còn nhà xã hội học Pháp N.Đemetr cho rằng:
Văn hóa doanh nghiệp đó là hệ thống quan niệm, những biểu tượng,
những giá trị và mẫu hành vi được tất cả các thành viên chia sẻ. Điều đó có
nghĩa là trong doanh nghiệp, tất cả các thành viên đó đều gắn bó vơí nhau
bởi quan điểm chung về những vấn đề như doanh nghiệp đó là gì, vai trò
kinh tế và xã hội của nó như thế nào, nó chiếm vị trí ra sao đối với những
doanh nghiệp cạnh tranh với nó, những nghĩa vụ của nó đối với khách hàng
là gì…Chức năng văn hoá tổ chức là tạo ra cảm giác thống nhất của mọi
thành viên, tạo ra hình ảnh cái “chúng tôi” tập thể [1, tr.151].
ở Việt Nam theo tiến sĩ Đỗ Minh Cương trong cuốn sách: "Văn hoá và triết lý kinh
doanh" Xuất bản năm 2000, Ông đã đưa ra một khái niệm VHDN như sau: “Văn hoá
kinh doanh là việc sử dung các nhân tố văn hoá vào trong hoạt động kinh doanh của
chủ thể, là cái văn hoá mà các chủ thể tạo ra trong quá trình kinh doanh, hình thành
nên những kiểu kinh doanh ổn định và đặc thù của nó.”
Còn theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia cao cấp của Ban sắp xếp doanh nghiệp
Chính phủ thì cho rằng "Văn hóa doanh nghiệp (Văn hoá trong kinh doanh) trước tiên
là tôn trọng pháp luật, tôn trọng nhân phẩm con người, phải giữ chử tín và điều này đòi
hỏi người lãnh đạo doanh nghiệp phải có một bản lĩnh đổi mới…”.
Từ những quan niệm về VHDN trên chúng ta thấy VHDN bao gồm các yếu tố, thủ
pháp, nguyên tắc, hệ thống quan niệm, biểu tượng, giá trị hành vi của một cộng đồng
doanh nghiệp có chức năng tổ chức, thống nhất mọi thành viên của doanh nghiệp hướng
tới mục tiêu chung vì sự phát triển của doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, chúng tôi xin hệ
thống lại và đưa ra một quan niệm về VHDN như sau:
Văn hóa doanh nghiệp là một dạng của Văn hoá cộng đồng, bao gồm những hệ
thống triết lý, đạo lý kinh doanh, thông qua hệ thống tổ chức, công nghệ, mối quan hệ
ứng xử hài hòa bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, nhằm đạt mục đích đưa doanh
nghiệp ngày càng phát triển.
Như vậy, VHDN có tính ổn định và bền vững, bất chấp sự thay đổi thường xuyên
của các cá nhân kể cả những người sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp. Nó tác động sâu
sắc tới động cơ hành động của doanh nghiệp, tạo thành định hướng có tính chất chiến
lược cho bản thân doanh nghiệp. VHDN luôn đóng vai trò như một lực lượng hướng
dẫn, như một sức mạnh cố hữu trong doanh nghiệp là ý chí thống nhất toàn thể lãnh đạo
và nhân viên của doanh nghiệp. Văn hoá càng mạnh và càng giữ vai trò định hướng
hoạt động của doanh nghiệp mạnh bao nhiêu, thì doanh nghiệp càng ít chỉ thị, mệnh
lệnh, càng giảm bớt bộ máy tổ chức và những điều lệnh bấy nhiêu. Một VHDN mạnh sẽ
tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp.
