Tải bản đầy đủ (.doc) (128 trang)

Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (668.9 KB, 128 trang )

BƯỚC TIẾP TRÊN
CON ĐƯỜNG CHẲNG MẤY AI ĐI
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
Further Along the Road Less Traveled
của M. Scott Peck
do nhà Simon & Schuster xuất bản, New York
nguồn:
/>1/
* * *
LỜI TỰA
Hẳn bạn còn nhớ câu mở đầu quyển Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi:
“Cuộc đời đầy gai góc”.
Ở đây tôi muốn bổ sung vào chân lý vĩ đại ấy một diễn dịch khác:
Cuộc đời đầy phức tạp.
Mỗi người trong chúng ta phải tự mở cho mình lối đi riêng trong cuộc đời. Không có thủ bản chỉ
nam, không có công thức tiền chế, không có bất cứ câu trả lời dễ dàng nào. Con đường đúng đắn
cho người này có thể là con đường sai lạc cho người kia. Trong quyển sách này bạn sẽ không
bao giờ tìm thấy những lời khuyên như: “Hãy theo lối này!”, hoặc “Hãy quẹo phải ở đây, quẹo
trái ở kia!” … Hành trình cuộc sống không được trải nhựa êm ru, không được thắp đèn chiếu
sáng, cũng không có biển báo giao thông. Nó là một con đường đá sỏi xuyên qua sa mạc hoang
vu.
Trong quyển sách này, tôi sẽ cố trình bày một số điều mà tôi đã học hỏi được trong 10 năm qua –
và là những điều đã giúp ích nhiều cho bước chân tôi trong cuộc hành trình dò dẫm qua sa mạc
đời mình. Nhưng nếu tôi nói với bạn rằng những khi lạc lối, tôi đã tìm lại được con đường của
mình bằng cách theo dấu rêu bám ở má phía bắc các gốc cây, thì tôi thấy không thể không nhắc
bạn rằng trong các khu rừng già, nhiều gốc cây cả tứ phía xung quanh đều có rêu bám kín!
Tưởng cũng cần cảnh giác bạn đừng hiểu từ “Bước Tiếp” nơi đề tựa sách hay bất cứ nơi đâu
trong sách này như là nhằm nói rằng con đường ở đây là một con đường thẳng tắp một mạch
rành rành xác định trong đó bạn có thể bước lần lượt hết bước này đến bước khác trong một tiến
trình trơn tru đi thẳng tới. Khi nghe tôi nói “Bước Tiếp”, bạn dễ có cảm tưởng rằng “À, chỗ ấy
Scott Peck đã từng bước qua, và bây giờ thì Scott Peck đang ở chỗ này. Vậy nếu bây giờ mình ở


đây, thì năm tới chắc hẳn mình sẽ ở chỗ đó, chỗ đó … như ông ấy vậy!” Không đâu, tôi không
hề muốn nói như thế đâu! Bởi vì con đường của chúng ta không phải như vậy. Đúng hơn, nó là
trập trùng những vòng tròn đồng tâm, tỏa ra từ tâm điểm, và trên con đường này chẳng có chi là
giản dị cũng chẳng có gì là suôn sẻ cả.
Chúng ta không phải làm chuyến hành trình này hoàn toàn chỉ một mình. Chúng ta có thể yêu
cầu sự giúp đỡ nơi sức mạnh lớn hơn mình nhưng ở trong chính cuộc đời mình. Mỗi người
chúng ta nhìn sức mạnh ấy mỗi khác, song có điều chắc chắn là ai trong chúng ta cũng ý thức về
sự hiện diện của sức mạnh này. Và khi mỗi chúng ta tự mở đường cho mình, chúng ta cũng có
thể đồng thời giúp nhau nữa.
Nếu quyển sách này có thể giúp ích gì cho bạn, thì tôi hy vọng rằng đó là, trước hết, nó sẽ giúp
bạn biết suy nghĩ một cách ít đơn giản hóa hơn. Tôi hy vọng bạn sẽ vứt bỏ cố tật đơn giản hóa
mọi sự, bạn sẽ chấm dứt xu hướng muốn tìm kiếm những công thức tiền chế và những câu trả lời
dễ dàng, để bắt đầu suy nghĩ một cách đa chiều kích hơn, để đĩnh đạc đứng trong huyền nhiệm
các nghịch lý của cuộc sống, để không thất đảm do vô số các nguyên nhân và các kết quả gắn
chặt nơi mỗi kinh nghiệm, và để trân trọng sự thực rằng: Cuộc đời đầy phức tạp!
Quyển sách này là một tuyển tập chuyển thể từ các bài thuyết trình của tôi. Có hai cách để
chuyển thể những bài nói chuyện thành văn bản trên giấy trắng mực đen: cách dễ và cách khó.
Cách dễ là chỉ đơn thuần ghi lại nguyên xi băng ghi âm, hiệu chỉnh ngữ pháp, rồi in ra, mặc cho
kết quả có thể là một mớ hổ lốn các chủ đề rời rã như cơm nguội. Cách khó là cố gắng tổng hợp
các chủ đề tạp chủng ấy, kết dệt chúng bằng một chất kết dính mới, tạo thành một toàn thể thống
nhất, đầy sáng tạo và dễ đọc.
Nhà xuất bản Simon & Schuster và tôi đã nhất trí chọn cách thứ hai. Và tôi đã bỏ ra vô số giờ
làm việc với các biên tập viên của tôi để bố cục lại và điều hợp các bài nói chuyện của mình, bổ
sung những chất liệu mới và trả lời những vấn nạn mà chúng đặt ra để lấp đầy mọi kẽ hở. Tôi
cũng đã đầu tư rất nhiều công sức cho việc hiệu đính bản thảo sau khi biên tập – để ướp vào đó
hương vị suy tư của mình. Quyển sách này là một đứa con tinh thần đúng nghĩa của tôi, và tôi có
thể hài lòng về nó.
Nhưng đây cũng là một công trình tập thể – và rất có thể quyển sách không được khai sinh nếu
không có sự cộng tác quan trọng của nhà Simon & Schuster. Tôi đã bỏ ra hàng mấy trăm giờ cho
dự án này; và con số ấy còn được nhân lên gấp ba lần bởi ban biên tập của nhà Simon &

Schuster, trong đó có nhiều thư ký đánh máy, nhiều biên tập viên sửa bản và nhiều chuyên viên
kiểm tra dữ liệu. Tôi chân thành tri ân tất cả.
Nhưng tôi cần đặc biệt nêu danh tánh ba người ở đây. Một là Ursula Obst, người chịu trách
nhiệm nhiều hơn bất cứ ai khác trong nhiều tháng ròng rã làm công việc đầy tính sáng tạo nghệ
thuật là đan kết một khối lượng lớn các bài thuyết trình hỗn hợp thành một quyển sách mạch lạc
hẳn hoi.
Tôi cũng muốn ghi ơn cách riêng Burton Beals, người đã duyệt lại kết quả công việc của Ursula
để chuẩn bị cho khâu hiệu đính của chính tôi. Qua nỗ lực làm việc cần mẫn của anh và qua rất
nhiều cuộc thảo luận giữa anh với tôi, chúng tôi đã đúc kết được một quyển sách có thể dám nói
là rất dễ đọc.
Cuối cùng, tôi muốn nói lên lời cám ơn chân thành đối với Fred Hills, biên tập viên làm việc sát
cánh với tôi tại nhà Simon & Schuster. Quyển sách này bắt nguồn đầu tiên từ ý nghĩ của anh;
chính anh phát kiến ra nó và anh đã kiên trì chăm sóc nó trong hai năm, từ bắt đầu tới hoàn tất.
Anh không những là người ‘phát minh’ ra quyển sách, mà còn là người trực tiếp cộng tác thực
hiện nó và là nhà bảo trợ cho nó nữa. Quyển sách này không thể được hoàn thành nếu không có
anh.
M. Scott Peck, M.D.
* * *
NỘI DUNG
Lời tựa
1. Ý THỨC VÀ VẤN ĐỀ ĐAU KHỔ
-Lớn lên trong đau khổ
-Đau khổ giúp lớn lên
-Ý thức và sự chữa lành
-Những ốc đảo trong sa mạc
2. PHIỀN TRÁCH VÀ THA THỨ
-Phiền trách và xét đoán
-Cái khổ của tình trạng không biết
-Chân lý và ý chí
-Trò phiền trách

-Thực tại sự dữ
-Tha thứ kiểu ‘rẻ tiền’
-Sự phiền trách và chứng khoái khổ
-Cần thiết phải tha thứ
3. SỰ CHẾT
-Nỗi sợ chết
-Chọn khi nào để chết
-Những sự chữa trị ‘thần diệu’
-Các rối loạn thể lý và tâm thể
-Nhận hiểu sự chết
-Những bước chết và những bước trưởng thành
-Học chết
-Nỗi sợ chết và chứng tự yêu
4. CẢM NẾM HUYỀN NHIỆM
-Tâm lý học như thuật giả kim
-Tò mò và lãnh đạm
-Huyền nhiệm và hành trình tâm linh
5. YÊU MÌNH HAY TỰ TÔN MÌNH
-Những lợi điểm của mặc cảm tội lỗi
-Những khoảnh khắc tan nát
-Hành lý quí báu
-Công việc chuẩn bị
6. THẦN THOẠI VÀ BẢN TÍNH CON NGƯỜI
-Các truyền thuyết
-Thần thoại và những câu chuyện thần tiên
-Thần thoại và trách nhiệm
-Thần thoại về toàn năng
-Các thần thoại trong Thánh Kinh
-Thần thoại về sự thiện và sự dữ
-Thần thoại về anh hùng

-Chọn lựa cách diễn dịch
7. TÂM LINH VÀ BẢN TÍNH CON NGƯỜI
-Bản năng và bản tính con người
-Các chặng đường trưởng thành tâm linh
-Sự phản kháng và đức tin
-Vẻ bên ngoài có thể đánh lừa
-Phát triển nhân bản và trưởng thành tâm linh
-Hãy kiểm tra hầm tối của bạn
8.NGHIỆN: MỘT BỆNH THÁNH THIÊNG!
-Jung và hiệp hội A.A.
-Một chương trình hoán cải
-Một chương trình cho lãnh vực tâm lý
-Tâm lý trị liệu phổ thông
-Một chương trình cộng đồng
-Nghiện rượu, một ân phúc!
-Đối mặt sớm với những khủng hoảng
9. VAI TRÒ CỦA TÔN GIÁO
TRONG SỰ TRƯỞNG THÀNH TÂM LINH
-Tính độc đáo của mỗi cá nhân
-Con đường tôi tới với Thiên Chúa
-Thực tại Đức Giêsu
-Thiên năng của Đức Giêsu
-Phép Rửa – như là chết đi!
-Tội lỗi của Giáo Hội
-Bên kia cái chết
-Thiên Chúa, một chuyên gia về hiệu năng
-Thiên đàng
-Bản hợp đồng bất thành văn
-Cái hại của việc phân ngăn
-Điều gì bị bỏ sót?

