KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT
NAM GIAI ĐOẠN 1900 - 1930
Nhìn chung, văn học hợp pháp giai đoạn này có xu hướng tiến gần đến
văn học hiện đại. Ðối với các tác gia,í văn học hiện đại là một khu vườn
quyến rũ đầy những hoa thơm cỏ lạ. Phát hiện nó là một chuyện nhưng
đến với nó là một chuyện khác. Bởi vì họ "không có đủ độ sâu và độ
đúng của lý luận, không đủ học vấn để kế thừa truyền thống và tiếp thu
ảnh hưởng của văn học nước ngoài một cách hợp lý và sáng tạo" (Văn
học Việt Nam giai đoạn giao thời - Trần Ðình Hượu và Lê Chí Dũng,
trang 337). Ðối với người sáng tác, cảm xúc thẩm mỹ có thay đổi, thế
giới quan và nhân sinh quan đã khác trước, nhưng họ chưa được trang
bị chu đáo về mặt lý luận. Họ đã đến với văn học hiện đại trong sự nhận
thức chưa trọn vẹn về mọi phương diện, trong đó có cả phương diện
nghệ thuật.
2. 5. Các loại hình:
2.5.1. Truyện ngắn và tiểu thuyết:
Truyện ngắn và tiểu thuyết là hai thể loaüi đã có ở nền văn học trung
đại nhưng không được gọi tên như thế. Vào những năm cuối thế kỷ XIX,
đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, trước tiên là Nam bộ đã xuất hiện những tác
phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết viết bằng văn xuôi quốc ngữ, dựa theo
nghệ thuật truyện ngắn và tiểu thuyết của văn học phương Tây. Quá
trình chuyển từ truyện Nôm sang tiểu thuyết hiện đại hay từ tiểu
thuyết Hán văn sang quốc ngữ diễn ra khá phức tạp. Ðến giai đoạn này,
một số tác giả như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vẫn còn sáng tác tiểu
thuyết bằng chữ Hán, viết theo lối kết cấu chương hồi như "Giai nhân
kỳ ngộ, Trùng quan tâm sử.". Những nhà văn thuộc lực lượng trí thức
tân học đã đi từ con đường dịch thuật qua phỏng tác rồi đến sáng tác
để tạo nên những tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại. Với tư
liệu có được đến hôm nay, chúng ta có thể xem truyện "Thầy Lazarô
Phiền" của Nguyễn Trọng Quản là truyện ngắn hiện đại đầu tiên ra đời
năm 1887 ở Nam bộ. Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, ở miền Bắc
mới xuất hiện những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Bá Học, Phạm
Duy Tốn. Không bao lâu, phong trào sáng tác truyện ngắn đã trở nên
phổ biến trong cả nước. Báo chí là nơi cung cấp món ăn tinh thần hấp
dẫn đó cho công chúng đương thời. Phong trào sáng tác tiểu thuyết
cũng bắt đầu ở Nam bộ. Trần Thiên Trung, Tân Dân Tử, Hồ Biểu
Chánh được xem là những người đã xây nền tạo móng cho nền tiểu
thuyết Việt Nam hiện đại. Ðến năm 1925, ở miền Bắc "Tố Tâm" của
Hoàng Ngọc Phách ra đời đã tạo nên một tiếng vang lớn trong độc giả
và đánh dấu bước phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại ở buổi
đầu hình thành. Bên cạnh đó "Quả dưa đỏ" của Nguyễn Trọng Thuật,
"Kim Anh lệ sử" của Trọng Khiêm cũng góp phần tạo nên luồng gió mới
thổi vào văn đàn hợp pháp Việt Nam ở 30 năm đầu thế kỷ XX.
Nội dung của truyện ngắn và tiểu thuyết giai đoạn này tập trung vào
phản ánh hiện thực xã hội đương thời, đả phá những cảnh suy đồi
trong xã hội thực dân nửa phong kiến, bênh vực cho đạo đức gia đình
xã hội, hoặc nêu lên một vài khía cạnh của sự xung đột giữa lễ giáo
phong kiến và chủ nghĩa cá nhân tư sản, phơi bày cảnh khốn khổ của
nhân dân dưới ách thống trị, bóc lột của bọn địa chủ, quan lại thực dân.
