Nhượng quyền thương mại: Khái niệm và hệ thống văn
bản điều chỉnh của pháp luật Việt nam.
Chúng ta thường nghe thấy thuật ngữ "nhượng
quyền thương mại", "nhượng quyền thương hiệu" hay
có thể đều đã nghe nói tới những hợp đồng nhượng
quyền hàng tỉ đô la. Tuy nhiên, không phải ai cũng có
thể hiểu rõ khái niệm " nhượng quyền thương
mại."
Nhượng quyền thương mại là gì?
Đã có nhiều khái niệm được đưa ra nhằm giải thích,
hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hoạt động
kinh doanh nhượng quyền đạt hiệu quả. Tuy nhiên,
do sự khác biệt về quan điểm và môi trường kinh tế,
chính trị, xã hội giữa các quốc gia, nên các khái niệm
này thường khác nhau. Nhưng tựu trung lại, hiểu theo
nghĩa thông thường nhất, về bản chất, nhượng quyền
thương mại (franchising) là một hoạt động kinh doanh
trong đó có thoả thuận của hai bên (bán, mua
franchising) chuyển giao mô hình kinh doanh gắn liền
với các đối tượng sở hữu trí tuệ trên cơ sở một hợp
đồng franchising. Về phương diện pháp lý, tại Điều
284 Luật Thương mại năm 2005 của nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: "Nhượng quyền
thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên
nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền
tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng
dịch vụ theo các điều kiện sau đây:1. Việc mua bán
hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách
thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy
định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương
mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu
tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng
quyền;2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và
trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành
công việc kinh doanh."
Khuôn khổ pháp lý cho nhượng quyền thương
mại ở Việt Nam:
Trước khi có Luật Thương mại 2005, hầu như pháp
luật nước ta không đề cập đến hình thức kinh doanh
mới mẻ này, các doanh nghiệp kinh doanh dưới hình
thức nhượng quyền thương mại phải vận dụng các
quy định trong pháp luật về dân sự, kinh tế, sở hữu trí
tuệ và chuyển giao công nghệ Do đó, mặc dù hình
thức nhượng quyền thương mại đã xuất hiện ở nước
ta từ những năm 1990 thế kỷ trước nhưng sự phát
triển còn rất hạn chế; đa số công chúng chưa có
được sự nhận thức đúng đắn về hình thức kinh
doanh mới mẻ này; quyền và nghĩa vụ của các bên
trong quan hệ hợp đồng franchising trong nhiều
trường hợp không được tôn trọng điều đó, đòi hỏi
nhà nước phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho
hình thức kinh doanh mới mẻ này. Ngày 14 tháng 06
năm 2005, Luật Thương mại năm 2005 được ban
hành trong đó có các quy định về nhượng quyền
thương mại. Tiếp đến, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP
ngày 31 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ quy định
chi tiết hoạt động nhượng quyền thương mại; Thông
tư số 09/2006/TT-BTM ngày 25 tháng 05 năm 2006
hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương
mại. Đây là hai văn bản hướng dẫn khá chi tiết và đầy
đủ với việc xác định các vấn đề cơ bản như khái niệm
nhượng quyền thương mại, quyền thương mại, điều
kiện nhượng quyền thương mại, hợp đồng nhượng
quyền thương mại, đăng ký hoạt động nhượng quyền
thương mại và các vấn đề tài chính liên quan đến
nhượng quyền thương mại. Về mặt thuật ngữ,
nhượng quyền thương mại theo quy định tại Mục 8
của Luật Thương mại được hiểu là hình thức “bán”
quyền thương mại, tuy nhiên, theo quy định tại Điều
284 thì lại được mô tả hết sức cụ thể của một
phương thức kinh doanh với việc “mua bán hàng hoá,
cung ứng dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh
do bên nhượng quyền quy định và được gắn với
nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh
doanh, biểu tương kinh doanh, quảng cáo của bên
nhượng quyền ”. Đồng thời, Nghị định số 35 còn xác
lập một thuật ngữ pháp lý mới mẻ, đó là “quyền
thương mại” với tư cách là điểm mấu chốt trong quan
hệ nhượng quyền thương mại. Về điều kiện nhượng
quyền, theo quy định thì doanh nghiệp nhận quyền
kinh doanh theo phương thức này phải có ngành
nghề đăng ký kinh doanh phù hợp. Đối với bên
nhượng quyền, pháp luật đòi hỏi họ phải có hệ thống
kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt
động được ít nhất là một năm, hàng hoá dịch vụ kinh
doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại với
giấy phép kinh doanh nhượng quyền trong tay. Điều
kiện này là cần thiết bởi đây là hình thức kinh doanh
có tính hệ thống và nhất thiết phải đòi hỏi khả năng,
kinh nghiệm, uy tín trong kinh doanh của bên nhượng
quyền. Đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại,
theo quy định các nội dung cơ bản cần phải đưa vào
hợp đồng đó là: (i) Nội dung của quyền thương
mại;(ii) Quyền và nghĩa vụ của hai bên;(iii) Giá cả, phí
nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh
toán;(iv) Thời hạn hiệu lực, gia hạn, chấm dứt hợp
đồng;(v) Giải quyết tranh chấp, vi phạm. Do một số
đối tượng của nhượng quyền thương mại đồng thời
là các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, do đó, khi
xác lập hợp đồng nhượng quyền cần phải xây dựng
các điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ, khi
chuyển giao các đối tượng này cũng phải đăng ký
theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hiện
nay, theo quy định khi thiết lập quan hệ nhượng
quyền thương mại các bên phải tiến hành đăng ký tại
Sở Thương mại đối với nhượng quyền trong nước và
đăng ký tại Bộ Thương mại đối với nhượng quyền từ
nước ngoài vào Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước
ngoài. Phí chuyển nhượng theo quy định là một
khoản tiền do các bên tự thoả thuận và không chịu
bất kỳ sự giới hạn nào từ phía Nhà nước. Đây là
quan hệ kinh tế, các bên phải tính toán kỹ khi thiết lập
quan hệ, ngoài cách tính giá trị tài sản hữu hình, cách
tính giá còn phải xem xét đến “giá thương hiệu”
nhượng quyền. Mà điều này rất khó đòi hỏi phải có
các nhà tư vấn, cung ứng dịch vụ chuyên
nghiệp. Ngày 17 tháng 11 năm 2008, Bộ trưởng Bộ
tài chính cũng ra Quyết định số 106/2008/QĐ-BTC
quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử
dụng lệ phí Đăng ký hoạt động nhượng quyền
thương mại. Theo đó, lệ phí đăng ký hoạt động
nhượng quyền thương mại được áp dụng đối với các
thương nhân Việt Nam và nước ngoài được cơ quan
nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công Thương và các
đơn vị trực thuộc) cấp Thông báo chấp thuận điều
kiện hoạt động nhượng quyền thương mại theo quy
định của pháp luật. Mức lệ phí đăng ký hoạt động
nhượng quyền thường mại được tính theo từng nhóm
đối tượng như: Thương nhân nước ngoài nhượng
quyền thương mại vào Việt Nam, thương nhân Việt
Nam nhượng quyền thương mại ra nước ngoài hay
Thương nhân nhượng quyền thương mại trong
nước. Với một khuôn khổ pháp lý khá cụ thể và chi
tiết điều chỉnh hoạt động này, chúng ta có thể hi vọng
rằng mô hình nhượng quyền thương mại sắp tới sẽ
có cơ hội phát triển mạnh tại Việt Nam, nhất là khi
Việt Nam đã tham gia WTO.