Thái độ thực chất của Cao Bá
Nhạ đối với Cao Bá Quát qua "Tự
tình khúc" và "Trần tình văn"
Thật ra, tấn bi kịch to lớn vô bờ bến của cha con Cao Bá Đạt lại là ở chỗ, các ông tuy
chưa được chiếu sáng bởi một luồng tư tưởng tự do dân chủ theo mô hình của xã hội công
dân tư sản, hay xã hội dân chủ pháp quyền, nhưng trước cái án quá tàn bạo đối với họ mình,
các ông bỗng nhận ra rằng đó là một luật lệ vô nhân đạo bậc nhất, vi phạm quyền sống con
người bậc nhất. Cha con ông muốn vùng vẫy thoát ra khỏi cái luật vô lý đó bởi tư tưởng nhân
văn của thời đại đã ngấm sâu vào các ông, mách bảo các ông hãy sống cho mình, thương
người và biết thương thân: “Những là sợ gió e sương/ Thương thân chua xót, nghĩ đường xa
xôi”. Vì thế, tha thiết yêu cuộc sống, yêu bản thân, Cao Bá Nhạ một mặt tìm mọi cách chứng
minh sự trong sạch của mình, bày tỏ niềm khao khát được sống: “Tôi nghĩ rằng: kìa như con
hạt dán tuy yếu ớt, còn được dung thân trong hang hốc, con trâu non tuy bé nhỏ, còn không
bị ruồng bỏ, vẫn có thể dùng để tế thần sơn xuyên, huống hồ con cháu liêm lại
(9)
lẽ nào chẳng
được đoái hoài, và cảnh ngộ nhà nho dù gặp biến cố mặc lòng, cũng không có tội tình gì
đáng chết, vì thế một mặt thì gìn giữ tính hạnh, khỏi thẹn với lòng đọc sách, kể đã hàng tháng
hàng năm rồi”; mặt khác ông cũngrất dũng cảm, thẳng thắn đề xuất quan điểm về một nền
giáo hóa có nghiêm có khoan:
“Tôi mong rằng giáo hóa vừa răn vừa dạy, theo lý nên xét cả tình. Hình phạt có nghĩa,
có nhân, trong họa mở ra đường phúc” (Trần tình văn )
(10)
.
Trong lá đơn xin ân xá mà một kẻ tử tù dám viết những lời như vậy thì sao có thể quy
kết là “mất hết khí tiết nhà nho”?
Cần nói thêm, giữa thảm họa khủng khiếp của đại gia đình họ Cao, có lẽ, Cao Bá Nhạ
là người chịu đựng cái bi kịch tinh thần giai giẳng hơn cả bố và chú: ông không thể hành
động giống người cha của mình - tuân thủ quy tắc ứng xử của kinh sách thánh hiền là: “anh
hùng khi gấp” thì quyết “sát thân thành nhân”. Dù bị đày đọa muôn phần, dù cái chết đã lơ
lửng trên đầu, ông vẫn ý thức về bản thân, hy vọng được sống, được trở về đoàn tụ với gia
đình và với mảnh vườn nhỏ năm xưa:
Nỗi ly hận nói năng sao xiết,
Tình tương tư nào biết bao nhiêu.
Tính xem ly biệt ít nhiều,
Thương cho mai cúc nặng điều tương tư.
Nhờ trận gió gửi thư thăm hỏi,
Mượn bóng giăng giãi mối ân cần.
Giá đành phong nguyệt chủ nhân,
Nỡ nào đầy đọa phong trần xót thương.
Xin hoa chứa phong quang như cũ,
Chủ nhân còn đoàn tụ có khi.
Rồi càng bị “Đọa đầy một đóa hoa mai / Phẩm tiên lưu lạc trần ai lạ lùng”, càng nhớ
lại hình ảnh vợ con trong giây phút biệt ly hãi hùng:
Tiểu đồng thổn thức xung quanh,
Thê, nhi lăn lóc bên mình khóc than.
Phút nửa khắc muôn nghìn thê thảm,
Trong một mình bảy tám biệt ly.
nhà thơ càng thương vợ nhớ con, càng xót xa đau đớn bởi cái mặc cảm chính vì mình
mà gia đình liên luỵ:
Chút đau đớn khuê phòng gối lẻ,
Bỗng vì đâu chia rẽ mối tơ.
