Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

11 trường hợp cấy ốc tai tại Bệnh viện tai mũi họng TP.HCM ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (247.76 KB, 8 trang )

11 trường hợp cấy ốc tai tại Bệnh viện
tai mũi họng TP.HCM


Ốc tai điện tử là một thiết bị vi mạch điện tử cấy vào trong ốc tai giúp
cho bệnh nhân bị điếc nặng có thể nghe được nhờ vào một hệ thống tiếp
nhận, dẫn truyền và khuếch đại các âm thanh từ môi trường bên ngoài vào
đến ốc tai và truyền các tín hiệu điện lên não giúp cho bệnh nhân nghe được.
Từ năm 1998 - 2004, Bệnh viện tai mũi họng TP.HCM đã cấy được 11 ca ở
những bệnh nhân bị điếc hoàn toàn hai tai và mang máy trợ thính không hiệu
quả, không thể giao tiếp được bằng tiếng nói (trong đó có 3 ca đơn kênh, 8 ca
đa kênh), tuổi nhỏ nhất là 2 tuổi, lớn nhất là 30 tuổi.

Kết quả sau mổ rất khả quan, bệnh nhân có thể nghe hiểu và nói được sau
một thời gian huấn luyện thính học và ngôn ngữ. Đây là một kỹ thuật hiện đại nhất
giúp cho trẻ điếc, câm bẩm sinh và những người điếc mắc phải, phục hồi khả năng
nghe và nói. Tuy nhiên ốc tai điện tử có giá thành khá cao (khoảng 17.000 USD)
cho nên ở Việt Nam còn rất ít người bị điếc có khả năng hưởng thụ được thành
quả khoa học kỹ thuật tiên tiến này.
Năm 1972 ốc tai điện tử đơn kênh House - 3M lần đầu tiên được sản xuất
và được cấy cho bệnh nhân tại Hoa Kỳ. Năm 1984, ốc tai điện tử đa kênh xuất
hiện, lúc đầu chỉ có 6 kênh và sau đó số kênh được tăng lên dần dần 12, 16, 18, 20,
22, 24 kênh. Hiện nay có khoảng 40.000 bệnh nhân đã được cấy ốc tai. Các loại ốc
tai điện tử thông dụng hiện nay bao gồm Nucleus 24 (Úc), Med-EL Combi 40+
(Áo), Clarion (Hoa Kỳ), Digisonic (Pháp).
Ở Việt Nam, 3 ca cấy ốc tai điện tử đơn kênh lần đầu tiên được thực hiện
tại Trung tâm tai mũi họng TP.HCM vào tháng 9/1998 với sự hướng dẫn của BS.
Whitaker, GS. House, BS. Bùi Minh Đức. Từ đó đến năm 2004 cả nước có 15
trường hợp được cấy ốc tai, trong đó Viện tai mũi họng trung ương (Hà Nội) có 6
ca được cấy bằng loại ốc tai đơn kênh House - 3M, Bệnh viện tai mũi họng
TP.HCM 11 ca (3 đơn kênh House - 3M, 8 đa kênh - Med-EL Combi 40+).


