PHỐI HỢP CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC ĐỊA LÍ
MỘT CÁCH LINH HOẠT
Trong dạy học địa lý ở trường THPT có nhiều hình thức tổ chức dạy học khác nhau,
như: dạy học cá nhân, dạy học theo nhóm, dạy học theo lớp, dạy học ngoài trời, tham quan,
khảo sát địa phương, ngoại khóa, Mỗi hình thức tổ chức dạy học có chức năng và ý nghĩa
khác nhau đối với việc thực hiện các nhiệm vụ dạy học. Việc đổi mới PPDH đòi hỏi phải
phối hợp các hình thức tổ chức dạy học một cách linh hoạt.
I - DẠY HỌC TRONG LỚP
Dạy học trong lớp thường được tiến hành theo ba hình thức tổ chức dạy học: dạy học
cá nhân, dạy học theo nhóm, dạy học theo lớp, phối hợp chặt chẽ với nhau trong một bài lên
lớp.
1. Dạy học cá nhân
Dạy học cá nhân nhằm đề cao việc cá thể hóa học tập của học sinh, tôn trọng năng lực,
phẩm chất riêng của mỗi em, tạo ra các cơ hội bình đẳng để tất cả mọi học sinh trong lớp có
thể phát triển tùy theo sở trường, khả năng của mình. Mặt khác, dạy học cá nhân còn rèn
luyện cho học sinh thói quen tự học, tự hoạt động.
Trong dạy học cá nhân, giáo viên tổ chức cho mỗi học sinh được làm việc thực sự với
các đối tượng học tập (tranh ảnh, sơ đồ, lược đồ, bản đồ, bảng thống kê, bài viết, sách giáo
khoa ) để thu thập những kiến thức cần nắm, hoặc trả lời các câu hỏi, thực hiện các bài tập
do giáo viên đề ra. Trong quá trình học sinh làm việc, giáo viên có thể trực tiếp góp ý, sửa
chữa, hướng dẫn cho các em (hay một số em trong lớp).
Để tiến hành dạy học cá nhân thuận lợi, học sinh phải có đủ phương tiện học tập cần
thiết phù hợp với mỗi bài học. Đồng thời giáo viên có thể soạn thảo các phiếu học tập, trên
đó ghi rõ các bài tập, nhiệm vụ với một số hướng dẫn cần thiết để học sinh dựa vào đó làm
việc cá nhân.
Ví dụ: Trong bài VAI TRÒ, ĐẶC ĐIẺM VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ
PHÂN BỐ GIAO THÔNG VẬN TẢI (Bài 36, Địa 10 Ban KHTN), có thể sử dụng một phiếu học tập
như sau:
Phiếu học tập
Bài 36, Địa 10- Ban KHTN
VAI TRÒ, ĐẶC ĐIẺM VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
1) Thảo luận nhóm về tác động của các nhân tố tự nhiên và kinh tế- xã hội tới sự phát triển và phân bố ngành giao thông
vận tải. Ghi kết quả vào bảng sau:
Các nhân tố Khía cạnh của GTVT chịu tác động
-Vị trí địa lí tự nhiên
- Địa hình
- Sông ngòi
- Khí hậu
- Tình hình phân bố các cơ sở CN, trình
độ phát triển kinh tế các vùng, quan hệ
giữa nơi sản xuất và tiêu thụ
- Sự phát triển của ngành CN cơ khí vận
tải, CN xây dựng
2) Trong hai nhân tố trên, nhân tố nào tác động có tính quyết định đến sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận
tải? Tại sao?
Hình thức dạy học cá nhân rất đa dạng. Ngoài làm việc với phiếu học tập, còn có một
số hình thức khác như: làm các bài tập và trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa; mô tả đối
tượng địa lí trên bản đồ, át lát; từ bảng số liệu trong sách giáo khoa vẽ biểu đồ, rút ra nhận
xét cần thiết Các hoạt động này vừa giúp học sinh nắm được các kiến thức qua công tác
độc lập, vừa rèn luyện được kỹ năng địa lý và làm quen với phương pháp tự học, tự nghiên
cứu.
2. Dạy học theo nhóm
- Dạy học theo nhóm là hình thức dạy học, trong đó các thành viên tham gia hoạt động
và học tập cùng nhau trong những nhóm nhỏ nhằm phát triển sự hiểu biết và nhận thức một
nội dung học tập nào đó.
