Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

Tư tưởng về văn chương và quốc văn của Xuân Diệu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (61.45 KB, 8 trang )

Tư tưởng về văn chương và quốc văn của Xuân Diệu thời trẻ
Vũ Tuấn Anh
Đã có biết bao nhiêu định ngữ gắn liền với cái tên Xuân Diệu ngay khi nhà thi
sĩ trẻ xuất hiện trên thi đàn Thơ mới. Ông được coi là nhà thơ "mới nhất
trong những nhà thơ mới" (Hoài Thanh), "thi sĩ nồng nàn nhất" (Vũ Ngọc
Phan), đặc biệt trong thơ tình, dường như vượt lên tất cả các nhà thơ đương
thời, những vần thơ tình say đắm của ông đã mở ra cho Thơ mới cả một
vườn trần đầy hương sắc.
Sự vồ vập với thơ Xuân Diệu và rất nhiều hào quang quanh thơ ông đã phần
nào lấn đi một phương diện khác rất đáng chú ý trong hoạt động văn chương
của người thi sĩ trẻ khi ấy: đó là những tư tưởng đặc sắc của ông về văn
chương và quốc văn được lên tiếng trực tiếp qua các bài phê bình, tiểu luận.
Cho đến nay, một số bài viết ấy có vẻ như đã bị lãng quên: chúng không có
mặt trong các Tuyển tập và ngay cả Toàn tập Xuân Diệu mới được xuất bản.
Kỷ niệm 90 năm sinh của nhà thi sĩ rất giàu lòng yêu dấu này, cũng là một
dịp nhìn lại những tư tưởng của ông để có một chân dung đầy đặn về ông, để
càng hiểu thêm những động lực tư tưởng và cảm xúc làm nên cái mới và sức
trẻ trong thơ ông. Và rộng hơn nữa, nghe thêm cả rất nhiều khát khao của
Thơ mới, của văn chương đương thời được lên tiếng thông qua một đại diện
xuất sắc của nó-nhà thi sĩ trẻ tài năng Xuân Diệu khi ấy đang ở tuổi 20.
Những bài tiểu luận phê bình ấy cũng còn là một cách bộc bạch con người
Xuân Diệu trong cuộc đối thoại với chính mình, với văn chương và thời đại.
Trong khoảng thời gian từ 1936-1945, Xuân Diệu đã viết khá nhiều tác phẩm
văn xuôi ở các thể truyện ngắn, bút ký. Về tiểu luận phê bình, ông có các bài
đáng chú ý như Tuy Lý Vương - thi sĩ Tàu, Công của thi sĩ Tản Đà, Đôi lời tự
thuật Thơ Thơ, Thơ ngắn, Thơ của Người, Tính cách An Nam trong văn
chương, Mở rộng văn chương, Đàn bà hay người yêu: Ái tình và khuôn sáo,
Thơ ái tình những bài này chủ yếu đăng báo Ngày nay trong khoảng 1937-
1939. Ngoài ra, ông còn có tập Thanh niên với quốc văn (lấy tên Bài nói
chuyện với sinh viên tại trường Đại học ngày 4 tháng 2 năm 1945) cùng một
số bài khác như Hàng bia Văn Miếu, Công danh và sự nghiệp, Cái học quẩn


