Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

SKKN- Rèn và nâng cao kỹ năng thực hành thông qua bài Vẽ theo mẫu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.5 KB, 7 trang )

Rèn và nâng cao kỹ năng thực hành thông qua bài Vẽ
theo mẫu
PHẦN I
NHẬN THỨC VẤN ĐỀ:
Như chúng ta đã biết, xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu của xã hội đối với nguồn
nhân lực ngày càng cao, để đáp ứng được nhu cầu đó của xã hội, những năm gần đây
Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều những quyết sách, đầu tư thích đáng cho giáo dục,
điều đó được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng mang tính vĩ mô và cụ thể
nhất đó là đã ban hành luật giáo dục (Ban hành 2005). Trước hết, nói về mục tiêu giáo
dục, theo chương I điều 2: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát
triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp …. Hình thành
và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, ngay từ phần đầu của bộ luật ta đã
thấy sự quan tâm đến giáo dục, nâng vị thế của giáo dục lên một tầm cao mới, coi đầu
tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, đầu tư chiều sâu. Còn nguyên lý của giáo dục là
“Học đi đôi với hành, Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với
thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với gia đình và xã hội”. “Phương pháp giáo dục
phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; Phù
hợp với đặc điểm của từng lớp học, từng môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học,
khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác
động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”. Tất cả những
vấn đề trên đây đã được luật giáo dục đề cập đến một cách ngắn gọn, rõ ràng và dễ
hiểu, mục tiêu của giáo dục đề cập đến đào tạo con người phải có thẩm mỹ, nguyên lý
giáo dục thì nói học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Môn mỹ
thuật trong trường phổ thông cũng không nằm ngoài mục tiêu và nguyên lý giáo dục
đã đề ra, việc thông qua phân môn vẽ theo mẫu nhằm rèn và nâng cao kỹ năng thực
hành cho học sinh là mục đích chính khi xây dựng chương trình mỹ thuật đặc biệt là
trong chương trình đổi mới sách giáo khoa ở bậc THCS, việc thực hành trong môn mỹ
thuật là một việc không thể thiếu, nó tuân thủ theo một nguyên tắc vòng tròn lôgíc
nhất định: Quan sát - So sánh - Thực hành (vẽ) - Đánh giá (nhận xét) - Quan sát và
cứ như vậy cho đến khi nhận thức về thẩm mỹ được phát triển đến trình độ nhất định.


Chính việc thực hành trong môn MT quan trọng đến như vậy nên tôi đã chọn đề tài
“Rèn và nâng cao kỹ năng thực hành thông qua bài VTM”.
PHẦN II:
LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Nếu như người ta coi sự phát triển của mỹ thuật như một cây đại thụ thì những công
trình điêu khắc, kiến trúc sẽ là những bông hoa thơm và quả ngọt, những tác phẩm hội
hoạ sẽ là những tán lá rộng xum xuê, trang trí và ấn loát sẽ là cành còn cái thân to và
bộ rễ chắc khoẻ sẽ là HÌNH HOẠ.
Thật vậy, những tác phẩm hội hoạ đầu tiên trong buổi bình minh của loài người là
những tác phẩm còn mang nặng dấu ấn của hình hoạ, đó là những hình vẽ con vật,
những hình người với cách vẽ nét viền chu vi, những mảng đen đậm đặc toàn hình,
trong lao động săn bắn và hái lượm, người nguyên thuỷ đã biết chế ra những công cụ
thô sơ như rìu đá, búa đá để sử dụng. Từ đó, trong quá trình lao động và đấu tranh với
thiên nhiên nghiệt ngã để bảo tồn và phát triển, con người đã vạch khắc lên công cụ,
lên vách đá những hình muông thú quen thuộc, những động tác săn bắn, những cảnh
sinh hoạt, múa hát để ghi nhớ, đó cũng chính là những tín hiệu để thông báo cho nhau,
dù chỉ là những đường viền, hay mảng màu đen đặc thì ta vẫn thấy sự nắm bắt hiện
thực của người nguyên thuỷ vẫn hết sức chính xác và sinh động, Dù bằng cách nào đi
chăng nữa, đơn giản hay tinh tế, vụng về hay trau chuốt… thì chất hiện thực vẫn là
những phẩm chất đầu tiên của bức vẽ. Vậy hình hoạ là gì mà nó quan trọng như vậy,
quan trọng đến mức bất cứ ai khi học vẽ cũng phải bắt đầu từ đó. Theo cuốn Hình họa
và điêu khắc của nhà xuất bản giáo dục thì: “Hình hoạ là phương pháp dựng hình vẽ
để mô tả đối tượng khách quan có thực mà mắt ta quan sát được bằng đường nét,
mảng, hình khối, sáng tối để tạo ra không gian. Không gian trong hình hoạ có thể là
một màu hoặc nhiều màu”.
Có nhiều cách gọi khác nhau về hình hoạ, song tựu chung lại có những cách gọi chính
là: Vẽ hình hoạ, vẽ tả thực, vẽ tả sống, vẽ theo mẫu. Trong trường phổ thông thì gọi là
vẽ tả thực, vẽ tả sống, vẽ theo mẫu, còn trong trường chuyên nghiệp thì gọi là vẽ hình
hoạ. Về cơ bản thì các cách gọi trên không khác nhau nhưng trên thực tế các giáo viên
không chuyên thường hay hiểu nhầm là vẽ tả thực, vẽ tả sống phải vẽ như thực về cả