- Dạy học theo nhóm là hình thức tổ chức dạy học đề cao vai trò của sự hợp tác, hoạt
động tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể. Trong dạy học theo nhóm, học
sinh còn được rèn luyện các kỹ năng như biết lắng nghe và lựa chọn để tiếp nhận hiểu biết
của người khác, biết trình bày hiểu biết của mình cho người khác cùng nghe, tập dượt công
tác tổ chức, điều khiển, tập ghi chép, chọn lọc thông tin. Dạy học theo nhóm phát huy được
tối đa tính tích cực của người học, tăng thêm hứng thú học tập, nâng cao lòng tự trọng và sự
tự tin của người học, giúp thúc đẩy các mối quan hệ cạnh tranh mang tính tích cực trong học
tập.
- Dạy học theo nhóm có các đặc điểm:
+ Học sinh trong nhóm có sự ràng buộc với nhau một cách tích cực.
+ Mỗi thành viên của nhóm cần phải đề cao trách nhiệm cá nhân.
+ Có sự tác động tương hỗ lẫn nhau trong nhóm.
+ Các năng lực xã hội (đặc biệt là năng lực giao tiếp) được coi trọng.
+ Đánh giá trong nhóm được đề cao (mỗi thành viên cùng đánh giá mức độ thành công
của các hoạt động thực hiện mục tiêu, cũng như mức độ thành công trong việc duy trì các
mối quan hệ; xem xét khả năng thay đổi hoặc giữ nguyên các mối quan hệ hợp tác trong
nhóm).
- Trong hình thức dạy học theo nhóm, giáo viên chia học sinh thành các nhóm tùy
thuộc vào nội dung bài học, số lượng phương tiện dạy học và địa điểm hoạt động nhóm, sau
đó giao nhiệm vụ và hướng dẫn các em làm việc (trao đổi, thảo luận, thực hiện chung một
nhiệm vụ, bài tập, công việc, ). Thông thường trong dạy học theo nhóm có các bước sau:
+ Chia nhóm
+ Giao nhiệm vụ cho nhóm, gợi ý và hướng dẫn học sinh làm việc.
+ Học sinh báo cáo kết quả làm việc trước toàn lớp.
+ Giáo viên bổ sung, kết luận ý đúng, nhận xét, đánh giá.
- Để dạy học theo nhóm có hiệu quả, cần chú ý các điểm sau:
+ Khi chia nhóm nên cơ cấu mỗi nhóm có cả học sinh giỏi, khá, kém, có cả em hiếu
động lẫn trầm lặng. Nên để các em luân phiên nhau làm nhóm trưởng trong mỗi lần làm
việc nhóm. Quy mô nhóm không nên quá đông vì sẽ có một số em luôn luôn làm việc, trong
khi một số em khác có ý dựa dẫm, ỷ lại, không chịu hoạt động.
+ Giáo viên nên chuẩn bị kỹ kế hoạch dạy học và dự kiến các tình huống xảy ra cùng
với phương án xử lý.
+ Giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tất cả học sinh trong lớp đều hiểu nhiệm vụ.
Có thể giao một số vấn đề chung cho tất cả các nhóm, nhưng có thể mỗi nhóm được giao
một vấn đề (hay nhiệm vụ) khác nhau, tùy thuộc vào ý định dạy học của giáo viên.
+- Trong quá trình học sinh làm việc nhóm, giáo viên phải theo dõi cụ thể từng nhóm,
có sự giúp đỡ, hướng dẫn kịp thời, đảm bảo tất cả học sinh phải làm việc. Mỗi nhóm đều có
sản phẩm cụ thể, và đó là công sức chung của toàn nhóm.
+ Nên tạo không khí thi đua giữa các nhóm để khuyến khích học tập.
- Để thực hiện dạy học theo nhóm có hiệu quả, cần chú ý một số điều kiện sau:
+ Mục đích học tập được xác định rõ ràng.
+ Các thành viên trong nhóm phải có ý thức trách nhiệm.
+ Giữa các thành viên trong nhóm phải có sự phụ thuộc nhau một cách tích cực.
+ Hình thành được động cơ hợp tác.
+ Có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng và cụ thể cho mỗi thành viên trong nhóm.
+ Có sự phối hợp các nhiệm vụ.
+ Có sự đánh giá trong nhóm một cách rõ ràng và khách quan.
+ Kĩ năng giao tiếp.
- Để đánh giá mức độ thành công của hoạt động nhóm, có thể dựa vào 15 tiêu chuẩn
sau (theo TS. M. Ballot - Trung tâm tư vấn việc làm ở Massachusset):
1) Lòng tin với bạn học cùng nhóm
2) Bình tĩnh tìm khả năng giải quyết tình huống trong thời gian gấp rút
3) Tôn trọng ý kiến của các thành viên trong nhóm
4) Khả năng hợp tác với các thành viên khác
5) Biết cách tổ chức công việc theo kế hoạch vạch ra
6) Khả năng làm việc dưới áp lực
7) Khả năng giao tiếp
8) Khả năng kiểm soát tình huống, nhất là các tình huống ngoài dự kiến
9) Khả năng thuyết phục người khác để bảo vệ ý kiến của mình
10) Lạc quan ngay cả khi bị "dồn đến chân tường"
11) Trách nhiệm với công việc chung
12) Kiên trì, ngay cả khi công việc đình trệ
13) Quyết tâm đạt kết quả như mong muốn
14) Nhạy bén trong việc dự tính trước những tình huống khác nhau có thể xảy ra trong
công việc và khả năng giải quyết các tình huống đó
15) Biết cách lắng nghe ý kiến người khác và khuyến khích người khác đưa ra ý kiến
của riêng mình.
