Tải bản đầy đủ (.doc) (25 trang)

Đổi mới đánh giá kết quả học tập môn Địa Lí

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (214.08 KB, 25 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VIỆN KHOA HỌC GIÁO DỤC VIỆT NAM
Tài liệu
Đổi mới đánh giá kết quả học tập
môn Địa Lí.
(tài liệu lưu hành nội bộ)
HÀ NỘI- 2009
1
Lời nói đầu
Kiểm tra, đánh giá trong dạy học địa lí có vai trò hết sức quan trọng bởi thông qua việc kiểm tra,
đánh gía chúng ta có được thông tin về trình độ, khả năng, về kết quả học tập của từng học sinh so với
mục tiêu dạy học đã được xác định. Gần đây mục tiêu dạy học địa lí đã có sự thay đổi theo hướng chú ý
tới năng lực xử lí thông tin, năng lực tự hoạt động của học sinh bên cạnh những yêu cầu về kiến thức địa
lí và thái độ, tình cảm học sinh cần đạt được khi các em kết thúc cấp học trung học cơ sở, do đó cũng
cần có sự thay đổi trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các em. Yêu cầu khách quan, công
bằng trong đánh giá cũng có tác động nhất định trong việc tìm kiếm những cách thức kiểm tra, đánh giá
mới.
Tài liệu này cung cấp một số hiểu biết về sự thay đổi trong kiểm tra, đánh giá của môn địa lí ở cấp
trung học cơ sở tương ứng với sự thay đổi trong chương trình môn học, bao gồm cả những yêu cầu trong
đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh. Tài liệu đồng thời nêu ra một số gợi ý về các loại câu hỏi
bài tập gắn với mục tiêu dạy học của từng bài trong sách giáo khoa địa lí, về cách ra đề kiểm tra trong quá
trình dạy học địa lí ở cấp trung học cơ sở
Căn cứ để biên soạn đề kiểm tra môn địa lí trước hết là mục tiêu giáo dục của bộ môn được cụ thể hóa
cho từng lớp, từng chương và tới từng bài. Dưới đây sẽ trình bày mục tiêu chung của môn địa lí ở cấp trung
học cơ sở và mục tiêu cụ thể môn địa lí ở từng lớp của cấp học này.
1 . Mục tiêu giáo dục môn địa lí
a) Mục tiêu giáo dục môn địa lí cấp Trung học cơ sở
Địa lí là một trong những môn văn hoá của nhà trường trung học cơ sở (THCS). Dạy học địa lí trong
nhà trường THCS góp phần làm cho học sinh (HS) có được kiến thức phổ thông, cơ bản, cần thiết về Trái Đất
- môi trường sống của con người, về những hoạt động của loài người trên bình diện quốc tế, quốc gia; bước
đầu hình thành thế giới quan khoa học, tư tưởng tình cảm đúng đắn và làm quen với việc vận dụng những


kiến thức địa lí để ứng xử phù hợp với môi trường tự nhiên, xã hội xung quanh, phù hợp với yêu cầu của đất
nước, với xu thế của thời đại.
Từ đích chung đó mục tiêu giáo dục của môn địa lí được cụ thể hoá trong các mặt giáo dục mà HS học xong
THCS cần đạt như sau :
(1) Kiến thức:
- Có kiến thức phổ thông, cơ bản, cần thiết về môi trường sống của con người (các thành phần của
môi trường và tác động qua lại giữa chúng); về các hoạt động của con người (quần cư, các hoạt động sản
xuất chính của con người trên Trái Đất).
- Biết được một số đặc điểm của tự nhiên, dân cư và các hoạt động kinh tế của con người ở những khu
vực khác nhau trên Trái Đất; qua đó thấy được sự đa dạng của tự nhiên, mối tương tác giữa các thành phần
2
của môi trường tự nhiên, giữa môi trường với con người, thấy được sự cần thiết phải kết hợp khai thác tài
nguyên thiên nhiên và sự phát triển môi trường bền vững.
- Hiểu biết tương đối vững chắc các đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, dân cư, kinh tế, xã hội
và những vấn đề về môi trường của quê hương, đất nước.
Trước hết HS phải có được hệ thống các khái niệm, thuật ngữ về các thành phần tự nhiên và các yếu tố
cấu thành nên chúng như về địa quyển với các dạng địa hình núi, cao nguyên, đồng bằng; về khí quyển với
các thành phần của không khí, các tầng khí, các yếu tố của thời tiết, khí hậu; về sinh quyển với động vật, thực
vật, HS cũng cần phải có kiến thức về sự vận động, sự thay đổi của các yếu tố trong từng quyển như sự
thay đổi của các dạng địa hình; sự vận động của các khối khí, sự thay đổi của sinh vật theo không gian và thời
gian. HS cũng phải biết rằng giữa các thành phần tự nhiên có quan hệ tác động qua lại chặt chẽ với nhau như
gió thổi, nước chảy san bằng địa hình bề mặt gồ ghề của Trái Đất; địa hình núi cao gây nên sự khác biệt về
khí hậu, về cảnh quan theo độ cao và theo sườn đón gió hay khuất gió
HS cũng cần biết đến những thuật ngữ, khái niệm về các thành phần của hệ thống kinh tế - xã hội gồm
con người và những hoạt động, những tổ chức do con người tạo ra trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp,
xây dựng; sản xuất nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp và lĩnh vực dịch vụ; biết về mối quan hệ tác động qua lại
giữa các thành phần kinh tế- xã hội, quan hệ giữa hệ thống kinh tế- xã hội với hệ thống tự nhiên. Cụ thể hơn
nữa HS cần có được những kiến thức về dân số, gia tăng dân số, về quần cư; về các ngành sản xuất trong các
lĩnh vực kinh tế và các yếu tố tác động đến sự phát triển, sự phân bố của chúng; về sức ép của dân số đến sự
phát triển kinh tế- xã hội, đến sự phát triển bền vững của môi trường.

Hệ thống kiến thức đó cũng chính là công cụ giúp HS có thể tìm hiểu đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh
tế- xã hội trong những lãnh thổ khác nhau trên Trái Đất, từ qui mô toàn cầu, châu lục tới khu vực và quốc gia.
Điều này mới thể hiện được bản chất của khoa học địa lí, đó là nghiên cứu, tìm hiểu về sự phân bố của các
hiện tượng, sự vật địa lí trên toàn cầu.
Những kiến thức về các mối quan hệ tác động qua lại giữa các thành phần tự nhiên, kinh tế- xã hội sẽ
giúp cho việc giải thích những hiện tượng, sự vật địa lí, sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của chúng, đặc biệt
là những hiện tượng, sự vật xảy ra trên quê hương, đất nước.
Cũng không thể bỏ qua một số lượng tối thiểu các địa danh và số liệu đảm bảo cho HS có thể trình bày
những vấn đề đặc trưng của địa lí.
(2) Kĩ năng
- Sử dụng tương đối thành thạo các kĩ năng địa lí (trước hết là kĩ năng quan sát, nhận xét, phân tích các
hiện tượng tự nhiên, kinh tế- xã hội, kĩ năng sử dụng bản đồ, biểu đồ, lập sơ đồ đơn giản) để tìm hiểu địa lí
địa phương và tự bổ sung kiến thức địa lí cho mình .
3
- Sử dụng kiến thức đã học để giải thích một số hiện tượng địa lí thường xảy ra trong môi trường HS
đang sống và vận dụng một số kiến thức, kĩ năng địa lí vào cuộc sống sản xuất ở địa phương.
- Hình thành và rèn luyện khả năng thu thập, xử lí, tổng hợp và trình bày thông tin địa lí.
Những kĩ năng này là rất cần thiết đối với người lao động bởi :
- Các thao tác tư duy như quan sát, phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát hoá được tập dượt ở những
tình huống cụ thể của môn địa lí như trong quá trình tìm hiểu về hiện tượng tạo núi; về diễn biến thời tiết, khí
hậu; về sự thay đổi của chế độ nước sông, sẽ phối hợp cùng các môn học khác tăng khả năng phát triển trí
tuệ của HS.
- Kĩ năng thu thập, phân tích thông tin, tư liệu, số liệu, sử dụng bản đồ, phân tích biểu đồ, lập sơ đồ tạo
cho người học vừa có khả năng tiếp tục bổ sung kiến thức địa lí cần thiết cho cuộc sống của từng cá nhân, vừa
có thể vận dụng những kiến thức đã có để giải thích những hiện tượng, sự vật địa lí xảy ra quanh mình, vận
dụng sự hiểu biết, kĩ năng của mình vào xử lí các tình huống của cuộc sống như tham gia vào các hoạt động khai
thác và bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, hoặc thực hiện các hoạt động có liên quan
đến môi trường một cách có ý thức.
- Trong xã hội thông tin, giao lưu mở rộng, khả năng hợp tác trong công việc, năng lực thể hiện, bộc lộ
những suy nghĩ, những hoạt động và kết quả hoạt động của cá nhân bằng nhiều hình thức là hết sức quan

