Những biến đổi nghệ thuật trên
hành trình thơ chữ Hán của
Nguyễn Thượng Hiền
Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX bước sang đầu thế kỷ XX, giữa lúc khắp xã
hội Việt Nam như đang bị vây bọc trong một không khí ảm đạm và bế tắc, thì những người
trí thức ưu tú của thời đại, sau bao phen gian khổ tìm kiếm, đã hé nhìn thấy một vài tia sáng
báo hiệu một sự đổi thay. Trong số những con người đó phải kể đến Nguyễn Thượng Hiền.
Ông tự là Đỉnh Nam, hiệu Mai Sơn, sinh năm Mậu Thìn (1868), người làng Liên Bạt,
huyện Sơn Lãng, sau đổi là Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay là Hà Nội, là con thứ của Nguyễn
Thượng Phiên, đỗ Hoàng giáp thời Tự Đức, và làm đến chức Thượng thư Bộ Hình. Vốn
dòng dõi một gia đình nhiều đời khoa bảng, bản thân lại cũng thi đậu đến Hoàng giáp như
thân phụ và cùng làm quan với thân phụ dưới triều Thành Thái (1889-1907), Nguyễn
Thượng Hiền rõ ràng có nhiều duyên nợ với chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Nhưng trong
đoạn đời “chấp chính” có mấy năm ngắn ngủi, nhiều lần ông đã xin từ chức; thái độ của ông
đối với công danh chủ yếu là khước từ, lẩn trốn. Mặt khác, ông cũng chính là người mang
đến cho Phan Bội Châu những bản điều trần của Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) và những
cuốn tân thư Trung Quốc đầu tiên. Ngay từ những ngày phong trào Duy tân đang âm thầm
nhen nhóm, ông đã có một hành vi đáng gọi là cứng cỏi - đem đốt tất cả những sáng tác cũ
của chính mình:
Danh tâm vị đoạn hối điêu trùng,
Túy bả ngâm biên phó chúc dung.
Vị tất ngộ nhân thiên tải hạ,
Khả kham lao ngã bách niên trung.
(Tự phần thi cảo hữu cảm)
(Chưa dứt lòng danh, thẹn gọt vần,
Say đem đốt sạch mớ thơ văn.
hắc gì nghìn thuở lầm ai được,
Luống để trăm năm mệt tấm thân)
(1)
.
Dĩ nhiên, đốt thơ không phải vì đã chán làm thơ. Vấn đề chính ở đây là một thái độ
sống. Nguyễn Thượng Hiền muốn mượn một hành vi có tính chất tượng trưng để biểu thị
quyết tâm cắt đứt những sợi dây cuối cùng gắn mình với quá khứ, nhằm thảnh thơi hướng về
phía trước, nơi có những tia sáng của hy vọng đang vẫy gọi mình. Đốt hết những bài thơ
buồn để làm những bài thơ cứu nước, hay nói cách khác là đoạn tuyệt với phương Đông cổ
truyền chỉ có sầu và mộng để chuyển hẳn sang phương Tây thực nghiệp, văn minh và tân tiến
- cuộc đời cách mạng của Nguyễn Thượng Hiền đã bắt đầu như thế đấy.
Thế nhưng, bước đi của Nguyễn Thượng Hiền không phải dễ dàng. Đâu phải cứ đốt
thơ là mọi việc đã xong. Quá khứ gắn rất sâu trong tâm hồn nhà thơ nhiều lúc vẫn trở về day
dứt, nhất là khi cách mạng gặp khó khăn, phong trào có chiều đi xuống. Những lúc ấy, con
người cũ của nhà thơ sống dậy, ông lại muốn tìm vào khuây lãng, rồi lại tiếp tục viết những
bài thơ buồn. Bấy giờ là những năm trước sau Đại chiến thứ Nhất. Các tổ chức trong nước
nối nhau tan rã. Ở nước ngoài, Phan Bội Châu bị bắt, anh em đồng chí xiêu lạc mỗi người
một phương. Là một danh sĩ được cả hai phía Triều đình và chí sĩ đều trọng vọng, Nguyễn
Thượng Hiền đã có một hành vi khá bất ngờ gây tiếng vang rất lớn: bỏ quan trường bí mật
xuất dương sang Trung Quốc để hoạt động cứu nước từ cuối năm 1907. Tháng IX-1908,
Phan Bội Châu tháp tùng ông đến Nhật Bản cổ xúy cho phong trào Đông du. Nhờ kết giao
với nhiều chính khách trọng yếu của Trung Quốc, khi phong trào Đông du bị nước Nhật
khước từ và xua đuổi, ông đã giới thiệu được cho nhiều người vào học các trường đại học và
chuyên nghiệp ở Bắc Kinh cũng như các tỉnh thành khác của Trung Quốc, nhiều người được
giúp đỡ công ăn việc làm để có thể tiếp tục hoạt động. Rồi đến tháng II-1912, Việt Nam
Quang phục hội thành lập, tuy “không có xu hướng dân chủ”
(Phan Bội Châu niên
biểu)
(2)
ông vẫn đóng góp nhiều công sức cho các chương trình của Hội. Ông cũng đã can
thiệp có hiệu quả để nhà đương cục Trung Hoa nới tay trong vụ bắt Phan Bội Châu và Mai
Lão Bạng năm 1914. Thay mặt Việt Nam Quang phục hội, ông sang Xiêm giao thiệp với
Công sứ Đức và Áo vào năm 1915 để xin viện trợ kinh phí nhằm tổ chức đội quân Quang
phục đánh úp vào một số vùng biên giới phía Bắc nước ta trong năm đó. Nhưng khi cuộc thế
chiến kết liễu, thấy đế quốc Pháp thắng trận, ông uất ức, chán nản, bỏ vào chùa đi tu. Sau
ngày Phan Bội Châu bị bắt cóc ở Thượng Hải đưa về nước, ông càng đau xót, buồn rầu, nhất
là khi nghe tin trong âm mưu này, người cháu gọi ông bằng chú có dính dáng. Ông mất ở
Hàng Châu cuối năm 1925.