Nếu đạt 10/15 các tiêu chuẩn trên, học sinh được xem là người có kĩ năng làm việc và
hợp tác nhóm khá tốt.
- Hình thức dạy học theo nhóm trong bài Địa lý rất đa dạng. Chẳng hạn:
+ Thảo luận về một vấn đề học tập.
+ Tìm hiểu, điều tra một vấn đề thực tế, hay trao đổi xung quanh một đề tài.
+ Ôn tập, tổng kết kiến thức sau một số bài, hoặc sau một chương.
+ Thực hiện một bài tập, một nhiệm vụ học tập với bản đồ, lược đồ, át lát, bảng số
liệu, hay khảo sát một vấn đề thực tế,
+ Tổng kết một hoạt động.
+ Xây dựng một kế hoạch, phương án hoạt động.
Hình thức dạy học nhóm thường đi liền với dạy học cá nhân. Vì muốn làm việc nhóm
có kết quả, cá nhân mỗi học sinh phải có sự chuẩn bị, tìm hiểu, tiếp xúc hay suy nghĩ cân
nhắc về nội dung học tập sẽ làm việc chung của toàn nhóm.
Dạy học theo nhóm, cũng cần đến các phiếu học tập.
3. Dạy học theo lớp
- Dạy học theo lớp là hình thức tổ chức dạy học cơ bản, phổ biến từ trước đến nay, phù
hợp với kiểu dạy học đề cao vai trò chủ thể của giáo viên. Trong hình thức tổ chức dạy học
này, hoạt động của giáo viên chủ yếu là truyền thụ cho học sinh những kiến thức đã chuẩn
bị sẵn bằng lời, bằng phương tiện dạy học, bằng bài tập, bài thực hành. Hoạt động của học
sinh chủ yếu là thông hiểu, ghi nhớ và tái hiện lại bài học trên lớp; giáo viên làm việc nhiều,
còn học sinh làm việc ít.
- Dạy học theo lớp tuy có nhiều tác dụng tích cực và hết sức cần thiết, nhưng vai trò
chủ động, tích cực của học sinh rất mờ nhạt, nên không tiến hành suốt cả tiết học, mà chỉ
diễn ra trong một số thời gian ngắn, vào những lúc thích hợp, như vào đầu, giữa hoặc cuối
tiết học.
- Dạy học theo lớp có thể sử dụng thích hợp vào các trường hợp:
+ Kiểm tra bài cũ.
+ Thông báo mục tiêu của bài mới, đặt vấn đề.
+ Giao việc cho cá nhân hoặc nhóm học sinh.
+ Hướng dẫn cho học sinh trao đổi kết quả học tập, nhận xét một sản phẩm thực hành
(lược đồ, biểu đồ )
+ Tổ chức cho học sinh trao đổi thực hiện một nhiệm vụ trên bản đồ treo tường (ví dụ:
xác định vị trí địa lý một khu vực, hay quốc gia; phân tích mối quan hệ nhân quả giữa các
yếu tố địa lý; giải thích sự phân bố địa lý của một trung tâm công nghiệp, một loại cây
trồng, )
+ Bổ sung, mở rộng kiến thức.
+ Truyền đạt những kiến thức mà học sinh không có khả năng tự học.
+ Giảng giải.
+ Tổng kết kiến thức sau các hoạt động học tập của học sinh.
- Phương pháp chủ yếu được sử dụng trong hình thức dạy học theo lớp là thuyết trình.
Giáo viên cần chú ý nói rõ ràng, ngắn gọn, đầy đủ thông tin, tốc độ hợp lý kết hợp với các
phương tiện dạy học thích hợp. Trong quá trình thông tin, giảng giải, giáo viên nên thường
xuyên quan sát, gợi ý, trao đổi ý kiến, khích lệ các em bộc lộ những vốn hiểu biết của mình,
liên hệ để tiếp thu lời giảng của giáo viên.
4. Sự phối hợp các hình thức dạy học trên lớp
Trong dạy học trên lớp, giáo viên không phải chỉ hoàn toàn sử dụng một hình thức tổ
chức dạy học độc tôn, mà luôn sử dụng kết hợp cả ba hình thức tổ chức dạy học này để thực
hiện mục tiêu bài học. Tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học mà có sự
kết hợp linh động, sáng tạo, nhuần nhuyễn các hình thức tổ chức dạy học cá nhân, theo
nhóm, theo lớp.
