ĐỀ TÀI :RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH TIỂU HỌC.
I/ LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Đất nước ta hiện đang trong thời kì đổi mới, từng bước tiến lên CNXH. Mọi
ngành nghề đều phải thực hiện đổi mới một cách triệt để, toàn diện. Trong đó
ngành giáo dục phải được đặt lên vị trí hàng đầu. Trong những năm gần đây, việc
đổi mới SGK được thực hiện rất tốt tuy nhiên việc giáo dục đạo đức cho học sinh
cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.Vì tiểu học là bậc học nền tảng, cơ bản cho
các cấp bậc sau, nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học phải được tất cả
lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường thực hiện. Song giáo viên chủ nhiệm
là người trực tiếp được nhà trường phân công phụ trách và là người chịu trách
nhiệm chính trong việc tổ chức và thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học
sinh lớp mình.
II/ NHỮNG BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1/ Cần tìm hiểu học sinh một cách toàn diện và sâu sắc.
Để giáo dục học sinh tốt người GVCN phải hiểu sâu sắc, toàn diện từng em
một, càng hiểu học sinh bao nhiêu thì càng giáo dục các em tốt bấy nhiêu. Vì ở lứa
tuổi các em việc tự ý thức hành vi chưa rõ nét, các em có thể có những suy nghĩ
lệch lạc mà không hề biết việc tìm hiểu học sinh còn có một ý nghĩa khác không
kém phần quan trọng đó là làm cho người thầy giáo gần gũi, thương mến các em
hơn và thực sự trở thành người bạn lớn, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các
em .Và cũng chính từ tình yêu thương đó sẽ giúp cho GVCN có trách nhiệm và
sáng tạo ra những hình thức giáo dục có hiệu quả hơn. Tôi thường tìm hiểu học
sinh bằng các cách sau:
Xem qua lí lịch, học bạ …để nắm được phần nào gia đình và học lực của học
sinh qua bạn bè, người thân hoặc người hàng xóm của các em. Đặc biệt là với
GVCN cũ. Cách tìm hiểu này theo tôi thí đạt hiệu quả rất tốt .
Tìm hiểu học sinh qua từng thói quen ,hoạt động của học sinh ở lớp như :sinh hoạt
15 phút đầu giờ, giờ ra chơi ,những buổi lao động, sinh hoạt đội, sinh hoạt ngoại
khóa …trong cách tìm hiểu này tôi đã giúp đỡ được một học sinh cụ thể như sau:
Năm học này tôi chủ nhiệm lớp 2 – là lớp có nhiều học sinh nghịch ngợm .Tuy
nhiên, qua quan sát giờ sinh hoạt ngoại khóa và giờ ra chơi tôi phát hiện một học
sinh ( có thể gọi là A ) . A là một học sinh nam, học lực trung bình mà theo như
GVCN cũ thì tôi cần nghiêm khắc với A nhiều hơn .A hay chọc phá và có khi đánh
bạn. Qua nhiều lần quan sát và trong quá trình học tập tôi nhận thấy A không hoàn
như những nhận xét trước về em. Em có năng lực quản lí và điều khiển các bạn nếu
như làm cho em bớt hung hăng đi. Thế là trong lần họp ban cán sự lớp tôi đề nghị
đặt thêm lớp phó nề nếp. Tôi đã nói chuyện với A, phân tích rõ cho A biết cần phải
làm thế nào để trở thành một cán sự tốt .A nghe và tỏ ra rất vui vẻ, tôi còn nhấn
mạnh thêm rằng nếu như em làm tốt công việc của mình và chăm chỉ học tập có thể
em sẽ trở thành học sinh giỏi. Kể từ đó, tôi thường xuyên động viên, quan tâm A
nên những việc làm tốt của A trước lớp và đề nghị lớp tuyên dương. Dần dần A trở
nên ngoan hơn và học ngày càng tiến bộ hơn, cuối HKI em được khen thưởng
HSTT và đến cuối năm học thì A chính thức trở thành một trong những học sinh
giỏi của lớp.
Một cách tìm hiểu nữa là phải thường xuyên đến thăm và trao đổi với phụ huynh để
tạo sự liên hệ mật thiết giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh có hoàn cảnh khó
khăn, neo đơn …để kịp thời giúp đỡ .