-Sự phân ngăn trong tâm thần học
-Trầm cảm và hoang tưởng
10. TÍNH DỤC VÀ TÂM LINH
-Khoái lạc tột đỉnh, một kinh nghiệm thần bí
-Aûo tưởng về tình yêu lãng mạn
-Tính gợi tình của tâm linh
-Vấn đề phổ quát
Lời bạt : Tâm thần học sẽ về đâu?
* * *
Cùng một người dịch:
-Thức Tỉnh (Anthony de Mello)
-Chạy Trốn (Anthony de Mello)
-Một Phút Tầm Phào (Anthony de Mello)
-Bước Quyết Định – để gặp Chúa trong đời (James DiGiacomo và John Walsh)
-Sống Hết Mình (Earnest Tan)
-Những Bài Học Cuối Cùng (Mitch Albom)
-Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi (M. Scott Peck)
-Bước Tiếp Trên Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi (M. Scott Peck)
-Vũ Điệu Của Sự Mật Thiết (Harriet Lerner)
-Các Mẫu Thức Mạc Khải (Avery Dulles)
-Dẫn Vào Thần Học (Thomas P. Rausch)
-Tiếp Cận Thánh Kinh theo Chủ Nghĩa Cơ Yếu – những điều người Công Giáo cần biết (Ronald
D. Witherup)
-Tư Vấn Mục Vụ – những kỹ năng căn bản cho các nhà tư vấn Kitô giáo (Richard P. Vaughan)
-Bên Kia Hội Nhập Văn Hoá – nhiều hoá thành một được chăng? (Michael Amaladoss)
-Hội Nhập Văn Hoá và Đời Tu (Jesus Alvarez Gomez)
-Cẩm Nang Xây Dựng Các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản (Ma. Alicia S. Gutierrez & Estela P.
Padilla)
-Để Giảng Lễ Tốt Hơn – những đề nghị thiết thực cho người giảng lễ (Ken Untener)
-Không Lối Thoát? – mục vụ cho những người li dị và các đôi bạn không chính thức (Bernard

Haring)
-Giáo Hội Cần Loại Linh Mục Nào? (Bernard Haring)
-Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới (nhiều tác giả)
-Hãy Nâng Tâm Hồn Lên (ĐGH. Gioan Phaolô II)
-Thà Thắp Lên Một Ngọn Nến (Christophers’)
-Lễ Hiện Xuống Ở Á Châu – một cách thế mới để thể hiện Giáo Hội (Thomas C. Fox)
* * *
1. Ý Thức &
Vấn Đề Đau Khổ
—————————–
Suốt cả đời tôi, tôi thường tự hỏi mình sẽ trở thành gì khi mình lớn lên. Rồi, cách đây khoảng
bảy năm, tôi nhận ra rằng mình chẳng bao giờ sắp sửa lớn lên cả, bởi vì lớn lên là một quá trình
diễn ra không ngừng. Vì thế, tôi tự hỏi: “Này, Scotty, cho tới nay thì mày đã trở thành cái gì
rồi?” Vừa khi tự đặt cho mình câu hỏi đó, tôi hết sức hãi hùng nhận ra: mình đã trở thành một
người rao tin mừng. Một người rao tin mừng, đó là điểm nhắm cuối cùng của tôi trên trần đời
này. Và có lẽ trên trần đời này, người rao tin mừng cũng chính là cái cuối cùng mà bạn muốn
hạnh ngộ.
Cụm từ “người rao tin mừng” có thể mang những hàm nghĩa rất tồi tệ. Nó có thể làm bạn nghĩ
đến một nhà giảng đạo oai nghi trong bộ com-lê trị giá 2000 đô la, với những ngón tay đeo nhẫn
vàng sáng rực, ôm một quyển Thánh Kinh to tướng bọc da, gào hết cỡ ‘vô-luym’ rằng: “Lạy
Chúa Giêsu, xin cứu độ con!” Bạn đừng sợ. Tôi không có ý nói rằng tôi đã trở thành loại ‘người
rao tin mừng’ ấy đâu! Tôi đang sử dụng cụm từ ‘người rao tin mừng’ theo nghĩa nguyên sơ nhất
của nó – đó là người mang tin mừng (evangelist). Song xin cảnh giác bạn rằng tôi cũng là người
mang tin buồn nữa. Tôi là một kẻ rao cả tin mừng lẫn tin buồn.
Nếu bạn là người biết trì hoãn khoái cảm (1) một mức nào đó, thì khi được hỏi: “Anh thích tin
nào trước, tin mừng hay tin buồn?”, chắc bạn sẽ trả lời: “À, cho tôi tin buồn trước “. Thì đây, tin
buồn đầu tiên mà tôi đem đến cho bạn: Thưa bạn, tôi chẳng hiểu biết mô tê gì!
Xem ra thật kỳ quái việc một người mang tin mừng – một người mang sự thật – lại sẵn sàng thú
nhận rằng mình không biết gì cả. Nhưng sự thật là chính bạn cũng không biết gì cả. Chẳng ai
trong chúng ta biết gì cả. Chúng ta đang sống trong một vũ trụ ngập tràn huyền nhiệm kia mà.

Những người rao tin mừng thường được kỳ vọng là những người mang đến cho người ta “niềm
vui và sự dễ chịu”. Thì đây, một tin không vui khác cho bạn: tôi đang nói chuyện về hành trình
cuộc sống, và khi nói chuyện về hành trình cuộc sống, tôi không thể không đề cập đến các nỗi
đau. Đau khổ là một phần của phận người, và đau khổ đã gắn liền với phận người ngay từ thuở
con người còn ở trong Vườn Ê-đen.
Câu chuyện Vườn Ê-đen ấy là một thần thoại, dĩ nhiên. Nhưng cũng như các thần thoại khác, nó
cưu mang trong mình nó sự thực. Và giữa rất nhiều những sự thực mà câu chuyện Ê-đen có thể
kể cho chúng ta, đáng kể nhất ở đây là sự thực về cách mà con người đã tiến lên tới cấp độ ý
thức.
Khi chúng ta ăn trái táo từ Cây Biết Lành Biết Dữ, chúng ta bỗng ý thức, và vì chúng ta ý thức
nên chúng ta cũng ý thức về chính mình. Thiên Chúa dựa vào đâu để nhận ra rằng chúng ta đã ăn
quả táo ấy, bạn biết không? Đó là: chúng ta bất ngờ trở nên thẹn thùng, xấu hổ! Như vậy, một
trong những điều mà thần thoại này muốn nói với ta là: Xấu hổ là một phần của bản tính con
người.
Trong nghề nghiệp của mình với tư cách là một bác sĩ tâm thần và, gần đây hơn, với tư cách là
một tác giả và một diễn giả, tôi đã có những cơ hội gặp gỡ rất nhiều người tuyệt vời, những
người suy tư sâu sắc, và tôi chưa bao giờ gặp một ai trong số họ lại không biết xấu hổ. Vài người
trong họ không tự nghĩ mình có tính xấu hổ, nhưng khi trao đổi với tôi về đề tài này, những
người ấy rốt cục đều nhận ra rằng họ cũng xấu hổ như bất cứ ai. Tôi cũng có gặp một số ít – rất ít
– người không xấu hổ, và đó là những người đã bị thương tổn cách này hay cách khác: Họ đã bị
mất đi một phần nhân tính nơi mình!
Xấu hổ là bản tính tự nhiên của con người, và chúng ta đã xấu hổ trong Vườn Ê-đen khi chúng ta
bắt đầu ý thức về chính mình. Chúng ta ý thức về chính mình như là những hữu thể tách biệt.
Chúng ta mất cảm thức thống nhất với tự nhiên, với vũ trụ. Gắn liền với sự mất mát cảm thức
thống nhất này với thế giới tạo vật là sự kiện chúng ta bị trục xuất khỏi Địa Đàng.
LỚN LÊN TRONG ĐAU KHỔ
Khi chúng ta bị đuổi ra khỏi Vườn Ê-đen, chúng ta bị đuổi mãi mãi. Chúng ta không bao giờ có
thể trở lại Ê-đen. Chuyện kể rằng cổng vườn bị chặn lại bởi các kê-ru-bim và một thanh gươm
lửa.
Chúng ta không thể quay về. Chúng ta chỉ có thể đi về phía trước mà thôi.