trọng. Những năng lực này cần được tiếp tục hình thành và phát triển ở cấp THCS. Môn địa lí có đủ điều kiện
để góp phần thực hiện nhiệm vụ này nếu GV biết cách tổ chức cho HS được tham gia vào các hoạt động nhận
thức ở trên lớp và có thời gian để trình bày lại kết quả làm việc, được nghe nhận xét, đánh giá của GV, của
bạn bè về những kết quả đã đạt được và được khen ngợi đúng lúc, đúng chỗ.
Đối với cấp THCS, mức độ kiến thức, kĩ năng cần đạt chỉ ở mức phổ thông, cơ bản phù hợp với người
lao động ở trình độ trung cấp, giúp người học có hiểu biết về môi trường sống của mình để từ đó có được cách
ứng xử, thái độ, tình cảm phù hợp.
(3) Thái độ, tình cảm
- Tình yêu thiên nhiên và con người trong lao động; tình cảm đó được thể hiện qua việc tôn trọng các
thành quả kinh tế, văn hoá Việt Nam, của các nước trên thế giới.
- Niềm tin vào khoa học; có ý thức tìm hiểu cách giải thích khoa học về các hiện tượng, sự vật địa lí.
- Tham gia tích cực vào các hoạt động sử dụng hợp lí, bảo vệ, cải tạo môi trường, nâng cao chất
lượng cuộc sống gia đình, cộng đồng; có tinh thần sẵn sàng tham gia xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
4
b) Mục tiêu giáo dục môn địa lí ở từng lớp cấp Trung học cơ sở
Lớp 6: Trái Đất- môi trường sống của con người
(1) Kiến thức:
- Trái Đất- hình dạng cầu của Trái Đất; cách thể hiện bề mặt Trái Đất trên mặt phẳng- bản đồ,
một số yếu tố của bản đồ: tỉ lệ, kí hiệu, phương hướng, kinh độ, vĩ độ, toạ độ địa lí. Trái Đất
trong hệ mặt Trời, chuyển động của Trái Đất và hệ quả
- Cấu tạo của Trái Đất, cấu tạo bên trong và lớp vỏ Trái Đất.
Các thành phần tự nhiên của Trái Đất
- Địa chất, địa hình: Nội, ngoại lực và tác động của chúng trong việc hình thành địa hình bề mặt
Trái Đất; núi lửa, động đất; các dạng địa hình; khoáng sản.
- Khí hậu: Không khí, thành phần, các tầng và các khối khí; thời tiết, khí hậu, các yếu tố khí hậu:
nhiệt độ, khí áp, gió, hơi nước, mưa; các đới khí hậu. Thuỷ văn: Sông, lưu vực sông, nguồn
cung cấp và chế độ nước; hồ và nguồn gốc một số loại hồ; biển và đại dương, chuyển động của
nước biển và đại dương- dòng biển và ảnh hưởng của chúng đến khí hậu.
- Đất,thực và động vật, những nhân tố ảnh hưởng tới sự phân bố của chúng.
(2) Kĩ năng:

- Sử dụng bản đồ để: nhận xét sự phân bố lục địa, đại dương; sự chuyển dịch của các lục địa; nhận biết
các dạng địa hình, các dòng biển và sự phân bố của chúng,
- Đọc biểu đồ khí hậu.
- Vẽ sơ đồ lớp học.
(3) Thái độ, tình cảm:
- Có tình yêu thiên nhiên, ý thức tìm hiểu và giải thích các hiện tượng tự nhiên một cách khoa học,
- Có niềm tin vào sự tồn tại khách quan của những hiện tượng địa lí tự nhiên, không đồng tình với những
biểu hiện mê tín dị đoan.
Lớp 7: Môi trường địa lí và các châu lục
Phần I. Môi trường địa lí và hoạt động của con người (tiếp)
- Cư dân trên Trái Đất: dân số thế giới, các chủng tộc, gia tăng dân số và phân bố dân cư
- Các môi trường địa lí và hoạt động của con người (hoạt động kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, quần
cư đô thị) ở các đới khí hậu: đới nóng, đới ôn hòa, đới lạnh và vùng núi cao, ở môi trường hoang mạc;
mối quan hệ giữa con người và môi trường. Phân tích mối quan hệ của các yếu tố tự nhiên ở một số đới
khí hậu.
5
Phần II. Thiên nhiên, con người ở các châu lục
(1) Kiến thức:
- Sự phân chia thế giới thành các đại lục và châu lục, các nhóm nước trên thế giới.
- Đặc điểm vị trí, giới hạn, tự nhiên (thuận lợi, khó khăn), dân cư , kinh tế (trình độ phát triển và
các ngành kinh tế chủ yếu, phân bố) của các châu lục và những điểm cần chú ý đối với từng
châu như sau:
+ Châu Phi: Cao nguyên lớn, khí hậu nóng và khô; vấn đề sắc tộc, gia tăng dân số nhanh, hiểm hoạ bệnh
tật; đặc điểm nổi bật của khu Bắc Phi (người Arập- Bec be, văn minh Ai- Cập, khai thác dầu mỏ), Trung
Phi (Chủng tộc Nêgrôit, đông dân nhất, khai thác khoáng sản, trồng cây công nghiệp) và Nam Phi (Chủng
tộc Nêgrôit và Ơ rôpêôit, kinh tế phát triển nhanh).
+ Châu Mĩ:
* Bắc Mĩ: Tự nhiên phân hoá theo kinh tuyến; dân nhập cư, phân bố dân cư và đô thị hoá. Kinh tế phát
triển, ngành công nghệ cao. Hoa Kì và tổ chức thương mại Bắc Mĩ.
* Trung và Nam Mĩ: Nhiều kiểu môi trường tự nhiên; dân cư khá đông, gia tăng nhanh, đô thị lớn, văn

hoá độc đáo; Thuộc địa trong quá khứ và ảnh hưởng của Hoa kì hiện nay; Cải cách ruộng đất và những
khó khăn; Khai thác khu vực Amadôn; Khối kinh tế Nam Mĩ.
+ Châu Đại Dương: Đặc điểm tự nhiên (Ôxtrâylia), ít dân, dân nhập cư, đô thị hoá cao; Phát triển chăn
nuôi, công nghiệp khai khoáng và chế biến
+ Châu Nam Cực: Đặc điểm tự nhiên, thám hiểm và nghiên cứu châu Nam Cực.
+ Châu Âu: Tính chất bán đảo, chuyển tiếp cảnh quan đại dương và lục địa; Dân số già, đô thị hoá; Công
nghiệp truyền thống chuyển sang công nghiệp hiện đại, nông nghiệp ôn đới; Du lịch. Các đặc điểm nổi bật
của các khu vực: Bắc Âu (địa hình băng hà cổ, núi già bị bào mòn, đồng bằng xen kẽ nhiều hồ băng hà;
Khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lí); Tây và Trung Âu (Đồng bằng- nông nghiệp thâm canh cao; Núi
già- tập trung nhiều vùng công nghiệp quan trọng; Núi trẻ- giao thông, du lịch); Nam Âu (khu vực không
ổn định, mùa hè khô, nóng; nhiều công trình kiến trúc cổ, phát triển công nghiệp du lịch); Đông Âu (đồng
bằng băng hà cổ rộng lớn, tính chất lục địa tăng từ tây sang đông; phát triển công nghiệp nặng). Liên minh
châu Âu (EU): Sự ra đời và phát triển, các mục tiêu và việc mở rộng quan hệ với thế giới, EU- tổ chức
thương mại hàng đầu thế giới.
(2) Kĩ năng:
- Sử dụng bản đồ để xác định vị trí một số quốc gia, để giải thích và trình bày đặc điểm một số yếu tố tự
nhiên hoặc sự phân bố các môi trường tự nhiên trên các châu lục, để nhận xét một số trung tâm công
nghiệp,
- Đọc và phân tích số liệu, biểu đồ kinh tế,
6
- Vẽ và phân tích biểu đồ khí hậu, biểu đồ cơ cấu kinh tế,
- Viết báo cáo ngắn về một lãnh thổ trên cơ sở tư liệu được cung cấp.
(3) Thái độ, tình cảm:
- Có tình yêu thiên nhiên và người lao động, tôn trọng môi trường tự nhiên và thành quả kinh tế, văn hoá
của các nước trên thế giới.
Lớp 8:
I.Thiên nhiên, con người ở các châu lục (tiếp)
(1) Kiến thức
+ Châu A: Thiên nhiên đa dạng, nhiều tiềm năng, lắm thiên tai; Dân cư đông, gia tăng còn cao, tôn giáo
có vai trò đáng kể. Các nước có trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau, một số ngành kinh tế chủ yếu.

