Tải bản đầy đủ (.doc) (9 trang)

Văn học Việt Nam:1945-1954

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (100.96 KB, 9 trang )

KHÁI QUÁT
VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ÐOẠN 1945-1954

Trong quá trình 30 năm phát triển của văn học cách mạng (1945-1975), giai đoạn 1945-1954
có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ðây vừa là thời kỳ mở đầu, đắp nền cho văn học mới vừa là
bước chuyển tiếp lịch sử ghi nhận nhiều thay đổi triệt để và sâu sắc, từ quan niệm nghệ thuật
cho tới thực tế sáng tác. Vượt qua những thử thách khắc nghiệt của hoàn cảnh chiến tranh,
văn học chín năm kháng chiến chống Pháp đã khẳng định sự tồn tại và phát triển với tầm
vóc xứng đáng. Tuy những thành tựu còn ở mức độ ban đầu nhưng đóng góp chính của nó là
mang đến một sắc thái độc đáo, làm bừng lên khí thế mới chưa từng có trong đời sống văn
học dân tộc.
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ - XÃ HỘI
- Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ
nguyên độc lập, tự chủ. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Ðình, Hồ Chủ Tịch đọc bản
Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ách nô lệ bị đập tan, con
người Việt Nam được giải phóng; bừng lên một niềm hạnh phúc lớn lao đến thiêng liêng,
như kết quả tất yếu từ khát vọng tự do và quyết tâm cứu nước của cả dân tộc.
- Nhưng chính quyền cách mạng non trẻ, ngay lúc đó, đã phải đương đầu với muôn vàn khó
khăn trên tất cả các phương diện của đời sống. Nền kinh tế hầu như kiệt quệ với hệ thống
kho tàng trống rỗng, nông nghiệp lạc hậu, mất mùa vì lũ lụt; các ngành công thương nghiệp,
thủ công nghiệp bị đình đốn hoặc phá sản. (Hậu quả thảm khốc là nạn đói xảy ra, làm chết
hơn hai triệu người, ngót 1/10 dân số nước ta bấy giờ). Trình độ dân trí, văn hóa giáo dục
thấp kém với hơn 80% dân số mù chữ. Cùng lúc, các thế lực thù trong giặc ngoài lăm le chờ
thời cơ để gây rối, hòng làm suy yếu và lật đổ nhà nước Cách mạng. Ðược Anh mở đường,
thực dân Pháp trở lại gây căng thẳng ở Nam Bộ. Quân Tưởng Giới Thạch kéo vào miền Bắc.
Trong nước, các tổ chức Việt Nam cách mệnh đồng minh của Nguyễn Hải Thần (Việt Cách)
và Việt Nam quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam (Việt Quốc) núp
bóng quân Tưởng, bất hợp tác với Cách mạng, liên tục quấy phá ; lớp địa chủ, tư sản cũng
ngóc dậy, ngấm ngầm chống đối.
- Vượt qua mọi khó khăn, chính quyền dân chủ nhân dân không những được giữ vững mà
còn ngày càng củng cố, mạnh mẽ hơn. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Ðảng và Hồ Chủ Tịch,


bằng nhiều biện pháp kịp thời nhân dân ta đã chặn đứng nạn đói, phát động một cao trào
bình dân học vụ diệt giặc dốt và phong trào tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ nhà nước Cách
mạng, bảo vệ sự toàn vẹn của tổ quốc. Ngày 6-1-1946, quốc hội đầu tiên được bầu qua tổng
tuyển cử. Hiếp pháp được công bố. Những thế lực thù địch lần lượt bị khuất phục bằng
chính sách ngoại giao kiên quyết về nguyên tắc nhưng uyển chuyển về sách lược của ta : hai
trăm ngàn quân Tưởng Giới Thạch phải rút về nước kéo theo sự tán loạn của bọn phản động
tay sai ; hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946) giúp nhân dân tranh thủ được
thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng đương đầu lâu dài với thực dân Pháp.
- Khi mọi biện pháp ngoại giao không còn hiệu quả trước dã tâm của Pháp nhằm áp đặt chế
độ thuộc địa lên nước ta một lần nữa, cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Ðáp lời kêu gọi
ngày 19-12-1946 của Hồ Chủ Tịch, cả đất nước đã đứng lên, vừa đánh giặc vừa củng cố lực
lượng, huy động sức mạnh dân tộc không chỉ ở hiện tại mà cả từ truyền thống quật khởi bốn
nghìn năm.
- Từ năm 1947, liên tiếp những chiến thắng quan trọng đã làm thay đổi cục diện, tương quan
lực lượng giữa ta và địch: chiến thắng Việt Bắc thu đông (1947) chặn đứng sức tiến công
của giặc, chuyển cuộc kháng chiến từ thế phòng ngự sang cầm cự; chiến thắng Biên giới
(1950) phá vỡ thế phong tỏa, mở đường thông với phe xã hội chủ nghĩa ; chiến thắng Hòa
Bình (1952) mở rộng vùng giải phóng, Cuối cùng, chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7-5-1954)
làm lịm tắt ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải chấp nhận thương lượng và
ký kết hiệp định Giơnevơ về Ðông Dương (20-7-1954).
Cuộc kháng chiến chín năm đã kết thúc thắng lợi. Một nửa nước được giải phóng. Chính
quyền kiểu mới ở các cấp từng bước được củng cố. Tổ chức Ðảng vững mạnh hơn nhiều.
Ðại hội Ðảng lần 2 (1951) xác định đúng đắn đường lối cho kháng chiến. Năm 1953, Hồ
Chủ Tịch ra sắc lệnh giảm tô và cải cách ruộng đất. Tuy có nơi có lúc còn cực đoan, thái quá
nhưng về cơ bản cuộc Cách mạng phản phong này đã thực sự giải phóng đất đai và người
nông dân, thủ tiêu triệt để quan hệ sản xuất cũ, đem lại cho kháng chiến một động lực mạnh
mẽ. Nền kinh tế tự túc đảm bảo được những nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân trong
kháng chiến.
- Trong hoàn cảnh chiến tranh hết sức khó khăn, văn hóa giáo dục vẫn không ngừng được
nâng cao. Nạn mù chữ cơ bản được thanh toán (phổ cập cấp 1 trong toàn dân). Tiếng Việt

