Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Hội chứng suy tim (Kỳ 1) pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (115.18 KB, 5 trang )

Hội chứng suy tim
(Kỳ 1)

1. Định nghĩa.
Suy tim là một hội chứng bệnh lý khi tim không bơm đủ số lượng máu cần
thiết theo nhu cầu chuyển hoá của cơ thể. Thông thường (nhưng không phải là bắt
buộc), suy tim là do rối loạn co bóp của cơ tim. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân
suy tim không có rối loạn chức năng cơ tim (thường do tăng đột ngột thể tích hoặc
rối loạn đổ đầy thất).
Cần phải phân biệt suy tim với suy tuần hoàn: suy tuần hoàn là tình trạng
có bất thường ở một vài thành phần của hệ tuần hoàn như tim, thể tích máu, nồng
độ hemoglobin ôxy hoá trong máu động mạch hoặc giường mạch máu không đáp
ứng đủ cho cung lượng tim.
Đầu tiên, suy giảm chức năng tim chỉ biểu hiện khi gắng sức, sau đó khi
suy tim nặng dần thì các biểu hiện ứ trệ có cả khi nghỉ ngơi.

2. Sinh lý bệnh của suy tim.

Trong khi nghỉ ngơi và khi gắng sức, quả tim co bóp để tống máu vào hệ
thống động mạch. Sự phân phối máu trong cơ thể để cung cấp ôxy cho tổ chức
được điều hoà bởi các yếu tố thần kinh-thể dịch và các yếu tố trong tim. Các yếu
tố làm ảnh hưởng đến sức co bóp của tim là tiền gánh, tình trạng co bóp, hậu gánh,
nhịp co bóp và độ lớn của tổ chức cơ tim bị tổn thương.
Tim có một khả năng dự trữ rất lớn thông qua cơ chế thay đổi nhịp tim,
thay đổi thể tích tâm thu và tâm trương, thể tích nhát bóp và khả năng trao đổi ôxy
của tổ chức.
Ở người bình thường, khi gắng sức tối đa thì cung lượng tim có thể tăng từ
6 lít/phút lên đến trên 25 lít/phút, sự tiêu thụ ôxy có thể tăng từ 250 - 1500 ml/phút
hoặc hơn.
Nhịp tim có thể tăng từ 70 chu kỳ/phút đến 180 chu kỳ/phút. Khi nghỉ
ngơi, máu động mạch chứa 18 ml ôxy/dl, máu động mạch phổi và tĩnh mạch chứa


14ml ôxy/dl.
Sự chênh lệch ôxy của động mạch và tĩnh mạch khoảng 4 ± 0,4 ml/dl. Khi
gắng sức nhiều, do khả năng lấy ôxy của tổ chức tăng lên nên chênh lệch nồng độ
ôxy giữa động mạch và tĩnh mạch có thể lên đến 12 - 14 ml/dl.
Khi suy tim sẽ có biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau. Nhịp
tim thường nhanh để bù trừ lại việc cung lượng tim không đủ cho nhu cầu chuyển
hoá của cơ thể.
Suy tim trái làm phù và tăng áp lực tĩnh mạch phổi gây khó thở, thở nhanh.
Tăng áp lực tĩnh mạch phổi gây thoát dịch qua các mao mạch vào các khoảng gian
bào và phế nang. Thường gây tràn dịch màng phổi phải trước, sau đó tràn dịch
màng phổi 2 bên.
Suy tim làm giảm dòng máu tới thận và làm giảm mức lọc cầu thận. Tuy
nhiên lại làm tăng tái hấp thu Na
+
ở ống thận. Giảm dòng máu tới thận làm tăng
tiết renin từ cơ quan cận tiểu cầu thận làm tăng chuyển angiotensin I thành
angiotensin II.
Angiotensin II gây co mạch và kích thích tiết aldosteron tại tuyến thượng
thận. Nếu lượng huyết tương giảm thì ADH sẽ tăng lên trong máu. Tất cả các biến
đổi về nội tiết và thay đổi chức năng thận trên sẽ dẫn đến lượng nước trong cơ thể
tăng lên.
Chính vì vậy làm tăng thể tích máu trong thất, tăng sức căng thành tim và
làm tăng các triệu chứng lâm sàng của suy tim.
Khi suy tim, dòng máu đến lách giảm, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, máu
không được hút về tim thích đáng làm cho gan to.
Ở bệnh nhân suy tim phải thường có rối loạn chức năng gan do tăng áp lực
tĩnh mạch chủ dưới, tăng áp lực tĩnh mạch cửa và thường có tăng bilirulin máu,
tăng thời gian prothrombin, tăng các men huỷ hoại tế bào gan. Gan giảm khả năng
hủy aldosteron cũng góp phần làm ứ nước trong cơ thể.
Suy tim gây tăng áp lực tĩnh mạch mãn tính cũng liên quan đến hội chứng

mất protein trong ruột mà biểu hiện bằng giảm albumin máu, nhồi máu ruột, chảy
máu đường tiêu hoá, rối loạn hấp thu.
Đôi khi có hoại tử đầu chi mà không có tắc mạch lớn ở bệnh nhân có suy
tim mà cung lượng tim rất thấp. Suy tim cũng gây kích thích vật vã hoặc giảm khả
năng hoạt động trí óc do giảm dòng máu đến não. Suy tim gây giảm khả năng hoạt
động của cơ gây mệt nhanh khi hoạt động cơ bắp.

3. Phân loại suy tim.

Có nhiều cách phân loại suy tim:
+ Dựa vào thời gian tiến triển suy tim: suy tim cấp tính và suy tim mãn
tính.
Suy tim trái cấp tính thường do cơn tăng huyết áp kịch phát, sau nhồi máu
cơ tim diện rộng Suy tim phải cấp tính thường xảy ra sau nhồi máu phổi.
Suy tim mãn tính thường là hậu quả của nhiều bệnh, của nhiều bệnh lý tim
mạch hoặc các bệnh liên quan đến tim mạch khác nhau.
+ Dựa vào tăng tiền gánh hay do tăng hậu gánh.
+ Dựa vào giải phẫu: suy tim trái, suy tim phải và suy tim toàn bộ. Đây là
cách phân loại hay được sử dụng trên thực tế lâm sàng.

×