Tải bản đầy đủ (.pdf) (21 trang)

Bài học quản trị thương hiệu potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (247.69 KB, 21 trang )

Bài học quản trị thương hiệu từ 7
ngày ở Nutifood
Nutifood cũng gặp một cuộc khủng hoảng vào năm 2004 và
được kiểm soát trong vòng 7 ngày. Ở đây, câu chuyện được
kể lại dưới hình thức Nhật ký, để bạn đọc có thể hình dung
câu chuyện thực tế với đầy đủ cảm xúc. Xin nói thêm, việc
giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến một số cá nhân
mà tôi không thể nêu tên của họ


Thứ Bảy, ngày 2/10/2004
Hôm đó là ngày thứ hai tôi nhậm chức Phó Tổng Giám đốc phụ
trách kinh doanh ở Nutifood. Và ngay buổi sáng, một bài báo trên
Sài Gòn Giải Phóng tiết lộ những thông tin từ Thanh tra Sở Y tế
kết tội BS Nguyễn Thị Kim Hưng đã khuấy động bầu không khí ở
Nutifood.
Xuất phát từ một xưởng sản xuất ca ba của Công Đoàn Trung
tâm Dinh dưỡng TP HCM, lúc đó do BS Nguyễn Thị Kim Hưng
làm Giám đốc, nên bài báo này là một đòn nặng nề giáng vào
người cầm lửa, và là nguồn cảm hứng kinh doanh của công ty.
Việc đó dĩ nhiên là gây nhiều xáo trộn và đồn đoán ngay trong nội
bộ công ty. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập. Một mặt, việc
động viên tinh thần cho toàn bộ CBCNV được triển khai, một mặt,
việc thông tin với báo chí được quy về một đầu mối do tôi phụ
trách.
Cả công ty bị bao phủ bởi một bầu không khí u ám. Không biết
chuyện gì xấu hơn sẽ tới.
Thứ Hai, ngày 4/10/2004
Buổi sáng, khi lái xe trên đường đến công ty, tôi nhận được một
cuộc điện thọai. Tấp ngay vào lề đường, tôi mua tờ báo Tuổi Trẻ.
Chuyện dữ nhất đã đến: ngay trên trang 2 là một bài báo nguyên


trang về Trung Tâm Dinh Dưỡng, mà trong đó có một dòng chữ
liên quan đến Nutifood: “Thanh tra (Sở Y tế) đề nghị phải làm rõ
việc Công ty NutiFood sử dụng sữa nguyên liệu kém phẩm chất,
nhập từ nước ngoài (Úc) vào Việt Nam để chế biến sữa thành
phẩm”. Bài báo do phóng viên trang Y tế của tờ báo là LTH ký
tên.
Dĩ nhiên, cách viết của PV là không khẳng định, nhưng cho dù
vậy, thì với số lượng độc giả khổng lồ của tờ báo này, hẳn bạn
hiểu ngay tác dụng của nó. Với mọi người trong công ty, cảm
giác thảm họa, phẫn uất lẫn bất lực đều hiển hiện. Mọi người im
lặng, chờ đợi.
Và chúng tôi không phải đợi lâu.
Thị trường phản ứng hầu như tức thì. Các chợ và hệ thống bán lẻ
tràn ngập thông tin và hàng được trả về cùng nhiều lời miệt thị
cay độc. Các đơn hàng đã đặt bị ngưng ngay. Một số nhà phân
phối (NPP) ở các tỉnh đề nghị hủy bỏ hợp đồng phân phối.
Ngay sáng hôm đó, bị tác động mạnh bởi bài báo, một bà mẹ
bước vào Trung tâm Dinh dưỡng (TTDD), tay cầm gói sữa vứt
xuống sân, lấy chân chà đạp lên, khóc và chửi rủa, cho rằng bà
đã là khách hàng trung thành của công ty, đã nuôi những đứa
con của bà bằng sữa của công ty, và tại sao công ty lại phản bội
lòng tin của bà.
Buổi chiều, đến lượt kênh giáo dục báo tin xấu. Các trường mầm
non hiển nhiên đều đã ngưng hợp đồng nhận sữa của công ty từ
buổi sáng, nhưng chuyện tồi tệ hơn đã xảy ra ở một số trường:
các phụ huynh trong giờ đón con đã bao vây ban Giám hiệu, đặt
câu hỏi về vấn đề mua sữa của Nutifood.
Mỗi 15 phút, chúng tôi nhận được một tin xấu. Đến chiều, thì
chúng tôi không đủ sức để phản ứng trước chúng nữa, ngay cả
những tin kiểu như “các đối thủ cạnh tranh photocopy bài báo, rải

