Không nên lạm dụng siêu âm trong
chẩn đoán và theo dõi thai nghén
Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần nhận thức một cách nghiêm túc và đúng đắn về
nguy cơ có thể của siêu âm, mặc dầu chưa có những bằng chứng thực sự thuyết
phục về những nguy cơ đó
Siêu âm là một phương tiện chẩn đoán được áp dụng rộng rãi trong đánh giá thai
nghén. Bắt đầu được thực hành khoảng 40 năm trước trên thế giới, siêu âm tạo nên
một cuộc cách mạng và trở thành một công cụ không thể thiếu trong hầu hết mọi
lĩnh vực chẩn đoán y khoa nói chung và sản khoa nói riêng. Nhìn chung, siêu âm
được dùng để phát hiện các bất thường thai nhi, phần phụ của thai, chẩn đoán và
theo dõi nhiều trường hợp thai nghén có nguy cơ cao.
Siêu âm sản khoa dược bắt đầu ứng dụng trên lâm sàng tại Việt Nam vào những
năm đầu của thập niên 1990, và cũng nhanh chóng trở nên vô cùng thông dụng.
Đa số các thày thuốc sản khoa Việt Nam hiện tại sử dụng siêu âm như là phương
tiện hàng đầu để chẩn đoán và theo dõi thai nghén.
Không thể kết luận siêu âm là vô hại: Những nghiên cứu đáng lưu tâm
Ngay cả trong rất nhiều giấy khám siêu âm hoặc trong quá trình thăm khám hay tư
vấn, siêu âm được trình bày như không có hại cho bà mẹ và thai nhi hoặc khoa học
hơn là “không có bằng chứng để kết luận những nguy cơ của siêu âm có thể gây ra
với thai nghén”. Những kiến thức này cùng với sự phát triển cực nhanh của các thế
hệ siêu âm hiện đại (3 chiều, 4 chiều, Doppler) cho phép tạo ra các hình ảnh sống
động như thật, đã tạo nên một “làn sóng” sử dụng siêu âm trong cả giới thày thuốc
cũng như sản phụ hay gia đình sản phụ. Và sử dụng siêu âm đã trở nên lạm dụng
khi trên thực tế siêu âm vẫn có thể gây ra những nguy cơ nhất định, dù chưa được
xác định chắc chắn, trước mắt và cả lâu dài.
Trong một nghiên cứu tại một bệnh viện sản phụ khoa lớn tại Việt Nam năm
2003-2004, Tine Gammeltoft, tiến sĩ nhân chủng học tại Đại học Copenhagen đã
đề cập tới tình trạng lạm dụng siêu âm hiện nay. Rất nhiều các sản phụ trong
nghiên cứu này đã nhận được 5-6 lần siêu âm trong quá trình mang thai của họ, và
có những sản phụ siêu âm tới hơn 10 lần. Vậy số lần siêu âm nhiều như vậy xuất
phát từ nhu cầu thực tế, một đòi hỏi bắt buộc của chuyên môn hay đơn thuần là sự
lạm dụng, về phía cả bệnh nhân cũng như thày thuốc?
Ngay từ khi bắt đầu ứng dụng siêu âm trong lĩnh vực nghiên cứu hay thực hành,
các nhà khoa học thế giới đồng thời bắt đầu nghiên cứu những nguy cơ có thể của
siêu âm. Những nghiên cứu ban đầu, trên những nhóm nhỏ bệnh nhân cho thấy
những kết quả khả quan rằng sóng siêu âm không gây ra những nguy cơ đáng kể.
Tuy nhiên, đến năm 1978, Veluchamy bắt đầu đề cập tới những hiệu ứng sinh học
của sóng siêu âm, và đòi hởi sự cấp thiết cho các nghiên cứu rộng với thời gian dài
hơn cho sự phơi nhiễm với siêu âm cho thai nhi, với những liều nhất định và yêu
cầu các hướng dẫn lâm sàng cụ thể. Năm 1984, trong sự phát triển ồ ạt của siêu
âm, các nhà sản khoa hàng đầu tại Viện Sức khoẻ quốc gia Mỹ đã đưa ra các
khuyến cáo về sử dụng siêu âm một cách đúng đắn.
Năm 1988, nghiên cứu của Moore và cộng sự đưa ra kết quả rằng những bà mẹ
siêu âm trên 2 lần trong thai nghén có nguy cơ sinh con nhẹ cân hơn các bà mẹ
siêu âm ít hơn. Kết quả này được ủng hộ bởi nghiên cứu của Marinac-Dabic và
cộng sự năm 1994 rằng nguy cơ sinh con nhẹ cân tăng gấp 2 lần ở các bà mẹ siêu
âm nhiều hơn 4 lần trong thời kỳ thai nghén.
* Một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy: Nhiều sản phụ được siêu âm 5-6 lần
trong quá trình mang thai, và có những sản phụ siêu âm tới hơn 10 lần. Số lần siêu
âm nhiều như vậy xuất phát từ nhu cầu thực tế, một đòi hỏi bắt buộc của chuyên
môn hay đơn thuần là sự lạm dụng?
Nghiên cứu của Campbell và cộng sụ năm 1993 chỉ ra rằng các bà mẹ được siêu
âm quá nhiều trong thời kỳ thai nghén có nguy co cho trẻ chậm nói hơn các bà mẹ
không được siêu âm. Những nghiên cứu của Savelsen (1993) và Kieler (1998) cho
thấy tỷ lệ không thuận tay phải ở trẻ trai nhiều hơn ở những bà mẹ có số lần siêu
âm cao.