Liễu bồ đôi chút cành thơ,
Bao giờ bìu ríu, bao giờ bồng mang?
Đã cay đắng nhiều đường rộn rã,
Lại nhục nhằn đến cả vợ con,
Mấy năm chút nghĩa ôn tồn,
Gieo đào, trả mận lòng còn bâng khuâng.
Càng thương nhớ, càng nghĩ ngợi, dằn vặt, ông càng khổ tâm muôn phần. Ông tưởng
tượng cảnh mình chết cũng không nhắm được mắt: “Mắt kia thác cũng còn giương/ Hồn kia
muốn dứt còn vương nỗi này”. Có lúc ông đã định quyên sinh như cha mình: “Băng hồ rơi
xuống lầm than/Thà cho một chén tân toan đi đời”, song lại tự nhủ chết đi tuy nhẹ thân,
nhưng không tội gì phải chịu chết, nếu chết sau này người đời sẽ nghi ngờ là sợ có tội mà
phải tự sát, và đối với ông - sống sót còn là một trách nhiệm:
Ví liều quyết chẳng tiếc mình,
Sạch mình đã vậy, thế tình còn nghi.
Rõ ràng, chính vì ý thức rất rõ về sự trong sạch của bản thân, và về sự sống của mình
còn quý giá hơn việc liều thân vô nghĩa, nhà thơ lại càng quyết phải sống, để chứng tỏ thân
tâm trong sáng và nỗi oan khiên của ông cũng như của gia tộc họ Cao: “Phù sinh một sợi tơ
mành / Giữ gìn di thể như hình thiên kim”. Do đó, tiếng kêu phải sống, phải trở về với đời
vang lên da diết trong thơ ông. Hết ngày này đến ngày khác ông trông chờ “một bức xá thư”
mà không hề tuyệt vọng. Bị bắt, bị đem ra xét xử và kết trọng tội rồi bị tống vào ngục, nhưng
ông cố chứng minh sự vô tội của mình. Ông đâu biết rằng, chỉ có dưới ánh sáng của thể chế
dân chủ mới thực có luật pháp công bằng, còn với bất cứ một chế độ xã hội nào mà chuyên
chế và bạo lực cầm quyền (kể cả bạo lực tinh thần) thì tiếng kêu cứu của dân lành chỉ là gió
thoảng thinh không.
Cao Bá Nhạ từng giây từng phút quyết không cam bị biến thành sinh vật nuôi nhốt,
thuần dưỡng trong cái cũi nhà tù, quyết không chịu đánh mất cá tính bởi vì ông đang sống
trong bầu không khí nhân văn của một thời đại đang trên đà khẳng định con người cá nhân -
mầm mống tư tưởng mới nảy sinh trong xã hội cổ truyền Việt Nam từ thế kỷ XVII, XVIII -
con người khao khát sống, tin yêu cuộc sống đến hồn nhiên và không chút hồ nghi về lẽ phải:
Xin hoa chứa phong quang như cũ,
Chủ nhân còn đoàn tụ có khi.
Trả cho sạch nợ lưu ly,
Tân toan rửa hết đến kỳ cam lai.
*
Thế đấy, Tự tình khúc và Trần tình văn trước hết cấp cho ta hình ảnh một Cao Bá Nhạ
con người văn nhân nghèo hèn nhưng lại biết thiết tha yêu cuộc sống và chỉ có một cầu mong
nhỏ nhoi là được giải oan, trở về với đời từ trong tù ngục. Song về một phương diện khác,
đấy lại cũng là một con người không chịu đánh mất bản chất trung thực bất luận hoàn cảnh bi
thảm đến thế nào, một người quyết bảo vệ mình và tận trong sâu kín, vẫn khéo léo giữ gìn,
không vi phạm đến hào quang của người chú mà cả dòng họ Cao cũng như biết bao người
đương thời ngưỡng mộ. Khác với chú ông, tư tưởng nhân văn của Cao Bá Nhạ không bộc lộ
ở bình diện con người anh hùng đối diện với cái chết-là điều thơ văn xưa thường có, mà bộc
lộ ở bình diện con người đời thường đối diện với sự sống, quý giá sự sống từng giây từng
phút. Và một trong những nét độc đáo của thơ văn ông chính là ở đó