Thực lục về cuộc đấu tranh
chống ngoại xâm dưới thời
quân Minh cai trị
Ngày 29 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [30/9/1407]
Ngày hôm nay Tiền Quân Đô đốc Thiêm sự Cao Sĩ Văn mang binh đến
Quảng Nguyên, giao tranh ác liệt với giặc tử trận. Lúc bấy giờ tuy đã bình
định xong, nhưng các vùng khe núi tại các châu Thất nguyên (1), dư đảng
giặc họ Hồ vẫn ra vào cướp phá. Quan Tổng binh Tân thành hầu Trương
Phụ sai Cao Sĩ Văn đến đánh bắt. Đến Quảng Nguyên bọn giặc chặn đánh,
bị Sĩ Văn đánh bại chém vài chục tên. Bọn chúng bèn tập trung lại, dựa
vào núi lập trại cố thủ. Sĩ Văn ngày đêm công kích, trại sắp bị phá, giặc đột
nhiên xuất hiện rồi bỏ chạy. Sĩ Văn mang lính cảm tử truy kích, giao tranh
mãnh liệt, giặc dựa vào núi cao dùng tên và đá bắn xuống, Sĩ Văn trúng
phi đạn chết. Bộ tướng tiếp tục truy kích rồi giao tranh, giặc bèn bỏ trốn
vào châu Thất Nguyên. Phụ bèn sai Đô Chỉ huy Trịnh Sảng tiếp tục mang
quân đến, bình định được.
Sĩ Văn người huyện Hàm Dương, Thiểm Tây. Vào thời Hồng Vũ (2) xuất
thân từ Tiểu hiệu, tòng chinh tại Vân Nam và Kim Sơn, có công được
thăng lên Yên Sơn Tả Hộ vệ Bách hộ. Lúc Thiên tử dẹp loạn trong nước, Sĩ
Văn hăng hái đi đầu tham gia chiến trận, lập công mấy lần được thăng
Tiền quân Đô đốc phủ, Đô đốc Thiêm sự. Khi đánh Giao Chỉ, ra sức cần
lao phấn đấu, nhưng rốt cuộc bị tử trận. Văn là người cương trực, giỏi
cưỡi ngựa, bắn cung ; tử trận mọi người đều tiếc. ( Minh Thực Lục v.11, tr.
0984-0985 ; Thái Tông q. 70, tr. 2b-3a)
Tháng 10 năm Ðinh Hợi [1407] Giản Ðịnh Ðế lên ngôi tại Mô Ðộ, Ninh Bình.
Giản Ðịnh vốn dòng dõi họ Trần, thấy quân Minh đánh dẹp họ Hồ xong
không chịu lập nhà Trần, bèn chạy trốn đến Mô Ðộ, châu Trường Yên, phủ
Thiên Trường [thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay]. Người trong phủ là Trần
Triệu Cơ chiêu mộ dân lập lên làm vua, lấy niên hiệu là Hưng Khánh. (3)
Tại Ðông Triều [tỉnh Quảng Ninh ngày nay], viên Thổ hào Phạm Chân lập
Trần Nguyệt Hồ làm vua tại Bình Than, đề cờ là Trung Nghĩa quân. (4)
Chú thích
1. Châu Thất Nguyên thời Minh thuộc phủ Lạng Sơn; theo Ðào Duy Anh,
Ðất Nước Việt Nam Qua Các Ðời (viết tắt : Đ.N.V.N.Q.C.Đ.) Huế: NXB
Thuận Hóa, thì đất này tương đương với huyện Tràng Định hiện nay.
2. Hồng Vũ : niên hiệu của vua Thái Tổ nhà Minh từ năm 1368-1389.
3. Bản dịch Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư (viết tắ t: Toàn Thư), Hà Nội: NXB
Khoa Học Xã Hội, tập 2, trang 222.
4. Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang 222.
