Những điểm nóng trong
nghiên cứu văn học mấy năm
gần đây ở Trung Quốc
I. Về lịch trình phát triển của văn học Trung Quốc
Hồi mới sang thế kỷ mới, giới học thuật hăm hở tìm tòi lịch trình trăm năm vừa
mới đi qua với lòng hiếu kỳ. Bất kể là tổng kết kinh nghiệm sáng tác văn học hay điểm lại
thành quả nghiên cứu văn học đều trở thành điểm nóng một thời.
Việc nhìn lại và tổng kết lịch trình phát triển văn học của Trung Quốc trong thế kỷ
XX thực ra đã được bắt đầu từ những năm 80. Cuốn Đề yếu các sách nghiên cứu văn học
thế kỷ XX của nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh năm 1994 đã được khởi thảo từ cuối những
năm 80. Cuốn này tập hợp hơn 1200 sách nghiên cứu từ năm 1900 đến giữa năm 1992, về
cơ bản phản ánh được bộ mặt chủ yếu của nghiên cứu văn học Trung Quốc trong hơn 90
năm. Cuốn Lịch sử học thuật văn nghệ học thế kỷ XX ở Trung Quốc đồ sộ gồm
bốn quyển do Đỗ Thư Doanh và Tiền Cánh chủ biên nhằm thử “trình bày lịch sử hoạt
động nghiên cứu và thành quả nghiên cứu, hoặc nói cho cụ thể hơn là lịch sử hoạt động
nghiên cứu về lý luận văn nghệ, phê bình văn nghệ và lịch sử văn học cùng thành quả
nghiên cứu của những hoạt động đó”.
Bước sang thế kỷ mới, sách viết về lịch sử học thuật càng nhan nhản như măng
mọc sau mưa, khi thì là lịch sử nghiên cứu tác gia, hoặc là lịch sử sách chuyên đề nghiên
cứu, hoặc là lịch sử nghiên cứu văn học theo thể loại, hoặc lịch sử nghiên cứu văn học
theo giai đoạn, hoặc lịch sử nghiên cứu từng môn ngành, hoặc nghiên cứu về những học
giả chủ chốt v.v… Còn những bài viết có liên quan thì càng không sao đếm xuể. Trong số
những cuốn sách đó, cuốn Kinh nghiệm văn học Trung Quốc thế kỷ XX, Sử học sử văn
học Trung Quốc và Thông luận văn học cổ đại Trung Quốc có tính tiêu biểu nhất định.
Kinh nghiệm văn học Trung Quốc thế kỷ XX trình bày suy nghĩ về chỉnh lý chỉnh
thể và phân tích nghiên cứu những biến đổi, phát triển có tính lịch sử và những bài học
kinh nghiệm của văn học Trung Quốc thế kỷ XX. Cuốn Sử học sử văn học Trung
Quốc gồm 10 phần, chia làm 3 quyển, từ những tư liệu về lời bình thơ văn đời xưa, ghi
chép mục lục, tuyển chọn văn học rồi bút ký, bình điểm, tạp luận v.v… rút ra những tài
liệu có ý vị lịch sử văn học. Trên cơ sở đó, người biên soạn lại theo đường dây thời gian
và nguyên tắc văn thể, chia việc viết văn học sử của trăm năm qua thành hai loại hình là
thông sử và lịch sử chia cắt theo thời đại (đoạn đại sử) để quy chiếu. Lại xem xét văn học
sử không cùng loại biệt như lịch sử văn vần, lịch sử tản văn, lịch sử tiểu thuyết, lịch sử hý
khúc, lịch sử văn học dân gian, lịch sử tục văn học, lịch sử văn học dân tộc, lịch sử phê
bình văn học, lịch sử văn học khu vực cùng lịch sử những chuyên đề khác để chia loại mà
phân tích, luận bàn về sự hình thành, phát triển và phồn vinh của chúng. Cuốn Thông luận
văn học cổ đại Trung Quốc cũng có ý nghĩa kết hợp giữa lịch sử văn học và lịch sử học
thuật, bao gồm hơn 20 chuyên đề về các mặt văn học và chính trị xã hội, trào lưu tư tưởng
triết học, tôn giáo, kinh học, sử học, ngôn ngữ văn tự, văn hóa học thuật, cảnh ngộ văn
nhân, danh gia thế phiệt, đời sống đô thị, quan hệ dân tộc, văn hóa dân tộc, nghệ thuật,
văn hoá thẩm mỹ, văn hóa khu vực, truyền thống văn học giao thông, chế độ khoa cử, chế
độ mạc phủ xuất bản và tàng trữ sách, sáng tác của nữ giới, v.v…
II. Về việc Trung Quốc hóa lý luận văn nghệ mác xít
Bài học kinh nghiệm của nghiên cứu văn học Trung Quốc thế kỷ XX ngầm cho
thấy một sự thực cơ bản: nhân tố mấu chốt thúc đẩy học thuật biến đổi về chất là đổi mới
quan niệm. Nghiên cứu văn học Trung Quốc thế kỷ mới phát triển đến đâu thì Trung
Quốc hóa lý luận văn nghệ mác xít trở thành vấn đề hạt nhân được quan tâm, chú ý nhiều
nhất.