quanh Những bài viết này ít nhiều có thể đưa ta đến một nhận xét: ông là
một nhà thơ viết nhiều nhất cũng như đề cập đến nhiều vấn đề văn chương
và quốc văn rộng rãi hơn cả trong các nhà Thơ mới thời kỳ này.
MỘT TÌNH YÊU THA THIẾT VỚI THI CA VÀ QUỐC VĂN
Như hầu hết những nhà Thơ mới "dồn tình yêu quê hương trong tình yêu
tiếng Việt", tiếng An Nam, lòng tha thiết xây dựng một nền thơ phong phú
trong nền quốc văn nước nhà là chủ đề tập trung trong các bài tiểu luận của
Xuân Diệu - một nhà thơ từng viết những câu thơ được coi là "Tây quá"(chữ
dùng của Vũ Ngọc Phan), "có những lối dùng chữ đặt câu quá Tây" (Hoài
Thanh). Sự đoạn tuyệt dứt khoát với chữ Hán, với văn chương Tàu được
Xuân Diệu nói lên một cách thống thiết và không phải không có phần bồng
bột trong bài Tuy Lý Vương - một thi sĩ Tàu, bài viết "luận chiến" với cuốn
khảo cứu mới xuất bản về nhà thơ này. Sau khi dẫn hai câu ngự thi "Văn như
Siêu Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường" vốn như một
niềm tự hào của văn chương nước nhà, Xuân Diệu bày tỏ thái độ của mình:
"Tuy Lý Vương là nhà thi hào làm mất cả nhà Thịnh Đường? Có lẽ, có lẽ lắm.
Nhưng dường như thời Thịnh Đường ở bên Tàu thì phải. Vậy thì ông Tuy Lý
Vương ấy có can hệ gì đến tôi, người chỉ biết tiếng Việt Nam? Với tôi, với văn
chương Việt Nam, Tuy Lý Vương chỉ là "thi sĩ củ khoai" mà thôi! Ông giỏi
giang đến thế, ông giàu có đến thế, mà ông đành tâm vứt cái tài của ông vào
trong những bài thơ chữ Hán, những bài thơ mà người Việt Nam - và cả
người Tàu nữa - chẳng biết dùng để làm gì". Và trong bài còn không ít câu
"gây sốc" nữa về văn chương chữ Hán. Chắc chỉ ít lâu sau, không cần phải
đến khi nhà thơ trở thành tác giả của "Các nhà thơ cổ điển Việt Nam", có lẽ
chính Xuân Diệu (khi viết bài này mới 21 tuổi) sẽ nhận ra sự bồng bột trong
những câu như thế. Nhưng "thiết tha và bồng bột", đó chính là cái tạng của
Xuân Diệu và chính sự bức xúc bảo vệ tiếng mẹ đẻ và xây dựng một nền
quốc văn đã khiến ông cất những lời nồng nàn và cũng cực đoan đến thế.
Nhưng người ta sẽ hiểu hơn toàn bộ tư tưởng ông trong lời kết luận cuối
cùng: "Và, thưa các bậc kỳ tài làm văn, làm thơ tây, nãy giờ tôi chưa nói mất

lòng các ngài, nhưng chắc các ngài cũng khá thông minh để hiểu rằng sở dĩ
tôi cãi kịch liệt về Tuy Lý Vương, là cốt ý cho các ngài cũng tự ngắm các ngài
một chút".
Hàng bia Văn Miếu cũng đầy tinh thần cảnh tỉnh, luận chiến về cách lập thân
bằng công danh đỗ đạt trong những khoa thi chữ Hán thời xưa. Ông chế giễu
tên tuổi những Thái học sinh từng được khắc tên bia đá là những người chỉ
"khéo thuộc lòng, khéo ăn cắp sách, khéo nấu nướng những món văn sách,
kinh nghĩa, nấu giả Đường giả Tống cũng như người ta nấu giả cầy và dọn
lên cho các quan trường thưởng thức" và họ chỉ là những người "làm việc
không công cho tiếng nước Tàu". Cái dụng ý xây đài kỷ niệm cho các ông
Nghè, như ông nói- "nay đã hỏng bét". Và cái kết luận của bài viết nhằm tới
một chủ đích rõ ràng: "Người Việt Nam đời này đã bỏ xó cái "công danh Tàu"
đời trước; và cái "công danh Tây" đời này, người Việt Nam đời sau sẽ để vào
góc nào?". Tựu trung lại, vẫn chỉ là sự đả phá của nhà thơ trẻ với mọi thứ
công danh văn nghiệp xây dựng từ cái vốn ngoại lai và mong muốn tha thiết
vun đắp một nền quốc văn nước nhà - nhất là khi cái nền quốc văn ấy còn
đang trong cảnh "nhà nghèo cơm thiếu". Cái tâm nguyện tha thiết ấy đủ sức
thuyết phục và chia sẻ, và có lẽ nhiều nhà khảo cứu văn chương đang cố
công phục hồi những giá trị quá khứ cũng không lấy làm phật ý bởi những
phát biểu bồng bột của nhà thơ trẻ: họ đọc thấy ở đấy rất nhiều sự đồng cảm
về sự tha thiết với nền quốc văn Việt Nam cũng đang tỉnh thức trong chính
lòng họ và thúc đẩy những cố gắng âm thầm của họ. Xuân Diệu là như thế.
Với ông, tình yêu là vô biên, là tuyệt đích, "gần hơn nữa thế vẫn còn xa lắm",
dù đó là ái tình hay tình yêu dành cho tiếng Việt: Anh em không nghe tiếng
mẹ gọi hay sao? Anh em nỡ lòng nào mà hững hờ cho được! Nhà nghèo mà
anh em ta biết chịu thương chịu khó, biết cố gắng, biết hy sinh thì chả mấy
chốc mà cái nhà văn học Việt Nam từ vách đất mái tranh sẽ hóa nên lâu đài
cung điện (Sinh viên với quốc văn).
***
Những tư tưởng về quốc văn và văn chương của Xuân Diệu còn được tiếp tục

