Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Viêm tụy cấp docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (140.85 KB, 10 trang )

Viêm tụy cấp


Viêm tụy cấp là viêm tuyến tụy đột ngột, mức độ có thể từ nhẹ đến đe dọa tính
mạng, tuy nhiên diễn biến thường có khuynh hướng giảm nhẹ đi.
• Sỏi mật và nghiện rượu là 2 nguyên nhân chính gây viêm tụy cấp.
• Triệu chứng chủ yếu của viêm tụy cấp là đau bụng dữ dội.
• Chẩn đoán dựa một phần trên các xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh như X-
quang, chụp CT scan bụng.
• Viêm tụy cấp, dù nhẹ hay nặng, đều cần được nhập viện.
A-Nguyên Nhân
1-Sỏi mật (sỏi túi mật và đường mật) và lạm dụng rượu là nguyên nhân của gần
80% trường hợp nhập viện do viêm tụy cấp.
2-Phụ nữ bị viêm tụy cấp do sỏi mật nhiều gấp 1,5 lần so với nam giới.
3-Bình thường, tuyến tụy tiết dịch tụy qua các ống tụy thông với tá tràng. Dịch tụy
chứa các men tiêu hoá dưới hình thức bất hoạt và các chất ức chế kích hoạt
enzyme trên đường vào tá tràng.
+Tắc nghẽn ống tụy do sỏi kẹt ở cơ vòng Oddi làm ngưng dòng chảy của dịch tụy.
Thường thì sự tắc nghẽn này là tạm thời và chỉ gây thiệt hại hạn chế, sẽ sớm được
điều chỉnh sửa chữa. Tuy nhiên, nếu tắc nghẽn kéo dài, các enzym tích tụ trong
tuyến tụy sẽ bị kích hoạt, áp đảo các chất ức chế, và bắt đầu tiêu hóa các tế bào
của tuyến tụy, gây viêm nặng.
+Uống rượu bia nhiều trong nhiều năm (4 lon bia, hoặc nửa chai rượu vang mỗi
ngày) có thể gây hẹp các ống nhỏ dẫn lưu dịch trong tuyến tụy, đưa đến tắc nghẽn,
cuối cùng gây ra viêm tụy cấp. Một đợt viêm tụy cấp có thể xảy ra sau khi uống
rượu hoặc sau một bữa ăn thịnh soạn.
4-Nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây ra viêm tụy cấp.
+Nhiều loại thuốc có thể gây kích thích tuyến tụy. Thông thường, tình trạng viêm
tụy sẽ giảm bớt sau khi ngưng thuốc.
+Virus có thể gây viêm tụy, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.
5-Sau đây là một số nguyên nhân gây viêm tụy cấp:


• Sỏi mật
• Lạm dụng rượu
• Dùng các loại thuốc như furosemide và azathioprine v.v.
• Sử dụng estrogen ở những phụ nữ có lượng lipid máu cao
• Cường cận giáp và canxi máu cao
• Viêm tuyến mang tai cấp do virus (quai bị)
• Tăng lipid máu (đặc biệt là tăng triglycerides)
• Tổn thương tuyến tụy do phẫu thuật hoặc nội soi
• Tổn thương tuyến tụy do chấn thương bầm dập hoặc xuyên thấu
• Ung thư tụy
• Giảm cung cấp máu cho tuyến tụy, ví dụ do tụt huyết áp nghiêm trọng
• Viêm tuỵ di truyền
• Ghép thận
B-Triệu chứng
1- Hầu như tất cả bệnh nhân viêm tụy cấp đều đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị,
dưới xương ức.
+Cơn đau thường lan ra sau lưng trong khoảng 50% trường hợp. Đau ít khi khởi
phát ở bụng dưới. Đối với viêm tụy cấp do sỏi mật, đau thường bắt đầu đột ngột và
đạt cường độ tối đa trong vài phút.
+Đau thường tiến triển trong một vài ngày ở những trường hợp viêm tụy do
nghiện rượu. Cơn đau sau đó sẽ liên tục, trở nên nghiêm trọng hơn, có tính chất
xâm nhập, kéo dài nhiều ngày.
+Đau khi ho và hít thở sâu. Tư thế ngồi thẳng và nghiêng về phía trước giúp giảm
đau.
+Đa số bệnh nhân đều cảm thấy buồn nôn và nôn, đôi khi đến độ nôn khan.
+Thông thường, sử dụng liều cao thuốc giảm đau opioid cũng không thể đẩy lùi
hoàn toàn được cơn đau.
+Ở một số bệnh nhân, đặc biệt những người viêm tụy cấp do lạm dụng rượu,
thường không có bất kỳ triệu chứng nào khác ngoài những cơn đau vừa phải.
Nhưng đối với các bệnh nhân khác thì cơn đau lại thật dữ dội.