trở thành ngôn ngữ chính thức giảng dạy trong tất cả các cấp học. Một số trường Ðại học
được mở ra để đào tạo nhân tài cho đất nước (y khoa, sư phạm)
Tất cả những phương diện của tình hình lịch sử - xã hội nêu trên đã có ảnh hưởng trực tiếp,
tạo nên những thuận lợi và khó khăn riêng cho sự phát triển, quyết định diện mạo của văn
học giai đoạn này.
II. TÌNH HÌNH VĂN HỌC
1. Những thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển của văn học :
1) Trước hết, phải kể đến sự lãnh đạo và quan tâm giúp đỡ thường xuyên của Ðảng. Thông
qua hoạt động của các tổ chức văn nghệ, Ðảng đã đề ra chủ trương chính sách tích cực, giúp
chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc ; phát động các cuộc thi để kích thích phong trào sáng
tác, phát hiện tài năng mới ; động viên văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, (Hội văn nghệ Việt
Nam được thành lập, ra tạp chí Văn nghệ - năm 1948 ; tổ chức giải thưởng văn nghệ các
năm 1951-1952, 1954-1955, )
- Cách mạng tháng Tám đã giải phóng dân tộc, đồng thời cũng giải phóng cho văn học khỏi
những trói buộc của quan niệm cũ. Tính dân chủ được nâng cao, văn học không còn là sở
hữu riêng của một lớp người mà thành giá trị chung cho tất cả mọi người. Quan niệm nghệ
thuật tiến bộ được khẳng định, đưa văn học trở về với ngọn nguồn đích thực là đời sống
rộng lớn của nhân dân, hứa hẹn một sự khởi sắc rực rỡ.
- Lực lượng sáng tác được tập hợp đông đảo, có sự góp mặt đầy đủ và bổ sung lẫn nhau giữa
các thế hệ. Dưới ngọn cờ của Ðảng, văn nghệ sĩ dù ở thế hệ nào cũng hướng về lý tưởng
chung, soi sáng cuộc đời và công việc sáng tạo nghệ thuật. Mặc dù còn phải tiếp tục giải
quyết nhiều vướng mắc về lập trường, quan điểm, về tư tưởng nghệ thuật nhưng nhìn chung
ngay từ buổi đầu, đa số lớp trước Cách mạng đều phát huy tinh thần dân tộc, hăng hái đi
theo kháng chiến bằng lương tâm và trách nhiệm cao nhất của người nghệ sĩ chân chính.
Bên cạnh đó, phải kể đến lớp nhà văn trưởng thành từ quân đội, từ phong trào sáng tác quần
chúng. Sáng tác của họ mang đậm đà hơi thở đời sống, tạo nên sức trẻ cho nền văn học, có
sức động viên, khích lệ tinh thần nhân dân rất mạnh mẽ.
- Trình độ học vấn, đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ được nâng cao, quần chúng trở
thành nhân tố quan trọng cho sự hồi sinh của văn học. Nhân dân là đối tượng phản ánh, là
độc giả và cũng chính là người trực tiếp sáng tạo nghệ thuật. Giới văn chương được mở

