Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Ý nghĩa của phong trào Duy tân với sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (176.26 KB, 8 trang )

Ý nghĩa của phong trào
Duy tân với sự nghiệp đổi
mới đất nước hiện nay
Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, do chính sách khai thác thuộc địa
của chủ nghĩa thực dân Pháp, đất nước ta đã có những diễn biến mới dẫn
đến sự phân hoá xã hội ngày càng sâu sắc. Những nhà yêu nước Việt
Nam, tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh… nhận thấy thời cơ
thuận lợi cho một cuộc vận động cách mạng để có thể đổi mới xã hội cũ,
giải phóng một dân tộc đang bị nước ngoài thống trị. Phong trào Duy tân
xuất hiện từ đó, tuy chỉ tồn tại được vài năm. Sau cuộc đàn áp dã man của
bọn thực dân, Phong trào Duy tân đã thất bại, nhưng nó đã để lại cho nhân
dân ta những ấn tượng khó quên về tinh thần cách mạng mang tính đột
phá, mở màn cho trào lưu yêu nước theo phương thức khai hoá kiến thức,
mở mang trí tuệ, cải cách giáo dục. Một trăm năm đã qua, những bài học
của Phong trào Duy tân hầu như vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó cho đến
hôm nay, đặc biệt trên lĩnh vực văn hoá và giáo dục, đào tạo. Bởi lẽ, nói
đến sự nghiệp đổi mới hôm nay không thể không nói đến đổi mới tư duy
văn hoá, trong đó có văn hoá lối sống, văn hoá tư tưởng, văn hoá giáo dục,
văn hoá nghệ thuật và rất nhiều lĩnh vực khác đang đặt ra trong bối cảnh
đất nước mở cửa, hội nhập mạnh mẽ với nền văn minh mới của thế giới
toàn cầu hoá và phát triển nền kinh tế trí thức hiện nay.
Phong trào Duy tân là một phong trào có ý nghĩa cách mạng, ở chỗ,
nó là tiếng nói khẩn thiết, tích cực của những nhà cách mạng tiền bối về
cuộc vận động yêu nước và cứu nước, có quan hệ đến xây dựng văn hoá,
học thuật, đến việc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, việc mở mang trí tuệ,
đào tạo nhân tài nhằm thay đổi tận gốc xã hội và con người Việt Nam.
Đương nhiên, mục đích của Phong trào Duy tân đối với thời cuộc lúc nó ra
đời thì hoàn toàn khác chúng ta bây giờ, nhưng về phương diện nhận thức
về vị trí, vai trò của văn hoá trong phát triển, vì phát triển, xây dựng tư
tưởng học thuật mới, thì có thể nói, đó là một cuộc cách mạng thật sự mới
mẻ, đặt cơ sở cho một cuộc vận động về tinh thần yêu nước bắt đầu từ


cuộc cách mạng tư tưởng và văn hoá. Những điều họ thấy và mong muốn
cải cách xã hội, cải cách học thuật… đều xuất phát từ động cơ yêu nước,
mong muốn độc lập dân tộc và tự do tư tưởng. Nhiều bài học kinh nghiệm
vận động của nó vẫn còn có tác dụng tích cực cho đến tận bây giờ. Chẳng
phải ngày nay chúng ta vẫn đang tiếp tục cuộc vận động cải cách giáo dục
và đào tạo, cuộc vận động xây dựng lối sống, nếp sống mới, nhất là việc
xây dựng con người mới phù hợp thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá
trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp… Hầu
như tất cả đều có quan hệ đến việc biến đổi sâu sắc và cơ bản về văn hoá
và trong văn hoá, được gợi mở từ Phong trào Duy tân, khiến chúng ta phải
suy nghĩ đến yêu cầu đổi mới không chỉ tư duy kinh tế mà cả tư duy văn
hoá, tuy có lúc chúng ta còn xem nhẹ vị trí, vai trò của văn hoá trong phát
triển kinh tế xã hội.
Thấy rõ mặt tích cực và tinh thần cách mạng của Phong trào Duy
tân, Đặng Thai Mai nói: “Cuộc vận động vào khoảng 1907-1908 - mà ta có
thể gọi là thời kỳ Đông Kinh Nghĩa Thục, - quả là có ý nghĩa truyền bá khoa
học, một cuộc vận động “học vỡ lòng” cho quảng đại quần chúng, một cuộc
đấu tranh giữa tư tưởng mới và tư tưởng cũ, giữa tinh thần độc lập với tinh
thần nô lệ. Chương trình đấu tranh bao gồm cả hai mặt: phủ định và khẳng
định, phá hoại và xây dựng”
(1)
. Để thấy rõ những chủ trương đúng đắn của
các nhà chủ não của Phong trào Duy tân, chúng ta có thể tìm hiểu trong
tập Văn minh tân học sách mà ở đó tác giả tập sách đã quy kết nguyên
nhân tình trạng lạc hậu của nước ta vào bốn điểm: Một là, không biết gì đến
tình hình ngoài nước; Hai là, mê tín với cái gọi là "vương đạo" mà không
chịu học kỹ xảo nước ngoài; Ba là, sùng bái cái cổ, khinh rẻ cái mới; Bốn là,
trọng quan mà khinh dân.
Trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX, khi đất nước còn ảm đạm,
tối tăm dưới chế độ thực dân, phong kiến, các nhà chủ não của Phong trào