kích thước, đậm nhạt, màu sắc mà không quan tâm đến vị trí xa, gần, cao, thấp,
nghiêng hay chính diện, hơn nữa còn bỏ qua cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm thụ của
người vẽ, nhất nhất yêu cầu “mười người như một” phải vẽ giống nhau như đúc một
khuôn. Vì thế, để hiểu đúng kháI niệm về phân môn này, năm 1980 Hội đồng bộ môn
MT đã nhất trí dùng thuật ngữ Vẽ theo mẫu để dùng trong trường phổ thông .
Vẽ theo mẫu được hiểu như sau: VTM là tả lại, mô phỏng lại mẫu có thực bằng cách
nhìn, cách nghĩ và cách cảm thụ của người vẽ. Rõ ràng ở đây không có sự rập khuôn,
bắt tất cả vẽ như nhau mà vẽ theo cách nhìn, cách nghĩ và cách cảm thụ của người vẽ,
vì vậy bài VTM của cả lớp sẽ không giống hệt nhau , mà có thể chỉ giống nhau trên
những nét lớn, những đặc điểm chính về hình dáng chung còn kích thước, đậm nhạt,
bố cục sẽ khác nhau theo khả năng phân tích của học sinh, cuối cùng khi nhìn tổng thể
ta sẽ thấycó bài đẹp, bài chưa đẹp, bài đạt bài chưa đạt yêu cầu.
Trong trường phổ thông, vẽ theo mẫu gồm những nội dung cơ bản sau đây:
*/ Lý thuyết chung: Những bài này chỉ giới thiệu một lần, sau đó vận dụng vào suốt
quá trình học. Quá trình vận dụng sẽ củng cố bổ sung dần, tạo điều kiện cho phần thực
hành vững vàng và phong phú. Đó là những bài: Luật xa gần, Phương pháp vẽ theo
mẫu, vẽ mầu; vẽ tập hợp đồ vật; vẽtĩnh vật; vẽ người; ký hoạ…
*/ Bài tập thực hành gồm có: Vẽ mẫu đơn, mẫu ghép, vẽ tĩnh vật chì, tĩnh vật mầu,
xé dán, tranh phong cảnh, vẽ chân dung, vẽ tượng, ký hoạ người và vật… những kiến
thức trên được nâng cao dần theo kiến trúc đồng tâm, yêu cầu từ dễ đến khó- đơn vị
kiến thức được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng có bổ sung nâng cao dần từ lớp dưới lên
lớp trên.
VD: ở lớp 6 chỉ vẽ đồ vật có khối đơn giản nhằm chỉ để học sinh nắm bắt được cách
nhìn hình và đặt bố cục trong trang giấy cho hợp lý, nhưng đến lớp 7, yêu cầu phải đạt
là hình và đậm nhạt phải gần sát với mẫu, lớp 8 ngoài yêu cầu về hình, bố cục còn
phải diễn tả được độ đậm nhạt của màu và đến lớp 9 ngoài những yêu cầu trên còn
phải diễn tả được không gian, tương quan của mẫu và phải giống mẫu (bài 2,3) .
Đây cũng là vấn đề khó mà người giáo viên cần phải truyền đạt được đến học sinh và
ngược lại học sinh muốn thực hiện được các yêu cầu trên thì phải thực hành thật
nhiều, nhưng điều này thì còn nhiều hạn chế từ phía học sinh.