khắp các chợ và hệ thống cửa hàng lớn”.
Điều chúng tôi phải làm, đó là thành lập ngay Ban Kiểm soát
khủng hoảng. Tôi đứng ra nhận trách nhiệm chuẩn bị chiến lược
và kế hoạch. Trong tức thời, khi chưa có toan tính gì khác, chúng
tôi tập trung vào việc động viên tinh thần cho CBCNV, và chuẩn
bị sắp xếp các hồ sơ, chứng từ nguồn gốc, quy cách kiểm tra
chất lượng nguyên liệu đầu vào để làm bằng chứng sẵn khi nói
chuyện với giới báo chí.
Sau cuộc họp, mặc dù chưa có một kế hoạch gì trong đầu, nhưng
tôi quyết định hành động ngay. Một mặt, tôi gửi thư cho Ban Biên
tập báo Tuổi trẻ đề nghị hẹn gặp ngay sáng mai, một mặt, tôi gọi
điện ngay cho những người bạn trong giới báo chí. Tổng cộng là
12 người, đang là phóng viên hoặc trưởng ban của nhiều tờ báo
khác nhau. Tôi đến gặp họ và giải thích rõ thảm họa của công ty
tôi đang đối mặt, với yêu cầu họ, với tư cách bạn bè, hãy giúp tôi,
giúp công ty.
Tối Thứ Hai, ngày 4/10/2004
Cuộc gặp với bạn bè trong giới báo chí giúp tôi nhìn rõ hơn bức
tranh tổng thể. Vấn đề của Nutifood là vấn đề nóng, và chắc chắn
mọi tờ báo đều bị áp lực phải viết bài về nó. Vì thế, tôi xác định rõ
việc đầu tiên phải làm là “rút bớt củi ra khỏi lò lửa đang cháy”.
Sau cuộc gặp, tôi ở lại cùng một phóng viên – người bạn chí cốt,
và nhanh chóng thiết lập một hệ thống thông tin nóng với bạn bè
ở 5 tờ báo lớn: Thanh Niên, SGGP, Người Lao động, Công An và
Pháp Luật TP HCM. Qua hệ thống này, chúng tôi biết mỗi báo sẽ
viết gì về Nutifood ngay hôm sau hoặc hôm sau nữa.
Việc của chúng tôi là phải “tách câu chuyện của Nutifood ra khỏi
vấn đề của TTDD”. Điều đó có nghĩa là chúng tôi phải tìm cách
xóa tên Nutifood ra khỏi các bài báo về TTDD nếu thực tế cho
phép, hoặc đề nghị các PV hay BBT đề cập tới Nutifood trên một

