Tải bản đầy đủ (.pdf) (17 trang)

Âm nhạc và vũ đạo thời Trần pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (412.4 KB, 17 trang )

Âm nhạc và vũ đạo thời Trần
(qua thư tịch cổ và dấu tích khảo cổ học)

Hai triều đại Lý Trần được các sử gia đời sau khen là thời đại thịnh trị, võ công
văn trị đều hiển hách. Trải qua 1000 năm dâu bể, biến thiên, mà những dấu tích về
hai thời đại này còn được lưu lại khá rõ nét trong thư tịch cổ và tài liệu khảo cổ.
Bài viết này đề cập đến vấn đề âm nhạc và vũ đạo thời Trần thông qua những ghi
chép trong thư tịch cổ và những hiện vật khảo cổ học được tìm thấy.
1.Thư tịch cổ về âm nhạc và vũ đạo thời Trần:
Như chúng ta đều biết, An Nam chí lược     của Lê Trắc là một thư tịch
cổ đặc biệt quan trọng, được coi là bộ sách xưa nhất viết về phong tục và các sinh
hoạt văn hóa nước ta dưới thời Trần.
Phần Phong tục   , ở Quyển nhất tác giả An Nam chí lược     ghi lại
được về tình hình âm nhạc và vũ đạo thời Trần như sau:
“Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bầy tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem
các con hát múa trăm lối”
1
. Phần này cũng còn cho biết vào ngày Tết Nguyên đán,
các quan trong nội cung tập trung trước điện Thiên An để chơi các bài ca nhạc
trước đại đình. Rồi ngày 3 Tết, vua ngồi trên gác Đại Hưng xem tôn tử và các
quan nội cung đá cầu…Tháng hai, sai làm một cái đài, gọi là Xuân Đài   , các
con hát hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài
2
.
Về các loại nhạc cụ, An Nam chí lược cho biết: “Nhạc khí có thứ trống “phạn
sĩ” (trống cơm), nguyên là nhạc khí của Chiêm Thành, kiểu tròn và dài, nghiền
cơm, bịt hai đầu, cứ giữa mặt mà vỗ thì kêu tiếng trong mà rõ ràng, hợp với ống
kèn tháp nứa, cái xập xõa, trống lớn, gọi là đại nhạc, chỉ vua mới được dùng; các
tôn thất quý quan có gặp lễ đám chay đám cưới mới cho dùng đại nhạc. Còn đàn
cầm, đàn tranh, tỳ bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, ống địch, ống sáo, kèn và
quyển thì gọi là tiểu nhạc, không kể sang hèn, ai cũng dùng được


3
.
Về ca khúc nước ta, An Nam chí lược cho biết đã có: “Nam thiên nhạc, Ngọc
lâu xuân, Đạp thanh du, Mộng du tiên, Canh lậu trường, không thể chép hết”. Đặc
biệt nhất là ở thời Trần đã “dùng thổ ngữ làm thi phú phổ vào âm nhạc để tiện ca
ngâm”
4
.
Như vậy, qua những ghi chép trong phần Phong tục của An Nam chí lược (được
biên soạn dưới thời Trần) cho thấy trong cung đình nhà Trần đã có hàng trăm điệu
múa, trong đó có những điệu múa mô phỏng và hóa trang.
Biên chế âm nhạc đời Trần đã chia làm đại nhạc và tiểu nhạc. Đại nhạc là dành
cho cung đình và giới quý tộc; tiểu nhạc là dành cho đại chúng. Biên chế dàn tiểu
nhạc đã rất phong phú, cho thấy âm nhạc đã phát triển đến một trình độ đáng kể.
Dàn đại nhạc có trống cơm, là một nhạc cụ của người Chiêm Thành, cho thấy âm
nhạc nhà Trần tiếp thu và sử dụng âm nhạc của Chiêm Thành.
Về ca khúc, chúng ta thấy có việc dùng thổ ngữ (tiếng Việt) để làm thơ phú rồi
phổ vào âm nhạc để hát lên. Rất tiếc, chúng ta chưa tìm được các văn bản của các
ca khúc, có thể bằng chữ Nôm chăng?
Đại Việt sử ký toàn thư       (Toàn thư) cũng có những ghi chép
khá thú vị về tình hình ca vũ thời Trần. Dưới đây là chi tiết cho thấy điệu múa của
người Hồ khá phổ biến trong cung đình: “Mùa đông, tháng 10 (năm Mậu Thìn,
1268), vua (Trần Thánh Tông) cùng anh là Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang
cùng đùa ở trước mặt Thượng hoàng (Thái Tông). Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc
áo vải bông trắng. Tĩnh Quốc múa điệu múa của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo
ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa của người Hồ để xin chiếc áo ấy”
5
.
Và: “Nhâm Dần, năm thứ 5 (1362), mùa Xuân, tháng Giêng, lệnh cho cho các
nhà vương hầu cùng công chúa dâng các trò tạp hý vua xét định trò nào hay thì

