Nhân vật phụ trong kịch
Lưu Quang Vũ
Năm 1979, Lưu Quang Vũ thử ngòi bút của mình với kịch bản Sống mãi tuổi
17. Vở diễn thành công rực rỡ. Từ đó, Lưu Quang Vũ say mê với nghề sáng tác kịch
bản. Sinh thời, Lưu Quang Vũ đã nhiều lần khẳng định thơ mới là sự nghiệp lâu dài, là
chốn thâm sâu nhất của tâm hồn. Ông quan niệm: thơ vẫn là bà hoàng của mọi ngành
nghệ thuật. Và Lưu Quang Vũ đãsống hết tận cùng năm tháng với thơ. Nhưng có lẽ do
ý thức trách nhiệm công dân và thiện tâm của một nhà nghệ sĩ, mong muốn góp phần
dựng xây đời. Lưu Quang Vũ đã tham dự vào sân khấu kịch với một niềm đam mê
cháy bỏng. Chỉ trong chín năm ngắn ngủi của phần đời còn lại, Lưu Quang Vũ đã gửi
lại cho sân khấu nước nhà hơn 50 kịch bản, hầu hết đều được dàn dựng và biểu diễn
trên khắp mọi miền của đất nước. Giới sân khấu đánh giá cao các tác phẩm của Lưu
Quang Vũ. Mọi tầng lớp công chúng trong xã hội đều hứng thú với kịch Lưu Quang
Vũ. Ông có những đóng góp lớn trong việc đem lại không khí sôi động cho nền sân
khấu đang lúc thoái trào vào những năm 80 của thế kỷ XX. Nhiều đoàn nghệ thuật
sống được, nhiều diễn viễn thành danh từ các vở diễn của Lưu Quang Vũ.
Kịch Lưu Quang Vũ bao quát toàn bộ những vấn đề của đời sống trong thời kỳ
đổi mới. Ngòi bút của ông có khả năng thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống, mọi
thẳm sâu trong tâm hồn con người. Thế giới nhân vật trong kịch Lưu Quang Vũ đa dạng,
phong phú, đủ các hạng người. Nhiều nhân vật trung tâm của vở kịch đã để lại dấu ấn
khó quên trong tâm trí của người xem như: Trâm trong vở Cô gái đội mũ nồi xám; Hiệp
trong vở Người tốt nhà số 5; Lê Chí trong vở Nguồn sáng trong đời;Hoàng Việt trong
vở Tôi và chúng ta; Hồn Trương Ba trong vở Hồn Trương Ba - Da hàng thịt… Nét đặc
sắc của kịch Lưu Quang Vũ còn được thể hiện bởi các nhân vật phụ. Dù không khắc hoạ
sâu sắc, phong phú như các nhân vật chính, nhưng qua hành động, qua lời thoại, các
nhân vật phụ đôi khi chỉ xuất hiện lướt qua trên sân khấu mà vẫn có hồn, vẫn gợi, vẫn
tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Ngay từ cách đặt tên các nhân vật đã thể hiện
dụng ý nghệ thuật của tác giả. Những tên gọi quê mùa, dân dã như: cụ Gồi trong
vở Những ngày đang sống; ông Quých, bà Bộng trong vở Tôi và chúng ta; lão Chạp
trong vởĐôi dòng sữa mẹ; bé Diêm trong vở Muối mặn đời em; cái Gái trong vở Hồn
Trương Ba - Da hàng thịt; bé Nha trong vởLời nói dối cuối cùng… đã hé mở cho người
xem về một kiểu nhân vật, một loại tính cách của những thảo dân chỉ biết sống thẳng
ngay, hồn hậu, trung thực và chứa chan tình người. Ngoài ra tên nhân vật phụ còn được
gọi theo chức vụ, theo công việc hoặc theo thể trạng hay những khuyết tật của cơ thể
như: Ông già gác nghĩa trang trong vở Tôi và chúng ta; Lý trưởng trong vởHồn Trương
Ba - Da hàng thịt; anh thanh niên bị lác mắt trong vở Nguồn sáng trong đời; anh gầy,
chị béo, người chồng say rượu trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy; anh Vĩ Nhân trong
vở Quyền được hạnh phúc… là những nhân vật xuất hiện rất khiêm tốn trong các vở
kịch, nhưng đã tạo ra những hiệu quả thẩm mỹ nhất định.