II - THAM QUAN ĐỊA LÝ
1. Quan niệm
Tham quan là một cách thức để học sinh được học ngoài hiện trường, thực tế như: xí
nghiệp, đồng ruộng, khu chăn nuôi, nhà bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa, rừng cây, ao, hồ,
thác nước,
2. Ý nghĩa
Tham quan có tác dụng nhiều mặt đối với sự phát triển học sinh: học sinh có điều kiện
tiếp xúc trực tiếp trong thực tế với các nội dung đã được học ở trên lớp nên nắm bài cụ thể
hơn; liên hệ thực tế với bài học; phát triển kỹ năng quan sát, so sánh, óc tò mò, trí tưởng
tượng; bồi dưỡng hứng thú học tập, tăng cường các hiểu biết. Ngoài ra, qua các buổi tham
quan, học sinh bộc lộ được cá tính, sở trường, năng khiếu giúp giáo viên định hướng tốt hơn
việc giáo dục học sinh.
3. Một số lưu ý
- Khảo sát trước địa điểm tham quan, chọn thời gian và thời tiết thích hợp, thuận lợi.
- Nội dung tham quan phải phục vụ thiết thực cho môn học.
- Dự kiến các tình huống không thuận lợi xảy ra và phương hướng khắc phục.
- Quy định chặt chẽ và yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm túc về kỷ luật trên đường đi,
khi làm việc ở hiện trường, khi ra về đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và có kết quả học
tập tốt.
- Việc tham quan phải được tổ chức có kế hoạch, có mục đích rõ ràng, sau khi tham
quan phải có thu hoạch các nhân (hoặc nhóm).
4. Các bước tiến hành
a) Chuẩn bị
+ Xác định mục đích, nội dung tham quan, địa điểm, thời gian, lộ trình, phương tiện,
các cơ sở vật chất phục vụ khác.
+ Các thông tin cần thiết về hiện trường cần cho học sinh biết trước khi đi tham quan.
+ Dự kiến các phương pháp sử dụng chủ yếu trong tham quan (quan sát, phỏng vấn,
lấy mẫu vật, ) kèm theo sự chuẩn bị của học sinh về các dụng cụ như giấy, bút, túi đựng
hiện vật,
+ Dự kiến hình thức tổ chức học tập, có sự chuẩn bị trước các nhóm (nếu cần).
+ Chọn (phân công hoặc mời) người thuyết minh, người hướng dẫn tham quan.
b) Tiến trình tham quan
+ Học sinh được đưa đến địa điểm tham quan.
+ Lắng nghe hướng dẫn, tôn trọng nội quy, quan sát, thu thập thông tin, suy nghĩ trả
lời câu hỏi do giáo viên đặt ra.
+ Giáo viên nên có sự hướng dẫn học sinh chú ý vào các yếu tố chủ yếu, nổi bật trong
nội dung tham quan.
c) Tổng kết tham quan
+ Giáo viên giải đáp các thắc mắc của học sinh, tổng kết khái quát các nội dung tham
quan, cần thiết đưa ra các câu hỏi để học sinh tiếp tục suy nghĩ, hoặc tổ chức đối thoại ngắn
để học sinh hiểu sâu thêm một số nội dung.
+ Ở nhà, học sinh viết thu hoạch.
+ Tổ chức báo cáo kết quả tham quan, trưng bày hiện vật.
+ Đánh giá.
III - KHẢO SÁT ĐỊA PHƯƠNG
Khảo sát địa phương là hình thức tổ chức học tập, trong đó học sinh vận dụng những
kiến thức và kĩ năng đã học vào việc nghiên cứu, tìm hiểu địa phương một cách chủ động và
tích cực.
Nhờ vào việc khảo sát địa phương, học sinh hiểu rõ hơn thực tế địa phương, biết ứng
dụng kiến thức đã học vào giải thích, nhìn nhận các vấn đề thực tiễn, rèn luyện kỹ năng sử
dung các dụng cụ học tập địa lý, kỹ năng tìm tòi, khám phá thực tế, quan sát, thu thập tài
liệu, thông tin làm quen với công tác nghiên cứu khoa học.
Để tổ chức cho học sinh tiến hành khảo sát địa phương, giáo viên phải có sự am hiểu
địa phương và có sự chuẩn bị công phu về các mặt: mục tiêu của khảo sát địa phương, các
nội dung cần khảo sát, hình thức tổ chức và phương pháp khảo sát, tổng kết tài liệu khi khảo
sát, kế hoạch khảo sát địa phương và các cơ sở vật chất cần thiết.