góc độ khác hơn là “vấn đề nguyên liệu”.
Nếu các bạn hiểu về môi trường báo chí, thì các bạn có thể hình
dung đây là nhiệm vụ khó khăn ra sao. Mà về việc này, tôi tiếc là
không thể kể ra chi tiết hơn.
Đêm Thứ Hai, ngày 4 rạng sáng ngày 5/10/2004
Sau khi sắp xếp xong công việc với báo chí, tôi trở về nhà.
Nhiệm vụ mà tôi phải hòan thành trước khi trời sáng là vạch ra
một chiến lược kiểm soát khủng hoảng có bài bản, được sắp xếp
thành từng bước với mục tiêu rõ ràng. Và tôi không thể tính toán
sai, vì nếu sai, thì công ty có thể sụp đổ.
Đó là một trách nhiệm vô cùng nặng nề.
Tôi phải đối mặt với trách nhiệm đó. Phân tích mọi thứ, cân nhắc
mọi thứ, tự kiểm chứng mọi thứ. Hòan toàn cô độc với mình, nếu
không tính đến một chai rượu Chivas và gói thuốc 555.
Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: “Một người khi bị đặt vào vòng nghi
vấn, thì phải lên tiếng càng sớm càng tốt, cho dù chỉ là nói “tôi ở
đây, tôi không trốn chạy trách nhiệm," vì im lặng sẽ bị coi là đồng
ý với những nghi vấn đó”.
Ý nghĩ tiếp theo của tôi là “Một người bị coi là nghi can, thì không
có tư cách lên tiếng thuyết phục công luận hãy tin vào mình” vì
thế, tôi cần những tiếng nói khách quan làm công việc thuyết
phục đó.
Ý nghĩ nữa là “Các doanh nghiệp bị đặt ở thế yếu, dễ bị tổn
thương trước báo chí, nên buộc phải vận dụng mọi cách có thể
để thanh minh cho mình”.
Đến sáng, khi chai rượu gần cạn, thì kế hoạch của tôi cũng đã
hình thành rõ ràng gồm 5 bước, mà bước đầu tiên, tôi đã thực
hiện trước khi có kế hoạch:
 Bước 1: Tích cực vận động báo giới để tách vấn đề
Nutifood ra khỏi câu chuyện phức tạp của TTDD.

 Bước 2: Bằng quảng cáo, lên tiếng yêu cầu công luận chờ
đợi tiếng nói khách quan của các cơ quan có thẩm quyền.
 Bước 3: Tổ chức họp báo để những bên có trách nhiệm lên
tiếng giúp.
 Bước 4: Sử dụng quảng cáo để khuếch đại các kết quả của
cuộc họp báo.
 Bước 5: Đưa tiếng nói của cơ quan có thẩm quyền cao
nhất, tức Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm lên quảng cáo.
Với những bước đó, thì kịch bản trong đầu tôi đóng khung vào
một mục tiêu tối hậu: làm sao để chính tờ báo Tuổi Trẻ lên tiếng
cho chúng tôi, và chúng tôi có thể đưa được thông điệp của mình
lên chính tờ báo này.
Mà bước cụ thể đầu tiên là cuộc hẹn với BBT của báo.

Thứ Ba, ngày 5/10/2004
Chín giờ sáng, tôi cùng BS Trần Thị Lệ - Tổng Giám đốc, đến gặp
BBT báo Tuổi Trẻ. Trên đường đi, tôi hình dung ra cuộc gặp và
thống nhất với BS Lệ những chuyện sẽ nói.
Tiếp chúng tôi ở Tòa sọan là nhà báo Thu An, trưởng ban Chính
trị - Xã hội của tờ báo. Nhìn gương mặt đầy ý chí bảo vệ phóng
viên và quyền thông tin độc lập của tờ báo, tôi tự trấn an “sẽ ổn
thôi”.
Theo đúng kịch bản, BS Lệ trình bày về hậu quả của những dòng
viết trên báo với công ty, rằng “công ty đứng trên bờ vực phá sản,
1000 CB CNV đứng trên nguy cơ bị thất nghiệp…” BS Lệ kết thúc
bằng những giọt nước mắt, và thực sự làm cho nhà báo Thu An
trở nên lo lắng, bất an.
Lúc đó, tôi mới lên tiếng “chúng tôi có đầy đủ bằng chứng chứng
minh dòng viết trong bài báo là thiếu trách nhiệm, và với những
thiệt hại to lớn như thế, chúng tôi có thể kiện quý báo ra tòa án

