Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

skkn kĩ năng hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa nhằm phát huy tính tích cực, chủ động trong dạy học lịch sử ở trường thpt mường lát

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (207.16 KB, 21 trang )

A. ĐẶT VẤN ĐỀ.
Sách giữ vai trò rất quan trọng, là kho tàng tri thức của nhân loại, “là cây
đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất của cuộc đời”
(A.U.Pit), là nơi chia sẽ những thông tin, những suy nghĩ giữa con người với con
người. Nhờ có sách, chúng ta được thừa hưởng một khối lượng tri thức lớn của loài
người về mọi vấn đề, mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Đối với học sinh, sách là một phương tiện rất hữu ích. Trong tất cả các loại
sách, có một loại sách đã trở thành “vật bất li thân” của người học sinh ấy là sách
giáo khoa. Chúng ta có thể khẳng định có bao nhiêu học sinh đến trường thì có bấy
nhiêu bộ sách giáo khoa. Điều đó chứng tỏ sách giáo khoa có vai trò rất quan trọng
đối với học sinh, nó cung cấp những kiến thức cơ bản về tự nhiên và xã hội. Đồng
thời là cơ sở để giáo viên và học sinh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo
hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.
Là một giáo viên mới ra trường, tôi luôn học hỏi từ đồng nghiệp phương
pháp, kinh nghiệm giảng dạy, luôn tìm tòi, nghiên cứu phương pháp dạy học hay,
hiệu quả, phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh và phù hợp với đặc
trưng môn học. Qua thực tế 2 năm giảng dạy, tôi nhận thấy vai trò quan trọng của
bộ sách giáo khoa lịch sử trung học phổ thông(THPT) đối với cả giáo viên và học
sinh.
Sách giáo khoa lịch sử THPT là tài liệu cơ bản, bắt buộc sử dụng trong nhà
trường nên nó có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động dạy và học. Học sinh là
đối tượng chủ yếu sử dụng sách giáo khoa.Tăng cường hoạt động học tập của học
sinh với sách giáo khoa dưới sự chỉ đạo của giáo viên là một trong những hướng
đổi mới phương pháp dạy học lịch sử hiện nay nhằm tích cực hoá hoạt động nhận
thức, gây hứng thú học tập và rèn luyện các kĩ năng thực hành. Từ sách giáo khoa
lịch sử, học sinh có thể tiếp cận được những kiến thức cơ bản, hiện đại, có hệ thống
của môn học. Học sinh có thể tìm hiểu kiến thức lịch sử qua nhiều nguồn thông tin
khác nhau, nhưng kiến thức trong sách giáo khoa là kiến thức chuẩn mực nhất.
Ngoài nguồn kiến thức mới, sách giáo khoa còn là tài liệu giúp học sinh củng cố,
tổng hợp, hệ thống hoá kiến thức thông qua các bài sơ kết, tổng kết, hướng dẫn ôn
tập. Với những kiến thức chuẩn mực, cơ bản, hiện đại, có hệ thống, sách giáo khoa


1
còn là tài liệu tin cậy để học sinh tra cứu, đối chiếu và thẩm định đối với các tài liệu
lịch sử khác. Sử dụng hệ thống câu hỏi, bài tập trong sách giáo khoa, học sinh có
thể tự kiểm tra, đánh giá trình độ nhận thức của mình. Như vậy sách giáo khoa nói
chung và sách giáo khoa lịch sử nói riêng được xem như người thầy thứ hai, sau
người thầy trên lớp, giúp học sinh tiếp cận, chiếm lĩnh kiến thức. Để phát huy tác
dụng của sách giáo khoa, học sinh phải biết cách sử dụng và học tập nơi người thầy
thứ hai này.
Nằm ở vùng biên giới xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hoá, điều kiện ăn ở, đi lại
còn nhiều khó khăn, việc theo đuổi “sự học” của học sinh trường THPT Mường Lát
là một chặng hành trình dài, vất vả. Có được đầy đủ một bộ sách giáo khoa để đến
trường là cả ước mơ của các em mỗi khi năm học mới đến, nói gì đến các tài liệu
tham khảo khác.Vì thế đối với học sinh trường THPT Mường Lát, sách giáo khoa
là tài liệu rất quan trọng, và đối với một bộ phận học sinh, nó có thể là tài liệu duy
nhất. Chính vì thế qua thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy việc hướng dẫn học sinh sử
dụng hiệu quả sách giáo khoa lịch sử là một việc làm tối cần thiết.
Xuất phát từ lí do nêu trên cùng với những trăn trở, suy nghĩ từ thực trạng
trường nơi tôi đang công tác, tôi mạnh dạn chọn đề tài : “ Kĩ năng hướng dẫn học
sinh sử dụng sách giáo khoa nhằm phát huy tính tích cực, chủ động trong dạy
học lịch sử ở trường THPT Mường Lát”. Hi vọng với đề tài này, học sinh sẽ có
hướng tiếp cận mới đối với môn lịch sử, các em sẽ thêm thích, thêm yêu và quí
trọng những giá trị thực sự của môn học từ lâu đã bị xem là môn phụ này.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lí luận
Trong định hướng đổi mới phương pháp dạy và học, nghị quyết IV khóa VII
đã xác định: “ Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự
giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học,
môn học. Bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức
vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học
sinh”.

2
Qua việc “Hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa môn lịch sử” nhằm
phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc chiếm lĩnh kiến thức.
Đồng thời thực hiện theo tinh thần đổi mới môn lịch sử, không ngừng chú trọng cải
tiến phương pháp dạy học, học sinh phải được hướng dẫn phương pháp tự học thì
hiệu quả chất lượng mới được nâng cao.
Sách giáo khoa lịch sử được sử dụng trong tất cả các khâu của quá trình dạy
và học, từ việc chuẩn bị kế hoạch dạy học đến tổ chức các hoạt động dạy học, kiểm
tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Để sử dụng tốt sách giáo khoa lịch sử,
giáo viên cần có các kĩ năng khác nhau: kĩ năng sử dụng sách giáo khoa để thiết kế
bài giảng, kĩ năng sử dụng sách giáo khoa trong quá trình lên lớp. Trong phạm vi
của đề tài, tôi đưa ra một phần trong tổng thể các kĩ năng sử dụng sách giáo khoa
của giáo viên đó là : kĩ năng hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa lịch sử.
Tôi quan niệm sử dụng sách giáo khoa lịch sử nói riêng và sách giáo khoa
nói chung là một phương pháp dạy học. Nếu cả giáo viên và học sinh đều làm tốt
khâu này sẽ mang lại hiệu quả trong mỗi giờ học. Hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu
quả sách giáo khoa lịch sử là phương pháp giúp học sinh làm việc tốt với sách giáo
khoa dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đây được xem là một phương pháp dạy học
lấy học sinh làm trung tâm mà trong đó đóng vai trò chủ đạo của người giáo viên là
rất cần thiết. Nếu sự chỉ đạo của giáo viên không trực tiếp, không cụ thể thì phương
pháp học sinh làm việc với sách giáo khoa sẽ thất bại.
Kĩ năng hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa lịch sử có thể hiểu cụ
thể là: phương pháp giáo viên định hướng, chỉ cho học sinh cách tự chuẩn bị bài
mới, tự ôn bài cũ, tự làm bài tập ở cả giờ học trên lớp và giờ học ở nhà. Ngoài thời
gian trong phần củng cố dặn dò cuối mỗi tiết học, để có thể thực hiện tốt phương
pháp này tôi thường hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa trong các tiết ôn
tập, sơ kết, tổng kết.
II. Thực trạng vấn đề.
Lịch sử là một trong hệ thống các môn học ở trường THPT, nó giúp các em
hiểu biết các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử đã xảy ra trong quá khứ. Từ đó