và mở rộng ở nhiều bài tiểu luận - mỗi bài gói một ý tưởng, là sự lên tiếng
trước một vấn đề đang đặt ra trước văn chương. Và cũng ở đây, người ta lại
có thể tiếp tục nhận ra những điều mới mẻ nảy sinh trong tư tưởng nhà thơ
trẻ - nhà thơ đang bơi giữa dòng Thơ mới, giữa dòng văn chương thời đại
biết cảm nhận âm thanh từng con sóng để rồi, với tất cả sự mẫn cảm, nhận
ra những gì là nhu cầu và khát vọng phát triển văn chương đương thời để lên
tiếng cho nó. Yêu dân tộc, yêu quốc văn đến thế, nhưng ông là người phản
bác mạnh mẽ cái gọi là tính cách An Nam trong văn chương. Ông nói rằng
ông phải nói những điều ông "thành thực tin, dù có bị công kích cũng đành".
Cái thuyết văn chương An Nam phải có tính cách An Nam rất chí lý, nhưng
"chỉ một chút cố chấp, một chút hủ lậu cũng đủ biến cái thuyết đẹp đẽ kia
thành ra một thuyết chật hẹp, nông nổi". Tinh thần cơ bản mà Xuân Diệu
muốn kêu gọi chính là tinh thần hiện đại hóa văn và tiếng Việt Nam, sẵn sàng
mở cửa cho mọi học hỏi và cách tân: "Chúng ta phải giữ gìn cho tính cách An
Nam. Điều ấy rất phải. Nhưng giữ gìn bờ cõi có phải là đóng hết cửa biển,
tuyệt hết giao thông, bế tắc cả nước lại đâu! Giữ gìn không phải là quẩn
quanh trong một vũng ao tù, không phải là đành tâm mến yêu một cảnh
nghèo đói". Không chỉ biện luận cho cú pháp, cách dùng chữ mới mẻ, rất Tây
của ông, một lần nữa, tiếng nói tha thiết của ông với quốc văn lại cất lên
trong lời kết luận: "Tôi còn nói nhiều về vấn đề này. Một vấn đề mềm mỏng
và hệ trọng bao nhiêu! Cốt nhất không phải là thắng trong cuộc tranh luận;
cốt nhất không phải là lòng tự ái; chỉ một điều ta nên nghĩ, dầu ta phải hay
trái, là tiếng Việt mà ta yêu". Không thể không nhận ra động cơ tốt đẹp và cả
sự sáng suốt nữa vào thời điểm ấy, khi nhà thơ trẻ nói một cách say sưa và
thuyết phục về cái mà sau này người ta sẽ gọi là tính dân tộc-hiện đại trong
văn chương. Cũng trên tinh thần ấy, ông kêu gọi Mở rộng văn chương như
tên một bài tiểu luận. Viết văn, phải theo mẹo luật, cú pháp, tinh thần Việt
Nam. Nhưng hãy mở rộng văn chương ra, "ta có thể phô diễn tỷ mỷ tất cả cái
buồn xa vắng lạ lùng của tâm hồn mới, trước cảnh một buổi chiều quê", "văn
chương không thể chỉ là mô tả, văn chương còn là sự dò đoán, sự đoán hiểu,