Kinh tế. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn làm chuyện đó, chỉ
mong quý báo hợp tác cùng chúng tôi giải quyết hậu quả”. Và tôi
chìa ra bài quảng cáo của công ty, chỉ một trang trắng với dòng
chữ “Tuyên bố của Nutifood: các bạn hãy giữ bình tĩnh, chờ kết
luận của các cơ quan có thẩm quyền”.
Nhà báo Thu An trả lời rằng “thông thường, tờ báo từ chối quảng
cáo của các công ty trong hoàn cảnh tương tự. Nhưng trường
hợp này sẽ được báo cáo lên BBT để xin ý kiến”.
Chị đã thực hiện lời hứa. Sáng hôm đó, tôi nhận được tin rằng
quảng cáo đã được BBT xem xét cho đăng. Ngay sau đó, tôi yêu
cầu cấp dưới book ngay báo Tuổi Trẻ và một loạt các báo khác
từ hôm sau cho 10 ngày kế tiếp. Còn nội dung, thì tôi yêu cầu
chạy trang kêu gọi “giữ bình tĩnh” cho đến khi tình hình phát triển
khác.
Trong ngày, tôi ra lệnh tổ chức họp báo vào sáng Thứ Năm,
7/10/2004. Mọi công việc được tiến hành khẩn trương. Nhà máy
chuẩn bị kỹ phần tài liệu. Một người được cử ra Hà Nội liên hệ
với Cục VSATTP. Một nhà cung cấp nguyên liệu sữa của công ty
đang ở nước ngoài cũng được đề nghị tức tốc về nước.
Còn BS Lệ và tôi lên lịch gặp các tờ báo lớn. Chúng tôi phải vận
động họ, mặt đối mặt với họ, trả lời những câu hỏi của họ, vượt
qua cái nhìn mang định kiến tiếu cực của họ, để hướng sự chú ý
của họ đến những hệ quả to lớn mà sự sụp đổ của Nutifood sẽ
đem đến cho xã hội, cho môi trường kinh doanh.
Trong công ty, mọi người đều im lặng theo dõi những gì chúng tôi
làm.
Thứ Tư, ngày 6/10/2004
Khi bước chân vào công ty buổi sáng, tôi nhận được một tin xấu.
Đến lượt các nhà cung cấp lên tiếng. Họ yêu cầu thanh toán cho
các đơn đặt hàng đã mua, và đòi tiền mặt cho các hợp đồng

tương lai. Không những thế, các ngân hàng cũng đóng băng
ngay các khoản vay đã cam kết. Điều này dĩ nhiên là đặt công ty
vào vị thế là nếu không giải quyết thành công khủng hoảng, thì
nguy cơ phá sản gần hơn bao giờ hết.
Nhưng cũng vào lúc khó khăn đó, mới nhìn thấy ai là bạn thực sự
của mình.
Gần trưa, có vài tin đáng khích lệ đến với chúng tôi. Ngân hàng
HSBC đưa ra đề nghị mở ngay một khoản vay tín chấp cho
chúng tôi, sẵn sàng giải ngân bất kỳ lúc nào, với lời nói “chúng tôi
biết quý công ty đang gặp khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng khó
khăn đó chỉ là tạm thời”.
Và giữa lúc thị trường rối ren, một vài nhà phân phối vẫn bày tỏ
lòng tin với công ty. Họ đích thân ra chợ, trấn an khách hàng bán
lẻ bằng cách cho nợ tín dụng 15 ngày. Ở một địa bàn mà NPP ở
đấy bỏ của chạy lấy người, thì họ đưa nhân viên bán hàng đến,
động viên khách hàng.
Ở Nha trang, một nữ Giám sát bán hàng, đã xin nghỉ trước đó
không lâu vì việc gia đình, đã tình nguyện quay lại công việc, ra
thị trường động viên khách hàng bán lẻ. Dĩ nhiên, lúc đó khách
hàng chẳng ai nhập thêm hàng của công ty, nhưng sự có mặt kịp
thời đó giúp mọi người nhìn nhận công ty không bỏ chạy, và điều
đó tránh cho thị trường khỏi rơi vào hỗn độn.
Ngoài những thông tin đó, qua hệ thống liên lạc báo chí của
mình, tôi nhận được một tin có giá trị vàng ròng: BBT của báo
Tuổi Trẻ đã phê bình nghiêm khắc những nhân sự liên quan đến
việc để lọt câu viết tiêu cực về Nutifood trên bài báo, và phóng
viên LTH đã bị suy sụp tinh thần.
Qua trao đổi với người bạn trong làng báo của mình, tôi nảy sinh
một kế hoạch.
Chiều hôm đó, thông tin “LTH nhận 20.000 USD từ đối thủ cạnh