sẽ tác động đến nhận thức và cả tâm hồn của thế hệ trẻ, các em sẽ biết ứng xử với
quá khứ như thế nào và vận dụng quá khứ đó đối với cuộc sống hôm nay ra sao.
3
Thực tế, trong các tiết dự giờ thăm lớp của đồng nghiệp trong và ngoài trường, tôi
nhận thấy có nhiều giáo viên chưa tạo cho học sinh sự tìm tòi và lòng say mê thật
sự đối với môn học này.
Vậy thì chúng ta phải làm như thế nào để thực sự tạo cho các em niềm say
mê, thích thú học tập đối với bộ môn. Vì từ lâu ấn tượng đối với môn lịch sử không
còn được tốt đẹp nữa. Phần lớn quan niệm của phụ huynh và học sinh cho rằng đây
là môn phụ nên các em chỉ học qua loa, chiếu lệ cho có điểm thôi, chứ không học
với niềm say mê thật sự. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, xuất
phát từ cả giáo viên và học sinh: Học sinh chưa thực sự chủ động, tích cực trong
việc chiếm lĩnh kiến thức lịch sử dưới sự hướng dẫn của giáo viên, ngược lại giáo
viên chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, chủ yếu là truyền thụ kiến thức
một chiều nên dần học sinh không còn hứng thú đối với môn học nữa.
Để giúp học sinh có phương pháp học tập tốt đối với bộ môn này đòi hỏi
người giáo viên phải biết lựa chọn và vận dụng phương pháp hợp lý trong khâu tổ
chức hoạt động dạy học. Trong đó giữ vai trò quan trọng là hướng dẫn học sinh sử
dụng hiệu quả sách giáo khoa lịch sử nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng
tạo trong học tập của học sinh để việc giảng dạy đạt hiệu quả cao.
Một thực tế nữa vẫn còn tồn tại ở các trường THPT nói chung và trường
THPT Mường Lát nói riêng là tình trạng học sinh sử dụng sách giáo khoa sai mục
đích, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng chưa tận tình còn khá phổ biến:
Thứ nhất, trong các giờ học trên lớp, thời gian giáo viên dành cho phần củng
cố sơ kết bài học là rất ít, đôi khi không có nên có rất nhiều giáo viên không hướng
dẫn học sinh chuẩn bị bài mới hoặc có chăng cũng chỉ là sự hướng dẫn một cách
chung chung đại loại : “Các em về nhà nhớ học bài cũ và đọc trước bài 31: cách
mạng tư sản pháp cuối thế kỉ XVIII”. Sự hướng dẫn chung chung, sơ lược như vậy
rõ ràng là không mang lại hiệu quả.
Thứ hai, giáo viên chưa giải thích cho học sinh sách giáo khoa lịch sử

không phải là một tài liệu thông báo kiến thức sẵn có mà chủ yếu là tài liệu hướng
dẫn học sinh học tập, giúp các em nghiên cứu, tìm tòi tri thức. Vì thế trong các bài
kiểm tra, thi học kì…việc học sinh sử dụng sách giáo khoa như một “ phao cứu trợ”
còn khá phổ biến.
4
Thứ ba, một lí do khiến học sinh không đọc sách giáo khoa ở nhà theo sự
hướng dẫn của giáo viên là giáo viên chưa giúp học sinh nhận thấy được sự khác
biệt giữa việc có chuẩn bị và không chuẩn bị bài trước ở nhà. Cứ như thế từ bài này
đến bài khác sẽ trở thành một thói quen theo lối mòn không tốt: từ chỗ đọc “chiếu
lệ”,“ qua loa” lúc đầu, dần dần các em không còn đọc nữa.
Thông thường khi bắt đầu học bài mới, tất cả học sinh đều mở sách giáo
khoa đặt lên bàn, vừa chú ý nghe giảng vừa xem sách giáo khoa, vừa chép bài. Khi
giáo viên hỏi (dưới dạng nhận biết) thì học sinh cứ chăm chăm đọc sách giáo khoa
như “một con vẹt”. Đặc biệt là diễn biến của các cuộc cách mạng, chiến dịch…
chưa tìm hiểu xong diễn biến học sinh đã đọc luôn kết quả của nó. Từ thực tế này
nên học sinh cứ “ỉ lại”, ở nhà thì quên xem sách giáo khoa, còn đến lớp thì chăm
chăm nhìn vào sách giáo khoa để trả lời câu hỏi của giáo viên. Vì thế sự quên đọc
sách ngày càng gia tăng và số học sinh đọc sách trước ở nhà giảm vì vừa mất thời
gian, vừa không khác gì những bạn không đọc trước.
Thứ tư, phần nhiều học sinh chưa hiểu hết ý nghĩa của từ “đọc”. Đối với các
em, “đọc” chỉ đơn thuần là đưa mắt qua các chữ, đôi khi có kèm theo phát âm và
khi xem đến phần chữ cuối cùng của bài học thì nhiệm vụ đọc sách trước ở nhà
được xem như đã hoàn thành.
Thứ năm, một đặc trưng của sách giáo khoa lịch sử là có cả phần kênh chữ
và kênh hình. Kênh hình không đơn giản chỉ là hình ảnh bổ trợ mà nó chính là một
nội dung rất quan trọng của bài học nhưng đôi khi học sinh có thể không xem hoặc
chỉ lướt qua chứ không có sự nghiền ngẫm đối chiếu với nội dung bài học và kết
quả là học sinh chỉ biết được cái vỏ của kiến thức mà chưa thấy được mối liên hệ
bên trong.
Thứ sáu, khi học bài cũ và làm bài tập ở nhà, học sinh có một thói quen là

