Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tính phức hợp của trường ca Việt Nam hiện đại_1 pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (205.79 KB, 8 trang )

Tính phức hợp của trường
ca Việt Nam hiện đại




1.2. Tích hợp các thủ pháp nghệ thuật
1.2.1. Kỹ thuật dòng chảy ý thức
Ngày nay, những sáng tác hiện đại nhất của văn học phương Tây đã được giới thiệu
rộng rãi ở Việt Nam. Những bài thơ theo kiểu thơ hoạ hình, thơ siêu thực những cuốn tiểu
thuyết thuộc trường phái “tiểu thuyết mới” của Pháp, những cuốn tiểu thuyết mang tính
chất của thủ pháp “dòng chảy ý thức”, những vở kịch của trường phái “kịch phi lý”, v.v
đã không còn xa lạ đối với Việt Nam. Những thủ pháp, kỹ thuật này được tiếp thu rộng rãi
trong nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại. Chúng ta có thể thấy chúng có mặt trong truyện ngắn,
tiểu thuyết. Và các nhà thơ cũng không ngại ngần tiếp thu các thủ pháp, kỹ thuật đó.
Hiện tại, trong khi đa số các trường ca chủ yếu vẫn đi theo xu hướng thơ tự do được
mở ra từ thời Thơ Mới đến nay, thì có một số trường ca lại có xu hướng hiện đại hoá
trường ca bằng cách áp dụng các thủ pháp mới nhất của phương Tây: kỹ thuật dòng chảy
ý thức, kỹ thuật phá cách của “tiểu thuyết mới”, kỹ thuật “phá vỡ ngôn ngữ” của kịch phi

Theo các nhà nghiên cứu, trong tiểu thuyết, kỹ thuật dòng chảy ý thức được nhà
văn Pháp Marcel Proust sử dụng lần đầu tiên từ đầu thế kỷ XX cho bộ tiểu thuyết Đi tìm
thời gian đã mất. Đó là kỹ thuật gợi mở ký ức để trở về với những kỷ niệm xa xưa. Với
kỹ thuật này, Proust đã làm một cuộc cách mạng trong tiểu thuyết, đem mô hình thời gian
ngược chiều thay cho mô hình thời gian tuyến tính của tiểu thuyết thế kỷ XIX. Từ đó, kỹ
thuật dòng chảy ý thức nhanh chóng được phổ biến trong văn học thế giới và cho đến tận
hôm nay kỹ thuật này vẫn chưa mất đi ảnh hưởng của nó
(5)
.
Trong trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương, chúng ta thấy tác giả sống bằng
thời gian hai chiều: Một chiều thời gian hiện tại và một chiều thời gian ký ức được tác giả


