Hoạt động xúc tiến của du lịch Hải Phòng
nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc -
Thực trạng và giải pháp
Lê Thành Công
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Luận văn ThS. ngành: Du lịch (Chương trình đào tạo thí điểm)
Người hướng dẫn: TS. Vũ Mạnh Hà
Năm bảo vệ: 2010
Abstract. Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận mới về điểm đến du lịch, nội dung
hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch và những đặc thù của du lịch Hải Phòng, đặc
điểm của khách du lịch Trung Quốc đến Hải Phòng. Phân tích, khảo sát thực trạng
triển khai và đánh giá hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch của Hải Phòng nhằm thu
hút khách du lịch Trung Quốc trong thời gian qua, chủ yếu từ năm 2005 đến 2009
trong so sánh với khung lý luận. Kiến nghị một số giải pháp nhằm cải thiện các nội
dung và quá trình hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch; đề xuất các điều kiện đảm
bảo thành công của hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch nhằm thu hút khách du lịch
Trung Quốc tại Hải Phòng.
Keywords. Du lịch; Hải Phòng; Khách du lịch Trung Quốc
Content
1. Lý do chọn đề tài
Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, đời sống của người dân Trung Quốc
được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người tăng, thời gian rảnh tăng, dẫn đến nhu
cầu đi du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc gia tăng mạnh.
Công dân Trung Quốc đã bỏ ra hơn 15 tỉ USD đi du lịch nước ngoài trong năm 2002
và 19 tỉ USD năm 2004. Năm 2008, số lượng khách du lịch Trung Quốc đi du lịch nước
ngoài đã lên tới 45,8 triệu người.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UN.WTO) năm 2020 Trung Quốc sẽ trở thành quốc
gia du lịch lớn nhất và lớn thứ tư đối với du lịch ra nước ngoài. Xét về tổng chi tiêu đối với
du lịch ra nước ngoài, Trung Quốc hiện đang xếp thứ năm và dự kiến sẽ được phát triển
nhanh nhất thế giới 2006 – 2015 [21,tr.25].
Từ lâu với du lịch Hải Phòng, Trung Quốc luôn được đánh giá là thị trường truyền
thống và quan trọng, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Hải Phòng. Con
người và du lịch Hải Phòng ngày càng hấp dẫn du khách Trung Quốc đến tham quan, nghỉ
dưỡng. Năm 2001 Hải Phòng đón được 137. 921 lượt khách Trung Quốc, năm 2002 là 215.
406 lượt khách. Tuy nhiên sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh về lượng khách, từ năm
2005 đến nay tập khách này có xu hướng giảm, năm 2005 Hải Phòng đón được 88. 088 lượt
khách Trung Quốc, năm 2008 là 16. 386 lượt khách. Sở dĩ có tình trạng này là do nhiều
nguyên nhân như: Chính sách của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế khách du lịch
Trung Quốc dùng sổ thông hành đi du lịch Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng,
tuyến bay Hải Phòng – Ma Cau ngừng hoạt động năm 2007, cuộc khủng hoảng kinh tế thế
giới năm 2008…Nhưng đáng kể nhất là các nhà quản lý du lịch của Hải Phòng thời gian qua
chưa chú trọng đúng mức tới việc nghiên cứu và triển khai các hoạt động xúc tiến một cách
toàn diện và hiệu quả, các hoạt động xúc tiến của du lịch Hải Phòng vẫn còn nhiều bất cập
đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc. Sự bất cập này thể hiện ở chỗ: Từ trước cho đến
nay, công tác nghiên cứu thị trường khách du lịch Trung Quốc để phân tích rõ đặc điểm tâm
lý, mức chi tiêu và sở thích thói quen tiêu dùng chưa được các nhà quản lý du lịch Hải Phòng
quan tâm một cách đúng mức; Việc phân bổ ngân sách cho các công cụ xúc tiến du lịch của
Hải Phòng cũng chưa được tính toán và phân bổ hợp lý, dẫn đến hoạt động xúc tiến du lịch
của Hải Phòng tại thị trường khách du lịch Trung Quốc liên tục bị ngắt quãng, thiếu chuyên
nghiệp; Việc sử dụng các công cụ cho hoạt động xúc tiến, các phương tiện truyền thông nhằm
thu hút khách du lịch Trung Quốc, ngành du lịch Hải Phòng chưa biết khai thác và sử dụng
các phương tiện của quảng cáo trên các báo, tạp chí, một số kênh truyền hình ở một số địa
phương của Trung Quốc mà Hải Phòng đã có quan hệ hợp tác; Việc đăng ký tham gia thuê
một số gian hàng tại một số hội chợ du lịch của Trung Quốc (hội chợ Nam Ninh, Bắc Hải,
Hàng Châu…) nhằm quảng bá về con người, du lịch Hải Phòng đối với thị trường Trung
Quốc, ngành du lịch Hải Phòng cũng chỉ tham gia ở mức hạn chế quy mô nhỏ và không
thường xuyên. Bên cạnh đó, việc xây dựng hình ảnh biểu tượng (logo) và lựa chọn khẩu hiệu
(slogan) cho du lịch Hải Phòng trong các chiến dịch xúc tiến, sẽ xác định được mục tiêu cụ
thể cũng như giúp gây được sự chú ý cho người tiếp nhận vẫn chưa được các nhà quản lý du
lịch Hải Phòng nghiên cứu và xây dựng.
