Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Vị thế của văn học trên sân chơi văn hóa trong tiến trình lịch sử _3 pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (194.82 KB, 5 trang )


Vị thế của văn học trên
sân chơi văn hóa trong
tiến trình lịch sử





1. Dẫn nhập. Một trong những chức năng quan trọng bậc nhất của lí luận văn học là
nghiên cứu, khám phá lô gíc nội tại của tiến trình văn học. Với ý nghĩa như thế, lí luận văn học
chính là lịch sử văn học được trừu tượng hoá và bàn về lí luận văn học thật ra là bàn về sáng tác
văn chương trong xu hướng vận động lịch sử của nó. Cái khó của người làm lí luận bây giờ là
ở chỗ, hơn nửa thế kỉ qua, văn học đã trải qua nhiều thay đổi vô cùng lớn lao. Sự biến đổi của
văn học khiến nhiều nhà chuyên môn lắm lúc không còn đủ tự tin để cắt nghĩa một cuốn tiểu
thuyết hoặc một bài thơ đang làm xôn xao dư luận. Đúng là văn học ngày càng trở nên xa lạ
với các quan niệm lí thuyết mà ta vẫn quen xem như những chân lí bất di bất dịch. Cho nên,
nếu chưa phân tích thấu đáo bối cảnh văn học hiện nay mà vẫn cứ bạo gan bàn về con đường
phát triển của lí luận văn học hoặc về những vấn đề trọng đại ví như bản chất hay chức năng
của văn chương, tôi dám chắc, chúng ta chỉ có thể vòng vo với những câu chữ sáo rỗng hoặc
nói những chuyện giời ơi đất hỡi ở tận đẩu đầu đâu.
Có thể hình dung bối cảnh văn học của một thời đại qua hai bình diện sau đây. Thứ
nhất: vị thế của văn học như một tiếng nói quyền lực trên sân chơi văn hoá. Thứ hai: văn học
như một thực tế diễn ngôn. Tiểu luận này chỉ tập trung vào bình diện thứ nhất: vị thế của văn
học trên sân chơi văn hoá. Thiết nghĩ, dẫu không đi sâu nghiên cứu, nhưng nếu nhìn thẳng vào
sự thật, các nhà văn, nhà thơ, các nhà lí luận, phê bình đều có thể nhận ra trên sân chơi văn
hoá, văn học đang bị đẩy ra khu vực ngoại vi. Dĩ nhiên, hiện trạng ấy là kết quả của cả một quá
trình dài lâu, rất khó chấp nhận với những ai chỉ quen xem xét văn chương như một bản thể
trừu tượng, hoặc chỉ quen khái quát lí thuyết trên nền tảng của văn học trung đại hay văn học
hiện đại của một số dân tộc ở các nước phương Đông. Bởi vậy, tôi sẽ trình bày về vị thế của
văn học trên sân chơi văn hoá dọc theo trục lịch sử, từ cổ - trung đại, qua hiện đại đến


thời đương đại. Vì văn học là nghệ thuật ngôn từ, nên vị thế của văn học sẽ được xem xét trên
các tương quan cơ bản sau đây: 1. Lời nghệ thuật và toàn bộ hoạt động tinh thần của xã hội;
2. Lời nghệ thuật và lời xã hội (như phê bình văn học, tiếng nói chính trị, tư tưởng hệ); 3. Lời
nghệ thuật và các tiếng nói ngoài lời (các phương tiện nghe - nhìn và sức mạnh của văn hoá
tiêu dùng trong tương quan đối lập “lời”/“vật”).
2. Lời nghệ thuật và tiếng nói quyền uy trên sân chơi văn hoá. Trên sân chơi văn
hoá thời cổ - trung đại, văn học luôn chiếm giữ vị trí trung tâm. Nó là tiếng nói đầy quyền uy.
Quyền uy của văn học có nguồn cội từ sức mạnh của lời nói nghệ thuật. Sở dĩ văn học được
xem là nghệ thuật vì nó có đối tượng nhận thức riêng, có nội dung và phương thức biểu đạt nội
dung mang tính đặc thù.
Năm 1841, trong bài viết nổi tiếng Tư tưởng nghệ thuật, V.G. Belinski (1811 - 1848) đã
đưa ra định nghĩa: “Nghệ thuật là sự chiêm ngưỡng chân lí một cách trực tiếp, hoặc là tư duy
bằng các hình tượng”. Ông cho rằng, chỉ cần “đem cái định nghĩa ấy mà mở rộng ra, ta sẽ có
toàn bộ lí luận nghệ thuật: từ lí luận về bản chất của nghệ thuật, về sự phân chia nghệ thuật
thành các thể loại cho đến lí luận về hoàn cảnh tồn tại và bản chất của từng thể loại”
(1)
. Trong
lịch sử khoa học, không phải ai cũng tán thành quan điểm ấy
(2)
. Nhưng theo cách hiểu truyền
thống, hầu như tất cả chúng ta đều đinh ninh, rằng tính hình tượng là đặc trưng quan trọng nhất
của nghệ thuật.
Trong nghệ thuật, không tồn tại một thứ hình tượng nói chung. Hình tượng bao giờ cũng
là hình tượng của một loại chất liệu cụ thể. Văn học lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình
tượng. Nhờ được tổ chức một cách nghệ thuật, hình tượng ngôn từ trong sáng tác văn học trở
thành chỉnh thể thống nhất của hai mặt đối lập tưởng như loại trừ nhau. Một mặt, đó là loại
hình tượng rất giàu giá trị tạo hình. Mặt khác, từ trong bản chất sâu xa, thế giới nghệ thuật
được mở ra từ hình tượng ngôn từ chỉ là thế giới của lời, của ý niệm. Loại hình tượng này chỉ
biểu đạt một thực tại gián tiếp, thực tại tiềm năng, một thực tại tinh thần đầy tính giả tưởng mà
muốn chiếm lĩnh, người đọc hoặc người nghe phải có trí tưởng tượng mãnh liệt và khả năng

