Tình yêu trong dân ca của các dân tộc thiểu số Vĩnh Phúc
Trên miền đất trung du Vĩnh Phúc ngày nay còn có một kho tàng
thơ ca dân gian của các dân tộc thiểu số: Sán Dìu, Cao Lan và Dao.
Số người tuy ít so với dân tộc Kinh, song thơ ca của họ nhiều như
lá rừng, cá suối. Càng nghe hát ví, đọc thơ ca của họ càng đắm say.
Người già muốn trở về thời trai trẻ, trẻ con muốn trở thành chàng
trai cô gái để được hát ví giao duyên. Ba dân tộc thiểu số này có ba
kiểu hát ví giao duyên khác nhau: Người Sán Dìu gọi là “Soọng
cô”, người Cao Lan gọi là “Sính ca”, người Dao gọi là “Páo dung”.
Hát ví dao duyên dân tộc nào cũng có, người Kinh có hát xoan, hát
ghẹo, quan họ, ví dặm Nghệ Tĩnh, hò Huế… mỗi dân tộc có cách
hát riêng, song vẫn giống nhau ở hình thức hát đối đáp: Nam - Nữ.
Nhiều khi còn thi nhau tài trí tìm lời hát đáp lại.
Dân tộc Dao ở Lãng Công (Lập Thạch) có bài hát Páo dung Đất và
Nước:
“Đất ở cao ít nước
Đất ở thấp nước nhiều
Người tuổi cao yêu ít
Người tuổi thấp yêu nhau nhiều nhiều…”
(Dân ca Dao)
Ví tình yêu đôi lứa, yêu ít - yêu nhiều giống như nước theo hình
thái tự nhiên “nước chảy chỗ chũng”, ở các lứa tuổi khác nhau ví
như vậy thật là đúng. Tâm lý người cao tuổi quả là chỉ muốn đi tìm
mấy vuông đất đẹp để đến khi nằm xuống cho yên thân. Còn lớp
trẻ thì họ lại hồ hởi đi tìm tình yêu, nhưng tình yêu đâu có dễ dàng
tìm thấy:
“Nước chảy xuống khe nước đợi nước
Mây bay qua núi mây chờ mây
Nước không chờ nước thì suối cạn
Mây không chờ mây thì mây tan…”
(Dân ca Cao Lan)
“Suối cạn - mây tan” ở đời này có ai muốn đâu. Trong tình yêu đôi
lứa, sự tan hợp, chia ly là chuyện thường tình. Hợp rồi không kể
làm gì, nhưng tan rồi họ lại nhớ nhau:
“Nhớ em nhớ
Nhớ em như bạc nhớ vàng
Như hoa nhớ bướm như quang nhớ đòn
Gánh tình đi khắp núi non
Đòn mà bị gãy, quang còn làm chi…”
(Dân ca Cao Lan)
Nói về nỗi nhớ như vậy thật là một “áng thơ vàng” tả về một trạng
thái trong tình yêu đôi lứa. Cũng nói về nỗi nhớ một khoảnh khắc
trong đêm khuya:
“… Đèn tắt là do cạn hết dầu
Thà để đêm đen trong nỗi sầu
Tình buồn chẳng muốn khêu thêm bấc Nhắm mắt hồn mơ đến
em yêu”
(Dân ca Cao Lan)
Cô gái hát đáp lại:
“Không dầu thì em cho thêm dầu
Để cho đèn sáng suốt đêm thâu
Khi đã ngủ rồi coi như chết
Đèn sáng đuổi đi mọi nỗi sầu”
Cái lý của chàng trai cứ để đèn sáng thì “cái ma tình - hồn tình”
không đến “nhập” vào hồn yêu để cùng du hương trong cõi mộng.
Còn người con gái cho rằng đã yêu là yêu thật thà thanh thiên bạch
nhật (như ban ngày), còn mộng mơ vẫn chỉ là mộng mơ mà thôi.