Về nghệ thuật, một đặc trưng tiêu biểu của truyện ngắn và tiểu thuyết
trong giai đoạn đầu thế kỷ XX là sự kết hợp đan xen giữa hai loại nghệ
thuật cũ và mới. Lực lượng sáng tác có những người xuất thân Nho học,
có người xuất thân Tây học. Hai nguồn gốc kiến thức ấy có ảnh hưởng
lớn đến tài nghệ của mỗi người và đưa đến kết quả là nghệ thuật của
bên Tây học tiến bộ hơn bên Nho học. Nhưng nhìn chung, sáng tác của
cả hai loaüi tác giả ấy đều mang một đặc điểm chung là "lắp ghép một
cách máy móc cái truyền thống và hiện đại.". Hạn chế đó mang tính tất
yếu của một giai đoạn chuyển biến trong lịch sử văn học, từ phạm trù
văn học trung đại sang phạm trù văn học hiện đại. Chính vì sự lắp ghép
nên đã xuất hiện nhiều trường hợp lối kết thúc có hậu, diễn biến theo
thời gian được xây dựng xen lẫn với hình thức kể chuyện tạo ra những
điểm thắt nút, diễn biến theo tâm lý nhân vật, câu văn biền ngẫu, đối ý,
đối thanh, lên bổng xuống trầm ra đời bên cạnh câu văn xuôi hiện đại,
v.v Nhìn chung, ở hầu khắp các phương diện của nghệ thuật, từ yếu
tố ngôn ngữ đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, cách hành văn, lẫn kết
cấu tác phẩm đều có sự đan xen, pha tạp như đã nói trên. Mặt khác,
truyện ngắn và tiểu thuyết bấy giờ đã chú ý đến vấn đề miêu tả thiên
nhiên nhưng vẫn còn mang hình thức sáo cổ, và đặc biệt là khuynh
hướng thuyết minh đạo đức thì ở tác giả nào cũng có. Có khi nhà văn tự
ý chen vào tác phẩm để "diễn thuyết" một bài đạo đức dài lê thê.
Những tác giả tiêu biểu của thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết ở giai
đoạn này gồm có:
Nguyễn Bá Học: Ông là một trong những nhà văn nổi tiếng đầu tiên ở
Việt Nam viết truyện ngắn phản ánh xã hội thành thị đang trên đường
tư sản hóa. Ông có 7 truyện ngắn, sáng tác trong 3 năm: "Câu chuyện
gia đình, chuyện ông Lý Chắm, Có gan làm giàu, Câu chuyện nhà sư, Dư
sinh lịch hiểm ký, Chuyện cô Chiêu Nhì, Câu chuyện một tối của người
tân hôn." Ông đã đi vào phản ánh hiện thực xã hội thực dân nửa phong
kiến, một xã hội náo động, xô bồ đầy những cạm bẫy chết người. Ðó là
cuộc sống ở thành thị. Còn ở nông thôn thì ngày càng tàn tạ, vắng lặng,
ngưng đọng với sự sụp đổ của Nho học, với những người nông dân, đặc
biệt là phụ nữ sống an phận thủ thường theo nề nếp cũ. Cũng như
nhiều tác giả khác cùng thời, ông có ước muốn "điều hòa tân cựu" "thổ
nạp Á-Âu" . Nhưng thực tế ông đã không thể hướng lý tưởng xã hội-
thẩm mỹ của mình vào việc khẳng định xã hội tư sản. Ông đã hình dung
một xã hội lý tưởng phải là xã hội tư sản với đạo đức cũ. Nhưng ông lại
đang công kích và chê bai xã hội bao quanh ông. Qua tác phẩm chúng ta
thấy cái nhìn thực tế, cụ thể của ông đã chiếm ưu thế so với sự hình
dung của ông về một xã hội tư sản lý tưởng.
Về nghệ thuật, Nguyễn Bá Học, vừa duy trì nghệ thuật sáng tác cũ, vừa
học tập ở văn học phương Tây về nhiều phương diện. Ông đã cố gắng
mô tả khách quan hiện thực cuộc sống nhưng cũng đồng thời sử dụng
văn biền ngẫu và hình ảnh ước lệ, tượng trưng của văn học truyền
thống.
Phạm Duy Tốn: Ông đã viết những truyện ngắn: Nước đời lắm nỗi, Con
người Sở Khanh, Bực mình, Sống chết mặc bây. Ông đã tập trung phơi
bày thực trạng thối nát, bất công của xã hội thực dân nửa phong kiến.
