Mẹ dẫn em đi chọn quần áo
"Mẹ chẳng bao giờ quan tâm đến cách ăn mặc của em cả. Em muốn mặc gì tùy
thích, nếu có hỏi ý kiến thì mẹ cũng chỉ trả lời qua quýt cho xong". Thổ lộ trên là
của một cô bé đang học lớp 11. Có rất nhiều bà mẹ như mẹ cô bé, vì không ý thức
được sự quan trọng của việc ăn mặc, cho rằng ở độ tuổi này như thế nào cũng
xong nên họ rất ít, thậm chí không đoái hoài đến việc con mình ăn mặc như thế
nào, khi ở nhà, ra đường. Nếu như đó là những em gái sống giản dị, chỉnh chu và
có con mắt thẩm mỹ thì sự lơ là này cũng không thành vấn đề, các em sẽ biết chọn
cho mình cách mặc sao cho phù hợp nhất. Nhưng với những em không có lập
trường, thích đua đòi thì chuyện ăn mặc là cả một vấn đề.
Xin kể lại câu chuyện của một cô bé có tên là M. đang học lớp 9. Mới 15 tuổi
nhưng trong tủ quần áo của cô có rất nhiều những bộ váy bó sát, áo hai dây, áo
lửng, quần lưng xệ… Trừ khi đến lớp phải mặc đồng phục, còn lại thì toàn những
bộ hở trên trống dưới. Vì nghĩ con gái đang còn quá con nít nên dù thấy hơi
chướng, bố mẹ em cũng lờ đi. Thấy bố mẹ không phản ứng gì, gặp chúng bạn đứa
nào cũng xuýt xoa nên M. tự cho mình là người biết chưng diện, đúng mốt. Hôm
đó là sinh nhật của một người bạn, M. như mọi khi, diện chiếc áo hai dây ngắn,
quần lưng xệ. Suốt buổi sinh nhật gần như M. thu hút hết ánh nhìn của mọi người,
không phải vì M. xinh đẹp như cô ảo tưởng mà chính vì cách ăn mặc quá bạo. Khi
cô từ nhà bạn về đã hơn 10 giờ đêm (vì đoạn đường cách nhà bạn chưa đến một
cây số nên M. đi bộ), vừa đi được một đoạn thì có một chiếc xe máy rè rè bên, M.
chưa kịp phản ứng gì thì chiếc xe đã ép sát cô vào lề đường cạnh một gốc cây to,
người đàn ông thả ngay xe và… đẩy M. ra sau gốc cây. Vừa chống cự, M. vừa hét
lên cầu cứu, may sau có người dừng lại giúp cô thoát nạn. Tất nhiên sau "vụ" đấy
cô bé đã được bố mẹ cho một cuộc "đại cách mạng về ăn mặc". Từ đó, mẹ cô bé
mới để ý đến cách ăn mặc của "bọn trẻ con" mỗi khi ra đường. Bà thấy hóa ra
không chỉ con gái mình mà nhiều, khá nhiều các cô bé ăn mặc gợi cảm như thế.
Mỗi lần các em đi ngang qua đám đông con trai lập tức sẽ kèm theo hàng tràng lời
chọc ghẹo.
Hội chứng thần tượng, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cách ăn mặc
như trên của các em gái. Hễ thấy cô ca sĩ mình yêu thích vừa ra mắt bộ cánh nào
thì mấy hôm sau cũng phải kiếm cho mình một bộ y như vậy. Cứ thế chạy theo hết
trang phục này đến trang phục khác và mặt còn "vênh" lên ra vẻ tinh tướng với
những cô bạn "chạy không kịp" hoặc "không biết chạy". Mỗi em gái có mỗi cá
tính khác nhau và tất nhiên cách ăn mặc cũng không phải như nhau. Trong khi rất
nhiều em cầu kỳ, chú tâm chọn lựa từng bộ trang phục thì cũng không ít em lại
quá xuề xòa, nếu không muốn nói là cẩu thả.
Cho nên, việc quan tâm của mẹ trong chuyện ăn mặc của con gái luôn là cần thiết.