ban thưởng cho. Trước đây, khi đánh Toa Đô, bắt được người phường hát là Lý
Nguyên Cát rất giỏi hát, những con ở trẻ của các nhà thế gia theo y tập hát điệu
phương Bắc. Nguyên Cát sáng tác các vở tuồng truyện cổ, có các tích như Tây
Vương Mẫu hiến bàn đào. Trong tuồng có các vai quan nhân, chu tử, đán nương,
câu nô, gồm 12 người, mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gẩy đàn, vỗ tay,
vỗ phím đàn, thay đổi nhau ra vào làm trò, khiến người xem xúc động, muốn cho
buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ
đấy”
6
.
Qua sự mô tả của Đại Việt sử ký toàn thư, có thể thấy rằng dưới thời Trần, các
hình thức biểu diễn tạp kịch đã rất phổ biến ở nước ta. Phải chăng đó là các hình
thức ban đầu của các bộ môn nghệ thuật tuồng và chèo sau này. Cũng Toàn thư
cho biết: “Năm Thiệu Phong thứ 10 (1350) đời vua Dụ tông, có người Nguyên là
Đinh Bàng Đức, nhân nước có loạn, đe, cả nhà đi thuyền vượt biển chạy sang ta.
Bàng Đức giỏi leo dây, làm trò ca múa. Người nước ta bắt chước làm trò múa leo
dây. Trò leo dây bắt đầu có từ đó”
7
.
Một tư liệu quý khác của chính người Trung Quốc chép về nhạc vũ nước ta, đó
là sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu (Trần Cương Trung) sang nước ta vào năm
1293 (niên hiệu Trùng Hưng thứ 9), được mời xem biểu diễn nhạc vũ trong cung
đình, thuật lại trong An Nam tức sự     như sau: “Từng dự yến ở điện Tập
Hiền bên nước đó, thấy một bọn con hát trai (nam ưu) và gái (nữ xướng) mỗi bên
mười người, đều ngồi dưới đất. Có các thứ đàn như đàn tỳ bà, đàn tranh và đàn
bầu. Tiếng hát tiếng đàn hòa lẫn vào nhau. Khi hát, thì trước hết ê a [lấy giọng] rồi
sau mới có lời. Phía trước điện [Tập Hiền] có biểu diễn các trò đá múa, leo sào
(dịch lộng thượng can), múa rối trên đầu gậy (trượng đầu khối lỗi). Lại có người
mặc quần gấm nhưng mình lại để trần nhảy nhót hò reo. Đàn bà đi chân không,
xòe mười ngón tay ra như những chạc cây để múa, thật xấu xa trăm điều”

