Vấn đề tầm đón đợi và xác định tính
nghệ thuật trong Mỹ học tiếp nhận của
Hans Robert Jauss
Từ hơn 20 năm nay, mỹ học tiếp nhận không còn là tên gọi xa lạ đối với các nhà lý
luận và nghiên cứu văn học ViệtNam. Đã có hàng chục bài báo và tiểu luận khoa học trong
đó có cả những công trình nghiên cứu được in thành sách đề cập đến nó mà chủ yếu mới chỉ
có tính chất giới thiệu khái quát. Có thể thấy ở đây trong nhiều trường hợp mỹ học tiếp nhận
hay lý thuyết tiếp nhận vẫn thường được đồng nhất với mỹ học tiếp nhận của Hans Robert
Jauss
(1)
, nhà lý luận văn học và nghiên cứu ngữ văn latinh ở trường đại học Konstanz. Sự
đồng nhất ấy một phần do chủ yếu chúng ta chỉ mới biết đến lý thuyết của ông và phần khác
do ông là người đã góp phần nổi bật vào việc phát triển những ý tưởng, những tiền đề về việc
nghiên cứu tiếp nhận và tác động văn học thành một lý thuyết, một mỹ học khá hệ thống vào
những năm 60 của thế kỷ XX trong công trình lý luận văn học một thời đã làm dấy lên nhiều
cuộc thảo luận sôi nổi: Lịch sử văn học như là sự thách thức khoa học văn học (dưới đây sẽ
được gọi tắt là Lịch sử văn học). Chuyên luận này nguyên là bài giảng nhận chức của ông tại
trường đại học Konstanz năm 1967
(2)
.
Như Jauss viết trong lời nói đầu của cuốn sách tập hợp một số bài nghiên cứu của ông
có tựa đề Lịch sử văn học như là sự thách thức do nhà xuất bản Suhrkamp ấn hành năm 1970
thì chuyên luận Lịch sử văn học “có phần cốt lõi về phương pháp luận trong việc giải thích
tầm đón đợi văn học” (Chúng tôi nhấn mạnh - H.V)
(3)
. Đúng vậy, khái niệm tầm đón đợivăn
học (literarische Erwartungshorizont) được Jauss đưa ra và trình bày ở nhiều chương trong
công trình này. Nó có vị trí quan trọng trong toàn bộ hệ thống quan niệm của ông về hai vấn đề
chính ở đây mà ở Việt Nam cho đến nay chưa có bài viết nào đề cập một cách cặn kẽ: vấn đề
tính nghệ thuật (hay giá trị thẩm mỹ) và vấn đề tính lịch sử (hay đúng hơn tính lịch sử riêng)
của văn học. Vấn đề tính lịch sử của văn học có thể nói là vấn đề cốt lõi nhất của công
trình Lịch sử văn học. Ở bài viết này chúng tôi chưa đề cập đến vấn đề tính lịch sử mà chỉ một
mặt tập trung vào ý kiến của Jauss về khái niệm tầm đón đợi, một khái niệm được nhiều nhà lý
luận và nghiên cứu văn học Việt Nam đặc biệt quan tâm và phần nào vận dụng. Cũng có thể
tìm thấy sự xuất hiện của nó trong một số luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ được bảo vệ trong
nhiều năm qua và khái niệm này của Jauss hầu như được trình bày và giải thích không đúng
với quan niệm của ông về nó; và mặt khác vào vấn đề xác định tính chất nghệ thuật của văn
học.