rộng, sinh hoạt văn nghệ sôi nổi hẳn lên. Mặt khác, chín năm kháng chiến khổ nhục mà vĩ
đại - một hiện thực hoành tráng, giàu chất sử thi - là nguồn đề tài phong phú cho sáng tác.
Cuộc sống mới, quan hệ xã hội mới với bao nhiêu cung bậc tình cảm của con người Việt
Nam tự do đã gợi lên những cảm hứng mãnh liệt, điều kiện cần thiết trước hết cho sáng tác.
- Tuy khởi đầu cho một thời kỳ mới nhưng văn học 1945-1954 không hoàn toàn tách rời mà
gắn bó chặt chẽ, kế thừa những thành tựu của giai đoạn trước Cách mạng. Những năm 40 là
thời kỳ khủng hoảng cao độ của chế độ thuộc địa, xã hội bế tắc, hoang mang, không tìm
được hướng đi. Tình hình văn học, do đó hết sức phức tạp với nhiều khuynh hướng, nhiều
giá trị biểu hiện khác nhau. Văn học kháng chiến chống Pháp có đầy đủ điều kiện để tiếp
nhận phần tinh hoa, thành tựu cũng như loại trừ những yếu tố không có lợi cho sự nghiệp
chung. Ðặc biệt, phải kể đến những cách tân về phương diện nghệ thuật của văn chương
lãng mạn, giá trị hiện thực và nhân đạo của văn học hiện thực phê phán, tính chiến đấu mạnh
mẽ của văn học Cách mạng (chủ yếu là thơ ca trong tù của Bác Hồ, Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê
Ðức Thọ, )
2) Trong bối cảnh chung thời chiến tranh, văn học chín năm chống Pháp phải đương đầu với
những khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt : điều kiện in ấn, phát hành rất hạn chế, thời gian
và công sức của văn nghệ sĩ dành cho sáng tác không nhiều, sự khủng bố của kẻ thù,
Nhiều cây bút đang độ sung sức đã ngã xuống, gây nên mất mát không gì bù đắp được (Trần
Ðăng, Nam Cao, Thôi Hữu, )
Mặt khác, về phía chủ quan, tuy hầu hết văn nghệ sĩ đã tán thành quan niệm sáng tác mới,
nhưng để biến nhận thức ấy thành xúc động nghệ thuật, thành hình tượng nghệ thuật có sức
lay động lòng người thì quả không phải chuyện giản đơn một sớm một chiều. Tình cảm bao
giờ cũng chuyển biến chậm hơn. Không ít lần, nhất là ở những khúc quanh của lịch sử (thời
kỳ đầu kháng chiến, trong cải cách ruộng đất), hàng ngũ sáng tác có biểu hiện hoang mang,
dao động. Ðây chính là lý do giải thích vì sao mãi đến gần cuối cuộc kháng chiến, văn học
Cách mạng mới có được những thành tựu đáng kể.
2. Các chặng đường phát triển :
Có thể khảo sát quá trình phát triển của văn học giai đoạn này qua hai chặng cụ thể như sau :
1) 1945-1946 : Ðây là năm bản lề, văn học chuyển mình hòa vào dòng thác Cách mạng. Văn
học Cách mạng dần trở thành trào lưu chủ đạo. Ðội ngũ sáng tác nòng cốt vẫn là những cây

bút đã khẳng định tên tuổi từ trước. Trừ một số ít tỏ ra lạc lõng, hầu hết tự nguyện đứng vào
hàng ngũ văn nghệ sĩ mới với niềm hạnh phúc lớn lao : được hai lần giải phóng. (Hội văn
hóa cứu quốc được thành lập).
Nhìn chung, sáng tác thời kỳ này tập trung vào hai chủ đề lớn. Thứ nhất, ngợi ca thắng lợi vĩ
đại của Cách mạng và bộc lộ niềm phấn khởi, tự hào tột độ của toàn dân (Vui bất tuyệt, Hồ
Chí Minh - Tố Hữu, Ngọn quốc kỳ - Xuân Diệu, kịch Bắc sơn - Nguyễn Huy Tưởng). Thứ
hai, tái hiện lại thực trạng xã hội tăm tối trước Cách mạng để tố cáo tội ác dã man của thực
dân và tay sai, đánh tan những ảo tưởng cuối cùng vào sự lừa mị của chúng; từ đó, giáo dục
ý thức trân trọng, thiết tha với chế độ mới (Mò sâm banh - Nam Cao, Lò lửa và địa ngục -
Nguyên Hồng, Một lần tới thủ đô - Trần Ðăng, Chùa Ðàn - Nguyễn Tuân).
Ðược viết do sự thôi thúc của nhiệt tình, trách nhiệm công dân mà chưa có độ sâu sắc, độ
lắng đọng từ phía cảm xúc người nghệ sĩ nên phần lớn tác phẩm dễ rơi vào quên lãng. Nhiều
văn nghệ sĩ còn quá bỡ ngỡ trước cuộc sống mới, yêu mến nhưng chưa hiểu Cách mạng bao
nhiêu nên chưa thật sự gắn bó và đồng cảm với quần chúng. Một số vẫn chưa hết băn khoăn,
đắn đo như Chế Lan Viên sau này tâm sự : Cách mạng làm tôi vui nhưng cũng làm tôi lo
lắng. Tôi có còn được tự do ? Văn học Cách mạng có phải là văn học ? (Văn nghệ, 18-9-
1976).
2) 1947-1949 : Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ðông đảo văn nghệ sĩ tự nguyện tham gia.
Xuất hiện kiểu nhà văn - chiến sĩ, những người vừa trực tiếp chiến đấu vừa dùng ngòi bút
như một thứ vũ khí để đấu tranh với kẻ thù và động viên, cổ vũ quần chúng. Có thể kể :
Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Quang Dũng, Hồ Phương, Tuy có thừa nhiệt tình và vốn
sống thực tế nhưng do những cây bút trẻ này còn thiếu kinh nghiệm sáng tác nên chất lượng
tác phẩm của họ thường không đồng đều. Dù sao, cũng đã có tín hiệu lạc quan của những
phong cách mới, mang đậm đà hương sắc từ cuộc sống kháng chiến.
Sự chuyển biến của văn nghệ sĩ lớp trước Cách mạng ở những năm đầu chặng này vẫn chưa
đáp ứng được yêu cầu của kháng chiến. Chưa đủ những điều kiện cần thiết (thời gian, thực
tế kháng chiến) để họ gắn bó máu thịt, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của quần chúng.
Do đó, những tác phẩm hay vẫn chưa nhiều. Tiêu biểu : thơ của Tố Hữu (Cá nước, Phá
đường, Bà mẹ Việt Bắc, Bầm ơi) ; truyện ngắn : Ðôi mắt - Nam Cao, Làng - Kim Lân, Thư
nhà - Hồ Phương, truyện và ký sự của Trần Ðăng.