Nguyên tắc của phẫu thuật cấy ốc tai
Qua hố mổ xương chũm, vào ngách nhĩ để thấy rõ cửa sổ tròn, dùng khoan
vi phẫu khoan vào phía trước dưới của gờ xương cửa sổ tròn, sau đó lỗ khoan này
sẽ đưa điện cực vào sâu trong các vòng xoắn của ốc tai.
Ba trường hợp cấy điện ốc tai đơn kênh (9/1998): Trong ba trường hợp
này, 1 bệnh nhân điếc bẩm sinh, 1 điếc sau viêm màng não lúc 3 tuổi và 1 trường
hợp bị viêm tai từ năm 2 tuổi, đến 14, 15 tuổi dùng polydexa nhỏ tai quanh năm
nên bị điếc nặng lên.
Tình trạng trước mổ: Cả 3 điếc sâu, thính lực trung bình 4 tần số 500,
1.000, 2.000, 4.000 Hz lớn hơn hoặc bằng 100 dB. Nghe không nhìn hình miệng,
không mang máy nghe: 0%. Nghe không nhìn hình miệng có mang máy nghe: 0 -
5%. Nhìn hình miệng không mang máy nghe: 70 - 80%. Giọng nói bị méo tiếng
nặng.
Tình trạng hiện nay: Thính lực trung bình có mang ốc tai điện tử đơn kênh
của 4 tần số 500, 1.000, 2.000, 4.000 Hz cường độ 50 - 55 dB. Nghe kết hợp nhìn
hình miệng đạt 90 - 100%. Nghe không nhìn hình miệng 20 - 30%. Giao tiếp trực
diện tương đối bình thường. Giọng nói bớt méo hơn, đặc biệt có một em trước đây
phải nghỉ học nhưng sau cấy ốc tai em đã theo học hết cấp 3 và đang học Đại học
công nghệ thông tin.
Tám trường hợp cấy điện ốc tai đa kênh:
+ Sáu trường hợp cấy điện ốc tai từ năm 2000 đến 2002: Cả 6 đều là điếc
bẩm sinh, thính lực trung bình 4 tần số 500, 1.000, 2.000, 4.000 Hz cường độ 100
dB. Nghe không nhìn hình miệng không mang máy nghe: 0%. Nghe không nhìn
hình miệng có mang máy nghe: 0 - 5%. Nhìn hình miệng không mang máy nghe:
60 - 70%. Giọng nói bị méo tiếng nặng.
Tình trạng hiện nay: Thính lực trung bình có mang ốc tai điện tử đa kênh
của 4 tần số 500, 1.000, 2.000, 4.000 Hz đạt 30 - 50 dB. Nghe kết hợp nhìn hình
miệng đạt 90 - 100%. Nghe không nhìn hình miệng đạt 45 - 60%. Giao tiếp tương
đối bình thường. Giọng nói bớt méo hơn. Ba em cấy điện ốc tai vào 5, 6 tuổi có
giọng nói rõ hơn, có em học vỡ lòng, có em đã học lớp 1 trường bình thường. Ba

em còn lại cấy vào lúc 12, 14, 16 tuổi kết quả thính lực tuy tốt hơn trước mổ, cũng
giống các em kia nhưng quá trình nghe và nói tiến triển chậm hơn nhiều. Tuy
nhiên cha mẹ và thầy cô đều thấy các em này tiến
triển tốt hơn trước cấy ốc tai.
+ Hai trường hợp cấy vào tháng 7/2004:
Một trường hợp 2 tuổi là điếc bẩm sinh và
có bệnh lý chất trắng. ABR tại kích thích 100 dB
cả hai tai đều không xuất hiện sóng. Cháu đã được mang máy đeo sau tai cho cả
hai tai loại P38 của Đan Mạch sản xuất, một trong những loại máy có công suất
mạnh nhất hiện nay, khoảng 6 tháng nhưng vẫn không có tiến triển gì về nghe và
học nói.
Tình trạng hiện nay: Ở lần mapping thứ nhất khi bật máy, bé khóc, điều
này có thể do bé lần đầu tiên nghe được nên sợ. Hiện tại bé đang tiếp tục mang
máy và chờ mapping lại lần II.
+ Một trường hợp điếc sau ngôn ngữ. Bệnh nhân 30 tuổi điếc đột ngột cách
đây 2 năm. Thính lực trung bình 4 tần số 500, 1.000, 2.000, 4.000 Hz là 100 dB.
Nghe không nhìn hình miệng không mang máy nghe: 0%. Nghe không nhìn hình
miệng có mang máy nghe: 0 - 10%. Nhìn hình miệng, không mang máy nghe: 70 -
80%. Giọng nói bị méo tiếng nhẹ.
Tình trạng hiện nay: Ở lần mapping thứ nhất khi bật máy, bệnh nhân có thể
nhắc lại đúng các câu ngắn khi người đối diện che miệng và nói chậm. Theo chồng
của bệnh nhân thì càng ngày bệnh nhân càng nghe tốt hơn.
Kết luận: Tất cả các bệnh nhân cấy điện tại ốc tai tại Bệnh viện tai mũi
họng đều có tiến bộ về sức nghe cũng như về ngôn ngữ.
Nên cấy ốc tai đơn kênh hay đa kênh? Hiện tại trên thế giới tồn tại 2 lý
thuyết về cấy ốc tai điện tử và hiện còn đang tranh cãi. Những người theo trường
phái đơn kênh dựa vào lý thuyết Microphonic, thuyết này xem ốc tai là một hệ
thống phức hợp điện, khi có một kích thích, điện thế lan tỏa đến hạch gối sau đó sẽ
truyền tín hiệu lên não mà không nhất thiết phải qua đuôi gai vì trong nhiều trường
hợp điếc tiếp nhận, đuôi gai bị mất đi, do đó chỉ cần đưa một điện cực vào vịnh

