Giáo dục giới tính cho
lứa tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì mang lại những thay đổi đáng kể về
thể chất và tình cảm, có thể khiến bé hoảng sợ.
Bé sẽ yên lòng hơn nhiều nếu được trao đổi cùng
những người thân yêu của mình. Bạn có thể chia
sẻ với con về chính những băn khoăn, suy nghĩ
của bạn khi phải trải qua những thay đổi phức tạp
trong giai đoạn dậy thì hay những “giấc mơ ướt”.
Tuổi dậy thì
• Nếu chính bạn cũng chưa thật sự hiểu chính xác và đầy đủ
về dậy thì, hãy tìm hiểu chứ đừng vội vàng cung cấp cho
con mình những thông tin sơ sài hay méo mó.
• Kết hợp với các tài liệu giáo dục giới tính phù hợp với độ
tuổi, chẳng hạn như sách, báo để giúp con bạn hiểu rõ hơn
về những gì bé sẽ trải qua.
• Các bé gái có thể bắt đầu dậy thì từ năm lên tám. Hãy
cung cấp cho bé đầy đủ những kiến thức mà bé cần phải
biết, chẳng hạn như cách sử dụng băng vệ sinh và những
điều có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Bạn cũng nên
cho bé mang theo băng vệ sinh dự phòng trong cặp đi học
và hướng dẫn cách xử lý những trường hợp bất ngờ.
• Các bé trai cần được biết về tình trạng cương cứng không
theo ý muốn và những giấc mơ ướt ngay từ trước khi điều
này xuất hiện để bé có thể chuẩn bị tâm lý.
• Bạn cũng nên nói với con mình về những thay đổi trong
giai đoạn dậy thì của những người bạn khác giới; cả bé gái
và bé trai đều cần biết điều này.
Những kiến thức khoa học về giới tính và sinh sản
Một vài gợi ý dành cho phụ huynh khi trao đổi với con cái
về đề tài này:
• Hãy trung thực và tôn trọng sự thật. Nếu con bạn hỏi:
“Tại sao đàn ông và phụ nữ quan hệ tình dục?” đừng chỉ trả
lời rằng “Vì họ muốn tạo em bé”. Hãy giải thích với con
bạn rằng họ làm như vậy bởi vì họ đã trưởng thành và cảm
thấy thích trải qua cảm giác ấy.
• Nếu con bạn hỏi về quan hệ đồng tính, nói với chúng rằng
có một số người thích quan hệ với những người cùng giới
tính với mình.
• Sử dụng những tài liệu giáo dục giới tính như sách báo
phù hợp với độ tuổi để giải thích cho trẻ.
• Hiện nay có nhiều trang web giáo dục giới tính dành cho
trẻ từ 10 – 12 tuổi cung cấp nhiều kiến thức hữu ích về độ
tuổi dậy thì, tình dục… Bạn có thể cùng con vào những
trang web này để giúp bé trang bị thêm kiến thức (tuy nhiên
hãy nhớ tìm hiểu những trang web ấy trước để tránh những
tình huống khó xử).
Các kỹ năng lành mạnh và an toàn
Bé cần được học những kỹ năng và kiến thức quan trọng để
tự bảo vệ bản thân, cũng như cư xử tốt với mọi người:
• Tìm hiểu về chương trình giáo dục giới tính mà con bạn
được dạy ở trường để có thể cung cấp những thông tin hỗ
trợ phù hợp.
• Dạy con bạn tên của bộ phận sinh dục và chức năng của
chúng – điều này giúp trẻ có ý thức đúng đắn và biết cách
tự bảo vệ sự an toàn của chính mình.
• Giúp con học các kỹ năng an toàn cần thiết – có rất nhiều
trang web cung cấp các thông tin, bài học bổ ích dành cho
cả phụ huynh và trẻ em.
• Gia đình phải là nơi bé cảm nhận được sự an toàn và tìm
sự giúp đỡ khi gặp bất kỳ một trở ngại hay thắc mắc nào
trong quá trình trưởng thành của mình.
• Giúp con xác định những người mà chúng có thể nhận
được sự ủng hộ, bao gồm bố mẹ và giáo viên
• Dạy con bạn về những sự đụng chạm – hãy chọn những
cách diễn đạt thật đơn giản và khéo léo như: “Tuyệt đối
không được để cho bất kỳ người nào đụng vào vùng kín
của con mà không có lý do và sau đó yêu cầu con phải giữ
bí mật việc đó.”
Cảm xúc và các mối quan hệ
Sau đây là một vài gợi ý dành cho các phụ huynh:
• Hãy suy nghĩ về những chuẩn mực đạo đức, tôn giáo của
bạn để có thể giải thích cho con một cách rõ ràng và dễ
hiểu nhất. Tốt nhất, vợ chồng bạn nên thảo luận với nhau
về vấn đề này trước khi bắt đầu trò chuyện với con cái.
• Một khi đã có được những quan điểm vững chắc về vấn
đề giới tính, bạn có thể bắt đầu trò chuyện với con mình.
Hãy chuẩn bị trước tinh thần rằng, hiện tại bọn trẻ có thể
lắng nghe và đồng tình tất cả những gì bạn nói nhưng theo
thời gian, chúng có thể sẽ không chấp nhận nữa hoặc phản
đối quan điểm của bạn.
• Nhấn mạnh cho con hiểu điều quan trọng trong các mối
quan hệ là tôn trọng bản thân và những người xung quanh,
biết quan tâm đến cảm xúc của người khác.
• Thảo luận về giới tính và tình dục trong bối cảnh rộng lớn
hơn, coi nó như là một phần trong cuộc sống của người lớn
và tạo ra những mối quan hệ lâu bền, như một gia đình
hạnh phúc.
Làm gì nếu bạn cảm thấy không thoải mái?
Bạn có thể ”chịu được” những buổi thảo luận về giới tính
khi con bạn còn học mẫu giáo, nhưng khi bé càng lớn và
càng cần được biết nhiều thông tin hơn có thể khiến bạn
cảm thấy e ngại và không thoải mái khi nói về nó. Sau đây
là môt vài lời khuyên hữu ích dành cho bạn:
• Tìm các tài liệu giáo dục phù hợp với độ tuổi để bắt đầu
vào cuộc trò chuyện – đó có thể là một cuốn sách, một đoạn
băng hay một chương trình giáo dục trên truyền hình… để
bạn xem cùng với con.
• Hãy nói thật nếu bạn ngại ngùng – nếu bạn không
thể trực tiếp nói với con về tình dục, hãy cung cấp
những tài liệu giáo dục hữu ích cho con đọc. Nếu bé
thắc mắc những điều có liên quan, bạn hãy cố gắng
trả lời con mình một cách tốt nhất.
• Sử dụng Internet – nhiều trang web không chỉ cung cấp
thông tin mà còn có sự hỗ trợ rất tốt dành cho các thành
viên. Bạn có thể đăng nhập và đặt các câu hỏi của con mình
lên đó để nhận sự hỗ trợ.
• Hãy nhờ một người khác – nếu bạn cảm thấy không nói
được với con mình về điều này, hãy nhờ một người thân
đáng tin cậy giúp đỡ; tránh việc lờ đi hay bỏ qua, khiến con
bạn phải tìm đến những nguồn thông tin không đáng tin cậy
hoặc bạn không kiểm soát được.
• Giải thích thái độ của bạn – hãy nhớ rằng con bạn sẽ
không thể biết được các vấn để về đạo đức, giá trị và niềm
tin của bạn nếu như bạn không nói với trẻ.