Quay về Ê-đen cũng giống như cố gắng quay về với cung lòng mẹ, về với thuở còn là em bé, còn
là bào thai. Không thể quay về như vậy, chúng ta chỉ còn có một cách là lớn lên. Chúng ta chỉ có
thể đi về phía trước, xuyên qua sa mạc cuộc đời, tự mở lối cho mình trong khổ đau, đi qua những
dặm đường khô cằn nứt nẻ để đạt tới những cấp độ ý thức ngày càng sâu hơn.
Đây là một sự thật vô cùng quan trọng, vì rất nhiều tâm bệnh của con người, kể cả chứng lạm
dụng ma túy, đều xuất phát từ cố gắng muốn trở về Ê-đen. Tại các bữa tiệc rượu, chúng ta
thường có khuynh hướng cần ít nhất một ly để giúp làm giảm bớt cái ý thức về mình của chúng
ta, giúp xua đi bớt sự xấu hổ nơi ta. Ly rượu ấy thường hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó, phải
không? Về rượu, bia, cô ca hoặc một hỗn hợp nào đó tương tự, nếu chúng ta dùng đúng lượng
phù hợp, chúng ta có thể tạm thời lấy lại được cảm thức thống nhất với tự nhiên mà mình đã
đánh mất. Chúng ta có thể cảm thấy thoải mái, tự nhiên: một cảm giác ấm áp, ngất ngây, bềnh
bồng…
Dĩ nhiên, cảm giác ấy không bao giờ kéo dài lâu, và cái giá mà người ta phải trả cho nó thường
quá đắt. Vì thế, thần thoại kia quả đúng thực. Chúng ta thực sự không thể trở lại Ê-đen. Chúng ta
phải tiến về phía trước xuyên qua sa mạc. Và đây là một hành trình đầy gai góc, bởi vì ý thức
thường gắn liền với nỗi đau. Đa số người ta ngưng cuộc hành trình sớm hết sức có thể. Họ tìm
thấy một nơi chốn nào đó có vẻ an toàn, một cái hang được moi trong cát, và họ dừng lại đó thay
vì tiếp bước xuyên qua sa mạc khổ đau, sa mạc của những chông gai và sỏi đá.
Ngay cả dù phần đông chúng ta đều đã từng cảm nghiệm được rằng “những gì gây đau đớn cho
mình đều giúp dạy khôn mình” (2), thì bài học của sa mạc cuộc đời vẫn đầy đắng cay đến nỗi
chúng ta muốn chôn chân lại thay vì bước tới.
Già nua không phải chỉ đơn thuần là một rối loạn sinh học. Nó cũng có thể là biểu hiện của thái
độ từ chối lớn lên. Sự từ chối này là một rối loạn tâm lý có thể đề phòng được bởi bất cứ ai dấn
bước vào cuộc hành trình trưởng thành tâm lý và tâm linh không ngừng suốt cuộc sống. Những
ai ngừng học hỏi, ngừng lớn lên, ngừng thay đổi và trở thành chai cứng … thường sa vào cái đôi
khi được gọi là “tình trạng trẻ con lần thứ hai” của họ. Họ ích kỷ, họ vùng vằng đòi hỏi. Kỳ thực
đấy không phải vì họ đã đi vào “tình trạng trẻ con lần thứ hai”; đúng hơn, đấy bởi vì họ chưa
bao giờ bước ra khỏi tình trạng trẻ con lần thứ nhất của họ. Họ chỉ có cái ‘mã’ người lớn, còn
thực chất họ chỉ là một đứa con nít không hơn không kém.
Đó là một thực tế mà giới bác sĩ tâm thần chúng tôi thường xuyên gặp thấy. Song nói thế không

có nghĩa rằng những người đến với chúng tôi thì ấu trĩ hơn bao người khác. Trái lại, những người
đến với tâm lý trị liệu với ý hướng chân thực muốn lớn lên là thuộc số tương đối ít những người
được mời gọi bứt ra khỏi tình trạng ấu trĩ. Họ là những người không còn chịu đựng được tình
trạng ấu trĩ của mình, mặc dù có thể họ chưa nhìn thấy được đâu là ngõ thoát. Số đông còn lại
của chúng ta không bao giờ lớn lên được trọn vẹn, và có lẽ chính vì lý do này mà người ta rất
ghét bàn về việc lớn lên.
Tháng giêng 1980, vừa sau khi tôi viết Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, một quyển sách xoáy
vào chủ đề lớn lên, tôi được nhiều đài phát thanh và truyền hình ở Washington, D.C. mời tới
trong khuôn khổ một đợt giới thiệu sách. Một tài xế taxi đưa tôi đi. Sau khi ghé lại vài đài như
thế, anh tài xế hỏi tôi: “Bác đang làm gì thế hở?” Tôi cho anh biết là tôi đang giới thiệu một
quyển sách. Anh hỏi: “Sách nói về cái gì vậy?”
Tôi bắt đầu loay hoay giải thích cho anh rằng quyển sách nói về sự hòa hợp giữa tâm thần học và
tín ngưỡng. Anh gật gật đầu, rồi nói tỉnh queo: “Chà, quyển sách của bác nghe như có vẻ bàn
chuyện hốt cứt.”
Anh chàng tài xế ấy quả có tài biện phân. Vì thế, tại cuộc nói chuyện trên tivi tiếp sau đó, tôi gợi
ý kể lại câu chuyện ấy cho khán giả. Những người phụ trách ở đài truyền hình không đồng ý. Tôi
đề nghị đổi ‘cứt’ thành ‘đồ thối’, nghĩ rằng tiếng ‘cứt’ nghe hơi nhớp nhúa, dễ khiến người ta dị
ứng. Nhưng họ vẫn bác bỏ đề nghị của tôi.
Thế đấy, người ta không muốn nói chuyện về sự trưởng thành đích thực. Vì đó là điều gây quá
nhiều đớn đau cho họ.
ĐAU KHỔ GIÚP LỚN LÊN
Nếu tôi thích nói chuyện về các nỗi đau, thì đấy không phải bởi vì tôi là một kẻ mắc chứng khoái
khổ (masochism). Trái lại, tôi hoàn toàn chẳng thấy gì hay ho trong những nỗi khổ không có giá
trị xây dựng. Giả tỷ tôi bị nhức đầu, việc đầu tiên tôi sẽ làm là mở tủ thuốc, lấy và uống hai viên
Tylenol – loại viên trần cực mạnh. Bởi tôi không thấy gì hay ho trong một cơn nhức đầu thông
thường.
Nhưng, có những nỗi khổ có tính xây dựng. Và để đương đầu với những nỗi đau gắn liền với
việc lớn lên, một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta phải học là nhận ra sự khác biệt
giữa những nỗi khổ có tính xây dựng và những nỗi khổ không có tính xây dựng.
Những nỗi khổ không có tính xây dựng, chẳng hạn những cơn nhức đầu, là cái mà bạn phải

thanh toán dứt điểm. Còn những nỗi khổ có tính xây dựng thì bạn cần biết gánh lấy và đi qua nó.
Ứng với hai loại nỗi khổ trên, tôi thích dùng hai thuật ngữ “nỗi khổ thần kinh loạn” và “nỗi khổ
tự nhiên” – và chính đây là ví dụ để minh họa cho sự phân biệt ấy của tôi. Hẳn bạn không quên
rằng cách đây khoảng 40 năm, khi các lý thuyết của Freud lần đầu tiên được truyền bá trong giới
trí thức và thường bị diễn dịch sai lạc, thì có rất nhiều bậc phụ huynh do nghe nói rằng mặc cảm
tội lỗi có liên quan cách nào đó với các chứng thần kinh loạn, đã rắp tâm nuôi dạy con em mình
sao cho chúng trở thành những đứa trẻ hoàn toàn không có chút mặc cảm nào về tội lỗi. Thật là
một điều tai hại không thể lường được cho đứa trẻ!
Các nhà tù của chúng ta đầy kín những con người sở dĩ phải ở đó chỉ bởi vì họ không có – hay
không có đủ – mặc cảm tội lỗi. Chúng ta cần có mặc cảm tội lỗi một mức nào đó thì mới có thể
tồn tại trong xã hội được. Tôi gọi đó là mặc cảm tội lỗi tự nhiên.
Tuy nhiên, tôi thấy cần phải nhấn mạnh ngay ở đây rằng việc có qua nhiều mặc cảm tội lỗi sẽ
làm tắt nghẽn cuộc sống chúng ta thay vì bồi dưỡng cho nó. Và đó là mặc cảm tội lỗi thần kinh
loạn. Thử hình dung bạn đi vòng quanh một sân gôn, mang trong bao túi của mình tám chục
chiếc gậy thay vì mười bốn (con số gậy cần thiết để chơi các môn đánh gôn tùy ý)! Nghĩa là, bạn
là người đi đường mang quá nhiều hành lý! Bạn phải giải quyết số hành lý quá tải của bạn càng
nhanh bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Và nếu như điều đó có nghĩa rằng bạn cần tiến hành nhận
sự trị liệu tâm lý, thì bạn đừng nên chần chừ gì cả. Cảm thức tội lỗi thần kinh loạn là cái không
cần thiết – và nó chỉ gây ách tắc hành trình qua sa mạc cuộc đời của bạn mà thôi.
Điều này không chỉ đúng với mặc cảm tội lỗi mà còn đúng với các dạng khổ đau tâm cảm khác
nữa. Chẳng hạn, sự phiền não cũng vừa có thể là chuyện bình thường vừa có thể là thần kinh
loạn. Và điều quan trọng là phải biết biện phân chính xác đôi đàng.
Có một qui tắc rất giản dị song cũng rất sắc bén để xử lý những nỗi đau tâm cảm trong cuộc đời.
Qui tắc ấy bao gồm một tiến trình ba bước.
Đầu tiên, bất cứ khi nào bạn khổ đau trong tâm cảm, bạn hãy tự vấn mình: “Nỗi đau này – hay
mối phiền não này hay mặc cảm tội lỗi này – là tự nhiên hay là thần kinh loạn?” Ước chừng 10%
các trường hợp, bạn sẽ không thể trả lời được câu hỏi đó. Còn đối với 90% các trường hợp còn
lại, nếu bạn suy nghĩ và tự hỏi như vậy, thì câu trả lời sẽ rất sáng tỏ. Chẳng hạn, nếu bạn lo lắng
về việc khai thuế thu nhập của mình cho kịp thời, bởi vì bạn đã có lần bị phạt nặng do trễ hạn, thì
tôi đoan chắc với bạn rằng nỗi lo lắng ấy là tự nhiên. Nó đúng đắn. Bạn hãy chung sống với nó