Khái niệm tầm đón đợi không phải do Jauss đặt ra mà được ông mượn của Karl
Mannheim trong cuốn sách Con người và xã hội trong thời kỳ xây dựng lại của ông này, được
xuất bản trước công trình của Jauss gần 10 năm
(4)
. Jauss nhận xét rằng khái niệm này từ thời
Karl Mannheim đã có vai trò của nó trong hệ tiên đề của khoa học xã hội. Và chính ông đã vận
dụng nó trong công trình trước công trình Lịch sử văn học, trong Những nghiên cứu về văn
chương loài vật thời trung cổ(1959). Trong Lịch sử văn học, Jauss hy vọng nó sẽ giúp ông lấp
kín được cái vực thẳm ngăn cách “giữa văn học và lịch sử, giữa nhận thức lịch sử và nhận thức
thẩm mỹ thông qua phương pháp mỹ học tiếp nhận, một mỹ học mà theo Jauss đặt ưu tiên ở
mối quan hệ giữa văn học và người đọc, mối quan hệ “chẳng những có hàm nghĩa thẩm mỹ mà
còn có hàm nghĩa lịch sử”
(5)
.
Trong Lịch sử văn học, Jauss đã tiếp thu và vận dụng lý thuyết giải thích học
(6)
của Hans
Georg Gadamer, tức là thừa nhận nguyên lý lịch sử tác động của Gadamer, mặc dù hoàn toàn
từ chối quan niệm về truyền thống của ông này. Tuy nhiên cũng như Gadamer, Jauss kịch liệt
phê phán chủ nghĩa khách quan lịch sử mà ông nhận thấy biểu hiện trong chủ nghĩa thực
chứng, chủ nghĩa lịch sử và quan điểm lịch sử tinh thần rất phổ biến trong khoa học văn học
Đức. Theo Jauss tất cả những khuynh hướng nghiên cứu lịch sử văn học trên không có gì liên
quan đến lịch sử văn học cả và đáng bị tuyên án tử. Jauss phê phán tư tưởng về tính khách quan
lịch sử, theo đó quan niệm của chủ nghĩa thực chứng về lịch sử như là sự mô tả “khách quan”
một loạt các sự kiện trong một quá khứ tách biệt không những đi chệch khỏi tính nghệ thuật mà
còn cả tính lịch sử đặc thù của văn học. Chống lại các quan điểm về tính vĩnh hằng của tác
phẩm văn học vẫn thường được khẳng định ở nhiều khuynh hướng nghiên cứu văn học khác
(và các khuynh hướng này cũng tiếp tục bác bỏ một số luận điểm của ông), Jauss khẳng định
tác phẩm văn học chứa đựng trong nó những tiềm năng nghĩa và cho rằng “tác phẩm văn học
không phải là một khách thể tồn tại cho riêng nó, trình ra cho mọi người quan sát ở mọi thời kỳ
một hình dạng như nhau. Nó không phải là một tượng đài phô bày cái bản chất vô thời hạn của
nó bằng sự độc thoại”. Ông quan niệm tác phẩm văn học như là một “tổ khúc” nhằm đến sự
cộng hưởng luôn luôn đổi mới của việc đọc. Điều này cho thấy nét nổi bật trong hệ thống lập
luận của Jauss, là quan hệ đối thoại được triệt để thay cho sự độc thoại vốn tiêu biểu cho các
quan niệm văn học trước nay. Tuy nhiên cũng cần thấy rõ là ở đây, trong quan hệ đối thoại này,
vai trò của người tiếp nhận, người đọc chiếm địa vị thống trị so với địa vị của tác giả, người
viết, bởi vì phương diện sinh thành của văn học đã bị Jauss hạ thấp, không chú trọng. Gắn với
tính chất đối thoại này của tác phẩm văn học, Jauss quả quyết “kiến thức ngữ văn chỉ có thể tồn
tại trong sự đối diện thường xuyên với văn bản và không được vón cứng lại thành kiến thức về
các sự kiện”; tức Jauss muốn nói đến sự tiếp xúc, sự gặp gỡ, sự đối thoại thường xuyên của
người đọc mà ở đây là của nhà ngữ văn học với tác phẩm, chứ không phải dừng lại ở các sự
kiện thuộc lịch sử hình thành của tác phẩm. Sự kiện văn họccũng còn được Jauss phân biệt
với tính chất sự thực lịch sử của nó với cùng một quan điểm như vậy. Thêm nữa, sự kiện văn
học với Jauss cũng không giống với các sự kiện chính trị - xã hội. Cũng như những nhận xét đã
được đề cập của Jauss, so sánh này của ông cũng có phần khập khiễng, nhưng nó được Jauss
dùng để làm rõ mối quan hệ đối thoại, theo đó sự kiện văn học chỉ có thể có trong tiếp nhận,
trong đối thoại. Tác phẩm văn học chỉ có thể tiếp tục tác động khi nào nó còn được hoặc lại
được tiếp nhận ở những thế hệ sau – khi có người đọc tiếp thu tác phẩm quá khứ một cách mới
mẻ hay có tác giả mô phỏng nó, vượt lên nó hoặc bác bỏ nó
(7)
.
