Giúp bé phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội
Cuộc sống của trẻ không chỉ có gia đình. Bé cần tạo dựng cho mình
những mối quan hệ xã hội bên ngoài để thể hiện bản thân và trưởng
thành hơn. Ở những bước chập chững vào đời, trẻ sẽ cần nhiều đến sự
hỗ trợ từ cha mẹ. Bạn có thể giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp của
mình dựa vào những gợi ý sau:
Dạy trẻ về phép lịch sự: Bạn nên bắt đầu việc dạy dỗ trẻ về phép lịch sự
từ những trường hợp ứng xử thông thường trong sinh hoạt hàng ngày
như trong bữa ăn, tiếp xúc với người thân trong gia đình…Đây là ý
tưởng hay để giúp trẻ rèn luyện cách cư xử tốt đẹp và vui vẻ đối với mọi
người. Hãy nói để trẻ hiểu tầm quan trọng của những tính cách tốt và
khuyến khích trẻ nghĩ rằng mình là người lịch thiệp. Để làm được điều
đó, bạn nên bắt đầu từ việc đưa ra những yêu cầu thực tế với trẻ và nhẹ
nhàng hướng dẫn để đưa con vào nền nếp.
Cho trẻ trẻ tiếp xúc với bạn bè từ sớm: Bạn có thể cho con chơi với bạn
ngay từ khi bé chập chững biết đi. Vì lúc này trẻ đã có nhu cầu được kết
bạn và tiếp xúc rộng rãi hơn với xã hội bên ngoài, bên cạnh gia đình của
mình. Những buổi đầu trẻ có thể bỡ ngỡ và tỏ ra thiếu tự tin. Bạn nên
chú ý đến những biểu hiện tâm lý của trẻ khi chơi với bạn. Bạn có thể
giúp bé bằng cách cho phép các trẻ đồng lứa hoặc lớn hơn một chút đến
nhà chơi; định hướng những trẻ cùng chơi với bé vào những trò chơi hay
hoạt động mà con bạn thích và có năng khiếu; hoặc cho bé làm bạn với
thú cưng.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể trở thành một người bạn cùng chơi tuyệt vời
của trẻ. Hãy dành những khoảng thời gian ít biến đổi để chơi đùa cùng
con. Đây là cơ hội để bạn hiểu những thiên hướng cá nhân của bé và
giúp con định hướng những kỹ năng giao tiếp. Khi bọn trẻ có thể tự chơi
với nhau một cách thuận hòa, bạn nên để con chơi đùa một cách độc lập.
Và nhớ rằng đừng đặt quá nhiều kỳ vọng hay yêu cầu đối với trẻ, vì trẻ
sẽ cảm thấy áp lực và dễ trở nên tự ti. Thay vào đó hãy lắng nghe, quan
sát và cố gắng hiểu trẻ.
Để trẻ tiếp xúc với những hình mẫu tốt: Khi con bạn bắt đầu có xu
hướng chú ý và bắt chước theo hành động của những người lớn, bạn nên
để con tiếp xúc với những "người mẫu" mà bạn cảm thấy yên tâm. Đó có
thể là bạn bè thân của bạn, người bạn quen biết, tin tưởng và nếu họ đã
từng có kinh nghiệm nuôi dạy con thì thật lý tưởng. Những tính cách tốt
học được từ những cuộc tiếp xúc như vậy sẽ giúp định hình suy nghĩ và
cách ứng xử của trẻ.
Sống mẫu mực: Điều này có nghĩa là những thành viên trong gia đình
nên dùng những thái độ và cách thức tích cực để cư xử với nhau. Đó là
nguyên tắc vàng trong giao tiếp thông thường không chỉ trong gia đình
mà còn ngoài xã hội. Bất kể mục đích giao tiếp của bạn là gì, vì phép
lịch sự hay những lý do xã hội khác, bạn cũng nên suy nghĩ chín chắn và
thận trọng để tránh gây ra những hậu quả không hay. Trẻ sẽ học được
cách cư xử đúng đắn từ ngay những người thân yêu của mình.
Hướng trẻ vào các hoạt động xã hội: Việc tham gia vào các hoạt động xã
hội không chỉ giúp trẻ trở nên dạn dĩ, tự tin mà còn khuyến khích trẻ
phát triển những tính cách tốt như lòng nhân ái, sự yêu thương và quan
tâm đến người khác. Có rất nhiều cơ hội để bạn dạy cho con biết ý nghĩa
của các hoạt động xã hội. Chẳng hạn bạn có thể dạy trẻ từ những việc
hữu ích nho nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa như: mang thức ăn cho một người
hàng xóm bị ốm, giúp một cụ già băng qua đường, góp quần áo và đồ
chơi cũ cho các bạn ở trại trẻ mồ côi Từ những hoạt động này, bé có
thể học được những thói quen làm điều thiện khi trưởng thành.
Trò chuyện với trẻ về những mong muốn của bạn và dạy con lối sống có
trách nhiệm: Bạn nên nói chuyện với con một cách tự nhiên và cởi mở
về những gì bạn mong muốn ở bé. Bên cạnh đó hãy đặt ra những giới
hạn và hướng trẻ tin rằng việc tuân theo các giới hạn đó là tốt cho bản
thân bé. Tuy nhiên, bạn không nên làm điều đó một cách áp đặt. Hãy để
trẻ nghĩ rằng bạn là một người bạn lớn, đáng tin cậy của bé.