Nhằm tạo bước phát triển đáng kể cho văn nghệ, Ðảng đã tiến hành hàng loạt biện pháp tích
cực : tổ chức học tập, thảo luận những báo cáo quan trọng có tính định hướng (Chủ nghĩa
Mác và văn hóa Việt Nam - Trường Chinh, 1948 ; Xây dựng nền văn nghệ nhân dân - Tố
Hữu, 1949), tổ chức nhiều hội nghị tranh luận về các vấn đề văn nghệ (Hội nghị văn nghệ
bộ đội- 4/1919, Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc- 3/1949). Tổ chức của văn nghệ sĩ
từng bước được kiện toàn. Hội văn nghệ Việt Nam được thành lập (1948). Với phương
châm Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt, nhằm xây dựng một nền văn nghệ
Dân tộc, khoa học, đại chúng, văn nghệ sĩ hăng hái xốc ba lô tham gia kháng chiến. Những
đợt đi thực tế ra mặt trận được tổ chức trang nghiêm, tưng bừng đã gây ấn tượng rất sâu sắc
đối với người cầm bút vốn xuất thân từ tầng lớp trí thức.
Những tác động ấy đã giúp văn nghệ sĩ dần rũ bỏ những ám ảnh của nếp sống, nếp nghĩ cũ;
tạo một thái độ chân thành, gắn bó máu thịt với cuộc sống; giúp giải quyết thỏa đáng những
vấn đề còn vướng mắc về tư tưởng và phương pháp sáng tác như: viết cái gì? viết cho ai?
viết như thế nào?.
Trong khi bộ phận chuyên nghiệp còn đang loay hoay nhận đường thì, đặc biệt, phong trào
văn nghệ quần chúng vốn manh nha từ những ngày đầu Cách mạng, giờ phát triển sôi nổi
hẳn lên và giữ vai trò chủ yếu trong sinh hoạt văn nghệ kháng chiến. Không khí khẩn trương
và hoàn cảnh đặc biệt của kháng chiến rất thích hợp với những hình thức tự biên tự diễn,
phục vụ kịp thời như kịch lửa trại, vè độc tấu, ca dao diệt đồn, thơ báng súng Cho dù chất
lượng nghệ thuật còn hạn chế nhưng không thể phủ nhận rằng vào thời điểm bấy giờ, văn
nghệ quần chúng đã đáp ứng thỏa đáng nhu cầu đời sống tinh thần người Việt Nam trong
kháng chiến.
3) 1950-1954 : Ðây là những năm văn học gặt hái được nhiều thành tựu rực rỡ, nhất là thơ
ca. Các nhà thơ : Tố Hữu, Nông Quốc Chấn, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Trần Hữu
Thung, Minh Huệ, đều có tác phẩm hay. Ở lĩnh vực văn xuôi, tiểu thuyết đã có những thể
nghiệm bước đầu đáng khích lệ với Con trâu (Nguyễn Văn Bổng), Xung kích (Nguyễn Ðình
Thi), Vùng mỏ (Võ Huy Tâm).
Phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi và ngày càng sâu rộng vẫn là món ăn tinh thần
chính yếu của nhân dân. Thơ bộ đội, thơ của các cây bút dân tộc ít người có một số tác phẩm
nổi bật (Dọn về làng - Nông Quốc Chấn, Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui, Em tắm - Bạc Văn Ùi).