Nhân vật phụ xuất hiện trong kịch Lưu Quang Vũ không phải là từ sự tuỳ hứng
của tác giả, mà là trong sự thống nhất của một chỉnh thể nghệ thuật, nhằm để bồi đắp
thêm chủ đề, làm nổi bật tư tưởng của vở kịch. Nhân vật ông già gác nghĩa trang trong
vở Tôi và chúng ta, chỉ xuất hiện vài phút trong màn khai từ đã gợi lên trong khán giả
một khoảnh khắc lắng sâu để chiêm nghiệm về bản thân, về cuộc đời.
Ông già:… Con gái tôi là y sĩ, làm nghề đỡ đẻ hộ sinh. Như vậy là hai bố con tôi,
mỗi người đứng ở một đầu con đường, kẻ lo việc đón người ta chào đời, kẻ lo coi sóc
người ta nhắm mắt… (Thở dài). Đời người ngắn ngủi lắm. Những vị nào tham lam ích
kỷ ăn ở ác, mỗi tháng nên xuống thăm đây một lần, nhìn chỗ ở cuối cùng đang đợi mình
này, để mà ăn ở cho biết điều hơn, phải không anh? Ai rồi cũng thành đất, thành tro bụi
cả thôi…
Hoàng Việt: (khẽ)… Nhưng cũng phải còn lại cái gì chứ? Có những điều không
thể chết! Những con người từng sống tốt đẹp, hữu ích phải còn lại một chút gì của họ
trong cuộc sống này, trong tôi, trong bác, trong mỗi việc ta làm.
Ông già: (trầm ngâm) Phải, anh ạ. Mỗi người nhờ những người khác mà tiếp tục
sống. Và như vậy cái chết sẽ bị đẩy lùi. Đó là một điều quan trọng.
Từ nghề nghiệp của hai bố con ông già gác nghĩa trang, Lưu Quang Vũ đã kết nối
thành lẽ tử sinh của kiếp người, gửi gắm vào đó một quan niệm sống, một lẽ sống, dự
báo cho khán giả một tư tưởng nghệ thuật quan trọng của vở kịch sắp được diễn ở những
màn sau. Nhân vật ông Quých, người công nhân từng trải và lịch lãm trong vở Tôi và
chúng ta cũng được đông đảo khán giả mến mộ. Khi quản đốc Trương họp phân xưởng
kiểm điểm cô Ngà về tội không chồng mà có con. Ông Quých đã nhắc nhở mọi người:
"…Ấy đấy, thế thì quanh cái chuyện riêng tư của chị Ngà, ta phải tỏ ra là người biết
nghĩ, ở trong ngực ta là cái quả tròn tròn nó đập, chứ không phải là cục sắt rỉ, phải
không ạ?". Đó là tình đời, tình người mà tập thể phải thấu hiểu và chia sẻ. Đó là mối
quan hệ hài hoà giữa cá nhân và tập thể, giữa tập thể với cá nhân, là Tôi và chúng ta như
tên gọi của vở kịch. Khi giám đốc Hoàng Việt mời góp ý cho xí nghiệp, vẫn giọng điệu
hóm hỉnh, tếu táo mà sâu sắc khi ông Quých nói về mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền
lợi: "…Là công nhân thì phải có nghĩa vụ với xí nghiệp. Ngay chỉ là người thôi, cũng
phải có nghĩa vụ với tạo hóa. Tạo hóa bắt như vậy. Ấy, lắm lúc tôi thấy tạo hóa khôn
ranh lắm, chẳng đòi người ta nghĩa vụ suông bao giờ, nghĩa vụ nào cũng kèm theo sự
ban thưởng, giờ ta gọi là "quyền lợi". Chẳng hạn tạo hóa đòi người ta hai nghĩa vụ lớn
nhất là sống để sinh con và đẻ cái để nòi giống duy trì. Lập tức tạo hoá cũng biến hai