Ông chịu ảnh hưởng của văn Pháp nhiều nên cách viết có phần mới hơn
Nguyễn Bá Học. Ông thành công ở nghệ thuật mô tả chân thực những
hiện tượng mà ông quan sát. Truyện ngắn "Sống chết mặc bây" được
xem là tác phẩm nổi tiếng của ông.
Nguyễn Trọng Thuật: Ông có quyển tiểu thuyết "Quả dưa đỏ" được giải
thưởng của Hội Khai trí Tiến Ðức năm 1925. "Quả dưa đỏ chịu ảnh
hưởng của cuốn Robinson Crusoe của Ðaniel Dejoe nhưng không phải là
phiêu lưu tiểu thuyết như tác giả gán cho tác phẩm của mình. Tác giả có
dụng ý phản ánh ý hướng thích phiêu lưu, mạo hiểm trong tâm lý của
công chúng thời đó. Ông không thành công trong thể loại tiểu thuyết
lịch sử, khi ông mô tả cụ thể lịch sử thời quá khứ. "Quả dưa đỏ" chỉ là
tiểu thuyết chương hồi mà nhân vật chính của nó - An Tiêm - rất gần với
nhà nho. Giọng văn còn mang nhiều ảnh hưởng của Hán văn.
Trọng Khiêm: Tác giả của quyển tiểu thuyết dài: "Kim Anh lệ sử." Tác
phẩm đề cập đến cuộc đời lưu lạc, đau khổ ê chề của một người phụ nữ
con nhà nề nếp vì gia đình sa sút nên phải nhận lấy cuộc sống ba chìm
bảy nổi. Tác phẩm đã nói đến nhiều cảnh ngộ xã hội, nhiều nhân vật có
ý nghĩa. Trong một mức độ nhất định ông đã phản ánh được nhiều khía
cạnh của hiện thực xã hội đương thời, với một thái độ phê phán khá sắc
bén.
Tuy nhiên, đây là một tác phẩm còn nhiều hạn chế. Chủ đề bị tản mạn,
thiếu tập trung, kết cấu không theo thứ tự thời gian nhưng sự liên lạc
giữa các chương, đoạn không chặt chẽ, nhiều đoạn trong tác phẩm còn
chịu nhiều ảnh hưởng của tiểu thuyết kiếm hiệp.
Hoàng Ngọc Phách: Ông có một quyển tiểu thuyết duy nhất là "Tố
Tâm". Tác phẩm viết xong năm 1922, khi ông học năm cuối cùng của
trường Cao đẳng sư phạm in tại Hà Nội đầu năm 1925. "Tố Tâm" ra đời
đã gây một tiếng vang lớn trên văn đàn đương thời. Tác phẩm đã thể
hiện sự kết hợp hai yếu tố cũ và mới trong cả hai phương diện nội dung
và nghệ thuật. Ông đã để cho hai nhân vật chính Tố Tâm và Ðạm Thủy
giằng co giữa hai con đường chạy theo tình yêu tự do hay chấp nhận lễ
giáo phong kiến. Tác phẩm đã khép lại trong kết thúc bi thảm. Với "Tố
Tâm", người tuân thủ đạo đức truyền thống đã không có hạnh phúc
trong chế độ đại gia đình phong kiến, mà người muốn sống hết mình
cho tình yêu tự do cũng không thể đón nhận hạnh phúc trong tình yêu.
Cả đôi đường đều không thể trọn vẹn, con người bị lâm vào thế bế tắc.
Nguyên nhân bắt nguồn từ trạng thái lưỡng phân, giao thời của xã hội.
Có thể thấy được, ở "Tố Tâm" cái tôi tư sản được tác giả đặt bên cạnh
lễ giáo phong kiến. Tất nhiên ở vào thời đại của ông, ông chưa đủ sức
tấn công vào lễ giáo phong kiến. Ông chỉ dám nói đến cái tôi trong thế
cạnh tranh với lễ giáo phong kiến, và ông là một "trọng tài" có sự thiên
vị đối với đạo đức phong kiến, mặc dù thực tâm ông đã nghiêng về cái
tôi tư sản. "Tố Tâm" là một tác phẩm tiêu biểu thể hiện tính giao thời
của văn học giai đoạn này.