Các loại hình sân khấu truyền thống cũng bước đầu được phục hồi tuy vẫn còn nặng về hình
thức và hiếm kịch bản có giá trị văn học cao.
III. THÀNH TỰU NỔI BẬT Ở CÁC THỂ LOẠI :
1. Thơ ca :
Ðây là thể loại phát triển thành cao trào mạnh hơn cả với nhiều thành tựu nổi bật. Truyền
thống yêu thơ của dân tộc và đặc điểm lịch sử cụ thể của chín năm kháng chiến đã quyết
định thực tế ấy. Thơ ca tiếp tục gắn bó với đời sống buồn vui, lúc hạnh phúc cũng như khi
gian lao, vất vả của con người Việt Nam. Nhà phê bình Hoài Thanh đã có nhận xét xác
đáng: Hầu hết những người mang ba lô lặng lẽ đi trên các nẻo đường kháng chiến trong một
quyển sổ tay nào đó thế nào cũng có ít bài thơ Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng
ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu. (Nói chuyện thơ kháng chiến).
1) Có thể nhận thấy sự khởi sắc của thơ giai đoạn này, trước hết, qua khảo sát phong trào và
lực lượng sáng tác. Từ sau Cách mạng tháng Tám, thơ không còn là vương quốc riêng của
các nhà thơ chuyên nghiệp. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp đồng
thời cũng giải phóng cho nhà thơ, trong cuộc đời cũng như trong sáng tạo nghệ thuật. Sự
gặp gỡ giữa lý tưởng Cách mạng và lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc là điều kiện khách quan
cho sự xuất hiện hình mẫu người nghệ sĩ kiểu mới. Có thể nói : không có thế hệ nhà thơ kiểu
mới thì không có thơ ca Cách mạng. Giờ đây, anh cán bộ chính trị, anh cán bộ quân sự, anh
công an, anh bình dân học vụ, anh thông tin, anh hỏa thực, các chị phụ nữ, các em thiếu nhi,
hết thảy đều làm thơ. (Hoài Thanh - Nói chuyện thơ kháng chiến).
Không khí quần chúng sôi nổi một mặt tạo điều kiện thử thách và khẳng định các tài năng
trẻ, mặt khác, góp sức cùng cao trào cách mạng tác động mạnh mẽ vào tâm tư tình cảm của
các nhà thơ lãng mạn, giúp hồn thơ họ hồi sinh. Với kinh nghiệm và tài năng đã được khẳng
định, đóng góp của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Huy Cận, tuy
chưa thật sự là hơi thở mãnh liệt của thời đại nhưng vẫn có ý nghĩa sâu sắc : khơi gợi lòng
yêu nước, hào khí đấu tranh và lòng tự hào dân tộc. Việc hầu hết các nhà thơ tiêu biểu của
phong trào thơ Mới tìm đến với Cách mạng, tiếp tục phát huy năng lực sáng tạo, luôn có mặt
ở vị trí hàng đầu trận tuyến văn nghệ Cách mạng là một hiện tượng đặc sắc. Ðiều đó chứng
tỏ tính ưu việt, sức hấp dẫn mạnh mẽ của chế độ mới và đường lối văn nghệ Cách mạng.
- Ở năm đầu sau Cách mạng, thơ tập trung thể hiện niềm vui lớn của dân tộc, ca ngợi Ðảng