Duy tân đã sớm thấy được dòng tư tưởng canh tân, nhận thức được sự
cần thiết phải hướng văn hoá dân tộc tới những giá trị tiến bộ, tinh hoa của
thời đại, của nền văn minh mới, thì phải nói, đó là một sự mạnh dạn dũng
cảm. Điều đó chứng tỏ, những người chủ não của Phong trào Duy tân đã
thấy nguyên nhân của sự lạc hậu, chậm phát triển của đất nước ta không
phải ở đâu khác mà chính là ở văn hoá, do đó, muốn đất nước thoát khỏi
tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển, không có cách nào khác là
phải phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống, đồng thời với
việc tiếp thụ nhanh chóng những giá trị mới của văn hoá nhân loại, những
tinh hoa của nền văn minh mới để tiến kịp các nước công nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, từ hiện tượng trên để nói rằng nguyên nhân mất nước
không phải ở đâu khác mà là ở trong văn hoá, trong "những nhược điểm cơ
bản về văn hoá xã hội Việt Nam"
(2)
, như có người nói, thì có lẽ không phải.
Thấy được vị trí, vai trò của văn hoá trong phát triển là hoàn toàn đúng,
nhưng quy kết về sự kém cỏi văn hoá thành nguyên nhân mất nước mà
không thấy âm mưu thâm độc của chủ nghĩa thực dân và trách nhiệm của
chế độ phong kiến thối nát, thì quả là còn mơ hồ trong nhận thức về lịch
sử. Trái lại, phải thấy, chính là do mất nước, do không có độc lập và tự do,
nhân dân ta đã không có điều kiện khắc phục được tình trạng lạc hậu, yếu
kém về văn hoá, dẫn đến sự lạc hậu, yếu kém về nhận thức thời đại cũng
như việc mở mang dân trí là lẽ đương nhiên.
Để khắc phục tình trạng lạc hậu, yếu kém về văn hoá nhằm mở mang
sự hiểu biết cho dân chúng là nội dung chủ yếu của Phong trào Duy tân, tập
sách đã đề ra sáu phương châm hành động. Có thể khái quát như sau:
1/ Dùng chữ quốc ngữ để trong thời gian vài tháng đàn bà trẻ con
cũng đều biết chữ, có thể dùng quốc ngữ làm phương tiện sinh hoạt. 2/
Hiệu đính sách vở…, đem dịch ra quốc ngữ những sách cần thiết cho việc
học tập. 3/ Sửa đổi phép thi…, khuyến khích tinh thần thảo luận tự do của