Hồ Biểu Chánh: Trước năm 1930 ông là người viết tiểu thuyết nhiều
nhất ở Việt Nam. Tác phẩm của ông bao quát nhiều mảng hiện thực
khác nhau ở thành thị và thôn quê Nam bộ trong những năm sau đại
chiến thế giới lần thứ nhất, với nhiều hạng người thuộc nhiều tầng lớp
và giai cấp xã hội. Ông đã vượt các nhà văn cùng thời về sự bề bộn của
cuộc sống và sự đông đúc, đa dạng của thế giới nhân vật trong sáng tác
của ông. Thế nhưng, nhà văn nhìn những vấn đề xã hội bằng con mắt
đạo đức. Trong tiểu thuyết của ông, mọi cái xấu xa của xã hội đương
thời đều được đưa ra ánh sáng nhưng ông không hề hướng vào mục
đích tố cáo hay phê phán xã hội, cũng không đề cập đến những mâu
thuẫn giai cấp trong xã hội. Ðiều ông muốn tập trung thể hiện là phê
phán, tố cáo những hành động phi đạo đức. Ông chỉ muốn cải tạo xã
hội, ông không chủ trương đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, mà chỉ
sửa chữa nó về mặt đạo đức. Ông đã phân chia xã hội thành hai hạng
người: Hễ giàu lòng nhân nghĩa sẽ được hạnh phúc, còn bất nhân phi
nghĩa sẽ bị trừng phạt đích đáng. Quan niệm đạo đức của ông nhìn
chung vẫn còn nằm trong khuôn khổ đạo đức phong kiến. Chính quan
điểm đạo đức như thế đã làm hạn chế nội dung hiện thực trong sáng
tác của ông.
Ông là một tác giả đã mạnh dạn tiếp nhận những thành tựu nghệ thuật
của tiểu thuyết hiện đại phương Tây để tạo nên những yếu tố mới về
nghệ thuật trong sáng tác của mình, thể hiện qua ngôn ngữ, nghệ thuật
xây dựng nhân vật, chi tiết, cốt truyện, đề tài, v.v
Ở Nam bộ trước năm 1930, bên cạnh Hồ Biểu Chánh còn có nhiều tác
giả khác như Trần Thiên Trung, Nguyễn Chánh Sắc, Tân Dân Tử. Ðây là
những cây bút tiên phong của nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
2.5.2. Kịch nói và cải lương:
Kịch: Là một loại hình nghệ thuật sân khấu rất mới, có giá trị văn học,
chỉ xuất hiện từ khi có sự du nhập của nền văn hóa phương Tây. Một số
tác giả tiêu biểu thời này như Vũ Ðình Long, Nam Xương đã dùng thể
loại hoàn toàn mới mẻ này để phản ánh hiện thực xã hội đương thời.
Ðời sống của các gia đình phong kiến bị phá sản, sự hư hỏng của con
người trong xã hội tư sản, hiện tượng lai căng mất gốc Tuy nhiên, mọi
vấn đề được các tác giả đưa lên sân khấu để bóc trần sự thật, để phê
phán hay đả kích đều xuất phát từ lập trường đạo lý, nhằm củng cố nền
luân lý cổ truyền của dân tộc. Cho nên chưa thể xem nội dung đó là
hoàn toàn mới lạ. Khán giả đương thời hưởng ứng nồng nhiệt bởi
những vấn đề hãy còn xưa cũ ấy được thể hiện trong một hình thức rất
mới.
Cải lương: Cũng như kịch nói, cải lương cũng được xem là một hình
thức mới xuất hiện trong hoàn cảnh xã hội mới. Cải lương bắt nguồn từ
một hình thức văn nghệ dân gian ở Nam bộ. Cải lương thường được
viết theo các tiểu thuyết Trung Quốc ngày xưa hoặc viết theo các tiểu
thuyết, kịch của ta và Pháp. Khai thác đề tài lịch sử cải lương rất phù
hợp với thị hiếu của công chúng đương thời. Cải lương ra đời đã làm
phong phú thêm nghệ thuật của loại hình kịch hát tự sự dân tộc. Tuy
nhiên, các văn nghệ sĩ đương thời ít chú ý đến giá trị văn học của các vở
cải lương. Bấy giờ có một số vở cải lương được nổi tiếng như: Phụng
Nghi đình, xử án Bàng Quí Phi, Giọt máu chung tình, Giá trị danh dự,
Ðầu xanh có tội, Tiếng nói trái tim.