nghĩa vụ tối cao ấy thành hai quyền lợi, hai sự thích thú đứng đầu trong tứ khoái. Nếu
ăn và ngủ với vợ - xin lỗi anh - chỉ là nghĩa vụ vất vả nhọc nhằn thôi, thì chắc người ta
cũng không tích cực ăn và đẻ con đến thế! Hoặc như nếu miệng ta ăn phải đợi đến 10
năm sau, hay đến một tương lai xa lắc nào mới thấy ngon, thì chắc cũng lạnh nhạt với
sự ăn. Nghĩa vụ mà không đi đôi với quyền lợi thì khó lòng thực hiện hăng hái thường
xuyên được. Xí nghiệp chỉ đòi hỏi công nhân thực hiện nghĩa vụ mà chẳng đoái hoài
mấy đến quyền lợi của công nhân thì… xin lỗi anh không ổn đâu…". Nghĩa vụ và quyền
lợi là hai phạm trù đối lập nhau, nhưng lại thống nhất biện chứng trong một cá nhân,
trong một cộng đồng. Nghĩa vụ là trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể. Quyền lợi là
phần mà cá nhân đáng được hưởng và phải được hưởng tương xứng với năng lực và
đóng góp của mình. Trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhiều lúc cá nhân phải hy
sinh quyền lợi, để hướng tới những mục tiêu cao cả hơn là lợi ích của cộng đồng, của dân
tộc. Nhưng trong cuộc sống bình thường thì quyền lợi và nghĩa vụ phải hài hoà. Giải quyết
mối quan hệ này, thực chất là giải quyết công bằng xã hội, là tạo ra động lực thúc đẩy sự phát
triển của cá nhân và xã hội. Vấn đề mà nhân vật ông Quých đặt ra mang ý nghĩa lâu dài và là
tư tưởng lớn của mọi xã hội, mọi thời đại. Xuất phát từ tấm lòng yêu thương con người,
muốn nâng cao phẩm giá con người Lưu Quang Vũ phát hiện ra mối quan hệ bất ổn giữa
nghĩa vụ và quyền lợi trong một cơ chế mà lịch sử đã vượt qua. Tấm lòng đó nhà văn đã
gửi gắm một phần qua nhân vật ông Quých.
Nói về thói quan liêu, cửa quyền của một số cán bộ của thời kỳ đổi mới, công
chúng kịch lúc bấy giờ vẫn chưa quên lời thoại của ông Quých với nhân vật Bộ trưởng:
"…vẫn biết các bác là đầy tớ của nhân dân nhưng đến nhà của các ông đầy tớ… khó
lắm". Đó là tiếng nói trung thực, thẳng thắn nhưng chí tình, dẫu cũng hơi khó nghe đối
với nhiều người lúc bấy giờ. Tính cách đó của ông Quých sau này vẫn tiếp tục phát triển
trong vở Khoảnh khắc và vô tận. Dù bị giám đốc mới cho về hưu sớm, nhưng những
quan niệm sống cao đẹp của nhân vật này vẫn ngời sáng. Ông vẫn hướng dẫn đám trẻ
khắc phục sự cố máy móc, vẫn tìm tòi sáng tạo không ngừng. Trước khi trở thành tro
bụi, ông Quých đã kịp trao "bí quyết" sản xuất làm lợi cho nhà máy đến tay vị giám đốc
mới. Cuộc đời ông Quých đẹp như một bài thơ về lòng nhân hậu về lẽ sống, lẽ làm
người. Nhân vật ông Quých tiêu biểu cho những phẩm chất cao quý của nhân dân, góp
phần tô đậm các giá trị nhân sinh của vở kịch. Như lời nhân vật Bộ trưởng trong Khoảnh
khắc và vô tận khi hay tin ông Quých qua đời đã thốt lên: "Ông là một người thầy của
tôi, là thầy của tất cả chúng ta".