Tuy nhiên, tất cả những lập luận đó của Jauss đều gắn với cố gắng tìm kiếm một
phương pháp viết lịch sử văn học mới, tránh được các lý tưởng về tính khách quan lịch sử của
các khuynh hướng nghiên cứu lịch sử văn học mà ông phê phán. Và xuất phát từ nguyện vọng
đó, ông đặt trọng tâm của sự chú ý của ông vào việc giải thích khái niệm có tính chất trung
tâm: tầm đón đợi.
Với khái niệm tầm đón đợi, Jauss hy vọng sẽ chỉ ra được tính nghệ thuật cũng như tính
lịch sử của văn học mà theo ông đã bị hai khuynh hướng nghiên cứu văn học quan trọng nhất
của thế kỷ XX là lý luận văn học mácxit và lý luận văn học của chủ nghĩa hình thức biến thành
hai cực đối lập nhau, tạo nên một hố sâu ngăn cách giữa chúng. Và ông không dấu tham vọng
xây dựng được một thứ lý luận văn học, một mỹ học về văn học bắt được nhịp cầu qua cái hố
sâu, cái vực thẳm ngăn cách đó, tức tạo ra một lý luận văn học thống nhất được trong đó cả hai
tính chất trên của văn học: mỹ học tiếp nhận. Mỹ học này, theo Jauss sẽ tránh được chủ nghĩa
khách quan lịch sử và làm cơ sở cho cả mỹ học sản xuất lẫn mỹ học miêu tả bằng cách đặt
người đọc, người tiếp nhận chứ không phải tác giả và tác phẩm vào trung tâm của sự chú ý.
Công trình lý luận đầu tiên được giới nghiên cứu văn học đặc biệt chú ý này về mỹ học
tiếp nhận của Hans Robert Jauss, được in lần đầu vào năm 1967 ở Konstanz và lần hai năm
1970 tại Frankfurt a.M
(8)
- trong tập tiểu luận Lịch sử văn học như là sự thách thức. Chuyên
luận này trong tập tiểu luận vừa nêu dài 63 trang gồm 12 chương trong đó các chương 1và
2 tập trung phê phán các quan điểm nghiên cứu lịch sử văn học tư sản phương Tây mà theo
Jauss “trong 150 năm vừa qua rõ ràng đã vạch ra con đường tàn suy liên tục”
(9)
, chương 3 viết
về lý luận văn học mácxit và chương 4 viết về chủ nghĩa hình thức Nga. Chương 5 nói đến sự
thách thức của lý luận văn học macxit và lý luận văn học của chủ nghĩa hình thức mà trọng tâm
là sự thách thức thứ nhất. Ở đây cần nói thêm rằng sự phê phán của Jauss đối với chủ nghĩa
Mác và lý luận văn học mácxit trong các lần xuất bản có sửa chữa, bổ sung sau này hầu như
không có gì thay đổi và cũng luôn vấp phải sự phê phán trở lại của những nhà lý luận văn học
không chỉ ở Đông Đức trước đây mà còn cả ở các nước khác nữa. Các ý kiến đều cho rằng
Jauss không hiểu gì hay hiểu sai chủ nghĩa Mác
(10)
.