liên tưởng phong phú.
Bản chất hai mặt được tạo thành bởi sự thống nhất giữa các đối cực tưởng như loại trừ
nhau (tạo hình - ý niệm) đã biến hình tượng ngôn từ thành hình thức biểu đạt và kiểu tư duy
tổng hợp độc đáo mà ta chỉ có thể tìm thấy trong văn học nghệ thuật. Tư duy văn học vừa là
kiểu tư duy của vô thức tập thể (giống như trong huyền thoại, tôn giáo, văn hoá dân gian, hoặc
âm nhạc và nghệ thuật sân khấu trong hoạt động chuyên nghiệp), của tình cảm mãnh liệt và
những xúc động trực tiếp trước hiện thực (giống như trong các hoạt động văn nghệ - thẩm mĩ),
lại vừa là kiểu tư duy đầy thông tuệ của lí trí con người (giống như trong các công trình nghiên
cứu khoa học). Chính kiểu tư duy trác tuyệt, độc đáo ấy đã mở đường cho văn học tiến vào
chiếm giữ vị trí trung tâm của đời sống văn hoá - xã hội.
Vị trí trung tâm của văn học trong cấu trúc của các nền văn hoá thể hiện ngay ở mối
quan hệ giữa nó với tiếng nói của các nghệ thuật khác. Văn học là nhịp cầu nối các loại
hình nghệ thuật không gian với nghệ thuật thời gian, nghệ thuật tạo hình với nghệ thuật biểu
hiện (“Thi trung hữu nhạc”, “Thi trung hữu hoạ”). Truyện có thể đọc, cũng có thể kể. Thơ có
thể đọc mà cũng có thể ngâm. Có kịch bản để diễn, nhưng cũng có kịch bản để đọc. Văn học là
nơi gặp gỡ giữa nghệ thuật thị giác và nghệ thuật thính giác, giữa nghệ thuật viết - đọc trầm
ngâm trong nội thất, với nghệ thuật công diễn náo nhiệt ngoài quảng trường. Với ý nghĩa như
thế, V.G. Belinski gọi “thi ca” (tức văn học) là “vòng nguyệt quế lấp lánh trên vầng trán nghệ
thuật”.
Vị trí của văn học trong đời sống văn hoá - xã hội còn thể hiện qua mối quan hệ giữa nó
với các tiếng nói của lĩnh vực hoạt động nhận thức chân lí, khám phá bản chất, quy luật của thế
giới khách quan. Có cơ sở để gọi văn học là “cuốn sách giáo khoa về đời sống”. Suốt mấy
nghìn năm tồn tại, có nhiều trào lưu văn học gần như hoá thành một kiểu hoạt động trí óc, hoặc
một dạng đặc thù của nghiên cứu lí thuyết. Các trào lưu văn học ấy khi thì xích lại gần tôn giáo,
triết học, lúc lại xích về phía lịch sử học, ngữ văn học, xã hội học, thậm chí có những khuynh
hướng sáng tác tiến hẳn về phía khoa học tự nhiên. Ngay cả khi không xích lại với các lĩnh vực
khoa học một cách có ý thức, văn học nghệ thuật vẫn là hoạt động nhận thức thế giới, khám
phá chân lí. Chỉ cần đọc lại các ý kiến của F. Engels về giá trị nhận thức của bộ Tấn trò đời của
Balzac, ta sẽ hiểu văn học gần gũi với khoa học biết chừng nào.
Trong sáng tác văn học, ngôn từ không chỉ là chất liệu nghệ thuật. Mỗi từ, mỗi câu được