tranh của Nutifood để triệt hạ Nutifood” đã được truyền tai trong
giới báo chí. Để chắc ăn, tôi yêu cầu những người bạn của mình
gọi điện kiểm tra xem PV LTH đã nghe được lời đồn đó hay
chưa.
Khi được biết chắc chắn, tôi yêu cầu cấp dưới của mình mang
thư mời dự họp báo sáng mai đến tận tay phóng viên LTH.
Đến tối, khi mọi thông tin đã được kiểm chứng xác thực, tôi hồi
hộp nghĩ đến viễn cảnh người viết những lời kết tội công ty cũng
sẽ là người lên tiếng bênh vực cho công ty.
Chỉ còn phải “wait and see”.
Thứ Năm, ngày 7/10/2004
Liên quan đến vụ việc nóng, nên cuộc họp báo của chúng tôi ở
KS Sheraton đầy ắp phóng viên. Tôi hài lòng vì cấp dưới đã
chuẩn bị rất chu đáo, đến từng chi tiết nhỏ.
Buổi họp báo trôi đi suôn sẻ. Chỉ duy nhất có một chuyện làm tôi
bồn chồn: “Cô phóng viên Tuổi Trẻ của tôi có đến dự hay không?”
Khi cuộc họp đã qua gần 30 phút, tôi được thông báo “LTH đã có
mặt, mặc chiếc áo đỏ”. Dù chưa kịp nhìn người mặc áo đỏ trông
như thế nào, nhưng tôi bình tĩnh, tự tin trở lại.
Nội dung buổi họp báo đúng như dự tính. Các nhà cung cấp NVL
của chúng tôi đã đứng lên trình bày rất rõ ràng và chi tiết. Đại
diện của công ty Murray Goulburn trình bày về quy trình kiểm
soát chất lượng sữa xuất khẩu của Úc, còn một đại diện của New
Zealand Milk tóm lại bằng một vấn đề đơn giản: “Không thể có
chuyện Nutifood nhập sữa nguyên liệu kém phẩm chất từ Úc, chỉ
vì chẳng có thứ sữa kém phẩm chất nào tồn tại trên nước Úc, nói
gì đến chuyện có thể lọt qua hàng rào kiểm soát chất lượng quốc
gia”.
Khi cuộc họp báo kết thúc, tôi yêu cầu cấp dưới chuẩn bị sẵn một
mẫu quảng cáo khác, sẵn sàng trước buổi sáng hôm sau. Nội