và cố gắng tiến hành khai thuế cho kịp thời đi. Đàng khác, nếu bạn xác định rằng nỗi khổ mà bạn
đang trải qua là thần kinh loạn và đang làm bế tắc cuộc sống của mình, thì bạn hãy thực hiện
bước thứ hai bằng cách tự vấn: “Tôi sẽ ứng xử thế nào nếu như tôi không đang có nỗi lo lắng này
hay mặc cảm tội lỗi này?”
Bước thứ ba là trả lời câu hỏi ấy và thực hiện y như điều mình trả lời. Như châm ngôn của hiệp
hội AA (3): “Hãy làm như thật!“, hoặc “Hãy giả bộ như thế để trở thành thực sự như thế!”
Lần đầu tiên tôi học được qui tắc này là khi tôi giải quyết nỗi xấu hổ của chính mình. Đành rằng
xấu hổ là điều tự nhiên của con người, nhưng chúng ta có thể giải quyết nó bằng những cách thế
hoặc tự nhiên hoặc thần kinh loạn. Những lần ngồi giữa một cử tọa đông đúc, lắng nghe các diễn
giả tên tuổi thuyết trình, đôi khi tôi cảm thấy có một thắc mắc mà mình nên nêu ra – về một
thông tin nào đó mà tôi muốn biết hay một nhận định nào đó mà tôi muốn bày tỏ công khai (hay
thậm chí một cách riêng tư giữa mình với diễn giả sau bài nói chuyện). Nhưng rồi tôi kiềm chế,
‘ngậm tăm’ luôn, vì tôi quá xấu hổ và sợ bị bài bác hay sợ trở thành trò cười cho mọi người.
Sau một thời gian như vậy, cuối cùng tôi tự hỏi: ”Cách xử lý này đối với sự xấu hổ của mình –
tức kiềm chế không nêu thắc mắc của mình ra – sẽ bồi dưỡng cho cuộc sống mình hay sẽ làm
nghèo nàn nó?” Vừa khi tự hỏi như thế, tôi thấy câu trả lời thật rõ ràng: Cách xử lý ấy đang hạn
chế chứ không bồi dưỡng cho cuộc sống của tôi. Và tôi tự nhủ: “Này Scotty, mày sẽ hành động
thế nào nếu mày không xấu hổ đến vậy? Mày sẽ hành động thế nào nếu mày là nữ hoàng Anh
hoặc là tổng thống Mỹ?” Câu trả lời rõ ràng là: Tôi sẽ mạnh dạn đứng lên, bước tới chỗ vị diễn
giả, và nói lên điều mình muốn nói. Thế là tôi tự thúc giục mình: “Nào, đứng lên, bước tới và
làm y như thế. Hãy làm như thể mình không xấu hổ.”
Tôi công nhận rằng đó là một điều kinh khủng, nhưng đây chính là lúc mà lòng can đảm nhập
cuộc. Có một điều khiến tôi luôn luôn ngạc nhiên là tại sao chỉ có tương đối ít người hiểu được
thế nào là can đảm. Phần đông người ta nghĩ rằng can đảm là không sợ hãi. Không đúng, vì
không sợ hãi đâu phải là can đảm. Không sợ hãi là một dạng thương tổn trong não bộ. Còn can
đảm là khả năng tiến tới, bất chấp sự sợ hãi hay bất chấp nỗi đau nơi mình. Khi bạn làm thế, bạn
sẽ thấy rằng việc vượt qua nỗi sợ sẽ không chỉ làm cho bạn mạnh mẽ hơn mà còn là một bước
quyết định đưa bạn tiến lên trên bậc thang trưởng thành.
Nhưng thế nào là trưởng thành? Khi tôi viết Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, dù tôi đã mô tả rất
nhiều người ấu trĩ, song tôi đã không bao giờ đưa ra một định nghĩa về sự trưởng thành. Tôi cho

rằng điều dường như đặc trưng cho những người ấu trĩ là họ cứ chôn chân một chỗ, thở vắn than
dài rằng cuộc sống không đáp ứng những đòi hỏi của họ. Như Richard Bach đã viết trong quyển
Ảo Ảnh (Illusions) của ông: “Hãy bào chữa cho các hạn chế của bạn, và luôn luôn ghi nhớ rằng
những hạn chế ấy là của bạn”. Nhưng đối với số tương đối ít người trưởng thành đầy đủ thì việc
đáp ứng các yêu cầu trong cuộc sống là trách nhiệm của chính bản thân mình, thậm chí đó là một
cơ hội cho mình.
Ý THỨC VÀ SỰ CHỮA LÀNH
Để tiến xa trong hành trình sa mạc cuộc đời, bạn phải sẵn sàng đối mặt với những nỗi khổ đau
cần thiết và vượt qua nó. Và để làm được điều đó, bạn cần phải – cách này hay cách khác – thay
đổi thái độ của mình đối với những nỗi khổ đau. Và đây, tin mừng cho bạn: Cách nhanh nhất để
thay đổi thái độ của bạn đối với đau khổ là chấp nhận sự thật rằng mọi sự xảy ra cho chúng ta
đều đã được hoạch định để giúp chúng ta lớn lên về mặt tinh thần.
Donald Nichol, tác giả quyển Thánh Thiện (Holiness), đã qui chiếu đến điều đó trong lời dẫn
nhập vào quyển sách. Ông nói nếu bạn bị bắt gặp đang cầm một quyển sách nói về sự thánh thiện
và người ta hỏi bạn đang làm gì với nó, bạn có thể bảo họ: “À, tôi đang rất thú vị với những gì
mà các chuyên gia về sự thánh thiện nói về chủ đề này.” Nichol nhấn mạnh rằng quả thực không
có lý do gì để bạn mua hay mượn – càng không có lý do gì để bạn cầm – một quyển sách nói về
sự thánh thiện trừ phi bạn thực sự muốn nên thánh. Và vì thế ông gọi quyển sách đó là một sách
chỉ nam, một quyển sách chỉ cách cho người ta trở nên thánh thiện. Ở một trang khoảng 2/3
quyển sách ấy, có một câu nói tuyệt vời của Nichol: “Chúng ta không thể thất bại một khi mà
chúng ta nhận ra rằng mọi sự xảy ra cho mình đều đã được hoạch định để dạy mình nên thánh.”
Có thể có tin mừng nào mừng hơn tin mừng này không: Chúng ta không thể thất bại, chúng ta
chắc chắn sẽ chiến thắng? Vòng nguyệt quế dành cho chúng ta đã được bảo đảm trước, chỉ cần
chúng ta nhận hiểu rằng mọi sự xảy đến cho ta đều đã được hoạch định để dạy cho ta những điều
ta cần biết trên hành trình của mình.
Tuy nhiên, sự nhận hiểu ấy đòi hỏi một chuyển biến hoàn toàn trong thái độ của chúng ta đối với
đau khổ (tôi nghĩ – cả trong thái độ của chúng ta đối với ý thức nữa). Hãy nhớ rằng trong câu
chuyện Vườn Ê-đen, chúng ta bắt đầu ý thức khi chúng ta ăn quả táo từ cây Biết Lành Biết Dữ.
Như vậy, đối với chúng ta, ý thức vừa là nguyên nhân của đau khổ vừa là nguyên nhân của sự
cứu độ (hay nói cách khác: sự chữa lành!).

Ý thức là nguyên nhân của đau khổ bởi vì – dĩ nhiên – nếu chúng ta không ý thức thì chúng ta
cũng chẳng cảm thấy đau khổ. Một trong những điều mà chúng tôi làm để giúp người ta tránh
những nỗi đau không có tính xây dựng, những nỗi đau không cần thiết – tức những nỗi đau thể lý
– đó là cho họ một liều thuốc mê, để họ mất ý thức và không cảm thấy đau đớn.
Nhưng nếu ý thức là toàn bộ nguyên nhân của các nỗi đau thì nó cũng là toàn bộ nguyên nhân
của sự cứu độ của chúng ta – bởi vì sự cứu độ hệ tại ở một tiến trình ý thức ngày càng hơn. Càng
ý thức hơn, chúng ta càng tiến xa hơn trong sa mạc – thay vì vùi mình trong một cái hố, như
những người chọn dừng lại và từ chối lớn lên. Và, khi chúng ta đi tới, chúng ta càng gánh lấy
nhiều nỗi đau hơn – cũng do bởi chính sự tăng trưởng trong ý thức của mình.
Như tôi đã nói trên kia, từ “cứu độ” có nghĩa là “chữa lành”. Salvation có gốc ở salve, thứ mà
bạn bôi lên da để chữa cho một vùng da khỏi ngứa hay khỏi nhiễm trùng. Cứu độ (salvation) là
tiến trình chữa lành và đồng thời là tiến trình trở nên trọn vẹn. Và sự khỏe mạnh, sự thánh thiện,
sự trọn vẹn đều được rút ra từ một gốc chung. Chung qui, tất cả hầu như có cùng một nghĩa.
Ngay cả bậc lão bối vô thần như Sigmund Freud cũng đã nhận ra mối quan hệ giữa sự chữa lành
và ý thức khi ông nói rằng mục đích của tâm lý trị liệu – tức sự chữa lành tâm thần – là biến cái
vô thức thành ý thức, nghĩa là làm gia tăng ý thức. Carl Jung càng giúp chúng ta hiểu hơn về vô
thức khi qui gán là sự dữ việc chúng ta từ chối giáp mặt với bóng tối của mình – tức việc chúng
ta từ chối giáp mặt với phần nhân cách của mình mà mình muốn phủ nhận, muốn lãng tránh
không nghĩ đến, muốn không ý thức đến. Đó là phần nhân cách mà chúng ta không ngừng cố che
đậy dưới tấm thảm của ý thức, cố đè nén vào trong vô thức.
Cần ghi nhận rằng theo Jung, sự dữ của con người không phải là chính phần nhân cách “bóng
tối” ấy, mà là việc con người từ chối giáp mặt với phần nhân cách ấy. Sự từ chối ở đây thể hiện
một cách rất chủ động. Người dữ không chỉ đơn thuần là người vô ý thức hay ngu dốt một cách
thụ động, họ còn tích cực làm mọi cách – kể cả giết người hay phát động chiến tranh – để cố thủ
trong sự ngu dốt và trong tình trạng vô ý thức của họ.
Dĩ nhiên, tôi nhìn nhận rằng sự dữ – cũng như Tình Yêu, hay Thiên Chúa hay Chân Lý – thực
quá mênh mông không thể nhốt vào trong một định nghĩa giản dị được. Nhưng nếu cần nêu một
định nghĩa ngắn gọn, thì tôi sẽ định nghĩa sự dữ là “sự cố chấp trong ngu dốt” – hay “sự cố chấp
trong tình trạng vô ý thức”.
Tôi cho cuộc Chiến Tranh Việt Nam là một trong những ví dụ tốt nhất về sự cố chấp trong tình

