Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Các biến chứng của hen phế quản docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (101.89 KB, 4 trang )

Các biến chứng của
hen phế quản

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh hay gặp. Biến chứng của HPQ rất
nặng, nhưng người bệnh lại ít khi chú ý đến các biến chứng này.
Về mùa đông - xuân, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để các biến
chứng của bệnh hen xảy ra, cho nên mọi người cần phải biết để phòng tránh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hen là một hiểm họa của loài
người, là một trong các bệnh mạn tính hay gặp nhất. Hiện nay trên thế giới
có khoảng 300 triệu người hen, dự tính đến năm 2025 con số này tăng lên
400 triệu người.
Đông Nam Á là khu vực có độ lưu hành hen gia tăng nhanh: Malaysia
9,7%, Philippines 11,8%, Thái Lan 9,2%, Singapore 14,3%, Việt Nam
khoảng 5%. Tử vong do hen mỗi năm có 200.000 trường hợp, Việt Nam có
3.000 ca.
Hen tiến triển từng đợt cấp, sau mỗi đợt, bệnh diễn biến nặng hơn và
nguy hiểm hơn, là bệnh hay gây ra những biến chứng như:
Xẹp phổi: Hơn 1/3 trẻ em nằm trong bệnh viện vì hen bị biến chứng
xẹp phổi. Xẹp phổi một thùy hoặc nhiều thùy là biến chứng gặp tỷ lệ khoảng
10% số bệnh nhân vào viện. Khi hen ổn định thì tình trạng xẹp phổi sẽ khỏi.
Nhiễm khuẩn phế quản: Thường là biến chứng ở các bệnh nhân bị
hen mạn tính. Nhân các đợt chuyển mùa, các đợt rét, thời tiết thay đổi đột
ngột trong ngày, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các vi
khuẩn, virus gây viêm nhiễm vùng tai mũi họng, đường hô hấp dưới, gây các
đợt cúm làm cho những triệu chứng bệnh hen nặng hơn. Bệnh nhân sốt, khó
thở tăng, có đờm nhiều. Xét nghiệm máu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
Xét nghiệm đờm thấy bạch cầu thoái hóa và tạp khuẩn, có khi thấy vi khuẩn
lao.
Giãn phế nang đa tiểu thùy: Sự đàn hồi của các phế nang ở bệnh
nhân hen giảm dần theo thời gian, thở ra ít, thể tích khí cặn tăng. Còn gọi là
bệnh khí phế thũng. Bệnh nhân khó thở khi gắng sức, thậm chí không thổi


tắt được que diêm đốt cháy ở cách xa một ít. Ho khạc đờm nhiều, môi và
đầu chi tím tái. Gõ phổi nghe tiếng rất vang, rì rào phế nang giảm, có khi
mất. Tiếng tim xa xăm. Xquang: phổi quá sáng, cơ hoành hạ thấp, tim hình
giọt nước, góc tâm hoành tù, các xương sườn nằm ngang và giãn rộng.
Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Gặp ở khoảng 5% hen
mạn tính. Do các phế nang giãn rộng, tại vùng phế nang giãn, mạch máu
thưa thớt, nuôi dưỡng kém, áp lực trong phế nang tăng. Khi phải làm việc
gắng sức hoặc ho mạnh, thành phế nang dễ bị bục vỡ. Thường các dấu hiệu
lâm sàng ít khi rầm rộ, nên phải có Xquang phổi mới phát hiện được. Khi có
tràn khí phải xử trí cấp cứu kịp thời. Tràn khí màng phổi hai bên là nguyên
nhân gây đột tử ở người hen phế quản.
Tâm phế mạn tính: Gặp ở 5% bệnh nhân hen mạn tính và nặng. Thể
hiện khó thở khi gắng sức, tím tái liên tục, đau vùng hạ sườn phải, gan có
thể to hoặc mấp mé bờ sườn. Điện tâm đồ: Nhịp xoang nhanh, sóng P cao
nhọn. Sóng S chiếm ưu thế ở các chuyển đạo trước tim. Hen phế quản có
khả năng phục hồi chức năng hô hấp, cho nên thời gian dẫn đến tâm phế
mạn của từng bệnh nhân khác nhau, có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí
lâu hơn.
Ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não: Do tình trạng suy hô
hấp kéo dài, đưa đến thiếu ôxy não. Có lúc ngừng tim, ngừng hô hấp trong
các thể hen nặng. Những trường hợp này thường có cơn ngạt thở đột ngột,
dẫn đến tăng CO2 trong máu và gây tình trạng toan hỗn hợp, rồi cuối cùng
đưa đến hôn mê và tử vong.
Suy hô hấp: Thường chỉ gặp ở những bệnh nhân nằm viện, bị hen cấp
tính nặng hoặc hen ác tính. Bệnh nhân khó thở, tím tái liên tục, đôi khi
ngừng thở, phải thở máy hỗ trợ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân
gây tử vong của bệnh hen.
Hen là một gánh nặng cho xã hội, theo OMS bệnh hen gây phí tổn cho
loài người lớn hơn chi phí cho hai căn bệnh hiểm nghèo của thế kỷ là lao và
HIV/AIDS cộng lại.

Biến chứng của hen phế quản còn nặng nề hơn. Do đó những người
bị bệnh hen phế quản và mọi người trong toàn xã hội cần có sự hiểu biết để
có ý thức điều trị bệnh hen ngay từ những giai đoạn đầu đúng theo chỉ dẫn
của bác sĩ, tiến tới kiểm soát được cơn hen, giảm các cơn khó thở trong tuần,
trong ngày là góp phần khống chế một cách có hiệu quả các biến chứng của
bệnh hen.
Khi gặp cơn hen ác tính hay nghi có các biến chứng của hen thì phải
khẩn cấp đưa người bệnh đến các cơ sở cấp cứu ở bệnh viện để khám và xử
trí kịp thời.

×