Năm Mậu Tý [1408]
Theo Hoàng Trung Tuyên Công Văn Tập (1) trong năm Mậu Tý Vĩnh Lạc
thứ 5 [1408] tại châu Tam Ðái [tỉnh Vĩnh Phú] đầu đảng Trần Nguyên Thôi
nỗi dậy, bị quân Minh bắt rồi giết. Tại châu Hạ Hồng, phủ Tân An [tỉnh Hải
Dương], Trần Nguyên Tôn nổi dậy. Tại huyện Tuyên Hoá [ tỉnh Bắc Cạn,
Thái Nguyên] Trần Nguyên Lộc nổi dậy, bị quân Minh bắt vào chính năm
đó. Tại huyện Ma Lung phủ Quảng Oai [tỉnh Hà Tây] Bạch Sư Nhiễm nổi
dậy, nhưng chưa dẹp được. (1)
Ðối phó với những khó khăn về quân sự trước mắt, quân lính tại Ðô ty
Giao Chỉ không đủ dùng, nhà Minh cho điều động gấp 1 vạn quân từ
Quảng Ðông sang tăng cường :
Ngày 19 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [10/8/1408]
Đô ty Giao Chỉ tâu số quân còn lưu tại các vệ, sở không đủ để phòng bị.
Nay Đô chỉ Huy sứ Tôn Toàn, Quảng Đông, thống lãnh quân hơn 1 vạn,
chở bằng thuyền hạm, khí giới đầy đủ ; xin cho tạm lưu lại để phòng ngự.
Xét chấp nhận. (Minh Thực Lục v. 11, tr. 1090; Thái Tông q. 81, tr. 7b)
Lúc bấy giờ Giản Ðịnh Ðế được dân ủng hộ, nên thế lực lớn mạnh mau
chóng. Lập căn cứ tại vùng Hoá Châu [Thừa Thiên, Quảng Trị] , Nghệ An ;
tướng của Giản Ðịnh là Ðặng Tất mang quân đánh giết bọn Phạm Thế
Căng tại cửa bể Nhật Lệ [tỉnh Quảng Bình]. Thế Căng lúc trước hàng quân
Minh, đượcTrương Phụ trao chức Tri phủ Tân Bình [tỉnh Quảng Bình], sau
phản lại tự xưng là Duệ Vũ Ðại Vương (2). Rồi đại quân tiếp tục xua ra
Bắc, lược định vùng đất các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tây, Vĩnh Phú
ngày nay và uy hiếp thành Ðông Ðô [Hà Nội]. Tình hình khẩn trương, vua
Minh Thái Tông vội ra lệnh Mộc Thạnh giữ chức Chinh Di Tướng quân
điều động quân tại các Ðô ty Vân Nam, Quí Châu, Tứ Xuyên sang đánh :
Ngày 7 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [31/8/1408]
Đô ty Giao Chỉ cùng ty Bố chánh, Án sát tâu : Nghịch tặc Giản Định cùng
bọn Đặng Tất tụ tập dân chúng làm loạn, xin tăng thêm binh để tiễu bình.
Định là quan cũ của họ Trần, khi đại quân đến dẹp giặc họ Lê, y ra hàng,
bèn sai người đưa đến kinh sư. Rồi y cùng Trần Hy Cát bỏ trốn, cùng với
ngụy quan đất Hoá Châu là bọn Đặng Tất, Nguyễn Suý mưu nổi loạn. Bọn
chúng suy tôn Định làm vua, tiếm xưng kỷ nguyên Hưng Khánh, hoạt
động tại các vùng núi non tại Hoá Châu và Nghệ An, chế tạo vũ khí, chiêu
tập đồ đảng. Lúc này đại quân đã về nước, bọn Định mang quân ra đánh
Bình Than và ải Hàm Tử ; chặn đường đi lại tại Tam Giang. Chúng đánh
phá gần thành Giao Chỉ [Đông Đô], các châu huyện như Từ Liêm, Oai Man,
Thượng Hồng, Đại Đường, Ứng Bình, Thạch Thất đều theo chúng ; thế
giặc càng ngày càng thịnh, quan quân đánh mấy lần nhưng không lập
được công, nên xin tăng thêm binh.