Cụ thể là ở trường tôi, mỗi khi đến bài thực hành VTM, ngoài sự chuẩn bị của giáo
viên là một số dồ dùng gần giống mẫu SGK thì hầu như các em không có sự chuẩn bị
với lý do rất đơn giản là các em chưa quan tâm đúng mức hoặc một lý do khác không
kém phần quan trọng là không có kinh phí để mua sắm, ngay từ những dụng cụ đơn
giản như bộ bút chì sáp chứ chưa nói đến mầu bột, mầu nước hay sơn dầu…. Quả thực
để các em thực hành được tốt trong giờ MT thật là một điều khó, còn vấn đề khác như
sự quan tâm của các bậc phụ huynh, bản thân các em chưa ham thích, áp lực của các
môn học khác còn đè nặng, thời gian học tập còn hạn chế vì các em phải phụ giúp gia
đình, trong khi các em đang ở lứa tuổi ham chơi… có một lý do không thể không nhắc
tới đó là bộ đồ dùng của phòng thí nghiệm còn thiếu và yếu một cách trầm trọng: Cụ
thể là ở cả 3 khối lớp 6,7,8 đồ dùng và tài liệu chưa thiết thực, hoặc không đủ chất
lượng, ở lớp 9 thì chưa trang bị, tài liệu tham khảo thì không phải lúc nào cũng có thể
tìm được vì lý do thời gian, lý do công việc, lý do kinh tế, lý do gia đình…Đó là
những lý do trước mắt làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng giờ dạy, nhưng nhiệm vụ
năm học, nhiệm vụ bộ môn thì vẫn phải hoàn thành , điều đó đã thôi thúc tôi tập trung
nghiên cứu các bài trong chương trình để tìm ra phương pháp nhằm nâng cao chất
lượng soạn giảng, chất lượng học tập của học sinh, giúp các em định hình được
phương pháp học tập , các kỹ năng cơ bản trong yêu cầu của chương trình. Trong quá
trình nghiên cứu tôi nhận thấy, chương trình MT nói chung và phân môn VTM nói
riêng đều có kiến thức nâng dần từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ lý
thuyết đến thực tiễn. Việc tạo đà cho các em có sức bật trong môn này đòi hỏi việc
soạn giảng phải có đầu tư cả về thời gian và sự nhiệt tình của giáo viên, đặc biệt trong
hệ thống câu hỏi của bài soạn, phải dẫn dắt học sinh một cách tự nhiên, không gò ép,
thúc dẩy học sinh tìm tòi suy nghĩ qua từng bài, từng phần, từng chi tiết để các em
nhận thức theo cách nghĩ của mình.
Để rèn được kỹ năng thực hành cho học sinh, theo tôi việc đầu tiên người giáo viên
phải phân biệt được thực hành của môn học này là như thế nào? Rõ ràng không thể
cầm tay mà vẽ cho từng em được hoặc chỉ ra là em phải vẽ thế này, em phải vẽ thế
kia, như vậy lại là áp đặt và sự áp đặt đó sẽ kìm hãm sự phát triển tư duy của học sinh,
tạo cho các em có thói quen lệ thuộc. Vậy phải làm thế nào?. Ta có thể thực hiện ba