Thái độ ủng hộ, phản đối hay một lời góp ý nhẹ nhàng của người mà các em tin
tưởng sẽ giúp các em điều chỉnh, nhìn nhận lại cách lựa chọn quần áo cho mình.
Một bộ cánh phù hợp với độ tuổi, với dáng người và hợp thời, không nhất thiết
phải đắt tiền là một bộ cánh đẹp cho các em, giúp các em tự tin trong giao tiếp và
thoải mái khi học bài. Đồng thời đó cũng là một cách tế nhị biểu hiện tình cảm với
con gái của các bà mẹ. "Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ mẹ lại dẫn em cùng đi chọn
quần áo", đó là niềm vui sướng của rất nhiều em gái. Không biết các bà mẹ có
biết?
Nguồn: Sơn Khê
Mẹ giúp bé vào lớp mẫu giáo (-M)
Tháng 9 này tôi lần đầu tiên đến truờng. Tôi sẽ phải xoay xở một mình, tôi lo lắm,
bạn thì sao? Còn bố mẹ tôi nữa sẽ giúp tôi cách nào đây?
Khuyến khích tham gia công việc
Mẹ tôi thật tế nhị và khéo léo, mẹ bắt đầu giúp tôi những công việc nhẹ như dọn
chén đũa, tất nhiên lúc đầu tôi cũng… giúp mẹ có "cơ hội" mua… chén dĩa mới.
Nhưng rồi tôi cũng dần quen. Còn bố, bố thỉnh thoảng bày đồ chơi, chơi cùng tôi.
Trong những trò chơi ấy, tôi dần dần biết cách mày mò, nhận xét và tự vượt mình.
Tôi thấy tự tin dần.
Gọi tên thật
Mẹ cũng không gọi tôi bằng những cái tên ở nhà nữa dù tôi rất thích đuợc mẹ gọi
bằng "cục cưng ơi!" hay "bé Thóc, bé Bi ơi". Mẹ (hình như) không muốn tôi bị lệ
thuộc mãi vào không khí riêng trong nhà. Mẹ từ từ thay đổi cách gọi ấy đến nỗi tôi
không nhớ tự lúc nào nữa, mẹ gọi tôi bằng tên thật. Ôi! Cách gọi này khiến tôi
cảm thấy mình là một nguời lớn, một người khác hẳn. Hay ghê!
Tự diễn đạt
Tôi biết mình chưa đủ từ ngữ để nói, mẹ bảo "không sao!", mẹ tập dần cho tôi
những câu nói ngắn, dễ và đầy đủ, trước sau gì khi đến lớp, tôi cũng sẽ phải nói
khi cô giáo yêu cầu mà.
Sắp xếp đồ đạc
Tôi khá là bừa bãi nên ưa lẫn lộn đồ đạc. Mẹ cũng dạy tôi sắp xếp ngăn nắp và
giúp tôi nhận xét để dễ tìm. Mẹ tôi tuyệt quá! Tôi cũng bắt đầu tự mặc quần áo dù
không phải dễ, tôi ưa xỏ hai chân vô một ống quần, có khi mặc áo thun lộn ngược,
dép chân phải qua chân trái, thắt dây giày… ôi đủ thứ khó, nhưng đã bảo mẹ tôi
rất tuyệt mà. Mẹ dạy tôi đánh dấu lên quần áo và giày dép. Hình như bọn con gái
khéo tay và làm nhanh hơn tôi thì phải.
Chuyện tế nhị
Đấy là chuyện đi vệ sinh đấy, ở trường, sau này tôi biết có nhiều bạn không dám
đi vệ sinh vì lạ chỗ. Mẹ dạy tôi tự cởi và tự mặc quần áo, dạy biết đóng cửa nhà vệ
sinh, dạy cách lau chùi bằng giấy (tôi ưa làm bung cả cuộn giấy lắm) và quan
trọng nhất là thói quen rửa tay sau đó, cả truớc khi vào bàn ăn, không uống nhầm
ly bạn khác. Thế rồi một sáng kia, tôi đến truờng. Bạn biết tôi học lớp mấy không?
Lớp mẫu giáo!