Thiên tử cho rằng Giao Chỉ mới được sáp nhập vào bản đồ, nhân tâm
chưa vững vàng, mà bọn dư đảng tiếp tục nổi lên, nếu không kịp thời dẹp
tan, sợ tràn lan ra thì không kiềm chế nổi. Mệnh điều Đô Chỉ huy Sứ ty Vân
Nam, Quí Châu, Tứ Xuyên, Thành Đô Tam hộ vệ, tổng cộng 4 vạn binh ; ra
lệnh Kiềm Quốc công Mộc Thạnh lãnh Chinh Di Tướng quân tổng suất từ
Vân Nam sang đánh ; vẫn ra lệnh Thượng thư bộ Binh Lưu Tuấn tham
mưu quân sự. Sắc dụ Giao Chỉ Đô ty bọn Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị,
Hoàng Trung rằng bọn Giản Định làm phản, đã ra lệnh Kiềm Quốc công
Mộc Thạnh mang quân sang đánh, các người hãy chỉnh đốn binh lính
nghe theo sự điều động; hãy chuẩn bị thủy quân 2 vạn, cùng thuyền bè
khí giới để đợi dùng. (Minh Thực Lục v11,tr. 1101-1102; Thái Tông q. 82, tr.
5a-5b )
Ðể xoa dịu tình hình, cùng làm kế hoãn binh chờ khi lực lượng tiếp viện
sẵn sàng tham chiến, vua Minh Thái Tông sai sứ ban sắc chiêu hàng Giản
Ðịnh Ðế như sau :
Ngày 19 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [8/9/1408]
Sai sứ ban sắc dụ cho bọn nổi loạn Giản Định rằng :
“ Mới đây cha con giặc họ Lê gây việc soán đoạt, buông tuồng bạo lọan,
độc hại người trong nước, chiếm đoạt biên cảnh ; bèn mệnh xuất sư điếu
phạt, bọn ác đầu sỏ bị bắt, dư đảng bị tiêu diệt ; rồi thiết lập quận huyện,
vỗ về thiện lương, một phương nhân dân đều được yên nghiệp. Chỉ riêng
các ngươi ương ngạnh, lập đảng chống cự triều mệnh, cướp bóc dân
chúng. Quần thần xin hưng sư tiêu diệt, Trẫm nghĩ dưới lằn tên mũi đạn,
sợ liên lụy đến dân vô tội; mà những kẻ bất thiện như các ngươi cũng còn
được cơ hội để có thể sửa đổi, nên ban sắc dụ này. Đại phàm cử sự cần
phải hợp đạo trời, cha con giặc họ Lê tội ác đầy rẫy , trời đã phế thì không
thể giữ được; các ngươi là đám tàn dư, trái đạo, nghịch mệnh trời , thì
cũng đợi để tiêu diệt mà thôi ! Tuy nhiên vui được sống, ghét chết là sự
thường tình của con người ta. Nếu trước đây các ngươi chưa nghĩ kỹ nên
làm việc bội nghịch trái đạo, hoặc do bọn quan lại hà khắc phải liều lĩnh
mưu đồ tự tồn, lòng muốn hối cải nhưng còn nghi ngờ chưa dám quyết !
Phàm con người ai mà không sai, sai mà biết sửa, còn gì tốt bằng. Bọn
các ngươi hãy nhân lúc này, minh định lẽ nghịch thuận, xem xét cơ duyên
họa phúc, tìm yên ổn có lợi cho bản thân, bảo vệ được gia tộc, mưu đồ kế
vĩnh cữu. Hãy dốc lòng thành quy phụ, sự sai lầm trong quá khứ được tha
hết không hỏi đến, còn được giao chức quan, trả lại đất để cai trị, con
cháu đời đời được thế tập . Lời Trẫm phát xuất từ tâm lòng, thông với trời
đất; nếu các ngươi chấp mê không theo, họa sẽ đến với bản thân và gia
đình, lúc đó hối cũng không kịp ! ” (Minh Thực Lục v. 11, tr. 1104-1105;
Thái Tông q. 82, tr. 6b-7a )