và Bác Hồ, ca ngợi con người mới, chế độ mới. Nổi bật nhất phải kể đến Tố Hữu với Huế
tháng Tám, Vui bất tuyệt, Hồ Chí Minh ; Xuân Diệu với hai trường ca Ngọn quốc kỳ và
Hội nghị non sông.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hòa vào lòng người hăm hở trên trận tuyến chung, có đội
ngũ chỉnh tề, khỏe khoắn của các nhà thơ. Mấy năm đầu, nhiều thi sĩ còn gặp khó khăn.
Tâm hồn họ chưa hòa nhịp kịp với đời sống kháng chiến sôi nổi, sống động. Các nhà thơ
vẫn còn vương vấn với những thi đề quen thuộc, những tình cảm tiểu tư sản xốc nổi, đậm
màu sắc anh hùng cá nhân ; cách biểu hiện sáo mòn, Sương mù của bầu trời tinh thần cũ
giờ vẫn còn lẩn quẩn trong vườn thơ Cách mạng, biểu hiện ở những Ðạo rớt, Mộng rớt,
Buồn rớt, Giữa cảm xúc thơ trong Ngày về (Chính Hữu), Màu tím hoa sim (Hữu Loan),
Tây tiến (Quang Dũng) với tình cảm chân chất, phơi phới lạc quan trong tư thế anh hùng
thời đại mới của quần chúng - còn một khoảng cách nhất định. Bởi lẽ, một khi nhận thức lý
trí chưa thật sự hóa thành rung động tình cảm chân thành thì hình tượng nghệ thuật khó có
sức lay động mạnh mẽ.
Thực tế kháng chiến đã thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và củng cố lập trường tư tưởng của
các nhà thơ, giúp họ ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân. Lớp trước cách mạng dần bắt
kịp và hòa nhập vào đời sống mới. Bên cạnh đó, các nhà thơ trẻ không ngừng tự khẳng định
bằng sáng tác có giá trị. Những tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này : Việt Bắc (Tố Hữu) ; Nhớ,
Ðất nước (Nguyễn Ðình Thi) ; Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại (Hoàng Trung Thông) ; Ðồng
chí (Chính Hữu) ; Nhớ (Hồng Nguyên) ; Thăm lúa (Trần Hữu Thung) ; Ðêm nay Bác không
ngủ (Minh Huệ) ; Dọn về làng (Nông Quốc Chấn) ; Nhớ máu (Trần Mai Ninh)
- Một trong những thành tựu thơ ca kháng chiến nổi bật là sáng tác của Bác Hồ. Người làm
thơ vừa để cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân (Thơ tặng các cháu thiếu nhi, Khuyên
thanh niên, Tặng các cụ du kích, Gửi nông dân), vừa nhằm thỏa mãn một phần nhu cầu đời
sống tinh thần phong phú của mình (Cảnh rừng Việt Bắc, Cảnh khuya, Nguyên Tiêu, Báo
tiệp, Thu dạ, Ðăng Sơn). Những sáng tác này góp phần làm nổi rõ ở Bác một tâm hồn nghệ
sĩ hết sức tinh tế, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và con người Việt Nam.
2) Về nội dung tư tưởng, thơ ca 1945-1954 luôn gắn bó chặt chẽ, phản ánh chân thực và sinh
động hiện thực kháng chiến hoành tráng. Lần giở những trang thơ, có thể gặp lại bước
đường của lịch sử. Khác với thơ lãng mạn trước đó, thơ ca kháng chiến phát triển trên nền

hiện thực tâm trạng của nhân dân. Từ chỗ thơ Mới chỉ bộc lộc cái Ðẹp trong từng con người
riêng lẻ, trường cảm xúc giờ đây được mở rộng ; phạm vi phản ánh cũng bao gồm từ nơi sâu
kín tâm hồn người cho tới khoảng rộng bao la của cả đất nước, dân tộc.
- Các thi sĩ đã đưa được không khí thời đại mới mẻ, khỏe khoắn vào thơ. Khuynh hướng sử
thi ngày càng nổi rõ. Thơ tập trung thể hiện tâm tình phơi phới tin yêu, lạc quan, tự tin, tự
hào của người Việt Nam được giải phóng ; những ước mơ, khát vọng cháy bỏng ; những sắc
thái tình cảm cao cả trong cuộc chiến đấu tuy gian khó nhưng vô cùng anh dũng.
- Cảm hứng thơ chủ yếu hướng ngoại, chú ý nhiều đến tình cảm công dân nên ít nói tới con
người trong đời sống riêng tư. Tình yêu lứa đôi cũng như mọi cung bậc tình cảm khác đều
được cảm nhận thông qua tình đồng chí. Do đó, trong khi mặt chói sáng của hiện thực được
phản ánh sinh động thì chiều sâu đời sống, ở đó có nỗi buồn mất mát, chia lìa - chất bi tráng
- lại chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, sự phiến diện ở đây là tự giác và cần thiết.
Hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết hi sinh cái riêng tư, vì vận mệnh đất nước.
Thơ ca không thể đứng ngoài sự hi sinh vĩ đại ấy. Không có gì quí hơn độc lập tự do, các
nhà thơ sẽ chẳng được ngợi ca nếu chỉ chuyên tâm sáng tác nhiều thơ mà để nước mất, dân
nô lệ một lần nữa.
- Nhân vật trữ tình trong thơ kháng chiến nghĩ suy và hành động chủ yếu hướng về số phận
tổ quốc. Các nhà thơ đặc biệt khơi gợi, đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý
thức làm chủ và quyết tâm xả thân (Ðất nước - Nguyễn Ðình Thi ; Bao giờ trở lại - Hoàng
Trung Thông ; Bên kia sông Ðuống - Hoàng Cầm ; Ðôi mắt người Sơn Tây - Quang Dũng).
Tình yêu nước, trước hết, được thể hiện rất đậm nét qua tình cảm đối với những con người
trong kháng chiến. Ðó là những con người vừa bình thường, chân chất vừa phi thường, chói
sáng. Truyền thống cha ông và khí phách của giai cấp vô sản được kết tinh ở người anh
hùng thời đại mới. Tiêu biểu hơn cả là hình ảnh người Vệ quốc quân. Tầm cao tư tưởng và
chiều sâu tâm hồn của hình tượng người Việt Nam được tập trung làm nổi bật ở hai phương
diện : phẩm chất cách mạng tốt đẹp và tình nghĩa quân dân thắm thiết.
Ðặc biệt, tình yêu nước còn được thể hiện đầy xúc động qua lòng kính yêu Chủ Tịch Hồ Chí
Minh. Rất nhiều bài thơ hay về Bác : Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm (Tố Hữu) ; Ảnh cụ Hồ,
Thơ dâng Bác (Xuân Diệu) ; Bộ đội ông Cụ (Nông Quốc Chấn); Ðêm nay Bác không ngủ
(Minh Huệ). Tất cả góp phần xây lên hình tượng cao đẹp về lãnh tụ, đó là một con người tài