Dân ca dân tộc Sán Dìu cũng có bài về nỗi nhớ:
“Nghĩ lời em nói lòng anh nhớ
Nuốt mãi chẳng trôi ba hạt cơm
Ngủ mãi ba đêm không yên giấc
Làm sao cùng được chung gối chăn ”
Ở dân tộc khác ví lời nói của người yêu như “Oanh vàng thỏ thẻ”
như “dòng nước mát” như những gì đẹp nhất trên đời. Còn ở đây
lại ví “lời em nói’ như “ba hạt cơm” nuốt mãi không trôi thì thật là
mới lạ. Vì sao lại không “nuốt” được hạt cơm - lời em? Câu hỏi
này chỉ có người trong cuộc mới trả lời được. Và rồi khi “nuốt”
được lời rồi, họ đi đến thề thốt:
“Lên non làm nhà không sợ gió
Xuống sông bắt cá chẳng sợ rồng
Ta đã yêu nàng không sợ chết
Bán hết ruộng nương chẳng sợ cùng (bần)”
(Dân ca Cao Lan)
Mỗi dân tộc một vẻ, chàng trai người Dao lại hóm hỉnh ví người
yêu như con mái gà rừng:
“Em như con mái gà rừng
Thoát ra, thoắt lủi ở bờ nương
Cứ việc kiếm mồi quanh nơi ấy
Chẳng có bẫy đâu mà giật mình”
(Dân ca Dao)
Nếu như “Em - mái gà rừng” nhẹ dạ nghe chàng trai cứ nhởn nhơ
“Kiếm mồi ở nơi ấy” thì có ngày “Mắc cái bẫy - tình” của chàng
trai. Cô gái cũng không kém phần tinh ranh:
“Cái bẫy chàng đặt ở kia
Em thấy rồi đấy làm gì được em…”
Khi họ đã “mắc bẫy” nhau rồi thì thật là hạnh phúc.
ở một tâm trạng khác lại có một sự ví von thật là cụ thể:
“Đói bụng chỉ mong một bữa no
No rồi lại đói mối tình em
Cơm cố ăn rồi được no vậy
Đói tình chỉ thấy đói vu vơ…”
Ấy là khi chàng trai chưa có người tình, ví như bị đói bụng thì quả
là thực tế. Mà khi đã “Kiếm được bữa no tình” rồi thì lòng quyết
tâm cao hơn núi:
“Thà rằng bỏ nhà không bỏ em
Anh như hòn đá găm vào đất
Đất đá đời nào rời bỏ nhau”
(Dân ca Cao Lan)
Họ yêu nhau đến mức không muốn người yêu mình nằm ngủ: Bài
“Canh hai”.
“Canh hai gà đã gáy nhiều
Xin đừng ngủ nữa hỡi em yêu
Ngủ rồi hồn vía bay đi mất
Mình anh chết ngất giữa đêm thâu”
(Dân ca Cao Lan)
“Chết ngất” thôi, chứ không chết thật. Chết ngất để “doạ” cho hồn
vía người tình vội vàng quay lại “tỉnh giấc” để cầu cứu cái hồn vía
tội nghiệp kia và rồi hai người lại tiếp tục tự tình cho đến sáng:
(Canh ba).
“Canh ba gà gáy ta tỉnh giấc
Khi đêm làm gì hỡi em yêu”
Thật là táo bạo, đêm khuya giữa núi đồi và trăng, chỉ có hai người
bên nhau họ đã làm gì vượt quá ngưỡng cửa đạo lý rồi chăng?
Nhưng không:
“Đêm qua chàng ngủ say như chết
Để em đuổi muỗi suốt đêm thâu…”
Các chàng trai miền núi thường hay vui bạn bè, quá chén rượu rồi
lăn ra ngủ say như chết, còn khi tỉnh dậy thì trời đã sáng rồi “lá cây
có mắt” ai còn dám làm gì.