Các nội dung khảo sát địa phương rất đa dạng, có thể khảo sát về mặt tự nhiên (các
loại đất, hệ thống sông, hồ tại địa phương; môi trường địa phương; thời tiết; khí hậu ), dân
cư, xã hội (dân số và sự gia tăng , hình thái quần cư địa phương, lao động và việc làm tại
địa phương, ); kinh tế (các loại cây, con; các xí nghiệp công nghiệp; hoạt động du lịch sinh
thái, ). Tùy chương trình địa lý mỗi lớp mà chọn nội dung thích hợp.
Các phương pháp khảo sát địa phương cần mô phỏng theo phương pháp nghiên cứu
địa lý để học sinh làm quen với các phương pháp nghiên cứu khoa học. Ví dụ: nên sử dụng
các phương pháp thực địa, tìm hiểu qua nhân dân, nghe báo cáo, sử dụng tài liệu địa phương
(số liệu, bảng thống kê, tranh ảnh, báo cáo tổng kết, địa chí, tìm hiểu qua phương hướng
phát triển, qua phòng truyền thống, bảo tàng, )
Kết quả khảo sát địa phương, nên được học sinh viết thành báo cáo trình bày trước lớp
và lưu giữ ở Phòng địa lý để tham khảo học tập.
IV - HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA ĐỊA LÝ
1. Khái niệm
Ngoại khóa là hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp, không qui định bắt buộc trong
chương trình, hoạt động dựa trên sự tự nguyện tham gia của một số hay số đông học sinh có
hứng thú, yêu thích bộ môn và ham muốn tìm tòi, sáng tạo các nội dung học tập địa lý, dưới
sự hướng dẫn của giáo viên
Hoạt động ngoại khóa địa lý được phân biệt với các hình thức tổ chức dạy học khác
bởi những nét chủ yếu sau:
- Là hoạt động ngoài giờ học trên lớp, không được qui định trong chương trình nội khóa.
- Là hoạt động tự nguyện của cá nhân hay nhóm học sinh có cùng hứng thú, sở thích,
mối quan tâm về một vấn đề nào đó của nội dung học tập.
- Giáo viên không trực tiếp hoạt động cùng học sinh, nhưng phải là người hướng dẫn,
tổ chức, tư vấn và có thể trong nhiều trường hợp cần thiết còn là người chỉ đạo, điều khiển
các hoạt động ngoài giờ học của học sinh.
- Nội dung hoạt động ngoại khóa thường liên quan với nội dung học tập trong chương
trình và phù hợp với hoàn cảnh của địa phương và đặc điểm của các em tham gia hoạt
động.
- Không tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động ngoại khóa với các hình thức
tương tự trên lớp học.
2. Các nguyên tắc hoạt động ngoại khóa
- Tổ chức hoạt động ngoại khóa phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ nhận thức
và hoàn cảnh học tập của HS, phù hợp với điều kiện vật chất và thời gian HS có thể thu xếp
được, phù hợp với đặc điểm của nhà trường và đặc điểm địa lý địa phương.
- Nội dung ngoại khóa phải kết hợp chặt chẽ với nội khóa, vừa nhằm bổ sung, mở
rộng, hoặc củng cố, vận dụng kiến thức nội khóa trong thực tiễn, vừa có tác dụng gây hứng
thú học tập ở học sinh, phát huy các năng lực sở trường vốn có của HS.
- Tạo cơ hội, điều kiện để lôi cuốn tất cả mọi học sinh trong lớp có trình độ học lực
khác nhau vào các hoạt động ngoại khóa phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của các em. Kích
thích học sinh tinh thần ham thích học tập.
- Hoạt động ngoại khóa tuy là hình thức tự nguyện của học sinh, nhưng cần phải đề
cao tinh thần kỷ luật, ý thức tập thể, thói quen nề nếp.
- Đề cao vai trò chủ động, sáng tạo và tính tự quản, sáng kiến cá nhân của HS.
- Tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của phụ huynh học sinh, các nhà khoa học, cán bộ
chuyên môn kỹ thuật, của các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Họ tham dự với
tư cách là cố vấn chuyên môn, đồng thời có thể là nhà tài trợ cung cấp phương tiện, tài liệu
và cả vật chất khác cho hoạt động của học sinh. Trong nhiều trường hợp họ là người trực
tiếp giảng dạy, chỉ dẫn cụ thể cho học sinh. Liên kết và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức
Đoàn, Đội và tổ chức xã hội khác ở trong và ngoài nhà trường, tạo ra sức mạnh tập thể trong
hoạt động ngoại khóa.
