Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Sự kết hợp giữa yếu tố tự trào và tự thuật trong phú Nôm trung đại ._1 pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (194.69 KB, 5 trang )

Sự kết hợp giữa yếu tố tự
trào và tự thuật trong phú
Nôm trung đại




Đến thế kỷ XVIII với tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, cái áo khoác
đẹp đẽ về cuộc sống hàn nho bị xé rách, phơi bày ra đủ mọi điều đắng cay, cực nhục.
Nhà nho chẳng thể đứng ngoài phán xét đồng tiền như cách hành xử của Nguyễn Bỉnh
Khiêm hơn hai trăm năm trước. Nhà nho chịu ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng thị dân cũng
cần ăn, cần mặc và nuôi sống gia đình. Tất cả những vất vả, chua chát ấy được Nguyễn
Công Trứ, Cao Bá Quát kể lại rất thành thật:
Chém cha cái khó, chém cha cái khó,
Khôn khéo mấy ai, xấu xa một nó.
(Nguyễn Công Trứ - Hàn nho phong vị phú)
hay:
Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lướp tướp, ngày thê lương hạt nặng
giọt mưa sa;
Đèn con con gon chiếc chiếu lôi thôi, đêm tịch mịch soi chung
vừng nguyệt tỏ.
(Cao Bá Quát - Tài tử đa cùng phú)
Một lần nữa thủ pháp miêu tả “trực trần kỳ sự” của phú lại phát huy tác dụng.
Nếu thơ luật khi nói đến hành động của nhân vật trữ tình thường gợi chứ không tả thì
phú chú trọng phô diễn, tả vật. Miêu tả trực tiếp, chi tiết đối tượng không phải yêu cầu
bức thiết của thơ nhưng lại chính là đặc trưng hình thành bản chất thể phú. Mà càng
nhìn sâu vào đối tượng, chân dung nhân vật lại càng hiện rõ, càng bộc lộ những cái
đáng cười. Và trên cái nền được tạo ra từ sự xuyên thấm giữa yếu tố tự thuật và tự
trào ấy, khuôn mặt riêng, cá tính riêng của từng tác giả được khắc họa đậm
nét. Tiếng cười của Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát tuy cùng là phản ánh tâm trạng
chua xót trước cảnh “đa cùng” song lại mang đến cho văn học hai cái tôi rất khác nhau.


Trong khi Hy Văn sắc sảo, ngông nghênh nhưng vẫn tin vào sự công bằng nhất định
của xã hội thì Chu Thần uất ức, bất bình, khát khao phá bung mọi sợi xích đang kiềm
nén sức sống con người. Cho nên, tả cảnh nghèo, tiếng cười của Hy Văn sắc bén hơn
hẳn Chu Thần. Nhưng nếu nói về cái nổi loạn thì Nguyễn Công Trứ “Mới biết khó bởi
tại trời, giàu là cái số” lại không quyết liệt đến độ đòi hỏi xoay chuyển càn khôn như
Cao Bá Quát:
Bài phú Dương Hùng dù nghiệm tá, thì xin quyết tống bần quỷ ra đến miền
Đông Hải, để ta đeo vòng thư kiếm, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài;
Câu văn Hàn Dũ phỏng thiêng chăng, thì xin quyết tống cùng thần ra đến đất Côn
Lôn, để ta gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú.
Hỏng thi phú (Tú Xương) là một tác phẩm khác nổi bật về phương diện tự thuật.
Tự thuật không chỉ là kể lại tên tuổi hành trạng của mình:
Tú dốt bảng giữa năm Giáp Ngọ, nổi tiếng đầu trò;
Con nhà nghề ở đất Vị Xuyên, ăn phần cổ nọng.
Năm vua Thành Thái mười hai;
Lại mở khoa thi Mỹ Trọng.
Kì đệ tam văn đã viết rồi;
Bảng đệ tứ chưa ra còn ngóng.
mà điều cốt yếu nằm ở cách tác giả tự nhìn nhận một cách thành khẩn và chua xót
khuôn mặt phía sau, khuôn mặt không lấy gì làm đẹp đẽ với những cái bình thường,
thậm chí tầm thường, tẹp nhẹp:
Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu;
Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng.
Quanh năm phong vận: áo hàng Tàu, khăn lượt, ô Nhật Bản xanh;
Ra phố xênh xang: quần cát bá, tất tơ, giày Gia Định bóng.
Giá cứ chăm nghề đèn sách, thì mười lăm mười sáu, đỗ tự bao giờ;
Chỉ vì quen lối thị thành, nên một tuổi một già, hóa ra lóng đóng.
Hoặc rõ hơn nữa, trong Lạc đệ tự trào phú (Khuyết danh):
Những e ấp chửa mang nổi mình ốc, lại ra sự dắt tay trẻ xuống giếng,
chấp chảnh làm gà;