chỉ dựa vào vở ghi mà quên đọc lại sách giáo khoa, khi đến lớp hiện tượng học sinh
quên mang theo sách giáo khoa vẫn còn tồn tại.
Thứ bảy, ở trường THPT Mường Lát, hiện tượng học sinh đọc chưa thành
thạo còn khá phổ biến. Vì thế việc tạo cho các em thói quen đọc sách giáo khoa
trước khi đến lớp cũng là một phương pháp rèn luyện khả năng đọc cho các em.
5
Thứ tám: Các công trình nghiên cứu và đề tài sáng kiến kinh nghiệm của
giáo viên các năm trước chưa hề đề cập đến vấn đề này.
Như vậy chứng tỏ việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa lịch sử để
phục vụ cho việc học tập còn chưa được quan tâm, chú trọng. Trong phạm vi của
đề tài, tôi hi vọng có thể tạo ra một cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này với quan
điểm hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa như một phương pháp dạy học,
góp phần đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử nói riêng và các môn học khác
nói chung.
III. Một số kĩ năng hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa môn lịch sử
THPT.
Trong thực tế 2 năm giảng dạy, tôi đã thực hiện một số kĩ năng hướng dẫn
học sinh sử dụng sách giáo khoa để phát huy tính tích cực chủ động trong việc tiếp
thu kiến thức lịch sử. Dưới đây là các kĩ năng mà tôi thường áp dụng trong quá
trình giảng dạy. Trong phạm vi của đề tài này, tôi xin trình bày sơ lược về yêu cầu
nội dung, biện pháp thực hiện và cách thức kiểm tra đánh giá đối với từng kĩ năng
hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa lịch sử THPT.
1. Hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa để chuẩn bị cho bài học mới.
Để đạt được mục tiêu đặt ra cho bài học, trước khi lên lớp, giáo viên phải có
sự chuẩn bị kĩ càng từ sách giáo khoa đến hồ sơ giáo án, tài liệu và đồ dùng dạy
học có liên quan, còn học sinh phải đọc sách giáo khoa để chuẩn bị bài mới. Nhưng
trên thực tế, giáo viên chỉ nhắc nhở học sinh một cách chung chung là về nhà học
bài cũ và đọc trước bài mới nên không mang lại hiệu quả. Mặt khác, học sinh
thường bỏ qua thói quen đọc bài mới ở nhà hoặc nếu có đọc cũng chỉ là “ qua loa”,
“chiếu lệ” mà chưa có sự suy ngẫm nội dung bài học khi đọc.

Để khắc phục tình trạng chuẩn bị bài nói trên, tôi đã áp dụng các biện pháp
sau:
a) Tạo cho các em một niềm đam mê đọc sách:
Đọc sách giữ vai trò rất quan trọng, tạo cho học sinh một niềm đam mê đọc
sách nói chung sẽ giúp các em có một thói quen tốt khi đọc sách giáo khoa. Chính
vì thế, trong tiết học đầu tiên của năm học ở tất cả các lớp, tôi sẽ ành một khoảng
6
thời gian nhất định để trao đổi, thảo luận với các em về cách đọc sách và phương
pháp đọc sách giáo khoa có hiệu quả nhất.
Khi yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa, tôi lưu ý học sinh những vấn đề sau:
+Yêu cầu học sinh phải tập trung cao độ khi đọc: Cố gắng không để những
công việc khác, những tác động bên ngoài làm xao nhãng, ảnh hưởng đến quá trình
đọc sách. Ví dụ như dùng điện thoại, xem ti vi, nói chuyện….
+ Học sinh phải tích cực tư duy khi đọc : Đọc sách mà không tư duy chỉ làm
tổn phí thời gian vô ích. Tích cực tư duy khi đọc là năng lực chiếm lĩnh tri thức, đối
chiếu, so sánh chúng với nhau, với những hiểu biết đã có.
+ Rèn luyện kĩ thuật đọc hợp lí: Khi đọc sách tránh nơi ồn ào, không nên đọc
sách trong tư thế nằm. Đọc tại bàn viết, ngồi thoải mái, để sách vừa tầm mắt,
không đọc bằng miệng mà đọc bằng mắt và óc, đọc với tốc độ thay đổi: phần nào
dễ hiểu và không quan trọng thì đọc nhanh, phần quan trọng thì đọc chậm.
Từ đó, giúp hình thành ở các em một thói quen và một niềm đam mê khi đọc
sách nói chung và sách giáo khoa lịch sử nói riêng.
b) Ở mỗi tiết học, tôi tận dụng khoảng thời gian củng cố bài ở cuối tiết học
khoảng 3-5 phút để:
Bước 1: Hướng dẫn học sinh cách đọc sách giáo khoa để tiếp thu kiến thức mới.
Tôi yêu cầu học sinh về nhà đọc toàn bộ phần kênh chữ và quan sát kĩ càng phần
kênh hình của bài học mới. Tất nhiên là bài học mới nên các em sẽ không nhận
thức được tất cả nội dung nhưng việc làm này sẽ có ý nghĩa giúp các em nắm được
những kiến thức đơn giản, dễ hiểu. Sau đó, tôi yêu cầu học sinh sau khi đọc phải
gạch chân vào những sự kiện, hiện tượng mà các em cho là nỗi bật, những khái

niệm phức tạp để các em tiếp thu, trao đổi trong quá trình nghe giảng ở trên lớp.
Bước 2: Hướng dẫn học sinh quan sát các tranh ảnh, lược đồ, niên biểu… (nếu có)
trong sách giáo khoa. Lưu ý các em quan sát kỹ các chi tiết quan trọng của kênh
hình có liên quan tới nội dung bài viết. Ví dụ, đối với lược đồ cần chú ý tới các kí
hiệu diễn tả ranh giới, địa danh, diễn biến của sự kiện. Đối với tranh ảnh cần quan
sát kỹ thái độ, hành động của nhân vật, cảnh quan trong hình ảnh…kênh hình
không chỉ làm cho sách giáo khoa sinh động, hấp dẫn mà còn là nguồn cung cấp
7
thông tin quan trọng. Nhắc nhở học sinh quan sát trước kênh hình kết hợp với nội
dung bài viết sẽ giúp các em chủ động tiếp thu bài học mới.
Bước 3: Tôi yêu cầu học sinh về nhà đọc trước câu hỏi của bài học mới trong sách
giáo khoa và suy nghĩ phương án giải quyết.
Ví dụ: Khi chuẩn bị bài 25:“Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn
– nửa đầu thế kỉ XIX”( lịch sử 10, cơ bản), tôi yêu cầu học sinh về nhà làm việc với
sách giáo khoa theo các bước sau:
Bước 1: - Tôi yêu cầu học sinh về nhà đọc toàn bộ nội dung bài học trong sách
giáo khoa bao gồm:
+ Đọc tên bài học: “Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa dưới triều Nguyễn”.
+ Đọc phần tóm tắt bài viết ( Phần chữ màu xanh ở phía dưới tên bài học) trình
bày mục tiêu về mặt kiến thức mà học sinh cần đạt được sau khi học xong.
+ Đọc mục 1: Xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước- chính sách ngoại giao.
+ Đọc mục 2:Tình hình kinh tế và chính sách của nhà Nguyễn.
+ Đọc mục 3: Tình hình văn hóa- giáo dục.
- Sau khi yêu cầu học sinh đọc toàn bộ nội dung bài học, tôi yêu cầu học
sinh đối chiếu phần tóm tắt nội dung kiến thức cơ bản với tên bài học, đối chiếu
từng mục với tên bài học để thấy được mối liên hệ giữa chúng.
- Tiếp đó, tôi yêu cầu học sinh gạch chân những sự kiện lịch sử tiêu biểu,
những thuật ngữ, khái niệm lịch sử khó hiểu, ví dụ:Chế độ công tượng, Quốc sử
quán, …Giáo viên sẽ lần lượt trao đổi, giải thích trong tiến trình của tiết học hôm
sau.