dung chính của nó là “Đây là tiếng nói của những cơ quan có
thẩm quyền”.
Còn tiếng nói ấy ở đâu?
Tối nay, tôi sẽ biết những ai sẽ lên tiếng cho chúng tôi.
Tối Thứ Năm, ngày 7 rạng ngày 8/10/2004
Buổi tối, tôi nhận được khá nhiều tin tốt. Công cuộc vận động báo
giới của chúng tôi cùng với cuộc họp báo đã có kết quả. Các tòa
soạn hoặc ngả về phía chúng tôi, hoặc ít nhất thái độ phê phán
của họ đối với chúng tôi cũng dịu lại.
Hệ thống liên lạc báo giới của tôi vẫn chạy tốt. Qua những cuộc
điện thọai, tôi biết những tờ báo nào có thể đăng tin từ cuộc họp
báo, mỗi tờ có thể lên tiếng ở mức độ tích cực ra sao.
Chỉ có điều, từ chữ “có thể” đến “thực tế” là những câu chuyện
dài.
Ở các tờ báo, các tin đã được PV viết sẽ được kiểm duyệt qua ít
nhất là 2 tầng. Mà những gì xảy ra ở những tầng kiểm duyệt ấy
thì chỉ có trời biết. Chỉ một câu, một chữ thôi, thì bản tin đã
chuyển thái độ 180o rồi.
Đêm hôm đó, tôi thức cùng với những người bạn của mình. Cập
nhật thông tin, đề ra những mánh khóe có thể để bảo vệ nội dung
tin, rồi chờ cho đến tận khi những tin ấy ra bản kẽm, là lúc chắc
chắn là nó sẽ xuất hiện nguyên vẹn trên mặt báo hôm sau.
Ba giờ rưỡi sáng, tôi phóng xe đến cửa các nhà in. Mua những tờ
báo mới ráo mực, vui mừng nhận thấy những tin được đăng đúng
như mong đợi của mình. Mà niềm vui lớn nhất đối với tôi, là cô
LTH đã có một bài viết rất tích cực. Cô chỉ thanh minh cho thanh
danh của mình, nhưng chúng tôi là người hưởng lợi.
Kế hoạch của tôi đến lúc này đã không sai sót. Chúng tôi đã đi
những bước đường dài.
Sáng Thứ Sáu, ngày 8/10/2004

Những bản tin trên các báo được đưa đi chụp lại, rồi đặt lên các
trang quảng cáo ngay buổi sáng hôm ấy. Nội dung của chúng
hòan hảo theo ý tôi: các bài báo tích cực nói về công ty, kèm theo
dòng chữ: “Đây là tiếng nói của các cơ quan có trách nhiệm,
nhưng phán xét cuối cùng lại thuộc về bạn”.
Bước đi kế tiếp, đương nhiên, là phải làm sao để những nội dung
đó được đăng trên các báo. Mà mục tiêu của tôi là phải xuất hiện
được trên chính tờ báo Tuổi Trẻ.
Tôi biết điều đó không dễ dàng.
Khi tôi về nhà, định tranh thủ ngủ một tí, thì một cuộc điện thoại
vang lên, báo hiệu tôi phải tiếp tục cuộc chiến đấu của mình. Và
cuộc chiến đầu tiên trong ngày là một cuộc nội chiến.
Mọi toan tính của tôi đến lúc ấy được chia sẻ cho rất ít người. Sự
bí mật ấy làm cho vài người trong công ty có cảm giác bị cho ra
rìa. Hôm đó, họ lên tiếng.
Họ lật ngược mọi vấn đề. Thậm chí, họ cho rằng, một vụ việc như
thế không xứng đáng phải xé ra to, và coi ém nhẹm là quy tắc
vàng. Đương nhiên, họ đặt nghi vấn về cách kiểm soát khủng
hoảng của tôi.
Kèm theo đó là một tác động khác từ bên ngòai: một doanh nhân
có tiếng, đang là tư vấn của Tổng Giám đốc, gọi điện đến “Hưng
là thằng nào? Đuổi cổ nó ngay”.
Những sự kiện đó được phản hồi lên tới Hội đồng Quản trị. Với
nhận định “im lặng nghĩa là chết”, BS Kim Hưng gọi cho tôi, yêu
cầu tôi giải thích kế hoạch của mình. Sau cuộc nói chuyện gần 10
phút, BS Kim Hưng, với ảnh hưởng của mình trong công ty, nói
ngắn gọn với mọi người “trao toàn quyền cho Ngọc Hưng”. Với
sự ủy quyền quý báu đó, tôi nhận thức rằng, trách nhiệm của tôi
trong cuộc chiến này quá lớn.
Tôi không thể thất bại.

