Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX: Sự tương tác giữa những chuyển biến tự thân với các ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài_3 pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (205 KB, 6 trang )

Quá trình hiện đại hoá văn học
Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế
kỉ XX: Sự tương tác giữa những
chuyển biến tự thân với các ảnh hưởng
từ thế giới bên ngoài




Trong giới nghiên cứu văn học Trung Quốc từng tồn tại quan điểm sự chuyển
mình trong giai đoạn cận hiện đại của văn học nước này chủ yếu là do ảnh hưởng của văn
học phương Tây, bắt chước văn học phương Tây, thậm chí còn có người cho rằng sự hiện
đại hóa văn học Trung Quốc hoàn toàn đồng nhất với Tây hóa, hay Nhật hóa và Tây hóa.
Từ một góc độ nhất định, khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX thực
sự là giai đoạn mở cửa văn hóa và tự do tư tưởng chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc.
Đa phần tầng lớp trí thức đã tiếp thu luồng gió tư tưởng mới bằng thái độ cởi mở và vận
dụng những điều học hỏi được vào thực tiễn sáng tác một cách tích cực.
Tuy nhiên, xét theo một khía cạnh khác, sự cải cách về văn hóa nói chung cũng như
văn học nói riêng bao giờ cũng phải dựa trên những nhân tố sẵn có. Về bản chất, khi một
nền văn hóa đã hình thành, nó không dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố văn hóa
khác, càng không dễ bị đồng hóa. Văn học cũng vậy. Con đường đi từ truyền thống đến
hiện đại của văn học Trung Quốc là sự chuyển mình với nhiều trăn trở, chứ không chỉ đơn
giản là động tác vứt bỏ lớp áo cũ để khoác vào một lớp áo mới.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu quá trình hiện đại hóa văn
học Trung Quốc cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, được nhìn nhận như sự tương tác giữa
những chuyển biến tự thân của nền văn học này với các ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài,
bao gồm sự chuyển biến ngôn ngữ sáng tác từ Hán cổ sang bạch thoại, ảnh hưởng từ văn
học nước ngoài, cùng những chuyển biến tự thân hướng ra thế giới dựa trên những giá trị
truyền thống trong văn học Trung Quốc; trên cơ sở đó tiến hành phân tích tính tiếp thu và
sáng tạo của văn học Trung Quốc trong tiến trình hiện đại hóa cuối thế kỷ XIX - đầu thế
kỷ XX.


1. Từ cổ Hán ngữ đến bạch thoại, con đường của tư tưởng mới
Thế giới tinh thần của nhân loại về cơ bản được xây dựng nên trên ngôn ngữ, được
lưu giữ và lưu truyền cũng nhờ ngôn ngữ. Sự thay đổi của ngôn ngữ luôn liên quan mật
thiết với những chuyển biến về mặt tư tưởng của con người, và ngược lại. Văn học Trung
Quốc gắn liền với tiếng Hán cổ trong hơn hai nghìn năm. Trong khoảng thời gian ấy, hệ
thống ngôn ngữ Hán cổ không tồn tại một cách bất biến, mà thay đổi một cách chậm rãi
theo thời gian, cùng lúc với những biến đổi trong phương ngữ và khẩu ngữ. Xét từ lịch sử
phát triển ngôn ngữ, văn ngôn (Hán cổ) và khẩu ngữ (bạch thoại) là hai hình thái ngôn
ngữ không giống nhau, lúc đầu không tồn tại khoảng cách quá lớn, nhưng trong quá trình
phát triển lâu dài, hình thức của hai ngôn ngữ này càng lúc càng trở nên khác biệt. Cùng
với sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ, đến đời Minh – Thanh đã có rất nhiều tác
phẩm kinh điển được viết bằng văn bạch thoại, như Thủy hử, Hồng lâu mộng, v.v… Cuối
đời Thanh, nhiều trí thức Trung Quốc đã bắt đầu chú ý đến sự trong sáng dễ hiểu của văn
bạch thoại cũng như tác dụng của nó trong việc truyền đạt tư tưởng mới đến với đông đảo
quần chúng. Sau khi nghiên cứu lịch sử phát triển và hiện trạng văn học Trung Quốc, các
học giả phát hiện ra loại văn ngôn mà những sáng tác văn học cổ sử dụng cho đến thời
điểm đó đã hoàn toàn tách rời ngôn ngữ được dùng để giao tiếp hàng ngày. Văn ngôn
càng được dùng trong văn viết nhiều bao nhiêu, thì mức độ “cứng” của nó càng lớn bấy
nhiêu, khoảng cách càng xa khẩu ngữ bấy nhiêu. Dùng một thứ ngôn ngữ đã trở nên lão
hóa và xơ cứng để biểu đạt những cảm xúc tinh khôi và sống động là một điều không hợp
lý, như Hồ Thích đã nói: “Dùng ngôn ngữ chết thì quyết không thể sáng tạo ra được văn
học sống”
(1)
.
Tháng 11 năm 1897, tờ báo đầu tiên viết bằng văn bạch thoại Diễn nghĩa bạch
thoại báo ra đời tại Thượng Hải. Hai anh em Chương Bá Hòa và Chương Trọng Hòa,
đồng sáng lập báo, phát biểu: “Người Trung Quốc muốn phát phẫn lập chí, không bị thua
thiệt, tất phải biết tình hình nước ngoài, biết việc trong thiên hạ. Muốn đọc báo chí, tất
phải bắt đầu từ văn bạch thoại, mới rõ ràng đâu ra đấy”
(2)

