Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

ĐỀ TÀI " MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG Ở VIỆT NAM " pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (154.26 KB, 4 trang )


1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG Ở VIỆT NAM
TS. Võ Đại Lược

Cơ sở hạ tầng có thể được hiểu là hệ thống giao thông vận tải - đường bộ,
đường sông, đường biển, đường sắt, đường hàng không, đường ống; Hệ thống
liên lạc viễn thông, hệ thống cung cấp năng lượng, nước, v.v… Hệ thống cơ sở
hạ tầng hiện đại có một tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của mọi
nền kinh tế, vì nó đảm bảo vận tải nhanh chóng với chi phí thấp, đảm bảo các
quan hệ liên lạc thông suốt kịp thời, cung cấp đủ điện nước cho toàn bộ hoạt
động của nền kinh tế đất nước… Chính vì tầm quan trọng như vậy, nên các quốc
gia phát triển đã ngay từ đầu ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại trong một
thời gian ngắn 20-30 năm, tạo ra những tiền đề cho sự bứt phá phát triển. Từ
thực tế phát triển cơ sở hạ tầng của các quốc gia trên thế giới và của Việt Nam,
có thể có một số nhận xét sau:
Thứ nhất, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phải được xem trọng trước
hết. Nếu chậm làm công tác quy hoạch, hoặc quy hoạch không đúng sẽ dẫn tới
những tổn thất khó lường. Trên thế giới ngay cả ở những nước phát triển như
Nhật, Mỹ cũng đã từng xây dựng những con đường mà dường như không có
người đi.
Cơ sở hạ tầng phải được quy hoạch ưu tiên cho những vùng nào?
Quan trọng nhất và trước hết phải ưu tiên quy hoạch cơ sở hạ tầng cho các
tuyến hàng đầu của đất nước. Việt Nam đã có đường cao tốc lớn nhất, hoành
tráng nhất - đó là trục Thăng Long, từ Hoà Lạc về Hà Nội. Nhưng đây không
phải là một tuyến phát triển, phát triển công nghiệp ở đây là không thích hợp,
công nghệ cao không cần đường cao tốc, mà cần sân bay, phát triển đô thị cũng
không dễ vì khi công nghiệp, dịch vụ, thương mại không phát triển, thì làm gì có
đô thị. Hai tuyến phát triển quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay là Hà Nội –
Hải Phòng, Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu – cho tới nay dù đã được quy
hoạch, nhưng chưa đúng tầm và đã chưa được Nhà nước xem trọng.


Trong công tác quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng Việt Nam hiện còn nhiều
khiếm khuyết như: thiếu quy hoạch đồng bộ tổng thể, thiếu hợp tác liên kết với
các tổ chức quy hoạch hàng đầu thế giới, việc làm quy hoạch có tính khép kín
trong các ngành và lĩnh vực có tính kỹ thuật, thiếu một tầm nhìn kinh tế tổng
thể, v.v…

2
Để khắc phục những khiếm khuyết trên đây, cần phải xem xét và định
hướng lại công tác quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
Trước hết chính phủ cần lập một tổ tư vấn liên ngành nghiên cứu xác định
một hệ quan điểm phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam trong 20 năm tới và có tầm
nhìn 30 năm. Hệ quan điểm phát triển cơ sở hạ tầng, không chỉ xác định những
quan điểm phát triển cho từng lĩnh vực, quan trọng hơn là những quan điểm phát
triển cơ sở hạ tầng có tính liên hoàn, phối hợp. Trong tổ tư vấn này không chỉ
gồm quan chức, mà cần các chuyên gia độc lập (tránh tình trạng bị các nhóm lợi
ích chi phối), không chỉ gồm các nhà kỹ thuật, mà còn phải có cả các nhà kinh
tế.
Hệ quan điểm phát triển trên đây sẽ được Chính phủ xem xét quyết định, và
đây sẽ là cơ sở để các ngành xây dựng các quy hoạch cho mình.
Cần có sự hợp tác với các cơ quan tư vấn quy hoạch hàng đầu thế giới, để
tiếp cận các ý tưởng quy hoạch mới mẻ, để nhờ họ đánh giá, phản biện các bản
quy hoạch của các ngành. Điểu này sẽ đảm bảo cho các bản quy hoạch Việt
Nam có tính hiện đại hơn.
Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng phải ưu tiên tập trung trước hết ở hai
tuyến phát triển kinh tế trọng điểm quan trọng nhất. Hai tuyến này là Hà Nội –
Hải Phòng, Hồ Chí Minh – Vũng Tàu. Hai tuyến phát triển này cần sớm có
đường bộ cao tốc hiện đại, đường sắt tốc độ cao hai chiều, đường sông, sân bay
quốc tế hiện đại, cảng nước sâu… Đi theo hai tuyến phát triển này sẽ là những
chuỗi đô thị liên hoàn với các khu công nghiệp. ở mỗi tuyến phát triển cần xây
dựng những cửa mở liên thông với khu vực và thế giới - đó là những khu kinh tế

tự do. Từ thực tế hai tuyến phát triển này mà mở thêm các tuyến phát triển ở
miền Trung.
Thứ ba, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng cơ sở hạ
tầng trên các phương diện:
- Xây dựng quy hoạch phát triển, giải phóng mặt bằng.
- Đầu tư xây dựng những công trình sau đó, nhượng lại cho tư nhân quản lý
khai thác, nhà nước rút vốn ra làm các công trình khác. Đây là phương thức rất
hiệu quả mà nhiều nước đã làm.
- Trong một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Nhà nước có vai trò độc quyền,
nhưng nhà nước phải vận hành theo các nguyên tắc của thị trường, chẳng hạn
định giá điện, giá nước, giávé máy bay, v.v… phải theo thị trường – có thể lấy
giá thị trường khu vực làm chuẩn để điều chỉnh phù hợp.