năng kiệt xuất, có lòng nhân ái mênh mông và lối sống giản dị, khiêm tốn.
3) Nghệ thuật biểu hiện của thơ ca 1945-1954 cũng có những vận động, biến chuyển mới -
trên cơ sở phát huy thành tựu của thời kỳ trước - để tương ứng với nội dung tư tưởng, tình
cảm mới. Dưới ánh sáng của quan niệm nghệ thuật cách mạng, yêu cầu về tính đại chúng,
tính dân tộc được đặc biệt chú trọng.
- Thể thơ ngày càng phong phú. Các thể thơ cổ (thất ngôn tứ tuyệt, bát cú, cổ phong) hiện
diện bên cạnh những tìm tòi mới mẻ (thơ không vần, phá thể, hợp thể, tự do). Những thể
truyền thống như lục bát, ngũ ngôn được sử dụng phổ biến.
- Hình tượng thơ, cảm hứng thơ không còn màu sắc yêng hùng, lãng mạn của những năm
đầu kháng chiến ; trở nên gần gũi, bình dị, phù hợp với quan niệm về người anh hùng thời
đại mới.
- Ngôn ngữ thơ chuyển dần từ tình trạng hoa mỹ, cầu kỳ, tượng trưng, ước lệ sang đời
thường, tự nhiên, phong phú đến vô cùng. Lời ăn tiếng nói của quần chúng hàng ngày được
chú ý vận dụng trong quan niệm thẩm mỹ mới mẻ.
( Thơ ca kháng chiến chống Pháp đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Không ít tác phẩm sẽ
bất tử với thời gian. Tuy nhiên, xét trên đại thể, vì là thời kỳ mở đầu của nền văn học mới,
nên không thể tránh khỏi một số hạn chế nhất định. Cảm xúc rất tinh nhạy, mãnh liệt nhưng
đôi khi lại chưa sâu, chưa chín ; thành ra thơ thường có sức vang xa, ít vọng sâu. Mặt khác,
nhiệt tình công dân và cảm xúc nghệ thuật ở người nghệ sĩ không phải lúc nào cũng đạt đến
độ hài hòa cần thiết.
2. Truyện ký :
1) Hiện thực cách mạng là mảnh đất màu mỡ, vô tận. Mẫu người lý tưởng của thời đại mới
dần khẳng định trên khắp các lĩnh vực đời sống. Truyện ký có điều kiện tốt để phát triển,
vạm vỡ hẳn lên với hai chặng cụ thể như sau :
- 1946-1948 : thời kỳ nhận đường. Văn nghệ sĩ đang trong quá trình vận động, giải quyết
dứt khoát những ám ảnh cũ để đến với nhân dân, với kháng chiến. Sáng tác chủ yếu là ký :
Nhật ký (Nguyễn Huy Tưởng) ; Ở rừng (Nam Cao) ; Một đêm vào tề, Tháp Rùa giữa rừng
(Nguyễn Tuân). Một số truyện ngắn nổi bật : Làng (Kim Lân) ; Ðôi mắt (Nam Cao).
- 1949-1954 : thời kỳ được mùa, đánh dấu bằng nhiều tác phẩm đặc sắc, ở nhiều thể loại. Ký
: Trận phố Ràng (Trần Ðăng) ; Voi đi (Siêu Hải) ; Ðường vui, Tình chiến dịch (Nguyễn

