Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Quá trình hiện đại hoá văn học Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX: Sự tương tác giữa những chuyển biến tự thân với các ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài_2 pps

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (195.16 KB, 5 trang )

Quá trình hiện đại hoá văn học
Trung Quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế
kỉ XX: Sự tương tác giữa những
chuyển biến tự thân với các ảnh hưởng
từ thế giới bên ngoài




3. Sự kế thừa và phát triển từ văn học truyền thống trong quá trình hiện đại
hóa văn học Trung Quốc
Sau cuộc vận động Ngũ Tứ, văn học Trung Quốc thật sự bắt đầu bước vào thời kỳ
hiện đại. Văn học hiện đại Trung Quốc thể hiện một xã hội tân thời, một dáng dấp tinh
thần mới mẻ, với những phương pháp biểu đạt nghệ thuật hoàn toàn mới. Nhưng dù giữ
cho mình một khoảng cách lịch sử nhất định, nó vẫn không thể cắt đứt hoàn toàn với quá
khứ. Minh chứng cho điều này chính là lớp người trí thức mở màn cho văn học hiện đại,
như Hồ Thích, Lỗ Tấn, Chu Tác Nhân, Quách Mạt Nhược, v.v… Họ không chỉ là những
người phất ngọn cờ văn học mới, họ còn là những bậc thầy về quốc học, và dù có ý thức
hay không, vai trò của họ vẫn là tiếp tục đẩy mạnh nền quốc học trong xã hội hiện đại.
Các tác phẩm của các nhà văn lớn thời kỳ này tuy mang đậm hơi hướng phương
Tây, nhưng ở tầng sâu hơn, vẫn có thể thấy huyết mạch của văn học truyền thống đang
cuộn chảy. Lỗ Tấn đã từng dùng “vũ khí” của văn học phương Tây để “chiến đấu” với
văn học truyền thống: ông viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết,… như một nhu cầu
của thời đại, đồng thời cũng là sự ảnh hưởng từ nhân tố nước ngoài. Tuy nhiên, tinh thần
chủ đạo trong văn học của ông vẫn là tinh thần trong văn học truyền thống Trung Quốc.
Có thể thấy ông đã tiếp nối và thể hiện một cách quyết liệt hơn chủ nghĩa ái quốc, tư
tưởng vì nước vì dân, lo lắng cho vận mệnh dân tộc, ghét cái ác như kẻ thù… qua các thời
đại của Hàn Phi, Khuất Nguyên, Đỗ Phủ,… Mao Thuẫn, Diệp Thánh Đào, Vương Thống
Chiếu, v.v… cũng đã thể hiện nội hàm văn hóa dân tộc sâu sắc cũng như ảnh hưởng từ
văn học cổ Trung Quốc trong cách miêu tả, xây dựng nhân vật, lựa chọn hình ảnh nhằm
thể hiện hàm ý sâu xa trong từng chi tiết được khắc họa Sự thành công rực rỡ của các vở


