Mong con thành tài
Sự thành công của bất cứ nhân tài nào đều không thể tách khỏi 2 nhân tố trí lực và
phi trí lực. Nhân tố trí lực chủ yếu bao gồm khả năng quan sát, sức tưởng tượng,
sức chú ý, khả năng tư duy và ghi nhớ còn nhân tố phi trí lực chủ yếu là chỉ tình
cảm của con người, bao gồm cả những phẩm chất đạo đức: ý chí, tính cách, khí
chất
Trong đời người, giai đoạn nhi đồng là giai đoạn then chốt để phát triển trí lực.
Giống như cái cây cần uốn từ thuở còn non, những vun xới, chăm bẵm của bạn khi
con còn nhỏ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của con sau này, kể cả phát
triển tài năng lẫn thân thể. Vì vậy, trong thời kỳ "cây còn non" đó, việc bạn kịp
thời khám phá ra tiềm năng của con và dạy con thành tài, giúp con thành công là
một việc không dễ dàng, nhưng bạn nhất thiết phải cố gắng để làm.
Tăng cường khả năng quan sát
Việc đầu tiên là bạn nên cố gắng đưa trẻ đến với thiên nhiên, để chúng được nhìn
thấy bầu trời rộng lớn, được quan sát thiên nhiên, lắng nghe những âm thanh
Tiếp xúc với sự vật một cách cảm tính và tự nhiên là tiền đề cơ bản để phát triển
khả năng quan sát. Vì vậy, hãy tận dụng thời gian nhàn rỗi để đưa trẻ đi công viên,
đi thăm các danh lam thắng cảnh, đi picnic, tiếp xúc nhiều với thiên nhiên hoa cỏ.
Trong hoạt động dã ngoại đó, con trẻ sẽ tự nhiên có nhiều hứng thú với sự vật
xung quanh, trong đầu óc thường xuyên có sự liên tưởng để so sánh sự vật này với
sự vật khác, con vật này với con vật khác, nhờ thế mà sẽ có nhiều ý tưởng hơn so
với những đứa bạn đồng tuổi khác. Bạn cũng nên giúp đỡ trẻ xác định đối tượng
quan sát.
Khi đưa trẻ đi công viên, hay cùng con đi picnic, hãy cố gắng giới thiệu qua cho
trẻ về nơi sắp đến, về ý nghĩa hoặc điểm đặc biệt của nơi đến đó. Rồi trong suốt
quãng đường đi, hãy đặt cho trẻ những câu hỏi gợi mở: con nghe thấy những âm
thanh gì, cái cây nào đẹp, màu lá cây mùa này ra sao, con khỉ thích ăn quả gì
Cứ thế tiếp tục, trẻ sẽ dần có thói quen chú ý đến sự vật xung quanh, thay đổi được
thói quen phớt lờ mọi thứ, "nhìn" đấy mà rồi chẳng "thấy" được gì. Nếu con bạn là
một đứa trẻ cần cù và kiên nhẫn, bạn có thể gợi ý cho trẻ viết nhật ký quan sát, ghi
lại những gì trẻ nhìn thấy và cảm thấy sau mỗi chuyến dã ngoại. Việc này không
chỉ khiến quan sát trở thành một thói quen của trẻ mà còn có tác dụng rèn luyện
khả năng truyền đạt và khả năng sáng tác của trẻ nữa. Nếu có điều kiện, bạn có thể
cho phép trẻ nuôi một con vật hoặc trồng một cái cây riêng. Hàng ngày có thể
quan sát một con mèo, một con cá sống như thế nào, hay một cái cây đã lớn lên
theo từng mùa ra sao sẽ là những kinh nghiệm tốt cho trẻ.