8
. (…)
Hơn mười người con trai mình đều cởi trần, cánh tay liền nhau, chân giậm xuống
đất, vừa xoay vòng xung quanh vừa hát mãi; mỗi hàng khi có một người giơ tay
thì mười mấy người cùng giơ tay, khi bỏ tay xuống cũng vậy. Trong các bài hát
của họ, có những khúc như Trang Chu mộng điệp (Trang Chu nằm mộng hóa ra
bướm), Bạch Lạc Thiên mẫu biệt tử (Bạch Lạc Thiên mẹ ly biệt con), Vi Sinh ngọc
tiêu (Ống tiêu ngọc của Vi Sinh), Đạp ca, Hạo ca vân vân, duy có khúc Thán thời
thế (than thời thế) là ảo não nhất, song nghe tản mạn không thể hiểu được. Khi
trên điện bày yến tiệc lớn cần có đại nhạc thì nhạc sẽ cử lên ở sau chái nhà phía
dưới, cả nhạc cụ lẫn người đều không nom thấy đâu cả, mỗi lần rót rượu, thì [trên
điện] hô lớn “Phường nhạc tấu khúc mỗ!”, ở chái nhà phía dưới liền có tiếng “dạ”
và cử khúc nhạc đó. Nhạc thì có những khúc gọi là Giáng Hoàng long, gọi là
Nhập Hoàng đô, gọi là Yến Dao trì, gọi là Nhất giang phong, âm điệu cũng gần
giống nhạc cổ nhưng gấp rút hơn mà thôi”
9
.
Những dẫn liệu trên cho thấy, vào thời Trần, nhạc vũ Việt Nam, nhạc vũ Chiêm
Thành và nhạc vũ Trung Quốc đã được pha trộn trong các chương trình biểu diễn
ở cung đình nhà Trần. Nhạc cụ có đàn tỳ bà, đàn tranh là nhạc cụ Trung Quốc; lối
múa mặc áo hở vai và giọng hát bi thương là sắc thái âm nhạc và trang phục
Chiêm Thành. Trần Phu nhận xét rằng “âm điệu cũng gần giống nhạc cổ nhưng
chỉ gấp rút hơn mà thôi”.
Những ghi chép trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục     
   cho thấy trong suốt thời Lý Trần âm nhạc Chiêm Thành đã có ảnh hưởng
đến Đại Việt, và đi được sử dụng phổ biến trong cung đình.
Dưới thời Lý: “Năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 (1202), mùa thu, tháng 8, sai
nhạc công đặt ra nhạc khúc gọi là “Chiêm Thành âm”. Nhạc khúc này giọng sầu
oán não nùng, ai nghe cũng rỏ nước mắt”
10

. Sang thời Trần, cả vua Thánh Tông và
Quốc Khang (tức Tĩnh Quốc công, Phiêu kỵ tướng quân) trong lúc đùa bỡn đều
múa điệu múa của người rợ mọi
11
. Những ghi chép đó cho thấy, nhạc vũ thời kỳ
này đã hấp thu khá nhiều hình thức diễn xướng mới từ phía Trung Quốc và Chiêm
Thành, và được trình diễn cả trong những lúc vui chơi giải trí của sinh hoạt cung
đình.
Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút     , cho biết hát bội của nước ta
có nguồn gốc từ đời nhà Trần; nhưng lúc bấy giờ chỉ do quân lính hát và đi diễu
trong phố vào những ngày có quốc tang, về sau nhân dân mới bắt chước, hát vào
ngày Rằm tháng Bảy.
Tóm lại, thư tịch cổ cho thấy rằng, dưới thời Trần, âm nhạc và vũ đạo đã khá
phát triển. Về quy chế, đã hình thành ra hai dàn đại nhạc và tiểu nhạc, với các
nhạc cụ rất rõ ràng, đặc biệt biên chế dàn tiểu nhạc rất phong phú. Bên cạnh các
nhạc khí có nguồn gốc của Trung Hoa còn có nhạc khí có nguồn gốc Chiêm
Thành. Điều đáng lưu ý là, dưới thời Trần, đã có cây đàn độc huyền cầm (tức đàn
bầu), một cây đàn đặc biệt độc đáo chỉ có ở Việt Nam, xuất hiện trong biên chế
dàn tiểu nhạc. Về vũ đạo và ca khúc cũng có sự pha trộn, tiếp thu ca vũ của Trung
Quốc và Chiêm Thành. Ca khúc dưới thời Trần khá phát triển, trong đó có cả việc
dùng tiếng Việt để sáng tác ca khúc.
2.Tài liệu khảo cổ học về âm nhạc và vũ đạo thời Trần
Nếu những ghi chép trong thư tịch cổ cho những căn cứ xác tạc bằng văn bản
chữ viết, thì tài liệu hiện vật khảo cổ học cho thấy những hình ảnh mô tả rất thú vị
về vũ đạo dưới thời Trần.
Những tài liệu hiện vật khảo cổ học được tìm thấy và hiện còn được giữ tại địa
phương hoặc các bảo tàng quốc gia gồm: những chạm khắc trên gỗ ở chùa Thái
Lạc (Hưng Yên), chùa Phổ Minh (Nam Định), ở di chỉ Cồn Chè (Nam Định), chùa
Dâu (Bắc Ninh), điêu khắc đất nung ở chùa Hang (Yên Bái), điêu khắc đá ở chùa
Hoa Long (Thanh Hóa)