Chính vì những lý do trên, việc nghiên cứu thực trạng hoạt động xúc tiến của du lịch
Hải Phòng làm cơ sở đề xuất giải pháp phát triển, thu hút khách du lịch Trung Quốc có ý
nghĩa chiến lược đối với ngành du lịch Hải Phòng cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du
lịch. Vì vậy, tác giả đã lựa chọn đề tài “Hoạt động xúc tiến của du lịch Hải Phòng nhằm
thu hút khách du lịch Trung Quốc – Thực trạng và giải pháp” làm đề tài luận văn cao học
của mình, hy vọng sẽ góp một phần nhỏ bé vào việc phát triển hoạt động xúc tiến, quảng bá
du lịch của Hải Phòng tại thị trường Trung Quốc.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là đưa ra những giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc
tiến của ngành du lịch Hải Phòng nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc hiện tại và những
năm tiếp theo.
Căn cứ vào mục tiêu đặt ra, luận văn tiến hành giải quyết những nhiệm vụ nghiên cứu
sau:
- Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận mới về điểm đến du lịch, nội dung hoạt động
xúc tiến điểm đến du lịch và những đặc thù của du lịch Hải Phòng, đặc điểm của khách du
lịch Trung Quốc đến Hải Phòng.
- Phân tích, khảo sát thực trạng triển khai và đánh giá hoạt động xúc tiến điểm đến du
lịch của Hải Phòng nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc trong thời gian qua, chủ yếu từ
năm 2005 đến 2009 trong so sánh với khung lý luận.
- Đề xuất hoàn thiện giải pháp cải thiện các nội dung và quá trình hoạt động xúc tiến
điểm đến du lịch, các điều kiện đảm bảo thành công của hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch
nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc tại Hải Phòng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của luận văn là hoạt động xúc tiến điểm đến của ngành du
lịch Hải Phòng đối với nguồn khách du lịch Trung Quốc.
- Phạm vi nghiên cứu: Về mặt không gian: Luận văn giới hạn nghiên cứu hoạt động
xúc tiến của du lịch Hải Phòng nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc (tại tỉnh Quảng Tây,
Vân Nam và đặc khu hành chính Ma Cao).
Về mặt thời gian: Luận văn tập trung phân tích đánh giá hoạt động xúc tiến của du
lịch Hải Phòng nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc trong thời gian 5 năm từ năm 2005 –
2009; đề xuất giải pháp đấy mạnh hoạt động xúc tiến của du lịch Hải Phòng nhằm thu hút
khách du lịch Trung Quốc.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp thu thập thông tin thứ cấp: Từ sách, báo, tạp chí, báo cáo của Tổng
cục Du lịch, báo cáo của Tổng cục Thống Kê, báo cáo của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du
lịch Hải Phòng…
- Phương pháp điều tra xã hội học: Bảng hỏi được thiết kế dành cho đối tượng điều
tra là khách du lịch Trung Quốc đến Hải Phòng tại các điểm du lịch như Cát Bà, Đồ Sơn, nội
thành Hải Phòng nhằm tạo cơ sở tham khảo và phân tích nhu cầu sản phẩm, dịch vụ du lịch
của khách du lịch Trung Quốc.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Sử dụng các phương pháp phân tích thống kê,
phương pháp quy nạp...để từ đó tổng hợp thành những vấn đề cốt lõi, chung nhất. Rút ra bài
học kinh nghiệm về hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch của Hải Phòng.
5. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến tên đề tài
Ở nước ngoài đã có một số chuyên khảo về điểm đến du lịch và marketing điểm đến
du lịch như:
Stephen Page, (1995), Uban Tourism
ERic Law, (1995), Tourist destination management
Ở trong nước, cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về thị trường khách
du lịch Trung Quốc, trước tác giả nghiên cứu đã có một số công trình công bố như:
Đề tài khoa học cấp ngành: “Nghiên cứu đánh giá một số đặc điểm của thị trường
khách Nhật Bản và Trung Quốc nhằm phát triển nguồn khách của du lịch Việt Nam” do bà
Nguyễn Quỳnh Nga và nhóm nghiên cứu thực hiện, 2001
Khóa luận tốt nghiệp cử nhân khoa học du lịch, “Nghiên cứu tâm lý và ứng dụng xây
dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho khách Trung Quốc trên thị trường du lịch Quảng Ninh”,
Vũ Khắc Điệp, 2003
Khóa luận tốt nghiệp cử nhân khoa học du lịch, “Việc xây dựng định hướng thu hút
khách du lịch Trung Quốc vào Lạng Sơn”, Hồ Minh Châu, 2006
Báo cáo: “Phát triển Trung Quốc tình hình và triển vọng”, Viện khoa học xã hội Việt
Nam, Viện nghiên cứu Trung Quốc, PGS. TS. Đỗ Tiến Sâm thực hiện 2006.
Luận án tiến sĩ kinh tế, “Hoàn thiện hoạch định chiến lược xúc tiến điểm đến của
ngành Du lịch Việt Nam”, Nguyễn Văn Đảng, 2007.
Và một số công trình nghiên cứu về thị trường khách du lịch Trung Quốc, hoạt động
xúc tiến của du lịch Việt Nam tại thị trường khách du lịch Trung Quốc …
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào về thực trạng và giải pháp
của hoạt động xúc tiến du lịch Hải Phòng nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc. Vì vậy,
việc nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp đấy mạnh hoạt động xúc tiến của du lịch Hải
Phòng nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc trong thời gian tới có ý nghĩa rất thiết thực
cho ngành du lịch Hải Phòng.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Trên cơ sở học hỏi và kế thừa những hướng nghiên cứu và lý luận đi trước, luận văn
đã tổng hợp và hệ thống lại cơ sở lý luận về điểm đến, điểm đến du lịch, nội dung hoạt động
xúc tiến điểm đến du lịch.
Về ý nghĩa thực tiễn, việc nghiên cứu hoạt động xúc tiến của du lịch Hải Phòng nhằm
thu hút khách du lịch Trung Quốc, là cơ sở cho các nhà quản lý du lịch của Hải Phòng trong
việc hoạch định chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch Hải Phòng đối với nguồn khách Trung
Quốc. Từ đó góp phần vào sự phát triển du lịch của Hải Phòng, đưa Hải Phòng trở thành một
trong những điểm đến du lịch hấp dẫn khách du lịch nói chung và khách du lịch Trung Quốc
nói riêng.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Một số lý luận cơ bản về hoạt động xúc tiến điểm đến du lịch
Chương 2: Thực trạng hoạt động xúc tiến của du lịch Hải Phòng nhằm thu hút khách
du lịch Trung Quốc.
Chương 3: Một số giải pháp và khuyến nghị nhằm phát triển hoạt động xúc
tiến của du lịch Hải Phòng đối với thị trường khách Trung Quốc.
References
Tiếng Việt:
1. Đào Ngọc Anh (2007), Phân tích hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường
Pháp, Luận văn Thạc sĩ Du lịch học.
2. Trần Vĩnh Bảo (2008), Một vòng các nước – Trung Quốc, NXB Văn hóa thông tin,
Hà Nội.
3. Phạm Chí Bắc (2008), Phát triển ngành du lịch ở thành phố Hải Phòng trong điều
kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Luận văn Thạc sĩ kinh tế.
4. Đỗ Minh Cao, Khái quát về nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, NXB Thế giới Hà
Nội.