trải ra bằng những kỷ niệm đằm sâu trong trí nhớ. Những kỷ niệm hiện về “Theo lời bà
kể”, qua hình ảnh những “bông lúa”, những quả táo “lăn lóc tận đáy vườn”, “túm lá lộc
mưng”, “con diều tre”, “buồm chuối”, “dàn trầu không”, “cây cau” , qua những mùi
hương của hoa lá cỏ cây, và tất cả ngấm vào ký ức qua lời ru câu ca của nhân vật bà nội.
Trường ca Gọi nhau qua vách núi của Thi Hoàng cũng đã vận dụng khá thành công
phương diện nghệ thuật này, qua việc tái hiện những ký ức đan xen về chiến tranh, vừa
đau đớn, vừa dữ dội.
Có thể nói, dù vô thức hay có ý thức, kỹ thuật dòng chảy ý thức đã giúp cho tác giả
tìm được con đường tác động đến độc giả nhanh nhất, sâu nhất và trực tiếp nhất.
1.2.2. Kỹ thuật hành văn bất quy tắc của “tiểu thuyết mới” và của kịch phi lý
Những kỹ thuật hiện đại của trường phái tiểu thuyết mới và của “kịch phi lý” cũng
tìm được sự tác động của mình trong trường ca Việt Nam hiện đại. Đó là kỹ thuật hành
văn bất quy tắc. Tất nhiên đây chỉ là một trong các quy tắc của tiểu thuyết mới và của kịch
phi lý. Kỹ thuật đó thể hiện ở việc các câu văn không chấm phảy, kéo dài liên tục từng
đoạn nhiều dòng
(6)
. Theo hướng đó, Mai Văn Phấn đã có một chương rất đặc trưng cho kỹ
thuật tiểu thuyết mới trong Người cùng thời, đó là chương VII: Mail cho em. Trong một
đoạn văn ngắn không chấm phảy, không ngắt câu, không ngắt đoạn, không xuống dòng,
tác giả đã dồn nén vào đó vô vàn những sự kiện của thời hiện đại. Ở đây, có lẽ tác giả
muốn diễn đạt khả năng chuyển tải ý nghĩa của dòng chảy thông tin dồn dập trong thời đại
bùng nổ thông tin. Nhưng thử nghiệm này lại có sự trùng hợp với thủ pháp phá huỷ ngôn
ngữ mà kịch phi lý đã sử dụng. Người ta có cảm giác Mai Văn Phấn đang muốn chứng
minh cho tình trạng quá tải của thông tin, một tình trạng có vẻ như đang dẫn đến sự phá
vỡ ngôn ngữ. Có thể coi đây là một chương có cấu trúc mở, để ngỏ cho người đọc có
nhiều khả năng tiếp nhận và lĩnh hội cho mình những ý nghĩa khác nhau. Chương này xen
vào giữa bản trường ca giống như một điểm nhấn của thời đại thông tin mà các nhà thơ
nói chung và Mai Văn Phấn nói riêng đang muốn xử lý và áp dụng để hiện đại hoá thể
loại trường ca.
Thủ pháp hiện đại hoá trên đây của một số nhà thơ đang biến trường ca thành một

thể loại kén độc giả và không dễ đọc. Chúng tôi cho rằng với một liều lượng vừa đủ, thủ
pháp này cũng có thể có hiệu quả là gây được ấn tượng mạnh trong việc diễn đạt ý đồ của
nhà thơ. Dù sao nó cũng cho thấy đây là một ý tưởng đang có chiều hướng phát triển, rằng
quyền tự do sáng tác đang mở ra cho trường ca nhiều triển vọng tích hợp mới, và nó cũng
cho thấy trường ca thực sự là một thể loại đang có sự vận động không ngừng.
2. Xu hướng phức hợp hoá cấu trúc hình thức của trường ca
Khái niệm “cấu trúc” được hiểu là “Toàn bộ nói chung những quan hệ bên trong
giữa các thành phần tạo nên một chỉnh thể”
(7)
. Như vậy, các yếu tố của cấu trúc có thể
thuộc cả lĩnh vực nội dung lẫn hình thức, nhưng việc tổ chức các yếu tố đó thuộc hình
thức nghệ thuật. Vì thế nghiên cứu việc tổ chức các yếu tố của cấu trúc cũng có thể được
coi là nghiên cứu cấu trúc hình thức của tác phẩm, một công việc của thi pháp học.
Khi đặt vấn đề về xu hướng phức hợp hoá cấu trúc hình thức của trường ca Việt
Nam hiện đại, chúng tôi muốn nói rằng đây là một xu hướng hiện đại hoá trường ca, phù
hợp với quy luật phát triển của trường ca trên thế giới. Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu của
trường ca hiện đại, một loạt trường ca của Maiakovski vẫn tuân thủ cấu trúc liền mạch
tuyến tính, với các sự kiện nối tiếp nhau từ đầu đến cuối, các đoạn thơ chỉ được ngắt
quãng hoặc đánh số thứ tự mà không được đặt tên.
Đến giai đoạn sau, nhiều nhà thơ trên thế giới đã xây dựng trường ca theo cấu trúc
chương đoạn với những bản trường ca dài hơi: Nhà thơ Mỹ Ezra Pound, đã sáng tác bản
trường ca The Cantos [Những khúc ca] trong khoảng từ năm 1915 đến 1962, dài 120
khúc, được chia làm nhiều phần, mỗi phần có tên gọi khác nhau.
Ở Việt Nam, các bộ sử thi Tây Nguyên (ví dụ Xing Nhã), các truyện thơ Nôm, cũng
tuân thủ cấu trúc liền mạch tuyến tính, không có tên gọi cho từng đoạn. Đến trường ca
Việt Nam hiện đại, từ 1945-1975, về cơ bản trường ca vẫn kế thừa mô hình cấu trúc liền
mạch tuyến tính truyền thống. Chỉ từ sau 1975, trường ca mới bắt đầu đi theo xu hướng
phức hợp hoá cấu trúc.
Cấu trúc liền mạch có hiệu quả là nó lôi cuốn người đọc vào dòng chảy cảm xúc,
cùng tác giả thâm nhập khám phá thế giới tình cảm của nhân vật và thể hiện cảm xúc của