trạng ngu dốt ở qui mô lớn. Khi các chứng cứ đầu tiên bắt đầu được thu thập vào năm 1963 hay
1964 cho thấy rằng các chính sách của chúng ta ở Đông Dương không phát huy tác dụng, thái độ
đầu tiên của chúng ta là phủ nhận mọi sự trục trặc, cho rằng tất cả đều đang ổn. Chúng ta nói
rằng mình chỉ cần bỏ ra thêm vài triệu đô la và bổ sung một ít lực lượng tinh nhuệ hơn. Nhưng
rồi các chứng cứ vẫn tiếp tục cho thấy rằng chính sách của chúng ta bị sa lầy! Và điều gì đã xảy
ra? Chúng ta gửi thêm quân đội. Con số binh sĩ tử vong tăng lên. Những vụ giết người tàn khốc
ngày càng trở thành chuyện ‘cơm bữa’ hơn. Đó là thời của biến cố Mỹ Lai. Rồi chứng cứ vẫn
tiếp tục chất chồng rành rành, nhưng chúng ta cứ tiếp tục phớt lờ. Chúng ta ném bom Cam-bốt và
mở các cuộc hòa đàm trong danh dự!
Ngay cả hôm nay, bất kể những gì chúng ta đã biết, một số người Mỹ vẫn còn tiếp tục nghĩ rằng
chúng ta đã thành công trong việc mặc cả con đường rút ra khỏi Việt Nam. Kỳ thực chúng ta
không hề mặc cả con đường rút ra khỏi Việt Nam gì cả; bởi thực tế là chúng ta đã bị đánh bại.
Nhưng, một cách nào đó, nhiều người vẫn từ chối nhìn nhận điều này.
NHỮNG ỐC ĐẢO TRONG SA MẠC
Ý thức đem lại nhiều đớn đau, nhưng nó cũng đem lại nhiều niềm vui hơn cho đời. Vì khi bạn
tiến đủ xa một mức nào đó trong sa mạc cuộc đời, bạn sẽ bắt đầu khám phá ra những đám cỏ
xanh, những ốc đảo mà trước đây bạn chưa bao giờ nhìn thấy. Và nếu đi xa hơn nữa, bạn thậm
chí có thể khám phá ra một vài mạch nước mát âm thầm chảy len dưới cát. Đi thêm nữa, bạn có
thể sẽ hoàn thành được định mệnh cuối cùng của mình.
Nếu ngờ vực những gì tôi vừa nói, bạn hãy xem xét ví dụ về một con người đã đi qua hành trình
sa mạc cuộc đời. Người ấy là nhà thơ T.S. Eliot. Ông nổi tiếng khá sớm trong sự nghiệp của
mình với những bài thơ mang đậm dấu vết của khô cằn và buồn nản. Chúng ta đọc thấy trong bài
thơ đầu tiên của ông, mang tựa đề Bản Tình Ca Của J. Alfred Prufrock, xuất bản năm 1917, lúc
ông 29 tuổi:
I grow old … I grow old …
I shall wear the bottoms of my trousers rolled.
Shall I part my hair behind? Do I dare to eat a peach?
I shall wear white flannel trousers, and walk upon the beach.
I have heard the mermaids singing, each to each.
I do not think that they will sing to me.

Cần ghi nhớ rằng J. Alfred Prufrock – theo T.S. Eliot – đã sống trong một thế giới thượng lưu,
một thế giới văn minh bậc nhất, nhưng đó cũng là một mảnh đất khô cằn về tinh thần. Không lạ
gì khi năm năm sau, Eliot xuất bản một bài thơ khác mang tên Mảnh Đất Khô Cằn (The Waste
Land). Và trong tác phẩm này, ông thật sự hướng chỉ về sa mạc. Đó cũng là một bài thơ nặng trĩu
nỗi thất vọng – song ở đây, lần đầu tiên trong thi ca của Eliot người ta nhận ra một ít dấu vết ám
tàng đây đó về màu xanh của cỏ cây, về những mạch nước và những bóng mát ẩn đằng sau các
ghềnh đá.
Đến những năm cuối của tuổi bốn mươi và những năm đầu của tuổi năm mươi thì những bài thơ
của Eliot – như bài Tứ Tấu (Four Quartets) – bắt đầu mở ra những hình ảnh rộn ràng nhí nhảnh:
một vườn hồng, tiếng chim hót thánh thót, tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Và đây là thời gian
ông viết những vần thơ thần bí phong phú nhất và tươi trẻ nhất của cả đời ông. Quả thực, Eliot
đã kết thúc đời mình trong niềm vui dạt dào.
Nhìn cuộc đời Eliot, chúng ta có thể rút ra cho mình nhiều niềm an ủi trong khi phấn đấu bước đi
trên hành trình sỏi đá và đớn đau của mình. Ai trong chúng ta cũng cần một cảm giác khuây khỏa
dễ chịu nào đó trên đường mình đi, nhưng chúng ta không cần sự ổn thỏa ngay tức thời. Tôi đã
gặp những kẻ giết nhau bằng những sự ổn thỏa ngay tức thời, và họ đã làm thế nhân danh sự
chữa trị.
Họ đưa ra những lý do rất vị kỷ. Chẳng hạn, thử hình dung Rick là bạn tôi và anh ta đang gặp
một nỗi đau. Vì anh ta là bạn tôi nên sự kiện anh ta đau cũng khiến tôi đau. Nhưng tôi không
thích cảm thấy đau. Thế là tôi muốn chữa lành cho Rick nhanh hết sức có thể – để giải quyết cho
xong nỗi đau nơi mình. Tôi thích cho anh ta những câu an ủi dễ dãi đại loại như : “Ồ, mình rất
tiếc vì bà cụ thân mẫu bạn qua đời. Nhưng bạn đừng quá sầu thảm. Bà cụ chắc chắn đã về thiên
đàng với Chúa.” Hoặc giả, tôi nói: “À, mình cũng đã từng trải qua hoàn cảnh của bạn. Bạn hãy
chạy thể dục đi, sẽ khuây khỏa nhiều lắm!”
Nhưng, rất thường, điều có sức chữa trị nhất mà chúng ta có thể làm đối với một người đang bị
đau chính là sẵn sàng ngồi lại đó và chia sẻ với họ, chứ không phải là cố tìm cách tống khứ nỗi
đau ấy. Chúng ta phải học cách lắng nghe và đảm nhận nỗi đau của người khác. Nghĩa là, chúng
ta phải nâng cao ý thức ngày càng hơn. Càng ý thức hơn, chúng ta càng hiểu rõ hơn cuộc chơi
mà kẻ khác đang chơi, nhận hiểu rõ hơn tội lỗi và các mánh lới của họ, đồng thời chúng ta cũng
thấy rõ hơn các gánh nặng và các nỗi buồn nơi họ.

Càng lớn lên hơn trong tinh thần, chúng ta càng có khả năng hơn để đảm nhận các nỗi khổ đau
của người khác – và rồi điều kỳ diệu nhất sẽ xảy ra. Đảm nhận nhiều nỗi đau hơn, bạn sẽ càng
bắt đầu cảm nghiệm nhiều niềm vui hơn. Và đây thật là tin mừng, tin mừng về cái làm cho cuộc
hành trình của chúng ta cuối cùng trở nên thật đáng giá.
—————-
(1) Một trong bốn điểm của Qui Phạm, đã được tác giả trình bày trong phần Một, quyền Con
Đường Chẳng Mấy Ai Đi.
(2) Theo kiểu nói của Benjamen Franklin
(3) Alcoholics Anonymous = Những Người Nghiện Rượu Vô Danh
2. Phiền Trách
& Tha Thứ
—————————
Một phần quan trọng của tiến trình lớn lên là học biết tha thứ. Chúng ta đi qua cuộc đời với
những phiền trách kẻ khác về các nỗi đau của mình. Và phiền trách luôn luôn phát xuất từ giận
dữ.
Giận dữ là một trạng thái tâm cảm rất mạnh mẽ bắt nguồn trong bộ não. Trong bộ não con người
có những cụm tế bào thần kinh gọi là các trung tâm thần kinh. Và trong vùng não mà chúng ta
gọi là thần kinh trung ương, các trung tâm này phụ trách việc điều hành và sản xuất ra các trạng
thái tâm cảm. Thực ra các bác sĩ giải phẫu thần kinh đã định vị được những trung tâm này. Đặt
một người nằm trên bàn giải phẫu và gây mê cục bộ cho người ấy, đưa các điện cực – bằng
những mũi kim rất nhỏ – vào trong não, rồi kích một dòng điện 1 milivolt vào đầu kim.
Lấy ví dụ, chúng ta có một trung tâm ngây ngất – và nếu các bác sĩ giải phẫu thần kinh cắm một
mũi kim vào đó và kích một dòng điện 1 milivolt vào đầu kim, bệnh nhân nằm trên bàn sẽ nói:
“Ối dào! Tuyệt quá. Các anh bác sĩ ở đây thật tuyệt vời. Bệnh viện này là số dách. Nữa đi! Thưa
bác sĩ.” Cảm giác ngây ngất này rất mãnh liệt, và sở dĩ một số ma túy như heroin rất dễ gây
nghiện bởi vì chúng có một tác dụng kích thích đối với trung tâm ngây ngất của chúng ta.
Người ta đã thực hiện một số các nghiên cứu trên chuột. Các bác sĩ giải phẫu thần kinh đưa một
điện cực vào trung tâm ngây ngất của con chuột và cho phép nó tự kích động bằng cách nhấn lên
một đòn bẩy có đặc tính nối và ngắt dòng điện. Kết quả là con chuột sẽ mải mê nhấn lên cái đòn
bẩy kia đến nỗi không còn thiết gì đến chuyện ăn uống, và cuối cùng chết vì đói. Con chuột

hưởng thụ niềm khoái cảm cho đến chết!
Không xa trung tâm ngây ngất có một trung tâm phụ trách một trạng thái tâm cảm hoàn toàn
khác – đó là trung tâm trầm cảm. Nếu các bác sĩ giải phẫu thần kinh đưa một điện cực vào trung
tâm này và kích vào đó một dòng điện 1 milivolt, bệnh nhân nằm trên bàn sẽ kêu lên: “Chúa ơi,
buồn thảm quá. Mọi sự khủng khiếp và tồi tệ quá. Xin dừng lại, xin làm ơn dừng lại!” Tương tự,
có một trung tâm giận dữ, và nếu bạn muốn kích động trung tâm này thì tốt hơn bạn nên … trói
chặt bệnh nhân lại trên bàn trước đã!
Những trung tâm này đã được tạo nên trong não bộ con người qua hàng triệu năm tiến hóa. Và
chúng ở đó để phục vụ cho một mục đích. Chẳng hạn, nếu bằng cách nào đó bạn cắt bỏ trung tâm
giận dữ trong não của một đứa trẻ, nó sẽ không thể giận dữ được nữa, bạn sẽ có một đứa trẻ rất
thụ động. Nhưng bạn biết điều gì sẽ xảy ra cho một đứa trẻ thụ động như thế khi nó ở nhà trẻ hay
vào lớp một hoặc lớp hai không? Nó sẽ bị giẫm bẹp, thậm chí nó có thể chết ngoẻo! Sự giận dữ
phục vụ cho một mục đích; chúng ta cần nó để có thể sống còn. Tự thân, sự giận dữ không có gì
xấu.
Trung tâm giận dữ nơi con người làm việc y hệt như cách nó làm việc nơi mọi sinh vật khác. Nó
chủ yếu là một cơ cấu có tính khu vực, nó báo động khi bất cứ một sinh vật nào khác bén mảng
đến khu vực của nó. Chúng ta không khác gì một con chó vùng lên chiến đấu với một con chó
khác lân la vào trong lãnh giới của mình. Chỉ có điều vì chúng ta là những con người nên các
định nghĩa của chúng ta về lãnh giới phức tạp hơn rất nhiều. Không chỉ vì chúng ta có một lãnh
giới địa lý và chúng ta nổi giận khi có ai đó không mời mà đến vùng đất của mình và bắt đầu bẻ
cành ngắt hoa của chúng ta; nhưng chúng ta còn có một lãnh giới tâm lý nữa, và chúng ta nổi
giận bất cứ khi nào có người phê phán mình. Về thần học và về ý thức hệ, chúng ta cũng có một
lãnh giới, và chúng ta thường nổi giận khi có ai đó phê phán niềm tin hay phỉ báng các quan
niệm của chúng ta.
Vì lãnh giới của con người quá phức tạp nên trung tâm giận dữ của chúng ta thường xuyên báo
động và phản ứng. Những báo động và phản ứng này rất thường không thích đáng. Nhiều khi
chúng ta ‘sửng cồ’ cả với những người mà chính chúng ta mời bước vào trong lãnh giới của
mình!
Cách đây chừng hai mươi năm, khi tôi bắt đầu một cuộc phân tâm, tôi vốn dành rất nhiều quan
tâm đến mối tương quan giữa tâm lý và tâm linh, và vì biết rằng Carl Jung đã nhấn mạnh đến

