Thai Kỳ và Một số Bệnh Lý rối loạn
hệ Tiêu Hóa thường gặp
(Kỳ 1)
A-TỔNG QUAN: Các rối loạn ở hệ tiêu hóa (RLTH) là một trong những
than phiền thường gặp nhất của phụ nữ khi mang thai. Một số phụ nữ có những
RLTH chỉ gặp duy nhất lúc có thai. Số khác đã bị sẵn các RLTH mạn tính sẽ cần
đến những chăm sóc đặc biệt trong thai kỳ.
Nắm vững các vấn đề đa dạng về tiêu hóa khi có thai sẽ giúp việc chăm sóc
được tối ưu. Bài viết này xin được đề cập đến các triệu chứng tiêu hóa thường gặp
ở thai phụ và những bệnh lý tiêu hóa mà việc xử trí cũng khá nan giải trong lúc
mang thai.
B- BUỒN NÔN VÀ NÔN
1- Tỷ lệ mắc bệnh
Buồn nôn, có hoặc không kèm theo nôn ói, thường thấy ở giai đoạn đầu của
thai kỳ.
Buồn nôn xảy ra ở 50-90% trường hợp có thai, trong khi nôn ói thường đi
kèm với 25-55% trường hợp.
2- Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố tăng nguy cơ nôn ói gồm trẻ tuổi, béo phì, thai lần đầu và hút
thuốc. Buồn nôn có khuynh hướng tái phát ở những lần có thai sau này, mặc dù
thời gian có thể sẽ ngắn hơn.
3- Lâm sàng
- Buồn nôn trong thai kỳ thường tự giới hạn và xảy ra trong 3 tháng đầu ở
91% phụ nữ, thường là ở 6-8 tuần đầu tiên. Trong các thể nhẹ, buồn nôn được gọi
là thai hành vào buổi sáng. Sinh lý bệnh còn chưa rõ ràng.
Được quy cho các thay đổi về nội tiết, các rối loạn vận động của hệ tiêu
hóa, cùng các yếu tố tâm lý xã hội. Khi buồn nôn và nôn kéo dài đến sau 3 tháng
hoặc 6 tháng thì cần phải chú ý tìm thêm những nguyên nhân khác.
- Các nguyên nhân khác gây buồn nôn và nôn bao gồm nhiễm trùng đường
tiết niệu, viêm dạ dày ruột, bệnh lý loét tiêu hóa (PUD), viêm tụy, bệnh lý đường
mật, viêm gan, viêm ruột thừa, suy thượng thận, và tăng áp lực nội sọ. Trong giai
đoạn muộn của thai kỳ, cần chú ý thêm các nguyên nhân khác như đa ối, tiền sản
giật và bắt đầu chuyển dạ.
4- Điều Trị
- Khi các triệu chứng nôn ói ở một thai phụ trở nặng thì nhất thiết phải điều
trị. Các triệu chứng nhẹ có thể được kiểm soát bằng sự trấn an, tránh các yếu tố
làm cho bệnh nặng thêm, và bằng những thay đổi trong chế độ ăn (ví dụ chia thành
nhiều bữa ăn nhỏ; tăng carbohydrate trong khẩu phần; giảm mỡ béo).
- Đối với các trường hợp nặng có thể dùng thuốc chống nôn ói. Có thể sử
dụng meclizine (nhóm B thai kỳ) hoặc promethazine (nhóm C thai kỳ). Chưa thấy
báo cáo có tác dụng nguy hại trên thai nhi; tuy vậy, meclizine và promethazine
không được khuyên dùng thường quy cho thai phụ.
Metoclopramide (nhóm B) có thể được dùng trong thai kỳ. Thuốc chưa
được chứng minh là gây ra dị tật cho thai, tuy nhiên thuốc có thể đi qua nhau và
gây các tác dụng cồn trong máu (alcohol blood effects) ở thai nhi
- Dữ liệu về các tác dụng nguy hiểm đối với thai nhi của những thuốc
chống nôn khác [ví dụ, prochlorperazine (nhóm C), diphenhydramine (nhóm C),
trimethobenzamide] khiến không thể sử dụng chúng trong thai kỳ. Pyridoxine
(vitamin B-6) là một thuốc thay thế để điều trị các bệnh nhân có buồn nôn hoặc
nôn nghiêm trọng
5- Tiên Lượng
Tiên lượng đối với mẹ và con thường là tốt. Thật vậy, các thai phụ có buồn nôn và
nôn nhẹ thường kết thúc thai kỳ thuận lợi hơn so với các thai phụ không bị thai
hành.