2- Bệnh nhân thường suy sụp, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh (100-140 nhịp/ phút), thở
nhanh, nông. Thở nhanh xảy ra khi bệnh nhân bị viêm phổi, xẹp phổi, hoặc tràn
dịch màng phổi. Tình trạng này làm giảm lượng nhu mô phổi cần thiết để chuyển
oxy từ không khí vào máu.
3- Lúc đầu, nhiệt độ cơ thể bình thường, nhưng một vài giờ sau có thể sốt đến
37,7- 38,3 ° C.
4-Huyết áp có thể cao hoặc thấp, nhưng có khuynh hướng tụt khi người bệnh đứng
dậy, gây xây xẩm choáng váng.
5-Khi viêm tụy cấp tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể lơ mơ, thậm chí mất ý
thức hoàn toàn. Kết mạc mắt đôi khi có màu vàng.
C-Biến chứng:
1-Tổn thương ở tuyến tụy tạo điều kiện cho những enzym đã được kích hoạt cùng
các độc tố như cytokine vào máu gây huyết áp thấp, gây thiệt hại cho các cơ quan
ngoài ổ bụng như phổi và thận. Phần mô tuyến tụy sản xuất nội tiết tố, đặc biệt là
insulin có khuynh hướng không bị ảnh hưởng hoặc hư tổn.
2-Khoảng 20% bệnh nhân viêm tụy cấp có trướng hơi vùng thượng vị. Điều này
xảy ra do thức ăn trong dạ dày và ruột ngưng chuyển động (tình trạng liệt ruột).
3-Trong viêm tụy cấp nặng, một phần của tuyến tụy bị hoại tử, máu và dịch tụy có
thể thoát vào khoang bụng, dẫn đến giảm thể tích máu, tụt huyết áp nặng, sốc.
Viêm tụy cấp nặng có thể gây tử vong.
4-Nhiễm trùng trong viêm tụy là một nguy cơ, đặc biệt là sau tuần đầu tiên của
bệnh. Nghi ngờ nhiễm trùng khi tình trạng của người bệnh xấu đi, sốt và bạch cầu
cao xảy ra sau khi các triệu chứng khác đã bắt đầu giảm nhẹ. Chẩn đoán dựa trên
cấy máu để xác định vi khuẩn gây nhiễm và chụp CT scan. Có thể chọc hút mẫu
xét nghiệm bằng cách đâm kim qua da vào tuyến tụy. Nhiễm trùng được điều trị
bằng kháng sinh. Thường cần thiết phải phẫu thuật cắt bỏ các mô nhiễm trùng và
hoại tử.
5-Đôi khi các enzym tuyến tụy, các chất dịch và mảnh vỡ mô tích tụ lại thành
nang (nang giả) trong tuyến tụy, phình ra như quả bóng. Cần nhanh chóng dẫn lưu
khi nang giả này lớn hơn, gây đau hoặc gây ra các triệu chứng khác, vì bệnh nhân