. Tiếp đó, nhiều tờ báo tiến bộ
khác như Vô tích bạch thoại báo, Hàng Châu bạch thoại báo, Tô Châu bạch thoại báo,
Trung Quốc bạch thoại báo, An Huy tục thoại bá”, v.v… lần lượt xuất hiện, hòa giọng
vào bản đồng ca bạch thoại càng lúc càng vang dội bấy giờ.
Tháng 9 năm 1915, Trần Độc Tú sáng lập báo Tân thanh niên, là một mốc quan
trọng trong sự khởi đầu cuộc cách mạng tư tưởng Ngũ Tứ. Tháng 1 năm 1917, trong
bài Lời bàn thô sơ về việc cải tiến văn học đăng trên Tân thanh niên, Hồ Thích đã viết:
“Nhìn bằng con mắt của sự tiến hóa lịch sử thời nay, thì văn học bạch thoại vừa là con
đường chính thống của văn học Trung Quốc, vừa là vũ khí sắc bén mà văn học buộc phải
dùng đến trong tương lai, điều này có thể khẳng định chắc chắn!”
(3)
. Để “cải tiến” văn
học, cổ vũ cho việc dùng văn bạch thoại, Hồ Thích đã đề ra “tám việc” phải làm: “Một là
viết về vật, việc rõ ràng; hai là không bắt chước người xưa; ba là phải chú ý đến văn
phạm; bốn là không thương vay khóc mướn; năm là bỏ lối dùng từ cổ tối tăm vô nghĩa;
sáu là không dùng điển tích điển cố; bảy là không cần đối ngẫu; tám là không tránh ngôn
ngữ đời thường”
(4)
. Một năm sau, ông đổi “tám việc” thành “chủ nghĩa tám “không””, và
tóm gọn quan điểm cách mạng văn học của mình trong mười chữ: “Văn học của quốc
ngữ, quốc ngữ của văn học”
(5)
, chính thức đặt văn bạch thoại vào vị trí ngôn ngữ chính
thống của văn học Trung Quốc.
Quan điểm của Hồ Thích nhận được sự cổ vũ ủng hộ nhiệt tình của những người
đồng chí hướng đương thời như Tiền Huyền Đồng, Trần Độc Tú, v.v… Cùng với việc
chú trọng thay đổi hình thức ngôn ngữ, tức lớp áo ngoài của văn học, nhiều học giả cũng
đã đề xướng việc thay đổi nội dung tư tưởng, tức cốt lõi của văn học. Chu Tác Nhân khi
viết Văn học của con người(1918) đã đề ra ba luận điểm: một là đòi hỏi văn học phải thể
hiện “thiện” và “mỹ” trong con người; hai là văn học phải lấy “chủ nghĩa nhân đạo làm