và nhất là sự sáng tạo". Và ông kêu gọi: "Miễn là ta viết văn An Nam theo
tinh thần tiếng An Nam, chứ còn vặn mãi trí não để theo một cách chật hẹp,
một cách nông nổi cái đặc An Nam, tôi e rất cản trở cho sự tiến bộ của văn
chương Nam Việt" (Ngày nay, 4-2-1939). Ta có cảm giác rằng Thơ mới và
văn chương đương thời đang lên tiếng về yêu cầu phát triển của nó thông
qua nhà thơ trẻ vừa mẫn cảm vừa dũng cảm này.
Nhiều bài viết khác phát biểu một cách rõ ràng những quan điểm của Xuân
Diệu lúc này về thơ. Ông chủ trương một thứ thơ ngắn - có thể hiểu là ông
nói về sự hàm súc, sự tinh túy của thơ: "Nhà thi sĩ không bán những thùng
nước loãng chỉ cốt để tưới đường cho vạn chân đi; người chỉ tặng một hai
giọt thơm đựng trong những bình thủy tinh sáng loáng "như một thứ
hương, "như một giọt sương tình mà gió đêm gieo trên trời làm bằng sự kết
đọng của muôn thước khối bóng trăng". Thơ của Người nói về một khao khát
của Xuân Diệu và Thơ mới: thơ hãy vì con người, khám phá sự sống và tâm
hồn con người. "Thơ là hoa, là mộng; thơ cũng là cơm. Ta hãy viết những
điệu thơ cho đời uống, cho đời ăn". Thơ Tàu, thơ Việt cho đến đương thời,
vẫn thấy ít có người quá! "Cũng như mọi điều khác, thơ Việt Nam còn thiếu
quá nhiều: tâm hồn người chưa được chúng ta quan sát diễn tả cho kỹ lưỡng.
Ta không phân tích từng cảm giác một; chỉ ghép những vật liệu cũ càng,
những cảm tình giả dối mà làm thơ". Trong những lời này, người ta thấy khát
vọng đổi mới thơ trước những lối đi đã bắt đầu mòn sáo của chính Thơ mới.
Không được nhác lười trong công việc làm thơ, Xuân Diệu nói vậy. "Làm thơ
người, làm thơ thực thì khó, cho nên chúng ta tránh sự thực của tâm hồn để
tạo nên những lâu đài vu vơ bằng mù sương". Một nhà thơ luôn viết những
bài thơ "sáng trưng", mỗi lời là một bộc bạch như Xuân Diệu cũng lại từng
bàn đến Thơ khó. Ông bênh vực thứ thơ khó của Mallarmé, Valery, Baudelaire
mà nhiều người cho rằng "bí hiểm" bởi vì "Cái tính cách cốt yếu của thơ là sự
khó. Đó là quan niệm mới nhất, mà cũng đúng nhất. Vì sao? Vì thơ thực là
thơ thì phải "thuần túy". Người thi sĩ gắng sức đi tìm cái thơ thuần túy (la
poesie pure) nghĩa là đi thu góp những cái tinh hoa, những cái cốt yếu, cốt lõi

của sự vật Thơ khó là vì nói những điều khó, phải suy nghĩ, phải nghiền
ngẫm: khó vì cách nói khác với cách nói thường". Những lập luận có lý của
ông ít nhiều giúp người ta có thể tiếp nhận Nguyệt cầm của ông hay Đây
thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử - những bài thơ luôn là sự thách thức thú vị đầy
tính thẩm mỹ trong việc khám phá nó.
Có thể nói, khá nhiều vấn đề về thơ, cả lý luận thơ cũng như trong việc phân
tích thơ ca đương thời đã được nhà thơ trẻ Xuân Diệu đề cập đến, trong một
lối nói đặc biệt của văn tiểu luận Xuân Diệu: mỗi con chữ là sự bộc bạch
thẳng thắn trong một giọng văn tha thiết nồng nàn mà chứa đựng rất nhiều ý
tứ mới mẻ sâu sắc.
“ÔNG HOÀNG CỦA THƠ TÌNH” NÓI VỀ THƠ ÁI TÌNH
1. Xuân Diệu với luận đề: Tôn giáo thờ ái tình không phải tôn giáo
thờ phụ nữ
Khi ấy, chàng thi sĩ Xuân Diệu 22 tuổi, đang ở cái tuổi hai mươi đẹp nhất như
cách nói của Hoài Thanh. Người thi sĩ ấy đã thổi vào Thơ mới đương thời cả
một luồng gió trẻ, xôn xao những nỗi niềm tình ái. Có thể nói từ khi Xuân
Diệu bước chân vào làng thơ, Thơ mới mới lên một lần nữa cùng Xuân Diệu.
Bài cảo luận Đàn bà hay là người yêu - ái tình và khuôn sáo đăng trên Ngày
nay số ra ngày 11-9-1938 là một trong những phát ngôn trực tiếp ít ỏi về ái
tình của nhà thi sĩ được mệnh danh là "ông Hoàng của thơ tình" này. Bài cảo
luận ra đời từ 60 năm về trước này có vẻ đã khuất vào quên lãng. Trong các
Tuyển tác phẩm Xuân Diệu, cũng như trong các bài viết, công trình nghiên
cứu về Xuân Diệu không thấy ai nói đến nó. Đây là một bài viết, theo chúng
tôi, rất có ý nghĩa để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu.
Trong cảo luận có vẻ như một "tuyên ngôn" này, ta nhận ra tinh thần của
Thơ mới đang háo hức mở rộng ranh giới cho những xúc cảm thơ ca. Và cũng
nổi bật cái riêng, cái độc đáo, cái mới của tư duy Xuân Diệu. Luận đề đặt ra
mạnh mẽ, ấn tượng: "Đàn bà hay người yêu? ái tình và khuôn sáo". Lần theo
mạch văn sôi nổi say sưa, cảm nhận được cả cái hơi thở nồng nàn của chàng
thi sĩ trẻ, ta gặp con người Xuân Diệu ở tuổi hai mươi, bộc bạch và say đắm.