Tuân) ; Ngược sông Thao (Tô Hoài) ; Ký sự Cao lạng (Nguyễn Huy Tưởng); Truyện ngắn :
Thư nhà (Hồ Phương); Truyện Tây Bắc (Tô Hoài); Xây dựng (Nguyễn Khải) ; Tiểu thuyết
Xung kích (Nguyễn Ðình Thi) ; Vùng mỏ (Võ Huy Tâm) ; Con trâu (Nguyễn Văn Bổng);
2) Truyện, ký thời kỳ này thể hiện một khuynh hướng tiếp cận, khám phá đời sống mới mẻ,
cả ở bề rộng lẫn bề sâu.
- Những năm đầu sau cách mạng, nhiều vấn đề có tính thời sự được đặt ra: sự đổi thay về
quan niệm sống và sáng tác (Ngày đầy tuổi tôi cách mạng, Lột xác - Nguyễn Tuân) ; cuộc
đấu tranh giằng co giữa hai khuynh hướng cũ - mới trong việc nhận đường (Ðôi mắt - Nam
Cao). Một số tác phẩm trở lại với đề tài xã hội tăm tối trước 1945, nhằm đánh tan ảo tưởng
vào trật tự cuộc sống cũ và giáo dục lòng yêu mến chế độ mới (Lò lửa và địa ngục - Nguyên
Hồng ; Mò sâm banh - Nam Cao; Vợ nhặt - Kim Lân ; Truyện Tây Bắc - Tô Hoài). Càng về
sau, đề tài của văn xuôi càng phong phú hơn, bao quát hầu hết các vấn đề nổi cộm của đời
sống : chiến đấu và sản xuất, phản đế và phản phong, tiền tuyến và hậu phương, nỗi đau mất
mát và niềm vui chiến thắng,
- Cuộc sống chiến đấu, nổi bật lên hình tượng người lính cụ Hồ là mảng đề tài tập trung
nhiều tâm huyết của các nhà văn. Vẻ đẹp chân chính toát ra từ hình tượng là chủ nghĩa yêu
nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. (Một lần tới thủ đô, Trận phố Ràng, Một cuộc chuẩn
bị - Trần Ðăng; Ðường vui, Tình chiến dịch - Nguyễn Tuân; Ký sự Cao Lạng - Nguyễn Huy
Tưởng ; Xung kích - Nguyễn Ðình Thi ; Thư nhà - Hồ Phương).
- Nông thôn và người nông dân kháng chiến được phản ánh trong tầm tư tưởng mới, vừa
truyền thống vừa hiện đại. Con người mới trong sản xuất, xây dựng được chú ý phát hiện và
đề cao (Làng - Kim Lân ; Con trâu - Nguyễn Văn Bổng).
- Hình tượng con người mới trong văn xuôi 1945-1954 có những đặc điểm khá nổi bật. Lần
đầu tiên trong văn học, lớp lớp con người bình thường, chân chất xuất thân từ nhiều tầng lớp
khác nhau (trí thức, nông dân, công nhân) được xây dựng thành nhân vật trung tâm. Họ
tượng trưng cho sự quật khởi đầy ý thức của giai cấp và tiêu biểu cho sức mạnh, vẻ đẹp của
dân tộc, thời đại. Thông qua hình tượng đám đông, văn học làm rõ những nét tính cách, tâm
lý chung rất dân tộc và cách mạng : thủy chung tình nghĩa không chỉ với gia đình, người
thân, làng xóm mà cả với đất nước, quê hương ; không chỉ yêu nước, căm thù giặc trên cơ sở
tình dân tộc, nghĩa đồng bào mà còn mở rộng đến ý thức vô sản ở tầm quốc tế.

Mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh đã khác trước. Con người không còn là nạn nhân
đáng thương hoặc phản kháng tự phát trước hoàn cảnh mà đã xuất hiện trong tư thế chủ
nhân chân chính, giác ngộ ngày càng sâu sắc, tự giải phóng mình và góp phần giải phóng
dân tộc, giai cấp (Xung kích, Vùng mỏ, Con trâu, Truyện Tây Bắc).
3) Thể loại của văn xuôi cũng có những phát triển đáng ghi nhận. Nếu trong mấy năm đầu,
ký và truyện ngắn chiếm ưu thế, thì dần về sau, xuất hiện những thể loại dài hơi hơn như
truyện vừa, tiểu thuyết. Theo đó, khả năng bao quát hiện thực - biểu hiện sự trưởng thành
của văn xuôi kháng chiến - được khẳng định.
IV. PHẦN KẾT LUẬN :
Văn học Việt Nam 1945-1954 đã phát triển mạnh mẽ và độc đáo theo cách riêng, với phẩm
chất mới về nội dung và hình thức. Văn học thực sự trở thành món ăn tinh thần, vừa thể hiện
khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng vừa bồi đắp thêm niềm tin cho quần chúng cách mạng.
Trong quá trình phát triển, văn học có sự kết hợp hài hòa giữa phổ cập và nâng cao, giữa
truyền thống và sáng tạo. Hình tượng nghệ thuật ngày càng phù hợp với cuộc sống chứng tỏ
tính ưu việt của phương pháp sáng tác mới. Văn học vận động theo hướng dân tộc hóa, đại
chúng hóa.
Năm tháng qua đi với nhiều biến động lịch sử ảnh hưởng tới đời sống văn học nhưng, cho
đến nay và chắc chắn nhiều năm nữa về sau, thơ văn kháng chiến chống Pháp vẫn còn vang
vọng sâu xa trong tâm hồn chúng ta. Bằng những hình tượng nghệ thuật sinh động, văn học
đã góp phần đắc lực vào sự nghiệp chung ; giáo dục tinh thần yêu nước và động viên ý chí
chiến đấu, bảo vệ tổ quốc. Trong ý nghĩa của bước khởi đầu, giai đoạn 1945-1954 đặt được
nền móng vững chắc, đảm bảo sự phát triển rực rỡ của văn học cách mạng những năm về
sau.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×