Đặc điểm chính của các khu vực: Tây A (hoang mạc, dầu mỏ và việc khai thác, Đạo Hồi; biến động về
kinh tế, xã hội); Nam A (Gió mùa và ảnh hưởng của địa hình, tôn giáo và ảnh hưởng của tôn giáo, gió
mùa và nhịp điệu sản xuất nông nghiệp); Đông A (đông dân, nền kinh tế tương đối phát triển với thế mạnh
xuất khẩu); Đông Nam A (thiên nhiên nhiệt đới gió mùa, dân số gia tăng không đều giữa các nước, văn
hoá dân tộc đắc sắc, nông nghiệp lúa nước và xuất khẩu gạo, công nghiệp khai thác và ngành tiêu biểu của
một số nước Đông Nam A); Khối ASEAN: quá trình thành lập, mục tiêu và các thành viên
+ Tổng kết: Mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên; giữa tự nhiên và các hoạt động kinh tế; Tính địa
đới và phi địa đới; Một số vấn đề mang tính toàn cầu (dân số, khai thác biển và bảo vệ môi trường)
(2) Kĩ năng:
- Sử dụng bản đồ nhận xét và giải thích sự phân bố lượng mưa và các dòng biển, mối quan hệ giữa chúng;
sự phân bố dân cư ở châu A,
- Phân tích biểu đồ, số liệu về kinh tế (cán cân xuất nhập của một số quốc gia)
- Viết báo cáo ngắn về một quốc gia Đông Nam A trên cơ sở của tư liệu được cung cấp.
(3) Thái độ, tình cảm:
- Có tình yêu thiên nhiên và người lao động, tôn trọng môi trường tự nhiên và thành quả kinh tế, văn hoá
của các nước trên thế giới.
II.Địa lí Việt Nam- Phần Địa lí tự nhiên
(1) Kiến thức:
- Địa lí tự nhiên: Vị trí địa lí, giới hạn, phạm vi lãnh thổ và giá trị của vị trí; Biển, đảo và quần đảo; Quá
trình hình thành lãnh thổ; Địa hình và khoáng sản đa dạng; Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm với sự phân hoá
đa đạng do tác động của hoàn lưu khí quyển, của lãnh thổ kéo dài và địa hình đa dạng; Mạng lưới sông
ngòi dày đặc; Đất và sinh vật ở đồng bằng, trung du, vùng núi, cao nguyên và vùng biển.
7
- Khái quát đặc điểm tự nhiên Việt Nam: Tính chất bán đảo, chủ yếu là đồi núi, cảnh quan nhiệt đới ẩm
gió mùa, phân hoá đa dạng. Đặc điểm miền tự nhiên: Đông bắc và đồng bằng sông Hồng; Miền Nam
Trung Bộ và Nam Bộ.
- Địa lí địa phương: Tìm hiểu một địa điểm gần nơi trường đóng.
(2) Kĩ năng:
- Sử dụng bản đồ chuyên ngành để nhận biết: các tỉnh, sự phân bố của các loại địa hình, khoáng sản, đất
và sinh vật,

- Phân tích các mối quan hệ địa hình- khí hậu, khí hậu- mạng lưới sông ngòi; So sánh đặc điểm tự nhiên
các vùng miền,
- Đọc lát cắt tổng hợp,
- Điều tra, viết và trình bày báo cáo về một địa điểm ở địa phương.
(3) Thái độ, tình cảm:
- Có tình yêu đối với môi trường tự nhiên của quê hương, đất nước,
- Có ý thức tìm hiểu, giải thích các hiện tượng địa lí tự nhiên của quê hương, đất nước,
- Tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ, cải tạo môi trường tự nhiên ở quê hương.
Lớp 9: Địa lí Việt Nam (tiếp)
(1) Kiến thức
Phần Địa lí dân cư: Cộng đồng dân tộc thống nhất, các dân tộc cùng chung sức xây dựng và bảo vệ đất
nước; dân số, gia tăng dân số và kết cấu dân số Việt nam; Quần cư và phân bố dân cư Việt nam; Lao động
việc làm và chất lượng cuộc sống.
Phần Địa lí kinh tế: Những giai đoạn chính của phát triển kinh tế, đặc điểm nền kinh tế; Những nhân tố
ảnh hưởng, vai trò và tình hình phát triển, phân bố các ngành kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và
dịch vụ
Phần Sự phân hoá lãnh thổ (các vùng miền): Đặc điểm vị trí, giới hạn, giá trị kinh tế của điều kiện tự
nhiên và tài nguyên thiên nhiên, dân cư, xã hội và tình hình phát triển kinh tế với các ngành, các trung tâm
kinh tế tiêu biểu và hướng phát triển của Trung du và miền núi Bắc Bộ (Việt Trì, Thái Nguyên, Lạng Sơn);
Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng); Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Vinh, Huế); Duyên hải Nam Trung
Bộ (Đà nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang); Tây Nguyên (Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Plây Cu); Đông Nam Bộ (Tp.
Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu); Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Mĩ Tho).
Phần Địa lí địa phương: Vị trí địa lí và ý nghĩa; đặc điểm tự nhiên và giá trị kinh tế; đặc điểm dân cư,
kinh tế. Việc sử dụng, bảo vệ tự nhiên.
(2) Kĩ năng:
8
- Đọc bản đồ, phân tích, đánh giá ảnh hưởng của tài nguyên khoáng sản đối với sự phát triển công nghiệp
của một vùng.
- Phân tích, so sánh số liệu, biểu đồ để nhận biết sự phát triển dân số (tháp dân số); giải thích sự thay đổi
cơ cấu kinh tế Việt Nam, tình hình sản xuất cây công nghiệp dài ngày ở trung du miền núi phía bắc với Tây

Nguyên; So sánh một số ngành công nghiệp trọng điểm của một vùng với của toàn quốc; Phân tích kinh tế
biển của Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ.
- Vẽ biểu đồ và phân tích: Sự thay đổi cơ cấu của các ngành nông nghiệp (trồng trọt- chăn nuôi, cây lương
thực và cây công nghiệp); Mối quan hệ giữa dân số, sản lượng lượng thực và bình quân đầu người ở đồng
bằng sông Hồng; Tình hình phát triển ngành thuỷ, hải sản ở đồng bằng sông Cửu Long
- Viết và trình bày báo cáo địa lí địa phương.
(3) Thái độ, tình cảm:
- Có tình yêu đối với thiên nhiên, với các thành quả kinh tế, văn hoá của quê hương, đất nước,
- Có ý thức tìm hiểu, giải thích một cách khoa học các hiện tượng địa lí xảy ra ở địa phương,
- Tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên, văn hoá nhằm nâng cao chất lượng
cuộc sống trong cộng đồng, quê hương, đất nước.
2. Thực trạng công tác kiểm tra kết quả học tập môn Địa lí ở trường trung học cơ sở
- Trong môn địa lí hiện nay, việc kiểm tra vẫn thiên về những kiến thức được HS ghi nhớ máy móc,
đôi khi có một số câu hỏi suy luận. Như vậy học sinh chủ yếu chỉ cần tái hiện những kiến thức được tiếp nhận
trên lớp là đạt yêu cầu và ghi lại đủ ý là đạt điểm tối đa.
- Các kiến thức được kiểm tra đánh giá chủ yếu là kiến thức lý thuyết. Kĩ năng địa lí ít được các giáo
viên quan tâm nên số câu hỏi về kĩ năng thường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu đề kiểm tra, đề thi. Điều này
thể hiện rõ qua việc các em không biết hoặc còn lúng túng khi sử dụng bản đồ, kể cả những lược đồ đơn giản
trong SGK, không phân biệt phương hưóng trong bản đồ cũng như ngoài thực địa. Các đề kiểm tra, đề thi
thường đơn điệu, phần lớn là các câu hỏi và đáp án theo kiểu trắc nghiệm tự luận, ít áp dụng các phương pháp
trắc nghiệm khách quan, làm cho kết quả đánh giá phụ thuộc nhiều vào tính chủ quan của người đánh giá.
- Các kiến thức kiểm tra, đánh giá được gói gọn trong chương trình môn học của một lớp, kể cả việc
thi hết cấp. Vì vậy khó có thể đánh giá được mức độ hiểu và nắm vững các kiến thức cần thiết, đã được học ở
cấp THCS.
- Trong đánh giá mới chỉ tập trung vào việc giáo viên đánh giá học sinh, ít tạo điều kiện cho học sinh
tự đánh giá lẫn nhau. Việc đánh giá còn mạng nặng tính chủ quan do chưa có chuẩn chung quy định rõ mức
độ cần đạt trong toàn quốc nên kết quả đánh giá giữa các giáo viên, giữa các trường và các tỉnh thường là
khác nhau.
9
Cách đánh giá như hiện nay đã dẫn tới việc học vẹt, học tủ của học sinh. Kết quả đánh giá chủ yếu chỉ

nêu lên được mức độ ghi nhớ bài của học sinh, khó đánh giá được trình độ tư duy, khả năng phát triển trí tuệ
cũng như năng lực vận dụng tri thức, kĩ năng địa lí của học sinh.
Cách đánh giá này gắn liền với phương pháp dạy học thông báo, minh hoạ, với loại “SGK kín” chỉ
nhằm cung cấp thông tin một chiều từ thầy đến trò.
- Nguyên nhân chính của những tồn tại trên là do việc kiểm tra, đánh giá chưa được tiến hành theo một
quy trình chặt chẽ mà chỉ theo kinh nghiệm của giáo viên và thường không đảm bảo xuất phát từ mục tiêu dạy
học, chưa bao quát được yêu cầu về nội dung và phương pháp đặc trưng của môn học; mặt khác do mục tiêu
dạy học bộ môn nói chung và của từng bài nói riêng cũng thường tập trung vào kiến thức và thiếu cụ thể;
phương pháp và công cụ đánh giá chưa đa dạng, thiêú sự phối hợp giữa kiểm tra bằng trắc nghiệm khách quan
và tự luận.
3. Định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn địa lí ở trường Trung học cơ sở
a) Mục đích của việc kiểm tra, đánh giá :
Đánh giá kết quả học tập của HS nhằm mục đích làm sáng tỏ mức độ đạt được của HS về kiến thức, kĩ
năng và thái độ so với mục tiêu dạy học đã đề ra, công khai hoá các nhận định về năng lực và kết quả học tập
của mỗi HS, của tập thể lớp, giúp HS nhận ra sự tiến bộ cũng như những tồn tại của cá nhân HS, khuyến
khích, thúc đẩy việc học tập của các em.
Mặt khác các kết quả kiểm tra, đánh giá còn có tác dụng giúp cho cán bộ quản lí giáo dục ở các cấp
biết mức độ đạt được so với mục tiêu môn học để họ có thể điều chỉnh hoạt động chuyên môn cũng như có
các hỗ trợ khác nhằm đạt được đến mục tiêu xác định. Các kết quả này còn giúp cho việc phát hiện những
điểm mạnh, điểm yếu của chương trình, sách giáo khoa, khi cần thiết có thể kiến nghị các tác giả điều chỉnh
lại.
Các kết quả kiểm tra, đánh giá có thể cung cấp những thông tin chính xác, tổng quát về kết quả học tập
bộ môn cho các đối tượng khác như các nhà thiết kế chương trình khi cần xác định chuẩn (chương trình chi
tiết); các cán bộ chỉ đạo khi hướng dẫn thực hiện chương trình ở các vùng miền khác nhau hoặc giúp phụ
huynh học sinh khi họ lựa chọn cách giáo dục, chọn hướng nghề nghiệp cho con em họ.
b) Yêu cầu của đổi mới việc kiểm, đánh giá kết quả học tập địa lí của học sinh:
Kết quả kiểm tra phải cung cấp được các thông tin đầy đủ, khách quan phản ánh được các yêu cầu,
nhiệm vụ của dạy học địa lí để từ đó có thể so sánh, phân tích và đánh giá mức độ đạt được của người học so
với mục tiêu dạy học, bao gồm cả kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm. Việc kiểm tra, đánh giá về cơ bản phải
đảm bảo theo các yêu cầu sau :