kịch như Khuất Nguyên của Quách Mạt Nhược hay Lôi vũ của Tào Ngu có thể coi là minh
chứng hùng hồn cho sức mạnh truyền thống trong lòng những sáng tác hiện đại. Ngay với
những tác phẩm tản văn đạt đến độ tinh túy trong văn bạch thoại, mang tư tưởng mới rõ
nét như của Băng Tâm hay Chu Tự Thanh, độc giả vẫn dễ dàng bắt gặp những hình ảnh
và nội dung nặng tính cổ điển, mà chính những hình ảnh và nội dung mang tính cổ điển ấy
lại khiến cho tác phẩm trở nên lắng đọng hơn, rung động lòng người hơn.
Thơ ca là một ví dụ khác về tính kế thừa và phát triển văn học truyền thống trong
tiến trình hiện đại hóa. Tuy học hỏi rất nhiều từ các trường phái thơ nước ngoài, nhưng
việc hiện đại hóa thơ thực sự là một thử thách đối với các tác giả, vì ảnh hưởng của thơ cổ
trong văn học Trung Quốc là quá lớn.
Hồ Thích là một trong những người đầu tiên truyền bá quan niệm tác phẩm văn học
phải gắn liền với ngôn ngữ phổ thông, sự chú trọng bộc lộ tình cảm và ý thức thẩm mỹ
của văn học hiện đại phương Tây vào Trung Quốc, đồng thời cũng là người kiên quyết
dựa trên quan niệm này để tiến hành xây dựng hệ thống văn học sử Trung Quốc. Tuy thế,
ý thức tiềm tàng trong con người và thơ Hồ Thích vẫn là ý thức của những giá trị truyền
thống. Trong cuộc vận động Ngũ Tứ, Hồ Thích đã lựa chọn “giản dị dễ hiểu” làm tiêu chí
mỹ học cho thơ. Tiêu chí này không phải do ông sáng tạo nên, mà thực chất là sự tiếp
bước trào lưu thơ bạch thoại từ đời Đường, với những đại biểu ưu tú như Nguyên Chẩn,
Bạch Cư Dị… Bên cạnh đó, Hồ Thích đã dùng văn bạch thoại để biểu đạt những khái
niệm, hình ảnh cổ điển quen thuộc, thậm chí có phần “nhàm”, trong văn học cổ Trung
Hoa. Cống hiến của Hồ Thích cho phong trào thơ mới, xét theo một khía cạnh nào đó, vẫn
là sự tiếp nối mạch thơ giản dị thuần phác từKinh thi.
Khi các nhà thơ Trung Quốc học hỏi nghệ thuật thơ phương Tây, họ phát hiện ra có
sự giống nhau giữa thơ ca chủ nghĩa hiện đại của phương Tây với phong cách thơ của Ôn
Đình Quân và Lý Thương Ẩn cuối đời Đường. Trong trường hợp này, sự vay mượn từ
phương Tây đi đôi với sự kế thừa từ văn học truyền thống Trung Quốc, và yếu tố thứ hai
ảnh hưởng đến sáng tác thực tiễn của các tác giả mạnh mẽ hơn yếu tố đầu tiên gấp nhiều
lần. Thơ ca cổ Trung Quốc đã cung cấp cho các tác giả nguồn tài nguyên dồi dào trong
tầm tay, nó gần gũi quen thuộc hơn với tâm hồn và khả năng cảm thụ của họ. Điều này lý
giải tại sao chủ nghĩa hiện đại trong thơ ca Trung Quốc cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX

đạt đến độ chín sớm hơn và có được thành tựu nghệ thuật lớn hơn những thể loại khác,
như tiểu thuyết hay kịch nói. Đó không phải là thắng lợi chớp nhoáng của hiện đại hóa
văn học, mà là kết quả đóng góp của quá trình phát triển hàng nghìn năm của văn học
truyền thống.
Thực tế đã chứng minh, muốn thật sự thành công trong việc hấp thụ các yếu tố ngoại
lai, sự vận dụng khéo léo nền tảng truyền thống là yếu tố then chốt. Một giống cây trồng
muốn ươm thành công trên mảnh đất mới, ngoài cây giống tốt ra, phải được tạo điều kiện
để thích nghi cùng môi trường mới. Có thể nói, mảnh đất thơ truyền thống Trung Quốc vốn
dĩ đã đầy đủ những yếu tố thích hợp với giống cây đến từ phương Tây, nên việc trồng trọt
canh tác diễn ra thuận lợi.
Trong quá trình hiện đại hóa văn học, sự tác động của “ngoại lực” và khả năng
dung nạp của “nội lực” thực chất không mâu thuẫn với nhau. Nội lực càng thâm hậu thì
khả năng tiếp nhận ngoại lực càng lớn. Sự nhận thức và cọ xát không ngừng của văn học
truyền thống với văn học thế giới giúp cho nền văn học có thể hoàn thiện chính mình, từ
đó không ngừng phát triển. Văn học Trung Quốc đã có sự thay da đổi thịt, nhưng xét cho
cùng, phần sâu thẳm và cốt lõi của văn học vẫn là từ truyền thống, giống như da thịt có
thể thay đổi, song xương cốt thì vẫn thế.
Kết luận:
Giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX là giai đoạn bản lề trong lịch sử văn
học Trung Quốc, điểm giao nhau giữa thời đại cũ và thời đại mới. Chu Tác Nhân từng viết
trong Dòng chảy văn học mới của Trung Quốc: “Từ sau cuộc chiến Giáp Ngọ, không chỉ
nền chính trị Trung Quốc xuất hiện sự biến đổi lớn lao, mà ngay trên phương diện văn học
cũng đang lay động, đang biến hóa không ngừng, giống với sự kết thúc một thời đại và sự
bắt đầu một thời đại tiếp theo. Lý do khiến thời đại mới vẫn chưa thể kịp thời hình thành,
thì như trong Tam quốc diễn nghĩa từng viết: “Muôn sự đủ cả, chỉ thiếu gió Đông””.
“Thời đại mới” ở đây được hiểu là thời đại Ngũ Tứ, thời kỳ mang đầy đủ tính chất tinh
thần hiện đại. Thêm vào đó, Chu Tác Nhân cũng chỉ rõ: “Cái gọi là “gió Đông” ở đây
đáng ra nên đổi thành “gió Tây”, tức những tư tưởng khoa học, triết học, văn học…
phương Tây”
(16)