Nhân vật phụ trong kịch Lưu Quang Vũ còn có tác dụng góp phần giải quyết xung
đột kịch. Sự xuất hiện Hồn Trương Ba trong thân xác của anh hàng thịt trong vở Hồn
Trương Ba - Da hàng thịt được mọi người xung quanh tuỳ theo lợi ích và tình cảm của
mình mà có sự cảm nhận và ứng xử khác nhau. Bọn Lý trưởng, Trương tuần nhân cơ hội
sự tréo ngeo giữa hồn nọ xác kia để mà kiếm chác. Anh con trai của Trương Ba thì
muốn tận dụng sức vóc của anh hàng thịt để bảo đảm cho những chuyến buôn bán lọc
lừa của mình. Người vợ và đứa con dâu của Trương Ba có phần được an ủi, thôi thì dẫu
sao phần hồn vẫn quan trọng, thân xác rồi dần sẽ quen. Có lẽ thỏa mãn nhất là vợ anh
hàng thịt. Thân xác chồng chị vẫn còn đó. Hơn nữa, chị lại được bù đắp thêm cái phần
thanh tao, cao quý toát ra từ Hồn Trương Ba, mà trước đây khi sống với người chồng -
anh hàng thịt toàn là những lỗ mãng và thô bạo. Chỉ riêng cái Gái là tỏ thái độ khác hẳn
với mọi người. Nó là đứa trẻ hồn nhiên và trong sáng. Nó có hiểu thế nào là hồn, thế nào
là xác? Khi ông nội của nó là Trương Ba được sống lại trong cái thân xác của anh hàng
thịt, cái Gái đã "căm tức nhìn". Nó nói thật, nói đúng hình hài của con người mà nó nhận
biết: "Lão giết lợn". Xung đột giữa nhân vật cái Gái và Hồn Trương Ba cứ thế mà phát
triển. Đến khi nó chứng kiến bố nó phải hối lộ cho bọn Lý trưởng để Hồn Trương Ba
được cư ngụ hợp pháp trong cái thân xác của anh hàng thịt, thì xung đột đã đến đỉnh
điểm. Cái Gái dứt khoát: "Không! Không được! Người này không phải ông nội tội.
Người này không phải là ông Trương Ba". Cái lý của đứa trẻ rất giản đơn, nhưng rõ ràng
và cụ thể: "Ông nội tôi là người gầy gầy, tóc bạc, trán nhăn mà mắt sáng lắm, hiền lắm
cơ mà! Còn ông này thì má béo phị, lông mày rậm như chổi sể, trông dữ dữ là! Ông lừa
cả nhà, lừa tất cả mọi người, nhưng không lừa được được tôi đâu! Ông giả vờ làm ông
nội, về chiếm chỗ của ông nội trong nhà… Không được đâu!". Lời lẽ của cái Gái chính
xác mà người lớn không thể phản bác được. Tên Lý trưởng chỉ "Hừm". Anh con trai
quát tháo trong bất lực vì đuối lý: "Im mồm! Trẻ ranh biết gì việc người lớn". Chỉ có
Hồn Trương Ba là thấm thía cái nghịch cảnh éo le của mình. Nhân vật cái Gái là tấm
gương trong suốt để Hồn Trương Ba soi rõ nhất, sâu nhất tấn bi kịch trớ trêu của xác nọ
hồn kia. Không còn dáng vẻ tự tin và có phần chủ quan như cảnh đối thoại giữa hồn và
xác ở màn trước đó của vở kịch, Hồn Trương Ba như cầu cứu, van xin: "Gái, cháu…
Gái, rồi lớn lên cháu sẽ hiểu. Ông đúng là ông nội cháu". Vẫn giọng điệu dứt khoát, xác
thực và nhất quán của trẻ thơ: "Tôi không phải là cháu của ông! Ông nội tôi chết rồi…
Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!". Tâm hồn cái Gái tươi xanh như cây cối ngoài vườn mà ông
nội nó đã gieo trồng. Cái Gái là hiện thân của điều thiện, biết phản ứng với cái ác, là sự
tiếp nối cuộc sống thanh bần, tao nhã mà Trương Ba đã để lại trong nó. Từ khi được
sống trở lại trong thân xác của anh hàng thịt, Hồn Trương Ba phải đấu tranh rất nhiều để
mong giữ được cái phần đẹp đẽ của chính mình. Nhưng chỉ khi đối mặt với cái Gái, Hồn
Trương Ba mới nhanh chóng nhận ra sự chắp vá không cần có, không nên có của mình.