Chiều Thứ Sáu, ngày 8/10/2004
Sau những đêm mất ngủ, uống rượu nhiều, hút thuốc nhiều,
chiều đó tôi bị sốt.
Cơn chóng mặt đến đúng lúc tôi lái xe chở BS Lệ đến cuộc hẹn
với Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Để xe lại trên lề đường, tôi
vào một spa gần đó và chui ngay vào phòng tĩnh dưỡng dành cho
khách.
Ngay lúc đó, người của Đất Việt, công ty Media của chúng tôi, tới
tấp gọi đến báo tin xấu.
Báo Tuổi Trẻ từ chối đăng quảng cáo của chúng tôi. Báo Thanh
Niên thì trưởng phòng không dám đăng, phải xin ý kiến của Ban
Biên tập. Báo Người Lao động cũng chờ ý kiến cấp trên, còn báo
Phụ Nữ TP HCM thì chỉ nhận đăng nếu một trong hai tờ Tuổi Trẻ
hoặc Thanh Niên nhận đăng.
Mà lúc đó, thời gian không còn nhiều.
Trong khoảng chừng 15 phút, tôi lặng người. Có lẽ đây là thất bại
đương nhiên mà tôi không tính trước? Và tôi phải chịu trói tay
thúc thủ ở đây? Lúc tôi đã rất gần với chiến thắng?
Ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi là “Mình không thể thất bại. Không thể
được”.
Móc điện thoại ra, tôi xin số của Tổng Giám đốc công ty Quảng
cáo Đất Việt. Tôi biết ông có quan hệ mật thiết với báo Tuổi Trẻ.
Bằng một giọng nói đầy áp lực, tôi yêu cầu ông giúp đỡ. Và tôi có
được lời cam kết hết mình của ông.
Tôi cũng gọi cho trưởng phòng quảng cáo của báo Thanh Niên.
Cũng bằng cách gây áp lực như thế, tôi làm cho vấn đề trở nên
“hết sức nghiêm trọng”, và nhận được sự cam kết sẽ đi xin ý kiến
của những cấp cao nhất.
Sau đó nửa tiếng, thế trận liên tục đảo chiều.
Tổng Giám đốc của Đất Việt là một người rất có uy tín và ảnh

hưởng. Ông đã rất kiên nhẫn thuyết phục, lý luận với mọi người,
từ BBT đến phòng quảng cáo. Cuối cùng, họ bị ông áp đảo và
thay đổi lập trường cứng nhắc của mình.
Nhưng có vẻ như lời đồng ý cho đăng của báo Tuổi trẻ cũng phải
duyệt xét qua nhiều tầng. Vì thế, cứ 15 phút tôi nhận được tin
“đồng ý” xen kẽ với “không cho”. Thấy rằng, “dao động” nghĩa là
“có khả năng”, tôi tìm thêm các đầu mối liên lạc khác, kiên nhẫn
gây thêm sức ép. Cứ như thế cho đến 6g15 phút tối, thì cú điện
thọai cuối cùng báo rằng “được, nhưng phải thay đổi vài chi tiết”.
Chúng tôi đã thành công ở chiến trường mang tên “phòng quảng
cáo của báo Tuổi Trẻ”. Và qua đó, chúng tôi cũng thắng ở báo
Phụ Nữ TP HCM, Người Lao động. Nhưng trận chiến ở báo
Thanh Niên chưa kết thúc.
Điều may mắn cho tôi là Trưởng phòng quảng cáo của báo là
người làm việc đầy trách nhiệm. Một phần vì áp lực của tôi,
nhưng phần lớn vì lương tâm nghề nghiệp, chị đã rất tích cực
trong việc xin duyệt đăng quảng cáo.
Đến 9 giờ rưỡi tối, sau khi không tìm được Tổng Biên tập, chị đã
tìm Phó Tổng Biên tập, và cuối cùng đã thuyết phục thành công.
Nhận được tin báo của chị, lúc đó tôi mới có thể thở phào nhẹ
nhõm.
Tôi đã thật sự chiến thắng. Trong tình thế tuyệt vọng.
Thứ Bảy, ngày 9/10/2004
Layout quảng cáo mới, với các bài báo tích cực của các tờ báo
lớn, được đăng lại nguyên trang ở khắp các báo, với dòng chữ
“Đây là ý kiến của các cơ quan có trách nhiệm, nhưng phán xét
cuối cùng thuộc về bạn”. Nhất là ngay trên tờ Tuổi Trẻ, dòng chữ
đó cùng với hình ảnh bài báo của PV LTH như là một lời thanh
minh hùng hồn cho những lập luận mơ hồ chống lại chúng tôi vài
ngày trước đó.