Bước 2: Tôi yêu cầu học sinh về nhà quan sát kênh hình trong bài và suy nghĩ
phương án trả lời các câu hỏi sau:
- Với kênh hình 49 - SGK: “ Lược đồ các đơn vị hành chính Viêt Nam thời
Minh Mạng”, tôi yêu cầu học sinh quan sát và suy nghĩ câu hỏi sau: “ Từ việc quan
sát, em hãy trình bày cách tổ chức hành chính thời Nguyễn, so sánh với cách phân
chia hành chính ngày nay”?
- Với kênh hình 50:“Đánh vật-tranh Đông Hồ”, học sinh về nhà quan sát và
nhận xét về sự phát triển của thủ công nghiệp trong nhân dân dưới thời kì nhà
Nguyễn?
8
Học sinh sau khi quan sát kênh hình, sẽ suy nghĩ phương án trả lời và ghi
chép thành dàn ý vào vở bài tập- phần chuẩn bị bài mới.
Bước 3: Tôi yêu cầu học sinh đọc hệ thống câu hỏi ở cuối mục 1, mục 2, mục 3,
cuối bài học và suy nghĩ phương án trả lời, sau đó làm thành dàn ý.
Để quá trình chuẩn bị bài mới của học sinh diễn ra liên tục, có hiệu quả, các
em thấy thích thú, hào hứng với hoạt động này mà không cảm thấy phải làm như là
một “nghĩa vụ” trước khi đến lớp, tôi yêu cầu học sinh chuẩn bị một cuốn vở chia
thành 2 phần (1 phần chuẩn bị bài mới, 1 phần làm bài tập cuối mỗi bài học). Ngoài
việc kiểm tra quá trình chuẩn bị bài mới tại lớp, tôi còn thu vở của học sinh để kiểm
tra, chấm, kịp thời tuyên dương, cho điểm những học sinh có tinh thần chuẩn bị bài
tốt, nhắc nhở, phê bình những học sinh chưa có sự chuẩn bị kĩ càng hoặc đối phó.
2. Hướng dẫn học sinh kết hợp sử dụng sách giáo khoa với nghe giảng, ghi
chép và trao đổi, thảo luận theo nhóm.
Sử dụng sách giáo khoa kết hợp với nghe giảng, ghi chép, trao đổi, thảo luận
theo nhóm thể hiện sự tác động tương hỗ giữa các hoạt động: Giáo viên giảng bài-
học sinh làm việc với sách giáo khoa- thảo luận trao đổi giữa giáo viên với học sinh
và giữa học sinh với nhau trong giờ học. Nhà tâm lí học M.N.Sac-đa-cốp (Liên Xô)
trong tác phẩm “tư duy của học sinh” đã khẳng định: Không thể xảy ra quá trình tư
duy nếu không nảy sinh vấn đề và không có “tài liệu” từ trước. Những “tài liệu” để
học sinh tiến hành tư duy là những kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp mà các

em đã có hoặc được cho trước, trên cơ sở đó, các em khám phá ra kiến thức mới.
Các sự kiện, hiện tượng lịch sử trình bày trong sách giáo khoa giúp học sinh có “tư
liệu” để trả lời câu hỏi do giáo viên đặt ra hoặc giải quyết vấn đề trong trao đổi,
thảo luận.
Trong thực tế ở các tiết học lịch sử, thường xảy ra hiện tượng học sinh chỉ
nghe giảng và nhìn lên bảng để ghi chép mà không theo dõi sách giáo khoa hoặc
chỉ là ghi chép trong sách giáo khoa mà không ghi theo bài giảng hoặc học sinh chỉ
chăm chăm nhìn vào sách giáo khoa để trả lời câu hỏi của giáo viên.
Để khắc phục tình trạng này, trong quá trình lên lớp, tôi tiến hành các biện pháp
sau:
9
Bước 1: Trước khi đi tìm hiểu bài mới, vì học sinh đã có sự chuẩn bị bài ở nhà rồi
nên tôi yêu cầu học sinh gấp sách giáo khoa lại sau đó mới nêu câu hỏi: “ Sau khi
chuẩn bị bài ở nhà, trong bài học này các em thấy có những sự kiện lịch sử nào
tiêu biểu, những thuật ngữ, khái niệm nào khó hiểu?”
- Học sinh trả lời.
- Giáo viên ghi chép vào góc phải của bảng và lần lượt trao đổi, giải thích,
thảo luận trong tiến trình của tiết học.
Bước 2: Tôi nhắc nhở học sinh theo dõi bài giảng rồi đối chiếu, so sánh với sách giáo
khoa, đánh dấu những kiến thức quan trọng trong nội dung bài viết sách giáo khoa
đồng thời ghi chép những vấn đề giáo viên giải thích, bổ sung hay nâng cao.
Ví dụ: Khi dạy bài 31: “Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII”( lịch sử 10, cơ
bản).
Sau khi đọc sách giáo khoa ở nhà rồi, học sinh sẽ đánh dấu những sự kiện
quan trọng, đáng lưu ý (đồng thời đối chiếu với bài giảng của giáo viên): Sự kiện
14-7-1789, quần chúng tấn công ngục Ba-xti;tuyên ngôn“nhân quyền và dân
quyền”; sự kiện ngày 10-8-1792; sự kiện ngày 2-6-1793; sự kiện ngày 27-7-1794;
tháng 11-1799.
Ngoài những kiến thức cơ bản đã có trong sách giáo khoa, giáo viên cần
cung cấp thêm những kiến thức như sau :