phương pháp:
- Thực hành thông qua quan sát (bằng hệ thống câu hỏi) ;
- Thực hành thông qua kỹ năng vẽ (giáo viên vẽ lên bảng một số cách, ví dụ: dựng
hình, xác định đậm nhạt, cách gạch bóng với một số bề mặt, chất liệu…)
- Thực hành thông qua hệ thống bài tập ở lớp và giao nhiều bài tập cho các em
thực hành ở nhà.
Trước hết, nói về thực hành bằng hệ thống câu hỏi, Giáo viên có thể đưa ra một số câu
hỏi như sau:
VD: Trong bài luật xa gần ở lớp 6: GV có thể hỏi khi đưa ra một số mẫu đã chuẩn bị,
ví dụ cái bát.
- Theo em khi nhìn chính diện thì miệng bát hình gì?
- Học sinh trả lời – Hình tròn
- Nhưng tại sao khi thầy (cô) nghiêng bát đi, miệng bát lại là hình bầu dục (elíp)?
- Học sinh sẽ suy nghĩ và trả lời theo ý của mình.
Hoặc giáo viên đưa ra hình ảnh về nhà ga xe lửa hoặc hàng cột điện:
- Giáo viên hỏi: Tại sao những cột điện có cùng kích thước mà sao càng nhìn xa chúng
càng nhỏ và mờ dần?
- Học sinh suy nghĩ…trả lời theo ý hiểu của mình.
Qua những câu hỏi trên, học sinh sẽ ham thích quan sát cảnh vật xung quanh. đây
chính là kỹ năng thực hành quan sát, nhìn nhận để nhận xét, một kỹ năng không thể
thiếu trong VTM nói riêng và mỹ thuật nói chung, Từ những câu hỏi này khi đến bất
cứ đâu, ở bất cứ chỗ nào, các em cũng thường tự hỏi, tại sao chúng thế này, tại sao
chúng thế kia?…
Như vậy, đối với chương trình học lớp 6, học sinh chỉ mới dừng lại ở mức nhận thức
về lý thuyết, hình thành về cách nhìn nhận, đánh giá về sự vật, hiện tượng thông qua
thiên nhiên và những hình khối đơn giản.
Còn trong chương trình lớp 7 và lớp 8 các kỹ năng đã được tiến thêm một bước đó là:
Khi vẽ các em phải vận dụng những kiến thức đã học được để đưa vào bài vẽ.
VD: Trong bài vẽ theo mẫu lọ hoa và quả:
GV cho các em quan sát mẫu và hỏi:

- Em có nhìn thấy nét chu vi của vật mẫu không? . Nếu nhìn kỹ các nét chu vi đó có
thay đổi không?
- Học sinh nhận xét thông qua bài luật xa gần đã học ở lớp 6: Các nét chu vi của mẫu
không giống nhau mà chúng luông thay đổi, lúc rõ lúc mờ, lúc đậm lúc nhạt vì chúng
có độ xa gần, cao thấp khác nhau, hơn nữa chúng còn bị ảnh hưởng của ánh sáng làm
ta khó phân biệt được ranh giới giữa chúng với nhau.
- Giáo viên hỏi: Vậy khi vẽ các nét chu vi của mẫu ta nên vẽ chúng như thế nào?
Học sinh suy nghĩ và vận dụng vào bài của mình ( Là khi vẽ cần thay đổi độ đậm nhạt,
to nhỏ của nét )
Đối với học sinh tương đối có năng khiếu, ta nên nâng cao nhận thức bằng các câu hỏi
như:
- Theo em, trong thiên nhiên có đường nét giữa các vật không?
- Có học sinh trả lời là có, có học sinh trả lời là không.
- Giáo viên nhận xét và phân tích: Trong thiên nhiên không có đường nét, sở dĩ ta tin
rằng nhìn thấy đường nét chẳng qua đó chính là giới hạn của các hình thể hay là sự
phân cách giữa hai bề mặt trong không gian mà thôi.
- Nếu là đối tượng học sinh khá, các em sẽ nhận ra ngay vấn đề là khi vẽ không nhất
thiết phải vẽ chu vi của vật, mà chỉ cần diễn tả được không gian mà khối đó nằm trong
thì hình dáng cảu mẫu đã được xác định rồi.
Đối với đối tượng học sinh nhận thức còn trung bình và hạn chế, giáo viên nên hỏi:
- Theo em Tô màu và vẽ màu khác nhau ở điểm nào?
- Học sinh suy nghĩ và trả lời.
- Giáo viên kết luận: Tô màu là tô theo hình vẽ đã cho trước, vẽ màu là theo cảm nhận
và ngẫu hứng, vậy nên chúng khác nhau về tiến trình cũng như cách làm, điều đó làm
cho bài vẽ sẽ rất khác nhau.
Giáo viên có thể hỏi:
- Trong lớp học của chúng ta, các em thử hình dung nếu như cái bảng chỉ còn bé bằng
một nửa hoặc to chiếm hết cả bức tường trước mặt thì có hợp lý không?
- Học sinh suy nghĩ và trả lời: Không hợp lý.
- Giáo viên: Vậy nên đặt hình vẽ cuả mình vào trang giấy như thế nào là hợp lý?