1.1.3. Cơ cấu của Văn hóa doanh nghiệp
Có thể nói rằng, hiện tại ở Việt Nam chúng ta có khá nhiều quan niệm, khái niệm về
VHDN. ở mỗi người nghiên cứu, ở từng góc độ khác nhau lại có một khái niệm và một
cơ cấu văn hoá tương ứng. ở đây chúng tôi nghiên cứu cơ cấu VHDN là dựa vào những
thành tố cấu thành của VHDN đã được nêu ở trên. Vậy, cơ cấu VHDN được bao gồm
các thành tố sau:
1.1.3.1. Đạo lý, triết lý kinh doanh
Việc đưa “đạo đức” vào hoạt động kinh doanh không phải là điều mới mẻ. Về
phương diện lịch sử, các nhà doanh nghiệp Mỹ là những người đầu tiên quan tâm đến
đạo đức. Ngay từ năm 1913, doanh nghiệp Penny Company đã có một “Bộ luật” về đạo
đức. Các tín đồ giáo phái Quây-cơ là những người đầu tiên thực hiện đầu tư theo tiêu
chuẩn đạo đức bằng cách khước từ đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất vũ khí và
thuốc lá. Xu hướng này đã lan rộng ra toàn xã hội trong những năm 50, các Hiến
chương về đạo đức liên tiếp được đưa ra. Các ấn phẩm văn hoá về đạo đức ngày càng
phong phú, đã có nhiều Tạp chí đề cập đến lĩnh vực này như:
“Nhật báo về đạo đức trong kinh doanh, Nhật báo về đạo đức trong kinh doanh
và nghề nghiệp”.
Ngay từ lúc mới thành lập, Trường Đại học Harvard đã đưa vào giảng dạy môn “ Luân
lý trong thương mại”. Nội dung chính của môn học này nhằm giải quyết những vấn đề nan
giải về luân lý mà các nhà quản lý thường gặp. Tại thị trường chứng khoán New york, các
tín đồ Dòng Tên đã mở một trung tâm nghiên cứu về luân lý phục vụ các chủ ngân hàng và
các nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo. Business ethics là lý thuyết cơ bản về đạo đức kinh doanh ở
Hoa Kỳ. Lý thuyết này bắt nguồn từ một lôgích thực dụng, kết hợp luân lý, pháp luật và
khế ước.
ở Pháp, đạo đức trong kinh doanh trở thành đối tượng nghiên cứu ở nhiều Hiệp hội,
nhiều học giả từ những năm 60. Cũng chính trong những năm đó, Trung tâm giới chủ
Cơ đốc giáo của Pháp (CFPC), Hiệp hội cán bộ lãnh đạo (AcaDi) đã cho xuất bản nhiều
ấn phẩm, tổ chức nhiều Hội thảo về chủ đề này. O. Geliner (1991), Chủ tịch danh dự
của Cegos, là người đầu tiên đã xuất bản một cuốn sách về đạo đức trong kinh doanh
với tựa đề: "Đạo đức trong kinh doanh, chú ý kẻo chệch hướng”. Sau khi cuốn sách ra
đời đã được độc giả và các nhà quản lý doanh nghiệp đón nhận nhiệt liệt [31, tr.30].
Như vậy, một điều khẳng định rằng các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến các quy
luật kinh tế mà phải quan tâm đến phạm trù đạo đức trong kinh doanh.
Căn cứ vào các quan niệm chung về thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa, nghĩa vụ
và danh dự… có tính bền vững và truyền thống mà dư luận xã hội (khách hàng) sẽ đánh
giá hành vi và phẩm giá của các nhà kinh doanh thông qua sự thôi thúc của lương tâm
và sự kiểm soát, bình giá của dư luận xã hội.
Đạo đức kinh doanh đòi hỏi việc kinh doanh phải thực hiện đúng đạo lý dân tộc và
phù hợp với các quy chuẩn về cái thiện, cái tốt và cái đẹp. Sở dĩ nghề kinh doanh cần
coi trọng tiêu chuẩn đạo đức vì sản phẩm và dịch vụ mà nhà kinh doanh bán ra thị
trường liên quan trực tiếp tới sức khoẻ và đời sống của mọi người. Khách hàng thường
không thể tự kiểm tra mọi thông tin về chất lượng, tính năng, tác động về sản phẩm mà
nhà kinh doanh đã công bố, quảng cáo, tức là khách hàng hoàn toàn tin vào tính trung
thực của của nhà kinh doanh. Nếu những thông tin này thiếu trung thực hoặc bị cắt xén,
cố ý gian dối để vụ lợi cá nhân, thì hậu quả mà nhà kinh doanh gây ra cho khách hàng
và xã hội rất tại hại và khôn lường.