- Đảm bảo phản ánh được việc thực hiện mục tiêu giáo dục : Đây là yêu cầu cơ bản nhất và quan trọng
nhất của việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Mục tiêu giáo dục môn học đã được thể hiện
10
trong chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông. Kết quả kiểm tra phải trả lời được câu
hỏi “học sinh đã đạt được các quy định của chuẩn kiến thức, kĩ năng đến đâu?”.
- Đảm bảo đề cập được các nội dung cơ bản trong chương trình mà HS đã được học: tránh kiểm tra
những kiến thức, kĩ năng nằm ngoài chương trình . Các bài kiểm tra 45’, cuối học kì, cuối năm học cần bao
quát được các kiến thức, kĩ năng cơ bản HS đã được học trong chương trình.
- Đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan: Bài kiểm tra phải được diễn đạt rõ, đơn nghĩa,
chuyển tải được yêu cầu của đề tới HS. Đề kiểm tra phải vừa đánh giá một cách khách quan, chính xác kết
quả học tập của học sinh đối chiếu với mục tiêu đã được xác định trong chuẩn, vừa phải đảm bảo sao cho kết
quả kiểm tra không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người đánh giá.
- Phù hợp với thời gian kiểm tra: Mức độ yêu cầu của mỗi câu hỏi phải phù hợp thời gian dự kiến cho
HS trả lời và với trọng số điểm.
- Đảm bảo tính công khai : Thể hiện ở việc hướng dẫn học sinh chuẩn bị kiểm tra và công bố kết quả
kiểm tra, góp phần quan trọng vào việc thực hiện công bằng trong giáo dục.
Việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực học tập của học sinh nhằm
đào tạo những con người năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng với đời sống xã hội, hòa nhập với cộng
đồng đòi hỏi hoạt động kiểm tra, đánh giá không chỉ dừng lại ở yêu cầu tái hiện các kiến thức, lặp lại các kĩ
năng đã học mà phải đảm bảo khuyến khích khả năng tư duy (tư duy phê phán, tư duy địa lí), khả năng vận
dụng kiến thức của học sinh và khuyến khích trí thông minh, sáng tạo ở học sinh. Vì vậy bài kiểm tra cần bao
gồm cả câu hỏi kiểm tra trí nhớ (tái hiện kiến thức) với số điểm chỉ nên chiếm 20% tổng số điểm; câu hỏi, bài
tập kiểm tra kĩ năng với số điểm khoảng 40%; câu hỏi vận dụng, suy luận chiếm khoảng 40% số điểm. Các đề
kiểm tra cần được đổi mới theo hướng phối hợp với tự kiểm tra của học sinh để đảm bảo cung cấp nhiều
thông tin cho việc đánh giá toàn diện và hệ thống kết quả học tập của học sinh.
c) Nội dung kiểm tra, đánh giá :
- Phối hợp chặt chẽ, hữu cơ giữa đánh giá mức độ đạt được về mặt kiến thức địa lí với kĩ năng chung
và kĩ năng đặc trưng của địa lí. Yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng HS được hoạt động để
tự chiếm lĩnh kiến thức đặt ra cho GV nhiệm vụ phải tổ chức để HS được hoạt động. Điều này yêu cầu HS
phải có các kĩ năng cần thiết, phải biết sử dụng các kĩ năng để có thể tham gia các hoạt động học tập và từ đó

tiếp nhận các kiến thức. Do đó các câu hỏi, bài tập kiểm tra phải đảm bảo thể hiện cả mặt kiến thức lẫn kĩ
năng địa lí.
- Đánh giá toàn diện hoạt động học tập : ở đây không chỉ đề cập kiến thức, kĩ năng và qua đó đến cả
mức độ phát triển trí tuệ của HS mà cần chú ý cả các yêu cầu giáo dục khác như giáo dục thái độ, tình cảm,
giáo dục thẩm mĩ, giáo dục các giá trị, Đưa ra các mức độ cho việc đánh giá các mặt giáo dục trên thường
gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy vẫn cần tiến hành bằng phương pháp quan sát để có được những nhận xét,
11
kết luận về thái độ, tình cảm đúng sai của HS trước hoạt động dạy học địa lí trong nội bộ lớp học; trước các
hiện tượng, sự kiện mang tính xã hội, chính trị liên quan đến địa lí; nhận xét về chất lượng đạt được của các
kết quả làm việc của HS về phương diện thẩm mĩ (chữ viết, cách trình bày, bố cục, ), phương diện văn
phong, ngữ pháp tiếng Việt
- Kết quả đánh giá phải tạo điều kiện phân loại HS giỏi, khá, trung bình, kém. Như vậy những câu hỏi
bài tập, những gợi ý, hướng dẫn của GV cũng cần được thiết kế theo các mức độ khác nhau. GV cần có những
gợi ý, hướng dẫn phù hợp với các đối tượng khác nhau. Đối với đối tượng khá giỏi GV khuyến khích HS đi
sâu vào tìm hiểu kĩ hơn các hiện tượng, sự vật địa lí, tìm cách giải thích chúng, tìm ra các mối quan hệ nhân
quả đặc trưng cho môn địa lí.
+ Về mặt kiến thức: kết quả học tập của HS cấp trung học cơ sở chủ yếu được đánh giá theo 3 mức
độ :
* Mức độ nhận biết (ghi nhớ, tái hiện) như : ghi nhớ các dấu hiệu đặc trưng của các khái niệm địa lí,
ghi nhớ một số địa danh, số liệu
* Mức độ hiểu : giải thích, chứng minh, phân tích được các mối quan hệ địa lí, các sự vật, hiện tượng
địa lí.
* Mức độ vận dụng : Vận dụng các kiến thức đã học vào các tình huống mới hoặc để giải thích một số
vấn đề thường gặp trong thực tiễn (những vấn đề đơn giản) có liên quan đến kiến thức đã học.
+ Về mặt kĩ năng : đánh giá mức độ thuần thục trong sử dụng bản đồ, lược đồ, các bảng số liệu, tranh
ảnh để khai thác, trình bày kiến thức địa lí; trong phân tích các mối quan hệ nhân quả để giải thích các hiện
tượng, sự vật địa lí.
+ Về mặt thái độ : Xem xét mức độ thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên và các thành quả lao động
của cộng đồng, thái độ trước các vấn đề của cộng đồng như dân số, môi trường và đánh giá mức độ tập trung,
tính tích cực, hợp tác trong tham gia giờ lên lớp; nghiêm túc, trung thực trong khi làm bài kiểm tra của học