- Học sinh sẽ đưa ra nhiều ý kiến.
- Sau đó Giáo viên treo bảng phụ các hình vẽ đã chuẩn bị về các dạng bố cục: Quá to,
quá nhỏ, lệch trên, lệch dưới, hoặc ngang, hoặc dọc…
Học sinh sẽ nhận thức được làm thế nào để bố cục bài vẽ có bố cục đẹp, hợp lý.
Như vậy qua cách hỏi của từng bài có thể rèn cho các em kỹ năng thực hành quan sát,
tự hỏi, tự trả lời, đó chính là kỹ năng mở đầu cho người học môn mỹ thuật.
Vậy là từ cách nhìn nhận, đánh giá sự vật đến kỹ năng thể hiện của bàI vẽ đã được
hình thành và vận dụng ngay từ trong những bài vẽ theo mẫu.
Phương pháp tiếp theo là thực hành thông qua các bài vẽ, đây là phần thực hành mà
bất cứ bài nào trong môn mỹ thuật cũng dùng tới cụ thể là:
Trong chương trình vẽ theo mẫu của hai khối lớp 7,8 còn có những bài về tỷ lệ khuôn
mặt người, vẽ chân dung bạn, vẽ dáng người, ký hoạ dáng người. Đây là những bài
mang ý nghĩa thực hành cao, ngoài những vấn đề mang tính chất công thức, các em
còn phải vận dụng chúng vào thực tiễn, làm sao phải diễn tả được cái có thực đang
hiển hiện ngay trước mắt, kỹ năng thực hành ở đây không chỉ mang tính đơn thuần là
chỉ có vẽ đúng theo tỷ lệ là được mà chúng còn thể hiện ở chỗ: bất cứ khi nào đặt bút
để vẽ một nét thì lại phải suy nghĩ xem nên bắt đầu từ đâu? khi nào thì dừng lại, khi
nào thì nhấn bút mạnh để tạo nét đậm, khi nào nhấn nhẹ để tạo nét nhạt? và nếu như
vẽ sai hoặc thừa nét có nên tẩy ngay không hay cứ để nguyên đến cuối bài mới chỉnh
sửa, lúc này giáo viên cần động viên các em là không nên vội sửa, mà cứ để nét thừa
đó để so sánh và chọn ra cái đúng, gần hoàn thiện hình ta mới nên sửa cho chuẩn hình,
đây là phương pháp thử và sửa - phương pháp luôn được các hoạ sỹ hay dùng, qua
nhiều lần sửa sai như vậy ta rút ra kinh nghiệm cho những nét vẽ sau, những bài sau .
Ví dụ: bài giới thiệu tỷ lệ khuôn mặt người, đây là một bài khó, thực ra khuôn mặt thì
ta thường xuyên nhìn thấy nhưng khi yêu cầu vẽ khuôn mặt cho đúng thì quả thực là
khó, đối với một bài mang tính công thức như vậy, ngoài kiến thức trong SGK cần
truyền đạt, giáo viên nên mở rộng thêm là khi vẽ gương mặt không nên vẽ tất cả các
nét đều nhau vì: Các em đã học luật xa gần, các em đã biết những vật ở xa thì nhỏ và
mờ hơn vật ở gần, vậy trên khuôn mặt các em thấy cái gì ở phía trước, cái gì ở phía
sau? Nếu ở phía trước nên vẽ đầy đủ chi tiết và rõ ràng hơn, và ngược lại ở sau thì mờ,