người kể chuyện. Nhưng cấu trúc này lại có một nhược điểm là khó tạo ra được những
điểm nhấn, ngược lại nó gây ra sự gò bó, hạn chế sự thể hiện tự do cảm xúc, một xu
hướng phổ biến của thời hiện đại. Chính vì thế mà hầu hết trường ca hiện đại đều đi theo
hướng xây dựng cấu trúc chương đoạn.
Sau 1975, các nhà thơ đã có một quan niệm mới về cấu trúc trường ca. Những bản
trường ca theo lối truyền thống truyện thơ đã không thoả mãn được nhu cầu cách tân nghệ
thuật của các nhà thơ. Để đổi mới trường ca, các nhà thơ cho rằng cần phải có những bước
đột phá về nghệ thuật, trước hết là phá bỏ cấu trúc tuyến tính liền mạch của loại trường ca
đi theo mô hình truyện thơ. Và các nhà thơ đưa ra một cấu trúc mới cho trường ca: cấu
trúc phức hợp, cụ thể là cấu trúc chương đoạn. Cấu trúc chương đoạn cho phép tác giả
tích hợp được nhiều góc nhìn, nhiều chiều tiếp cận, kết hợp nhiều thể loại nghệ thuật, có
thể tạo ra những điểm nhấn, những dấu ấn sâu đậm về một số vấn đề. Cấu trúc này tỏ ra
phù hợp với tầm cỡ nội dung lịch sử hoành tráng và cảm xúc phong phú của nhà thơ, cũng
như phù hợp với giai đoạn tự do tư tưởng được mở rộng của thời kỳ đổi mới và hội nhập
quốc tế. Đây là kiểu cấu trúc phổ biến của trường ca Việt Nam giai đoạn sau 1975.
Người đầu tiên thử nghiệm một sự đổi mới về cấu trúc trường ca là Thanh Thảo,
với bản trường ca Những người đi tới biển (viết năm 1976, in 1977). Bản trường ca được
cấu trúc thành ba chương và một khúc Vĩ thanh. Ở bước đầu thử nghiệm này, với chương
một và chương hai, Thanh Thảo vẫn chưa dứt hẳn với cấu trúc tuyến tính của truyện thơ
truyền thống, khi mà chương một vẫn kết thúc dưới dạng các sự kiện chưa hoàn thành để
nối tiếp vào chương hai (tiếp nối những cuộc hành quân trong rừng). Nhưng đến chương
ba, tác giả đã bắt đầu đa dạng hoá góc nhìn sử thi. Chương ba được chia thành nhiều khúc
ca:Thử phác lại mấy chân dung; Gương mặt địa hình; Những người đã qua con đường
nhỏ; Không phải truyền thuyết. Tất cả làm thành những bức tranh đa sắc của chủ nghĩa
anh hùng cách mạng trong bối cảnh của cuộc chiến tranh ác liệt.
Trong thời gian cuối những năm 70 đầu 80 của thế kỷ XX, một loạt trường ca ra
đời, chủ yếu là các trường ca viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó là Đường tới thành
phố của Hữu Thỉnh (viết năm 1978, in 1979), Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu
(viết năm 1977-1978, in 1980), Con đường của những vì sao của Nguyễn Trọng Tạo (viết
năm 1978, in 1981),Mặt trời trong lòng đất của Trần Mạnh Hảo (viết năm 1979, in năm