gốc”, “đối với những vấn đề của cuộc sống, phải ghi chép và nghiên cứu thêm”; ba là phải
lấy “đạo đức con người làm gốc”, phải viết “tình yêu nam nữ”, “tình cảm ruột thịt”, là
“thiên tính” của con người. Bài viết Cách mạng tư tưởng(tháng 3 năm 1919) của ông càng
thể hiện rõ chủ trương văn học mới phải đi liền với tư tưởng mới. Ông cho rằng “cải cách
chỉ thay đổi văn tự mà không thay đổi tư tưởng” là thay nước mà không thay thuốc, cải
cách tư tưởng quan trọng hơn nhiều lần so với cải cách ngôn ngữ văn tự. Lỗ Tấn cũng
nhận định phải thay đổi việc sử dụng ngôn ngữ, dùng văn bạch thoại, lại càng phải tiến
hành đổi mới tư tưởng :“Nếu tư tưởng mà vẫn như cũ, thì khác nào thay đổi nhãn mác chứ
không thay đổi hàng hóa”, “truyền bá văn nghệ, học thuật chính đáng, đổi mới tư tưởng,
là việc đầu tiên”
(6)
.
Theo thống kê, trong năm 1919, ít nhất có khoảng hơn bốn trăm loại báo bạch thoại
lớn nhỏ xuất hiện trên toàn Trung Quốc. Văn bạch thoại nghiễm nhiên trở thành công cụ
ngôn ngữ truyền bá tri thức, giao lưu tư tưởng quan trọng thời bấy giờ. Có thể thấy, sự
hiện đại hóa trong văn học Trung Quốc đã được tiến hành theo một quy luật tự nhiên tất
yếu của lịch sử phát triển, cái mới manh nha trong lòng cái cũ, lớn mạnh và thay thế cho
cái cũ. Quá trình hiện đại hóa đã bắt đầu từ hiện đại hóa ngôn ngữ, dẫn đến nhu cầu cấp
thiết phải hiện đại hóa tư tưởng, sau đó được tiến hành một cách đồng bộ từ cải cách hình
thức biểu đạt đến đổi mới nội dung trình bày.
2. Ảnh hưởng ngoại lai đối với việc hiện đại hóa trong văn học Trung Quốc
Trong bài viết Làm sao để làm văn bạch thoại trích từ tạp chí Tân Trào (1919), Phó
Tư Niên đã đề ra tiêu chuẩn của văn bạch thoại thời này: “1. Văn bạch thoại lô–gích: là
văn bạch thoại có lô–gích mạch lạc, có trình tự lô–gích, thể hiện được tư tưởng khoa học;
2. Văn bạch thoại triết học: là văn bạch thoại có lớp lang, kết cấu chặt chẽ, chứa đựng
được tư tưởng tinh túy và sâu sắc; 3. Văn bạch thoại mỹ thuật: là văn bạch thoại dùng sự
độc đáo tài tình để đi được vào lòng người.” Ông cho rằng: “Ba yếu tố này trong ngôn
ngữ phương Tây đã đủ cả. Bắt chước ngôn ngữ phương Tây là phương pháp đơn giản tiện
lợi nhất, thích đáng nhất. Cho nên, văn bạch thoại lý tưởng có thể nói chính là văn bạch
thoại Âu hóa”

(7)
.
Quan điểm này của Phó Tư Niên cũng là quan điểm chung phổ biến trong cuộc vận
động văn học mới lúc bấy giờ. Văn học bạch thoại từ thời Ngũ Tứ có thể coi như một hình
thức văn học mới, bắt đầu hình thành trên cơ sở ngôn ngữ bạch thoại Âu hóa và cách biểu
đạt của phương Tây. Tuy vậy, ảnh hưởng thật sự sâu rộng của thế giới bên ngoài đối với
việc hiện đại hóa văn học Trung Quốc không phải trên phương diện ngôn ngữ, mà chính
trên các phương diện thể loại, tư tưởng và nội dung văn học.
Lương Khải Siêu từng viết trong bài Luận về mối quan hệ giữa tiểu thuyết với việc
trị dân, đăng trên số đầu tiên của tạp chí Tân tiểu thuyết (1902): “Muốn làm mới dân một
nước, trước tiên không thể không làm mới tiểu thuyết của nước đó. Muốn làm mới đạo
đức tất phải làm mới tiểu thuyết, muốn làm mới tôn giáo tất phải làm mới tiểu thuyết,
muốn làm mới chính trị tất phải làm mới tiểu thuyết, muốn làm mới phong tục tất phải
làm mới tiểu thuyết, muốn làm mới nghệ thuật tất phải làm mới tiểu thuyết; thậm chí
muốn làm mới lòng người, làm mới nhân cách, tất cũng phải làm mới tiểu thuyết. Vì sao
vậy? Tiểu thuyết có một sức mạnh chi phối con người không sao lường hết được”
(8)
.
Những lời lẽ của Lương Khải Siêu tuy mang hơi hướng cường điệu, song không thể phủ
nhận đây là một quan niệm mới mẻ và hợp lý. Sự tôn vinh “tiểu thuyết” trong luận định
này tất nhiên không thể hiểu như niềm ưu ái riêng với một thể loại văn học, mà nên hiểu
như nhận thức cơ bản của tác giả về ảnh hưởng lớn lao của văn học nói chung. Từ nhận
thức tư tưởng ấy, ông đã phát động cuộc cách mạng tiểu thuyết và cách mạng thơ mạnh
mẽ nhưng ngắn ngủi trên văn đàn.

×