3. Các hoạt động ngoại khóa địa lý ở trường trung học phổ thông
Các hoạt động ngoại khóa địa lý ở trường trung học phổ thông rất đa dạng, có thể xếp
vào các hệ thống phân loại khác nhau, tùy vào cơ sở phân loại. Ví dụ: nếu dựa vào qui mô
số học sinh tham gia hoạt động, có thể xếp các hoạt động ngoại khóa vào 3 loại: hoạt động
cá nhân, hoạt động nhóm, hoạt động tập thể (toàn lớp); hay: nếu dựa vào loại hình hoạt
động, có thể chia các hoạt động ngoại khóa thành: Tổ địa lý, Câu lạc bộ địa lý, Đố vui địa
lý, Dạ hội địa lý, Mỗi loại hoạt động ngoại khóa địa lý có nội dung riêng, được đặc trng
bởi phương pháp tiến hành và cách thức tổ chức thích hợp. Tuy nhiên chúng có liên hệ chặt
chẽ với nhau. Trong nhiều trường hợp, mỗi loại hình này có thể được thực hiện trong hình
thức tổ chức khác. Ví dụ: Đố vui địa lý tuy là một hoạt động ngoại khóa độc lập với Câu lạc
bộ địa lý, nhưng có thể tiến hành trong các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ địa lý, xem như là một
phần của chương trình Câu lạc bộ Dưới đây là ví dụ về hình thức trò chơi trong hoạt động
ngoại khóa địa lí.
Trò chơi địa lý trong hoạt động ngoại khóa là trò chơi học tập, có tác dụng mở rộng,
nâng cao hiểu biết địa lý và các kỹ năng hoạt động của học sinh. Tổ chức trò chơi tốt vừa
phát huy được sự nhanh trí, sáng tạo, vừa rèn luyện tính tự lập và tinh thần tập thể của các
em. Ngoài ra, hứng thú học tập, miền tin và tình cảm của học sinh được nâng cao. Môn địa
lý trở nên sinh động, gần gũi, thiết thực hơn đối với các em. Trò chơi địa lý có 2 khía cạnh
quan trọng:
+ Nội dung trò chơi là nội dung địa lý hoặc có liên quan trực tiếp, giúp mở rộng, nâng
cao kiến thức, kỹ năng địa lý đã học ở nhà trường.
+ Mang đầy đủ tính chất của một trò chơi: có luật chơi, cách chơi, gây hứng thú và sự
thi đua giữa các em, giữa các nhóm, tổ.
Hình thức trò chơi địa lý rất đa dạng, phong phú. Tùy vào lứa tuổi học sinh, nội dung
địa lý các lớp, tâm sinh lý của học sinh ở các địa phương khác nhau mà có những trò chơi
thích hợp. Không nên tổ chức các trò chơi phức tạp, cũng như không quá đơn giản dễ gây
nhàm chán. Sau một số trò chơi, có thể tổ chức cho học sinh thảo luận để nắm nội dung và
rút ra ý nghĩa của nội dung trò chơi. Các trò chơi khác nhau có thể bố trí xen kẽ nhau để
tăng thêm phần sinh động.
Trò chơi địa lý thường được tổ chức ở vào nhiều hoàn cảnh khác nhau: trong buổi Dạ
hội địa lý, trong sinh hoạt Câu lạc bộ hay Tổ địa lý, trong dã ngoại,
Trò chơi địa lý tuy là hình thức ngoại khóa sinh động, hấp dẫn, nhưng khi tổ chức trò
chơi, giáo viên địa lý (làm cố vấn) cần lưu ý:
+ Không lạm dụng trò chơi, dễ gây nhàm chán.
+ Trò chơi phải luôn được biến đổi cho phù hợp với trình độ và lứa tuổi, cũng như
hoàn cảnh thực tế của học sinh.
+ Không chú trọng nhiều đến chuyện thắng thua, chống biểu hiện cay cú, hơn thua.
+ Khuyến khích học sinh hoạt động tập thể, đề cao tinh thần đoàn kết, cộng tác, trao
đổi học hỏi để cùng tiến bộ.
Ví dụ 1: Trò chơi ô chữ ĐIALI
- Mục tiêu: Qua trò chơi, học sinh củng cố lại một số kiến thức đã học về sự phân bố
tài nguyên, cây trồng ở nước ta và diện tích một số tỉnh.
- Cách chơi:
1) Mỗi em được phát một tờ rời có các ô trống, kèm theo câu hỏi (hình 2A). Kết quả
trả lời câu hỏi được ghi vào các ô trống. Sau 5 phút hoàn thành công việc.
2) Giáo viên chiếu lên bảng (bằng máy vi tính hay máy overhead) kết quả đúng (hình
2B). Các em trao đổi sản phẩm cho nhau và chấm điểm sản phẩm của bạn (mỗi ý đúng
được một điểm). Trao đổi về kết quả trước lớp.