Chàng thi sĩ ấy quyết chống lại khuôn sáo và hô hào tránh bàn chân khỏi
những lối mòn: "Hỡi chàng trai trẻ đi trên đường kia, đẹp như một cây thông
và mạnh như một chiếc tàu, ngừng lại đây và cho tôi dặn: Anh đừng chịu một
khuôn sáo nào hết. Anh nên xét cho kỹ để chỉ nghe sự thành thực quả nhiên
là thành thực của lòng anh. Anh kiếm ái tình, tôi biết. Hãy coi chừng không
khí của anh thở! Người ta đã nhả vào trong không khí ấy không biết bao
nhiêu là nhầm lẫn, a dua. Hãy đi một con đường mà anh thích đi chứ đi
không phải vì một triệu bàn chân đã dậm nhẵn".
Tình yêu, như Xuân Diệu nói, "đã bị sự mờ tối loài người làm thành ra một
tập quán" và "nhất là đã bị bọn văn sĩ, thi sĩ phái lãng mạn ca tụng một cách
dễ dãi, ráng gân cổ lên, say mê nói những lời nói chật hẹp mà họ tưởng là
chân lý của đất trời". Từ xưa đến nay, thi ca muôn đời ca tụng vẻ đẹp của
Người đàn bà, của Nhan sắc, của Bí ẩn nữ tính. Có một thứ tôn giáo của yêu
đương mà trung tâm thờ phụng là Người đàn bà, nhưng thi sĩ của chúng ta,
người sùng kính cái tôn giáo ấy, đòi đổi thay thần tượng: "Tôi rất tin rằng có
một tôn giáo của niềm yêu đương nhưng tôi muốn nói cho thế giới biết rằng
Tôn giáo thờ ái tình không phải tôn giáo thờ phụ nữ". Những lập luận được
tung ra: Đàn bà đồng nghĩa với cái đẹp ư? - Không phải. Trong muôn loài
giống đực luôn được trời phú cho cái mã đẹp nhất, trừ có loài người . Đàn bà
đồng nghĩa với sức mạnh chinh phục ư? - Chẳng phải thế. Người đàn ông
được yêu sẽ là vua chúa; ai được yêu, người ấy sẽ có quyền lực. Đàn bà
huyền bí ư? - Cũng chẳng phải: ta yêu ai, người ấy thành huyền bí, sự huyền
bí ở chính trong đầu ta đấy thôi; khi tình yêu hết, sự huyền bí ấy chẳng còn
Vậy thì, như nhà thơ nói, đừng theo một khuôn sáo nào, đừng bắt chước:
"Chỉ có lòng ta, chỉ có lòng ta thôi! Lắng nghe sự chân thực của chính lòng
anh; muôn lời nói của loài người đều là thừa, nếu lòng anh không cảm thấy.
Hãy đạp đổ cái pho tượng Người đàn bà để dựng lên một cái đài bền hơn,
đúng hơn, tặng cho Người yêu". Vậy là không có một Người đàn bà mơ hồ
nào hết, chỉ có một Người yêu cụ thể, sát kề. Có lẽ Xuân Diệu không hẳn đã
đập tan thần tượng Người đàn bà; thi sĩ chỉ đập vỡ cái vỏ ngoài ước lệ đẹp đẽ