Đây chính là lần xung đột dữ dội nhất, tạo nên bi kịch sâu sắc của Hồn Trương Ba.
Vở Hồn Trương Ba - Da hàng thịt nhiều lớp nghĩa, ý tứ sâu xa. Nhân vật cái Gái chỉ là
nét chấm phá bé nhỏ trong bức tranh đời nhiều thi vị của vở kịch, nhưng gây được ấn
tượng cho người xem.
Nhân vật cụ Gồi trong vở Những ngày đang sống và nhân vật lão Chạp trong
vở Hai giọt máu khiến người xem nhớ đến kiểu nhân vật người câm trong truyện cổ tích.
Nhân vật câm trong truyện dân gian thường cất giấu những điều bí mật. Khi nhân vật cất
tiếng nói thì cái ác bị trừng trị, công lý nhân dân được xác lập (nhân vật Quỳnh Nga
trong truyện Thạch Sanh). Các nhân vật như cụ Gồi, lão Chạp phải giả câm, giả điếc gần
như sống bên lề xã hội, nhưng lại biết đầy đủ những việc làm xấu xa của bọn người xấu.
Đến khi cụ Gồi, lão Chạp lên tiếng thì sự thật được sáng tỏ. Nhân vật lão Chạp trong
vở Hai giọt máu chỉ xuất hiện bốn lần thoáng qua trong vở kịch, nhưng tính cách nhân
vật vẫn nhất quán và rõ nét. Ba lần trước lão xuất hiện chỉ để gật đầu khi xác nhận một
sự thật nào đó. Đến lần thứ tư, tại phiên toà công lý lão tự nguyện đến và nói những điều
bí mật cách đây 13 năm, thời miền Nam chưa được giải phóng. Đó là việc tên đại úy
ngụy Bảy Hổ bắt mẹ cô nữ hộ lý Trà My buộc cô này phải đánh tráo đứa trẻ lai Mỹ da
đen sang con của một cô giáo - vợ của một du kích đang hoạt động trong vùng địch. "Tôi
nhìn thấy hết, nhưng cho đến lúc bà Lệ Tuyết ôm đứa trẻ mà bà thừa biết là không phải
con mình ra viện, cho đến lúc cô giáo tội nghiệp này tỉnh cơn mê do thuốc ngủ… Tôi
biết hết mà không dám nói gì… Tôi là lão Chạp câm điếc hèn hạ, và cũng như cô tôi
sợ…tôi sợ chúng nó… Nhiều năm đã qua, đã đi dò tìm tung tích bà Lệ Tuyết và cô
giáo… và hôm nay tôi đến đây để nói sự thật về vụ hai đứa trẻ bị đánh tráo theo lệnh
của lão đại uý tên là Bảy Hổ". Giọng điệu của lão sang sảng như đã bị đè nén bấy lâu,
uất ức lắm, nay mới có dịp tuôn trào. Kịch Lưu Quang Vũ hấp dẫn người xem ở các yếu
tố bất ngờ trong các nhân vật phụ. Bất ngờ nhưng lại chặt chẽ, lôgic. Bốn lần lão Chạp
xuất hiện với những tư cách khác nhau, nhưng lại là những hành động thống nhất theo
sự phát triển của tính cách nhân vật. Nhân vật Vĩ Nhân trong vở Quyền được hạnh
phúc xuất hiện hai lần nhưng gây hứng thú người xem ở những yếu tố bất ngờ của nhân
vật thông qua lời thoại dí dỏm, bất cần đời mà sâu cay. Lần thứ nhất Vĩ Nhân là một
người điên ở tù cùng phòng với nhân vật trung tâm vở kịch - ông Thụy. Mọi người trong
tù đều cho rằng chỗ của hắn phải là nhà thương điên chứ không phải chốn này. Lần thứ
hai Vĩ Nhân gặp ông Thụy, thì hắn lại hoàn toàn tỉnh táo. Hắn giải thích lý do vờ điên
của hắn: "Tôi làm thủ kho ở lâm trường. Mấy ông ở đó kéo bè cánh đấu đá nhau dữ quá,
lại chuyện tham ô ăn bớt gỗ lạt của công. Bác bảo: mình là thủ kho, dễ chết oan vì họ.