12
.
Về nhạc khí: Dường như trên hầu hết các bức chạm khắc trên gỗ chùa Thái Lạc
đều miêu tả một cách rõ nét các loại nhạc khí mà đã được các thư tịch trên nhắc
đến như đàn tranh, nguyệt, tỳ bà, tiêu, sáo, nhị. Những bức chạm trên các cốn của
chùa Thái lạc, Hưng Yên đã miêu tả những vũ công (tiên nữ) chơi nhạc, gảy đàn
và thường được chạm thành từng đôi như đàn tranh thì đi chung với sáo; tiêu thì
đi với Nhị; đàn nguyệt thì đi chung với đàn tỳ bà. Có thể việc chạm từng đôi này
là do sự hạn chế của bức chạm và vị trí gắn kết của chúng trên các thành phần kiến
trúc, nhưng nó cũng cho thấy có một sự phối thanh nhất định giữa các nhạc cụ với
nhau. Đây có lẽ chỉ là một dàn tiểu nhạc, còn các vũ công ở đây được tạo tác như
những tiên nữ cưỡi phượng trong khi tấu nhạc cho thêm phần huyền thoại. Trên
một bức khác cũng ở chùa Thái Lạc, người ta có thể thấy ba tiên nữ cưỡi trên các
đóa mây để đánh đàn tỳ bà, đàn tranh và đàn nguyệt. Có lẽ cái lối tả mây, tả sóng
nước ở đây cũng là cách các nghệ nhân điêu khắc mô tả được sự sống động của
những thanh âm, khi cuộn dâng, khi vấn vít, khi lại thanh nhã buông lơi, minh họa
cho tiếng nhạc du dương huyền ảo. Những nhạc cụ này không phải đến thời Trần
mới xuất hiện, mà đã thấy có mặt trên các chạm khắc thời Lý, như bức chạm dàn
nhạc ở chân tảng chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Những loại như trống cơm, đàn
nguyệt, đàn tỳ bà, … là những loại dùng cho đại nhạc cũng đã có ở thời Lý. Như
vậy có thể thấy rằng nhạc khí đời Trần là một bước kế thừa và phát triển từ truyền
thống thời Lý trước đó.
Về trang phục: Trên những bức chạm chùa Thái Lạc, người ta có thể nhìn thấy
sự pha trộn của các kiểu trang phục khác nhau của các vũ công. Nếu ở bức chạm
các tiên nữ dâng hoa được các điệu hóa theo mô típ người - chim Kinari kiểu
Chàm, trang phục thường rất đơn giản chỉ có yếm hoặc thắt đai lưng, cánh tay
thường để trần tròn lẳn nuột nà, cổ tay đeo vòng để khoe lên cái động tác mềm mại
khi dâng hoa, dâng hương. Ở các bức chạm từng đôi tiên nữ cưỡi phượng tấu
nhạc, thì người ta lại nhìn thấy một thứ trang phục khác. Các cô thường mặc một
loại trang phục bó tay, áo xếp nếp có thắt đai lưng váy xếp nếp kiểu váy Chàm.

