MISOPROSTOL
(Kỳ 2)
Thời kỳ mang thai
Misoprostol có thể gây nguy hiểm cho thai nghén (có thể gây sẩy thai) và
do đó gây tổn hại cho thai. Misoprostol có thể gây co bóp tử cung, chảy máu tử
cung và sẩy thai. Sẩy thai do misoprostol gây nên có thể không hoàn toàn. Trong
những nghiên cứu ở phụ nữ được gây sẩy thai theo ý muốn trong 3 tháng đầu,
misoprostol gây sẩy thai một phần hoặc toàn bộ ở 11% đối tượng và làm tăng chảy
máu tử cung ở 41% đối tượng.
Những tư liệu hiện có cho thấy misoprostol có khả năng sinh quái thai (nếu
không sẩy thai), bằng cơ chế có thể có liên quan với sự phá vỡ hệ mạch ở thai.
Nếu một người mang thai trong khi uống misoprostol, cần phải ngừng dùng
thuốc này và báo cho người bệnh biết về mối nguy hiểm có thể có đối với thai.
Thời kỳ cho con bú
Misoprostol không chắc được bài tiết vào sữa mẹ vì thuốc này chuyển hóa
nhanh trong cơ thể. Tuy nhiên, không biết chất chuyển hóa có hoạt tính
(misoprostol acid) có vào sữa hay không. Do đó, không được dùng misoprostol
cho người mẹ cho con bú vì misoprostol acid gây ỉa chảy ở trẻ nhỏ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Misoprostol gây ỉa chảy tới 30% người bệnh ở liều điều trị uống, đó là
ADR có thể gây hạn chế sử dụng thuốc này. Co cứng cơ bụng cũng có thể xảy ra.
Thường gặp, ADR > 1/100
Thần kinh trung ương: Nhức đầu.
Tiêu hóa: Ỉa chảy, đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, táo bón.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn.
Sinh dục - tiết niệu: Kích thích tử cung, chảy máu âm đạo.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Misoprostol có thể gây ỉa chảy, co cứng cơ bụng và/hoặc buồn nôn ở một
số ít người. Ở phần lớn người bệnh, những vấn đề này phát triển trong vài tuần
đầu điều trị và ngừng sau khoảng một tuần. Có thể làm giảm khả năng ỉa chảy
bằng cách uống misoprostol cùng với thức ăn, vào lúc đi ngủ và tránh dùng cùng
một lúc với các thuốc chống acid chứa magnesi.
Vì những tác dụng không mong muốn này thường từ nhẹ đến vừa và hết
sau ít ngày, đa số người bệnh có thể tiếp tục dùng misoprostol. Trong trường hợp
những tác dụng đó kéo dài (quá 8 ngày) hoặc ỉa chảy nặng, co cứng cơ và/hoặc
buồn nôn, cần phải mời bác sĩ.
Liều lượng và cách dùng
Liều misoprostol cho người lớn để dự phòng loét dạ dày do thuốc chống
viêm không steroid là 200 microgam/lần, ngày 4 lần, uống cùng với thức ăn. Nếu
không dung nạp liều này, thì có thể dùng liều 100 microgam. Phải dùng
misoprostol trong suốt thời gian điều trị thuốc chống viêm không steroid. Phải
uống misoprostol vào bữa ăn, và uống liều cuối cùng trong ngày vào lúc đi ngủ.
Thường không cần điều chỉnh liều đối với người bệnh suy thận và người
cao tuổi, nhưng nếu người bệnh không dung nạp liều 200 microgam thì có thể
giảm liều.
Tương tác thuốc
Không thấy misoprostol có ảnh hưởng đến tác dụng tốt của aspirin trên
những biểu hiện và triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Misoprostol không
gây tác dụng có ý nghĩa lâm sàng trên sự hấp thụ, nồng độ trong máu, và tác dụng
kháng tiểu cầu ở liều điều trị của aspirin.
Misoprostol không có tác dụng có ý nghĩa lâm sàng trên dược động học của
diclofenac hoặc ibuprofen.
Ðộ ổn định và bảo quản
Bảo quản viên nén misoprostol ở nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn 25
o
C, ở nơi
khô ráo.
Quá liều và xử trí
Chưa xác định được liều độc của misoprostol ở người bệnh dung nạp được
liều tích lũy tổng cộng mỗi ngày là 1600 microgam; chỉ có thông báo về triệu
chứng khó chịu ở đường tiêu hóa.
Ở động vật, những tác dụng độc cấp tính là: Ỉa chảy, thương tổn dạ dày-
ruột, hoại tử tim từng ổ, hoại tử gan, hoại tử tiểu quản thận, teo tinh hoàn, khó thở
và suy giảm hệ thần kinh trung ương.
Những dấu hiệu lâm sàng có thể chỉ cho thấy sự quá liều là: Trạng thái an
thần, run, co giật, khó thở, đau bụng, ỉa chảy, sốt, đánh trống ngực, giảm huyết áp,
hoặc nhịp tim chậm. Ðiều trị triệu chứng bằng liệu pháp hỗ trợ.
Không biết misoprostol acid có thể thẩm tách được hay không. Không chắc
liệu pháp thẩm tách sẽ thích hợp để điều trị quá liều.
Thông tin qui chế
Thuốc độc bảng B.