Ở mục I : “Nước Pháp trước cách mạng”
- Mục 1: “Tình hình kinh tế, xã hội”
Sau khi yêu cầu học sinh quan sát kênh hình 56 – “tình cảnh người nông
dân pháp trước cách mạng”, nhận xét về bức tranh biếm hoạ này, để học sinh hiểu
rõ hơn về tình kinh tế, xã hội Pháp, tôi cung cấp cho học sinh thêm tư liệu bằng
cách miêu tả bức tranh này.
- Mục 2: “Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng”, giáo viên cung cấp thêm tư
liệu về 3 đại diện tiêu biểu của trào lưu “ triết học Ánh sáng” kết hợp với ảnh chân
dung.
Mục II : “Tiến trình cách mạng”.
- Mục 1: “ Cách mạng bùng nổ. Nền quân chủ lập hiến”.
10
+ Giáo viên cung cấp thêm : Miêu tả ngục Baxti, tường thuật diễn biến cuộc
tấn công ngục Baxti.
+ Giáo viên cung cấp thêm tư liệu về tuyên ngôn “Nhân quyền và dân
quyền” năm 1789 của Pháp, so sánh với tuyên ngôn độc lập của Việt Nam 2-9-
1945.
+ Cung cấp thêm nội dung bản Hiến pháp 9-1791 để học sinh thấy được hạn
chế của bản Hiến pháp này.
- Ở mục 2: “Tư sản công thương cầm quyền.Nền cộng hoà được thiết lập”:
+ Giới thiệu về phái Girôngđanh
+ Miêu tả cảnh Lu-i XVIII bị xử chém kết hợp với kênh hình 59: “ Vua Lu-i
XVIII bị xử chém.(21-1-1793)”.
- Ở mục 3: “ Nền chuyên chính Giacôbanh-đỉnh cao cách mạng”
+ Giáo viên cung cấp thêm về phái Giacôbanh và luật sư Rô-be-spie
+ Nói rõ hơn về nội dung của Hiến pháp 6-1793, so sánh với hiến pháp năm
1791 để thấy được điểm tiến bộ của Hiến pháp này.
Ở mục III : “Ý nghĩa của cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII”
- Giáo viên cung cấp thêm một vài nhận định của các lãnh tụ trên thế giới về
ý nghĩa của cách mạng tư sản Pháp.

Trên đây là những kiến thức ngoài sách giáo khoa khi dạy bài 31( lịch sử
10,cơ bản) mà giáo viên cung cấp thêm cho học sinh, yêu cầu học sinh theo dõi
những kiến thức đã có trong sách giáo khoa, nghe giáo viên giảng bài đồng thời ghi
chép những nội dung mà giáo viên cung cấp thêm.
Bước 3: Tôi yêu cầu cầu học sinh quan sát các kênh hình (nếu có) trong sách giáo
khoa kết hợp với nghe giảng, trả lời câu hỏi để nắm kiến thức cơ bản, nâng cao
hiệu quả học tập.
Ví dụ 1: Để học sinh hiểu rõ tình hình nước Nga trước cách mạng (một trong
những kiến thức cơ bản của bài 9: Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và cuộc
đấu tranh bảo vệ cách mạng(1917-1921),lịch sử 11, cơ bản), tôi yêu cầu học sinh
quan sát kĩ kênh hình 23: “những người lính Nga ngoài mặt trận, tháng 1-1917”
kết hợp với nghe giáo viên giảng giải, miêu tả kênh hình, học sinh sẽ hiểu rõ ràng
11
việc Nga Hoàng tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất đã đẩy nước Nga vào cuộc
khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội.
Ví dụ 2: Khi dạy bài 30: “Chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa Anh ở Bắc
mĩ”( lịch sử 10, cơ bản), tôi yêu cầu học sinh quan sát kênh hình 53- “Lược đồ 13
thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ” kết hợp với nghe giáo viên giảng về quá trình hình thành
13 thuộc địa của Anh ở Bắc Mĩ, sự phát triển kinh tế ở khu vực này… Đồng thời,
tôi yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1: Xác định vị trí địa lí của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ trước cuộc chiến
tranh giành độc lập?
Câu 2: Kể tên của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ?
Câu 3: Đánh dấu những địa danh có liên quan đến những sự kiện nêu trong bài?
Ví dụ 3 : Khi dạy bài 33: “Hoàn thành cách mạng tư sản ở châu Âu và Mĩ giữa thế
kỉ XIX”(lịch sử 10, cơ bản), tôi cho học sinh quan sát kênh hình 63 : Bi-xmác(1815-
1898) và trả lời câu hỏi sau: “Nhìn vào kênh hình, em có cảm nhận gì về nhân vật
Bi-xmác”. Tiếp đó, giáo viên trình bày một số nét về tính cách, cuộc đời và hoạt
động của Bi-xmác, để học sinh đối chiếu với cảm nhận ban đầu của mình về nhân
vật này.

Bước 4: Hướng dẫn học sinh khai thác sách giáo khoa để trả lời câu hỏi do giáo
viên đặt ra hoặc thảo luận, trao đổi theo nhóm.
Ví dụ 1: Để giải quyết câu hỏi:“Tại sao nói đế quốc Nhật Bản là chủ nghĩa đế
quốc phong kiến quân phiệt?” ( trong khi học bài 1 : Nhật Bản, sách giáo khoa lịch
sử 11, cơ bản) , giáo viên không nên nhắc nhở chung chung : “ Các em đọc sách
giáo khoa rồi trả lời câu hỏi của cô” mà cần gợi ý cho học sinh dựa vào nội dung
bài viết trong sách giáo khoa giới thiệu về sự ra đời của các công ty độc quyền như
Mít- xưi, Mít-su-bi-si có khả năng lũng đoạn chính trị, kinh tế ở Nhật Bản; Giới
cầm quyền Nhật Bản thi hành chính sách bành trướng và xâm lược; Sự tồn tại của
quyền sở hữu ruộng đất phong kiến; Ưu thế chính trị của giới võ sĩ Samurai…để trả
lời.
Ví dụ 2 : Khi dạy mục 4: “Văn hoá Trung Quốc thời phong kiến” ( bài 5: Trung
quốc thời phong kiến, lịch sử 10, cơ bản ), giáo viên chia lớp thành 3 nhóm, giải
quyết 3 vấn đề sau:
12
Nhóm 1: Những thành tựu trên lĩnh vực tư tuởng của chế độ phong kiến Trung
Quốc?
Nhóm 2 : Những thành tựu trên lĩnh vực sử học, văn học?
Nhóm 3: Những thành tựu trên lĩnh vực khoa học kĩ thuật?
Tôi hướng dẫn học sinh dựa vào nội dung sách giáo khoa để thảo luận, ghi vào
phiếu học tập, sau đó cử đại diện trả lời.
Bước 5: Tôi yêu cầu học sinh tự đọc các nội dung ít phức tạp, không cơ bản, dễ
hiểu trong sách giáo khoa, sau đó tự tóm tắt, kể lại những nội dung đó.
Ví dụ: Khi dạy bài 16:“Các nước Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (
1918-1939)( sách giáo khoa lịch sử 11, cơ bản), giáo viên yêu cầu học sinh tự đọc
mục 1:“Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội” vì nội dung mục này đơn giản, dễ hiểu.
Sau đó, yêu cầu các em trình bày tóm tắt những chuyển biến quan trọng về kinh tế,
chính trị, xã hội của các nứơc Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới thứ nhất.
Như vậy quá trình lên lớp của giáo viên và học tập của học sinh không thể tách
rời sách giáo khoa. Nhiệm vụ của giáo viên là phải linh hoạt sáng tạo điều khiển học