cất lên trong tác phẩm văn học đều là một “phát ngôn”, một “ý kiến” luôn luôn lấp lánh ý thức
của chủ thể lời nói. Cho nên, văn học có khả năng to lớn trong việc chuyển tải, truyền đạt tư
tưởng và các hệ thống quan niệm mang tính lí thuyết (ví như quan niệm triết học, tôn giáo, đạo
đức, quan điểm chính trị, xã hội…). Văn học không chỉ miêu tả bức tranh về thế giới, mà còn
phân tích, giải thích, đánh giá hiện thực đời sống được nó miêu tả. Bởi thế, nghệ thuật ngôn từ
luôn đầy ắp nội dung tư tưởng hệ. Đặt bên cạnh tôn giáo, triết học, đạo đức học, chính trị học,
pháp quyền, luật học… văn học là diễn ngôn tư tưởng hệ trong hình thức nghệ thuật. Nhưng
đặt bên cạnh kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, hội hoạ… văn học là diễn ngôn nghệ thuật mang
nội dung tư tưởng hệ. Nhìn từ phía nào - đem nối kết nghệ thuật và tư tưởng hệ để khẳng định
sự thống nhất, hoặc đem tư tưởng hệ đối lập với nghệ thuật nhằm làm nổi bật sự khác nhau
giữa chúng, người ta đều có thể nhận ra chỗ đứng đặc thù của sáng tác văn học. Văn học vừa
là nhân tố liên kết, hợp nhất, vừa là nhân tố phân hoá, chia tách các hiện tượng tư tưởng hệ với
các hiện tượng thẩm mĩ - nghệ thuật. Đã có hàng nghìn năm, văn học chiếm giữ vị trí trung tâm
của đời sống văn hoá - xã hội. Nhờ bao giờ cũng nằm ở nơi giáp ranh giữa nghệ thuật và tư
tưởng hệ, nên văn học mới có được vị thế như vậy.
Văn học sở dĩ luôn chiếm giữ vị trí trung tâm của đời sống văn hoá - xã hội còn bởi vì
nó là một dạng hoạt động tác động. Nó tác động tích cực tới thế giới quan của người đọc, góp
phần hình thành ở họ những tín niệm đạo đức, thị hiếu thẩm mĩ, quan điểm tôn giáo, chính trị
và cả những tri thức triết học, khoa học… Nó thường xuyên đấu tranh chống lại cái cũ, mở
đường cho cái mới nẩy nở, phát triển. Có nhiều thời điểm, văn học trở thành diễn đàn tự do,
trước hết là của tự do tư tưởng, của lẽ phải và sự công bằng, của khát vọng dân chủ và lí tưởng
nhân bản bất diệt của con người. Văn học nghệ thuật tác động tới tư tưởng và tình cảm người
đọc không phải bằng logic lí trí, bằng ngôn ngữ chính luận, mà chủ yếu bằng thi pháp nghệ
thuật và ngôn ngữ hình tượng. Ngôn ngữ hình tượng và thi pháp nghệ thuật cho phép người
cầm bút tìm tới lối nói độc đáo chỉ có thể có trong sáng tác văn học. Đó là lối nói bóng gió, nói
ngầm, nói bằng điển tích, điển cố, bằng những hình ảnh tượng trưng ước lệ… Trong sáng tác
văn học, lớp nghĩa “hiển ngôn” thường không quan trọng bằng nghĩa “hàm ngôn”, văn bản nổi
trên bề mặt không quan trọng bằng văn bản ngầm. Lớp nghĩa hàm ngôn ở văn bản ngầm giúp
người sáng tác vượt qua mọi hàng rào kiểm duyệt của quốc gia, của các đảng phái chính trị, các
tổ chức tôn giáo, các loại giáo lí, huý kị, của các thành kiến, định kiến, và cả những thứ hủ tục,

mê tín, dị đoan… để nói với người đọc những điều không thể nói bên ngoài sáng tác văn học.
Từ góc độ này, có thể thấy, văn học là hàn thử biểu ghi nhận chính xác cả truyền thống dân tộc,
lẫn các chuẩn mực lịch sử mang tính cụ thể của một nền văn hoá ở từng giai đoạn hình thành
và phát triển của nó.

×