nhưng xa cách, vô hồn của thần tượng để thể hiện ra lồ lộ một người tình
gần gũi. Chỉ một động thái ấy mà bỗng đổi thay cả nhãn giới lẫn cảm quan
của thơ tình. Những câu thơ tuyệt vời của Thế Lữ: "Cô em đứng bên hồ -
Nghiêng tựa mình cây dáng thẩn thơ "; của Lưu Trọng Lư "Còn đâu ánh
trăng vàng - Mơ trên làn tóc rối" bỗng thành xa xôi như của thời nào trước cái
nồng nàn riết róng cụ thể này ở thơ tình Xuân Diệu:
Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
và hơn nữa:
Nên lúc đôi môi ta kề miệng thắm
Trời ơi anh muốn uống hồn em
Chỉ có lòng ta! Chỉ có tình yêu, chỉ có người mà ta yêu dấu! Đó là khúc nhạc
hân hoan khởi nguồn của thơ tình Xuân Diệu. Nhưng cũng không hẳn chỉ có
thế. Tiếp đến, như một nốt nhấn bất ngờ - Xuân Diệu viết: "Người yêu sẽ
không ở riêng trong phái nào, yếu hay mạnh. Người yêu, theo đúng nghĩa là
những người mà lòng ta yêu".
Một hé mở nữa cho ta thấy cõi tình của thi sĩ. Bỗng bật lên trong trí nhớ
những câu thơ Tình trai mà Xuân Diệu viết về đôi thi sĩ - tình nhân Rimbô và
Véclen:
Quên ngó môi son với áo màu
Thây kệ thiên đường và địa ngục!
Không hề mặc cả họ yêu nhau.
2. Xuân Diệu và tuyên ngôn về thơ tình: Nếu tình yêu chỉ là tình yêu
thì tôi yêu làm gì?
Trong bài cảo luận có ý nghĩa khá đặc biệt nói trên - bài Đàn bà hay người
yêu - Ái tình và khuôn sáo, thi sĩ trẻ Xuân Diệu đã nói về Tình yêu và Người
yêu. Cũng trên báo Ngày nay tháng 4 năm 1938, ông có bài cảo luận Thơ ái
tình. Hai bài viết đặt cạnh nhau, bổ sung cho nhau, càng cho ta thấy rõ hơn
đặc tính của hồn thơ Xuân Diệu và thơ tình Xuân Diệu.
Nếu tình yêu chỉ là tình yêu, thì tôi yêu làm gì? Lại một tuyên ngôn nữa về ái

tình. Thì ra, người thi sĩ say đắm nồng nàn này còn gửi gắm trông đợi ở tình
yêu nhiều hơn người ta tưởng. Không chỉ yêu như một tình nhân vồ vập,
Xuân Diệu còn yêu như một triết nhân đặt vào chính tình yêu rất nghĩ ngợi.
Một lối viết ấn tượng, đặc biệt Xuân Diệu để nói cái ý ấy: "Và chính bàn tay
đã đàn trên phím thịt là bàn tay nâng lấy trán ưu tư".
Theo "triết lý" về ái tình của nhà thơ, thì tình yêu rộng hơn, lớn hơn rất nhiều
so với bản thân nó, hoặc ít ra, so với điều người ta nghĩ về nó: "Ta để trong
ái tình không biết ngần nào là thơ với mộng, những mơ ước bao la, những
khát khao vòi vọi, đại dương của thương nhớ và sa mạc của cô đơn, những
rừng rú của lo toan và cái đồng bằng của chán nản". Câu văn đầy hình tượng
nhưng đây không phải là một cuộc phô diễn hình tượng đơn thuần. Ở đây
chất chứa bao nhiêu khát vọng được bộc lộ hết bản chất người thông qua ái
tình. Với cái ý này, Xuân Diệu là người rất sớm chạm đến được cốt lõi nhân
văn của tình yêu trai gái. Cùng tình yêu, người ta có thể mở rộng cái nhỏ bé
hữu hạn của sinh linh ra đến cõi vô cùng của tưởng tượng và suy tư. Quả
đúng như lời chào đón hào hứng "một nhà thi sĩ mới" của Thế Lữ chỉ vài
tháng trước đó: "Xuân Diệu là nhà thi sĩ biết yêu, theo nghĩa rộng rãi nhất
của tình yêu" (báo Ngày nay, mùa xuân 1937). Bởi thế, khởi sự từ những
đắm say, thơ tình Xuân Diệu là sự khao khát chiếm lĩnh cả cuộc đời này, cả
thế giới này. Để từ đấy mà có nhạc, có thơ, có gió nước và mặt trời quấn quít
trong một dáng hình:
Và nhạc phấn dưới chân mừng sánh bước
Và tơ giăng trong lời nhỏ khơi ngòi
Tà áo mới cũng say mùi gió nước
Rặng mi dài xao động ánh dương vui
Để rồi, trong một tương giao kỳ diệu và bí ẩn, trời đất đêm thanh hương hoa
cũng thành nỗi nhớ, cũng tràn đầy tình ái và làm bật ra những câu thơ hay
đến lạ lùng của Xuân Diệu:
Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ
Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya.