Có thể quan niệm rằng: Đạo đức kinh doanh là một loại hình đạo đức, có tác động
và chi phối hành vi của các chủ thể hoạt động kinh doanh, nhằm mang lại hiệu quả kinh
tế - xã hội cao cho doanh nghiệp.
Từ sự phân tích ở trên, chúng tôi có thể khái quát một số tiêu chuẩn về phẩm chất
đạo đức trong kinh doanh như sau:
Một là, tính trung thực: Thể hiện trong sự nhất quán giữa nói và làm, tức là danh và
thực. Không được dùng những thủ đoạn lừa dối, xảo trá để kiếm tiền, không được
quảng cáo sai sự thật. Thật sự coi trọng tính công bằng, chính đáng và đạo lý trong sáng
trong kinh doanh.
Hai là, tôn trọng khách hàng: Coi trọng những nhu cầu, sở thích và tâm lý của
khách hàng. Tôn trọng và đánh giá cao những sáng tạo, đóng góp của nhân viên trong
doanh nghiệp. Coi trọng chữ tín trong giao tiếp, buôn bán và hoạt động kinh doanh.
Ba là, luôn vươn tới sự hoàn hảo: Không ngừng tu dưỡng bản thân, luôn luôn lắng
nghe ý kiến khách hàng, luôn nỗ lực vươn lên, không cho phép tự thoả mãn với những gì
mình đã đạt được. Phải có hoài bảo lớn, không chịu khuất phục trước thách thức, quyết tâm
vươn lên để thành đạt trong kinh doanh.
Bốn là, phải biết đương đầu với thử thách: Không ngại khó khăn gian khổ, biết
lường trước những tình huống có thể xảy ra mà nghề kinh doanh thường gặp phải.
Năm là, coi trọng hiệu quả gắn liền với trách nhiệm xã hội, hiệu quả kinh tế là thước
đo thành công, thành đạt trong kinh doanh. Muốn tiếp tục phát triển, doanh nghiệp
không những nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong hoạt động kinh doanh mà còn phải làm
tốt công tác xã hội, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Còn một yếu tố quan trọng trong hệ thống tổ chức - công nghệ để từ đó hình thành
VHDN, đó là vấn đề ứng xử với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên. ứng xử hài
hoà với tự nhiên, bảo vệ môi trường tự nhiên là nét đẹp truyền thống của con người Việt
Nam. Nhưng hiện nay trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh nghiệt ngã, nhiều doanh
nghiệp vì mục đích lợi nhuận đã không quan tâm đến sự bảo vệ mội trường tự nhiên.
Nạn phá rừng khắp cả nước, những bải rác thải để không đúng chổ trong các thành
phố lớn, đã dẫn đến sự ô nhiễm không khí, lụt lội tàn phá mùa màng, những trận sạt
lở đất ở Hà giang, Quảng Ninh, Yên Bái gần đây nhất, đã làm hàng chục người thiệt
mạng.
Qua đây chúng ta thấy rằng, một trong những thành tố để xây dựng VHDN đó là
bảo vệ mội trường quan trọng biết nhường nào.
1.1.3.2. Hệ thống tổ chức - công nghệ
Tổ chức là bố trí, sắp xếp công việc làm sao cho thật hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất.