1981) Trong những bản trường ca này, cấu trúc chương đoạn đã được hình thành rõ rệt.
Các chương cũng đều có các tên gọi riêng. Với cấu trúc chương đoạn như vậy, các bản
trường ca đã đồng loạt làm một cuộc đổi mới hình thức.
Trong cấu trúc tuyến tính, mỗi đoạn thơ triển khai một hoặc một nhóm sự kiện,
hành động hoặc trạng thái tình cảm chưa hoàn thành để tiếp nối vào các sự kiện, hành
động hoặc trạng thái tình cảm của đoạn sau. Còn trong cấu trúc phức hợp hay chương
đoạn, mỗi chương triển khai một chủ đề nhỏ của một chủ đề chính. Và để cho các chương
gắn kết với nhau làm thành một chỉnh thể, thì mỗi chương phải có cấu trúc mở như là một
bộ phận của một chỉnh thể, để cho chương tiếp theo triển khai một bộ phận nối tiếp của
chủ đề lớn. Hay ít ra chúng cũng phải có cấu trúc không có câu kết để gợi mở rằng mỗi
chương chỉ nói đến một chủ đề nhỏ trong một chủ đề lớn của trường ca. Chương cuối
cùng bao giờ cũng là một chương kết thúc chủ đề lớn. Cấu trúc khép kín là cấu trúc diễn
đạt trọn vẹn một ý nghĩa; cấu trúc mở là cấu trúc có khả năng liên tưởng. Tất cả làm thành
cấu trúc “liên chương” để tạo ra cái “ý tứ liên chương” theo cách nói của nhà phê bình Lại
Nguyên Ân
(8)
.
Chương kết của trường ca cũng được các tác giả rất chú ý để hoàn tất chủ đề
lớn. Đường tới thành phố kết thúc bằng chương Tự do giải phóng Sài Gòn. Trường ca sư
đoàn kết thúc bằng chương Đất nước và người lính nói về sứ mạng của người lính sau
chiến tranh. Con đường của những vì sao kết thúc bằng chương Thay cho vĩ thanh nhắc
nhở chúng ta đừng quên quá khứ.
Như đã nói, cấu trúc chương đoạn có thể có hạn chế là có nguy cơ làm ngắt quãng
dòng cảm xúc liền mạch, nhưng để bù lại, nó đã tạo ra được những điểm nhấn gây ấn
tượng.
Từ đó, cấu trúc chương đoạn đã được phát huy triệt để trong các sáng tác trường ca
sau này của các nhà thơ như: Sông Mêkông bốn mặt của Anh Ngọc (1988), Trường ca
biển của Hữu Thỉnh (1994), Đảo chìm của Vương Trọng, Gọi nhau qua vách núi của Thi
Hoàng (1995), Người cùng thời của Mai Văn Phấn (1999), Đổ bóng xuống mặt trời của
Trần Anh Thái (1999), Trầm tích của Hoàng Trần Cương (1999), Trường ca Hàm