học sinh. 4/ Cổ vũ nhân tài, đưa học sinh tốt nghiệp qua sự thử thách của
thực tế, đưa những sách chuyên môn cho họ cùng nhau nghiên cứu, bồi bổ
lẫn cho nhau. 5/ Chấn hưng công nghiệp, phải học hỏi người nước ngoài,
cổ vũ thợ khéo trong nước, bảo vệ quyền sáng tạo trong các ngành kỹ
thuật, ngợi khen những nhà chuyên môn để mọi người có thể phát triển
năng lực của mình và góp phần vào tiến bộ của công nghệ nước nhà. 6/
Phát triển báo chí, dùng báo chí để cổ động những sáng kiến mới, để "phá
tan… cái giới câu nệ, tối tăm", và gieo trí thức khoa học, cùng với tinh thần
tiến thủ vào đầu óc nhân dân Việt Nam
(3)
. Sáu phương châm trên đương
nhiên chưa thể xem là hoàn hảo của một cuộc vận động "tân học", nhưng
có thể nói, đó là những ý tưởng rất mới không khác mấy với tư duy đổi mới
của chúng ta ngày nay. Điều đáng nói là, cách đây một thế kỷ, các nhà chủ
não của Phong trào Duy tân đã thấy vai trò động lực của cạnh tranh, xem
văn minh là một "giá trị phải đánh đổi bằng cạnh tranh", điều mà ngày nay
chỉ trong quá trình đổi mới tư duy chúng ta mới thấy hết ý nghĩa thời sự và
tác động tích cực của nó trong phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành
phần, có sự hội nhập và giao lưu rộng rãi với nền kinh tế hàng hoá của thế
giới toàn cầu hoá.
Thấy được vai trò của cạnh tranh trong phát triển kinh tế hàng hoá là
thấy được một nhân tố có ý nghĩa quyết định trong sản xuất và lưu thông
trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh
như thế nào, lại là việc khác, không phải bao giờ cũng có sự nhất trí về
quan điểm ngay trong xã hội phát triển chủ nghĩa tư bản. Còn đối với chúng
ta hiện nay, với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần
định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề cạnh tranh thường gắn liền với đạo
đức kinh doanh, với yêu cầu xây dựng đạo đức mới, cho nên, cạnh tranh
như thế nào cũng không thể xem là vấn đề đơn giản. Ở đây cũng có ranh
giới giữa cũ và mới, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ

nghĩa xã hội. Đó là vấn đề phức tạp, không thể bàn ở đây.
Với những nội dung nêu trên của Văn minh tân học sách, đồng thời
đối chiếu với yêu cầu cải cách giáo dục, cải cách xã hội, nâng cao dân trí,
sửa đổi học thuật… đang đặt ra hiện nay trong sự nghiệp đổi mới đất nước,
thì có thể nói, rất nhiều mục tiêu về văn hoá xã hội đặt ra từ Phong trào Duy
tân đến nay vẫn là những việc chúng ta đang tiếp tục phải suy nghĩ và thực
hiện, tuy yêu cầu và trình độ đã khác trước. Điều đáng chú ý ở đây là, trong
quá trình cải cách xã hội, xây dựng và phát triển nền văn hoá mới, chúng ta
cũng thấy diễn ra những hình thức đấu tranh gồm cả hai mặt: phủ định và
khẳng định, phá hoại và xây dựng, không khác mấy với thời kỳ cách đây
100 năm, tuy nội dung cuộc vận động thì rõ ràng rất khác. Chính điều đó
đặt ra cho chúng ta phải học tập không chỉ tinh thần độc lập tự chủ mà cả
kinh nghiệm của cha ông ta trong sự nghiệp đổi mới hôm nay, nhằm đưa
đất nước ta đến phồn vinh, giàu mạnh và văn minh, có thể sánh kịp với các
nước phát triển công nghiệp và hiện đại trên thế giới đã bước vào nền văn
minh mới.
Nếu sự nghiệp cách mạng là một quá trình giác ngộ, quá trình tiệm
tiến đến bùng nỗ thì Phong trào Duy tân đã đánh dấu một cao trào của cuộc
vận động tư tưởng và văn hoá. Trong cao trào đó, Đông Kinh Nghĩa Thục
có vai trò đặc biệt. Cho nên, không phải là ngẫu nhiên khi nói đến Phong
trào Duy tân, người ta không thể không nói đến Đông Kinh Nghĩa Thục như
là một niềm tự hào. Thậm chí có người còn đồng nhất Phong trào Duy
tân với Đông Kinh Nghĩa Thục, coi Đông Kinh Nghĩa Thục như một biểu
hiện nổi bật của Phong trào Duy tân. Quả là Đông Kinh Nghĩa Thục không
chỉ là một nhà trường tư thục như biết bao nhà trường tư thục cùng thời.
Nó có ý nghĩa như một tổ chức cách mạng, một hình thức vận động sự
nghiệp cách mạng cứu nước. Cho nên, sự tồn tại của Đông Kinh Nghĩa
Thục đã khiến cho chính quyền thực dân phong kiến lúc bấy giờ phải tìm
mọi cách ngăn cản, cấm đoán và đàn áp những người khởi xướng. Chính
vì vậy, Đặng Thai Mai mới nói: “Đông Kinh Nghĩa Thục là con số tổng cộng