1
2
3
4
5
HÌNH 2A
1. Tỉnh trồng nhiều cà phê nhất?
2. Tỉnh có diện tích nhỏ nhất?
3. Tỉnh có rừng ngập mặn lớn nhất?
4. Tỉnh có mỏ apatit lớn nhất?
5. Tỉnh có than cốc nhiều nhất?
Kết quả đúng như sau:
1 Đ A C L A C
2 B A C N I N H
3 C A M A U
4 L A O C A I
5 T H A I N G U Y E N
HÌNH 2B
Ví dụ 2: Trò chơi "Kẻ dấu tên"
* Chuẩn bị:
+ Người chơi có 1 tờ giấy và bút.
+ Người tổ chức chơi có bản ghi đặc điểm của những kẻ giấu tên.
* Cách chơi:
+ Người chơi (có thể có 3 người lên bảng đồng thời chơi và toàn thể những người ở
dưới) kẻ một khung, có các ô hình chữ nhật và đánh số từ 1 đến 5 hay 6, (H.3)
1 2 3
4 5 6
HÌNH 3
+ Người tổ chức chơi lần lượt xướng lên các ô (1,2,3, ) và đọc chậm các tiêu chí ghi
trong bản ghi nhớ (về những kẻ dấu tên) ứng với từng ô. Đó là đặc điểm của các đại dương,
châu lục, dạng địa hình, kiểu khí hậu, loại cảnh quan, hay đặc điểm của các miền tự nhiên,
của các vùng kinh tế, mà học sinh đã được học. Người chơi phải xác định đúng tên của
đối tượng và ghi tên đó vào ô.
+ Sau khi hoàn thành các ô, người tổ chức sẽ công bố đáp án. Người chơi tự đánh dấu
vào các ô đúng và tự cho điểm. Ví dụ: giỏi: 6/6; khá : 5/6,
Ví dụ về nội dung một bản ghi sử dụng trong một trò chơi Kẻ giấu tên.
Một số dạng địa hình
1) Biển: bộ phận của đại dương, nằm ở gần hoặc xa đất liền, có những đặc điểm riêng (về
độ mặn, về nhiệt độ, về các sự vận động của nước biển ) khác với vùng nước của đại
dương bao quanh.
2) Bờ biển: dải đất tiếp xúc với mép nước biển và chịu tác động qua lại giữa biển và đất
liền.
3) Cao nguyên: dạng địa hình có bề mặt tương đối bằng phẳng hoặc gợn sóng, đôi khi có
đồi. Độ cao tuyệt đối từ 500 m trở lên. Cao nguyên bao giờ cũng có sườn rất dốc, có khi trở
thành vách đứng.
4) Châu thổ: đồng bằng phù sa thấp, bằng phẳng, do các sông lớn bồi đắp ở cửa sông
5) Hạ lưu sông: đoạn cuối của một con sông, nơi lòng sông có độ dốc nhỏ và tác động bồi
tụ phù sa ở đây chiếm ưu thế.
6) Hồ băng hà: hồ được hình thành do tác dộng bào mòn mặt đất của băng hà.
Ví dụ 3. Khảo sát môi trường xung quanh
* Mục tiêu: Qua hoạt động này, học sinh làm quen với công tác khảo sát, điều tra các
sự vật hiện tượng địa lí đơn giản và có kĩ năng thông tin các kết quả khảo sát địa lí địa
phương dưới các hình thức sinh động, hấp dẫn.
* Hoạt động:
+ Chia toàn thể thành các nhóm (chẳng hạn 3 nhóm), cử trưởng nhóm.
+ Mỗi nhóm đi đến một địa điểm đã được giáo viên xác định trước (ví dụ, một nhóm ở
sân trường, một nhóm ở khuôn viên trường phía sau dãy lớp học, một nhóm trước cổng
trường), quan sát, hỏi ý kiến những người tại chỗ (nếu có), tìm 3 điều tốt và 3 điều xấu về
môi trường. Ghi chép, vẽ phác họa mô phỏng.
+ Mỗi nhóm cùng trao dổi, thảo luận, phát huy mọi khả năng vốn có của từng cá nhân
để soạn thảo từng câu thơ, lời bài hát phỏng theo nhạc bài hát sẵn có, vè, hò, cải lương, hát
đối đáp, câu đối, tranh ảnh, phác họa, đóng vai, kịch câm, tốp ca, đồng ca, thể hiện
những điều đã quan sát được.
+ Sau đó quay về phòng trình diễn trước toàn thể sản phẩm đã sọan thảo trên. Như
vậy, 3 điều tốt và 3 điều xấu về môi trường được thông tin bằng các hình thức văn nghệ tự
biên, tự diễn tức thời, lí thú và vui nhộn.