mối tương quan này nên tôi cố tìm cho ra một nhà trị liệu thuộc trường phái Jung. Nhưng thật
công dã tràng! Anh ta làm việc với tôi như thể một nhà trị liệu thuộc trường phái Freud chính
cống. Có điều, về sau tôi mới nhận ra rằng phương pháp trị liệu của anh ta lại đúng là phương
pháp mình cần.
Sau khi chào hỏi và giới thiệu ban đầu, trong suốt bảy buổi gặp trị liệu đầu tiên nhà trị liệu này
không nói với tôi một lời nào. Anh ta gợi cho một mình tôi nói huyên thiên hết chuyện này đến
chuyện khác, và tôi bắt đầu ngày càng bực bội anh ta hơn. Cần nhắc đến ở đây là tôi phải chi trả
cho anh ta 25 đô la/ một giờ, một món tiền không nhỏ theo thời giá lúc đó – thế mà xem chừng
anh ta chẳng làm hay nói gì để đáng nhận món tiền thù lao kia. Cuối cùng, vào buổi gặp thứ chín,
khi tôi đang trình bày cảm nghĩ của mình đối với một vấn đề cụ thể thì anh ta lên tiếng. Anh ta
nói: “Ồ, tôi thấy cách suy nghĩ của bạn trong vấn đề này hơi kỳ cục.” Tôi độp lại anh ta: “Gì hử?
Tôi nghĩ vậy mà kỳ cục hả?” Lần đầu tiên anh ta thách đố lãnh giới tâm lý của tôi, và tôi đã
‘sửng cồ’ với anh ta, dù tôi chi trả cho anh ta là để anh ta làm công việc đó, việc mà tôi mời anh
ta làm.
Đừng quên, chúng ta là những con người, trung tâm giận dữ của chúng ta hầu như bị kích động
thường xuyên, và thường một cách không thích đáng. Vì thế chúng ta phải học nhiều cách khác
nhau để xử lý cơn giận dữ của mình. Đôi khi chúng ta phải suy nghĩ, như tôi đã làm trong câu
chuyện giữa tôi và nhà trị liệu của mình: “Cơn giận của mình thật ngớ ngẩn và ấu trĩ. Đó là lỗi
của mình.“ Hay đôi khi chúng ta phải kết luận: “Anh chàng này đã xâm phạm đến lãnh giới của
mình. Nhưng đó chỉ là vô tình. Mình không có lý do gì để nổi nóng lên về điều đó.” Hoặc: “Chà,
hắn ta có vẻ hơi xâm nhập vào lãnh giới của mình. Nhưng thật ra không đáng kể và không đáng
để làm ầm lên.”
Đàng khác, cũng có trường hợp sau khi đã suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể thấy rõ rằng có kẻ đã xúc
phạm nghiêm trọng đến lãnh giới của chúng ta. Bấy giờ, có thể cần phải đến gặp người đó và
nói: “Này, giữa tôi và anh có vấn đề cần phải làm rõ đây.” Và đôi khi thậm chí chúng ta cần phải
nổi giận và trấn áp người đó ngay lập tức.
Như vậy, có ít nhất là năm cách để phản ứng khi trung tâm giận dữ của chúng ta cựa quậy.
Chúng ta không những cần biết các cách phản ứng khác nhau ấy mà còn cần phải biết cách nào
là thích đáng trong một trường hợp cụ thể. Đây là một công việc vô cùng phức tạp – và không lạ
gì khi có rất ít người biết cách xử lý tốt cơn giận của họ trước khi họ bước vào tuổi 30 hay 40.

Cũng có những người cả đời không bao giờ biết cách xử lý cơn giận của mình.
PHIỀN TRÁCH VÀ XÉT ĐOÁN
Khi chúng ta nổi giận và phiền trách một ai đó đã làm chúng ta giận, chúng ta cũng đồng thời
đang đưa ra một phán xét về người ấy – chúng ta cho rằng cách này hay cách khác người ấy đã
xúc phạm đến chúng ta.
Hồi tôi 16 tuổi, tôi thắng trong cuộc thi đầu tiên và duy nhất của tôi về môn thuyết trình – chủ đề
là: “Đừng xét đoán, để bạn khỏi bị xét đoán”. Đăm đăm bám sát vào lời Chúa Giêsu, tôi trình
bày rằng chúng ta không nên xét đoán người khác, và tôi đã đoạt giải thưởng là một hộp banh
tennis.
Bây giờ thì tôi không còn tin rằng người ta có thể đi qua cuộc đời mà không hề xét đoán gì về
người khác. Chúng ta phải xét đoán về người mà chúng ta lấy làm chồng hay làm vợ mình.
Chúng ta phải xét đoán lúc nào là lúc thích hợp để can thiệp vào đời sống của con cái chúng ta và
lúc nào là lúc không thích hợp. Chúng ta phải xét đoán về người mà chúng ta tuyển dụng hay sa
thải. Thật vậy, chất lượng của cuộc đời chúng ta được xác định chính xác bởi chất lượng khả
năng phán đoán nơi chúng ta.
Bạn đừng tưởng rằng ở đây tôi đang mâu thuẫn với Đức Giêsu. Trước hết, lời của Đức Giêsu
thường bị diễn dịch sai lạc. Đức Giêsu nói: “Đừng xét đoán, và bạn sẽ không bị xét đoán”.
Nhưng mỗi khi bạn xét đoán, thì bạn hãy sẵn sàng để xét đoán chính bản thân mình. Và thứ hai,
Ngài lập tức nói tiếp: “Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ
cái rác trong mắt người anh em ngươi.” Nói cách khác, Đức Giêsu nói rằng bạn phải xét đoán
chính bản thân mình trước khi xét đoán bất cứ ai khác.
Cũng vậy, khi gặp một đám đông cuồng nộ sắp sửa ném đá một người phụ nữ ngoại tình, Đức
Giêsu nói: “Ai vô tội thì hãy ném viên đá đầu tiên đi.” Vì tất cả chúng ta đều là những tội nhân,
phải chăng điều đó có nghĩa rằng chúng ta không nên ném đá bất cứ ai? Phải chăng chúng ta
không nên phiền trách hay xét đoán bất cứ ai? Quả thực, không có ai ném viên đá nào vào người
phụ nữ ấy. Và Đức Giêsu nói với chị: “Không ai xử tội chị sao? Tôi cũng không xử tội chị.” Lần
nữa, ở đây Đức Giêsu bảo chúng ta xét đoán chính mình trước khi xét đoán người khác.
Nhưng, cho dẫu tất cả chúng ta đều là những tội nhân, có những lúc chúng ta cũng cần phải ném
một viên đá. Chẳng hạn, đó là trường hợp bạn nói với một công nhân của mình: “Đây là năm thứ
tư liên tiếp anh không hoàn thành chỉ tiêu; và đây là lần thứ sáu tôi bắt gặp anh nói dối. Tôi e

rằng tôi phải sa thải anh.”
Sa thải một người, đó quả là một quyết định vô cùng đau đớn và khốc liệt. Làm sao bạn biết bạn
đang đưa ra một xét đoán vừa đúng vừa hợp thời? Làm sao bạn biết bạn đang đúng khi phiền
trách người ấy? Bạn không thể nào chắc chắn được. Nhưng bạn phải luôn luôn nhìn lại chính
mình trước đã. Ngay cả khi bạn nhận thấy rằng mình không còn sự chọn lựa nào khác ngoài việc
sa thải người ấy, bạn vẫn có thể nhận thấy có nhiều điều mình đáng lẽ đã làm nhưng thực tế mình
đã không làm; và nếu mình đã làm thì giờ đây chắc hẳn mình không phải đưa ra quyết định này.
Bạn cần đặt ra cho mình những câu hỏi như: “Tôi có đã quan tâm đến con người này và các vấn
đề của anh ta không? Tôi có đã vạch rõ cho anh ta thấy khi tôi phát hiện anh ta nói dối lần đầu
tiên không? Hay là việc nói thẳng với anh ta thật khó đối với tôi và tôi đã nhắm mắt cho qua cho
đến khi tình hình không thể chịu đựng được nữa?” Nếu bạn thành thực trả lời những câu hỏi như
thế, bạn có thể thấy rằng bạn sẽ đối xử với các công nhân khác một cách khác hẳn, và có lẽ bạn
khỏi phải lại đưa ra một xét đoán như thế trong tương lai.
CÁI KHỔ CỦA TÌNH TRẠNG KHÔNG HIỂU BIẾT
Nhưng làm thế nào chúng ta biết chính xác lúc nào là lúc phù hợp để đưa ra một sự phiền trách
hay xét đoán thay vì là tự phê phán chính mình? Khi lần đầu tiên nói trước công chúng, tôi
không biết việc diễn thuyết ấy của mình có phải là việc thích đáng hay không. Phải chăng thực
sự Thiên Chúa muốn tôi làm điều đó? Hay đó chỉ là do tính háo danh của tôi, do tôi ham thích sự
tán thưởng của đám đông? Tôi phân vân không xác định được và tôi đã khổ sở tìm kiếm câu trả
lời. Cuối cùng, tôi có được sự giúp đỡ – và điều này khích lệ tôi rằng mọi sự xảy ra trong cuộc
sống đều nhằm giúp phát triển tinh thần của chúng ta, và rằng chúng ta rất cần nhau trong
phương diện này. Tôi đã chia sẻ nỗi khổ sở của mình với người bảo trợ cho cuộc diễn thuyết thứ
hai của tôi. Và khoảng một tháng sau đó, chị ấy gửi cho tôi một bài thơ do chính chị sáng tác.
Khi viết bài thơ, chị không liên tưởng gì đến tôi, nhưng những giòng cuối cùng của bài thơ ấy
quả đúng là cái tôi cần nghe vào thời điểm bấy giờ:
The Truth is that I want it
and the price I must pay
is to ask the question again and again and again.
Đọc bài thơ, tôi chợt nhận ra rằng mình đã mải kiếm tìm một sự mạc khải, một công thức định
sẵn nào đó từ Thiên Chúa, kiểu như: “Ừ, Scotty, ngươi cứ việc bước lên diễn đàn”, hay: “Ồ