sinh.
d) Phương pháp đánh giá
Để đánh giá kết quả học tập của HS được khách quan, chính xác cần phối hợp các phương pháp kiểm
tra tạo điều kiện thu thập đầy đủ thông tin về trình độ, khả năng, thái độ học tập của học sinh thông qua nhiều
hình thức kiểm tra, tránh chỉ kiểm tra đơn thuần những kiến thức HS ghi nhớ được sau mỗi bài học, mỗi
chương. Hai phương pháp thường được xử dụng đó là kiểm tra bằng trắc nghiệm và quan sát hoạt động học
tập của HS
- Quan sát việc học địa lí của học sinh: là cách thu thập thông tin về tình hình, khả năng và trình độ học
tập môn địa lí của từng học sinh qua hoạt động quan sát. Giáo viên quan sát quá trình học tập, hành vi, thái độ
của học sinh trong tiết học địa lí. Những gì giáo viên quan sát được là cơ sở cho việc đánh giá như quan sát mức
12
độ thành thạo đối với các kĩ năng địa lí như: sử dụng bản đồ, tranh ảnh; phân tích số liệu, biểu đồ, bảng; phân
tích mối quan hệ nhân quả, kĩ năng lập sơ đồ, Có thể xếp hạng mức độ thành thạo từ yếu, trung bình đến khá,
giỏi đối với các kĩ năng địa lí. Về mặt thái độ của học sinh đối với việc học địa lí cũng cần xếp loại kém, trung
bình, khá, tốt. Giáo viên nên có sổ theo dõi học sinh từng lớp để ghi lại những ý kiến nhận xét của mình về HS.
GV cần theo dõi, giám sát cả quá trình học tập của HS, từ hoạt động chuẩn bị các điều kiện để tiến
hành bài giảng như chuẩn bị đồ dùng học tập, ôn lại bài cũ, ; tham gia các hoạt động trên lớp như làm việc
với số liệu, bản đồ, biểu đồ, theo yêu cầu của GV đến các kết quả HS tự đạt được sau mỗi một hoạt động
như báo cáo, sơ đồ, bài viết, Như vậy kết quả học tập của HS không chỉ được thể hiện qua các lần kiểm tra
miệng, kiểm tra viết 15 phút, 1 tiết hoặc kiểm tra học kỳ, kiểm tra hết năm học, thi hết cấp học mà còn gồm
các bài thực hành, các báo cáo kết quả làm việc của cá nhân, nhóm trong suốt năm học và cả những nhận xét
của GV qua việc quan sát thái độ, kết quả học tập của học sinh trong quá trình dạy học. Cần kết hợp xử lí tổng
hợp các kết quả kiểm tra thường xuyên và định kì như với các loại hình nêu trên.
- Trắc nghiệm: Trắc nghiệm trong phạm vi dạy học được coi là công cụ dùng để đánh giá mức độ đạt
được của học sinh so với những mục tiêu được đặt ra trong những lĩnh vực cụ thể. Tuỳ theo dạng thức của
trắc nghiệm người ta chia ra thành trắc nghiệm khách quan hay trắc nghiệm tự luận.
+ Trắc nghiệm tự luận : là bộ công cụ đánh giá gồm các câu hỏi yêu cầu học sinh tự viết câu trả lời hoặc
tự trình bày các hình thức thể hiện bằng kênh hình của môn địa lí. Do đó trong bài kiểm tra tự luận học sinh
có thể tự do bộc lộ rõ những hiểu biết, cá tính, năng lực trí tuệ, khả năng diễn đạt của mình và qua đó giáo
viên thấy được quá trình suy nghĩ của học sinh để giải quyết một vấn đề hay một bài tập. Khi chấm bài, người

chấm cũng được tương đối tự do cho điểm các câu trả lời theo ý của mình. Do đó loại trắc nghiệm này mang
tính chủ quan. Các bài kiểm tra hiện nay chủ yếu được thiết kế theo dạng thức này.
+ Trắc nghiệm khách quan : là bài trắc nghiệm gồm nhiều câu hỏi, mỗi câu có thể trả lời bằng cách
lựa chọn câu trả lời đã có sẵn với một dấu hiệu đơn giản, hoặc bằng cách viết một từ, một cụm từ, Trắc
nghiệm này được gọi là khách quan vì cách chấm điểm hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của
người chấm. Loại bài trắc nghiệm này bao gồm nhiều câu hỏi nên có thể bao quát một phạm vi rất rộng của
chương trình môn học, nhờ đó tránh được việc học tủ, học lệch của học sinh và giúp GV phân biệt rõ hơn các
trình độ học tập của HS, nghĩa là có thông tin đầy đủ hơn về quá trình dạy học. Việc biên soạn đề kiểm tra
theo hình thức trắc nghiệm khách quan là rất khó và mất nhiều thời gian, song việc chấm lại dễ và nhanh, có
thể sử dụng các phương tiện tin học để chấm bài và phân tích kết quả. Kết quả là đơn nhất.
13
e) Quy trình đánh giá:
Hoạt động đánh giá được tiến hành theo các bước sau:
- Xác định mục đích, yêu cầu đánh giá: đánh giá để xác định trình độ học sinh khi bước vào một giai
đoạn học tập mới, đánh giá kết quả học tập của học sinh tại một thời điểm (sau một bài học, sau vài bài
học, ) hoặc đánh giá tổng kết sự phát triển của học sinh sau cả học kỳ, cả năm học.
- Xác định đối tượng, nội dung và hình thức đánh giá: Đối tượng đánh giá là học sinh song nên chú ý
đến trình độ, điều kiện cụ thể của học sinh. Nội dung đánh giá cần phản ánh được các yêu cầu của mục tiêu
môn học. Tùy theo mục đích đánh giá mà lựa chọn hình thức tổ chức kiểm tra (miệng/viết), hình thức đánh
giá (thường xuyên, định kỳ) và phương pháp kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm khách quan, thực hành hoặc giáo
viên quan sát) cho phù hợp.
- Xây dựng bộ công cụ đánh giá: Chủ yếu biên soạn các loại câu hỏi cho thích hợp với phương pháp
đánh giá và soạn đáp án, biểu điểm.
- Xử lý số liệu: Số liệu là kết quả thu được qua các lần kiểm tra. Phân tích các số liệu để có thể phân
loại học sinh. Kết quả kiểm tra còn giúp giáo viên phát hiện được học sinh thường có thuận lợi hoặc gặp khó
khăn gì khi tiếp nhận những loại kiến thức, kĩ năng khác nhau.
- Kết luận theo mục đích và yêu cầu đánh giá, đồng thời có những giải pháp cần thiết để nâng cao chất
lượng học tập bộ môn của học sinh.
f) Hình thức đánh giá
(f1.) Hình thức đánh giá

Để có thông tin làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh, cần
tiến hành kiểm tra thường xuyên trong từng tiết học và kiểm tra định kỳ vào giữa, cuối học kỳ và cuối năm
học.
- Kiểm tra thường xuyên (còn được gọi là kiểm tra định hình)
Là hoạt động thu thập thông tin về kết quả học tập của HS trong suốt quá trình dạy học và được thực
hiện thông qua :
+ Quan sát việc học địa lí của học sinh : Giáo viên quan sát các hoạt động của HS diễn ra trong từng tiết
học địa lí, nhận xét mức độ tập trung nghe giảng; ý thức tham gia, đóng góp ý kiến vào bài giảng; mức độ tham
gia hoạt động của nhóm, ghi chép bài đầy đủ,….
+ Kiểm tra miệng: Kiểm tra những kiến thức HS vừa họcảơ bài trước ngay đầu tiết học bài mới hoặc
trong quá trình giảng bài mới khi nội dung bài mới có liên quan đến kiến thức học sinh đã học. Việc đổi mới
cách viết sách giáo khoa tạo điều kiện tổ chức cho học sinh tự làm việc, tự vận dụng các kĩ năng địa lí để tìm
ra kiến thức mới. Do đó phương pháp kiểm tra miệng còn có thể và cần thực hiện cả trong khi học sinh trình
bày lại kết quả làm việc của cá nhân hoặc nhóm. Giáo viên cần nhận xét cả về mức độ đầy đủ, chính xác của
14
các kết quả làm việc của học sinh lẫn hình thức trình bày: diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, gọn. Ngay từ đầu năm
học, giáo viên nên chú ý hướng dẫn học sinh cách trình bày, góp ý cụ thể từ ngôn từ tới tác phong trình bày.
Điều này sẽ có ích cho việc phát triển khả năng giao tiếp của học sinh, giúp các em tự tin hơn. Có thể nói cấu
trúc và phương pháp trình bày mới của sách giáo khoa tạo nhiều cơ hội cho giáo viên tiến hành kiểm tra
miệng thường xuyên hơn.
+ Kiểm tra viết 15 phút: Theo chương trình và sách giáo khoa cũ, hình thức kiểm tra này hầu như chỉ
thực hiện 1, 2 lần trong mỗi học kỳ và ở đầu giờ trước khi vào bài mới. Theo chương trình và sách giáo khoa
mới, hình thức này có thể tiến hành trong suốt tiết học và ở nhiều tiết học bằng cách yêu cầu học sinh trình
bày kết quả công việc mà cá nhân hoặc nhóm học sinh vừa thực hiện.
- Kiểm tra định kỳ (tổng kết)
Thực hiện vào một số thời điểm trong năm học và thường tiến hành bằng các bài kiểm tra viết như
kiểm tra viết 1 tiết ở giữa và cuối học kỳ I, II và kiểm tra kết thúc năm học. Trước mỗi bài kiểm tra học sinh
được hướng dẫn tự ôn (giữa học kỳ I) và ôn trên lớp (giữa học kỳ II và cuối học kỳ). Nhìn chung những đề
kiểm tra này thường gồm 8-10 câu hỏi thuộc các bài khác nhau. Một phần câu hỏi kiểm tra có thể được lựa
chọn từ các câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa. Cần có một số câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức

để suy luận, giải thích.
(f2.) Hình thức tổ chức kiểm tra
- Kiểm tra miệng: là hình thức phổ biến nhất, thường được tiến hành trước khi giáo viên thực hiện bài
mới và giáo viên chỉ kiểm tra bài học ngay trước đó. Đôi khi trong quá trình dạy học bài mới, giáo viên kiểm
tra những kiến thức cũ có liên quan tới bài đang học. Hình thức kiểm tra này giúp giáo viên có thể thấy được
trực tiếp mức độ ghi nhớ bài, hiểu bài của học sinh, thấy được kĩ năng địa lí của học sinh trong điều kiện có
phương tiện dạy học. Song số lượng học sinh được kiểm tra miệng một cách thường xuyên là rất hạn chế. Đa
số học sinh không tập trung so sánh câu trả lời của bạn với của mình, nghe ý kiến nhận xét của giáo viên để
điều chỉnh câu trả lời của mình nên hiệu quả kiểm tra miệng thường thấp, lãng phí thời gian.
- Kiểm tra viết:
+ Kiểm tra 15 phút: được tiến hành trước khi học sinh học bài mới với nội dung thường là của bài học
ngay trước đó hoặc kiểm tra cuối giờ ngay bài vừa học xong. Các câu hỏi kiểm tra loại này thường tập trung
vào các kiến thức mà học sinh ghi nhớ tương đối máy móc, đôi khi cũng có câu hỏi suy luận (đòi hỏi học sinh
phải hiểu). Rất ít khi giáo viên đưa ra câu hỏi kiểm tra kĩ năng ở loại bài kiểm tra này.
+ Kiểm tra 45 phút (1 tiết): được tiến hành sau một chương hoặc một số bài nhất định, giữa học kỳ I
và học kỳ II. Ở loại bài này thường có sự kết hợp các câu hỏi ghi nhớ và vận dụng kĩ năng địa lí.
15
+ Kiểm tra cuối học kỳ (1 tiết): nội dung kiểm tra được giới hạn ở những kiến thức cơ bản của các bài
học mà HS đã học trong cả học kỳ . Loại bài kiểm tra này cũng có yêu cầu về mặt kiến thức, kĩ năng tương tự
như bài kiểm tra 1 tiết nêu trên.
+ Kiểm tra cuối năm: nội dung kiểm tra tập trung vào những kiến thức, kĩ năng cơ bản HS đã được
học trong năm. Như vậy với rất nhiều câu hỏi nhỏ, đề kiểm tra có thể đề cập tới mọi kiến thức cơ bản có
trong chương trình của một lớp trong cấp THCS. Loại đề này tránh được việc HS học lệch, học tủ đồng thời
cũng không có những yêu cầu quá cao đối với khả năng nhận thức của HS.
+ Thi học sinh giỏi: Nội dung thi trong chương trình năm học song đòi hỏi học sinh phải có năng lực
phân tích, so sánh, khái quát, cao hơn.
- Kiểm tra vở ghi bài và bài thực hành
Hình thức kiểm tra này có thể thực hiện 1 lần trong một học kỳ. Việc theo dõi vở ghi bài giúp giáo
viên biết được việc học của học sinh, qua đó giáo viên có thể đánh giá thái độ học tập bộ môn địa lí của các
em.

(f3.) Hình thức thiết kế câu hỏi
Đa dạng hoá các phương thức kiểm tra, đánh giá thể hiện qua việc phối hợp linh hoạt giữa hai loại
hình câu hỏi kiểm tra: trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan, tránh nhấn mạnh, thiên vị chỉ vào một
hình thức đánh giá.
Trong việc ra đề kiểm tra địa lí cần sử dụng các câu hỏi tự luận kết hợp câu hỏi trắc nghiệm khách quan và
có thể áp dụng cả 5 loại câu hỏi trắc nghiệm khách quan sau đây:
(1) Trắc nghiệm đúng – sai: Loại này chỉ gồm hai lựa chọn (đúng hoặc sai) và là loại trắc nghiệm rất đơn
giản, dễ sử dụng. Tuy nhiên loại này thường khó phân biệt loại tích cực vì sự trả lời ngẫu nhiên của học sinh
cũng có thể đúng. Đối với câu hỏi loại này cần chú ý những điểm sau:
* Sử dụng những nhận định đúng hay sai chứ không nêu mức độ, chất lượng;
* Các nhận định cần thật ngắn, gọn.
* Tránh những trích dẫn trực tiếp từ SGK. Khi tách chúng ra khỏi ngữ cảnh của chúng, những trích dẫn
này có thể vẫn còn đúng trong chừng mực nào đó nhưng không còn đúng hoàn toàn nữa;
* Nên chắc chắn là câu hỏi được viết sẽ có thể phân loại một cách chính xác là đúng hay sai;
* Đề phòng những từ khẳng định như “tất cả”, “bao giờ cũng”, “không bao giờ”,”thường xuyên”, “đôi
khi”,
* Đề phòng những thuật ngữ mơ hồ về mức độ hay số lượng như “thông thường”, “phần lớn”, “trong hầu
hết các trường hợp”,
* Đề phòng các nhận định mang tính phủ định, đặc biệt các câu phủ định kép;
16
* Đề phòng những câu hỏi chứa nhận định có nhiều hơn một ý, đặc biệt nếu một ý là đúng và các ý khác
là sai;
* Đề phòng trường hợp mà câu trả lời đúng lại tùy thuộc vào một chữ, một từ hay một câu tầm thường, vô
nghĩa.
Ví dụ :
“Chỉ cần dựa vào hình dạng của: đỉnh núi, sườn núi, thung lũng là có thể biết đó là núi già hay núi
trẻ”.
Hãy khoanh tròn vào câu trả lời phù hợp với ý của em:
a. Đúng; b. Sai
(2) Trắc nghiệm nhiều lựa chọn: Loại trắc nghiệm này có hai phần:

* Phần mở đầu: Nêu vấn đề và cách thực hiện;
* Phần thông tin: Nêu các câu trả lời để giải quyết vấn đề, trong các câu trả lời này chỉ có một câu trả
lời đúng còn các câu trả lời khác đều sai và thường là những sai lầm học sinh hay mắc phải.
Các điều cần chú ý đối với loại câu hỏi này là:
* Dùng một câu hỏi hay một câu nhận định không đầy đủ làm câu dẫn, chọn loại câu sao cho trong
tình huống này là sáng sủa và trực tiếp hơn;
* Nói chung tránh các câu dẫn mang tính phủ định. Tuy nhiên, nếu câu dẫn phủ định có vẻ tốt hơn thì
phải chú ý gạch dưới hoăc in nghiêng chữ “không”;
* Phải đảm bảo câu sao cho câu trả lời đúng là câu rõ ràng là tốt nhất;
* Phải đảm bảo câu dẫn và câu trả lời khi gắn với nhau là hợp cách và hợp ngữ pháp;
* Phải giữ cho câu trả lời của một câu hỏi đã nêu là theo cùng một hình thức hành văn;
* Soạn càng nhiều câu nhiễu có vẻ hợp lý và có sực thu hút người làm bài thì càng tốt. Cách tốt nhất
để làm điều đó là tạo các câu nhiễu dựa trên những khái niệm chung hay những khái niệm sai. Một câu nhiễu
mà không một thí sinh nào chọn phải thì chẳng có tác dụng;
* Tránh các câu nhiễu ở trình độ cao hơn so với câu trả lời đúng;
* Không nên dùng loại câu trả lời “Không một câu nào đúng cả”, “Tất cả các câu đều đúng” hoặc “em
không biết” trong các câu để lựa chọn;
* Sắp xếp các câu trả lời theo thứ tự ngẫu nhiên, tránh để theo thứ tự giống nhau hoặc theo một kiểu
mà học sinh dễ nhận ra;
* Không nên đưa quá nhiều ý vào một câu hỏi, nên tập trung vào một ý cho mỗi câu hỏi;
* Giữ cho tất cả các câu trả lời của một câu hỏi có cùng một văn phong và rất ngắn. Câu dẫn chứ
không phải câu trả lời cần chứa đựng lượng thông tin;
* Đừng nhồi nhét quá nhiều tư liệu không thích hợp vào trong câu dẫn;
17
* Đề phòng tạo nên những đầu mối không thích đáng về mặt văn phạm.
Ví dụ :
Hãy khoanh tròn vào câu trả lời phù hợp với ý của em:
“Gần cực, nhiệt độ trung bình giảm do :
a. Ở vĩ độ cao nên cách xa Mặt Trời
b. Ở vĩ độ cao nên góc chiếu sáng lớn

c. Ở vĩ độ cao nên góc chiếu sáng nhỏ
d. Ở vĩ độ cao nên gần Bắc Băng Dương”
(3) Trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi: Cho sẵn hai nhóm đối tượng sắp xếp tách rời nhau. Học sinh phải
nối đối tượng của nhóm thứ nhất với một đối tượng thích hợp của nhóm thứ hai để đạt yêu cầu đã đề ra trong
bài tập.
Loại câu này cần phải đảm bảo những yêu cầu sau:
* Đảm bảo cho từng nhóm có đối tượng đồng nhất; ví dụ, nếu một nhóm gồm các sản phẩm chính và
một nhóm gồm tên các vùng hay khu vực để ghép đôi với nhau, thì không nên đưa vào một hai mục về dân
số;
* Nên giữ các danh mục tương đối ngắn. Điều này giúp giữ cho chúng đồng nhất
* Sắp xếp danh mục một cách sáng sủa nhất;
* Giải thích một cách sáng sủa cơ sở để ghép đôi;
* Tránh tạo nên việc ghép đôi theo kiểu một- một. Điều này có thể dễ dàng thực hiện bằng cách sử dụng
một câu trả lời phù hợp với nhiều hơn một câu đầu mối và cũng bằng cách dùng câu trả lời không phù hợp
với một câu đầu mối nào cả. Việc ghép đôi kiểu một- một cho phép tạo nên một quá trình giới hạn dần dần.
Ví dụ :
Dựa vào tính chất của các khối khí đã cho, ghép đôi lại sao cho tính chất của từng khối khí phù hợp
với nơi hình thành :
a) Tính chất của các khối khí
Nóng và khô
Lạnh và khô
Nóng và ẩm
Lạnh và ẩm
b) Nơi hình thành
Vĩ độ thấp trên đại dương
Vĩ độ cao trên lục địa
Vĩ độ cao trên đại dương
Vĩ độ thấp trên lục địa
(4) Trắc nghiệm điền khuyết: Học sinh điền vào chỗ trống theo yêu cầu của bài tập.
Loại bài tập bày cần chú ý một số điểm sau:

* Sử dụng loại bài tập này khi rõ ràng chỉ có duy nhất một câu trả lời đúng;
18
* Nên nói thẳng, rõ ràng. Trong điều kiện thích hợp, nên nói rõ những số liệu, hình vẽ có ý nghĩa hay phần
số lẻ cần thiết theo yêu cầu, nếu cần các đơn vị đo trong câu trả lời có con số thì cũng phải nói rõ;
* Trong những câu hỏi buộc phải điền thêm vào các câu, không nên để quá nhiều khoảng trống làm các
câu trở nên khó xử lý.
Ví dụ :
Hãy điền vào chỗ trống ( . . . .) các chữ sau : khoáng sản, quặng
Những tích tụ các khoáng vật và các đá có ích được con người khai thác, sử dụng được gọi
là . . . . . . . . . . . . . . Khi các nguyên tố hoá học tập trung với một tỉ lệ cao thì được gọi là . . . . . . . . . . . . . . . . .
(5) Trắc nghiệm câu trả lời ngắn: Bài tập nêu câu hỏi, học sinh viết câu trả lời ngắn thích hợp.
Ví dụ :
Nêu 3 nguyên nhân của hiện tượng ngày, đêm dài ngắn khác nhau
g) Kỹ thuật xây dựng bộ công cụ đánh giá:
- Đề kiểm tra: được dùng để đánh giá kết quả học tập của HS sau một giai đoạn học tập nhất định. Để
xây dựng đề, cần:
+ Xác định mục đích kiểm tra, yêu cầu về nội dung, hình thức và phương pháp kiểm tra.
+ Xây dựng ma trận hai chiều:
* Lập một bảng có hai chiều, một chiều là nội dung, một chiều là các mức độ nhận thức cần kiểm tra;
* Viết các mạch nội dung cần kiểm tra ứng với mỗi mức độ nhận thức, mỗi nội dung tương ứng trong
từng ô của ma trận;
* Xây dựng trọng số điểm cho từng nội dung kiến thức và từng mức độ nhận thức cần kiểm tra. Quyết
định trọng số điểm cho từng nội dung căn cứ vào tổng số tiết quy định trong phân phối chương trình và mức
độ quan trọng của mạch kiến thức đó. Quyết định trọng số điểm cho từng mức độ nhận thức phải đảm bảo cho
phân phối điểm có dạng tương đối chuẩn. Ở đây cần dựa vào nguyên tắc: mức độ nhận thức trung bình nên có
trọng số cao hơn hoặc bằng các mức độ nhận thức khác.
* Xác định số lượng và hình thức cho các câu hỏi trong mỗi ô của ma trận cần quyết định thời gian,
trọng số điểm tương ứng cho từng phần; Quyết định trọng số điểm, số lượng câu hỏi cho từng ô của ma trận.
Nhìn chung càng nhiều câu hỏi cho một mạch nội dung, mỗi mức độ nhận thức thì kết quả đánh giá càng có
độ tin cậy cao; hình thức câu hỏi càng đa dạng càng tốt bởi sẽ tạo niềm vui, hứng thú, tập trung sự chú ý,

tránh được nhàm chán đối với HS. Tuy nhiên cần chú ý: Số lượng câu hỏi phụ thuộc vào hình thức câu hỏi,
trọng số điểm và thời gian dành cho ô tương ứng trong ma trận; Mỗi câu hỏi có nhiều lựa chọn đều có trọng
số điểm như nhau, không phụ thuộc vào mức độ khó, dễ của câu hỏi đó.
+ Thiết kế câu hỏi theo ma trận: Căn cứ vào ma trận và mục tiêu đã xác định ở các bước trên để thiết
kế nội dung, hình thức, lĩnh vực kiến thức và mức độ nhận thức cần đo qua từng câu hỏi và toàn bộ các câu
19
hỏi. Mỗi câu hỏi phải được biên soạn sao cho đánh giá được chính xác mức độ đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ
năng tối thiểu được quy định trong chương trình môn học.
+ Xây dựng đáp án và biểu điểm: Việc xây dựng đáp án và biểu điểm đối với đề tự luận được tiến
hành như cũ. Đối với đề trắc nghiệm khách quan được quy đổi về điểm10 . Điểm toàn bài kiểm tra làm tròn số
đến 0,5 điểm.
- Yêu cầu đối với câu hỏi dạng tự luận hay trắc nghiệm khách quan, các bài tập thực hành
* Phải phản ảnh đúng mục tiêu đã được xác định ở từng bài.
* Về mức độ nội dung phải đảm bảo HS trung bình đạt được các yêu cầu, đồng thời có thể phân hoá
được loại học sinh khá giỏi.
* Kết hợp hài hoà giữa các câu hỏi yêu cầu ghi nhớ, suy luận và kĩ năng (vận dụng).
* Kết quả kiểm tra cung cấp kết luận đáng tin cậy thông qua các chỉ số đánh giá được thể hiện bằng
điểm.
* Đảm bảo văn phong, ngôn ngữ rõ ràng, mạch lạc và số lượng câu hỏi phù hợp với thời gian làm bài
kiểm tra của đa số học sinh.
* Hình thức câu hỏi kiểm tra đa dạng.
g. Quy trình biên soạn đề kiểm tra địa lí
(1) Xác định mục tiêu kiểm tra: Kiểm tra kiến thức, kĩ năng học sinh ở bài học trước liên quan trực
tiếp việc tiếp thu bài mới; kiểm tra quá trình tiếp thu bài của học sinh trong từng tiết học; kiểm tra kết quả học
tập của học sinh sau một bài học, một chương, một số chương; kiểm tra kết quả học tập của học sinh sau một
năm học; kiểm tra kết quả học tập của học sinh sau cấp THCS.
(2) Xác định nội dung kiểm tra: việc xác định nội dung này phải dựa trên mục tiêu của từng bài học,
chương và của chương trình môn học. Để soạn được nội dung đề kiểm tra, giáo viên phải nắm chắc các yêu
cầu cụ thể của chương trình môn học về từng nội dung kiến thức và kĩ năng. Dự kiến về nội dung kiểm tra
được thể hiện qua việc lập ma trận như đã nêu ở trên.

(3) Soạn đáp án: tùy theo mục tiêu dạy học được thể hiện qua mức độ yêu cầu học sinh về mặt nhận
thức (biết, hiểu, vận dụng), về kỹ năng mà định ra biểu điểm cho mỗi đề kiểm tra. Thang điểm được dùng là
từ 0 đến 10. Đối với những bài kiểm tra miệng, viết 15 phút, đáp án được chuẩn bị theo sát các yêu cầu của
mục tiêu một bài học, của mục đích kiểm tra (đôi khi chỉ là một kĩ năng cụ thể). Đối với bài kiểm tra viết từ 1
tiết trở lên cần chú ý phân bố điểm ở các câu hỏi, bài tập sao cho đa số học sinh đạt được đến điểm 7. Số điểm
còn lại dành cho câu hỏi khó để có thể phân loại được học sinh khá, giỏi sau mỗi bài kiểm tra. Để đảm bảo
loại đề này vừa kiểm tra được diện rộng các kiến thức và kĩ năng vận dụng của học sinh, vừa kiểm tra được
mức độ nhận thức đồng thời có thể chủ động kết hợp loại câu hỏi tự luận với câu hỏi trắc nghiệm khách quan
cần thiết lập ma trận hai chiều. Đó là một bảng với một chiều thường là nội dung với các lĩnh vực kiến thức
20
khác nhau và một chiều là các mức độ nhận thức của học sinh. Trong mỗi ô là số lượng câu hỏi và hình thức
câu hỏi. Quyết định số lượng câu hỏi cho từng mục tiêu tùy thuộc vào mức độ quan trọng, vào thời gian dành
cho học sinh đạt được mục tiêu đó, vào thời gian dự kiến cho học sinh làm bài kiểm tra. Nhìn chung, càng
nhiều câu hỏi ở nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau thì kết quả đánh giá càng có độ tin cậy cao hơn. Hình thức
câu hỏi đa dạng sẽ gây hứng thú, tập trung sự chú ý, tránh nhàm chán, đối với học sinh.
Dưới đây là một ví dụ phân tích ma trận của một đề kiểm tra giữa học kỳ I, 1 tiết nhằm thu thập thông
tin về kết quả học tập của học sinh sau 6 bài đầu của
chương trình địa lý lớp 6. Mục đích kiểm tra là để xem xét mức độ biết, hiểu và vận dụng kiến thức của học
sinh sau 6 bài này. Dự kiến dành 20% số điểm cho việc kiểm tra mức độ ghi nhớ bài; 30%- 40% số điểm
dành cho việc kiểm tra mức độ hiểu bài và số điểm còn lại cho việc đo mức độ vận dụng kĩ năng địa lí của
học sinh.
Nội dung Biết Hiểu Vận dụng Tổng
điểm
TNKQ TL TNKQ TL TNKQ TL
Phương hướng
chính
(1câu, 2 ý, 3 điểm)

c1,
ý b


c 1,
ý a
3
Chuyển động của
TĐ quanh trục
0,5 đ
c 3
ý a),
0,5 đ
C 3
ý b)
1
Chuyển động của
TĐ quanh MT
(1câu, 5 ý, 6 điểm)
3 đ
c 2,
ý c)

c 2
ý a),b)
6
Tổng 1,5 0,5 3 2 3 10
Đề kiểm tra:
Câu1. (3 điểm):
a. Hãy điền vào các ô trống ở hình vẽ dưới đây các hướng chính của bản đồ
21
Băc
b. Dựa vào kiến thức đã học, tìm các từ thích hợp điền vào chỗ trống ( ) trong câu sau: “Khi