Ví dụ bố trí sắp xếp cán bộ trong cơ quan, doanh nghiệp, đặt mọi người thật đúng vị trí
công việc để ai cũng có thể phát huy hết năng lực, trí tuệ của mình, góp phần xây dựng cơ
quan, doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Như vậy, việc bố trí sắp xếp cán bộ cũng như sắp xếp các dây chuyền sản sản xuất
công nghệ trong doanh nghiệp là một yếu tố thực sự quan trọng, nó góp phần quyết định
sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp.
Công nghệ là một tập hợp bao gồm các quy trình, phương pháp, kỹ năng, bí quyết,
phương tiện, công cụ, con người để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm phục vụ xã
hội và mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nó được thể hiện bằng những yếu tố cơ
bản sau:
Con người - bao gồm kiến thức chuyên môn cơ bản, kỹ năng, kỹ xảo, trình độ tay
nghề, kinh nghiệm, thói quen nghề nghiệp.
Công cụ - bao gồm máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng, khí cụ, đường sá, giao
thông, bến bãi…
Thông tin - bao gồm quy trình, phương pháp, dữ liệu, thiết kế và các bí quyết nghề
nghiệp.
Như vậy, tổ chức - công nghệ là một thành tố vô cùng quan trọng của VHDN, nó sẽ
quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp.
Như đã phân tích ở trên, kinh nghiệm trong việc tổ chức, sắp xếp, quản lý nguồn
nhân lực là một yếu tố tổ chức - công nghệ của VHDN. Sắp xếp như thế nào cho hợp lý,
quản lý như thế nào cho tốt, để mọi thành viên trong doanh nghiệp đều có thể cống hiến
hết mình, phát huy mọi năng lực, trí tuệ, kỹ năng, kỹ xão, kinh nghiệm thực tiễn của
mỗi các nhân, tất cả đều hướng đến một mục tiêu là doanh nghiệp phát triển. Làm được
như vậy gọi là kỹ năng quản lý, và như vậy đã vận dụng thành công các yếu tố của văn
hoá vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành của doanh nghiệp còn phải thực hiện những
nguyên tắc, những quy định, những chuẩn mực về cách ứng xử cũng là một trong những
yếu tố của hệ thống tổ chức- công nghệ. Hệ thống này sẽ giúp doanh nghiệp vận hành
có trật tự, quy cũ, nền nếp và tất nhiên sẽ làm cho doanh nghiệp hoạt động ngày càng có
hiệu quả. Bởi vì những chuẩn mực ấy, những nguyên tắc ấy, những quy định ấy vừa là ý
thức, nhưng vừa là trách nhiệm tạo động lực thúc đẩy, động viên các thành viên trong
doanh nghiệp hướng tới mục tiêu cao cả vì sự phát triển, phồn thịnh của doanh nghiệp,
vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Bên cạnh đó, ngoài những quy tắc, quy định mà doanh nghiệp đề ra để quản lý đơn
vị, doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm trước một số quy định của cộng đồng. ở
Việt Nam chúng ta nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, có nhiều doanh nghiệp
đang phấn đấu thực hiện các phương thức quản lý tiên tiến như: ISO 9000, ISO 9002,
ISO 14.000, và tiêu chuẩn SA 8000. Theo như các chuyên gia nghiên cứu của Viện
nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, SA 8000 là một hệ thống tiêu chuẩn quy định về điều
kiện làm việc của người lao động, được xem như một giải pháp khẳng định về giá trị
đạo đức của sản phẩm. Cụ thể nó quy định rõ về trách nhiệm xã hội, liên quan đến lao
động trẻ em, lao động cưỡng bức, sức khoẻ của người lao động, môi trường sản xuất,
tính phân biệt đối xử và kỷ luật về giờ giấc lao động vv…Tóm lai tạo môi trường lao
động tốt, có kỷ luật, nhưng phải đảm bảo yếu tố nhân đạo trong quản lý lao động. Còn
ISO 9000 và ISO 9002 quy định về chất lượng sản phẩm, còn ISO 14.000 là quy định
trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên…
Như vậy, với ý nghĩa hệ thống tổ chức - công nghệ như là một yếu tố quan trọng tác
động tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp, thì máy móc, dây chuyền sản xuất
hiện đại, cơ sở vật chất kỹ thuật đầy đủ, sẽ tạo ra một môi trường sản xuất, kinh doanh
thuận lợi, nâng cao năng suất lao động, sản phẩm đạt chất lượng cao. Tuy nhiên trong
thực tế nhiều người chưa hiểu, họ cho rằng đấy là yếu tố đơn thuần về vật chất, không
liên quan gì đến VHDN.