đừng, đừng phát biểu dù chỉ một lời!” Nhưng không hề có một công thức định sẵn nào. Không
hề có một câu trả lời dễ dãi nào, và tôi biết rằng điều mà tôi sẽ phải làm mỗi khi tôi được mời
diễn thuyết – mỗi khi tôi thảo luận lại lịch thuyết trình hằng năm của mình – đó là lại tiếp tục tự
đặt ra cho mình câu hỏi kia: “Kìa, lạy Chúa, có phải Chúa muốn con làm việc này không?” Khi
đối diện với một vấn đề khó khăn, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể tự đặt ra cho mình câu hỏi
ấy – và uống lấy nỗi khổ do câu hỏi ấy. Chẳng hạn, bạn là cha hay mẹ của một đứa con gái muời
sáu tuổi đang xin phép bạn cho nó đi chơi một buổi tối cuối tuần đến 2 giờ sáng. Bạn sẽ làm gì?
Có ba cách mà các bậc cha mẹ có thể chọn. Một là trả lời: “Không. Dứt khoát không được, con ạ.
Con có nhớ là con không được đi chơi quá 10 giờ tối không?” Hay cách khác, bạn nói: “Ồ, được
chứ, con gái yêu. Con cứ đi tùy thích!” Hai cách phản ứng trên có thể được gọi là hữu khuynh và
tả khuynh. Chúng rành rành đối lập nhau, nhưng chúng vẫn có một điểm chung. Chúng là những
câu trả lời theo khuôn rập sẵn. Hai cách phản ứng ấy không đòi cha mẹ phải tốn công sức chút
nào cả!
Theo quan điểm của tôi, điều mà các bậc cha mẹ nên làm là tự hỏi chính mình: “Tối nay mình có
nên cho con gái mình đi chơi đến hai giờ sáng không nhỉ?” Và họ có lẽ sẽ trả lời: “Thật khó xử.
Quả là thường tình nó không đi đâu quá 10 giờ tối, nhưng mình ấn định giới hạn đó khi nó mười
bốn tuổi. Bây giờ thì một giới hạn như thế không còn cần thiết nữa. Đàng khác, tại bữa liên hoan
tối nay của con bé chắc chắn sẽ có rượu, và như vậy là hơi rắc rối đây. Nhưng mà, con bé được
điểm tốt ở trường, nó làm bài tập ở nhà rất đàng hoàng. Rõ ràng nó có tinh thần trách nhiệm. Có
lẽ mình nên tin tưởng vào ý thức trách nhiệm của con gái mình. Mà này, tay bạn trai mà con gái
mình sắp gặp tại buổi liên hoan trông có vẻ như một tay ba trợn. Mình nên hay không nên cho
phép đây nhỉ? Nên nhượng bộ để cho phép nó đi chơi? Đó có phải là một nhượng bộ đúng
không? Thật là khó xử! Nên cho nó đi chơi tới nửa đêm? Hay tới mười một giờ? Hay một giờ
sáng? Quả là khó quyết định!”
Rốt cục, các bậc cha mẹ như thế đi đến quyết định nào, cái đó không quan trọng lắm. Bởi vì
ngay cả dù con gái họ không vui vẻ lắm với quyết định cuối cùng của họ, nó cũng biết rằng nó
được cha mẹ trân trọng quan tâm, vấn đề của nó đã được cha mẹ cân nhắc kỹ lưỡng. Và nó biết
rằng nó được yêu thương, nó có đủ giá trị để cho cha mẹ nó phải chịu khổ sở trong thế lưỡng nan
bất quyết của họ.
Chính vì thế, khi người ta hỏi tôi: “Thưa Bác sĩ Peck, xin vui lòng cho tôi một qui tắc để tôi biết

khi nào là đúng lúc để phiền trách và khi nào là không đúng lúc”, tôi trả lời: “Tôi không thể đưa
ra cho bạn một công thức tiền chế nào như thế.” Mỗi trường hợp mỗi khác, mỗi trường hợp đều
cá biệt. Vì thế, trong mỗi trường hợp như vậy, nếu bạn muốn kiếm tìm sự thật, bạn phải tự đặt
cho mình câu hỏi trên kia, và rồi bạn sẽ có cơ may đi đến quyết định chính xác, nhưng bạn cũng
phải chịu đựng nỗi đau của tình trạng không biết chắc hành động của mình là đúng hay sai.
CHÂN LÝ VÀ Ý CHÍ
Tôi vừa mới đề cập đến cả chân lý lẫn Thiên Chúa. Sự gần gũi ở đây không phải là một cái gì
ngẫu nhiên, bởi vì khi chúng ta nói về chân lý, chúng ta đang nói về một cái gì đó cao hơn chính
mình. Chúng ta đang nói về việc tìm kiếm và qui phục một “Sức Mạnh Siêu Vượt”.
Để bạn khỏi bị cám dỗ gạt bỏ điều đó như gạt bỏ một ý niệm sơ khai về tôn giáo, tôi muốn chỉ ra
rằng khoa học là thái độ qui phục chân lý. Phương pháp khoa học không phải gì khác hơn là một
loạt những qui ước và thủ tục mà chúng ta đã phát triển qua hàng bao thế kỷ trong mối quan tâm
tìm kiếm sự thật, để chống lại xu hướng muốn tự đánh lừa chính mình nơi con người chúng ta.
Và vì thế, khoa học qui phục một trọng tài cao hơn, một sức mạnh cao hơn, tức chân lý.
Mahatma Gandhi nói: “Sự thật là Thiên Chúa và Thiên Chúa là sự thật”. Tôi tin rằng Thiên
Chúa là ánh sáng và tình yêu, nhưng chắc chắn Thiên Chúa cũng là chân lý nữa. Như vậy, tôi
cho rằng cuộc săn đuổi kiến thức khoa học – dù nó không giải đáp được hết mọi câu hỏi – nó vẫn
là một thái độ đầy sùng ngưỡng, đầy ‘ngoan đạo’, nó qui phục một sức mạnh cao hơn.
Khi người ta có một ý chí mạnh mẽ nhưng lại thiếu sự qui phục một sức mạnh cao hơn, đó là
nguyên nhân lớn nhất dẫn người ta tới những phiền trách không thích đáng. Ý chí mạnh mẽ, tôi
cho đó là một tài sản tốt nhất mà một con người có thể chiếm hữu – không phải vì nó bảo đảm
cho thành công, nhưng bởi vì một ý chí yếu ớt thì xem ra luôn gắn liền với thất bại. Những người
có ý chí mạnh mẽ là những người tiến triển tốt trong cuộc trị liệu tâm lý. Họ là những người tha
thiết lớn lên. Và vì thế, ý chí mạnh mẽ là một tài sản vĩ đại và một hồng ân lớn lao. Nhưng hồng
ân nào cũng tiềm tàng nơi chính nó lời nguyền rủa. Cái gì cũng có hiệu ứng phụ. Và hiệu ứng
phụ tồi tệ nhất của một ý chí mạnh mẽ là một tính khí dễ phẫn nộ.
Tôi thường giải thích điều này cho các thân chủ của tôi bằng cách bảo họ rằng việc bạn có một ý
chí bạc nhược cũng giống như bạn có một con lừa bé nhỏ trong vườn sau nhà bạn. Nó không thể
gây sự cố gì đáng kể cho bạn – cùng lắm nó chỉ kê mõm gặm mấy khóm hoa tu-líp của bạn.
Nhưng, nó cũng chẳng giúp ích gì mấy cho bạn. Còn nếu bạn có một ý chí mạnh, thì đấy tương

tự như bạn có một bầy ngựa chiến sau nhà. Những con ngựa chiến rất cao lớn và mạnh mẽ. Nếu
chúng không được huấn luyện tốt, không được uốn nắn tốt và không được thắng dây cương,
chúng sẽ lồng lộn lên húc đổ sập nhà bạn như chơi. Ngược lại, nếu chúng được huấn luyện tốt,
được uốn nắn tốt và được thắng dây cương, chúng sẽ giúp đưa bạn lên tới tận các đỉnh núi cao
chót vót.
Nhưng lấy gì để đóng dây cương cho ý chí? Bạn không thể đóng dây cương cho ý chí mình bằng
… chính ý chí mình – vì nếu vậy, kể như là nó chưa được đóng dây cương gì cả! Ý chí của bạn
phải được khống chế bởi một sức mạnh cao hơn chính bạn.
Sự khác biệt giữa một ý chí được khống chế và một ý chí không được khống chế đã được Gerald
May minh họa rất hay trong quyển Ý Chí và Tinh Thần (Will and Spirit) của ông. Chương đầu
tiên của quyển sách có tựa đề là Sốt Sắng và Ngang Ngạnh (Willingness and Willfulness). Ngang
ngạnh tượng trưng cho ý chí không được khống chế của con người; còn sốt sắng chính là ý chí
mạnh mẽ của một con người sẵn sàng đi đến nơi mà mình được gọi hay dẫn tới bởi một sức
mạnh cao hơn.
Sự phân biệt ấy cũng được mô tả một cách đầy chất thơ trong vở kịch rất ấn tượng mang tên
Equus (4). Vở kịch nói về một cậu bé làm đui mắt sáu con ngựa, và vị bác sĩ tâm thần chữa trị
cho cậu là Martin Dysart, người đang trải qua một cơn khủng hoảng tinh thần của lứa tuổi trung
niên. Ở hồi cuối của vở kịch, để giải thích bằng cách nào ông đã vượt qua được cơn khủng hoảng
ấy của mình, Dysart nói:
“Tôi không dám đi quá xa để gọi đó là một sự kiện được thánh hiến bởi Thiên Chúa. Tuy nhiên,
tôi phải cung kính cúi đầu trước sự kiện ấy. Giờ đây và mãi mãi tôi vẫn còn sững sờ kinh
ngạc…”
TRÒ PHIỀN TRÁCH
Không phải ngẫu nhiên mà những người vướng vào các tội ác ghê gớm nhất thế giới này là
những người không nhận ra một sức mạnh nào cao hơn chính họ. Người ác là người có ý chí rất
mạnh. Và đồng thời bởi vì họ là những kẻ tự yêu (narcissistic), những kẻ vị kỷ tột bực, nên họ là
những người dễ dính vào những phiền trách không thích đáng và đầy tai hại. Họ không thể “lấy
cái xà ra khỏi mắt mình”.
Đối với phần đông trong chúng ta, nếu có chứng cứ chung quanh cho thấy tội lỗi và sự trục trặc
của chúng ta và nếu chứng cứ ấy dồn chúng ta vào chân tường, chúng ta thường nhận ra rằng có