Nhìn lại lịch sử học thuật có thể phát hiện văn học một trăm năm đã trải qua ba lần
biến đổi quan trọng: cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, văn minh phương Tây mà hạt
nhân là trào lưu tư tưởng tiến hóa luận đã xô đẩy mạnh mẽ giới tư tưởng và giới học thuật
Trung Quốc, nghiên cứu văn học Trung Quốc chuyển sang quá trình hiện đại hóa; giữa thế
kỷ XX trở về sau, trào lưu tư tưởng mác xít chiếm địa vị chủ lưu, làm biến đổi về căn bản
bộ mặt của Trung Quốc; khoảng giao nhau giữa hai thế kỷ, nghiên cứu văn học Trung Quốc
tiếp thu tinh hoa của cả một trăm năm, văn minh từ bên ngoài tới và văn minh truyền thống
tiếp xúc với nhau rồi lặng lẽ bắt đầu cuộc chuyển đổi mô hình lịch sử sâu xa lần thứ ba. Vấn
đề căn bản mà nó muốn giải quyết là nghiên cứu văn học Trung Quốc phải lựa chọn như
thế nào để thích hợp với con đường phát triển của tình hình đất nước. Đó cũng là tiến trình
xây dựng Trung Quốc hóa nghiên cứu văn học dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác như thế
nào.
Sang thế kỷ mới, sự chuyển đổi mô hình học thuật đã ở thế chỉ còn chờ để phát
triển. Có ba điểm biến đổi rõ ràng nhất biểu hiện ở: một là, chúng ta đã không còn thỏa
mãn với việc theo đuổi đơn giản cảm xúc nghệ thuật ở tầng nông mà chú trọng hơn đến
cảm xúc lịch sử dầy dặn; hai là, chúng ta cũng không còn thỏa mãn với việc vận dụng mù
quáng một số lý luận có sẵn mà chú trọng hơn đến tích lũy tư liệu; ba là, cố gắng tìm tòi
phương pháp và con đường xây dựng hệ thống lý luận văn học Trung Quốc và cấu trúc
nghiên cứu văn học Trung Quốc. Trong quá trình tìm tòi này, các học giả phổ biến cho
rằng cần phải gấp rút thực hiện Trung Quốc hóa lý luận văn học mác xít, từ đó mà chỉ đạo
có hiệu quả thực tiễn nghiên cứu văn học Trung Quốc. Đó là sự lựa chọn lịch sử để Trung
Quốc hóa nghiên cứu văn học ở thế kỷ mới.
Muốn thực hiện mục tiêu lý tưởng này, quả thực còn phải đối mặt với nhiều khó
khăn và thách thức, còn rất nhiều công việc phải làm. Một trong những thành tích của thế
kỷ XX là thử xây dựng lý luận văn học tương đối có hệ thống của riêng Trung Quốc.
Ngay từ những năm 50, 60 của thế kỷ XX, để chỉ đạo tốt hơn hoạt động tranh luận học
thuật như gió nổi mây đùn thời đó, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn học là đồng chí Hà
Kỳ Phương từng đề ra bảy nhiệm vụ mà Viện nghiên cứu văn học phải hoàn thành trong
mười năm của kế hoạch 5 năm lần thứ hai và thứ ba, bao gồm nghiên cứu những vấn đề
trong cuộc vận động văn nghệ trước mắt của Trung Quốc, thường xuyên viết bài bình luận
và định kỳ chỉnh lý thành những tập tư liệu. Ba bộ tùng thư Tùng thư dịch lý luận văn
nghệ, Tùng thư dịch lý luận văn nghệ cổ điển, Tùng thư dịch lý luận văn nghệ hiện đại là
thành quả quan trọng đương thời. Ba tùng thư đã giới thiệu rất nhiều lý luận văn nghệ cổ
điển và hiện đại quan trọng của nước ngoài, nhất là những bài viết về phương diện mỹ
học, cung cấp cho giới lý luận của nước Trung Quốc mới rất nhiều tài liệu tham khảo
phong phú và khó kiếm, trở thành một kho tư liệu được công nhận là không thể thiếu.
Đến hiện nay, quy phạm như thế nào một hệ thống lôgích nghiêm nhặt về lý
luận văn học Trung Quốc, giải quyết như thế nào vấn đề tính văn hóa, vấn đề tính học
khoa
(1)
và vấn đề tính hiện thực trong đó vẫn là gánh thì nặng mà con đường lại xa.
Theo tôi, trước hết chúng ta cần phải xem xét lại truyền thống vĩ đại của văn học
Trung Quốc, làm sống lại những mệnh đề lý luận giàu sức sống, khiến cho chúng
chuyển hóa thành những phạm trù quan trọng của lý luận văn học Trung Quốc hiện
đại. Thứ hai là vẫn còn phải tiếp tục “mở to mắt nhìn thế giới” như các bậc đi trước
hồi đầu thế kỷ XX, phải đứng trên vũ đài thế giới mà tìm vị trí cho mình. Tháng 10
năm 2006, dưới sự chủ trì của Viện khoa học xã hội, trong hội thảo học thuật Mỹ học
mác xít và công cuộc xây dựng xã hội hài hòa của Trung Quốc đương đại do Viện
nghiên cứu văn học tổ chức, người tham gia hội nghị nói chung đều cho rằng xã hội
hài hòa là chiến lược quan trọng được đề ra trong Đại hội Đảng lần thứ 16. Từ một ý
nghĩa nào đó mà nói, xã hội hài hòa là xã hội đẹp, đây không chỉ là một vấn đề lý
luận mà đồng thời còn là một vấn đề hiện thực. Việc nêu vấn đề này là một bước lớn
mạnh và nhảy vọt trong ý thức lý luận của giới nghiên cứu văn học Trung Quốc, là
một biến đổi quan trọng rất đáng quan tâm của thế kỷ mới.