sinh học tập một cách nhịp nhàng nhưng hiệu quả giữa " kịch bản" của mình với sách
giáo khoa để cho học sinh dễ hiểu bài. Tránh tình trạng giáo viên dạy "cao quá" tới
mức " xa rời" sách giáo khoa khiến cho học sinh khó hiểu hoặc không thể hiểu bài.
Để cho quá trình này diễn ra liên tục, có hiệu quả, học sinh tích cực hăng
say phát biểu bài, chủ động chiếm lĩnh tri thức lịch sử, giáo viên phải thường xuyên
kiểm tra, khuyến khích học sinh bằng cách tuyên dương hoặc cho điểm.
3. Hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa để làm tài liệu ôn tập, củng cố,
hệ thống hoá kiến thức và làm bài tập ở nhà.
3.1 Ôn bài cũ:
Ôn luyện bài cũ là một khâu quan trọng trong quá trình học tập của mỗi học
sinh. Ôn luyện chính là củng cố, là khắc sâu để ghi nhớ kiến thức. Đối với môn lịch
sử việc ôn luyện bài cũ là rất quan trọng, giúp học sinh ghi nhớ các sự kiện, hiện
tượng lịch sử. Học sinh có thể sử dụng nhiều nguồn tài liệu khác nhau để ôn tập,
củng cố kiến thức, nhưng sách giáo khoa là tài liệu tin cậy và thuận tiện nhất. Giáo
viên cần có kĩ năng hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa để phục vụ cho
13
việc tự học ở nhà. Để hướng dẫn học sinh ôn luyện bài cũ một cách hiệu quả, tôi
thường yêu cầu học sinh thực hiện các bước như sau:
- Đọc lại sách giáo khoa và vở ghi.
- Đối chiếu lại nội dung bài viết trong sách giáo khoa và vở ghi để tái hiện lại
bài giảng trên lớp và ghi nhớ kiến thức cơ bản.
- Yêu cầu học sinh dựa vào nội dung sách giáo khoa và vở ghi rồi tóm tắt, hệ
thống hoá kiến thức cơ bản bằng các sơ đồ, niên biểu…
Ví dụ 1: Sau khi dạy bài 29: “ Cách mạng Hà Lan và cách mạng tư sản Anh”
(Sách giáo khoa lịch sử 10, cơ bản), tôi yêu cầu học sinh về nhà ôn luyện bài cũ
bằng cách vẽ sơ đồ diễn biến cách mạng tư sản Anh hoặc vẽ sơ đồ diễn biến cách
mạng tư sản pháp năm 1789 đối với bài 31: “cách mạng tư sản pháp cuối thế kỉ
XVIII ” ( Sách giáo khoa lịch sử 10, cơ bản).
Ví dụ 2: Sau khi dạy xong bài 17:“Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945)”(lịch
sử 11, cơ bản), để học sinh khắc sâu thêm diễn biến chiến tranh thế giới thứ hai, tôi

yêu cầu học sinh về nhà hoàn thành bảng thống kê sau:
Thời gian Nội dung sự kiện
……
Ví dụ 3: Sau khi học xong bài 15:“Phong trào cách mạng ở Trung Quốc và Ấn
Độ(1918-1939)” ( lịch sử 11, cơ bản), tôi yêu cầu học sinh về nhà sau khi ôn luyện
bài cũ thì lập bảng thống kê nêu những điểm khác nhau về giai cấp lãnh đạo,con
đường và phương pháp đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc ở Ấn Độ so
với Trung Quốc trong những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới theo mẫu sau:
Tiêu chí so sánh Cách mạng Ấn Độ Cách mạng Trung Quốc
Giai cấp lãnh đạo
Con đường
Phương pháp
3.2. Làm bài tập ở nhà:
Bài tập trong sách giáo khoa lịch sử THPT thường là những câu hỏi dưới
dạng nhận biết, thông hiểu và vận dụng, giành cho cả học sinh từ trung bình đến
khá, giỏi. Với sách giáo khoa thường là những câu hỏi tự luận nằm phần cuối ở
mỗi bài, còn vở bài tập thì đó là các câu hỏi trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Phần
14
bài tập (kể cả ở sách giáo khoa và vở bài tập) của học sinh đều rất quan trọng. Nó
có tác dụng giúp học sinh vừa ôn lại kiến thức, vừa rèn luyện khả năng diễn đạt,
triển khai vấn đề bằng bài viết. Qua đó thể hiện khả năng nắm vững và vận dụng
kiến thức của các em. Những kiến thức mà các em thu được từ việc làm bài tập sẽ
chắc chắn và bền vững hơn khi các em chỉ học thuộc.
Đối với môn lịch sử, dường như khâu quan trọng này thường bị giáo viên
và học sinh bỏ quên hoặc có nhớ thì cũng là sự dặn dò chung chung ở cuối tiết học:
các em về nhà học bài cũ, đọc bài mới và trả lời câu hỏi cuối bài… Còn học sinh
về nhà chẳng biết làm gì ngoài đọc lại vở ghi hoặc tốt hơn là so sánh giữa vở ghi
với sách giáo khoa và học thuộc một số sự kiện nào đó. Một nhiệm vụ học tập
chung chung không rõ ràng, học sinh không biết về nhà phải hoàn thành những
công việc gì như vậy sẽ không thúc đẩy việc tự học của học sinh. Vì vậy, việc ra