+ Để tăng thêm phần hấp dẫn, nên có một Ban Giám khảo (một nhóm cử một người
vào ban giám khảo và người đó không chấm điểm nhóm mình). Các tiêu chí có thể là: 1
điều tốt/xấu = 1 điểm; vui nhộn, hấp dẫn = 10 điểm; có 1 người trong nhóm không tham
gia trừ đi 1 điểm. Nhóm nào có tổng số điểm cao nhất, nhóm đó thắng cuộc và được nhận
phần thưởng của cuộc chơi (bánh kẹo, đồ chơi nhỏ, )
Ví dụ 4. Trò chơi "Hậu quả của phá rừng"
*Mục tiêu: Học sinh thấy được một cách trực quan diện tích rừng và đất rừng ngày
càng bị thu hẹp do sự khai thác quá mức của con người.
* Vật liệu: Mỗi học sinh có một tờ báo cũ
* Địa diểm: Sân trường
* Hoạt động:
+ Học sinh để các tờ giấy báo cũ cạnh nhau trên mặt đất, sau đó đứng vào trên tờ báo
đó (mỗi em chỉ được đứng trên mỗi tờ giấy báo)
+ Tất cả ra ngoài và chạy vòng quanh (theo cùng một chiều) quanh địa điểm có giấy
báo- theo nhịp tay của giáo viên)
+ Khi giáo viên ra hiệu thì tất cả nhảy vào vị trí có giấy báo (1 tờ giấy báo chỉ được
phép chứa 1 người)
+ Sau đó ra ngoài chạy tiếp, giáo viên cất đi một số tờ giấy báo và vỗ tay cho tất cả
nhảy vào lại. Lúc này sẽ có một số người không có chỗ đứng, phải đứng ra ngoài vòng.
+ Các lần tiếp theo, giáo viên cũng lấy đi một số tờ giấy báo và hoạt động cũng diễn
ra tương tự, có rất nhiều người bị loại ra khỏi vòng
Giải thích:
+ Các tờ giấy báo mất dần tượng trưng cho hình ảnh của việc đất rừng bị khai thác,
xâm lấn, chiếm đoạt.
+ Những người bị loại ra khỏi vòng chơi tượng trưng cho cây cối bị chặt, đốn.
Ví dụ 5. Trò chơi "Tôi ở đâu?"
* Mục tiêu: Qua trò chơi này, học sinh hiểu rõ thêm loại hình của các loại tài nguyên
có trong môi trường tự nhiên.
* Hoạt động:
+ Mỗi học sinh có 1 mảnh giấy trắng một mặt (bằng 1/8 khổ A4) và tự ghi lên đó tên
một loại tài nguyên (ví dụ: dầu mỏ, than đá, quặng sắt, năng lượng thủy triều, sức gió, )
+ Chọn 3 học sinh đứng vào 3 góc của sân chơi. Mỗi em mang một bảng giấy ghi rõ
"Tài nguyên vô tận", "Tài nguyên tái sinh", "Tài nguyên cạn kiệt".
+ Học sinh toàn lớp đứng thành vòng khép kín giữa sân, chuyển nhanh liên tục mảnh
giấy của mình cho người bên cạnh, theo chiều kim đồng hồ (luân chuyển theo vòng).
+ Giáo viên phát hiệu lệnh "dừng chuyền". Mỗi học sinh nhìn vào nội dung mảnh giấy
mình đang cầm trên tay và ngay lập tức chạy đến một trong ba vị trí thích hợp ở ba góc
sân, chỗ có em mang mảnh giấy "Tài nguyên vô tận", "Tài nguyên tái sinh", "Tài nguyên
cạn kiệt". Ví dụ: em cầm mảnh giấy có ghi "dầu mỏ" thì chạy về phía góc có em mang bảng
hiệu "Tài nguyên cạn kiệt".
+ Em học sinh đứng ở góc tiến hành kiểm tra nội dung các mảnh giấy bằng cách
xướng to loại tài nguyên được ghi ở mảnh giấy cho tất cả mọi người cùng nghe. Cả lớp
cùng lắng nghe và xác nhận, giáo viên làm trọng tài. Ai đứng không đúng vị trí thì mời ra
ngoài.
+ Học sinh về chỗ ngồi và cùng nhau thảo luận với câu hỏi:
1) Em hiểu như thế nào là "Tài nguyên vô tận", "Tài nguyên tái sinh", "Tài nguyên cạn
kiệt"?
2) Tại sao tài nguyên lại bị cạn kiệt? Con người cần phải có cách sử dụng tài nguyên
như thế nào trong tình hình cạn kiệt tài nguyên nhanh chóng hiện nay?
(Theo PGS. TS. NGUYỄN ĐỨC VŨ)