nhoè và nhạt hơn, như vậy khi nhìn vào bài ta sẽ thấy bài vẽ có không gian và có tình
cảm hơn là ta vẽ tất cả các nét đều bằng nhau, tất cả những nét các em vẽ hang hãy
đừng vội tẩy xoá, làm như vậy sẽ không có hiệu quả, thậm chí còn làm hỏng bài.
Trong bài xé dán lọ hoa và quả (lớp 8), đây là bài thường các em rất hứng thú khi thực
hành vì hiệu quả của bài được thể hiện ngay sau khi các em có những mảnh dán đầu
tiên, mầu sắc cũng rất nhiều nếu như các em chuẩn bị kỹ, các em được thực hành ngay
và hình cũng dễ thay, dễ sửa. Trong bài này kỹ năng thực hành rất nhiều, nếu để các
em tự làm, tự suy nghĩ chắc chắn bài rất đơn điệu, vì vậy cần giúp các em một số kỹ
năng cơ bản như kỹ thuật xé dán, tìm và chọn màu, Ví dụ cách xé dán: giáo viên có
thể dùng một tờ giấy và xé theo nhiều cách như xé bấm, xé tự do, xé theo hình vẽ… ở
mỗi cách xé sẽ tạo ra một hiệu quả khác nhau, khi dán ta sẽ thấy có những viền mép
trắng phân chia giữa các mảnh xé vì vậy bài xé dán sẽ không khô cứng như là cắt dán,
tiếp theo giáo viên có thể dùng giấy màu để tạo nền như: Có thể vò nhàu mảnh giấy
sau đó vuốt nhẹ ra và cho các em so sánh với mảnh giấy chưa vò nhàu, các em sẽ thấy
sự khác biệt rất lớn giữa hai mảnh giấy, tờ giấy bị nhàu sẽ có không gian do bị va đập
ánh sáng làm chỗ sáng chỗ tối, nếu đặt vào làm nền sẽ có hiệu quả khác bình thường
( khuyên các em không nên chỗ nào cũng vò nhàu vì chỗ nào cũng vậy sẽ tạo cảm giác
cẩu thả trong bài xé dán)
Kỹ năng thực hành đặc biệt còn được thể hiện ở chương trình lớp 9 qua một số bài vẽ
theo mẫu lọ hoa và quả (bài 2,3). Bài này các em đã được thực hành nhiều lần ở lớp
trước, nhưng ngoài yêu cầu cần về đường nét, hành dáng, bố cục đơn thuần, còn phải
có một yêu cầu hết sức cao đó là: Giống mẫu, đây là một yêu cầu khó, ít học sinh có
thể đạt được, đến bài này giáo viên nên nâng cao cho các em kỹ năng nhận biết cách
xác định gạch bóng để tạo chất liệu, ví dụ chất thạch cao cần làm như thế nào? chất
thuỷ tinh? …. Vậy muốn giống mẫu các em phải chú ý đến cả chất liệu của chúng nữa.
Kỹ năng thực hành tiếp theo đó là giao bài tập cho các em làm tại nhà:
Trong chương trình lớp 9 còn một bài vẽ khó đó là vẽ tượng chân dung thạch cao, đây
là một bài nằm trong chương trình của học sinh chuyên nghiệp, mặc dù yêu cầu của
bài này không thật cao nhưng các em rất khó thể hiện, khó không phải vì không làm
được, mà khó vì thời lượng của bài chỉ có 90 phút, việc giới thiệu mẫu và ôn lại tỷ lệ

cơ bản của mặt người đã chiếm rất nhiều thời gian, vậy thực hành là không đủ, trong
khi đó các em lại không có mẫu và không được vẽ ở nhà khi không có mẫu, vậy là yêu
cầu của bài khó được thực hiện, nhưng cũng không phải không có cách, bài này giáo
viên có thể cho các em thực hành bằng cách: Cho các em làm bài tập phóng tranh chân
dung, ký hoạ người thân (đây là bài các em đã học từ lớp trước) từ đó các em sẽ thuộc
tỷ lệ cơ bản của mặt người vậy các em sẽ đỡ bỡ ngỡ khi vẽ tượng và giáo viên cũng
không mất thời gian cho việc ôn lại tỷ lệ nữa.
Ngoài ra ở các bài khác, nên giao cho các em nhiều bài tập để các em không bị động
trong các kỹ năng khi hoạt động thực hành ở lớp.
Như vậy, hệ thống lại toàn bộ chương trình vẽ theo mẫu ở các khối lớp ta thấy, kiến
thức đi từ lý thuyết đến thực tiễn, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Sau khi
hàon thành chương trình, các em sẽ nhận thức được vẻ đẹp của thiên nhiên, của con
người và những sản phẩm do con người tạo ra, giáo dục cho các em tình yêu lao động,
tính kiên trì, óc tư duy sáng tạo không mệt mỏi.
Tóm lại: Để rèn và nâng cao kỹ năng thực hành của học sinh qua bài dạy vẽ theo mẫu
đòi hỏi giáo viên phải vất vả hơn nữa trong việc thiết kế và điều hành giờ học, bản
thân giáo viên cũng phải chủ động, sáng tạo thì mới khơi dậy trong các em sự hoạt
động tích cực, sáng tạo với một số việc cụ thể như sau:
- Hướng dẫn học sinh quan sát và nhận xét mẫu một cách cụ thể, tránh trường hợp
quan sát chưa kỹ đã cho học sinh vẽ.
- Động viện, khuyến khích học sinh tự tìm ra phương pháp nhìn nhận, phương pháp vẽ
riêng cho mình, tôn trọng ý kiến của các em, tránh không tạo cảm giác các em bị áp
đặt.
- Hướng dẫn tỷ mỷ khi cho các em học ngoài trời.
- Chuẩn bị mẫu vẽ, tư liệu đầy đủ, đa dạng, phong phú hết khả năng cho phép.
PHẦN III:
ĐÚC RÚT KINH NGHIỆM
Qua những năm giảng dạy ở địa phương, tôi nhận thấy:
1. Giáo viên phải nắm vững nội dung bài giảng, chuẩn bị tư liệu đầy đủ, phong phú
trước khi đến lớp.