các bài tập và yêu cầu học sinh phải hoàn thành các bài tập cụ thể là một yêu cầu
cần thiết, từng bước hình thành kĩ năng, thói quen tự học cho học sinh.
Để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả sách giáo khoa trong việc làm bài
tập ở nhà, tôi thực hiện các thao tác sau:
a) Đối với những bài tập trong sách giáo khoa, tôi phân ra thành 3 dạng khác nhau :
+ Dạng bài tập nhận biết, tôi yêu cầu học sinh trả lời ngay tại lớp trong phần
củng cố bài ở cuối mỗi tiết học, sau đó tôi yêu cầu học sinh về nhà, sau khi ôn bài
xong, gấp vở ghi và sách giáo khoa lại, tự làm lại bài tập đó theo trí nhớ.
Ví dụ 1: Khi dạy bài 5:“Trung Quốc thời phong kiến”( lịch sử 10, cơ bản), ở phần
sơ kết bài học, tôi yêu cầu học sinh trả lời 3 câu hỏi cuối sách giáo khoa:
Câu 1:Chế độ phong kiến Trung Quốc được hình thành như thế nào?
Câu 2: Sự thịnh trị của chế độ phong kiến dưới thời Đường được biểu hiện như
thế nào?
Câu 3: Hãy nêu các thành tựu chủ yếu của văn hoá Trung Quốc thời phong kiến?
Ví dụ 2: Đối với bài “Sự phát triển của lịch sử và nền văn hoá đa dạng của Ấn
Độ”( lịch sử 10, cơ bản), tôi yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi sau ở phần sơ kết:
“Những chính sách của A-cơ-ba và ý nghĩa của nó?”
15
+ Dạng bài tập thông hiểu và vận dụng, tôi hướng dẫn, gợi ý để học sinh về nhà
làm, đến tiết học hôm sau tôi sẽ kiểm tra lại bằng hình thức kiểm tra miệng, hoặc
thu vở bài tập của học sinh để chấm.
Ví dụ 1: Ở bài 3:“Các quốc gia cổ đại phương Đông”( lịch sử 10, cơ bản), tôi
hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi: “Tại sao cư dân lưu vực các dòng sông lớn ở
Châu Á, Châu Phi có thể sớm hình thành xã hội có giai cấp và nhà nước? Đặc
điểm kinh tế của vùng này là gì?” theo các câu hỏi gợi ý nhỏ như sau:
●Tại sao? Tôi gợi ý để học sinh về nhà dựa vào sách giáo khoa trả lời các câu
hỏi sau:
- Công cụ bằng kim loại ở đây xuất hiện từ khi nào?
- Điều kiện tự nhiên thuận lợi như thế nào?
● Đặc điểm kinh tế: Cư dân sống ở đây sống bằng những nghành nghề gì?

Ví dụ 2: Khi dạy bài 31: “Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII?”( lịch sử 10,
cơ bản), để hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi sau: “ Lập niên biểu diễn biến cách
mạng qua các giai đoạn. Tại sao nói thời kì chuyên chính Giacôbanh là thời kì
đỉnh cao của cách mạng tư sản Pháp?”, tôi hướng dẫn học sinh như sau:
● Lập niên biểu theo mẫu:
Các giai đoạn Những sự kiện quan trọng
Giai đoạn 1(14-7-1789 đến 10-8-1792)
Giai đoạn 2(10-8-1792 đến 2-6-1793)
Giai đoạn 3(2-6-1793 đến 27-7-1794)
Giai đoạn4 (27-7-1794 đến 11-1799)
● Tại sao? Tôi gợi ý học sinh trả lời các câu hỏi nhỏ sau:
- Phái Gia-cô-banh lên nắm chính quyền trong bối cảnh đất nước như thế nào?
- Phái Gia-cô-banh đã đưa ra những biện pháp gì để đưa đất nước thoát khỏi
hiểm nghèo?
- Những biện pháp trên có ý nghĩa như thế nào?
- Kết quả cuả các biện pháp mà phái Giacôbanh ban hành là gì?
Ví dụ 3: Đối với dạng bài tập vận dụng như:“So sánh bộ máy nhà nước thời Lê sơ
với bộ máy nhà nước thời Đinh, Tiền Lê?” ( bài 17: quá trình hình thành và phát
16
triển của nhà nước phong kiến( từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ XV), lịch sử 10, cơ bản),
tôi hướng dẫn học sinh như sau:
Tiêu chí so sánh Nhà Đinh- tiền Lê Nhà Lê Sơ
Tổ chức bộ máy nhà nước
Chính quyền địa phương
Nhận xét: Bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế nhà Lê sơ đã đạt tới mức độ
phát triển như thế nào?
b) Đối với bài tập trong vở bài tập lịch sử, tôi thực hiện các bước như sau:
+ Đối với dạng bài tập trắc nghiệm( chủ yếu là câu hỏi nhằm kiểm tra kiến
thức cơ bản của học sinh), tôi dặn học sinh về nhà tự làm.
+ Đối với bài tập tự luận mà trong sách giáo khoa không có, tôi sẽ gợi ý để

học sinh về nhà có hướng giải quyết.
Ví dụ: Khi dạy bài 9: “Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và cuộc đấu tranh
bảo vệ cách mạng(1917-1921)”( lịch sử 11, cơ bản), tôi hướng dẫn học sinh bài
tập:“Cách mạng tháng Hai năm 1917 ở Nga diễn ra như thế nào? Tại sao gọi cuộc
cách mạng này là cách mạng tư sản kiểu mới ?” theo các bước sau:
• Diễn biến của cách mạng tháng Hai? (tôi yêu cầu học sinh tự làm)
• Tại sao? Tôi yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1: Lãnh đạo cách mạng tháng Hai là ai?
Câu 2: Lực lượng tham gia cuộc cách mạng này là ai?
Câu 3: Nhiệm vụ của cuộc cách mạng này là gì?
Câu 4 : Xu hướng phát triển của đất nước sau khi cách mạng giành thắng lợi là gì?
c) Đối với học sinh khá, giỏi, tôi thường ra thêm các bài tập có tính chất khái quát
để các em về nhà suy nghĩ hướng giải quyết và rèn luyện khả năng tự viết bài của
mình.
Ví dụ 1: Sau khi học xong bài 33: “Hoàn thành cách mạng tư sản ở Châu Âu và Mĩ
giữa thế kỉ XIX”( lịch sử 10, cơ bản), tôi yêu cầu học sinh giải quyết bài tập sau:
“ Cách mạng tư sản là gì? Kể tên các cuộc cách mạng tư sản mà em đã học theo
bảng thống kê sau:
Tên cuộc cách
mạng
Thời gian Diễn biến chính Tính
chất
Kết quả, ý
nghĩa
17
……………. ……… ………… …… ……………
Ví dụ 2: Sau khi học xong bài 20:“ Chiến sự lan rộng ra cả nước. Cuộc kháng
chiến của nhân dân ta từ năm 1873-1884. Nhà nguyễn đầu hàng.”( Lịch sử 11,
cơ bản). Tôi yêu cầu học sinh giải quyết thêm bài tập sau:“Giữa thế kỉ XIX, cùng
nằm chung trong bối cảnh Châu Á, tại sao Nhật Bản và Thái Lan lại giữ được