5. Ngô Minh Châu (2009), Hoạt động xúc tiến Du lịch Việt Nam tại Trung Quốc, Luận
văn Thạc sĩ Du lịch học.
6. Mai Chánh Cường (2008), Hoạt động thu hút khách du lịch Hàn Quốc tại thị trường
Du lịch Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Du lịch học.
7. Trịnh Xuân Dũng (2004), Giáo trình tâm lý du lịch, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin,
Hà Nội.
8. Bùi Đức Dũng, Đinh Thị Thu Phương, Hoàng Thị Thúy, Nghiên cứu chiến lược xúc
tiến điểm đến du lịch và ứng dụng xây dựng chiến lược xúc tiến du lịch tại Ninh Bình,
Báo cáo khoa học, lớp K52 Du lịch học.
9. Dự án FUNDESO (2004), Cẩm nang marketing và xúc tiến du lịch bền vững ở Việt
Nam, Hà Nội
10. Nguyễn Văn Đảng (2007), Hoàn thiện hoạch định chiến lược xúc tiến điểm đến của
ngành Du lịch Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế.
11. Trần Minh Đạo (2000), Marketing, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
12. Nguyễn Văn Đính, Nguyễn Văn Mạnh (1996), Tâm lý và nghệ thuật giao tiếp ứng xử
trong kinh doanh du lịch, NXB Thống kê, Hà Nội.
13. Nguyễn Văn Đính, Phạm Hồng Chương (2000), Giáo trình hướng dẫn du lịch. NXB
Thống Kê, Hà Nội.
14. Lâm Ngữ Đường (2001), Trung Hoa đất nước con người, Trần Văn Từ dịch, NXB
Văn hóa thông tin, Hà Nội.
15. Cao Thị Thu Hiền (2001), Thị phần khách du lịch Trung Quốc của du lịch Việt Nam,
tiềm năng – hiện trạng – giải pháp khai thác và phát triển, Khóa luận tốt nghiệp cử
nhân khoa học du lịch.
16. Đặng Thị Huệ (2004), Du lịch Thế giới – Hành trình khám phá 46 Quốc Gia, NXB
Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.
17. Nguyễn Văn Lưu (1998), Thị trường du lịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
18. Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Đình Hòa, Giáo trình marketing du lịch, NXB Đại học
Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
19. Lê Văn Minh (2001), Lựa chọn vào thị trường du lịch Việt Nam phát triển bền vững,
du lịch Việt Nam 2001, P14.
20. Phạm Văn Nam (1996), Ứng dụng lý thuyết hệ thống trong quản trị, NXB Thống Kê.
21. Nguyễn Quỳnh Nga và nhóm nghiên cứu (2001), Đề tài khoa học cấp bộ “ Nghiên
cứu và đánh giá một số đặc điểm của thị trường Nhật Bản và Trung Quốc nhằm phát
triển nguồn khách của du lịch Việt Nam – Trung Quốc”, Hà Nội.
22. Đỗ Tiến Sâm, Furuta Motoo chủ biên (2003), Kỷ yếu Hội thảo “Chính sách đối ngoai
rộng mở của Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc”, NXB Khoa học và xã
hội Hà Nội.
23. Trần Đức Thanh (2003), Nhập môn khoa học du lịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
24. Lê Thông (2003), Địa lý các tỉnh thành phố Việt Nam (Phần 1: Các tỉnh và thành phố
đồng bằng Sông Hồng), NXB Giáo dục, Hà Nội.
25. Trần Phương (2006), Du lịch văn hóa Hải Phòng, NXB Hải Phòng.
26. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng, Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch năm
2005 – 2009.
27. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng, Báo cáo tổng hợp rà soát, điều chỉnh, bổ
sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hải Phòng năm 2020.
28. Tổng Cục Du lịch (2006), Chương trình hành động quốc gia về du lịch 2006 – 2010,
Hà Nội.
Tiếng Anh
29. BELCH. GEORG E. BELCH A (2001), Advertising anh promotion, McGaw – Hiw.
30. Eric laws (1995), Tourist destination management Routledge, London anh New York.
31. Adrian Palmer (1994), Principles of services marketing McGaw – Hiw
32. Puclic private secto partnerships Mecong workshop, PhnomPenh, Cambodia, 1/2006.