2.5.3. Thơ.
Vào những năm thuộc thập niên thứ 3 của thế kỷ XX, trên thi đàn công
khai, thơ ca như một ngọn gió thu hiu hắt tràn tới gieo vào lòng công
chúng thành thị một nỗi buồn thê lương, dai dẳng. So với tiểu thuyết,
thơ đối với dân tộc ta có truyền thống lâu đời. Nhưng ở 30 năm đầu thế
kỷ XX, xã hội có nhiều biến chuyển nên thơ cũng biến chuyển theo.
Nói đến thơ ca của bộ phận văn học hợp pháp phải kể đến các nhà thơ:
Ðông Hồ, Tương Phố, Tản Ðà, Trần Tuấn Khải.
Nội dung chủ yếu của thơ ca hợp pháp là yêu nước nhưng đó chỉ là tình
yêu nước mơ hồ, xa xôi, bóng gió. Tình yêu nước đó không đủ thúc giục
người đọc tiến lên hành động, nó chỉ có khả năng nhắc nhở con người
không được làm ngơ với Tổ quốc.
Nội dung thứ hai của thơ ca hợp pháp giai đoạn này là bi quan và thoát
ly. Các tác giả đã nhìn thấy được thực tế xấu xa của xã hội nửa thực dân
phong kiến nhưng thấy để buồn rầu, than thở, rồi đâm ra trốn tránh,
thoát ly, muốn lẫn mình vào rượu, vào mộng, vào cõi tiên, cõi phật, cốt
giữ lấy cái trong sạch của mình. Cái tôi đã xuất hiện. Ðó là cái tôi tư sản
còn chịu ảnh hưởng của đạo đức phong kiến. Chủ nghĩa cá nhân tư sản
cũng được hình thành, đang chống đối lại những ràng buộc khắt khe
của đạo đức phong kiến, đi tìm tự do trong lối sống, nhất là trong tình
yêu đôi lứa.
Những nội dung trên đã được các thi sĩ thể hiện trong một vỏ khá mới
mẻ, xu hướng tự do, phóng túng, ít chịu gò bó trong các khuôn khổ
nghệ thuật cũ phổ biến. Ở trong thơ ca hợp pháp giai đoaün này, hầu
như các nhà thơ trên văn đàn công khai đều tìm về với các hình thức
thơ của dân gian, của dân tộc (ca dao, dân ca, thơ lục bát ) để tìm
trong cái vốn phong phú ấy những âm điệu thích hợp với nhu cầu mới.
Tóm lại, những tìm tòi trong việc đổi mới về nghệ thuật và nội dung của
thơ ca hợp pháp, mặc dù chưa mang tính toàn diện, đồng bộ, mỗi
người có một hướng cách tân riêng, không mang lại sự đổi mới có tính
chất nguyên tắc thơ Việt Nam. Nhưng những việc làm đó và việc thơ
trữ tình trên văn đàn công khai tập trung vào sầu cảm, bi thương vào
thế giới bên trong của con người đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của
thơ mới lãng mạn ở giai đoạn 1930-1945.
V. KẾT LUẬN CHUNG
Ở giai đoạn 1900-1930, văn học chưa làm nên những kiệt tác nhưng
không vì thế chúng ta xem nó không có vai trò quan trọng trong lịch sử
phát triển. Phải nhìn nhận đóng góp của nó đối với sự phát triển của
nền văn học nước nhà. Có nó, dòng chảy liên tục từ thế kỷ thứ X đến
nay không tắt mạch hay chia dòng.
Văn học giai đoạn đầu thế kỷ XX có sự hiện diện của cả hai nền văn học
truyền thống và hiện đại, có sự pha tạp cả hai yếu tố cũ và mới, tạo nên
những giá trị trung gian. Văn học giai đoạn này đang ở thời kỳ thử
thách, nó không phong phú ở đỉnh cao mà phong phú ở khả năng phát
triển nhanh ở tính đa dạng. Ðó chính là "cái lượng" cần có cho tiến trình
hiện đại hóa văn học ở bước đầu, để dần dần về sau "lượng" sẽ biến
thành "chất" tạo nên những thành tựu rực rỡ cho văn học vào giai đoạn
30-45.