2. Phải có kỹ năng sư phạm.
3. Luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía học sinh. Tôn trọng sự tự chủ của các em.
Khuyến khích, động viên các em khi các em có tiến bộ và những thành công nhất
định.
4. Liên tục giao bài tập như ký hoạ cỏ cây, thiên nhiên, cảnh vật, con người… và liên
tục phải kiểm tra vở thực hành của các em. Đây là phương pháp luyện tập hữu ích nhất
mà các em nên làm.
5. Động viên các em tích cực tham gia các cuộc thi vẽ tranh do các ban ngành, đoàn
thể tổ chức, coi đó là dịp các em được thể hiện khả năng của mình.
Kết luận – Khuyến nghị:
Qua thực tế giảng dạy, tôi thấy một số vấn đề chưa thực sự được như mong muốn,
nhất là trong vấn đề thực hành của học sinh. Trong nguyên lý mà bộ luật giáo dục đề
ra là: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhưng hành như thế nào?
điều kiện của hành phải được đáp ứng như thế nào? điều đó cần phải có sự quan tâm
hết sức sát sao của các cấp lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể, các bậc phụ huynh và
chính bản thân các em học sinh nữa, qua đề tài này tôi mạnh dạn đề đạt một số vấn đề
tôi cho là cần thiết để việc thực hành của các em thực sự có hiệu quả:
- Đối với các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể nên quan tâm nhiều hơn nữa cả
về vật chất và tinh thần để nhanh chóng tiến tới không chỉ những nơi trung tâm, những
trường chuyên, trường chuẩn mới có phòng học riêng cho môn âm nhạc và mĩ thuật,
thiết bị của môn học nên đưa về đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, bám sát chương trình
đẫ biên soạn.
- Đối với chương trình học môn mĩ thuật nói chung và môn vẽ theo mẫu nói riêng, nên
chăng lược bỏ bớt một số tiết vẽ lọ hoa và quả ở lớp 7,8; thay vào đó cho các em làm
quen dần với tượng chân dung bằng cách đưa vào một số bài vẽ chi tiết mắt, mũi,
tai…. để đến bài vẽ tượng ở lớp 9 các em đỡ bỡ ngỡ.
- Đối với ban giám hiệu các trường và các giáo viên chủ nhiệm nên quan tâm và tìm
cách phân tích cho các bậc phụ huynh hiểu rõ mục tiêu và lợi ích của việc giáo dục
thẩm mỹ mà trong luật giáo dục đã đề ra.
Trên đây là một số nhận thức và kinh nghiệm của bản thân qua những năm giảng dạy

mĩ thuật ở địa phương và đặc biệt là trong chương trình đổi mới sách giáo khoa mà bộ
giáo dục đã ban hành. Rất mong sự đóng góp ý kiến của các vị lãnh đạo, các bạn đồng
nghiệp để đề tài của cá nhân tôi trở lên hoàn thiện và có thể được ứng dụng trong thực
tế cho những năm học tiếp theo, tôi xin chân thành cảm ơn.

Đức Chính, ngày 20/5/2007
Người viết
Hồ Ngọc Dũng

×