Các chàng trai Sán Dìu lại có một ao ước đơn giản:
“Ước sao nhà nàng cạnh nhà tôi
Ruộng dưới ruộng trên cùng cày bừa
Hai ruộng cùng chung một mương nước
Lúa tốt bồ chung đựng thóc đầy”
(Dân ca Sán Dìu)
Nhà ai nấy ở, ruộng ai nấy cày, kết cục hai câu cuối: “Chung
mương nước, lúa tốt bồ chung…” thật bất ngờ. Điều ước này mà
thành sự thật thì còn gì bằng. Song đây mới chỉ là ao ước
Một điều rất lý thú, trong dân ca tình yêu của các dân tộc thiểu số
có lối ví von rất cụ thể lời thơ, lời ca chỉ dựa vào trạng thái thực,
vật thực: Ngôi nhà, chăn gối, đồng ruộng, con chim, đoá hoa, ong
bướm, có khi cả cây hành, củ hệ:
“Hệ chẳng ra hoa vẫn đẻ con
Ngõa một không hoa quả vẫn còn
Anh chẳng có em anh chết héo
Em chẳng có chồng vẫn có con…”
(Dân ca Cao Lan)
Trong thực tế người đàn ông không có vợ làm gì có con, người đàn
bà không có chồng mà vẫn có con, đó là điều trái ngược, nhưng rất
thực tế.
Một bài thơ khác nói về con người - Vũ trụ hoà lẫn vào nhau tạo
thành một thực thể thiên nhiên sống động: Bài “Trăng bay” - Dân
ca Cao Lan.
Dịch ý:
Một mình nằm trên đỉnh núi ngắm trăng
Trăng một mình bay trên trời cao
Dưới kia dòng suối buồn nằm dài
trần truồng không nói
Trăng bay qua bị rơi vào lòng suối
Suối nằm co thành cái vũng ôm trăng
Một mình ta đơn lẻ âu sầu.
Dịch thơ:
“Trăng bay, trời sáng trong cao quá
Suối bạc cởi trần áo cất đâu
Mà ôm trong suối trăng đẹp thế
Để người đơn lẻ ngẩn ngơ sầu ”
Đọc bài thơ này cảm nhận rằng, thời nay hiếm có áng thơ của thi sĩ
nào có sự quan sát tinh tế tài tình đến thế. Bài thơ có thể là của một
thi sĩ vô danh nào đó sáng tác ra rồi được công chúng dân gian
chấp nhận, nhớ chép lại lưu truyền cho đời sau, trở thành bài thơ ca
dân gian hay vào loại: “Trung thi trác tuyệt”.
Đọc thơ ca dân gian về tình yêu của các dân tộc thiểu số quả là
đọc, nghe hát “Hết ngày dài đến đêm thâu” cũng không hết, không
chán. Càng đọc càng đắm say đôi khi đến lạ lẫm với những ý thơ,
tứ thơ mộc mạc, chân thật, rất mới, rất cô đọng mà dễ nhớ, dễ
thuộc làm lay động lòng người. Vì thế dân tộc Cao Lan có một vị
nữ thần thơ ca tên là Làu Slam mà họ tôn thờ. Tương truyền rằng
thơ ca của nữ thần sáng tác ra hát ba mươi sáu ngày đêm không
hết: Có bài ca ngợi vị Nữ thần này (tiếng Cao Lan):
“Hống trí sắt sợp Slụi sờu sư cứn
Làu Slam pát slụi sờu co lài
Sờu hậy sờu lài slam lộc dì
Sừu háy hù senh sịnh co quai…”
Dịch ý:
Khổng Tử bảy mươi tuổi mới viết sách
Làu Slam tám tuổi đã làm thơ ca.
Viết đi chép lại được ba mươi sáu đêm hát
“Ba mươi sáu tập sách hát ví”
truyền lại cho đời sau hát không bao giờ hết.
Đây là hình tượng văn học dân gian độc đáo của dân tộc Cao Lan.
Thực chất vị Nữ thần này chính là trí tuệ thơ ca của một dân tộc đã
biến thành Nhân thần được đời sau mãi mãi tôn thờ; đây cũng là
tinh hoa văn hoá dân tộc trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát
triển.
Lâm Quý