Một số cô khác ngồi xếp bằng thì mặc quần ống thụng cũng có nhiều nếp, có lẽ
đây chính là tiền thân của những chiếc váy hay áo tứ thân nhiều tà rất phổ biến sau
này trong trang phục Việt.
Về động tác và hình thể: Những bức chạm cho thấy vũ điệu được mô tả chịu ảnh
hưởng đậm nét từ các điệu múa của người Chàm. Các dạng vẻ “tam gấp” được thể
hiện một các rõ ràng trên các bức chạm khiến người ta liên tưởng đến các vũ công
Apsara trên các chạm khắc đá hay đất nung ở các tháp Chàm. Các thế dáng “tam
gấp” này như hòa chung với nhịp điệu của các nếp xếp trên váy hay các dải lụa
được vắt qua vai khiến người ta phải liên tưởng đến các nhịp nhạc dìu dặt và
những tiếng trống đệm tưng bừng. Vài lời kết luận:
Âm nhạc và múa thời Trần đã kế thừa truyền thống của triều Lý, trên cơ sở tiếp
thu nhạc vũ Trung Hoa và Chiêm Thành. Quy mô của dàn nhạc đời Trần đã cho
thấy có cả dàn đại nhạc và tiểu nhạc, bao gồm các loại nhạc cụ riêng và phục vụ
cho các nhu cầu khác nhau của đời sống cung đình cũng như của dân gian.
Vũ đạo đời Trần có sự ảnh hưởng rõ rệt về bài bản của vũ đạo Trung Hoa; đồng
thời cũng ảnh hưởng vũ đạo Chàm ở khía cạnh vũ điệu và trang phục múa.
Tư liệu khảo cổ học và thư tịch về âm nhạc và múa đời Trần không còn nhiều,
việc nghiên cứu lâu nay về mảng này còn hết sức sơ lược, song đây là một thời đại
phát triển cao của nghệ thuật âm nhạc và vũ đạo, đáng được dành nhiều thời gian,
công sức và kinh phí để nghiên cứu và giải mã, góp phần đánh giá toàn diện và
đầy đủ về thời đại Lý – Trần rực rỡ võ công văn trị trong lịch sử nước nhà.
Hà Nội, tháng 6 năm 2009.

Vì nóc thượng điện chùa Thái Lạc (Hưng Yên), gỗ, tk 13-14


Tấu nhạc: đàn tỳ bà và đàn nguyệt (gỗ, Thái Lạc – Hưng Yên)




Tấu nhạc: đàn tranh và sáo (gỗ, Thái Lạc – Hưng Yên)


Tấu nhạc: Tiêu và nhị (gỗ, Thái Lạc – Hưng Yên)


Vũ điệu dâng hoa (gỗ, Cồn Chè – Nam Định)


Vũ điệu dâng hoa (gỗ, Thái Lạc – Hưng Yên)


Vũ điệu dâng hoa (gỗ, Chùa Dâu – Bắc Ninh)



Vũ điệu dâng hoa (đất nung, Chùa Hang, Yên Bái)



Vũ điệu dâng hoa (đá, chùa Hoa Long – Thanh Hóa)

Nguồn ảnh: Hình tượng con người trong chạm khắc cổ Việt Nam,
Viện Mỹ thuật, 20



1 An Nam chí lược. Lê Tắc. Trần Kinh Hòa dịch. Viện Đại học Huế xuất bản,
1961, trang 46.
2 An Nam chí lược. Sđd, tr. 46.

3 An Nam chí lược. Sđd, tr. 48.
4 An Nam chí lược. Sđd, tr. 48.
5 Đại Việt sử ký toàn thư. Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính
Hòa 18 (1697). Tập II: Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích. GS Hà Văn Tấn hiệu
đính. Nxb. KHXH, H. 1993, tr.37.
6 Đại Việt sử ký toàn thư. Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính
Hòa 18 (1697). Tập II: Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích. GS Hà Văn Tấn hiệu
đính. Nxb. KHXH, H. 1993, tr.141.
7 Sdd. Trang 131.
8 Một bức “ký họa” về xã hội nước ta thời Trần: Bài thơ “An Nam tức sự” của
Trần Phu. Trần Nghĩa. Tạp chí Văn học số 1 – 1972, tr. 115.
9 Một bức “ký họa” về xã hội nước ta thời Trần: Bài thơ “An Nam tức sự” của
Trần Phu. Trần Nghĩa. Tạp chí Văn học số 1 – 1972, tr. 117.
10 Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Tập
Một. Nxb. Giáo dục, H, 427.
11 Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Tập
Một. Nxb. Giáo dục, H, 499.
12 Hình tượng con người trong chạm khắc cổ Việt Nam. Nhiều tác giả. Đại học
Mỹ thuật Hà Nội xuất bản, 2002.

×