Xuân Diệu đã mở rộng, nâng cao thêm rất nhiều quan niệm về thơ tình.
Người thi sĩ trẻ đã đưa ra một định nghĩa mới, một tuyên ngôn mới về thơ
tình: “Thơ ái tình, ấy là sự dồi dào của tình yêu núi sông, chim cá; thơ ái tình,
ấy là nỗi khô cháy của một cửa hầu khát nước, cảnh đêm sao khi một lữ
khách lạc đường, ấy là chân trời mênh mông, thau biển đắng đót; ấy cũng là
miền huyền ảo của quá khứ, xứ bí mật của chiêm bao Thơ ái tình, ấy là tình
riêng, ấy là tình chung, ấy là sự thâu gồm cả thế giới trong một người, ấy là
tất cả, ấy là thơ ". Có thể nói, đến Xuân Diệu, thơ tình có một chiều kích
hiện hữu khác, trong một hệ qui chiếu khác, ở đây có vô vàn những sợi tơ
giăng mắc với đời - "không gian như có dây tơ". Với Xuân Diệu, thơ tình
không còn chỉ có nghĩa là thơ của 2 người, của những tiếng anh anh em em
"đầy nhẫy trong các văn chương" - thứ thơ ấy "cũng sẽ như bao nhiêu lời
bướm ong mà trai gái hát qua hàng rào, và hết mùa gió nồm là câu ca cũng
mất".
Nói về tình yêu, về sự thầm kín riêng tư, con người ta - và thơ ca cũng thế
thôi - vẫn thường phải dè giữ, không dám phơi bày đến tận cùng. Nhưng
Xuân Diệu không bằng lòng với một sự nửa vời như thế: "Hễ dè giữ là không
yêu, mà đã yêu là phải cho tất cả. Chính tình yêu là sự rốc cạn, thì ta tránh
sao được sự phô bày. Thà rằng không nói, chứ đã nói đến tình yêu mà không
nói cả tình yêu thì còn gì vô lý hơn? Với quan niệm ấy, thơ tình Xuân Diệu
mạnh mẽ, nồng nàn, phơi bày tận đáy tâm hồn mình - chính điểm này làm
nên cái điều chưa hề có vào thời ấy, làm nên cái mới và sức chinh phục của
thơ Xuân Diệu.
Tưởng như đòi hỏi như thế đã là quá nhiều, quá "tham" đối với thơ. Nhưng
đúng như cái tạng của Xuân Diệu - "gần hơn thế nữa vẫn còn xa lắm". Cho
nên, thi nhân - tình nhân còn phải như một nhà khoa học, phải biết quan sát
thí nghiệm mình, "kính hiển vi của người là con mắt bên trong, ngó vào cái
thế giới lạ lùng của tình cảm; dao kéo của người dùng để phân tích những
hiện trạng tâm lý, gồm bằng bao nhiêu sợi tơ tình vương vấn lấy nhau". Nói
cách khác, "người làm thơ vừa cảm xúc, vừa xem mình cảm xúc, một cái tôi

khi nào cũng đi bên cạnh cái tôi". Khó ai có thể phát biểu rõ hơn thế về bản
chất cái Tôi Thơ mới từng làm nên một cuộc cách mạng trong thi ca, và bản
chất cái Tôi trữ tình Xuân Diệu một lần nữa trẻ hóa Thơ mới bằng cuộc dấn
thân và phiêu lưu vào thế giới ái tình để viết nên những câu thơ tình say đắm
để đời, "nó không phải của riêng tôi hay của riêng một người nào, mà là của
mọi người, qua thời gian, qua không gian"

×