Tăng cường khả năng tưởng tượng
Theo các nhà khoa học, đại não của con người chia làm 4 khu vực chức năng: khu
trực giác, khu ghi nhớ, khu phán đoán và khu tưởng tượng. Mà chung khu tưởng
tượng của con người luôn chỉ sử dụng có 50%. Điều đó nói lên rằng tiềm lực phát
triển trí tưởng tượng còn rất lớn, mà giai đoạn nhi đồng lại là thời cơ tốt nhất để
phát triển trí tưởng tượng của một con người.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng con bạn có thiên hướng đối với các môn tự nhiên hoặc bạn
sẽ hướng con đi theo con đường khoa học tự nhiên, nên sẽ không cần đến trí tưởng
tượng, nhưng bạn hoàn toàn nhầm. Cũng như những đứa trẻ cần bồi dưỡng khả
năng xã hội, trí tưởng tượng sẽ giúp con bạn tiếp cận đến vấn đề nhanh hơn, sử
dụng vốn ngôn ngữ tốt hơn (vì luôn biết phải dùng từ ngữ nào để diễn đạt suy
nghĩ) và có nhiều sáng kiến để giải quyết mọi việc trong cuộc sống.
Việc rèn luyện, bồi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ hóa ra rất đơn giản. Hãy mua
những cuốn truyện thiếu nhi cho trẻ đọc, đồng thời cha mẹ sẽ cùng trẻ hòa vào
những suy nghĩ, hành động của nhân vật trong truyện: vì sao Alixơ lại lạc đến xứ
sở diệu kỳ? Chú dễ mèn thích đi phiêu lưu hơn hay thích ở lại nhà hơn? Con có sợ
khi nói dối thì mũi sẽ bị dài ra như chú bé người gỗ hay không?
Khi đọc truyện và khi trả lời những câu hỏi của bạn chính là lúc trong tâm hồn trẻ
những hình dung, cảm giác về cuộc sống được phát huy. Bạn không nên phản đối
nếu trẻ cứ luôn luôn nói mình là nhân vật này nhân vật nọ, hay coi viên bi là viên
ngọc, chiếc khăn bông là áo choàng của siêu nhân , trái lại bạn phải "giả vờ" coi
trẻ như siêu nhân, như công chúa, hay "vua Sư Tử" thật, hỏi trẻ những câu hỏi về
nhân vật và đưa ra những tình huống ứng xử cho nhân vật đó. Một biện pháp nữa:
mỗi khi đưa trẻ ra ngoài trời, hãy chỉ cho trẻ những hiện tượng, sự vật khác lạ và
hỏi xem trẻ thấy giống điều gì, đẹp ở chỗ nào. Nếu có thể, hãy cho trẻ tham gia
một khóa học vẽ trong hè, bất kể trẻ có năng khiếu hay không những hoạt động
ngoại khóa này vẫn có thể giúp trẻ tăng cường khả năng tưởng tượng.
Tăng cường khả năng kiềm chế
Khả năng kiềm chế, hay khả năng tự chủ của trẻ rất quan trọng cho trẻ để đối mặt
với cuộc sống và vượt qua khó khăn sau này. Trong việc bền bỉ theo đuổi mục
đích, hòa hợp với bạn bè và đồng sự, không thất vọng hay sụp đổ sau mỗi thất bại
đều cần đến khả năng kiềm chế. Khi trẻ còn nhỏ, sức kiềm chế biểu hiện dưới
dạng có thói quen tự học tốt hay không. Có thói quen tự học, nghĩa là trẻ đã tự xác
định được nhiệm vụ và tầm quan trọng của những nỗ lực ngay từ bây giờ, thì rồi
khi được đào tạo lên cao hay khi tham gia vào công việc, trẻ sẽ tự biết phải làm thế
nào để thành công.
Tạo nên thói quen tự học cho trẻ phải dựa vào sự kiên nhẫn và tế nhị của cha mẹ.
Ví dụ như: giúp trẻ đặt ra chế độ và giờ giấc học tập cụ thể và nhắc nhở chúng
thực hiện, kín đáo theo dõi mức độ tự giác của trẻ mà không làm chúng có cảm
giác không được tin tưởng, giúp trẻ chuẩn bị bài giảng trước khi đến lớp và sau
giờ học hỏi trẻ xem việc chuẩn bị đó đã có tác dụng như thế nào, tập cho trẻ thói
quen tra từ điển và đọc sách báo để có thêm tri thức Cổ nhân có câu: "Không
nhích từng bước chân, không đi được ngàn dặm", muốn sau này con cái trưởng
thành cứng cáp và thành công, người làm cha làm mẹ không có cách nào khác
ngoài việc kiên nhẫn, tỉ mỉ dẫn dắt con từng giờ, từng ngày.