2. Phải xây được một tập thể lớp đoàn kết .
Biện pháp này có tác dụng bồi dưỡng cho các em lòng yêu thương con người,
có tinh thần tập thể và đây chính là biện pháp tạo nền móng cho các biện pháp giáo
dục khác. Qua nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp tôi thấy rằng : chỉ khi nào
xây dựng được một tập thể đoàn kết thì các biện pháp giáo dục khác mới đạt hiệu
quả cao.Để thực hiện được điều này cần phải :
a. Tạo điều kiện cho các em hiểu nhau :
Qua việc tìm hiểu từng học sinh tôi giới thiệu với cả lớp biết những điều đáng
chú ý của các em (không nêu nhược điểm ) .Ví dụ như em A đã nói ở trên, tôi giới
thiệu là A rất có khả năng quản lí lớp.
Đối với học sinh bị bệnh nghỉ học, tôi tổ chức cho cả lớp đi thăm và phân công học
sinh đến nhà giảng lại bài cho bạn.
Đối với học sinh thiếu thốn tình cảm hay e dè, rụt rè, nhút nhát tôi thường xuyên
trò chuyện gợi mở cho các em, tạo không khí vui vẻ khuyến khích nhiều học sinh
tham gia.
b.Khuyến khích động viên ,lôi cuốn các em vào những hoạt động chung
của lớp:
Một phẩm chất của con người mới là có tinh thần tự giác ,tự ý thức ,có thể
làm chủ tập thể , làm chủ cuộc sống .Muốn có phẩm chất ấy từ khi là học sinh tiểu
học phải giáo dục cho các em nhận thức được mọi công việc của tập thể mình đều
phải có trách nhiệm, những việc làm đó có thể là những công việc rất nhỏ nhưng
nếu lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ được khắc sâu. Chẳng hạn như trong những buổi
sinh hoạt chủ nhiệm ,sinh hoạt sao…tôi luôn luôn tạo cho các em một sân chơi lành
mạnh, vui vẻ…Tôi kể cho các em nghe những câu chuyện về lòng nhân hậu, tình
đoàn kết ,nói cho các em biết về tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân
tộc ta…hoặc tổ chức những trò chơi mang tính tập thể .Mỗi khi nhà trường có
những hoạt động nào tôi đều khuyến khích các em tham gia, tuyên dương những
học sinh có đóng góp nhiều trong các hoạt động đó như : văn nghệ, góp giấy vụn
ủng hộ người nghèo …đều thu được kết quả cao.
c.Tổ chức lớp giúp đỡ học sinh khó khăn :
Trong một lớp học có nhiều thành phần học sinh khác nhau . Để cho các em
đoàn kết gắn bó hơn tôi đề ra một biện pháp thi đua như sau : Đối với những học
sinh khó khăn về vật chất tôi đề nghị lớp làm “kế hoạch nhỏ”: Góp giấy vụn và
những vật dụng mình không dùng nữa đem bán và mua thêm sách vở ,bút thước
,nón ,dép…cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc học tập
tôi phân công học sinh khá giỏi kèm thêm ở nhà (hình thức nhóm địa phương
,những học sinh nhà gần nhau thì lập thành 1 nhóm ).Cứ mỗi cuối tháng sẽ tổng
kết một lần và tuyên dương những học sinh có tiến bộ, những nhóm học tập đạt
chất lượng …
3/ Giúp học sinh thoát khỏi tính tự ti , thụ động :
Đối với những học sinh này GVCN cần nhẹ nhàng ,động viên, khích lệ các
em từ từ ,tránh nóng vội sẽ làm các em hoảng sợ và càng ì thêm. Nên kể những
mẩu chuyện về gương tốt, việc tốt, những câu chuyện về tấm gương vượt khó …
sau, mỗi lần kể tôi đều phân tích cặn kẽ nhằm hình thành cho các em một suy
nghĩ : con người sống phải có mục đích ,có ước mơ ,hoài bão của mình phải luôn
nhiệt tình từ việc lớn đến việc nhỏ, khi gặp khó khăn phải có ý chí vươn lên .Và
luôn luôn nói với các em rằng ,các em sẽ làm được tất cả nếu từ bây giờ các em bắt
tay vào làm .Điển hình như em học sinh nữ (có thể gọi là em B). B học khá nhưng
rất nhút nhát và thụ động, trong giờ học ít khi phát biểu ý kiến ( dù tôi biết là B biết
trả lời ).Hôm ấy trong giờ kể chuyện tôi yêu cầu học sinh phải đóng vai kể lại câu
chuyện và chọn B vào vai công chúa .B không chịu vì bảo rằng mình không biết
đóng .Tôi đã thuyết phục B rất lâu, bảo B cứ sắm vai theo câu chuyện, hãy nhớ
những lần sắm vai trước của các bạn . B ngại ngần rồi đồng ý . Kết quả, không hay
lắm nhưng tôi thấy B rất mừng .Tôi lại khen ngợi B đã mạnh dạn, tự tin hơn trong
những lần phát biểu ý kiến.