Toan kéo co trả nợ tổ tôm thua, khéo giở tuồng đơm đó cá ngọn tre,
kiếm ăn như rái.
Đáng chú ý, Hỏng thi phú hay Lạc đệ tự trào phú không phải hiện tượng cá
biệt. Những Học trò lười dốt phú (Khuyết danh), Thầy đồ ngông phú (Nguyễn
Khuyến), Hỏng thi phú (Khuyết danh)… đã tạo thành một xu hướng mới cho phú
Nôm: lấy cuộc đời thực của tác giả làm đối tượng phản ánh, làm chất liệu để tạo nên
tiếng cười. Tiếng cười đã trở thành ý thức của lương tri, thể hiện sự nhìn nhận bản
thân một cách khách quan nhất. Ý thức bắt buộc người viết phải nhận thức mình như
đối tượng đáng cười bởi vì suy cho cùng, mỗi con người đều là một thực thể chứa
đựng vô vàn sự mâu thuẫn, vừa tốt vừa xấu, vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa cao
thượng lại vừa hèn kém tầm thường. Giữa bối cảnh chung của văn học giai đoạn nửa
cuối thế kỷ XIX, phú Nôm đã để lại những bức chân dung hài hước “có một không
hai” về tầng lớp nho sĩ. Cùng với bút pháp ngày càng phát triển theo hướng tả thực,
phú Nôm đã xây dựng được những “điển hình xấu”, miêu tả con người chân thực như
bản chất vốn có vậy. Thật ra, nếu nói phú quốc âm sáng tạo nên nhân vật tính cách thì
không đúng. Nhân vật trong phú Nôm chưa thể hiện mình như con người có tính cách
bị biến dạng dưới sự ma chiết của hoàn cảnh. Song ít nhất, con người ở nhiều bài phú
Nôm đã thực hiện một việc rất khó khăn: tự phân tích từng biểu hiện tinh vi và thầm
kín trong tâm lý mình, không ngại ngần tự châm biếm cái yếu đuối, thậm chí kém cỏi
của bản thân một cách thành thật đến độ tàn nhẫn.
Trải qua trên dưới bảy thế kỷ tồn tại, phú quốc âm đã giữ lại nhiều cung bậc
khác nhau của tiếng cười tự trào. Tiếng cười ấy mang đến cho người đọc sự thấu hiểu
và cảm thông sâu sắc đối với tâm hồn của thế hệ nhà nho đi trước. Họ là những con
người đủ lương tâm để nhận thấy tầng lớp mình đang tha hóa nhưng lại không đủ sức
để ngăn chặn một kết cục bi đát cho Nho học, chỉ đành lưu lại trong văn học một nụ
cười đôi lúc còn mặn cay hơn nước mắt. Mặt khác, nhìn từ tiến trình hiện đại hóa văn
học, yếu tố tự trào khi sóng đôi cùng cái nhìn cận cảnh vào chân dung nhân vật mang
tính tự thuật của thể phú phải chăng đã tạo nên môi trường thuận lợi cho cái tôi cá
nhân được dần thể hiện, góp phần đưa văn học thoát dần khỏi phạm trù trung đại,
bước sang hiện đại?


×