Song ở đây, chúng ta xét những yếu tố đó với tư cách là một trong những yếu tố cơ
bản thuộc VHDN. Bởi vì, đây là sự kết tinh của tri thức, là trình độ, là nghệ thuật vận
hành dây chuyền sản xuất, là tay nghề, kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng, kỷ xão trong
lĩnh vực sử dụng máy móc và các thiết bị khoa học công nghệ dãn đến chất lượng sản
phẩm và uy tín của doanh nghiệp.
Yếu tố tổ chức - công nghệ trong VHDN còn bao gồm các yếu tố như: Marketing,
quảng cáo. Đây là con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm của doanh nghiệp đến với
người tiêu dùng đồng thời tìm kiếm đối tác trong làm ăn. Nhưng quảng cáo như thế nào
đây để vừa hấp dẫn, mang đậm yếu tố văn hoá là một điều hơi khó đối với các doanh
nghiệp. Hiện nay trên đường phố Hà nội có nhiều biển quảng cáo loè loẹt, thiếu văn hoá
mà báo chí, Đài truyền hình nhắc đến nhiều. Trong Marketing và quảng cáo nếu thiếu đi
yếu tố văn hoá thì không những không có hiệu quả mà còn bị phản tác dụng. Do vậy,
doanh nghiệp muốn cho khách hàng hiểu được sản phẩm của mình thông qua quảng
cáo, Marketing nhất thiết không thể thiếu được yếu tố văn hoá trong quá trình thực hiện
và sản xuất.
1.1.3.3. Hệ thống biểu hiện, thương hiệu doanh nghiệp
Hệ thống biểu hiện, thương hiệu trong VHDN giống như “ bộ mặt” của chính doanh
nghiệp. Những biểu hiện ấy bao gồm: lôgô, huy hiệu, thương hiệu, trang phục, biểu
tượng, lễ hội, nghi thức, tiếp khách, biểu diễn văn nghệ… Tất cả các thứ đó không phải
là những cái ngẫu nhiên, sẵn có mà doanh nghiệp phải trải qua một quá trình dài tìm tòi,
lựa chọn, sáng tạo, làm sao cho các biểu tượng ấy phải phù hợp với điều kiện, hoàn
cảnh của doanh nghiệp và phải mang bản sắc riêng của doanh nghiệp mình. Ví dụ khi
vào một Công ty người ta nhìn vào đồng phục của những nhân viên đang mặc, người ta
biết ngay đó là doanh nghiệp nào. Quan trọng nhất trong hệ thống này là thương hiệu
của doanh nghiệp.
Vậy thương hiệu là gì?
Trong cuốn sách “ Xây dựng thương hiệu mạnh và thành công” Nhà xuất bản Thống
kê (9/2004) của nhà nghiên cứu người Mỹ JAMES
R.GREGORY, sau 13 năm nghiên cứu, sau khi khảo sát 10.000 doanh nghiệp của 40
ngành công nghiệp ở Mỹ, ông đã đưa ra khái niệm về thương hiệu như sau: “Thương hiệu
là một tài sản Doanh nghiệp, có thể - và phải - được quản lý qua thời gian giống như một
tài sản doanh nghiệp khác” [31, tr.12].
Đây là tài sản được kết tinh các yếu tố vật chất và tinh thần của doanh nghiệp, được
cả cộng đồng xây đắp và chi sẻ, giữ gìn và trao truyền từ thế này sang thế hệ khác tạo
nên.