4/ Tạo điển hình và xây dựng truyền thống của lớp:
Một phẩm chất cao quý nữa của con người mới là không ngừng vươn tới
hoàn thành tốt nhiệm vụ này, đến nhiệm vụ kia mới lòng tin ở mình, ở tập thể. Hầu
như học sinh ở nông thôn vốn tự ti nên phần nào hạn chế khả năng phát huy tính
tích cực của các em. Vì vậy, tôi thường đặt ra cho lớp những nhiệm vụ khác nhau
tùy thuộc vào điều kiện và thời điểm . Đầu tiên tôi tổ chức cho học sinh ngày lao
động ,xây dựng lớp: Cho học sinh tự nhận xét tình hình lớp học và tự trang trí ,sửa
sang lớp cho sạch sẽ ,ngăn nắp để rèn cho các em tính cẩn thận và tính tổ chức .
Thứ hai ,tôi yêu cầu học sinh phải thực hiện đúng các nội quy ,quy định của trường
và xếp thứ nhất trong tuần thi đua của trường .
Thứ ba, tôi xác định rõ nhiệm vụ quan trọng nhất mà các em phải đạt được là tự
nâng cao kết quả học tập của chính mình cụ thể là :
-Yếu vươn lên trung bình .
-Trung bình vươn lên khá giỏi.
-Khá vươn lên giỏi.
Và cuối năm mọi học sinh trong lớp đều được xếp loại hạnh kiểm đạt ( thực hiện
đầy đủ ) đạt danh hiệu lớp nề nếp, lớp tiên tiến .
Khi sử dụng phương pháp này tôi nhận thấy học sinh trở nên tự tin hơn, ý thức
tự giác được nâng cao đạt kết quả như tôi mong muốn .
III/ HIỆU QUẢ VÀ KHẢ NĂNG PHỔ BIẾN ỨNG DỤNG VÀO THỰC TIẾN
Qua thực tế làm công tác chủ nhiệm lớp trong những năm qua ,tôi nhận thấy :
-Phẩm chất đạo đức tốt luôn luôn có trong con người các em,chúng ta phải
biết cách để các em có điều kiện bộc lộ,hướng các em có suy nghĩ đúng đắn.
Muốn làm tốt công tác giáo dục đạo đức ,GVCN lớp cần phải hiểu sâu sắc và toàn
diện từng học sinh ,hoàn cảnh sống và tâm sinh lí của các em.Tôn trọng và yêu
thương các em với một tình cảm chân thành ,trong sáng .
-Hình thức giáo dục cần phong phú, nhiều vẻ tránh lý thuyết chung chung,
chú trọng những hình thức sinh hoạt ngoài giờ, khi chọn biện pháp phải là biện
pháp giáo dục hoặc phải có tác động đến tư tưởng ,tình cảm của học sinh. Đặc biệt
phải kiên trì, nhẹ nhàng thuyết phục, tránh nóng vội sẽ không đạt hiệu quả giáo dục
và còn làm tổn thương đến học sinh.
Trong từng biện pháp giáo dục cần tiến hành theo trình tự : Nâng cao nhận thức –
hành động –giải thích –rút ra bài học.
- Muốn làm tốt công tác giáo dục đạo đức, người GVCN cần phải rèn luyện
nhiều mặt và có một vốn hiểu biết phong phú .
Trên đây là một số kinh nghiệm ít ỏi tôi rút ra được từ nhiều năm làm công tác chủ
nhiệm. Song tôi hiểu rằng đó là những phương pháp tối ưu. Và tôi cần phải học hỏi
thêm nhiều hơn nữa từ đời sống, từ đồng nghiệp để tăng thêm vốn hiểu biết, kinh
nghiệm để phục vụ công tác giáo dục tri thức và đạo đức đạt hiệu quả cao hơn.
IV/KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC :
Áp dụng các biện pháp này đạt hiệu quả cao.
Cuối năm học , học sinh đều đạt 100% thực hiện đầy đủ và các em đều có những
hành vi đạo đức tốt thể hiện qua hành vi và lời nói.
Tân hải, ngày 28 tháng 12 năm 2010
Người viết
Hà Văn Lâm
Xét duyệt của BGH trường Xét duyệt của P.GD thị xã Lagi