nền độc lập còn Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước
thuộc địa nửa phong kiến?”
Kinh nghiệm đã chỉ ra cho tôi thấy rằng để hướng dẫn học sinh sử dụng sách
giáo khoa làm bài tập có hiệu quả thì giáo viên phải tích cực kiểm tra, đánh giá.
Song song với việc kiểm tra miệng trên lớp kèm theo kiểm tra vở bài tập,thì giáo
viên phải thường xuyên thu vở bài tập của học sinh để kiểm tra và chấm. Có như
vậy thì việc học tập mới đạt kết quả cao.
C. KẾT LUẬN
I. Kết quả đạt được.
Sau một năm nghiên cứu và áp dụng: “ Kĩ năng hướng dẫn học sinh sử dụng
sách giáo khoa để phát huy tính tích cực, chủ động trong dạy học lịch sử ở trường
THPT Mường Lát ", dù chưa thật đồng đều ở các khối lớp, các đối tượng học sinh
song tôi đã bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như sau:
1. Học sinh các lớp tôi dạy đều hưởng ứng và có ý thức học môn lịch sử hơn.
2. Với phương pháp này học sinh có sự chuẩn bị bài tốt hơn, từ đó tiếp cận môn
học dễ dàng hơn. Giờ học ở trên lớp các em sôi nổi xây dựng bài, về nhà không còn
lúng túng với cách học và cách làm bài tập. Ngoài vở ghi, vở bài tập, các em còn có
vở chuẩn bị bài mới. Đây chính là điều mà tôi mong muốn hơn cả.
3. Ngoài việc nắm vững kiến thức cơ bản, học sinh còn có nhiều cơ hội tiếp cận với
các dạng bài tập khác nhau, ở những mức độ khác nhau, từ đó rèn luyện khả năng
giải quyết vấn đề và khả năng viết bài đối với môn lịch sử.
4. Với việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo lịch sử, khả năng đọc của học
sinh được nâng lên, góp phần cùng với các môn xã hội rèn luyện khả năng đọc cho
học sinh.
5. Cũng từ việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa lịch sử mà trong các
bài kiểm tra thường xuyên và định kì, tôi nhận thấy chất lượng tăng lên đáng kể.
18
Cụ thể năm học qua (2012-2013) như sau:
Lớp HK Sĩ số Giỏi Khá TB Yếu Kém
10B 1 44 5 15 23 1 0

2 44 8 25 11 0 0
10C 1 44 4 12 27 0 0
2 44 7 20 17 0 0
11A
1 25 5 17 1 0 0
2 27 8 20 0 0 0
11B
1 46 1 16 28 1 0
2 46 3 24 19 0 0
11C
1 45 3 15 27 0 0
2 45 7 23 15 0 0
Đây là kết quả 5 lớp mà tôi trực tiếp giảng dạy và áp dụng các kĩ năng hướng
dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa lịch sử. Qua đó có thể thấy được tỉ lệ học sinh
khá, giỏi tăng lên đáng kể trong học kì 2 so với học kì 1, không còn học sinh yếu.
II. Bài học kinh nghiệm.
Từ thực tiễn giảng dạy, tôi đã rút ra một số kinh nghiệm quý báu cho việc áp
dụng phương pháp hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa lịch sử THPT như
sau:
1. Ngoài dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, giáo viên cần bám sát nội dung
sách giáo khoa trong quá trình lên lớp, tránh hiện tượng “xa rời” sách giáo
khoa khiến học sinh khó hiểu.
2. Giáo viên cần đưa ra những câu hỏi đơn giản, ngắn gọn, phù hợp, gắn liền với
kiến thức trọng tâm của bài học.
3. Các dạng câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng phải được áp dụng linh hoạt
đối với các lớp và các đối tượng học sinh khác nhau.
4. Giáo viên phải tận dụng tốt thời gian củng cố bài ở cuối mỗi tiết học để hướng
dẫn học sinh làm bài tập củng cố, chuẩn bị bài mới và gợi ý các hướng làm bài tập
ở nhà.
5. Tăng cường kiểm tra đánh giá; thu vở, chấm bài; tuyên dương cho điểm, khuyến

khích học sinh học tập.
III. Kiến nghị đề xuất:
19
1. Các giáo viên bộ môn cần phải phối hợp với giáo viên chủ nhiệm đôn đốc nhắc
nhở học sinh học tập.
2. Vì điều kiện kinh tế của đại đa phần học sinh trường THPT Mường Lát còn
nhiều khó khăn nên việc có đầy đủ một bộ sách giáo khoa đến trường là cả niềm
vui lớn của các em. Mặc dù trong những năm qua, nhà trường đã có rất nhiều cố
gắng để giải quyết vấn đề này ( như cho học sinh mượn miễn phí sách giáo khoa),
nhưng vẫn còn nhiều học sinh chưa có.Mặt khác, đối với học sinh khối 12, khi các
em đang cần tài liệu ôn thi tốt nghiệp và đại học mà lại phải trả sách cho nhà
trường thì sẽ rất khó khăn trong vấn đề ôn tập của học sinh. Vì thế qua đề tài này,
tôi rất mong BGH nhà trường cùng các ban ngành có biện pháp tạo điều kiện tốt
nhất cho “ sự học” của học sinh huyện Mường Lát nói chung, của trường THPT
Mường Lát nói riêng.
3. Hầu hết các bài học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa THPT còn dài,
lượng kiến thức cho mỗi tiết học nhiều vì thế trong nhiều bài học để đảm bảo đủ
lượng kiến thức cung cấp cho học sinh thì cả giáo viên và học sinh đều phải “gắng
sức”.Vì thế, tôi mong trong những năm tới đây, bộ Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo
dục và Đào tạo Thanh Hoá có hướng mới trong việc giải quyết khó khăn này.
IV. Lời cảm ơn
Đề tài này đã được nghiên cứu rất công phu song không tránh khỏi những
hạn chế . Tôi rất mong nhận được sự góp ý của các bạn đồng nghiệp, Hội đồng
khoa học nhà trường để đề tài này được hoàn thiện hơn.
Tôi xin gửi lời cảm ơn tới ban giám hiệu nhà trường, tổ Văn-Sử-GDCD và
các bạn đồng nghiệp, các em học sinh khối lớp 10, 11 năm qua đã luôn quan tâm,
nhiệt tình hưởng ứng và giúp tôi thực hiện đề tài này.
XÁC NHẬN CỦA THỦ
TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Thanh Hóa, ngày 20 tháng 04 năm 2013

Tôi xin cam đoan đây là SKKN của
mình viết, không sao chép nội dung của người
khác
20
Lê Thị Tâm

21

×