Như vậy, thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp, đã là tài sản, tất yếu thương hiệu
sẽ mang về các lợi ích cho doanh nghiệp. Trước tiên nó làm cho việc tiếp thị của doanh
nghiệp có hiệu quả hơn. Nó có thể làm chậm hoặc ngưng sự xói mòn của thị phần. Nó
giúp doanh nghiệp dễ dàng tuyển mộ nhân lực có tài năng hơn, đồng thời nó tăng sức
lôi cuốn của doanh nghiệp đối với các thị trường nhà đầu tư và tài chính.
Chúng ta có thể thấy thương hiệu sẽ mang về các lợi cho Công ty có thương hiệu
mạnh:
1. Dẫn đến các kết quả kinh doanh tốt hơn: doanh thu, tiền lời và luồng
tiền mặt.
2. Dẫn đến nguồn tài chính tốt hơn.
3. Có thể hưởng một giá cao hơn mức bình thường.
4. Xây dựng được lòng trung thành của khách hàng.
5. Tạo cho tiếp thị hiệu quả hơn.
6. Tạo sự phân biệt giữa các nhà cạnh tranh.
7. Giúp Công ty tuyển dụng và giữ được người tài năng hơn.
8. Có thể đứng vững và vượt qua các cuộc khủng hoảng dễ dàng hơn.
9. Làm chậm hay ngăn chặn sự xói mòn của thị phần.
10. Giảm thiểu các trận chiến sống còn của Công ty, do mọi người đang
làm việc trên các mục tiêu chung.
11. Lôi cuốn các thị trường nhà đầu tư và tài chính.
12. Giúp định hình các quyết định phức tạp của những nhà điều tiết [31,
tr.32].
Hiện nay ở Việt Nam các công ty đang từng bước xây dựng thương hiệu của mình.
Như Công ty May 10, Công ty giày Thượng Đình ở Hà Nội, Công ty Tàu biển Nam
Triệu ở Hải phòng, Hãng Hàng không Việt Nam Airlines Công ty Chiếu sáng và thiết bị
đô thị Hà Nội…Tuy nhiên điều quan trọng khi mỗi doanh nghiệp xây dựng cho mình
một thương hiệu mang bản sắc riêng thì phải đăng ký quyền bảo hộ thương hiệu, đồng
thời phải đưa hình ảnh của doanh nghiệp đến với quần chúng rộng rãi để quảng bá cho
doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, VHDN còn được thể hiện qua các Lễ hội truyền thống, kỷ niệm sự ra
đời của Công ty hay giỗ tổ nghề hoặc giao lưu văn hoá vv… để nâng cao uy tín và vị thế
của doanh nghiệp trong xã hội.
1.1.3.4. Nhân cách của nhà doanh nghiệp
Trong doanh nghiệp nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất, đồng thời cũng
là thành tố quan trọng của VHDN. Các yếu tố như: đạo đức, tài năng, khả năng quản lý,
điều hành doanh nghiệp của mỗi thành viên trong doanh nghiệp là nguồn lực cơ bản, ổn
định và bền vững của doanh nghiệp. Làm thế nào để phát huy được mọi tiềm năng sẵn
có ở mỗi con người, thì doanh nghiệp phải có những chiến lược định hướng cụ thể. Một
trong những định hướng quan trọng là rèn luyện nhân cách của mọi thành viên trong
doanh nghiệp. Điều này thể hiện đến việc xây dựng môi trường nhân văn, nhân bản của
Công ty. Bởi vì mọi thành viên trong doanh nghiệp sống và làm việc trong bầu không
khí hoà thuận, vui tươi, đoàn kết giúp đở lẫn nhau chắc rằng hiệu suất công tác sẽ được
nâng lên rõ rệt. Ngược lại, nếu nội bộ doanh nghiệp lục đục, mất đoàn kết, thiếu sự cộng