xác định phương hướng trên bản đồ cần dựa vào và
vào ”
Câu 2. (6 điểm ) :
Dựa vào hình 23. Sự vận động của Trái Đất quanh Mặt Trời và các mùa của Bắc bán cầu (SGK Địa lí 6,
trang25).
Hãy cho biết:
a) Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời theo hướng nào?
b) Nhận xét về độ nghiêng và hướng nghiêng của trục Trái Đất vào các ngày hạ chí, đông chí,
xuân phân và thu phân.
c) Giải thích tại sao có các mùa nóng, lạnh luân phiên nhau giữa hai nửa cầu?
Câu 3 (1 điểm):
Đánh dấu x vào ô tương ứng với ý em cho là đúng:
a) Mọi nơi trên Trái Đất đều lần lượt có ngày và đêm do:
(1) Mặt Trời mọc ở đằng Đông, lặn ở đằng Tây.
(2) Trái Đất tự quay quanh trục theo hướng từ Đông sang Tây.
(3) Trái Đất tự quay quanh trục theo hướng từ Tây sang Đông.
(4) Mặt Trời chuyển động từ Đông sang Tây.
b) Một vật chuyển động từ Xích đạo về cực ở Bắc bán cầu sẽ bị lệch theo hướng:
(1) Đông Bắc
(2) Đông Nam
(3) Tây Bắc
(4) Tây Nam
h. Một số điều cần lưu ý khi sọan các câu hỏi trắc nghiệm khách quan
Để soạn các câu hỏi trắc nghiệm khách quan hấp dẫn học sinh, đúng với các yêu cầu của kiểm tra,
đánh giá kết quả dạy học môn địa lí, dưới đây xin trình bày một số điều cần lưu ý giúp giáo viên có thể chủ
động tạo nên bộ công cụ kiểm tra, đánh giá đa dạng.
Qua quá trình nghiên cứu, nhiều tác giả đã tổng kết các quy tắc (43 quy tắc) viết câu trắc nghiệm như
sau:
(1) Viết câu trắc nghiệm chung mang tính phương thức
1.Sử dụng câu trả lời tốt nhất hoặc câu trả lời đúng;

2.Tránh loại câu trắc nghiệm nhiều lưạ chọn phức tạp;
3. Xếp đặt câu lựa chọn theo chiều thẳng đứng, không theo chiều nằm ngang;
22
4. Đảm bảo thời gian cho việc hiệu đính và rà soạt lại các câu trắc nghiệm;
5. Sử dụng phù hợp và chuẩn ngữ pháp, dấu ngắt câu, chính tả;
6. Giảm đến mức tối thiểu thời gian thí sinh dành cho việc đọc (bằng lời), mỗi loại câu trắc nghiệm;
7. Tránh loại câu trắc nghiệm đámh đố nhằm đánh lừa người được trắc nghiệm trả lời sai;
(2) Viết câu trắc nghiệm chung mang tính nội dung
8. Mỗi câu trắc nghiệm cần dựa vào mục tiêu giáo dục, giáo dưỡng;
9.Tập trung vào một vấn đề;
10. Cần đảm bảo lời lẽ (từ vựng) phù hợp với trình độ hiểu biết của học sinh;
11.Tránh nội dung của câu trắc nghiệm này gợi ý cho câu trắc nghiệm kia, đảm bảo sự kết hợp giữa các câu
trắc nghiệm;
12. Sử dụng các ví dụ làm cơ sở cho việc biên soạn câu trắc nghiệm;
13. Tránh kiến thức quá sâu sắc, tỉ mỉ khi soạn câu trắc nghiệm
14. Tránh diễn đạt theo kiểu sách vở, nguyên văn khi soạn câu trắc nghiệm;
15. Tránh loại câu hỏi trắc nghiệm dựa theo suy nghĩ, quan điểm cá nhân;
16. Sử dụng câu trắc nghiệm có lựa chọn để đo suy nghĩ ở mức độ cao hơn;
17. Trắc nghiệm tài liệu quan trọng, có ý nghĩa; tránh các tài liệu bình thường;
(3) Cấu trúc phần thân (câu trắc nghiệm)
18. Chỉ rõ phần thân trong dạng câu hỏi thay cho dạng điền khuyết;
19. Khi sử dụng kiểu điền khuyết, không được để một chỗ trống để điền ở đầu hoặc ở giữa phần thân câu trắc
nghiệm;
20. Đảm bảo rằng sự chỉ dẫn trong phần thân câu trắc nghiệm phải rõ ràng và diễn đạt sao cho học sinh biết
chính xác vấn đề gì đang được nêu ra;
21.Tránh diễn đạt hình thức màu mè (quá dài dòng) trong phần thân câu trắc nghiệm;
22. Cách diễn đạt cần mang tính tích cực, tránh lối tiêu cực ;
23. Ý kiến chính cần được đưa vào trong phần thân câu trắc nghiệm;
(4) Viết câu hỏi lựa chọn chung
24. Sử dụng nhiều câu hỏi gây nhiễu có vẻ hợp lý với khả năng cho phép;

25. Bố trí các câu hỏi lựa chọn một cách lô gic hoặc theo thứ tự;
26. Giữa các câu hỏi lựa chọn độc lập, không được trùng lặp nhau;
27. Đảm bảo sự htống nhất nội dung các câu hỏi lựa chọn trong một tiểu mục;
28. Đảm bảo độ dài của các câu hỏi lựa chọn tương đối thích hợp;
29. Tránh sử dụng hoặc sử dụng ít cụm từ “ gồm tất cả các câu trả lời nêu trên”;
23
30. Tránh hoặc sử dụng ít cụm từ “ không có câu trả lời trong số câu trên”
31. Tránh sử dụng cụm từ ”tôi không biết”
32. Diễn đạt câu hỏi một cách tích cực, không tiêu cực;
33. Tránh loại câu hỏi gây nhiễu để thử tài trí học sinh;
34. Tránh đưa ra các gợi ý tập trung vào lỗi cấu trúc ngữ pháp;
35. Tránh sử dụng các cụm từ ” không bao giờ” và “luôn luôn”;
(5) Viết phương án lựa chọn đúng
36. Đặt phương án lựa chọn đúng ở vị trí sao cho câu trả lời đúng đó xuất hiện ở vị trí khác nhau trong một bộ
câu hỏi;
37. Đảm bảo rằng chỉ có một phương án lựa chọn đúng;
(6) Viết câu hỏi gây nhiễu
38. Sử dụng loại câu gây nhiễu có vẻ hợp lý; tránh loại gây nhiễu vô lý;
39. Tập hợp các lỗi phổ biến của học sinh trong câu hỏi gây nhiễu;
40. Sử dụng câu hỏi gây nhiễu được trình bày một cách kỹ thuật;
41. Sử dụng cụm từ quen thuộc nhưng không đúng để gây nhiễu;
42. Dùng các câu hỏi nhận định đúng nhưng lạikhông trả lời chính xác;
43. Tránh dùng sự hài hước, hóm hỉnh khi viết câu lựa chọn.
(7) Ngoài ra khi biên soạn các câu trắc nghiệm cần lưu ý thêm các điểm sau:
1. Diễn đạt câu hỏi càng sáng sủa càng tốt và chú ý đến cấu trúc ngữ pháp;
2. Chọn từ có nghĩa chính xác;
3. Dùng những câu đơn giản. Thử nmhiều cách dặt câu hỏi và chọn câu đơn giản nhất;
4. Đưa tất cả những thông tin cần thiết vào trong câu dẫn nếu có thể được;
5. Hãy tìm những chỗ gây hiểu lầm mà chưa phát hiện được trong câu hỏi;
6. Trong một bộ câu hỏi, hãy để cho việc tìm ra các câu trả lời đúng chủ yếu theo sắp xếp ngẫu

nhiên;
7. Tránh các câu hỏi để ca ngợi;
8. Đừng cố tăng mức độ khó của câu hỏi bằng cách diễn đạt câu hỏi theo mức phức tạp hơn, trừ
khi bạn muốn kiểm tra về mặt đọc hiểu;
9. Tránh cung cấp đầu mối dẫn đến câu trả lời. Thói quen xây dựng câu trả lời đúng dài hơn câu
nhiễu cũng sẽ bị phát hiện. Câu dẫn của một câu hỏi cũng có thể chứa đựng chính thông tin cần
thiết để trả lời một câu hỏi khác;
10. Tránh nêu nhiều hơn một ý tưởng độc lập trong một câu dẫn;
24
11. Tránh những câu dập khuôn hay những câu trích dẫn từ SGK vì điều này khuyến khích học
sinh học vẹt để tìm được câu trả lời đúng;
12. Tránh những câu hay từ “để lộ” (các định nghĩa cụ thể);
13. Tránh những từ hay câu thừa;
14. Tránh những câu hỏi mang tính khẳng định;
15. Nếu câu hỏi đựoc dựa trên một ý kiến của một cá nhân hay một cấp chính quyền nào đó thì
phải nêu rõ quan điểm đó của ai hoặc của cấp chính quyền nào;
16. Khi lên kế hoạch cho một bộ câu hỏi của một kỳ trắc nghiệm, cần chú ý sao cho một câu hỏi
không cung cấp đầu mối cho việc trả lời một hay nhiều câu hỏi khác;
17. Tránh sử dụng câu hỏi đan cài với nhau hay phụ thuộc lẫn nhau;
18. Tránh những câu hỏi mang tính chất đánh lừa hay gài bẫy;
19. Cố gắng tránh sự mơ hồ trong câu nhận định và trong ý nghĩa;
20. Đề phòng các câu hỏi thừa giả thiết.
25

×