những cố gắng của tất cả những người đã đem ý chí tư tưởng và văn
chương ra phục vụ Tổ quốc trong thời gian 1900 – 1908, là cả một phong
trào, là cả một thời đại”
(4)
.
Vậy, đó là phong trào nào, thời đại nào ? Đó là phong trào vận động
văn hoá nhằm thay đổi nếp sống, cách nghĩ, đặc biệt là cách học cổ hủ của
chế độ phong kiến và lối học nô lệ của chế độ thực dân. Họ đã bắt đầu nêu
lên con đường học thuật tiến bộ, quan tâm đến cái mới nhằm truyền bá tư
tưởng duy tân, tư tưởng cách mạng, tư tưởng cứu nước theo chủ trương
của Phan Bội Châu và những nhà yêu nước tiền bối khác.
Hơn thế nữa, Phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục còn đánh
dấu một thời đại chuyển tiếp từ phong trào cách mạng theo tư tưởng yêu
nước và nhân sinh quan cách mạng tư sản sang phong trào cách mạng
mới tuy chưa phải là cách mạng vô sản nhưng đã mang nhân tố tiến bộ, để
từ đó mở ra một cuộc vận động cách mạng mới vào năm 1912 với Việt
Nam Quang phục hội, và cuối cùng là cuộc vận động cứu nước theo định
hướng cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng
sản Việt Nam vào những năm trước và sau 1930 của thế kỷ trước.
Do đó, cần phải thấy Phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục
như một mắt xích cần thiết của cả trào lưu yêu nước và cách mạng ở nước
ta từ đầu thế kỷ đến Cách mạng tháng Tám 1945 với sự ra đời Nhà nước
Việt Nam mới, tồn tại và phát triển liên tục cho đến hôm nay. Những gì diễn
ra trong sự nghiệp đổi mới hôm nay đều có thể thấy nguồn gốc của nó từ
cuộc vận động của Phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục như việc
nâng cao dân trí, cải cách và đổi mới cách dạy và học, phát huy bản sắc
văn hoá dân tộc, đồng thời cảnh giác với lối học bắt chước nước ngoài một
cách nô lệ, thiếu tinh thần độc lập, tự chủ… Nếu ngày xưa cần phải cảnh
giác với hiện tượng Âu hoá một cách nô lệ thì ngày nay cũng cần phải cảnh
giác với hiện tượng "say mê" văn hoá ngoại lai một cách không bình

thường, nhất là văn hoá lối sống hủ lậu, cách sống ích kỷ theo chủ nghĩa
thực dụng đang thịnh hành trong xã hội tư bản, có nguy cơ làm biến chất
những phẩm chất tốt đẹp của đạo đức cách mạng mà chúng ta đang ra sức
học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đã cung cấp cho chúng
ta nhiều bài học quí báu về phương pháp cách mạng, trong đó phải kể đến
ý thức độc lập, tự chủ trong việc học tập và tiếp thu văn hoá nước ngoài và
phương pháp tiếp cận với văn hoá và khoa học ngày càng rộng rãi trong
quần chúng nhân dân. Tuy những người chủ não của Phong trào Duy tân
chưa thấy hết tầm quan trọng của chân lí "cách mạng là sự nghiệp của
quần chúng", song họ đã nhận thức được nguyên nhân thua kém của dân
tộc ta có nguồn gốc từ sự yếu kém hiểu biết về nhiều mặt của dân chúng, vì
vậy họ coi việc trang bị sự hiểu biết cho quảng đại quần chúng nhân dân về
văn hoá, học thuật là một yêu cầu cấp bách của thời đại, là đối tượng xây
dựng và phát triển của xã hội công nghiệp, của thời đại mới, thời đại Văn
minh phải thắng Dã man như Hồ Chí Minh đã dự báo từ đầu thế kỷ trước.
Đương nhiên, nói đến Phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục
là nói đến một cuộc vận động "tân học", cuộc vận động học thuật của
những nhà yêu nước tiền bối mà tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Chu
Trinh. Điều đó có nghĩa là nó chưa phải là một cuộc đấu tranh cách mạng
thật sự mạnh mẽ như một cuộc chiến đấu làm biến đổi tận gốc xã hội cũ
nhằm giải phóng đất nước khỏi chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến.
Do đó, nó có những hạn chế nhất định về mục tiêu và phương châm hành
động cũng là lẽ đương nhiên. Ở đây, chúng tôi chỉ nói những đóng góp chủ
yếu của phong trào, nhất là những đóng góp của cuộc vận động về văn
hoá, nhằm phổ biến tư tưởng, xây dựng văn hoá mới, con người mới mà
hiện nay chúng ta đang tiếp tục thực hiện trong bối cảnh và điều kiện mới,
chứ không nhằm mục đích nghiên cứu một cách toàn diện về Phong trào
Duy tân và Đông Kinh Nghĩa Thục./.

×