Năm 1988, Ziskin và Pettiti cho rằng chưa có những bằng chứng được xác minh
thuyết phục về tác động nguy hại của siêu âm với thai nghén. Tuy nhiên, với sự
phát triển nhanh của các máy siêu âm thế hệ mới với nguồn âm vang lớn hơn hoặc
với hiệu ứng xung của phổ Doppler khi tập trung quá lâu vào một điểm có thể gây
ra nhiều hiệu ứng sinh học bởi nhiệt, hoặc không bởi nhiệt hoặc bởi âm vang trong
khoang. Vì thế, chính tác giả này (hiện là chủ tịch Hiệp hội thế giới về siêu âm
trong sinh học và y học) đưa ra những giả thuyết về nguy cơ của siêu âm cho sự
phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi.
Các nghiên cứu ngày nay hướng sự tập trung cao vào tác động của sóng siêu âm
tới sự phát triển của não. Cho dù chưa có những bằng chứng rõ ràng và thuyết
phục, các nhà khoa học vẫn đặt những giả thuyết: Trong suốt quá trình phát triển
của não bộ, có những chu chuyển tế bào một cách nhanh chóng, và đó là một điều
kiện thuận lợi cho các đột biến ở mức độ gen, một khi có các tác nhân kích thích
ngoại lai. Trước khi não trưởng thành, hàng rào máu não là mỏng và dễ bị phá
huỷ. Tạp chí New Scientist mới đây công bố nghiên cứu của Roxane Khamsi
(tháng 8 năm 2006) rằng siêu âm có thể huỷ hoại sự phát triển não bộ của bào thai
chuột.
Khuyến cáo: cần tôn trọng các nguyên tắc cơ bản
Cần phải thừa nhận những lợi ích to lớn mà siêu âm mang lại trong việc chẩn đoán
và theo dõi thai nghén, tuy nhiên cần nhận thức một cách nghiêm túc và đúng đắn
về nguy cơ có thể của siêu âm, mặc dầu chưa có những bằng chứng thực sự thuyết
phục về những nguy cơ đó. It nhất, các nhà khoa học và các thày thuốc hiện tại
trên thế giới đã thóng nhất ở một vài điểm: nguy cơ lớn nhất cho thai nhi khi sử
dụng siêu âm là trong vòng 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén, và siêu âm chỉ nên
thực hiện khi có những lợi ích rõ rệt cho thai nghén so với nguy cơ. Và nguyên tắc
cơ bản đạt được sự đồng thuận lớn nhất là: ALARA (phơi nhiễm ở mức độ thấp
một cách hợp lý – as low as reasonably achievable).
Các quốc gia phát triển trên thế giới hiện tại đều khuyến cáo hạn chế sử dụng siêu
âm khi có thể đối với các trường hợp thai nghén bình thường. Anh, Đan mạch,
Nauy, và Australia chỉ khuyến cáo một lần siêu âm trong suót quá trình thai
nghén. Đức khuyến cáo 2 lần và Hylạp đồng ý với 3 lần.
Đây là một khuyến cáo chặt chẽ và cụ thể từ Hội đồng chẩn đoán hình ảnh, Hội
các nhà sản phụ khoa Canada cho việc áp dụng siêu âm trong thai nghén tại quốc
gia này:
1. Siêu âm thai nghén chỉ nên sử dụng khi các lợi ích y học vuợt trội so với nguy
cơ tiềm tàng hay lý thuyết (II-2A)
2. Siêu âm thai nghén không được sử dụng cho các lý do ngoài y học, ví dụ như
xác định giới tính, chụp ảnh hay các video, hoặc các mục đích thương mại (III-B)
3. Phơi nhiễm với siêu âm phải ở mức càng thấp một cách hợp lý càng tốt
(ALARA) vì nguy cơ tiềm tàng của tăng nhiệt mô khi chỉ số nhiệt vượt quá 1.
Cường độ phơi nhiễm có thể giảm đi bởi sự kiểm soát công suất phát ra hoặc giảm
thời gian của tia tập trung tại một điểm (II-1A)
4. Tất cả các thiết bị siêu âm chẩn đoán phải tuân thủ tiêu chuẩn của nguồn phát
(ODS) (III-B)
5. Khi siêu âm được thực hiện với mục đích nghiên cứu hoặc giảng dạy, các cá
nhân trong nghiên cứu phải được thông báo nếu chỉ số cơ học (MI) hay chỉ số
nhiệt (TI) vượt quá 1 (III-B)
6. Khi phải siêu âm cho 3 tháng đầu thai kỳ, cần tránh không sử dụng Doppler và
Doppler màu.
Cho đến nay, Mỹ chưa đưa ra một khuyến cáo cụ thể về số lần sử dụng siêu âm
trong suốt thời gian mang thai. Tuy nhiên, ngay trước khi đặt bút viết bài báo, tác
giả gọi điện tới Georgine Lamvu, Bác sĩ phụ trách siêu âm sản khoa tại bệnh viện
Đại học North Carolina, một trong những cơ sở nghiên cứu Y khoa uy tín tại Mỹ,
để hỏi về số lần siêu âm mà cá nhân chị khuyến cáo cho một thai phụ bình thường
trong quá trình mang thai. “Một lần thôi, nếu không có nguy cơ thực sự đặc biệt”-
Georgine trả lời./.