Tinh thần của CB CNV bắt đầu hồi phục, cùng với những tin tốt
liên tục bay về.
Phản hồi đầu tiên là các Nhà phân phối. Họ lại tiếp tục bày tỏ
niềm tin với công ty. Rồi đến lượt các trường mầm non, rồi đến
các đối tác cung cấp…
Tuần sau đó
Sự hồi phục đó kéo dài cho đến hết một tuần nữa. Trong thời
gian đó, tôi vẫn tiếp tục chạy quảng cáo của mình, rồi sau đó thay
các bài báo bằng công văn chính thức của Cục VSAT TP. Nhưng
lúc đó thì công văn đó không còn nhiều tác dụng nữa.
Mọi chuyện đã rõ ràng.
Tháng 10, doanh số của chúng tôi chỉ bị rơi mất 1/3 so với tháng
trước, và trở lại mức bình thường ở tháng kế tiếp. Chúng tôi bảo
vệ được những gì mà chúng tôi đã có trên thị trường.
Nhìn lại, thì chúng tôi, một công ty hoàn toàn ở thế yếu, ở vị trí dễ
bị tổn thương dưới sức mạnh của một tờ báo lớn, đã thành công
trong việc tự bảo vệ mình, dù rằng phải sử dụng “chiêu thức”
trong kế hoạch đó.
Và hôm nay:
BS Nguyễn Thị Kim Hưng được miễn mọi trách nhiệm tại TTDD.
Tôi cũng không còn là Phó Tổng giám đốc Nutifood nữa. Nhưng
tôi có vài điều sau sự kiện đó để nói hôm nay.
Điều đầu tiên – Nutifood được coi là một điển hình để các tờ báo
kiểm duyệt các tin tiêu cực về các doanh nghiệp một cách có
trách nhiệm hơn.
Điều thứ hai – tôi chưa có dịp nào gặp lại PV LTH, và chưa hề
có cơ hội nhắc lại chuyện cũ. Vì thế qua đây với tư cách cá nhân
tôi muốn ngỏ lời xin lỗi về tin đồn lúc đó, nếu cô đọc được những
dòng này. Tôi đã hành động để bảo vệ quyền lợi của công ty mà
tôi đang phục vụ.

Điều cuối cùng là câu chuyện này được viết ra để gửi đến các
bạn đọc không phải như một lý thuyết gì mới về kiểm soát khủng
hoảng, mà chỉ là một minh chứng thực tế rằng "Khủng hoảng" là
điều không ai muốn, nhưng nếu nó xảy ra, thì bất chấp chuyện ở
thế yếu, mỗi công ty đều có thể khôn khéo giải quyết được, thậm
chí có thể biến nó thành cơ hội."

×