3
- Việc huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân vào xây dựng cơ sở hạ
tầng theo các hình thức BOT, BT … là hoàn toàn cần thiết, đã và đang bắt đầu
được áp dụng ở Việt Nam.
- Trong một số lĩnh vực có thể huy động cả vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt
là năng lượng, tuy nhiên cần có hình thức phù hợp, đảm bảo lợi ích hợp lý cho
các nhà đàu tư.
Thứ tư, định hướng phát triển giao thông vận tải nên theo các hướng sau:
- Trước hết các đường giao thông nên trước hết theo hướng Đông – Tây,
hướng ra các cảng biển.
- Vận tải hàng hoá phải lấy vận tải đường biển là chính, Việt Nam có 3260
km bờ biển với hàng chục cảng biển nối với nhiều con sông vào sâu nội địa. Vận
tải thuỷ, pha sông biển, đa phương thức kết hợp phải là định hướng chính, vừa
đảm bảo chi phí thấp, vừa giảm tải cho các tuyến đường bộ, đường sắt.
- Hệ thống đường sắt phải được hiện đại hoá theo hướng nâng tốc độ tàu
chạy trên 100 km.giờ, với hai chiều, xây thêm các tuyến đường sắt mới theo
hướng Đông Tây, trước hết là Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu.

- Hệ thống vận tải hàng không phải được điều chỉnh theo hướng – liên kết
với các hãng hàng không quốc tế mở thẳng đường bay từ Hà Nội, Hồ Chí Minh
đến tất cả các thành phố lớn trên thế giới, cần có phương án mở cửa bầu trời cho
vận tải hàng hoá quốc tế, xây dựng một số sân bay quốc tế hiện đại – có thể kêu
gọi vốn FDI ngang tầm khu vực.
Thứ năm, quy hoạch phát triển đô thị phải theo quy hoạch phát triển hạ
tầng cơ sở.
Các đô thị Việt Nam hiện phát triển đã vượt qua các hạ tầng cơ sở, đô thị
hoá đã đi xa hơn tốc dộ phát triển hạ tầng cơ sở. Tình trạng tắc nghẽn giao
thông, thiếu điện, thiếu nước là điều khó tránh khỏi.
Do vậy quy hoạch phát triển hạ tầng cơ sở phải đi trước, và quy hoạch xây
dựng đô thị phải dựa trên quy hoạch hạ tầng cơ sở.
Nhà nước phải thu lại những giá trị gia tăng của đất đai khi có cơ sở hạ
tầng hiện đại. Một nghịch lý ở nhiều đô thị Việt Nam là Nhà nước bỏ tiền làm
đường, mắc điện, cấp nước, … nhưng giá đất hai bên đường đó tăng lên bao
nhiêu dân hưởng tất cả. Do vậy, cần có chính sách điều tiết để nhà nước có thể
thu hồi một phần lớn giá trị gia tăng bù vào chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng của
Nhà nước.

4
Thứ sáu, đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng phải theo các nguyên
tắc của thị trường.
- Đấu thầu trong nước và quốc tế là một nguyên tắc phải được tôn trọng.
Các quy chế đấu thầu phải theo thông lệ quốc tế và phải do một hội đồng tư vấn
liên ngành xây dựng, có ý kiến phản biện độc lập của một số cơ quan.
- Các hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng phải theo nguyên tắc lấy thu bù
chi, giá cả dịch vụ phải dựa vào chuẩn giá quốc tế để điểu chỉnh.
- Cần có vai trò chủ đạo của Nhà nước trên các mặt quy hoạch, quản lý,
điều hành, đầu tư vốn.
Kết Luận:

Cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng không ai phủ nhận.
Nước ta đã trải qua 20 năm đổi mới, nhưng mới có mấy chục km đường
cao tốc, hệ thống đường sắt lạc hậu, vận tải biển kém phát triển, nguy cơ thiếu
điện thường xuyên xảy ra, tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị khá trầm trọng,
v.v… là những cảnh báo rõ ràng nhất. Nếu tiếp tục để tình trạng lạc hậu về cơ sở
hạ tầng kéo dài, chắc chắn Việt Nam khó có thể bứt phá vươn lên. Việt Nam cần
một thể chế về phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại mở đường cho một thời kỳ phát
triển mới. Thể chế này phải bao gồm cả luật lệ, bộ máy điều hành quản lý,
phương thức điều hành. Việt Nam có thể học hỏi ở một số nước Đông Á như
Hàn quốc, Nhật Bản, và một số nước phương Tây khác.




×