gì đó đang bất ổn nơi mình và mình cần tự điều chỉnh. Còn những người không nhận ra và không
chấp nhận tự điều chỉnh như vậy, tôi gọi họ là “những con người dối trá” (5) – bởi vì một trong
những đặc điểm nổi bật của họ là khả năng dối gạt chính mình – cũng như dối gạt kẻ khác. Họ
khư khư phớt lờ các tội lỗi và sai trái của họ. Cho dù có chứng cứ gì đi nữa vạch rõ những trục
trặc của họ, họ vẫn cố sao để luôn luôn cảm thấy thoải mái bằng mọi giá. Thay vì dùng các
chứng cứ ấy để thực hiện một cuộc thay đổi chính mình, họ lại dốc hết sức để lấp liếm hay bác
bỏ các chứng cứ ấy. Họ sẽ dùng mọi khả năng trong tầm tay họ để áp đặt ý chí của họ lên người
khác, nhằm bảo vệ bản ngã bệnh hoạn của chính họ. Và thế là họ vướng vào hết điều dữ này đến
tội ác khác – do sự lấp liếm hay sự phiền trách không thích đáng ấy.
Thật cần thiết phải ghi nhận rằng sự phiền trách có đem lại thích thú. Cơn giận đem lại thích thú.
Oán ghét đem lại thích thú. Và cũng giống như mọi hành động đem lại khoan khoái cho người ta,
sự phiền trách trở thành một thói quen. Bạn sẽ nghiện nó. Khi đọc một vài bản văn về quỉ ám, tôi
đã nhận ra điều nói trên có tính xảo quyệt biết bao. Chẳng hạn, người ta mô tả về một kẻ được
coi là bị quỉ ám đang ngồi trong xó nhà, gập lưng xuống gặm nhấm mắt cá chân mình. Điều này
nhắc tôi nhớ lại một bức họa thời Trung Cổ mô tả hỏa ngục, trong đó bạn có thể trông thấy một
hình ảnh tương tự: một kẻ bị nguyền rủa đang gặm nhấm mắt cá chân của hắn! Thật là một điều
kỳ dị và khó chịu. Tôi chẳng quan tâm gì đến điều ấy cho đến khi tôi đọc một quyển sách nhỏ
của Frederick Buechner mang tựa đề Wishful Thinking: A Theological ABC (Mơ Tưởng: Điển
Ngữ Thần Học). Ngay ở đầu quyển sách, dưới mục ‘A’, Buechner ghi “Anger” (sự giận dữ) và
so sánh nó với việc gặm nhấm một khúc xương. Đã gặm xương thì gặm hoài cũng không hết, vì
bao giờ cũng còn một chút gân, một chút tủy còn dính đâu đó để cho bạn gặm. Chỉ có điều là –
như Buechner nói – khúc xương mà bạn đang gặm nhấm đó chính là bạn!
Sự phiền trách người khác trở thành một thói quen. Và bạn sẽ lại gặm nhấm khúc xương ấy, hết
lần này đến lần khác, khi bạn dằn vặt về sự kiện ai đó đã xử tệ với mình. Chính vì vậy mà có lẽ
Trò Phiền Trách là trò phổ biến nhất trong mọi trò chơi tâm lý. Thuật ngữ “trò chơi tâm lý” được
phát minh bởi cố bác sĩ tâm thần danh tiếng Eric Berne trong quyển Những Trò Chơi Của Con
Người (Games People Play) của ông. Berne không nói về những trò đùa có tính giỡn chơi, mặc
dù có thể có một số loại suy, vì các trò chơi tâm lý chắc chắn cũng đem lại thích thú một cách
nào đó. Đúng hơn, Berne định nghĩa một trò chơi tâm lý là một “tương tác lặp đi lặp lại” giữa
hai người hay hai nhóm người, và cả hai bên đều “nín thinh không nói ra ý đồ của mình”. Khi

nói “một tương tác lặp đi lặp lại”, ông nhằm nói đến một cái gì đó không chỉ có tính thói quen
mà còn chán phè, ươn thối nữa, như một vòng bánh xe cứ quay hoài một cách đơn điệu và buồn
tẻ. Khi nói “nín thinh không nói ra”, ông có ý chỉ một cái gì đó ngầm ẩn, ám tàng, thậm chí một
cái gì đó rất lý thú của các trò chơi tâm lý.
Trò Phiền Trách cũng có thể được gọi là trò “Đấy Chỉ Bởi Vì Anh Ta …” Phần đông trong chúng
ta đều chơi trò này. Và đây là dạng thông thường nhất của mọi trò chơi trong hôn nhân. Chẳng
hạn, Mary nói: “À, tôi biết mình hay đay nghiến. Nhưng bởi vì John cứ lầm lì, nên tôi phải đay
nghiến để hiểu được anh ấy. Nếu John không lầm lì thì tôi đâu có đay nghiến.” Còn John thì nói:
“À, tôi biết mình lầm lì. Nhưng đấy chỉ bởi vì Mary hay đay nghiến. Tôi phải lầm lì để tự bảo vệ
mình khỏi sự đay nghiến của Mary. Nếu Mary không đay nghiến thì tôi sẽ chẳng lầm lì.”
Thế là có một vòng rượt đuổi vòng vo khó mà chặn đứng lại. Và để giải thích bằng cách nào
dừng một trò chơi tâm lý, Berne nhắc đến hai sự thật – đây cũng là hai sự thật duy nhất mà tôi
thấy là không nghịch lý. Ông nói rằng “Cách duy nhất để ngừng một trò chơi là … ngừng nó
lại.” Nghe thật đơn giản, nhưng thực tế thì cực kỳ khó khăn. Làm sao để ngừng được đây?
Nó cũng giống như bạn đang ngồi trên chiếu bạc, đánh sát phạt tay đôi với một con bạc khác.
Bạn thầm nghĩ trong lòng: “Chà, đây là một trò điên khùng. Mình đã chơi suốt bốn tiếng đồng hồ
rồi đấy. Lẽ ra mình đã có thể làm bao nhiêu chuyện cần làm khác.” Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng rồi
bạn vẫn … đặt tiền ra và chia những lá bài!
Dù bạn áy náy bao nhiêu đi nữa, bao lâu bạn vẫn còn đặt tiền và chia bài, thì bấy lâu canh bạc
vẫn tiếp tục. Canh bạc sẽ tiếp tục mãi mãi cho đến khi một trong hai người đứng dậy và nói: “Tôi
không chơi nữa!”
Người kia có thể kèo nài: “Nhưng Joe, cậu vừa thắng mà. Chơi vài ván nữa đi!”
“Không. Tôi không chơi nữa.”
“Nhưng Joe, vài ván nữa thôi mà!”
“Ông không nghe tôi nói gì à? Tôi không chơi nữa.”
Cách duy nhất để ngừng một trò chơi là … ngừng chơi. Thế thôi.
Để ngừng trò phiền trách, chúng ta cần biết thứ tha. Ý nghĩa đích thực của thứ tha là như thế.
Thứ tha là ngừng lại, là chấm dứt trò phiền trách.
Và dĩ nhiên, điều này không dễ dàng.
THỰC TẠI SỰ DỮ

Ngày nay rất nhiều người cuốn vào trào lưu tôn giáo Thời Đại Mới (New Age). Và cách này hay
cách khác, họ bị lôi cuốn vào niềm tin rằng tha thứ là điều rất dễ dàng. Sự tha thứ chỉ dễ dàng khi
người ta xác tín rằng thực sự không có tồn tại cái gọi là sự dữ. Mà điều đó thì hoàn toàn sai lầm.
Xác tín sai lạc ấy có thể dẫn người ta tới một số cái bẫy. Một ví dụ của những cái bẫy này có thể
được nhận ra trong quyển Yêu Là Xua Tan Nỗi Sợ (Love is Letting Go of Fear), một quyển sách
rất nổi tiếng của phong trào Thời Đại Mới, do bác sĩ tâm thần Gerald Jampolsky viết. Quyển
sách nói về sự tha thứ, một đề tài hết sức quan trọng; nhưng tôi có cảm tưởng rằng Jampolsky đã
làm cho vấn đề trở thành đơn giản quá. Ông nói rằng thay vì xét đoán người khác, chúng ta nên
tìm cách nhận ra điều tốt đẹp nơi họ, chúng ta nên tìm kiếm Thiên Chúa trong họ và chấp nhận
họ.
Tôi luôn luôn nghi ngờ những kết luận quá dễ dãi kiểu đó, vì chúng có chiều hướng đơn giản hóa
mọi sự và đưa người ta vào chỗ rắc rối. Tôi nhớ lại lời của một đạo sư Hồi giáo ngày xưa: “Khi
tôi bảo anh khóc, tôi không có ý muốn anh ở đâu và lúc nào cũng khóc. Khi tôi bảo anh đừng
khóc, tôi không có ý muốn anh trở thành một tên hề cười toe toét mãi.” Nhưng thật rất tiếc, nhiều
người trong phong trào Thời Đại Mới dường như tin rằng “chấp nhận có nghĩa là luôn luôn chấp

×