. Từ đó thấy rằng, quá trình hiện đại hóa của văn học Trung Quốc không
thể tách khỏi luồng gió văn học phương Tây mạnh mẽ và tươi mới. Tuy nhiên, nếu luồng
gió ấy thổi trên một cánh đồng không, thì bản thân nó cũng chẳng thể tạo ra một giá trị
nào đặc biệt. Luồng gió Tây đã đến kịp lúc để thổi căng cánh buồm trên con thuyền văn
học Trung Quốc vốn chờ đợi từ lâu, và con thuyền ấy được đóng từ những chất liệu trong
văn học truyền thống.
Nhìn theo một khía cạnh khác, những tư tưởng, quan niệm mới từ phương Tây
không tự nhiên mà tới, cũng không tới bất ngờ như một ngọn gió. Nó có cơ hội đến với
tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ Trung Quốc vì chính họ đang mang trong mình những mâu
thuẫn, những dằn vặt, cũng như sự không thỏa mãn với hiện trạng văn hóa, văn học nước
nhà. Nhu cầu bức xúc về một hướng đi mới đã khiến họ dốc lòng tìm kiếm, và tiếp nhận
một cách có chọn lọc những giá trị mới. Nếu không có tầm nhìn xa của các học giả, các
nhà tư tưởng, đặt điểm nhấn của cuộc vận động đổi mới trước hết vào việc chuyển đổi
ngôn ngữ từ Hán cổ sang bạch thoại, thì cách mạng văn học Ngũ Tứ sẽ không thể mang
tầm ảnh hưởng lớn đến vậy trong lịch sử, cũng không thể gặt hái được thành công lớn đến
vậy trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Khi các tác giả Trung Quốc tiếp thu văn hóa
và văn học phương Tây, những quan niệm, tư tưởng mới bắt đầu tác động lên lớp quan
niệm, tư tưởng mà họ vốn có, sự chuyển biến tự thân trước hết xảy ra trong mỗi cá thể,
sau đó mới thể hiện ra ngoài, hợp thành sức mạnh tập thể biến đổi nền văn học của một
thời đại. Công cuộc hiện đại hóa văn học Trung Quốc vừa mang xu thế tự giải phóng, đột
phá khỏi văn học truyền thống, lại vừa mang xu thế hướng ra thế giới để tìm kiếm hình
ảnh mới dựa trên những giá trị truyền thống của chính mình. Sự kết hợp này khiến quá
trình hiện đại hóa văn học Trung Quốc đã trở nên uyển chuyển và mạnh mẽ hơn bao giờ
hết

×