có thể tử vong khi nang quá lớn, bị bội nhiễm, xuất huyết, hoặc vỡ. Tùy theo vị trí
của nang, có thể thực hiện phẫu thuật, đặt ống thông xuyên qua da hoặc qua nội
soi dạ dày tá tràng để dẫn lưu nang giả liên tục trong vài tuần.
D-Chẩn đoán
1-Tình trạng đau bụng đặc trưng giúp thầy thuốc nghi ngờ viêm tụy cấp, đặc biệt ở
những người có bệnh lý túi mật hoặc nghiện rượu. Khi thăm khám, các cơ thành
bụng thường co cứng. Khi nghe bụng bằng ống nghe, âm thanh nhu động ruột rất
ít hoặc không có.
2-Không xét nghiệm máu đơn độc nào chứng minh được viêm tụy cấp, nhưng một
số xét nghiệm có thể xác nhận chẩn đoán. Lượng amylase và lipase (hai enzyme
sản xuất bởi tuyến tụy) trong máu thường tăng vào ngày đầu tiên của bệnh, rồi trở
về mức bình thường sau 3 đến 7 ngày. Nếu bệnh nhân đã có nhiều đợt viêm tụy tái
phát, mức độ của các enzym này có thể không tăng, vì quá nhiều tế bào của tuyến
tụy đã bị phá hủy và những tế bào còn sót lại không đủ để sản xuất ra enzym.
Lượng tế bào bạch cầu thường tăng.
3-Xquang bụng có thể cho thấy hình ảnh các quai ruột dãn, hiếm khi thấy được
một hoặc nhiều sỏi mật.
X-quang ngực giúp phát hiện các vị trí xẹp phổi hoặc tràn dịch màng phổi.
4-Siêu âm có thể tìm thấy sỏi trong túi mật hoặc ống mật chủ và tuyến tụy sưng to.
5-CT scan đặc biệt hữu ích trong phát hiện viêm tụy và được sử dụng ở những
bệnh nhân viêm tụy cấp nặng và những bệnh nhân có biến chứng, như tụt huyết áp
rất thấp chẳng hạn. Do cung cấp hình ảnh rất rõ ràng, CT scan giúp bác sĩ chẩn
đoán viêm tụy cấp khá chính xác.
E-Tiên lượng
1-Trong viêm tụy cấp nặng, CT scan giúp xác định chẩn đoán và tiên lượng.
+Tiên lượng rất tốt khi CT scan cho thấy tụy chỉ bị phù nề nhẹ.
+Tiên lượng rất xấu khi trên hình ảnh CT scan thấy một vùng rộng lớn của tuyến
tụy bị phá hủy.
2-Đối với viêm tụy cấp nhẹ, tỷ lệ tử vong khoảng <5%.
+Tuy nhiên, trong viêm tụy với tổn thương nặng và xuất huyết, hay khi viêm

không chỉ đơn thuần khu trú ở tuyến tụy, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 10-50%.
+Tử vong trong vài ngày đầu tiên của viêm tụy cấp thường do suy tim, suy hô hấp
hay suy thận.
+Tử vong sau tuần đầu tiên thường do nhiễm trùng tuyến tụy hay do xuất huyết
hoặc vỡ nang giả tụy.
F-Điều trị
1-Bệnh nhân viêm tụy nhẹ cần được nhập viện ngắn hạn, dùng thuốc giảm đau và
nhịn ăn để giúp tuyến tụy được "nghỉ ngơi". Thông thường, có thể ăn uống bình
thường trở lại sau 2 đến 3 ngày mà không cần điều trị thêm.
2-Những bệnh nhân viêm tuỵ trung bình đến nặng cần được nhập viện.
+Lúc đầu, họ phải nhịn ăn uống, vì ăn uống kích thích tuyến tụy.
+Các triệu chứng đau và buồn nôn được kiểm soát bằng thuốc tiêm tĩnh mạch.
+Truyền dịch tĩnh mạch.
+Bệnh nhân viêm tụy cấp nặng được nhận vào đơn vị chăm sóc tích cực (săn sóc
đặc biệt), nơi mà các dấu hiệu sinh tồn quan trọng như mạch, huyết áp, nhịp thở,
lượng nước tiểu sẽ được giám sát liên tục.
+Mẫu máu được lấy nhiều lần để giám sát các thành phần khác nhau của máu như
hematocrit, lượng đường glucose, các chất điện giải, số lượng bạch cầu, lượng
amylase và lipase.
+Đặt sonde dạ dày (ống mũi-dạ dày) để loại bỏ chất dịch và hơi, đặc biệt khi bệnh
nhân buồn nôn, ói mửa kéo dài và có kèm liệt ruột.
+Dinh dưỡng qua đường tiêm tĩnh mạch, qua ống mũi dạ dày, hoặc phối hợp cả
hai.
+Đối với những bệnh nhân tụt huyết áp hoặc đang bị sốc, thể tích máu cần được
duy trì cẩn thận bằng các loại dịch truyền tĩnh mạch, đồng thời theo dõi chặt chẽ
hoạt động của tim.
+Một số bệnh nhân cần thở oxy và hầu hết các trường hợp nặng đều cần đến thở
máy.
+Điều trị viêm tụy cấp do sỏi mật tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Nếu viêm
tụy nhẹ, có thể trì hoãn việc cắt túi mật cho đến khi các triệu chứng giảm dần.

+Viêm tụy nặng do sỏi ống mật chủ được điều trị bằng nội soi mật tụy ngược dòng
(ERCP =endoscopic retrograde cholangiopancreatography).
+Mặc dù hơn 80% bệnh nhân viêm tụy cấp do sỏi mật có thể tự đào thải sỏi, việc
thực hiện ERCP lấy sỏi thường cần thiết đối với những trường hợp không cải thiện
sau 24 giờ đầu nhập viện hoặc nhiễm trùng đường mật.
Bs Đồng Ngọc Khanh

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×