Rồng của Từ Nguyên Tĩnh (2000), Trên đường(2004) và Ngày đang mở sáng (2007) của
Trần Anh Thái, Hành trình của con kiến của Lê Minh Quốc (2006)
Tuy nhiên, cấu trúc chương đoạn hay phức hợp chỉ có thể đem lại thành công khi
tác giả tạo ra được một sự gắn kết chặt chẽ, hoặc ít ra là giữa chúng cũng phải có những
mối quan hệ với nhau. Trong số các bản trường ca gần đây, nhiều tác phẩm đã đạt được
hiệu quả nghệ thuật. Nhưng cũng có những bản trường ca rơi vào tình trạng tản mạn, rời
rạc. Như nhà phê bình Lại Nguyên Ân quan niệm rất đúng rằng, trường ca không chỉ
trông chờ vào sự thành công của các câu thơ lẻ, mà điều làm cho nó khác với một bài thơ
ngắn là nó phải diễn đạt được các ý tứ nằm trong mạch “chạy suốt” toàn bộ một trường
ca, bởi vì theo ông: “bên cạnh cái cấu trúc của một khúc, một đoạn, một chương, còn có
cái cấu trúc “liên chương”, “liên khúc”, cái cấu trúc có khi làm cho một trường ca này hơn
hẳn một trường ca kia, mặc dù không hơn gì nhau ở những “câu lẻ””
(9)
. Chúng tôi cũng
cho rằng trong một số bản trường ca thuộc cấu trúc chương đoạn, mặc dù các chương (hay
có tác giả gọi là phần) đều có chung một cái gốc tình cảm của tác giả, nhưng giữa các
trạng thái tình cảm đó vẫn có một sự rời rạc khó biện minh. Nếu được in riêng, thì mỗi
chương hay mỗi phần vẫn có thể tồn tại độc lập.
Như vậy, việc áp dụng cấu trúc phức hợp không phải là “số cộng” (chữ dùng của
Lại Nguyên Ân) của các chương đoạn. Nó vừa quan tâm đến các điểm nhấn, vừa tôn
trọng cái “ý tứ liên chương” để cho trường ca làm thành một chỉnh thể “thống nhất
trong đa dạng”. Nó đòi hỏi các nhà thơ phải làm chủ được chủ đề để thực hiện phương
pháp “chia để hợp”, có như vậy mới tạo ra được những bản trường ca vừa sâu xa về
điểm lại vừa hoành tráng về diện.
Trường ca là một địa hạt luôn luôn mở rộng để các nhà thơ thể hiện khả năng sáng
tạo của mình. Sự sáng tạo đó đang hướng tới đa dạng hoá và phức hợp hoá các hình thức
nghệ thuật nhằm phát huy tiềm năng bao quát một nội dung hoành tráng của các sự kiện
lịch sử và những cảm xúc lớn lao của nhà thơ và cũng là của thời đại.
Xu hướng tích hợp và phức hợp hoá cấu trúc hình thức của trường ca cũng chứng
tỏ trường ca là một thể loại đang vận động và không ngừng phát triển. Nhưng để cho

trường ca vẫn là một thể loại của thơ ca, thì nó không được phép phát triển vượt ra ngoài
ranh giới đặc trưng cốt lõi của thơ ca: đó là nhịp điệu. Và chúng tôi cũng có thể bổ sung
thêm một đặc điểm nữa là tính hàm súc, đặc điểm này giúp cho trường ca không vượt
sang địa hạt của văn xuôi.
Xu hướng hiện đại hoá trường ca chỉ cho thấy khả năng tích hợp và đa dạng hoá
của trường ca, chứ bản thân xu hướng hiện đại hoá chưa phải là sự đảm bảo cho giá trị
nghệ thuật của trường ca. Trên thế giới, những trường ca viết theo lối kết cấu sử thi truyền
thống vẫn có thể đem lại vinh quang cho nhà thơ, như trường ca Omeros của nhà thơ đoạt
giải Nobel 1992 Derek Walcott. So sánh với thế giới, chúng ta cũng thấy bút lực của các
nhà thơ nước ta vẫn còn rất khiêm tốn trong lĩnh vực trường ca. Trong khi các nhà thơ lớn
trên thế giới có những bản trường ca rất đồ sộ (năm tập sách; 120 khúc ca ), thì trường ca
hiện đại của Việt Nam chỉ có độ dài trên dưới 100 trang. Qua đó có thể thấy rằng, mọi tìm
tòi đổi mới vẫn không phải là yếu tố quyết định, mà điều quan trọng vẫn là nội lực của
nhà thơ

×