nhĩ khoảng 6 mm là có thể kích thích được toàn bộ ốc tai. Ngược lại những người
ủng hộ thuyết đa kênh thì dựa vào thuyết Tonotopic, thuyết này xem ốc tai giống
như phím đàn piano, các tần số được sắp xếp ở các vị trí đặc hiệu, khi bị điếc tiếp
nhận các tế bào lông mất đi nhưng các đuôi gai vẫn còn, do đó cần phải có nhiều
cặp điện cực để kích thích các tần số đặc hiệu tại vị trí các đuôi gai này và chiều
dài của các cặp điện cực phải đưa vào vịnh nhĩ ít nhất 26 mm. Thuyết đa kênh hiện
nay được nhiều tác giả ủng hộ hơn là thuyết đơn kênh
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công của phẫu thuật và sự phục
hồi khả năng nghe, nói của bệnh nhân bao gồm: Phẫu thuật viên, nhà thính học,
người chỉnh âm, bệnh nhân, cha mẹ, gia đình, bạn đồng lứa, nhà tâm lý học,
trường khiếm thính, sự quan tâm của xã hội. Do đó, trước khi tiến hành phẫu thuật
phải giải thích kỹ cho cha mẹ bệnh nhân hiểu rõ điều này, để họ phối hợp tốt với
bệnh viện cũng như nhà trường trong việc huấn luyện phục hồi khả năng nghe của
bệnh nhân.
Từ lúc phẫu thuật đặt điện cực ốc tai cho đến khi bệnh nhân có thể giao tiếp
tương đối thoải mái với người có chức năng nghe nói bình thường, nghe radio
hoặc xem truyền hình, nghe điện thoại, cần phải đòi hỏi một thời gian dài ít nhất từ
2 năm trở lên, trong thời gian này cần phải sự nỗ lực của chính bản thân bệnh
nhân, sự quan tâm chăm sóc của gia đình, sự tích cực của nhà thính học, sự nhẫn
nại của thầy cô giáo.
Đây là một kỹ thuật mổ tương đối hiện đại, tinh tế và thiết bị lắp đặt vào ốc
tai rất mắc tiền, cho nên người mổ phải là phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm.
Một tai biến thường gặp sau cấy điện ốc tai là liệt dây thần kinh mặt do lúc mở
ngách mặt làm thương tổn dây VII, nhất là đối với bệnh nhi; để khắc phục tai biến
này phẫu thuật viên thường sử dụng máy dò thần kinh trong lúc mổ. Về nguyên
tắc, máy này gồm 4 điện cực, trong đó có 2 điện cực đặt ở cơ vòng mắt và cơ vòng
môi của bệnh nhân, một khi thao tác đến gần sát dây VII máy sẽ báo động trên
màn hình dưới dạng nhiễu sóng, phát ra âm thanh hoặc lời nói nhằm cảnh báo cho
phẫu thuật viên. Hiện tại Bệnh viện tai mũi họng TP.HCM đã ứng dụng máy này
không những trong phẫu thuật tai mà còn trong các phẫu thuật có liên quan đến

dây VII, như lấy khối u tuyến mang tai, phẫu thuật cổ mặt.
Ốc tai điện tử là một phát minh lớn giúp cho người điếc có thể tiếp cận với
thế giới âm thanh và giao tiếp xã hội. Sự thành công của một bệnh nhân được cấy
điện ốc tai ở Việt Nam phụ thuộc vào 4 yếu tố chính: phẫu thuật viên, nhà thính
học, gia đình, giáo viên. Kết quả về chức năng thính học cần phải có một thời gian
dài ít nhất là 2 năm trở lên. Do giá thành của ốc tai điện tử còn rất cao so với điều
kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam, nên hiện tại mặc dù số lượng bệnh nhân có chỉ
định cấy điện ốc tai rất nhiều nhưng chỉ có một số rất ít bệnh nhân được hưởng thụ
kỹ thuật tiên tiến này. Để giải quyết vấn đề, ngoài ngành y tế, cần có sự quan tâm
của Nhà nước, các ngành hữu quan và tổ chức xã hội. ó


×