Tác phẩm của Nguyễn Thượng Hiền có nhiều. Phần sáng tác bằng chữ Hán, trước
khi xuất dương đã có Nam hương tập(Tập thơ hương vị đất Nam), Hạc thự ngâm
biên (Biên chép những bài thơ nơi nha môn của con chim hạc), Hát Đông thư dị(Tập
truyện văn xuôi ghi chép những chuyện lạ vùng Hát Đông)
(3)
. Sau khi ra nước ngoài ông
tiếp tục sáng tác cả thơ và văn xuôi, và chỉnh lý lại những bài thơ làm ở trong nước rồi
gộp thành Nam chi tập (Tập thơ chim Việt đậu cành Nam), gồm 3 tập; tập thượng: thơ ca
làm từ 1907 trở về trước; tập trung: thơ ca làm từ khi xuất dương cho đến năm 1918; tập
hạ : các bài văn xuôi kêu gọi duy tân cứu nước, bài Tang hải lệ đàm (Giọt lệ bể dâu) và
lược truyện các liệt sĩ trong phong trào Cần vương, Đông du; sách in tại Trung Quốc năm
1925, có lời đề tựa của nhà văn Trung Quốc Chương Bính Lân (1913) và lời bạt của nhà
văn Từ Lương Bật (1912)
(4)
. Ngoài ra ông còn có tập Viễn hải quy hồng (Chim hồng bay
về từ biển xa) in ở Nhật Bản năm 1908
(5)
. Phần sáng tác bằng tiếng Việt ít hơn và cũng
chưa sưu tầm đủ, hiện chỉ mới in được một số trong tập Thơ văn Nguyễn Thượng
Hiền của Lê Thước và Vũ Đình Liên năm 1959
(6)
, trong đó đáng chú ý có các bài hát nói,
chùm thơ liên hoàn, nhất là bài ca Hợp quần doanh sinh thuyết (Bàn về hợp quần doanh
sinh) và bài Phú cải lương
(7)
. Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ giới hạn việc tìm hiểu
các bước biến đổi nghệ thuật của Nguyễn Thượng Hiền trong thơ chữ Hán, lĩnh vực quan
trọng nhất và cũng có khả năng soi tỏ rõ nhất hiện tượng con người giao thời ở ông.
1. Nói chung, con người xã hội và con người văn chương của Nguyễn Thượng Hiền
không phải lúc nào cũng nhập làm một với nhau nhưng về hành trình mà nói thì có phần
tương đồng, vì đấy cùng là hai phương diện khăng khít trong cuộc đời nhiều thăng trầm của
nhà chí sĩ - một chuỗi dài đầy những nghịch lý, luôn đấu tranh giằng xé giữa ý muốn vươn
lên, sống vững vàng trước mọi thử thách và ý muốn thoái lui bỏ cuộc, tự phủ định mình. Ông
đã trải qua kinh lịch của đủ các loại người: học trò, quan chức, ẩn sĩ, tu sĩ, chí sĩ, rồi cuối cùng
lại trở lại với ẩn sĩ và tu sĩ. Trong thơ văn ông cũng phản ánh trải nghiệm tình cảm, tâm lý
của đủ các loại người ấy, nhưng từ góc độ nghệ thuật mà nhìn thì hình như thường xuyên có
hiện tượng phân thân thành hai chủ thể thẩm mỹ: một chủ thể cố gắng gắn cảm hứng sáng tạo
với các trào lưu cấp tiến của lịch sử và một chủ thể muốn tìm cái đẹp hồi cố trong tâm trạng
một cái “tôi” cá thể, cá nhân. Hai chủ thể thẩm mỹ quy định hai dạng thức trữ tình tồn tại xen
kẽ nhau: một dạng thức trữ tình hướng tâm hồn ra ngoại giới, đón những âm thanh sôi động
của đất nước, của cộng đồng vào trong tác phẩm, và một dạng thức trữ tình có phần khép kín,
thường đắm chìm vào mặc cảm, vào những gì đã trở thành vang bóng trong tâm tưởng mình.
Hơn bất kỳ một sĩ phu nào hết, Nguyễn Thượng Hiền là nhà thơ mang giọng điệu, tâm tình
của hai thế kỷ.