Tố giác họ thì mình không dám, họ có chức có quyền, mà im đi thì có ngày mình bỏ mẹ.
Xin thôi việc thì họ không cho, khăng khăng đòi nhỡ họ nghi mình hại họ, mình cũng
chết. Lại thêm gia cảnh tôi không ra sao. Vợ thì đanh đá, nanh nọc, lại chuyên lăng
nhăng, mình đòi bỏ thì nó quyết không chịu bỏ, lơ mơ là nó oánh cho, nó vừa ác vừa
khoẻ… Chỉ còn có một cách: vờ điên mẹ nó đi".
Thì ra người bạn tù - Vĩ Nhân của ông Thụy cũng là nạn nhân của cơ chế quan
liêu bao cấp. Có khác chăng là ông Thụy vì muốn thay đổi cơ chế đó, muốn làm cho nó
tốt hơn thì bị các đồng chí của mình trù dập phải vào tù, còn Vĩ Nhân thì vờ điên để
được yên thân thoát khỏi cơ chế đó. Nhân vật góp phần làm nổi bật tính vấn đề của vở
kịch. Các nhân vật như: Anh câu cá trộm và anh bán thuốc đánh răng giả trong vở Cô
gái đội mũ nồi xám; anh thanh niên bị lác mắt và ông "Nhài quạt" trong vởNguồn sáng
trong đời; chị béo và ông gầy, người chồng say rượu trong vở Hoa cúc xanh trên đầm
lầy…dù xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm nhưng để lại nhiều dư vị. Các nhân vật này
góp phần làm cho bức tranh đời sống trong kịch Lưu Quang Vũ thêm phần sinh động, đa
diện hơn. Viết về họ, Lưu Quang Vũ có cái nhìn cảm thông, chia sẻ. Ông thấy họ đáng
thương hơn là đáng giận. Các nhân vật phụ tưởng như không ăn nhập gì với tư tưởng
của vở kịch, thực ra họ góp phần làm phong phú thêm giá trị nhân văn của tác phẩm.
Nhân vật phụ trong kịch Lưu Quang Vũ sinh động và hấp dẫn. Tính hấp dẫn thể
hiện ở ngôn ngữ kịch làm nên giọng điệu, hành động của từng nhân vật. Mỗi nhân vật,
mỗi cá tính, một dáng vẻ không lặp lại, có giá trị thẩm mỹ riêng, tạo ấn tượng khó quên,
chứ không phải chỉ là những hình nhân cử động trên sân khấu không biết để làm gì.
Diễn viên cũng có đất để sáng tạo. Người xem có cái để suy ngẫm, để liên tưởng. Đó
chính là tài năng sáng tạo, là những trăn trở về lẽ sống của Lưu Quang Vũ gửi gắm trong
các nhân vật của mình. Với thời gian, có thể có những vấn đề đặt ra trong kịch Lưu
Quang Vũ mất dần tính thời sự, nhưng những quan niệm về con người phải sống có ích
cho cuộc sống của mình, có ích cho mọi người, vươn tới những giá trị cao quý vì sự phát
triển con người và xã hội thì mãi mãi không bao giờ xưa cũ